PHẦN 8
Nếu nhận lãnh
yếu chỉ này thì muôn cái động tự tịch diệt. Nếu người nào nhận ra cái lý
không hai đó, thì cái động nào cũng tự tịch diệt hết. Như mắt không đến
sắc, sắc không đến mắt, tiếng chẳng đến tai, tai chẳng đến tiếng. Thí dụ
Tôi có con mắt sáng, tất cả đồ đạt, tất cả quí vị ngồi trước tôi, tôi có
thấy hay không? Dù tôi không muốn thấy, cũng vẫn thấy. Tai tôi còn thính,
không phải hư, không phải điếc, thì những tiếng động chung quanh, dù tôi
không muốn nghe nó vẫn đến. Tại sao lại nói mắt không đến với sắc, tiếng
không đến với tai? Tuy mắt vẫn thấy sắc mà không có cái niệm phân biệt về
sắc thì gọi là không đến. Tai với tiếng vẫn chạm nhau mà không có niệm để
phân biệt tiếng thì gọi đó là không đến nhau. Đến mà không duyên, không
mắc gọi là không đến. Như vậy cả ngày thấy sắc, nghe tiếng mà tâm không
động. Cho nên nói tâm cảnh như như muôn cái động tự tịch diệt.
Nguyên là kho
công đức của tự tâm nên không lấy bỏ. Nghĩa là tâm không chạy duyên theo
sắc, theo tiếng, thì sắc cũng là kho công đức, tiếng cũng là kho công đức.
Người khế ngộ
đến đâu mà chẳng lợi! Đây chính là Na Già đại định (tức là đạo tràng). Khi
chúng ta khế ngộ được như vậy rồi, thì ở đâu cũng trong Na Già đại định.
“Người sinh ra
đời liền tự nhận, học đạo là đời trước từng gieo trồng căn lành. Bởi có
cội gốc liền biết phát tâm, cũng biết khởi nghi, đến nơi mình mà tầm cứu,
lại phiền não chướng mõng yếu, có nhân duyên, nên người nà dễ được hóa độ.
Nếu người chưa
huân tập tâm này thì chánh tín chẳng sanh, dù có nghe cũng chẳng sanh
nghi, chỉ như gió thổi qua tai, khuyên dạy lại sanh tâm sân hận phỉ báng,
thì có duyên gì mà được hiển bày. Do đó, nên trong ngàn người muôn người
chỉ có được một, hai người mà thôi. Nếu người tự hiểu tạo kế sống, thâu
thập được đầy đủ thì đời đời từ đây mà đi, lần lượt sáng suốt nhạy bén,
lại không thối thất công đức, một đời hơn một đời, vào khuôn vức của chư
Phật. Họ cùng sự tương ưng, dù sanh trên trời, cõi người cũng chỉ như thế,
có đối đầu với ngũ dục, bát phong và tất cả cảnh giới đều cùng lý phù hợp.
Kẻ ấy chẳng đi trong tam đồ, chỉ một vị bình đẳng chánh tri kiến đâu còn
việc gì.
Đọc đoạn này
chúng ta mới vững niềm tin với sự tu. Người sinh ra đời liền tự nhận học
đạo. Nghĩa là mình ra đời chưa có ai khuyên bảo, chưa được ai giáo dục, mà
mình tự phát tâm mộ đạo, đi học hỏi, là người đã từng gieo trồng căn lành
rồi. Bởi đời trước đã từng gieo trồng căn lành, nên nay ra đời tự nhiên
ham mộ đạo! Cái hâm mộ đó là cái căn lành đời trước sẳn có , chớ không
phải nhẩu nhiên.
Bởi có cội gốc
liền biết phát tâm. Vì có cái gốc, cái mầm sẵn, giờ gặp duyên nó phát ra.
Cho nên khi phát tâm đó rồi cũng biết khởi nghi nữa. Thí dụ khi nghe câu
nói không hiểu, nên nghi. Do nghi mới tầm cứu (tìm kiếm), nhờ vậy mà phiền
não chướng mỏng yếu, khi có nhơn, có duyên, thì người này là người dễ được
hóa độ.
