PHẦN 7
Đây Ngài chỉ
yếu thuật của sự tu. Chỗ này để thấy cho rõ, nhận cho kỹ, thì việc tu của
mình mới thảnh thơi mà mau tiến. Ngài nói: “Như hiện nay, niệm sau chẳng
nhận, tự không có chỗ khởi diệt, chính nơi đó là giải thoát.” Niệm sau ở
đây là: Niệm trước chúng ta không nhớ, niệm vừa muốn dấy lên khởi nghĩ thì
gọi là niệm sau. Giờ chúng ta khởi đến cái gì? Chúng ta không theo nó, thì
nó tự mất. Vì vậy: “Không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt, và “chính
nơi đó là giải thoát.”
“Niệm vốn
chẳng sanh, sao có ý niệm có không làm lưu ngại?” khi chúng ta thấy rõ
niệm dấy lên, thấy rõ niệm đó là không thật, không theo nó thì tự nó tan
hoại. Như vậy cần gì phải khởi ý tưởng, nó là cái có hay không, để sanh ra
trở ngại?
“Niệm ngộ tâm
liền thành chánh giác.” Một niệm mà chúng ta ngộ được bản tâm thì liền
thành chánh giác: “Chính là nói nơi đây vậy.” Vậy một niệm ngộ tâm là gì?
Là vọng niệm dấy lên chúng ta biết ngay nó là giả, không theo nó để sống
với cái thật (Chỗ này quí vị nghe nhưng ít để ý, nên không thấy nó quan
trọng). Cho nên chúng ta mê tâm là ngược lại, quên cái thật mà chạy theo
cái giả, quên tâm chân thật để chạy theo vọng tưởng, gọi là mê tâm. Giờ
chúng ta thử xét kỹ lại. Trên thế gian này có bao nhiêu người không chấp
nhận vọng tưởng làm tâm mình? Thường chúng ta hay nói: Tôi nghĩ thế này,
tôi tính thế kia... Xác nhận cái nghĩ, cái tính đó, là mình, mà đã là tôi
thì tâm chân thật kia là của ai? Do mê tâm mà chấp nhận cái hư vọng đó là
mình, thì tâm thể kia chúng ta không bao giờ biết đến. Chúng ta hãy nhìn
kỹ lại xem Ông bà, cha mẹ chúng ta, có giây phút nào không mê tâm chăng?
Nếu chưa học đạo thì người nào cũng vậy. Cứ cho những cái nghĩ là mình,
rồi theo con đường đó suốt từ đời này, đến đời kia. Cho nên ngộ tâm là trở
về tánh giác chớ không có gì lạ! Chúng ta đừng nghĩ chánh giác là giác cái
này, cái kia ở bên ngoài. Chánh giác là ngay cái lâu nay chúng ta lầm
tưởng nó là thật, là của mình. Bây giờ biết rõ nó chỉ là “Chú chàng hề.
Ngay nơi cái giả đó chúng ta biết rõ “chú là giả, chú chỉ là những cái
dụng nhỏ nhặt của cái tôi đó thôi, chớ không thật.” Khi chúng ta biết rõ
những cái đó, không theo nó, tự nhiên là mình trở về cái chơn thật, đó là
trở về với đạo, là ngộ đạo. Nhưng chúng ta lại không quan trọng cái ngộ
này, mà cứ nghĩ, ngộ là phải bừng sáng, có trí huệ biết tất cả mọi việc...
