PHẦN 3
Những chỗ này,
nói thật khó hiểu, nhưng là một lẽ thật. Tức là đạo ở ngay chỗ tầm thường
nhật dụng của chúng ta chớ không đâu xa! Đây tôi xin dẫn chuyện Ngài Đạo
Ngộ và Ngài Sùng Tín. Khi Ngài Sùng Tín phát tâm tu thì Ngài Đạo Ngộ có
nói:
“Ông làm thị
giả cho ta, rồi ta sẽ chỉ Tâm Yếu cho Ông.
Sùng Tín hầu
hạ 3 năm trời, không nghe chỉ Tâm Yếu gì hết. Hôm nọ Sư không còn chịu nổi
được nữa. Bèn lên bạch với Ngài Đạo Ngộ.
- Bạch Hòa
Thượng, khi con xuất gia Ngài bảo: Con làm thị giả cho Ngài, rồi Ngài chỉ
tâm yếu cho con. Sao 3 năm nay Ngài chưa từng dạy con tâm yếu gì hết?
Ngài Đạo Ngộ
nói: “Ta đã chỉ cho con rồi. Sao lại nói như vậy?
- Ngài chỉ cho
con lúc nào?
- Ngươi bưng
cơm lên ta vì ngươi nhận, ngươi dâng trà ta vì ngươi nhận. Ngươi xá lui ta
vì ngươi gật đầu. Chỗ nào chẳng dạy tâm yếu cho ngươi?
Sư cúi đầu
lặng thinh giây lâu.
Đạo Ngộ bảo:
- Thấy thì
thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai. Ngay câu đó Sư khi ngộ. Lại hỏi
thêm:
- Làm sao gìn
giữ?
- Mặc tánh
tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải
khác.”
Như vậy chỉ có
đưa, nhận, gật đậu những cử chỉ rất tầm thường mà nhận được tâm yếu. Tâm
yếu đâu có cái gì kỳ đặc. Không ngờ TâmYếu, chính là cái thường nhật dụng
hàng ngày. Do đó ở đây Ngài mới dẫn: “Như khi thấy sắc là lúc chứng.” Bằng
chứng cụ thể là ở hội Linh Sơn, toàn chúng đang ngồi chờ Phật thuyết pháp,
Ngài liền cầm cành hoa sen giơ lên thì ở dưới Tổ Ca Diếp chúm chím cười.
Ngài đã thấy đạo. Sau này, các vị Tổ cũng thế, khi đưa cây phất tử lên thì
có vị cũng nhận ra. Như vậy “thấy sắc là đã chứng.”
Khi nghe tiếng
là lúc chứng. Như trường hợp Ngài Hoàng Bá gọi Tướng Quốc Bùi Hưu. Ngài
gọi:
- Bùi Hưu!
- Dạ!
- Ở đâu?
Thì Bùi Hưu
liền nhận ra!
“Khi uống
nước, ăn cháo là lúc chứng. “Như Ngài Triệu Châu, khách đến Ngài hỏi:
- Ông từng đến
đây chưa?
- Dạ! Đã từng
đến đây.
- Uống trà đi.
Người khác đến
Ngài hỏi:
- Ông đã từng
đến đây chưa?
- Dạ! Chưa
từng đến.
Liền bảo uống
trà đi
Chú thị giả
thắc mắc liền hỏi:
- Người chưa
từng đến Hòa Thượng bảo uống trà đi. Người đã từng đến rồi, sao Hòa Thượng
cũng bảo uống trà đi?
Ngài Triệu
Châu hỏi:
- Chú ăn cháo
chưa, chú thị giả thưa đã ăn rồi. Ngài bảo:
- Uống trà đi!
Chú thị giả liền ngộ!
Như vậy, khi
uống nước, ăn cháo là lúc chứng, ngay trong đó mà thấy đạo.
“Mỗi mỗi đều
bặt năng sở.” Đó là mỗi mỗi đều nhận rõ nơi mình, không có năng không có
sở.
“Đây chẳng
phải tập lâu, chẳng nhờ huấn luyện mà được, bởi vì là việc hiện thành.
Người đời không biết gọi là trôi lăn.”