Nếu người mà
tâm chưa huân tập tâm này. Người mà từ hồi đó đến giờ, chưa có được một ít
chủng tử nào thì chánh tín chẳng sanh. Dù người đó có nghe đạo cũng chẳng
sanh nghi. Nghĩa là người nói mặc người nói, không nghi ngờ gì hết. Chỉ
như gió thổi qua tai, có nghe rồi mất, không nhớ, không nghĩ đến, nếu ai
khuyên dạy họ thì họ lại sân hoặc chê bai nữa. Họ bảo: họ không muốn tu mà
khuyên cái gì!
Như vậy họ
không có duyên đời trước, thì bây giờ khó giáo hóa họ được. Bởi không được
giáo hóa, họ không có duyên để hiển bày được cái tâm thể đó.
Do vậy mà nhận
được tâm thể, đó thì trong ngàn người, muôn người chỉ được một người, hai
người, rất ít ỏi, chứ đây phải ai cũng nhận được, ai cũng có duyên lành
như thế! Đó là nói cái cơ duyên, có duyên lành và không duyên lành của
người nhận thật ít có. Bây giờ nói người nhận được thì sao?
Nếu người tự
hiểu tạo kế sống. Tạo kế sống tức là hiểu được cái tâm thể này, sống tùy
duyên cái tâm thể này. Trong luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là: Tùy thuận chân
như. Còn Thiền tông như Ngài Nam Tuyền nói rằng: tôi có con trâu, nếu đem
dẫn qua khe Đông ăn thì sợ nó phạm cỏ nước của Quốc vương, dẫn qua khe Tây
ăn cỏ sợ phạm cỏ nước Quốc vương, chi bằng mỗi ngày cho một chút ít nó
sống thì được. như vậy gọi là biết kế sống để nuôi trâu đó. Con trâu đó là
con trâu gì? Con trâu đó là biết sống trở về với tâm thể của mình.
Thâu thập đầy
đủ thì đời đời từ đây mà đi. Từ đây là từ đâu? Tức là từ nơi chỗ được thấy
đạo đó mà đi, lần lượt được sáng suốt, nhạy bén, nghĩa là lần lượt mỗi
đời, mỗi đời đều tiến lên. Lại không thối thất công đức, một đời hơn một
đời, vào khuôn vức chư Phật. Nếu người thật tình nhận được, sống được như
vậy thì mỗi đời; nếu đời này chưa xong, thì đời sau tiến lên, cứ như vậy
cho đến ngày viên mãn, không bị hao, không bị mất. Đó là sự thật.
Họ thường cùng
sự tương ưng, dù sanh lên cõi trời, cõi người cũng chỉ như thế. Là gặp
việc gì họ cũng sống phù hợp với đạo. Dù ở trong cảnh sang cả, sung sướng
như cõi trời hay cực khổ như cõi người, họ cũng đều sống hợp với đạo.
Có đối đầu với
ngũ dục, bát phong và tất cả cảnh giới đều cùng lý phù hợp, chỉ một vị
bình đẳng chánh tri kiến. Dù gặp những bát phong, ngũ dục, họ cũng đều
sống phù hợp với tâm thể đó, không bị trái và cũng không rơi trong tam đồ.
Họ hằng sống trong chánh tri kiến bình đẳng.
Cho nên người
tu chúng ta phải gan dạ thấy rõ việc đó, tin chắc việc đó, hằng sống trong
việc đó, đừng bị những lý luận, những lời xuyên tạc mà lung lay. Như có
một số người lý luận nói rằng: Người tu thiền đời này chưa xong, mà chết
thì đời sau trở lại mê muội thành phàm tục (rồi dẫn chứng chuyện này,
chuyện kia). Còn niệm Phật về Tây phương, rồi cứ đời này, đời sau tu tiến
lên. Đó là một lối lý luận để đánh bạt tâm chánh tín của mình. Do đó tôi
nói, mà có lắm vị cũng chưa đủ niềm tin. Có nhân thì phải có quả, thật là
vô lý khi mình nuôi dưỡng, săn sóc cái nhơn cần mẫn chân chánh, mà mình
chưa viên mãn, rồi đời sau mình trở thành phàm tục mê chuyện thế gian!
Cho nên chúng
ta phải nhận sâu tin chắc rằng điều đó không bao giờ đúng! Phật nói nhân
quả rõ ràng, đó là cái căn bản thấp nhất mà còn không sai, huống là chúng
ta đang sống trong trí huệ chân thật mà bất thần chúng ta mất nó, thì
chuyện quá vô lý.
Thí dụ: chúng
ta học sinh ngữ Pháp, hoặc Anh, rồi bỏ qua 10 năm, 20 năm, không nói,
không dùng thì coi như quên là phải. Chứ nếu chúng ta học một môn sinh ngữ
rồi năm nào, tháng nào cũng nói, thì càng ngày chúng ta càng giỏi thêm,
chứ đâu co lu mờ. Chúng ta bị lu mờ vì bỏ qua 10 năm, 20 năm, nhưng tuy lu
mờ, nhưng được nhắc lại cũng còn nhớ.
Như vậy, chúng
ta có chủng tử nên chúng ta mới gặp đạo, mà gặp đạo thì chúng ta tu. Thật
là vô lý, khi nói tu rồi, đến chết nếu chưa viên mãn thì nó mất luôn. Cho
nên, không phải chỉ tôi nói, mà chính chư Tổ cũng nói, rất rõ ràng. Nếu
hiện tại mình tu hành, biết tạo kế sống (tức là biết sống với tâm thể),
mình thâu thập được đầy đủ ngay trong đời này, và từ đây về sau, lần lượt
càng ngày càng sáng suốt, bén nhạy và công đức mình không bao giờ thối
thất. Còn đời này chưa viên mãn thì đời sau sẽ tròn đủ hơn. Nghĩa là đời
đời sống trong khuôn vức chư Phật.
Giả sử người
đó, không sanh cõi này mà sanh cõi trời thì gặp việc gì họ cũng phù hợp,
cũng tương ưng với đạo, chứ không phải đợi gặp thiện tri thức rồi họ mới
tương ưng. Điều đó rất rõ ràng. Quí vị thấy hiện tại, có nhiều người ra
đời không gặp phật pháp, thế mà họ vẫn nói đúng lý đạo. Như vậy chúng ta
còn gì mà nghi ngờ!
Bây giờ đến
đoạn kết Ngài có ý khuyên răn chúng ta đây:
Sanh tử không
thể chẳng sợ, phải rõ một đoạn tình ngụy sanh tử này mới được an lạc không
gì hơn. Thân tâm là mối lụy. Thân như gông cùm, phải biết chỗ thân đi đến.
Tâm như khỉ vượn, phải biết chỗ tâm khởi diệt. Hai cái này từ chỗ nào đi
đến, khi khởi, thì thân tâm tròn sáng, trong ngoài nhất như. Vả lại, tâm
là ở trong, thì thân ở ngoài, thân là trong thì vật là ngoài. Quốc Sư bảo:
“thân tâm nhất như ngoài thân không thừa.” Thế thì không thấy có sanh tử
chống lại ý mình, nên gọi giải thoát đại đạo. Cho nên hay khiến người thấy
nghe đâu chẳng được chẳng thoát ý tưởng, đâu chẳng được chẳng dứt vật
cảnh, đâu chẳng được chẳng dung thông, lại còn nghi ngờ ư?
Ngài kết thúc
để khuyến khích chúng ta trong sự tu hành. Nghĩa là người tu đối với việc
sanh tử lúc nào cũng thấy đáng ngại, đáng sợ, vì cuộc sống này quá mỏng
manh. Nếu chúng ta không cố gắng thì một đời chưa giải quyết được việc gì.
Cho nên ”Phải rõ một đoạn tình ngụy sanh tử này mới được an lạc không gì
hơn”. Tình ngụy tức là cái tâm hư giả của sanh tử. Thường chúng ta cho
sanh tử là sự thật. Nhưng với người thấy đạo sanh tử chỉ là cái giả dối,
nó không phải là thật, cũng không phải là hai. Thấy sanh tử không phải là
hai rồi, thì tự nhiên thân tâm mình an lạc. Bình thường chúng ta thấy sanh
là sống, là còn, tử là mất, là chết. Nhưng tại sao lại nói sanh tử không
phải là hai (ai cũng thắc mắc chỗ này). Bây giờ quí vị thấy sanh là gì? Là
tứ đại ngũ uẩn hòa hợp. Tử là gì? Là tứ đại ngũ uẩn tan rả. Vậy sanh tử
chỉ là sự hợp tan của tứ đại ngũ uẩn. Tôi hỏi quí vị, tứ đại có thật là
mình không? Điều này nếu không nhắc thì lâu lâu rồi mình cũng quên lững.
Bây giờ ngay nơi tứ đại này, hỏi có phải thật là mình hay không? Thì đa số
nói thật, phải không? Nếu thật là mình thì ngay nơi gió nước, không khí,
mà mình hít vô cũng là mình, thở ra cũng là mình. Nhưng hít vô rồi thì nói
là hơi thở của mình, khi thở ra khỏi mũi, hơi thở đó loãng đi trong không
khí, biết là của ai?
Thí dụ: chúng
ta chừng 10 người, ngồi chung với nhau trong một phòng kín bốn thước
vuông, khi người kia thở ra, mình cũng có hít vô, đổi qua đổi lại, như vậy
hơi thở nào thuộc của ai. Vậy mà mình chấp hít vô là hơi thở của tôi.
Bây giờ đến
nước. Nước ở trong mình là nước của mình. Khi nó ra khỏi mình, mình có
dùng được nó không? Vậy mà khi còn ở trong thân thì của mình quí như vàng,
khi ra khỏi thân thì mình gớm, chê, nhờm chán. Như máu khi còn ở trong
thân thì quí, là của mình, nhưng lỡ đứt tay, nó chảy ra, mình có dám lấy
chung hứng uống cho bổ lại không? Đó là tôi chưa nói đến trường hợp, trước
khi nó chưa vô, mình cho nó là cái gì? Nếu nước còn ở ngoài thì nước đâu
phải là của tôi, khi uống vô rồi thì nói nước của tôi, thật là vô lý. Lúc
nãy không phải của mình, bây giờ tại sao nói là của mình.
Bây giờ tôi
thí dụ: như cái nhà ngoài chợ chẳng hạn. Cái chợ có nhìn nhận những người
đi vô, đi ra là của nó hay không? Những người đó đâu phải của nó, mà cái
sườn, cái cột. v.v... mới là của nó. Vì người vô rồi ra, làm sao bảo là
của nó? Mất rồi thì thôi đâu phải của nó. Mình đây cũng vậy, tứ đại vô ra
ngoài, rồi chấp ngang là của mình, chấp nhận mình rồi, sau cho là thật
luôn. Nó hợp nơi đây thì mình còn, nó tan thì nói mình mất. Thật sự tứ đại
có mất hay không? Khi chưa hợp tứ đại cũng là tứ đại. Khi tan ra tứ đại
cũng là tứ đại, nào có mất. Tứ đại không mất thì tại sao mình nói nó không
còn? Tứ đại không mất thì chính cái tâm thể mình có mất đâu?
Vậy mà mình
lại cứ cho chết là mất, sống là còn. Như vậy thấy rõ tứ đại, sống chết là
cái tính chất hư ngụy của mình. nếu biết sống chết chỉ là sự hợp tan của
tứ đại, chứ đâu có liên hệ đến mình thì mình có sợ không (nếu sợ là si)?
Do đó chúng ta mới thấy an lạc, giải quyết được cái đau khổ ngay trong
cuộc đời này, trong cõi nhân gian này, mà trong Kinh gọi là: Trong nhà lửa
(tam giới vô an du như hỏa trạch). Nên thân tâm là mối lụy, thân này và
những cái vọng tưởng là mối lụy làm cho mình phải mệt.
Thân như gông
cùm, phải biết chỗ đi đến, tâm như khỉ vượn, phải biết chỗ tâm khởi diệt.
Chắc là không ai tin thân này như gông cùm vì thấy mình khỏe quá, mình
sung sướng quá. Nhưng nếu có khi nào, có những giây phút mà quí vị sống
được với tâm thể rõ ràng, mà bây giờ nó bị kẹt trong chỗ này (tứ đại), lúc
ấy mình mới thấy nó là gông cùm.
Thí dụ: như
những lúc nhức răng hay đau đầu, chúng ta thấy tâm mình nó không nhức
răng, nó không đau đầu, mà giờ mang thân này rồi, phải chịu nhức, phải
chịu đau! Và nếu ngay đây nó rã ra, thì mình tràn trề sung sướng. Chính
lúc đó mình mới thấy thân này là gông cùm. Quí vị nghĩ gông cùm bỏ ra được
thì ai buồn? Còn nếu thấy nó là nguồn hạnh phúc, khi bỏ nó, quả thật là
đau!
