Chúng ta học Phật là tìm sự giác ngộ. Giác ngộ ngay nơi bản thân mình trước, rồi mới tới những thứ bên ngoài. Vì trong nhà Phật gọi thân này là Chánh báo, còn cảnh và thế giới mình đang sống là Y báo. Chánh báo là chủ, Y báo là bạn. Nếu hiểu Chánh báo tường tận thì thấy Y báo rõ ràng. Cho nên Phật học khác với khoa học ở chỗ khoa học tìm bên ngoài, Phật học quay vô trong, xoay lại mình. Xoay lại mình đến khi giác ngộ rồi sẽ thấy những thứ bên ngoài. Giác ngộ tức biết rõ, biết đúng như thật mọi sự xung quanh nên gọi là có trí tuệ. Nhưng trí tuệ trong nhà Phật không phải là trí tuệ thường, mà bao gồm hai phần, trí tuệ hữu sư và trí tuệ vô sư. Chúng ta đi học, nhờ thầy bạn mà mình hiểu được nhiều điều trong cuộc đời gọi là trí tuệ hữu sư. Còn trí tuệ vô sư là trí tuệ do mình tự phát ra từ tâm thanh tịnh như đức Phật nhờ thiền định mà được giác ngộ vậy. Ngài bảo "Ta học đạo không thầy", không thầy mà sáng, đó là trí tuệ vô sư. Làm sao đạt được trí tuệ vô sư? Khi tâm lặng lẽ sáng suốt thì chúng ta thấy được những điều trước kia mình chưa thấy, biết được những điều trước kia mình chưa biết. Cái thấy biết đó là thấy biết của Trí vô sư. Tất cả chúng ta đều có Trí vô sư. Vì Trí vô sư chính là Phật tánh của tất cả chúng sanh. Mình có Phật tánh sẵn nhưng vì quên nên không thấy. Đức Phật biết quay trở lại mình bằng cách thiền định để lóng lặng thân tâm. Từ tâm lóng lặng trong sáng đó phát ra Trí vô sư. Thế nên Phật tử không được lơ là, yếu đuối, phải cố gắng, phải tiến lên. Nghe nói tới giác ngộ xem như chuyện đó dành cho Phật, còn mình phàm phu nên vô phần. Cam phận tối mò tối mịt, miễn đời sau sanh ra được tốt hơn một chút thôi, chớ không cầu giác ngộ. Đó là suy nghĩ sai lầm, không đúng lẽ thật. Chúng ta là đệ tử Phật phải đi đúng đường, đúng hướng Phật dạy. Đạo Phật là đạo giác ngộ, chớ không phải đạo mê lầm. Cho nên mình tu là để được giác ngộ giải thoát, chớ không cầu gì khác hơn. Đó là mục tiêu trọng yếu của người Phật tử.