CHỈ TÂM YẾU CHO NGƯỜI TU THIỀN

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN 1

Hôm nay tôi giảng bài “CHỈ TÂM YẾU CHO NGƯỜI TU THIỀN” do Thiền Sư Thanh Viễn hiệu là Phật Nhãn dạy. Đây tôi nói qua đại khái để biết Ngài Xuất thân từ đâu.

Như trong sử chúng ta học, cuối quyển Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng tập II thì dòng Lâm Tế Chia làm hai nhánh.

       1. Là Ngài Dương Kỳ.

       2. Là Ngài Hoàng Long.

Dưới Ngài Hoàng Long có nhiều đệ tử nổi tiếng, và dưới Ngài Dương Kỳ cũng có nhiều đệ tử nỗi tiếng. Do đó cả hai chi phái đều thịnh hành ở cuối đời Đường sang đời Tống ( Thiền Sư Phật Nhãn là một vị ở trong đời Tống).

Dưới Ngài Dương Kỳ có hai Ngài Bạch Vân Đoan (tức Thiền sư Nghĩa Đoan ở Bạch Vân). Ở dưới Ngài Nghĩa Đoan có Ngài Pháp Nhãn ở núi Ngũ Tổ hay gọi Ngũ Tổ Diễn. Dưới Ngũ Tổ Diễn lại có ba ông, Phật Giám là anh, đến ông Phật Quả (tức là Ngài Viên Ngộ), rồi ông Phật Nhãn. Như vậy, Ngài Phật Nhãn là đệ tử của Ngài Pháp Diễn thuộc phái Thiền tông Lâm Tế, chi nhánh của Ngài Dương Kỳ. Phái thiền này, trong thời của mấy vị Phật rất là nổi tiếng. Cho nên đời Tống, chịu ảnh hưởng Thiền tông sâu đậm nhất, là do các vị Thiền sư đời Tống này.

Bài “CHỈ TÂM YẾU CHO NGƯỜI TU THIỀN” có tính cách chuyên môn, giảng cho những người đã tu Thiền và học Thiền hơi lâu. Còn người bắt đầu nghe và hoặc chưa từng nghe thấy hơi khó hiểu. Do đó nếu quí vị mới nghe mà có chủng tử Thiền tông cũng có thể lãnh hội được phần nào, còn hoàn toàn không có chủng tử thì đừng trách tôi là giảng khó nghe, vì bài nói như vậy tôi không thể nói khác được. Bởi đây, là chỉ tâm yếu cho người tu Thiền nghĩa là nếu người tu thiền nếu không ngộ được bản tâm không thấy được bản tánh thì đường tu của mình coi như còn xa, chưa vào được cửa đạo. Trái lại nếu nhận được bản tâm, thấy được bản tánh thì mới gọi là người đã vào cửa, mới có thể tiến lên con đường tu hành không còn nghi ngờ. Do đó nên người tu Thiền nào cũng đều  phải làm sao nhận được cái Tâm Yếu của chính mình. Nhận được tâm yếu đó là điều kiện then chốt để đi vào của Thiền. Vậy làm sao học qua bài này, quí vị thấy được cái tâm yếu của chính mình, đó là điều tối thượng mà Ngài Phật Nhãn mong mõi, và tôi hôm nay cũng ước mơ. Mong rằng tất cả quí vị nghe khéo mà nhận được.

Giờ đây bắt đầu vào trong bài. Tôi đọc từng đoạn giải thích cho quí vị nghe rõ.

“Không nên ở trong chỗ rỗng không, không bờ mé mà lập phần hạn, nếu lập phần hạn, tức là cái rỗng không, không bờ mé bèn bị rơi kẹt. Vì thế nên người hiểu không, chẳng có tưởng không. Nếu dùng ngôn ngữ  diễn tả tâm cũng chẵng được tâm. Vì ngôn ngữ vốn là tâm, nên diễn tả nó vẫn chẳng được. các thứ hội đến đều không khế hội với tự tâm. Thượng cổ bảo: “Thầm khế mà thôi” nếu như nơi đây mà chưa đạt đạo thì chỉ không vọng niệm là được.”

Mở đầu quí vị thấy khó chưa?