Cái đó chẳng
phải do tập lâu mà được, hay huân luyện mà thành, chỉ khéo nhận liền được.
“Bởi vì là
việc hiện thành.” Chữ “Hiện thành” có nghĩa là: Nó ở trước mắt mình, nó đã
sẳn có, chớ không không đâu xa. Thành ra không phải huấn luyện mà được. dù
có huấn luyện bao nhiêu đi nữa, nếu không khéo nhận ra nó, thì nó cũng
thành xa. Chỉ khéo nhận, đó là việc hiện trước mắt!
“Người đời
không biết gọi là trôi lăn.” Tức là không nhận ra nó, không biết nó, nên
cứ trôi lăn trong đường sanh tử. Cho nên nói: Chúng ta hiện đang sống
trong cái tâm thể này, nó sẳn sàng, nó trùm khắp mọi nơi, mọi người chúng
ta, mà chúng ta không thấy nó. Chẳng khác nào người đang sống trong không
khí, lại quên không khí. Như con cá sống trong nước mà quên nước.
Sống trong
nước mà quên nước, có khác gì sống trong không khí mà quên không khí. Chỉ
tại vì mình cứ nhớ những cái có tướng mạo mà quên đi cái “nó trùm khắp!”
Tức là ở ngay nơi mình, tâm thể nó trùm khắp, mình lại quên nhận, lại nhận
những tướng suy nghĩ này nọ, tính toán kia đây.v.v...
Do đó nên gọi
là trôi lăn, là luân hồi. Cho nên nói: Chỉ chắn mới biết, khó có thể
lường. Chỉ người nào chứng được thì người đó mới biết, khó có thể lường
nổi. Chuyện đó quá rõ, vì nó sẵn trước mắt, nhưng có người tìm hoài suốt
đời không thấy. Bởi tìm cho nên không thấy, càng cố tìm càng không thấy.
(vì nó là sẳn của mình, ở trước mắt) Như vâỵ khó hay dễ? Tìm suốt đời
không thấy thì đâu phải dễ. Nhưng ở trước mắt thì đâu phải khó. Vì ngay
chỗ tìm hoài không thấy nên Ngài Long Uẩn nói:
- Khó khó khó!
Mười tạ dầu mè trên cây vuốt. Nhưng bà vợ lại nói:
- Dễ dễ dễ,
trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư.
Người nói khó
người nói dễ. Nên người con gái tên Linh chiếu nói:
- Cũng chẳng
khó, cũng chẳng dễ. Đói đến thì ăn, mệt ngũ khò. (Dã bất nan dã bất dị
cơ lai khiết phạn, khốn lai thùy.)
Nhưng đối với
chúng ta, (không nhận được) đói ăn, mệt ngủ, suốt đời chắc trôi lăn trong
vòng sanh tử, biết bao giờ mới được thảnh thơi! Đó là chỗ thật tình Phật
Tổ muốn chỉ, điểm này thật là quan trọng!
“Người học
biết rõ việc này, vì sao không được Yếu chỉ mà thường nghi.”
