PHẦN 2
Bây giờ trở
lại cái ví dụ tôi nói hồi nãy. Con mắt không thể thấy, cái thấy của chính
(mình) con mắt tôi. Nhưng mà tôi có thể biết, tôi có cái thấy hay không?
Biết được không?
Nếu tôi thấy
được quí vị, thấy được tất cả đồ vật chung quanh, tức tôi biết ngay nơi
tôi. Tự thầm nhận tôi có con mắt sáng. Trái lại, nếu tôi ngồi đây mà tôi
không thấy tất cả, tức tôi không có con mắt sáng.
Như vậy, khi
thấy được tất cả sự vật liền nhận ra mình có con mắt sáng, chớ không phải
thấy được con mắt sáng của chính mình. Cũng như vậy, khi chúng ta có những
cái diệu dụng của tâm, biết được người, biết được cảnh, nghe được tiếng.
v.v...
Tất cả cái
diệu của nó phát ra. Chúng ta nhận biết ngay nơi mình có cái tâm thể, cái
tâm thể ấy rỗng rang, chớ không phải thấy được tâm thể. Vì vậy ở dưới mới
nói là “Thầm Khế Hội” tức là thầm khế mà thôi chứ không có chỉ bảo ra
được.
Cho nên hiểu
được cái đó rồi thì biết được mình có tâm thể. Tâm thể đó nó không có
tướng mạo. Bởi không có tướng mạo nên nói: Cái gì là tâm thể, thì không
thể chỉ được. Tuy nhiên, không chỉ được mà chẳng phải không có tâm thể.
Chớ bảo, vì chỉ không được nên nói không có tâm. Nói như vậy có đúng
không?
Cũng như, vì
chỉ gió không được, nên nói: không có gió, được không? Như vậy để biết
rằng, không vì chỉ chỗ nơi của gió không được, mà nói không có gió. Không
vì chỉ tướng trạng tâm không được, mà nói không có tâm. Vậy người biết rõ
tâm thể nó rỗng rang không có tướng mạo. Cũng như biết gió nó trùm khắp mà
không có tướng mạo, thì người đó không bao giờ nói: không. Cho nên nói
“chẳng có tưởng không”. Thực tế là trước mắt mà người ta không thấy.
“Nếu dùng ngôn
ngữ diễn tả Tâm, cũng chẳng được tâm. Vì ngôn ngữ vốn là tâm, nên diễn tả
nó vẫn không được. Không ngôn ngữ cũng vốn là Tâm. Không diễn tả nó vẫn
không được.”
Chỗ này khó
hiểu làm sao? Nói rằng: “Dùng ngôn ngữ diễn tả tâm trọn chẳng được.” Tại
sao vậy?
Bây giờ, quí
vị nghĩ nếu dùng tất cả ngôn ngữ, chúng ta sẽ diễn tả Tâm bằng cách nào?
Khi diễn tả, chúng ta luôn luôn diễn tả nó theo cái thấy đối đãi. Chẳng
hạn hỏi:
- Tâm nó làm
sao?
- Tâm nó lớn
lắm, như thế này, như thế kia, như quả núi hay lớn như cái này, như cái
kia. v.v...?
Tất cả chúng
ta thấy cái lớn đó, đều có tướng mạo, Tâm Thể thì không tướng mạo. Vậy khi
chúng ta dùng ngôn ngữ để diễn tả, càng diễn tả lại càng không trúng. Cho
nên nói: “Dùng ngôn ngữ diễn tả cũng không được, mà chẳng dùng ngôn ngữ
diễn tả Tâm, cũng chẳng được Tâm.” Nếu làm thinh hoài cũng không được. vậy
cả hai, dù nín, dù nói chưa phải là được Tâm Thể. Đừng nghĩ, nói là thấy
tâm, nín là không thấy tâm, hay nín là thấy tâm, nói là không thấy tâm. Vì
tâm trùm cả nín và nói. Cho nên nói: ”Vì ngôn ngữ vốn là tâm.” Nếu không
là tâm thì làm sao phát ra ngôn ngữ? Nên không diễn tả được, chẳng lẽ nó
lại diễn tả nó. Không ngôn ngữ cũng vốn là tâm “Tâm vốn tự lặng”. Không
diễn tả nó cũng chẳng được. Im lặng đâu thể diễn tả được im lặng?