“Không nên ở trong chỗ rỗng không, không bờ mé mà lập phần hạn”.Ở trong chỗ rỗng không mà lập phần hạn, không bờ mé là chỗ nào? Quí vị nhớ coi chỗ nào? Chỗ nào gọi là chỗ rỗng không, không bờ mé? Vì đây là chỉ thẳng Tâm Yếu mà Tâm Yếu đó là Tâm Thể của mọi người chúng ta. Cái Tâm Thể đó không có tướng mạo, không có hình trạng. Cho nên nó không phần hạn. Bởi không có phần hạn nên nói nó là rỗng không, là rỗng rang. v.v... Vì có tướng, có hình thể rõ ràng, thì mới có chừng, có hạn, mới gọi là có. Còn nếu không có hình tướng cụ thể thì đâu gọi là có? Nhưng không mà chẳng phải không. Đó mới là cái khó khăn nhất của người tu.

Bởi khi chúng ta tìm tâm, chẳng những chúng ta là kẻ ngu muội trong thời mạt pháp, mà kể cả Ngài A Nan, là đệ tử gần với đức Phật mà Ngài vẫn còn mắc kẹt ở chỗ này.

Như trong kinh Lăng Nghiêm, Ngài cứ thưa với đức Phật: “Nếu Phật nói, nó là tâm của con thì tại sao con không thấy nó? Vậy chính Ngài A Nan cũng thắc mắc như thường. Nếu nó là Tâm của mình thì mình phải thấy nó, mình phải nhận ra được nó, thế mới phải là Tâm của mình; bằng không thấy nó, không nhận được nó, làm sao nói của mình được, phải vậy không?

Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thấy nó, thì nó là của ai? Nếu chúng ta thấy được Tâm thì Tâm của ai?

Đó là chỗ nhiều người không hiểu nổi. Vì nghĩ rằng: Nếu tâm của mình thì mình phải thấy. Thật sự, nếu mình thấy, thì không phải Tâm của mình. Cái chỗ đó mới là lạ! Tại sao mình thấy lại không phải tâm của mình?

Ví dụ: Tôi nói con mắt của tôi, tôi thấy ở trước mặt: Nào là đồng hồ, chai dầu, ly nước và tất cả quí vị ngồi đây. v.v...

Tôi thấy tất cả quí vị và những sự vật đó. Vậy những cái đó có phải là tôi chưa? Những cái mà tôi thấy, cái đó chỉ là cái bên ngoài thôi. Còn con mắt hay thấy của tôi, chỉ thấy được sự vậy bên ngoài, chớ không thể thấy được con mắt của mình. Nếu thấy được nó (mắt) là thấy cái gì khác rồi, phải vậy không?

Cho nên chúng ta mắc kẹt ở chỗ muốn tìm thấy tâm mình, và khi thấy là thấy cái gì chứ không phải thấy tâm của chính mình. Đó là điều hết sức khó khăn. Cho nên người tu phần nhiều không nhận ra được bản tâm.

Ví dụ: Bây giờ quí vị nghĩ rằng: Khi mình nỗi giận mình biết, và khi mình nghĩ chuyện gì mình thấy, chớ sao nói không thấy? Thật ra, cái đó chỉ là vọng tưởng, là bóng dáng của 6 trần, cho nên mình thấy được, còn cái biết được vọng tưởng, thấy được vọng tưởng, thấy cái nóng nảy, thấy những triệu chứng bất thường nơi mình, thì cái đó có tướng mạo nào có tướng mạo gì? Vì vậy cái bị thấy không phải là thật của mình. Nhưng lâu nay mình cứ nói cái bị thấy là mình, là tâm của mình, do đó mà lầm. Tưởng đâu mình nhận ra được cái phân biệt, cái suy nghĩ, rồi cho đó chính là tâm mình. Bởi vì người ta lầm nhận: Cái suy nghĩ, cái phân biệt là tâm của mình, cho nên thấy nó có giới hạn, có chừng, có lượng, nên khi nghe Phật nói: Tâm mình nó không có bờ mé, nó rỗng không, thì không ai hiểu nổi.