Chúng ta cứ
mong cái ngộ đó mà không chịu thấy cái ngộ này. Song cái ngộ này đâu phải
dễ thấy? Từ lúc sinh ra đến giờ chúng ta có thấy được hay không? Nếu chưa
học đạo. Chúng ta cũng cứ cho cái nghĩ, cái tính đó là mình, chớ có bao
giờ dám nói nó không phải là mình? Giờ đây thấy rõ nó chỉ là bóng dáng,
không phải thật là mình thì tự nhiên nó hết và Ông chủ sẽ hiện tiền. Nếu
quả thật chúng ta gan dạ chấp nhận tất cả những cái suy nghĩ đó là bóng
dáng, không thật là mình, thì chắc rằng nhiều người ở chúng một nhà cũng
không phiền não. Bởi vậy , nếu chúng ta hiểu đạo thì cả ngày lo làm việc
của mình, có rảnh rỗi đâu mà ngồi nói hơn nói thua, nói phải nói quấy,
chuyện người này chuyện người kia. Thành ra biết tu thì sống bao nhiêu
người cũng êm đềm, cũng là đạo vị. Có hiểu như vậy, chúng ta mới thấy cái
tu thật ở chỗ nào, còn không thì thấy tu làm sao mà ba năm, bảy năm rồi,
vẫn còn sân? Vì mình cứ chấp cái nghĩ của mình là đúng, nhưng chính cái
nghĩ của chúng ta bây giờ là đúng, mà lát nữa thì không phải. Chỉ cái nghĩ
của mình thôi, buổi sáng thấy đúng, chiều lại sai, huống nữa là với người
khác. Thế mà mỗi khi nghĩ ra, chúng ta lại cho cái nghĩ của mình là chân
lý, rồi bắt người khác tuân theo, nếu người không theo thì chúng ta liền
nổi sân lên. Chuyện đó thật là không biết đạo đức! Vì biết đạo đức thì đâu
có những chuyện như vậy. Đạo đức là trở về cái chân thật, phải cố gắng
không chạy theo mê để mà tỉnh, chớ có đâu cứ ôm cái mê đó để chịu mê suốt
đời hay sao?
“Niệm niệm
không sanh, niệm niệm không tướng cùng với hư không đồng, chạm vật gặp
duyên đều là diệu dụng Phật.” Nói: Niệm không sanh, niệm không diệt, niệm
niệm không tướng, đã không sanh mà sao nói niệm niệm? Vì không niệm niệm
tức có sanh rồi? Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói bài kệ, chống lại
Ngọa Luân Thiền Sư. Vì Ông cho rằng đối cảnh, tâm không khởi suy nghĩ. Còn
Tổ nói hằng suy nghĩ. Vậy ở đây muốn nói, chúng ta mới tu, tâm chưa lặng
vì vẫn còn niệm, nhưng niệm dấy lên chúng ta đều biết là bóng dáng không
thật, thì có chỗ nào sanh? Chỗ nào diệt? Vì vậy nói: Niệm niệm nó là không
sanh, niệm nó là không diệt, niệm niệm nó là không tướng. Bởi niệm là bóng
dáng nên đâu có thật tướng? Mà không thật tướng tức rỗng rang đồng với hư
không, là trở về tâm thể. Đã trở về với tâm thể thì khi chạm vật, gặp
duyên liền dấy lên diệu dụng. Cho nên có câu chuyện: Bà già bán quán. Ngài
Nam Tuyền, Ngài Ma Cốc. Một hôm các Ngài đến quán uống nước, Bà nói:
- Các hoà
thượng trình thần thông thì mới được uống trà.
Các Ngài nhìn
nhau, ngồi ngơ ngác.
Bà liền
nói:-Coi Già trình thần thông đây! Bà vào lấy tách, rồi cầm bình trà rót
vào tách.
Nếu chúng ta
hằng thấy niệm là không sanh, không tướng, thì niệm đó đồng với hư không,
là tâm thể rổng rang, và khi sống được với tâm thể đó thì cái gì dấy lên
chẳng phải là diệu dụng? Vì vậy Ông Bàng Long Uẩn nói: Gánh nước bửa củi
đều là đạo.
Như vậy chúng
ta thấy, đâu phải không niệm mới là đạo. Chính mỗi niệm dấy lên, biết nó
không thật là chúng ta đã sống với đạo. Do đó Ngài nói: “Không có bằng mãy
tơ đối đãi.” Vì nó không sanh, không tướng thì đối đãi cái gì. Sở dĩ chúng
ta có niệm thiện, niệm ác, nghĩ tốt, nghĩ xấu, vì chấp nhận niệm hay những
suy nghĩ đó là thật nên thấy có đối đãi. Giờ đây biết rõ nó là không thật
thì còn gì đối đãi. Hạt châu trong chéo áo, riêng soi sáng khắp thế giới
10 phương. Hạt châu này dụ cho tâm thể. Cho nên tất cả chư Phật ra đời, vì
một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh nhận ra được tâm thể của
chính mình. Vì vậy mỗi niệm dấy lên, chúng ta biết rõ nó là bóng dáng sáu
trần không thật, không theo nó thì tự nó rộng thêng thang. Đó là hẵt thần
châu của chúng ta tự hiện bày. “Việc này mục kích liền rõ, chẳng đợi dấy ý
rồi sau mới biết.” Tức là ngay đó nhận ra, không phải suy nghĩ gì nữa. “Sự
nghiệp Đại Trượng Phu này không thể chẳng thành tựu.” Nếu mình nhận ra
được như vậy, là thành tựu sự nghiệp của Đại Trượng Phu. “Nếu muốn cầu
phải, liền có pháp chẳng phải làm chướng ngại.” Khi mình hỏi phải thì đã
có không phải ngăn che. “Muốn cầu đắc niệm là lý do trước sau đều thất
niệm.” Thí dụ: Chúng ta muốn làm cho niệm nó yên, vừa nghĩ nó yên, tức đã
bị cái niệm yên nó làm loạn rồi. Cho nên không cần nó yên, chỉ biết nó hư
giả không thật, không theo, tức nó tự yên. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ
đâu chẳng nói: “Niệm dấy lên liền giác, giác liền là Phật.” Một niệm dấy
lên mình giác thành một Ông Phật. Ngàn niệm dấy lên đều có giác thành ngàn
Ông Phật, cho đến hằng hà sa số Phật. Vì vậy, không sợ niệm khởi, chỉ sợ
giác chậm. Giác thì niệm tự hết, niệm hết tức là trở về tâm thể.
“Ngày đêm
không tự tại, cần dùng thì đạo hiệp, cũng không có mảy nào để hiệp.”
Chúng ta tu cứ
băn khoăn: Làm sao hiệp với đạo?
Nhưng đạo ở
đâu mà hiệp? Nếu mình đòi hiệp với đạo thì đạo là một cái khác (bởi hai
cái khác nhau mới hiệp với nhau). Nhưng đạo chính là mình thì hiệp cái gì?
Chỉ không theo vọng thì đạo hiệp, càng cầu hiệp thì càng xa với đạo. Cho
nên càng gấp càng chẳng hiệp, bệnh tại chỗ lấy một bỏ một. ”Là lấy chơn mà
bỏ vọng.” Đa số chúng ta thường than thở: Tu mà vọng hoài thật là khổ, cho
nên muốn cầu chơn để hết vọng. Bây giờ chỉ ngay nơi vọng, chúng ta biết
thể vọng vốn là chơn, vậy cầu chơn làm gì? Càng cầu càng khổ mà không chỗ
được. Cho nên nói: “Bệnh tại chỗ, bỏ một lấy một. Kẻ không khéo dụng tâm
chẳng được yếu thuật, mờ mịt không hiểu, mỗi ngày cách đạo càng xa.” Yếu
thuật ở đây là gì? Không theo vọng tưởng, cũng không theo chơn. Chúng ta
khi đi, đứng, nằm, ngồi có bao nhiêu niệm dấy lên, vừa dấy liền biết nó là
bóng dáng không thật (chỉ cần biết, chớ không phải nói: “Ờ chú là bóng
dáng! Tôi không theo chú), lặng lẽ biết chính nó như vậy thì tự nó hết.
Cho nên, đây là cái yếu thuật đơn giản mà có kết quả tốt.