Vì dù nín dù
nói gì cũng là Tâm hết, không lý do gì tâm mà diễn tả tâm được. Dụ như
ngón tay tôi là cái hay chỉ, mà nói “chỉ cái ngón tay đó” cho tôi coi?
Nếu tôi chỉ có
một tay này, không có cái tay thứ hai mà bảo chỉ “cái ngón tay chỉ” đó thì
tôi chỉ được nó hay không? Tay tôi hay chỉ người này, chỉ người kia, mà
bảo chỉ ngay nó, thì tôi không biết lấy cái gì mà chỉ nó. Vì nó là cái chỉ
rồi, cho nên nó chỉ có quyền chỉ cái này, cái nọ, nhưng chỉ lại nó, thì
không làm sao chỉ nó được hết. Nếu có cái chỉ nó, thì nó không phải là
ngón tay chỉ, mà là cái khác nó.
Thế nên chỗ
này rất khó nói. Vì tâm là phát ra ngôn ngữ, diễn tả; im lặng hay nói năng
gì cũng gốc từ tâm mà ra. Bây giờ quí vị thấy, như mặt biển, lúc có sóng,
khi không sóng, cũng vẫn là biển, phải vậy không? Có sóng cũng là biển,
không sóng cũng là biển, chớ không thể nói: Có sóng mà không thấy biển,
hoặc là không sóng thì không phải biển. Sóng và không sóng cũng là mặt
biển.
Thế nên, những
cái có, không. Không thể diễn tả được biển. Biển là biển thôi, nó trùm
khắp hết.
“Các thứ hội
đến đều không khế hội với tự tâm”. Nghĩa là cái nào mà mình hội đến (hội
đến tức hiểu đến) đều không khế hội với Tâm. Đây là chỗ thật khó! Tại sao
mình hiểu đến, không phải là tâm?
Cũng như trước
đã nói, cái gì mình thấy, đều không phải cái thấy của mình. Vì khi thấy,
là mình thấy những cái, ngoài cái thấy. Bây giờ quí vị có thể thấy được
tất cả trong chùa này, nhưng quí vị có thể thấy được cái thấy của quí vị
không? Chính chỗ này trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giải thích cho
Ngài A Nan: “Cái thấy của mình không thể thấy được nó.” Vì thấy được nó
thì nó thành ra một vật ở bên ngoài rồi, chớ nó đâu phải là cái thấy của
mình.
Cũng như cái
hiểu. Nếu nói: “Tôi hiểu tâm rồi!” Thì cái hiểu đó cũng không phải là tâm.
Bởi vậy có một Thiền khách đến hỏi đạo với một Thiền sư. Thiền khách hỏi:
- Thế nào là
đạo?
Vị Thiền sư im
lặng giây lâu, rồi hỏi:
- Không hội
(hiểu) không?
- Dạ không
hội.
- Không hội là
tốt.
Không hiểu là
tốt. Chính cái không hiểu, cái đó mới nhận được tâm. Nếu hiểu, là hiểu cái
gì rồi, chớ không phải hiểu tâm. Quí vị thấy được cái đó không?
Bởi vì chúng
ta hiểu là hiểu cái gì? Nói mình hiểu cái này, mình hiểu cái kia. v.v...
Thì cái bị mình hiểu: Cái này, cái kia là cái bên ngoài mình rồi. Còn cái
hay hiểu, mới chính là mình. Song cái hay hiểu đó: Nó đã hiểu cái khác.
Tức nhiên cái khác, không phải là nó. Nếu nói hiểu Tâm thì Tâm thành ra
cái bị hiểu. Cũng như tôi nói: cái thấy mà thấy được, là thấy vật khác,
chớ không phải thấy được, cái thấy.