Ví dụ: Bây giờ tôi suy nghĩ về người, thì tâm tôi nó duyên theo cái hình ảnh người đó và như vậy nó bị giới hạn bởi cái hình ảnh đó, tức là nó có chừng, có lượng. Nếu tôi suy nghĩ về quả núi thì tâm tôi duyên theo quả núi, nó cũng có chừng, có lượng. Cho đến, nếu suy nghĩ về biển cả thì tâm tôi duyên theo biển cả. Nhưng cái tâm mà không suy nghĩ, biết mà không suy nghĩ thì cái đó không có chừng hạn, bởi vì nó không có duyên với một tướng nào cả. Vì vậy nên nói: Nó rỗng không, không bờ mé. Do đó ai lập, có phần, có hạn đều là trật.

Vì vậy, đối với người tu thiền. Khi hỏi: “Tâm ở chỗ nào?” Câu hỏi đó nên trả lời, hay không trả lời?

Nếu hỏi chỗ nào, tức có nơi chốn, mà có nơi chốn tức có hình tướng cụ thể. Nhưng tâm nó không có hình tướng cụ thể, nó đầy khắp, mà đặt câu hỏi: Nó có nơi chốn, làm sao được? Nên trả lời thì trật.

Vì vậy, nên những Thiền sư hay gài bẫy người hỏi. Ví dụ: Bây giờ tôi hỏi: Gió ở chỗ nào? Quí vị làm ơn chỉ cho tôi coi, ở chỗ nào? Ở lá cây chăng? Mà lá cây, phải gió hay không? Dù chỉ ở đâu, cũng chỉ là phát hiện một tướng trạng nhỏ, chớ không phải toàn thể của gió. Nếu chúng ta chỉ thì không bao giờ trúng hết. Vì chỉ chỗ này thì chỗ kia là cái gì?

Do đó, cái không có tướng mạo, không bị khu biệt, mà chúng ta đặt thành tướng mạo khu biệt, đó là sai lầm! Nhưng có những câu hỏi thiên hạ thường hỏi chúng ta:

(Thầy tu cần phải ngộ tâm. Vậy tâm ở chỗ nào? Câu đó nhiều người thường hay hỏi lắm. Nhưng nếu có chỉ ra, thì chỉ cái gì? Chứ không phải chỉ tâm.

Chính Ngài A Nan vẫn còn mắc kẹt, ở 7 chỗ hỏi tâm. Đức Phật hỏi tâm ở đâu? Rồi Ngài A Nan trả lời, trả lời một hồi trật hết. Thế nên, nếu hiểu được cái tâm thể rỗng rang không bờ mé thì lúc đó chúng ta không còn mắc kẹt trong những câu hỏi như: Nó ở chỗ nào? Nó ra sao? Tướng mạo nó thế nào? v.v...

Đặt những câu hỏi đó, thì biết ngay người hỏi họ không hiểu, mà nếu mình đáp, thì mình ra sao? Cũng không hiểu luôn. Thành ra người mù hỏi, rồi người mù đáp, cả hai đều không thấy gì hết. Vậy nên người thật thấy, đối với những câu hỏi đó, không đáp. Đáp tức không thấy. Như vậy, bây giờ hỏi: Cái ghế ở chỗ nào? Người đó ở chỗ nào? v.v... thì được. Còn hỏi tâm ở chỗ nào thì trật. Nếu có ở chỗ nào chăng nữa thì đó là vọng tưởng, nó duyên theo cái này, cái kia thôi.

Đây tôi nhắc lại câu chuyện Ngài Quốc Sư Huệ Trung đời Đường. Có một vị Tăng Ấn Độ sang, tự xưng chứng được lục thông. Vua mời vào, để Huệ Trung thí nghiệm. Ngài Huệ Trung hỏi:

- Nghe Ơng ch?ng l?c thơng, du?c tha tâm thơng. V?y Ơng tìm xem tâm ta ? chỗ nào?

Đại Nhỉ Tam Tạng thưa:

- Ngài là vị quốc sư cả nước mà lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giởn?

Ngài lặng thinh giây lâu hỏi tiếp:

- Ngươi xem ta đang ở đâu?

Đại Nhỉ Tam Tạng nói:

-Ngài là vị quốc sư cả nước mà lại ở bến tàu xem đò đua?

Ngài lặng thinh giây lâu hỏi tiếp:

- Ngươi xem ta đang ở đâu?

Đại Nhỉ Tam Tạng lặng câm giây lâu.

Ngài nói:

-Tha tâm thông của ngươi ở đâu?