“Nếu an tọa
tinh thần, chẳng nhọc tự biện biệt.”
Đại Sư Đạt Ma
bảo Ông Dương Huyền rằng:
Cũng chẳng bỏ trí mà gần ngu
Cũng chẳng bỏ mê mà đến ngộ
Đạt Đại Đạo chừ quá lượng
Thông Phật tâm chừ vượt bực
Chẳng cùng phàm thánh đồng hành
Siêu nhiên gọi đó là Tổ.”
Ông Dương
Huyền hỏi:
- Thế nào là
đạo?
Ngài Đạt Ma
đáp:
- Chẳng bỏ trí
mà gần ngu, chẳng bỏ mê mà đến ngộ.
Vì có trí, có
ngu là có hai, có mê, có ngộ là hai. Chỉ ngay cái ngu đó, chúng ta biết
ngu thì thành ra trí. Ngay cái mê đó, chúng ta biết mê là ngộ. Người biết
được như vậy thì đạt đại đạo, mà đại đạo này qua hạn lượng, qua sự suy
nghĩ, qua sự xét lường cua thế gian!
“Thông đạt
Phật tâm chừ vượt bực.” Người mà thông đạt Phật tâm thì người đó vượt bực.
“Chẳng cùng phàm thánh đồng hành.” Vượt lên hai đầu Phàm Thánh. “Siêu
nhiên gọi đó là Tổ.” Người được như vậy gọi đó là Tổ.
“Chẳng chấp bỏ
một bên đến một bên. Phải biết rõ ràng rành rẽ. Rõ ràng tác dụng, nhận
thẳng hội lấy, chuyển Phàm thành Thánh, điểm sắt thành vàng. Cần yếu được
lối tắt, không thể chẳng như thế mà nghiên cứu. Chỉ e người người chạy
theo hai đầu. Một đã chẳng thành, hai lại chẳng phải. Chẳng biết huyền
chỉ luống nhập niệm tịnh. Nhị thừa do đoạn phiền não mà được chứng đạo,
gọi là tu thiên lệch. Chẳng bằng ứng niệm liền quá thành vô thượng, hiểu
biết ấy rất chóng.
Đây Ngài giải
thích cho chúng ta biết, “Chẳng chấp bỏ một bên, đến một bên.” Đừng cho
đây là vọng, tôi tìm chơn, đây là mê, tôi tìm ngộ. Chỉ ngay nơi vọng chúng
ta biết chơn, ngay nơi mê mà biết ngộ.
“Phải biết rỏ
ràng rành rẽ, rõ ràng tác dụng, nhận thẳng hội lấy, chuyển Phàm thành
Thánh, điểm sắt biến thành vàng.” Mình phải biết rõ ràng, rành rẽ chỗ đó,
phải biết tác dụng đó, nhận thẳng nơi đó, hội lấy nơi đó, chớ đừng tìm ở
đâu nữa. Được như vậy, thì chuyển Phàm thành Thánh, điểm sắt biến thành
vàng. Cái diệu dụng của nó vô ngần. Cần yếu được lối tắt, không thể chẳng
như thế mà nghiên cứu.
Người mong
được lối thẳng thắt mà tu, phải như thế mà nghiên cứu, đừng chạy theo hai
bên. Nên nói: Chỉ e người chạy theo hai đầu, một đã chẳng thành, hai lại
chẳng phải. Nếu chúng ta chạy theo hai đầu, bỏ vọng cầu chơn. Chơn không
thành chơn, mà bỏ vọng, vọng cũng không hết. Như vậy “Một không thành, hai
chẳng phải,” cái nào cũng không xong. Lối tu này hơi khó. Có người nói tu
phải có đối đãi như tốt trị xấu, thiện trị ác... Nhưng với người sơ chơ
trong bước đầu thôi, còn đến chỗ cứu cánh thì đó là bệnh. Chúng ta tu ở
đây là thoát khỏi sinh diệt. Nên mới dẫn ”Chẳng biết huyền chỉ, luống nhọc
niệm tịnh.” Trong Tín Tâm Minh Tam Tổ nói: Người mà không biết được yếu
chỉ mầu nhiệm này, cứ nhọc nhớ về tịnh, càng nghĩ tịnh, lại càng không
tịnh. Vì tịnh là cái không suy nghĩ, vừa suy nghĩ, nó là động rồi.