Quí vị thấy có
dễ hiểu hay không? Chỗ này là chỗ chỉ tâm yếu. Nghe đến nó đau cái lỗ tai.
Bởi vì lâu nay, người ta quen chạy theo hình tướng, nhưng cái tâm yếu đó,
nó không có hình tướng và chính cái đó, nó mới thật là của mình. Còn những
cái lâu nay, tôi hiểu thế này, thế kia. v.v... Những cái bị hiểu đó, không
phải là của mình. quí vị nên nhớ như vậy.
Cũng như bây
giờ quí vị ngồi, quí vị thấy vọng tưởng, thấy mình suy nghĩ cái này, cái
kia... thì cái suy nghĩ đó không phải là mình, nó chỉ là một phần nhỏ xíu
của dụng, chớ không phải là cái thật của thể.
Như vậy để
thấy, nếu chúng ta cho rằng hiểu được tâm mình, tức chúng ta không hiểu gì
hết. Vì tâm là cái không thể hiểu. Không thể hiểu mà hiểu, nói nghe thật
là mâu thuẩn. Không thể hiểu mà hiểu. Vì chữ hiểu này, hiểu mà không. Có
nghĩa là:
Tôi không thể
thấy được cái thấy của tôi. Nhưng mà tôi nhận được tôi có cái thấy, vì tôi
thấy được sự vật. Cũng vậy, tôi không thể hiểu được cái tâm của tôi, nhưng
tôi nhận được tôi có cái Tâm. Nhận được như vậy gọi là: “Thầm Khế”. Vì vậy
nên Ngài nói: “Các thứ hội đến đều không khế hội với tự tâm. Thượng cổ
bảo: Thầm khế mà thôi”. Tức là chỉ tâm nhận, chớ không thấy được nó, không
hiểu được nó (nó chỉ tâm thể). Vì không thấy được nó, chữ nó đại danh từ
không xác định, không chỉ đích tên được.
Sở dĩ các Kinh
đặt tên cho nó cũng là gượng nói, gượng đặt, gượng kêu vậy thôi.
Ví dụ: Kinh
Lăng Nghiêm gọi là Chơn Tâm, Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật, Kinh Hoa
Nghiêm gọi là Pháp giới Tánh, Duy thức gọi là Như Lai Tàng, Thiền Tông gọi
là Bản Lai Diện Mục...
Cho nên đọc
sách Thiền. Quí vị thường nghe nói: “Không hiểu là tốt” hay là “Cứ giữ cái
không hiểu đó”. Tại sao không hiểu mà giữ? Tại sao không hiểu mà tốt? Khi
hiểu được chỗ này quí vị mới hiểu qua được trong sách Thiền.
“Nếu như nơi
đây mà chưa đạt đạo thì chỉ không vọng niệm là được.”
Giờ đây Ngài
nói một câu an ủi chúng ta là: Nếu ngay chỗ này mà mình không nhận được.
Nghĩa là không nhận ra đưọc cái “Bản Tâm rỗng không, không bờ mé” thì việc
đầu tiên có thể làm được là: “Chỉ không vọng niệm là tốt”. Bởi vì nói đến
chỗ đó, cốt sao cho người ta hiểu, nhưng nếu chưa hiểu được, chưa nhận
được, chỉ cần không vọng niệm là tốt, có việc gì khác đâu? Đó là giai đoạn
đầu.
“Nếu người
biết là vọng niệm, tác ý dừng nó là vì (do) thấy có vọng niệm. Người biết
có vọng niệm, tác ý liền quán sát khiến thấy chánh lý cũng (do) thấy có
vọng niệm. Biết vọng nguyên là đạo mới không vọng. Cho nên người đạt đạo
không sỏ đắc. Chỉ không cầu gì khác, biết không mê vọng, gọi là thấy đạo.
Đây là chỉ
thẳng đạo, hay tâm yếu. Nói: “Nếu người biết là vọng niệm, tác ý dừng nó”.
Thí dụ: Mình
đang ngồi thiền, thấy vọng niệm, thấy những cái suy nghĩ của mình nó dừng
lại. Nó dừng, là vì thấy nó là vọng niệm. Người đó là người thấy có vọng
niệm. Vì thấy nó lặng, tức là có niệm.