Nảy giờ, Ngài
nói dễ, để chúng ta nhận ra cái đó. Giờ đây có người nhận ra rồi, nhưng họ
vẫn còn nghi, tại sao? Bởi vì tin chưa tột, nghi chưa sâu thì chính là
việc ấy! Bởi vì nhận ra thì nhận ra rồi, nhưng vẫn còn nghi? Là tâị nhận
để mà nhận, nữa tỉnh nữa mê, hoặc nghi mà nghi chưa thật sâu, tức nhận
chưa thấu đáo. Nếu nghi tột thì khi bừng ngộ cũng là ngộ tột. Còn nghi
không ra nghi, ngộ không ra ngộ, nó lừng chừng nữa tỉnh nữa mê, thì không
khỏi còn có chỗ mập mờ. Cho nên tôi lập lại lời nói đầu tiên của tôi, khi
mở khóa giảng 3 năm ở đây. Tôi nói: “Tôi dạy 3 năm, chỉ làm sao cho người
học đủ niềm tin là được.” Đủ niềm tin là tôi mừng rồi. Quí vị đã đủ niềm
tin chưa? Thấy coi như dễ mà khó. Chữ Tin ở đây, không phải tin theo kiểu
Phật ban phước, Phật nói Kinh hay, mà tin ngay nơi mình có tâm thể rõ ràng
như vậy. Không còn nghi ngờ gì hết. Đi, đứng, nằm, ngồi, gì cũng biết mình
có cái đó không nghi, đó mới là thật tin. Còn bây giờ, nhiều khi tin, mà
một lúc bận lo chuyện đời, rồi cũng quên mất. Quên mất rồi lâu lâu lại sực
nhớ. Uía! Mình có cái đó, sao để cho nó chạy mất đi? Đó là tin mà chưa
thật tin. Lại nhiều khi tin mình có cái đó, nhưng sống với nó cũng hơi
buồn buồn, nên suy nghĩ cái này, suy nghĩ cái kia, do suy nghĩ tính toán
thì thấy có được cái này, cái nọ vui hơn. Nhất là người tu ở chùa không
lâu. Khi trước học Kinh có nhiều câu không hiểu, giờ đây tâm hơi yên tỉnh,
nhớ lại câu đó liền hiểu ra, thấy hay quá, rồi cứ theo câu đó và suy nghĩ
về câu đó mãi, lâu lâu lại nhớ câu khác rồi cũng nghĩ theo. v.v...
Cứ thấy cái
suy nghĩ đó là hay mà bỏ thì uổng, không nở bỏ! Đó là bệnh. Hoặc có người
không nhớ Kinh, mà khi trước tính chuyện làm ăn gì đó, bị lung túng suy
nghĩ không ra. Giờ có tu chút chút nên tính cái gì trúng cái nấy. Rồi trở
lại suy nghĩ, chuyện đó phải trả lời họ làm sao? v.v...
Giờ đây tâm
hơi tỉnh táo, nên liền nghĩ ra cái ý, trả lời như vậy là khôn ngoan lắm,
nhớ câu này hoài, ôn tới, ôn lui cho thuộc lòng để mai trả lời với người.
Như vậy là đã mất mình bao giờ không hay. Đó là bệnh của người tu, gọi là
tin, nhưng chưa sâu, chưa tốt. Nếu tin tốt, bất cứ cái gì đến, dù hay, như
nhớ một câu Kinh khi trước mình không hiểu, nhưng bây giờ bừng hiểu, hoặc
nhớ cái chuyện mà hồi trước mình suy nghĩ không ra, bây giờ suy nghĩ ra,
thì cũng thôi bỏ! Cái đó không phải là mình! Chỉ sống với cái chân thật
của chính mình, đó mới là tin sâu.
Cho nên nói:
“Nếu tin tốt, nghi sâu thì chính là việc ấy.” Nghi đây là nói về cái nghi
tình của những người khán thoại đầu. Nhưng nếu mình không khán thoại đầu
mà mình nhận ra, mình tin tốt thì cũng là “Chính việc ấy”,tức là cái tâm
yếu chớ chẳng có gì lạ.
“Chẳng biết
phản chiếu như thế, bèn mê loạn không biết manh mối.”
Người nào
không biết phản chiếu lại như vậy, tức là không chịu soi lại trở lại mình,
là kẻ mê loạn, không biết manh mối.
“Giữa đường
đang gặp khó khăn mỗi mệt,lại hay tự phản tỉnh, lại không có người thứ
hai.”
Chữ phản tỉnh
ở đây tức là nhận ra. Quí vị đừng có nghĩ rằng: Nhìn trong ngực mình là
phản tỉnh, đó là lầm! Có nghĩa là từ xưa đến giờ chúng ta có sáu căn như:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là cơn quan để tiếp xúc với sáu trần như:
Mắt thì chạy theo sắc, tai thì chạy theo tiếng (thanh trần). v.v...
Giờ đây chúng
ta phản tỉnh bằng cách: Mắt thấy sắc không chạy theo sắc, nên biết rõ mình
có tánh (hay) thấy. Tai nghe tiếng không chạy theo tiếng, nên biết mình có
tánh (hay) nghe. Đó là phản tỉnh, tức xoay lại để nhận ra mình, chớ không
chạy theo vật (để phân biệt đẹp xấu hay dở...), thì nhận ngay nơi mình
không có người thứ hai. Biết không có ngươì thứ hai, thì còn gì nói là mỗi
mệt.
“Đã nói là
việc này thì đâu lại có biết.”
Việc này tức
là việc của mình rồi, đâu có biết mình nữa. Vì vậy, chính đó là cái tự
mình nhận ra thôi, không có phân biệt để mà biết, như biết các sự vật bên
ngoài.
“Biết là vọng
lự thì việc này cũng chẳng mất.”
Cái biết mà
phân biệt sự vật, thì cái biết đó thuộc về vọng lự. Tuy nhiên khi vọng lự
nó dấy lên để phân biệt sự vật thì chính cái, “biết việc” này, là tâm thể,
tâm thể đó vẫn không mất. Cũng như khi sóng ầm ầm dưới biển, mà nước có
mất đi đâu không?
Sóng đầy cả
mặt biển, sóng vẫn đủ trong mặt biển, đâu phải có sóng mà mất nước.
“Đạo chẳng bởi
nói với chỉ, rồi sau mới hiểu, bởi vì thể nó tự thường bày.”
Bây giờ Ngài
nói về tâm thể, đó tức là đạo. Thường thường chúng ta không hiểu, tưởng
đạo là khác tâm là khác. Nhưng sự thật đạo đây là chỉ cho cái tâm thể của
chính mình. Đạo đó không phải do chỉ hay nói rồi sau mới có, mà nó hằng
hiển bày ngay ở nơi mọi người chúng ta. Cũng như, hiện giờ chúng ta đang ở
trong không khí, chúng ta đang hít thở không khí, nhưng vì công việc đa
đoan, nên chỉ nhớ công việc, mà quên mình đang sống nhờ (mượn) hít thở
không khí. Nhờ có người nào nhắc cho chúng ta nhớ, tức thì ta sực nhớ lại
mình ta hít thở không khí (vay). Vậy không khí đó, mình mới hít thở, hay
nó đã sẵn có, nhưng mình tự quên, chớ không phải đợi chỉ mới có, đợi nói
mới có. Tâm thể cũng vậy, vì chúng ta sống trong đó mà quên, nên khi nhắc,
hay chỉ, liền sực nhớ lại. Nhận ra, đó gọi là thấy đạo, hay ngộ đạo. Vậy
đạo không phải mới thấy, không phải mới ngộ, mà sẳn ở bên chúng ta. Do đó
đức Phật thành Phật rồi Ngài nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”
Tức là có đó sẵn rồi. Vì vậy nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật
sẽ thành.” Đã có cái đó thì chỉ cần một phen nhớ lại liền được, đâu có xa,
đâu có nhọc? Nhưng chúng ta lại không chịu nhớ.
Ví dụ: Sáng ăn
ít cơm cháo rồi giác cuốc ra đồng, hoặc công tác gì đó. Hết giờ công tác,
vào tắm rửa xong, nấu cơm ăn nghĩ một chút, chiều thức dậy cũng làm như
vậy. Cứ ngày này, qua ngày kia làm mãi bấy nhiêu việc, mà chưa từng nhớ
đến mình đang thở, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ thoảng qua, khi nào có dịp
thong thả ngồi yên. Còn không cứ nhớ cái này chưa làm xong, cái kia chưa
làm xong. v.v... Vì những việc chung quanh mà quên mất không khí mình đang
sống. Cũng vậy, tâm thể nó hiện sẵn ở ngay chúng ta, trùm khắp chúng ta mà
chúng ta vì cứ nhớ việc nọ, việc kia. Ngày nay đặt ra bao nhiêu vấn đề
phải giải quyết, ngày mai bao nhiêu vấn đề phải thanh toán cho xong...
Cuối cùng quên mất tâm thể của chính mình. Do đó mà luân hồi. Quí vị thấy
mình có phải như vậy không? Tối ngồi lại, lại nhớ mai làm việc gì? Rồi
phải đi đâu? Phải tính cái gì? Đến sáng mai ra thực hiện được việc này,
lại tính qua việc kia. Chiều lại tính xem còn đọng lại bao nhiêu vấn đề
mới? Cho đến khi mệt nằm ngủ, trong giấc ngủ cũng tính toán, thức dậy tính
tiếp. Cứ như thế tính mãi, mà có cái tâm thể sẳn có nơi mình thì không bao
giờ nhớ! Thật là đau khổ! Đau khổ chính là chỗ đó!