Nhị thừa do
đoạn phiền não, chứng được gọi là tu thiên lệch? Hàng nhị thừa dùng phương
tiện đoạn phiền não, còn có phiền não để trừ là còn có hai. Cho nên được
đạo, chỉ là đạo đi một bên, chưa phải đạo cứu cánh.
Chẳng bằng ứng
niệm liền hóa thành vô thượng. Niệm dấy lên dù nghĩ tốt, xấu, thiện, ác...
ngay nơi niệm đó chúng ta tỉnh giác, thì niệm biến thành chân như vậy Ứng
niệm liền hóa thành vô thượng.
Hiểu biết ấy
rất chóng. Cái này chừng bao lâu? Người được như vậy rất mau. Đây là yếu
thuật, mà từ trước đến nay, Thiền Sư nào cũng nói đến, nhưng chúng ta coi
thường nó. Giờ đây, Ngài Phật Nhãn nhắc lại, chúng ta càng thấy rõ hơn, mà
cố gắng thực hành cho được.
“Người tu hành
khi gặp phiền não khởi thì phải làm sao? Cổ nhân nói: chỉ dùng chánh tri
kiến trị nó. Tôi thì chẳng thế, chỉ dùng phiền não trị nó. Nhìn lại phiền
não này, liền chẳng thấy có phiền não. Tại sao phiền não lại hay trị phiền
não? Như lửa không thể tự đốt lửa, nước lại chẳng ướt nước, vì thể tánh
đồng một, không thể được hiện bày. Đây rõ vọng tưởng vốn không, chẳng cần
trừ dẹp. Nếu khới đoạn trị, đè bẹp, lại thành dụng tâm khác. Có đối đãi là
bị hai cảnh lôi quanh, dù có được cũng cong vạy phần hạn. Người tu hành
phải đi đường thẳng tắt là trên hết. Cổ nhân nói: kiếp hỏa từng đem không
hơi thổi, chẳng nhọc công lực liền đó chết. Đó là ý này vậy.
Người tu hành
khi gặp phiền não khởi thì phải làm sao? Cổ nhân nói: chỉ dùng chánh tri
kiến trị nó. Tôi thì chẳng thế, chỉ dùng phiền não trị nó. Thí dụ: Bây giờ
sân, phiền não dấy lên, mình làm sao trị nó đây? Chúng ta không cần lấy
cái gì khác để trị nó, mà chỉ cần tìm xem cái sân, phiền não nó ở đâu?
Hình dáng nó ra sao? Ngay khi đó, thấy cái sân phiền não không thật. Tìm
lại cội nguồn thì nó không có cội nguồn, nên chính nó tự tàn hoại. Như vậy
lấy nó mà trị nó. Chính cái thuật đó, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã dùng để an tâm
cho Tổ Huệ Khả. Nghĩa là không cần đem pháp khác dạy an tâm, mà chỉ:
- Đem tâm Ta
an cho.
Nhưng tìm lại
không thấy thì đã tự an rồi. Đó là yếu thuật của nhà Thiền.
Đây đặt câu
hỏi: Tại sao phiền não lại hay trị phiền não? Như lửa không thể tự đốt
lửa, nước lại chẳng ướt nước, vì thể tánh đồng một, không thể được hiện
bày. Đây rõ vọng tưởng vốn không, chẳng cần trừ dẹp. Thật ra chúng ta nói
không tìm dẹp gì hết, vì ngay nơi phiền não mà biết phiền não là không
thật, thì còn gì nữa mà trừ, không còn gì nữa mà dẹp. Thí dụ: Bây giờ mình
đi trời nắng mà thấy có cái bóng, thì quí vị có nghĩ làm sao dẹp cái bóng
này không? Chỉ cần biết bóng không thật, đi vào mát thì hết bóng, chớ có
gì đâu mà phải dẹp?
Đừng nói làm
sao cho hết bóng này, rồi chạy ra ngoài trời kêu la: làm sao cho hết cái
bóng này giùm tôi. Chạy la như vậy có ích gì không? Làm sao hết? Càng chạy
la, cái bóng nó càng hiện rõ ràng. Cho nên biết nó là bóng, bước vào trong
mát thì nó hết.
Cho nên cái
thuật tu nó rất đơn giản. Quí vị hiểu rồi mới thấy đây chính là đường
thẳng (đường chim). Nó không quanh co, không dùng cái gì để trị cái gì
hết. Lúc trước mình tu, mình quan niệm lấy cái này trị cái kia. Tu còn có
đối trị, đều là tu theo lối quanh co, theo phương tiện. Tuy cái này cũng
là phương tiện, nhưng là phương tiện đường chim. Cũng như từ đây về Sài
Gòn, đi xe cũng là phương tiện, đi máy bay cũng là phương tiện, đi tàu
cũng là phương tiện. Chiếc xe, máy bay, chiếc tàu đều là phương tiện.
Nhưng phương tiện chiếc xe, khác hơn phương tiện của chiếc tàu, phương
tiện của chiếc tàu, khác hơn phương tiện của chiếc máy bay. Vì vậy thời
gian dài ngắn có khác nhau, là ở chỗ đó.
Nếu khởi trí
đoạn trị, đè bẹp lại thành dụng tâm khác. Nếu mà dùng trí để trị nó, đè
nó, dẹp nó thì như vậy là dụng tâm khác, nghĩa là có hai tâm: cái tâm bị
trị và cái tâm hay trị, phải vậy không? Mà như vậy thì nơi mình có hai
người, đó là mình chưa sống trở về cái chân thật được.
Có đối đãi là
bị hai cảnh lôi quanh, dù có được cũng cong vạy phần hạn. Chính chỗ này
quí vị mới thấy tinh thần Đại thừa và Tiểu thừa (Hay Nhị thừa) có sự khác
biệt. Chỗ cứu cánh của Nhị thừa là luôn luôn thấy: ”Sanh tử đau khổ, Niết
bàn an vui”, cho nên phải gấp giải quyết sanh tử để cầu Niết bàn. Vì vậy
nếu có được Niết bàn, chỉ là Niết bàn phần hạn như trong Kinh Pháp Hoa gọi
là Hóa thành chớ không phải Bảo sở. Bởi vì nó còn nằm trong đối đãi, mà
đối đãi thì đâu có trùm khắp? Còn chỗ cứ cánh của Đại thừa là gì? Là trùm
khắp không còn cái gì ngoài nó. Cho nên nói: lớn thì nó trùm khắp Tam
thiên Đại thiên thế giới, nhỏ thì một mũi kim cũng không qua lọt. Đó là
chỉ cái tâm thể không còn đối đãi. Nếu không hiểu thấu điều này thì chúng
ta không thấy được cái cao siêu của Đại thừa như thế nào? Thật ra không
phải phân chia hay cho rằng Đại thừa có ý khinh miệt Nhị thừa. Nhưng sự
thật vì Phật muốn đưa chúng ta đến chỗ cứu cánh viên mãn, chớ không phải
chỉ đưa chúng ta đến chỗ tạm giải quyết.
Người tu hành
phải đi thẳng tắt là trên hết (đường thẳng tắt là đường chim). Tức là thấy
rõ ngay nơi phiền não, là hết phiền não chớ không cần tìm cái gì khác.