“Người biết có
vọng niệm, tác ý liền quán sát khiến thấy chánh lý, cũng thấy có vọng
niệm.”
Thí dụ: Bây
giờ vọng niệm nó dấy lên, mình liền (biết) quán sát,liền xét tìm coi, cái
vọng này từ đâu mà ra, hay cái vọng này là không thật... Khi mình tìm,
mình quán sát nó, tức là lấy chánh lý để quán sát, khiến cho nó lặng. Đó
là mình cũng thấy vọng niệm. “Biết vọng nguyên là đạo, mới không vọng”.
(Chỗ này thật là trực chỉ) Tại sao biết vọng nguyên là đạo mới không vọng?
Hầu hết chúng ta tu, đều thấy vọng là vọng, vọng khác với đạo. Ở đây Ngài
chỉ, “vọng tức là đạo”. Chỗ này quí vị nghe thấy khó hiểu, vì chúng ta
quen sống trong cái đối đãi, cho nên có lập chơn, lập vọng, cho bên này là
vọng, bên kia là chơn. Do thấy có vọng liền biết có chơn. Thành ra chơn
vọng là hai cái đối đãi. Nhưng thật sự thì nó không hai. Ví như khi ta
nhìn xuống biển thấy sóng nổi dậy. Có người nói: “Đây là sóng”. Rồi chúng
ta hỏi: “Cái nào là nước?” (vì có danh từ sóng thì cũng có danh từ nước).
Vậy cái đang nổi lên là sóng, còn cái nào là nước? Trong khi sóng nỗi ầm
ầm. Quí vị tìm nước, thì nước phải tìm ở đâu? Nếu chúng ta cho cái này là
sóng, rồi muốn tìm nước, chắc rằng chúng ta tìm nước suốt đời cũng không
ra.
Chỉ cần ngay
nơi sóng đó mà biết: “Sóng tức là nước”, ngay nơi sóng múc lên, khỏi phải
tìm đâu xa.
Vậy cái vọng
cũng vậy, nguyên vọng tức là chơn. Giờ tôi xin hỏi lại: Khi chúng ta chưa
dấy niệm thì lúc đó nó là cái gì? Kế đấy dấy lên rồi nó lặng xuống. Vậy
khi nó dấy lên gọi đó là vọng, khi nó lặng xuống gọi nó là gì? Như vậy,
nguyên thể nó là chơn hay vọng? Cũng như khi chưa nổi sóng cũng là nước,
nước dấy sóng lên cũng là nước. Ngay cái thể đó là nước. Thành ra cái
chơn, cái vọng, đâu có rời nhau, tại mình cứ quen đặt nó thành hai. Nghĩa
là vọng khác, chơn khác, dẹp cái này để tìm cái kia, rốt cuộc vọng vẫn
hoàn vọng. Vì thấy vọng khác, chơn khác, nên bỏ vọng để tìm chơn. Nhưng
khi tìm chơn thì cái chơn ấy cũng ở ngoài chúng ta rồi!!! (Tôi đánh ba
chấm than để quí vị nhớ hoài).
Bây giờ biết
vọng tức là chơn (chữ tức ở đây có nghĩa là không tách rời nhau được),
vọng có dấy lên, thì nó từ cái chơn mà dấy lên; nếu nó lặng xuống tức trở
về cái chơn, chớ đâu có gì lạ! Như vậy ngoài chơn không có vọng, ngoài
vọng không có chơn. Ngay nơi đó biết thể của vọng vốn chơn, thì vọng tự
hết. Cho nên thường thường người tu thiền chúng ta “Biết vọng không theo”
mà không theo thì tự nhiên vọng nó lặng, vọng lặng tức là chơn, là đạo.