Cho nên Tử như
cởi áo hạ đang nực quá, cởi áo thì mát rượi, khỏe khoắn biết bao! Bởi vì
mình thấy rõ rằng, quyển Kinh bằng tam thiên đại thiên thế giới mà đem
nhét vào hạt bụi này, rồi phải chịu khổ với hạt bụi. Giờ đây hạt bụi nó rã
ra thì nó tràn đầy cả tam thiên đại thiên thế giới. Vậy có sướng hay
không? Nếu ai thấy vậy thì chết là trò chơi, gõ nhịp mà hát, không có gì
than phiền hết. Còn nếu không thấy như vậy, nghe nói đến chết thì buồn
rầu, khổ sở.
Vậy nên cuối
cùng tất cả cái sợ là chết, mà nếu không còn sợ chết, thì tất cả thế gian
này có gì đáng sợ? Đó là chuyện thật.
Cho nên mình
biết thân tâm này là mối lụy, thân này như gông cùm, mà biết thân như gông
cùm ắt phải biết chỗ đi, chỗ đến của nó. Vậy đi đến cái gì? Là khi sanh
thì biết tứ đại ngũ uẩn duyên hợp, duyên tứ đại ngũ uẩn rã là tử. Biết rõ
như vậy tức là biết được thân. Giờ đến tâm, phải biết chỗ khởi diệt của
tâm, tức là phải thấy rõ những vọng tưởng này như con vượn, con khỉ, chợt
khởi, chợt diệt, nó vốn không thật, thì nó lặng yên. Như vậy, khi biết rõ
vọng tưởng không thật, biết rõ thân sinh diệt không còn nghi, không còn
kẹt thì ”Thân tâm tròn sáng nhất như”, không còn gì bận rộn nữa.
”Vả lại, tâm
là ở trong thì thân là ở ngoài, thân là trong thì vật là ngoài.” Ở đây
Ngài bảo, nếu trái lại chúng ta cho tâm là ở trong và thân là ở ngoài hoặc
cho thân là ở trong mà vật là ở ngoài, thì như vậy có hai lớp trong ngoài
đối đãi nhau. Tâm ở trong mà thân ở ngoài.
Thí dụ: như bỏ
hòn sỏi tro cái lu, thì hòn sỏi ở phía trong mà cái lu ở phía ngoài, thì
hòn sỏi và cái lu đối đãi trong ngoài, hai cái khác nhau nên cũng là bệnh.
Thấy ngoài thân lại có vật, nghĩa là khi thấy vật, chúng ta khởi phân
biệt, dấy niệm nên đã sai. Đây Ngài dẫn lời Quốc Sư “Thân tâm nhất như
ngoài thân không thừa”. Chúng ta thường hiểu lầm câu ”Thân tâm nhất như”
tưởng đâu khi ngồi thiền phải để thân tâm thành một khối, mà chữ nhất ở
đây để chỉ cho khi vọng niệm khởi lên biết không thật thì nó tự tan, tự
lặng lẽ.
”Ngoài thân
không thừa”. Tất cả sự vật hiện hữu, nhưng chúng ta không phân biệt nên
tâm nhất như.
Như trong Tín
Tâm Minh:
“Nhãn nhược bất thùy
Chư mộng tự trừ
Tâm nhược bất dị
Vạn pháp nhất như”.
“Nhãn nhược
bất thùy, chư mộng tự trừ.” Con mắt nếu không ngũ thì các mộng tự dứt.
“Tâm nhược bất dị, vạn pháp nhất như.” Tâm mình nếu chẳng khác thì thì
muôn pháp nhất như. Thật rõ ràng.
”Thế thì không
thấy có sanh tử chống lại ý mình, nên gọi giải thoát đại đạo.” Sanh tử chỉ
là cái giả dối, tan hợp của tứ đại, nên người thấy đạo không thấy có sanh
tử. Không thích sanh tử, cũng không sợ sanh tử, do đó sanh tử đâu chống
lại ý mình. cho nên hay khiến người thấy nghe không khởi niệm, thì thoát ý
tưởng, thấy vật, cảnh không dấy niệm thì vật, cảnh nhất như. Đâu chẳng
được dung thông lại còn có gì nghi ngờ ư? |