Đại Nhỉ Tam Tạng im lặng. Không đối đáp được, bị Ngài Quốc Sư Huệ Trung nạt:

- Dã hồ tinh! Rồi Ông lặng lẽ rút lui.

Vậy hai lần đầu, Ông nói trúng tâm Ngài Huệ Trung, lần chót lại không biết? Dẫn câu chuyện này để quí vị biết, khi chúng ta còn vọng tưởng, người có tha tâm thông sẽ nhìn thấy tâm mình

Ví dụ: Tôi đang ngồi đây, tôi tưởng tôi đang đứng ngoài biển xem người ta tắm biển, người có tha tâm thông liền thấy được cái tâm tôi ở ngoài biển.

Nhưng bây giờ, nếu tôi ngồi ở đây mà tâm tôi không động, không dấy niệm, thì đâu có ai biết đâu mà thấy. Đó là cái tâm thể, rỗng rang không tướng mạo, vì nó không có chỗ nơi. Hiểu được như vậy chúng ta mới hiểu câu đầu này: Không nên ở nơi chỗ rỗng không, không bờ mé (rỗng không, không bờ mé chỉ cho tâm thể của chúng ta) mà lập phần hạn, tức là trong cái tâm thể đó mà lập: Có phần, có hạn, có chỗ nơi, có hình tướng đều là trật hết.

Nếu lập phần hạn, tức cái rỗng không, không bờ mé bèn bị rơi kẹt. Nếu chúng ta lập phần hạn, thì cái tâm thể đã bị rơi, bị kẹt rồi; nghĩa là không còn đúng cái tâm thể rỗng rang nữa.

“Vì thế, nên người hiểu không, chẳng có tưởng không.” Câu này Ngài kết luận lại. Bởi lẽ đó cho nên người hiểu không (hiểu được cái tâm thể rỗng không của mình) thì không có tưởng không. Chỗ này đa số người học đạo thường bị hiểu lầm, rồi trở lại mỉa mai người tu thiền. Họ cứ nói: “Tu thiền nói: Cái gì cũng không.” Cho nên, chính khi tôi đặt cái hiệu “Chơn Không” của tu viện rồi giảng Bát Nhã, có lắm vị nói:

Tôi nói cái gì cũng không. Nhưng thật sự người hiểu không mà chẳng có tưởng không.

Ví dụ: Quí vị biết gió không có tướng mạo, nhưng nó trùm khắp, biết chắc như vậy. Nhưng thử hỏi: Hiện giờ trước mắt quí vị có gió hay không? Có hay không có? Và tướng mạo gió ra sao? Quí vị nói thử xem? Gió nó giống như cây tùng không?

Dĩ nhiên không giống. Vậy gió nó giống như cây sứ, cái nhà, quả núi không?

Tất cả câu hỏi, mình trả lời đều không. Vậy họ kết luận: “Như thế là không có gió.” Nói vốn không có gió quí vị chịu không?

Thực tế gió ở trước mắt chúng ta, bao trùm chúng ta. Cũng như không khí đang bao trùm chúng ta, và chúng ta đang sống trong không khí. Như con cá đang sống trong nước, thì làm sao nó biết nước ở chỗ nào? Chỗ nào lại không có nước.

Cũng vậy, gió bao trùm hết, nơi nào cũng có gió nhưng mà chỉ không được, đặt phần hạn không được. Hỏi gió bao lớn? Quí vị thử nói bao lớn? Bằng quả núi chăng? Cũng không được. Bằng cái gì cũng không được. Nghĩa là không thể đặt nó có hạn lượng.

Nhưng không vì vậy mà nói không có gió. Cũng như người chưa nhận ra được cái thể tròn khắp của gió, thì khi hỏi tướng mạo gió ra sao, mình nói không giống cái gì hết, rồi họ nói mình nói không.  

Không như vậy là không có gió. Vậy họ nói đúng hay sai? Cũng vậy, tâm thể nó trùm khắp mà ta không thấy được tướng mạo, bởi tướng mạo nó là tướng mạo mình, mình chỉ nhận được cái diệu dụng của nó mà biết nó. Tướng nó là gì? Là không tướng.

Chớ không thể thấy được. Vì thấy được nó, là có một sự kiện, một hình thức, một tướng mạo rồi.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM