PHẦN 6
Hiện giờ chúng
ta tu có hai cách:
Cách thứ nhất:
là tin Phật, tin nơi phương pháp nào đó, rồi cố gắng tu, chẳng hạn như
phương pháp tọa thiền đếm hơi thở. Ngày ngồi 6 giờ đồng hồ, đêm 6 giờ. Như
vậy đêm ngày 12 giờ. Nhưng công phu đó đối với đạo gần hay xa? Khi ngồi
thì cố gắng đếm cho tâm nghiêm chỉnh, nhớ số rõ ràng, nhưng vẫn không thấy
người, cảnh duyên hợp như huyễn. Do đó khi gặp việc không như ý, tuy cố đè
mà ngồi cũng nhớ mãi, cố đè mà đè không nỗi. Vì còn thấy cái gì cũng thật.
Như vậy tuy dụng công nhiều nhưng đối với đạo còn xa xôi.
Cách thứ hai:
Có người ngồi thiền ít hơn, nhưng họ nhìn sự vật bằng trí Bát nhã. Thấy rõ
tất cả đều duyên hợp không thật, biết mình giả, cảnh cũng giả, nên không
có việc gì làm cho họ bận tâm, hay quyến luyến, họ bỏ một cách dễ dàng.
Như vậy công ít mà kết quả nhiều, bởi có trí huệ lớn. Qua hai thí dụ trên
là: Người có mắt sáng vào kho báu có đèn đuốc, và người vào kho báu không
đèn đuốc. Quí vị đã thấy rõ sự tốn công nhiều, hay tốn công ít của sự tu
hành.
Khi tôi giảng
ở đây, có một số người nói: “Tôi nói cái gì cũng không, như vậy tu ở đây
là chấp lý, bỏ sự.” Không ngờ trong suốt 49 năm đức Phật thuyết pháp. Ngài
đã dành 22 năm để nói kinh Bát Nhã. Như vậy để chúng ta thấy, Bát Nhã là
một thời gian quan trọng nhất khi đức Phật nói Kinh. Nhằm chỉ người nhận
ra được đường lối tu hành, tức là sống với trí huệ. Có trí huệ thì mới gần
với đạo. Giờ đây quí vị hãy thí nghiệm nơi mình thì sẽ thấy được tầm quan
trọng của trí huệ. Chúng ta ngày đêm 6 thời, hoặc cố gắng tụng Kinh, hoặc
cố gắng ngồi thiền đầy đủ. Nhưng không dùng trí huệ Bát Nhã để quán chiếu.
Tuy công phu có nhiều, phước đức có nhiều, nhưng gặp cảnh thuận (thuận ý)
chúng ta dễ xao xuyến, gặp cảnh nghịch (trái ý) dễ sanh các phiền não.
Trái lại, nếu mỗi ngày gặp việc, mỗi lúc đối cảnh chúng ta đều dùng trí
Bát Nhã mà nhìn, mà quán chiếu thì chúng thấy nó hơi nhàn. Tuy nhiên khi
gặp việc đối cảnh, lại ít sanh phiền não. Đó là một sự thật. Do vậy, ở đây
Ngài mới dẫn câu chuyện của thủ tọa Vĩnh và Ngài Từ Minh.
Hai vị là đệ
tử của Ngài Thiện Chiêu. Ngài Từ Minh đã ngộ đạo rồi, còn thủ tọa Vĩnh vẫn
chưa ngộ.
Khi Ngài từ
Minh đi nơi khác để hoằng hóa. Thủ tọa Vĩnh cũng đi theo, mà ngót 20 năm
vẫn chưa ngộ đạo hoàn toàn.
Ở Trung Quốc
vào mùa đông. Buổi tối các Ngài hay ngồi quanh lò sưởi để sưởi.
Khi đó Ngài Từ
Minh lấy cây đủa sắt gấp than, rồi chỉ lên hòn than gọi:
- Thủ toạ
vĩnh! Thủ toạ vĩnh!
Tưởng Ngài Từ
Minh nói đùa nên Vĩnh liền nói:
- Giả hồ tinh!
Ngài Từ Minh
nói:
- Kẻ khờ! (Vì
chưa giải quyết xong còn đang ôm ấp cái nghi ngờ, chưa thấy được đạo cứu
cánh, nên gọi: kẻ khờ). L?i như thế ấy đi! (lại như hòn than này đi!)
Thủ tọa Vĩnh
ngay đó liền ngộ. Vậy Ngài Từ Minh muốn nói cái gì? Là bảo phải thấy đạo
bằng trí huệ, chớ đừng bằng niềm tin, vì bằng trí huệ thì Ông sẽ được an
lạc. Cũng vậy, nếu chúng ta đến với đạo bằng niềm tin. Nghĩa là tin Phật,
tin Pháp, tin Tăng, rồi cố gắng y nơi đó tu thì phước chúng ta có. Nhưng
với đạo khó gần. Còn chúng ta dùng trí huệ, thấy cái hay của Phật pháp rồi
nhận nơi đó, nhận được cái sẳn có nơi mình (vì bao nhiêu kinh Phật, bao
nhiêu lời Tổ đều là chỉ lẽ thật đó). Như vậy chúng ta mới gần với đạo. Cho
nên khi thủ tọa Vĩnh nhận ra ý chỉ của Ngài Từ Minh là chỉ mình như hòn
than, sự biết và hằng sống với trí huệ đó. Về sau Ngài Từ Minh hỏi câu
nào, chúng đáp không được, khi thủ tọa đi đến thì Từ Minh đều gật đầu. Vì
người, đã sống với trí huệ như vậy, thì đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng hợp
với đạo, chưa cần nói mà đã hợp rồi. Còn chúng ta bây giờ, thì vào đạo với
niềm tin hay trí huệ? tin Tam bảo là có phước, tụng Kinh, Niệm Phật là có
phước, cúng dường là có phước, đó là vào đạo bằng niềm tin, chớ không bằng
trí huệ. Cho nên, chúng ta đã học và hiểu, thì phải dùng trí huệ mà mở
mắt, vì có trí huệ, chúng ta mới giải quyết được tất cả phiền não. Nếu
chúng ta chỉ biết, lấy công phu tụng kinh cho nhiều, niệm Phật cho lắm,
cho là có phước. Nhưng không biết dùng trí huệ để quán chiếu, ngôn ngữ là
hư giả, người cảnh là hư giả. Khi ta gặp những việc, những lời trái ý,
chúng dễ sân. Cho nên, thấy sự việc thấy người, thấy mình đều thật thì khó
tu vô cùng, tu chỉ là có phước chớ không thể giải thoát được. Vì vậy muốn
giải thoát, phải đặt trí huệ lên trên, do đó mà trong lục độ, tuy trí huệ
là sau hết nhưng nó trùm cả 5 độ kia. Vì bố thí mà thiếu trí huệ, thì bố
thí không thành Ba La Mật. Trì giới mà thiếu trí huệ, thì Trì giới cũng
không thành Ba La Mật...
Có như vậy
chúng ta mới thấy được đạo lý của Phật dạy: chúng ta đã học đạo giác ngộ
mà thiếu trí huệ, thì làm sao giác ngộ? Chính trí huệ mới cởi tất cả phiền
não cho mình và mới đưa đến chỗ hoàn toàn giác ngộ. Cho nên ở đây Ngài
nói: “Học đạo phải như Thượng tọa Vĩnh, cho thuốc phải như Từ Minh. Vì
biết người chưa được, còn đang nghi ngờ thì phải tạo phương tiện làm sao,
để cho người sạch hết nghi ngờ.
“Ở chỗ ồn được
lặng, thì ở chợ xóm biến thành núi rừng, Phiền não biến thành Bồ đề, chúng
sanh thành Chánh giác. Câu nói này người mới học đạo đều nói được, hiểu
được, đến khi thực hiện một thứ thấy biết bình đẳng và buông xả tâm ấy thì
thấy Phàm Thánh vẫn là hai như xưa. Lặng và động đều là dụng khác. Thế là
càng biết rã là, giải hội cần phải có chỗ an ổn mới được một vị, không nên
gắng hội.”
Ở đây Ngài nói
câu mà chúng ta thường nghe: “Ở chỗ ồn được lặng thì chợ, xóm biến thành
núi rừng, Phiền não thành Bồ đề, Chúng sanh thành Chánh giác.” Chẳng hạn
như chúng ta bây giờ ở chỗ vắng vẻ tu. Có người hỏi: Cần gì phải ở nơi
vắng vẻ, ở chợ tu được mới hay, ở chợ mà không động tâm mới là tu thật.
Như vậy thì phiền não tức Bồ đề, chúng sanh tức thành Chánh giác. Còn ở
trên núi mà tu thì có gì hay? Nói câu nói đó cũng được, nhưng thực hiện
câu nói đó là một việc khác. Vì, đến khi thực hiện một thứ thấy biết bình
đẳng và buông xả tâm ấy, thì thấy Phàm Thánh vẫn là hai như xưa, lặng và
động đều là dụng khác. Giờ đây quí vị thử thí nghiệm thì sẽ thấy.
Khi quí vị
ngồi một mình ở chỗ lặng lẽ như trên núi này, và dụng công phu (chữ dụng
công ở đây tôi nói theo nghĩa thông thường), quí vị thấy có an được một
chút. Nhưng sau đó, năm, bảy huynh đệ đến chơi và ngồi nói chuyện. Tuy
không nói, nhưng cuộc nói chuyện ồn ào đó. Quí vị thấy mình có được an như
lúc trước không? Đây là đồng một cảnh. Cùng ở trên núi, chỗ một người và
nhiều người đã khác đi rồi. Huống nữa ở giữa chợ có biết bao nhiêu chuyện.
Vì vậy, chúng
ta ai ai cũng có thể nói, nhưng chúng ta nên nhớ, nói được chưa hửng đã
làm được. Cho nên: “Cái hội cần phải có chỗ an ổn mới được một vị.” Người
giải hội (hội ở đây có nghĩa là hiểu, là ngộ) do học hay nghe Thiện tri
thức nhắc nhở mà mình lãnh hội được, thì cần phải có một cảnh an ổn, lâu
dài mình mới thuần nhất. Đó là sự thật mà Ngài nhắc cho chúng ta phải thật
tình mà thấy, chớ đừng có lầm lẫn. Bởi chúng ta có cái bệnh hiểu được chút
ít, là tưởng mình đã xong. Nhưng đến lúc nhớ lại thì những cái mình hiểu
lúc trước, giờ đây nó biến đâu mất! Đó là mình chưa hoàn toàn sống với tâm
thể chân thật mà mình tưởng đã được.
“Gần đây nhiều
người lấy vấn đáp làm gia phong thiền gia, chẳng rõ việc của người xưa,
một bề chạy theo ngọn ngành, không biết trở lại, thật là quái lạ! Người
xưa vì mê mà hỏi. Chỗ hỏi cầu chứng nhập, được một lời, nữa câu, đem làm
việc nghiên cứu phát minh khiến cho thấu triệt, không có giống ngươì thời
nay hỏi loạn, chụp lấy câu đáp rồi cười đùa.”
Ở đây Ngài
nói, có nhiều người đến hỏi đạo, nhưng không vì đạo mà hỏi. Họ chỉ hỏi để
mà hỏi, hoặc hỏi để đùa chơi. Thành ra việc hỏi đạo đó thật vô ích. Ở chỗ
này, tôi cũng nhắc cho tất cả quí vị xuất gia rõ, chúng ta phải cẩn thận
khi trả lời những câu hỏi, biết câu hỏi nào chúng ta nên nói và không nên
nói. Nếu người đến hỏi đạo, hỏi để lấy hơn thua. Chúng ta nên im lặng,
chịu làm kẻ dốt. Còn nếu để đùa chơi, thì mình càng nên dốt hơn nữa. Chúng
ta chỉ trả lời cho những người vì mê mà hỏi, vì muốn giải nghi ngờ để tu
hành.
“Kẻ đạt giả
trong 12 giờ học đạo, không có một khoảnh khắc buông xả, người này dù chưa
được vào, mà mỗi niệm là tu hành. Tầm thường nói tu hành, chẳng qua ba
nghiệp, 6 căn thanh tịnh. Thiền môn không thể như thế. Vì sao? Vì môn
thiền định, niệm niệm cùng trí ba la mật bình đẳng, tất cả chỗ tự không
lỗi lầm, hằng lâu bổng có ngày tâm địa thông minh, từ trước thảy được đầy
đủ, gọi là nhất hạnh tam muội. Người thời nay toàn là sức định, lại chẳng
mở con mắt trí huệ, có những cơ duyên ngữ cú, chỉ thành tranh luận, tâm
hành sanh diệt.”
Ở đây Ngài
nói: “Kẻ đạt giả trong 12 giờ học đạo không có một khoảnh khắc buông xả
(buông lơi), người này dù chưa được (đạo) vào, mà mổi niệm là tu hành.”
Người học đạo trong 12 giờ phải luôn luôn cần mẫn, không có buông xả, tức
hằng làm chủ được tâm mình. Còn chúng ta trong 12 giờ, thì bỏ ít nhất 9
giờ, tu 3 giờ là tu tối đa. Thậm chí loạn luôn hết 12 giờ!
“Tâm thường
nói tu hành, chẳng qua 3 nghiệp, 6 căn được thanh tịnh.” Ngài nói, thường
chúng ta tu lâu nay là tu cái gì? Là giữ cho 3 nghiệp, 6 căn được thanh
tịnh là trên hết. Nhưng ở đây, trong nhà thiền cũng không chấp nhận. Tại
sao? Vì “Cái môn thiền định này mỗi niệm, mỗi niệm, cùng trí Ba la mật
bình đẳng, tất cả chỗ tự không lỗi lầm.” Môn thiền định mà chúng ta tu
hiện giờ là, mỗi niệm, niệm nào cũng bình đẳng với trí Ba la mật, không
phải chỉ thanh tịnh với 6 căn là được, thanh tịnh ba nghiệp là xong. Bởi
nếu 3 nghiệp, 6 căn thanh tịnh thì chúng ta chỉ có định chứ chưa có huệ.
mà trí huệ bình đẳng, mới là cái trí huệ nhận được tâm thể lặng lẽ nhất
như. Và sống được với tâm thể lặng lẽ nhất như, thì khi nhìn cảnh, nhìn
người, chúng ta đều thấy là tướng duyên hợp hư giả. Đó là “Nơi nào cũng
không lỗi lầm.” Vì nơi nào cũng có tâm thể bình đẳng đó. Nếu chúng ta sống
được với trí Ba la mật, mỗi niệm phù hợp với trí Ba la mật bình đẳng này
lâu ngày thì, “Bổng có ngày tâm địa thông minh, thì từ trước thảy được đầy
đủ, gọi là nhất hạnh tam muội.” Do đó, chỉ một hạnh này mà đầy đủ tất cả
những cái cháng định.
“Người thời
nay toàn là sức định. Cố giữ cho 3 nghiệp, 6 căn thanh tịnh thôi. Lại
chẳng ở con mắt trí huệ, có những cơ duyên ngữ cú chỉ tranh luận, tâm hành
sinh diệt.” Vì gần đây có những người học đạo, đạo không thông, pháp tu
chưa chứng, nhưng nghe người tu pháp khác mình lại bác. Thí dụ như người
tu Tịnh độ nghe nói tu Thiền thì bác: tu Thiền đi đến đâu? Chết không được
vãng sanh.hoặc giả người tu Thiền lại bác người tu Tịnh độ. Đó là chỉ
trích trên tâm hành sanh diệt, chớ không có con mắt trí huệ. Nếu chúng ta
có con mắt trí huệ thông suốt, thì việc mình, mình phải giải quyết cho
xong, có thì giờ đâu để đi công kích người? Chẳng hạn chúng ta hiện đang
tu Thiền ở đây. Nhưng nghe có vị tu Tịnh độ hay trì chú, hoặc tu (Thiền)
Thoại đầu, Khán công án... Thì chúng ta không thích và công kích người đó
liền. Vì lo công kích người, nên đâu có thì giờ tu.
Bởi muốn công
kích người, chúng ta phải tìm cách để lý luận, làm sao cho hơn người, thế
là, càng công kích càng xa với đạo! Chỉ có người biết đạo là tự xoay lại
mình, để giải quyết việc mình cho xong. Sau đó, ai muốn đi theo con đường
của mình, thì mình sẳn sàng giúp đở họ, bằng người không muốn thì thôi.
Chúng ta phải tôn trọng tự do của người, đừng bắt người theo mình, đó là
cái xấu nhất trong nhà đạo. Giả sử mình được rồi, mà thấy người đi đường
khác, cũng không có quyền bắt người theo, huống là mình chưa được, chuyện
vô lý làm sao! Như vậy, lại có nhiều người thích công kích. Chính tôi là
một nạn nhân bị công kích!
Có một Ông Sư
nghe nói ở đây tu Thiền, nên đến thăm. Đến nơi, sau vào câu chuyện thì vị
đó hỏi tôi: “Thầy dạy tu Thiền, vậy có dạy niệm Phật hay không?” Tôi thật
thà đáp: “Chủ trương của tôi, dạy môn nào một môn thôi. Một mình mà ôm
nhiều môn quá, e làm không xong. Nên tôi chỉ dạy một môn tu Thiền, còn
niệm Phật thì có quí Hòa Thượng khác dạy.” (Nghe câu hỏi quí vị tinh ý
biết là ai rồi? Những bản dịch nào của vị ấy, đều để câu: “Nguyện sanh Tây
phương Tịnh độ trung...) Vị ấy nói: “Tu Thiền mà không niệm Phật thì không
bao giờ đạt được, còn tu Thiền mà niệm Phật nữa, thì như cọp mọc sừng.”
Xong lại dẫn trong Kinh nói: “Người tu Thiền như con kiến, từ dưới đất bò
lên gốc núi, còn người niệm Phật như là chiếc thuyền có buồn, xuôi gió,
thuận nước, dương buồm lên là chạy đến nơi. Vì vậy tu niệm Phật mới được.”
Tôi hỏi: “Thầy thấy đó, Kinh nào nói?” Vị kia ngẩn ra, vì không biết Kinh
nào (chính vị Sư đó, hiện thời cũng không niệm Phật, tụng Kinh được vì đau
phổi nặng). Quí vị thấy, ở thế gian có nhiều chuyện là đời, ở trong đạo
cũng giống như vậy. Không hiểu chính mình đang làm việc đó là được không
mà nghe nói ai làm khác hơn là chống chỏi. Trong khi chính pháp môn của
mình, mình vẫn chưa nắm vững, chưa chắc đã thành công. Rõ ràng là người
không có con mắt trí huệ, đó là bệnh!
“Thiền học
chẳng phải việc nhỏ bé, chưa có cái dụng siêu Phật, việt Tổ. Được rồi cần
siêu, việt cũng chẳng khó. Cao Bưu Tôn Thừa Vụ biên thư hỏi tôi: “Chẳng
rời ý tưởng, chẳng ở có không, thế nào là phải?” Tôi tự đáp: “Nếu hỏi thế
nào, cũng chẳng phải.” Khách say khiến tinh thì thần châu tự sẳn đủ, đâu
có thể dự tính làm rồi sau mới nhận. Người lanh lợi bật nhất, tầm thảo
chẳng đến một niệm này, khéo được tự thấy, thấy đó tức phải, không riêngcó
lối tẻ. Bọn tầm thường cho niệm trước là phải, lấy niệm sau soi đó, trước
sau đuổi nhau, lấy tâm dụng tâm, tâm ắt thành cảnh. Cái nguyên tắc buổi
đầu đã thành tâm cảnh rồi, lần lượt, lại chẳng kham.”
Đoạn này rất
thiết yếu cho sự tu, Ngài nói tu Thiền học là một việc lớn. Nếu chúng ta
chưa có cái dụng siêu Phật, vượt Tổ, nhưng khi chúng ta đạt đạo rồi, thì
cần siêu Phật, vượt Tổ vẫn có cái dụng đó. Chỗ này chúng ta nghe như là
kiêu mạng, vì như vậy chúng ta siêu vượt hơn Phật, Tổ nữa sau? Thực ra nói
siêu Phật, vượt Tổ là nói khi chúng ta sống hẳn được với tâm thể rồi, thì
tự có đầy đủ nhẵng dụng siêu thoát, không khó khăn. Còn chúng ta chưa sống
được với tâm thể, mà muốn có dụng siêu thoát đó là việc vô ích.
Ở đây tôi nhắc
cho quí vị biết. Có hai hạng người tu. Một là hạng chạy theo ngọn, hai là
trở về gốc.
Hạng thứ nhất:
Khi nghe Phật, Tổ, các vị A La Hán có tam minh, lục thông, nên khi tu hành
thì thích có thần thông như: Làm sao bay được, làm sao biết được tâm người
khác... Cho những cái đó là siêu việt. Đây là người căn cứ trên ngọn mà
tu. Vì trong Kinh Phật nói: “Thần thông diệu dụng”, chỉ là cái dụng của
tâm thể thôi.
Hạng thứ hai:
Khi chúng ta sống được với tâm thể, thì những thần thông diệu dụng đó,
không cầu mà tự có. Trái lại, chưa sống được với tâm thể, mà chúng ta cầu
thần thông, thì dễ lạc vào đường tà. Bởi Ma cũng có thần thông, khi biết
chúng ta muốn thấy Phật, thì nó hiện Phật, muốn bay nó làm cho bay...
Chúng ta làm sao biết Phật, hoặc cái bay đó là chánh hay tà? Vì vậy, có
những người tu Thiền mà điên cuồng. Là vì họ mong vào cái dụng. Giờ đây
chúng ta trở về gốc, tức là trở về với tâm thể lặng lẽ, thêng thang thì vô
lượng diệu dụng sẽ tự đầy đủ, đâu có gì quyến rủ được chúng ta, đâu có gì
làm chúng ta rơi lạc?
“Ông Cao Bưu
Tôn Thừa Vụ biên thư hỏi Tôi: Chẳng rời ý tưởng, chẳng ở có không, thế nào
là phải?”
Ông hỏi Ngài
Phật Nhãn: “Nếu bây giờ tu mà tâm mình không rơi vào ý tưởng, không chấp
vào có không, thì thế nào là phải?” Ở đây Ngài đáp: “Nếu hỏi thế nào, cũng
chẳng phải?
Vì ông có hỏi
thế nào, tức là ông chẳng phải rồi! Chẳng hỏi thế nào cũng chẳng phải! Tôi
thí dụ, về đoạn này: Như hiện giờ quí vị ngồi đây, và nhìn thấy trên bàn
có ly nước. Tôi bảo: Quí vị có thấy ly nước không? Quí vị nào mắt sáng
nhìn trên bàn đều thấy.
Nhưng có vị,
còn hỏi lại. Cái ly đó có phải ly nước hay không? Như vậy quí vị chưa thấy
hoặc thấy chưa rõ, phải không? Vì vậy mà nói hỏi: “Tu thế nào, tức là chưa
phải, không hỏi tu thế nào, cũng chưa phải.” Vì thế nào ahy không thế nào,
cũng là hai bên, mà còn hai bên tức là còn có không đối đãi. Cũng như hỏi
phải hay chẳng phải là còn trong nhi ngờ chưa quyết định, há có thể phải
được sao? Cho nên nói: “Khách say khiến tỉnh thì thần châu tự sẳn đủ.” Câu
này trích trong Kinh Pháp Hoa, ở thí dụ hệ châu. Có một người nghèo được
bạn đến thăm, hai người uống rượu với nhau cho đến say. Người bạn trước
khi ra về muốn tặng hật châu, nhưng thấy bạn của mình say quá, đành lấy
hạt châu cột trong chéo áo. Thời gian sau trở lại, thấy lang thang đói khổ
nên nói với bạn: “Tôi đã cho anh hạt châu còn cột trong chéo áo, tại sao
anh không đem ra dùng. Do đó mới nói: “Khách say khiến tỉnh thì thần châu
tự sẳn đủ.” Vì vậy người học đạo, nhất là Thiền tông này, chỉ cần nhận ra
kho báu của mình, thì cái gì mà chẳng đủ? Đâu cần hỏi phải, hay chẳng
phải? Còn hỏi phải, chẳng phải là còn trong trạng thái nghi ngờ, chưa nhận
mình có hạt châu. Thế nên nói: “Đâu có thể dự tính làm rồi sao mới nhận.”
Vì hạt châu vốn sẳn. Chúng ta không phải làm việc này, việc kia xong mới
nhận ra hạt châu. Cũng như không thể nói tu hành phải trải qua 10 năm, 20
năm mới nhận ra được. Bởi vì có những người, đương là kẻ thế tục, mà chỉ
nghe một câu nói, họ liền nhận ra. Thành ra nhận ra hạt châu đó không xa,
không phải do công phu nhiều, mà chính là khéo nhận hay nói một cách khác
là: Cần phải có Trí Huệ Bát Nhã.
“Người lanh
lợi bậc nhất, tầm thảo chẳng đến niệm này, khó được tự thấy, thấy đó tức
phải, không riêng có lối tẻ.” Ở đây Ngài nói: Dù cho người lanh lẹ nhất
thế gian, muốn suy nghĩ cho ra tâm thể này, người đó cũng không bao giờ
tìm được. Cho nên trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật có nói: “Giả sử cả thế
giới này có bao nhiêu người thông minh trí huệ như Xá Lợi Phất, cộng lại
cũng không suy lường được trí huệ của Phật.” Câu nói đó có ẩn ý mà chúng
ta không hiểu, chúng ta tưởng trí huệ của Phật cao lắm, nên cộng ba nhiêu
người lại cũng không bằng. Nhưng không ngờ, lổi tại chúng ta suy nghỉ!
Càng suy nghĩ, càng không thấy! Cho nên được trí huệ như Ngài Xá Lợi Phất
là ít có. Lại cả thế gian này, người nào cũng có trí huệ bằng Ngài, cộng
lại vẫn không suy lường được trí huệ Phật. Vậy nên: “Người lanh lợi nhất
thế gian muốn tầm thảo (tìm kiếm) niệm này, cũng không làm được. “Chỉ có
người thấy đó tức phải.” Ngay đó nhận ra được, thì là phải, “Không riêng
có lối tẻ.” Khi chúng ta nhận ra được tâm thể này, há còn có lối nào khác
hơn nữa?
Bọn tầm thường
cho niệm trước là phải, lấy niệm sau soi đó, trước sau đuổi nhau, lấy tâm
dụng tâm , tâm ắt thành cảnh. Chúng ta có người tu theo lối tầm thường,
cho niệm trước là phải, rồi lấy niệm sau mà soi niệm trước. Nghĩa là cứ
lấy cái này mà soi cái kia. Tôi thí dụ: Như chúng ta lúc chưa dấy niệm cho
là động, rồi lấy cái động để sai khiến cái tịnh kia, nhưng khi chúng ta
lấy cái động để soi cái tịnh, thì cái tịnh đã thành cảnh bị soi (như vậy,
niệm sau là niệm hay soi, niệm trước là cảnh bị soi), vì vậy, tâm biến
thành ra cảnh, là đã có hai. Do đó, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Ngài
cũng bác cái quán tịnh này. Chúng ta chỉ cần biết ngay cái niệm khởi đó là
hư giả, mà không phải tìm niệm trước để làm gì (không phải tìm). Cho nên:
“Nếu lấy tâm dụng tâm, tâm ắt thành cảnh.” Và: “Cái nguyên tắc buổi đầu đã
thành tâm cảnh rồi, lần lượt lại chẳng kham.” Vì khi đã thành tâm, thành
cảnh đã thành hai thì làm sao chúng ta dứt nó được?
“Như niệm sau
chẳng nhận, tự không có chỗ khởi diệt, chính nơi đó là giải thoát. Niệm
vốn chẳng sanh, sao lại có ý tưởng có, không làm lưu ngại? Một niệm ngộ
tâm liền thành chánh giác, chính là nói nơi đây vậy. Niệm niệm không sanh,
niệm niệm không tướng cùng với hư không đồng. Chạm vật gặp duyên đều là
diệu dụng Phật. Không có mãi tơ đối đãi. Hạt châu trong chéo áo, riêng soi
sáng khắp thế giới mười phương. Việc này mục kích liền rõ, chẳng đợi dấy
ý, sau rồi mới biết. Sự nghiệp Đại Trượng Phu này không thể thành tựu. Nếu
muốn cầu phải, liền có pháp chẳng phải làm chướng ngại, muốn cầu đắc niệm,
là lý do trước sau đều thất niệm. Ngày đêm không tự tại, câu cùng đạo
hiệp, bệnh tại chỗ lấy một, bỏ một, kẻ không khéo dụng tâm chẳng được yếu
thuật mờ mịt không hiểu, mỗi ngày cùng đạo càng xa.” |