Cổ nhân nói,
kiếp hỏa từng đem không hơi thổi, chẳng nhọc công lực liền đó chết, đó là
ý này vậy. Ý này nói rằng, khi trái đất này đến thời kỳ hoại của kiếp hỏa
nổi dậy, khắp quả đất đều cháy ngùn ngụt, lúc đó ai nấy đều tắt thở, không
có cái gì lâu dài hay xa xôi hết. Người tu đường tắt cũng vậy, chẳng nhọc
công lực liền đó chết. Nghĩa là mình cứ thẳng ngay đó mà thấy thì tự nhiên
mọi việc (phiền não) theo đó mà hết. Cũng như quả đất khi kiếp hỏa nổi
dậy, không cần phải có ai giết, có đem hành hình người ta mới chết. Khi
không có hơi thở thì ai nấy đều chết ngay lập tức. Bao nhiêu người cùng
chết một lượt.
Việc tu cũng
vậy, nếu ngay nơi phiền não, biết thể nó là không, không theo nó thì tự
nhiên nó hết, không có tốn công, nhọc sức gì hết. Còn không biết như thế
ắt phải huấn luyện, luyện tập lâu ngày mới được.
“Có khi ngồi
tỉnh tọa tâm niệm chạy lăng xăng, hoặc lúc gặp việc hoàn toàn mất hết, đều
bởi chưa được thân chứng. Bởi rơi vào hai, vào ba, đến sanh lầm lẫn lần
lượt mất sạch. Cổ nhân nói: “động tỉnh chẳng hai, chơn vọng chẳng hai.”
Ngài Duy Ma nói: “rõ tất cả pháp đều vào môn bất nhị.” Nếu nhận lãnh yếu
chỉ này thì muôn cái động tự tịch diệt. Như mắt không đến sắc, sắc không
đến mắt, tiếng chẳng đến tai, tai chẳng đến tiếng, mỗi pháp đều như thế.
Nguyên là kho công đức của tự tâm, nên không lấy bỏ. Người khế ngộ đến đâu
mà chẳng có lợi, đây chính là Na Già Đại Định.
Đây nói rằng,
khi ngồi tỉnh tọa , tức ngồi thiền, tâm niệm chạy lăng xăng hoặc lúc gặp
việc xúc chạm đến gia cảnh, bản thân, công việc của mình, thì lúc đó cái
đạo lý biến mất, vì mắc lo phiền não, buồn giận. Người bị như vậy là bởi
tại sao? Tất cả đều bởi chưa được thân chứng. Chưa được thân chứng cho nên
mới không trị được cái bệnh đó. Bởi rơi vào hai, vào ba cho nên nó mới
vậy. Tại sao? Thí dụ: bây giờ chúng ta bị mất một quyền lợi nào đó, thì
ngay đêm đó ngủ không được hoặc ngồi thiền tâm không an ổn. Bởi vì sao? Vì
đã rơi vào hai, vào ba, vì thấy cái quyền lợi đó là thật, nên mất cái đó
thì mình rối lên. Còn nếu thấy cái đó không thật, thân này không thật,
ngay đó sống trở về với đạo, thì đâu có gì làm rối mình. Như vậy từ đây về
sau, nếu có cái gì làm mình động tâm, rối loạn lên thì biết ngay mình bị
kẹt hai, ba rồi. Đừng kẹt hai, ba thì mọi cái hết rối. Đó là sự một thật.
Bây giờ dẫn
lời Cổ nhân nói: động tỉnh chẳng hai, chơn vọng chẳng hai. Khi động và khi
yên lặng nó cũng không phải là hai. Vì động mình biết động nguyên thể là
không, tức lặng ngay cái vọng. Biết vọng nó không thật thì nó lặng xuống
tức là chơn. Như vậy động và lặng đâu có hai? Chơn vọng nào cách biệt?
Ngài dẫn lời trong Kinh Duy Ma Cật nói: rõ tất cả pháp đều vào pháp môn
bất nhị. Tức là pháp nào ở thế gian cũng đều vào cái chỗ không hai hết. |