Cho nên chúng
ta phải khéo nhận ra, cái quan trọng nơi chính mình. Ở trong nhà thiền
thường hay ví dụ, cái tâm thể của mình chẳng khác nào như thân này sống
nhờ không khí, không có một giây phút rời không khí; vậy mà ít ai để ý đến
cái hít vô, thở ra của mình, lại cứ nghĩ chuyện này làm chưa xong, chuyện
kia thế nào... Tại sao, cái mà mình sống nhờ nó, lại không nhớ, lại nhớ
những cái do mình tạo ra, những cái đâu đâu như đồ đạt, sự nghiệp, của
cải, con cái... có phải chuyện quanh quanh, quẩn quẩn trong vòng đau khổ
hay không? Như vậy, thì ai cô phụ ai?
Vì vậy, câu
chuyện Quốc sư Huệ Trung. Một hôm gọi thị giả Ứng Chơn; Ứng Chơn ứng thinh
đáp:
- Dạ!
Ba lần gọi.
Ứng Chơn ba lần dạ! Quốc Sư Huệ Trung trách đệ tử: Ngươi cô phụ ta rồi!
Thị giả Ứng
Chơn kêu đâu dạ đó! Sao Huệ Trung bảo là cô phụ? Có nghe tức có biết (
biết tức giác), nhưng Ứng Chơn quên chạy theo tiếng (thinh trần) không
nhận ra mình có tâm thể, nên Ông thầy bảo là cô phụ! Vì vậy ở đây nói:
“Biết là vọng lự thì việc này cũng chẳng mất”, rõ ràng như vậy!
“Đạo chẵng bởi
nói với chỉ rồi sau mới hiểu, bởi vì nó tự thường bày. Nói chỉ là phương
tiện của đạo. Người dùng nó để tỉnh ngộ cũng là lối tẻ tạm thời thôi. Hoặc
nhơn nói mà chứng, nhơn chỉ mà nhập, hoặc tự chạm biết để trở về, trọn
không có việc khác. Đến tận nguồn tâm là dừng.”
Trong ba
trường hợp, nghe thiện tri thức nói mình chứng nhận được, hay nhân thiện
tri thức chỉ mình ngộ nhập, hoặc là đối cảnh rồi bất thần mình tỉnh ngộ
(như trường hợp Ngài Linh Nguyên thấy hó đào nỏ rồi chợt ngộ), là trường
hợp tự chạm biết, mà trở về không có ai chỉ. Ba trường hợp tuy khác nhau,
nhưng đến chỗ đó rồi, trở về tận nguồn tâm là dừng. Nghĩa là trở về nguồn
tâm rồi không còn đâu khác nữa.
“Có người nói:
Ngộ rồi mới tu. Đây thuộc về môn đối trị. Tuy nhiên thiền môn cũng cho
chánh tri kiến để trị nó. Nếu luận người đương thời tức chẳng phải như
thế. Phải nói: “Phật đạo dài lâu, hằng chịu siêng năng lao khổ, mới có thể
được thành. Dài suốt ba đời phàm thánh, nên nói: “Phật đạo dài lâu”. Chẳng
khởi thấy khác, chưa từng trái bỏ. Nên nói: “Hằng chịu siêng năng khổ
nhọc”. Tột cùng không có pháp khác. Nên nói: “Mới có thể được thành”. Đây
là việc của Đại trượng phu.”
Ở đây Ngài
giải thích về lối nói: “Có người nói, ngộ rồi mới tu, cái lối nói đó cũng
là lối nói đối trị thôi.” Tại sao lại nói như vậy? Tại vì đa số người tu
chúng ta cứ tin thôi. Nghe nói, đạo hay thế này, thế kia, Phật nói đngs
thế này, thế nọ... Nên mình tin mà phát tâm tu. Từ cái niềm tin đó mà vào
đạo, chớ không chịu tỉnh giác. Do đó chư Tổ nói: “Cần phải ngộ rồi mới tu”
là như vậy. |