Nhưng những cái đó chỉ dùng trong buổi đầu. Đến khi thuần thục chúng ta
thấy vọng tức là chơn. Lúc đó chơn và vọng đâu có thật. Tại sao vọng tức
chơn? Vì thể của vọng là không, dấy lên rồi mất, dâý lên rồi mất có gì
phải dẹp? Biết thể của nó là chơn, hay biết thể nó là không, thì tự nhiên
nó lặng, đâu nhọc nhằn trừ dẹp nó. Vì vậy ở đây nói: Nếu mình dùng phương
tiện, quán sát để cho nó dừng lại, thì cũng là thấy có vọng thật (thấy có
vọng, thấy có dừng, tức là thấy vọng thật) mà thấy vọng thật thì thấy chơn
có thật chăng?
Như vậy là
thấy đối đãi, mà đối đãi là pháp sanh diệt chưa phải thấy cái thể thật.
Cái thể thật đó không có hai, bởi không hai nên vọng tức là chơn, cũng như
sóng tức là nước. Chớ không phải rời sóng mà tìm nước. Vậy ngay nơi vọng
dấy lên mình biết, thể nó là không tức là chơn rồi, tức là đạo rồi! Bởi vì
chúng ta biết vọng nó là chơn.
Chỗ này cần
nói rõ cho quí vị tu bớt sợ. Bởi vì chúng ta biết vọng là cái gốc, dẫn
chúng ta theo nghiệp, nên nhiều khi chúng ta coi đó như là cái gì đáng sợ.
Vì ngồi tu mà vọng hoài, vọng liên miên, nên đâm hoảng, nghĩ mình tu hành
5 năm, 10 năm vẫn còn vọng hoài, thì đâu có kết quả gì.
Nhưng giờ đây
quí vị biết, nó không thật, tức không còn sợ nó nữa. Biết vọng nguyên là
chơn thì có gì phải sợ? Biết vọng vốn chơn: Một là không theo. Hai là tự
nó lặng xuống chớ có gì lạ đâu? Sở dĩ chúng ta chạy theo nó, vì chúng ta
thấy nó có lý, thấy nó hay hay, thấy nó thế này, thấy nó thế kia... giờ
đây biết vọng tưởng là cái thể trổng không, không có thật thì tự nhiên nó
trở về với đạo, trở về với chơn.
Quí vị cứ nhìn
thẳng khi nào vọng dấy lên, biết thể nó là rỗng không, là chơn thật, thì
tự nhiên nó không có gì phải sợ. Chính trong Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ đã
nói: “Mê thì chạy theo niệm để tạo nghiệp, nếu tỉnh thì mỗi niệm mình đều
giác, mỗi niệm mình là Phật chớ không có gì khác.”
Như vậy không
tìm Phật ở đâu xa, không tìm đạo ở đâu xa, chỉ ngay trong vọng đó mà thấy
tâm, ngay trong vọng đó mà thấy Phật. Tức là, mỗi vọng dấy lên đều biết,
thể nó là không, thì tự nó chơn, tự nó đạo, tự nó Phật chớ không có gì lạ.
“Cho nên người
đạt đạo không sở đắc.” Vì vọng lặng xuống tức là chơn, còn cái gì mà được?
Quí vị tìm thử? Nếu có được thì cái đó là cái bên ngoài, có sở sắc tức
chẳng phải chính mình. Chẳng hạn mình được cái này, mình được cái kia...
thì cái này cái kia là cái bên ngoài. Nếu ngay nơi vọng liền thấy thể nó
là chơn thì còn gì nữa mà được? thành ra thấy có được là thấy hai, bỏ cái
này, để được cái kia. Trái lại không thấy có hai thì chỗ nào mà nói được?
Do đó trong Kinh Kim Cang nói: “Vô Sở Đắc”. Vì vừa có sở đắc (chỗ được)
tức nhiên không phải đạo rồi.
Nhưng đa số
người học đạo hiện tại gần như 99% nghe tu đều hỏi: Đắc được cái gì chưa?
Cứ dùng chữ Đắc, dùng chữ Được, dùng chữ Thấy... Bao nhiêu thứ để hỏi. Quả
thật là người thấy đạo, hiểu được đạo thì không bao giờ trả lời câu hỏi
đó. Vì trả lời những câu hỏi đó là trả lời theo cái kẹt. Người ta đã sai,
mình lại trả lời theo cái sai của họ, tức mình cũng sai luôn.
Bởi vậy tôi
nhắc lại một lần nữa, nếu mình thấy có cái này xấu, cái kia tốt, nên mới
bỏ cái xấu, cầu cái tốt: Bỏ cái xấu được cái tốt, đó gọi là được. nếu xấu
tức là tốt thì, không còn bỏ, không còn được. Nó chính là nó rồi, không
còn gì nói là được? Cho nên còn nói được tức còn có hai cái đối đãi, mất
cái này được cái kia. Nên không có hai, chỗ nào nói được?
Vọng niệm mà
mình không dấy vọng niệm là thật. Vọng vốn nguyên là chơn, thì ngay đó
không còn thấy có được mất . Như vậy, đã không được không mất, đó là thấy
cái thể chơn thật. Cho nên câu chót của đoạn này Ngài nói:
“Chỉ không cầu
gì khác, biết không mê vọng, gọi đó là thấy đạo.”
Không cầu gì
khác tức là không cầu được, không cầu thành, không cầu cái gì khác, mà chỉ
cần biết ngay nơi mình: “Mê vọng có, tỉnh vọng không, không có mê vọng gọi
là thấy đạo. Cho nên người thấy đạo, là người ngay nơi tâm mình khi đi,
đứng, nằm, ngồi, nói, nín như như chớ đừng cầu cái gì khác! Có cầu đều
bệnh! Thế nên câu kết thúc Ngài chỉ cho chúng ta quá rõ: “Chỉ không cầu gì
khác, biết không mê vọng, gọi đó là thấy đạo.” Cái biết mà không mong cầu,
không mê vọng, thì cái biết đó gọi là thấy đạo. Bởi không mê tức chẳng
lầm, không vọng tức không có động, không có vọng niệm dấy lên, người thấy
đạo là như vậy (thấy đạo tức là thấy tâm, thấy tâm yếu). Ngài chỉ thẳng
tâm yếu là như thế đó, quí vị nghe có thấm chưa?
Đến đây Ngài
nói: “Người thời nay nói thẳng tất cả đều là đạo”. Tức là nghe trong Kinh
nói: “Thảy đều là đạo.” (chữ “thảy” đây là tất cả) Ý nghĩa tất cả đêu là
đạo, rồi cũng bắt chước như vậy. Nói thảy đều là đạo, nhưng mình đã thấy
đạo chưa?
Ngài nói tiếp:
“Cũng ví như kẻ ngồi bên mâm cơm, nói ăn mà bụng vẫn đói, vì chưa từng
ăn.” Tức nghe trong Kinh nói: “Tất cả là đạo.” Rồi cũng bắt chước nói:
“Thảy đều là đạo.” Nói như mình đã nhập xong, nhưng sự thật vẫn là kẻ ngồi
bên mâm cơm nói: “Tôi ăn cái này, tôi ăn cái kia. v.v... Nhưng chưa từng
ăn và chưa được miếng cơm nào vào miệng. Nói thì nghe như trúng lắm, mà
rốt cuộc không có dính dáng gì.
“Người đạt đạo
thì bặt năng sở.” Năng sở là cái hay biết và cái bị biết, và cái hay hoặc
động và cái bị hoặc động. “Chẳng còn riêng có huyền lý.” Nghĩa là không
còn thấy lý huyền diệu nào riêng nữa, ngay nơi mình tức thấy đạo. Cho nên
nói, Người đạt đạo vốn không có lý luận nhiều. Vì sao? Vì nếu ta cứ nói
đạo là hay thế này là hay thế kia...
Rốt cuộc cái
hay đó là cái hay ở bên ngoài, không phải cái hay thật của chính mình.
“Chỗ tầm
thường nhật dụng, như khi thấy sắc là lúc chứng, khi nghe tiếng là lúc
chứng. Khi uống nước, ăn cháo là lúc chứng, mỗi mỗi đều bặt năng sở.” |