KHUYÊN GẮNG TU HÀNH
Giảng tại chùa
Phổ Đà TP Hồ Chí Minh - Mùa an cư 2001
Hôm nay thể
theo lời mời của Ni sư Trụ trì chùa Phổ Đà, tôi về đây thăm trường hạ,
đồng thời có vài lời nhắc nhở Ni chúng tu hành trong mùa an cư.
Sau khi Phật
nhập Niết-bàn, có một số người cho rằng do nhận bữa cơm cuối cùng ở nhà
ông Thuần Đà, ăn trúng nấm độc nên Phật tịch, do đó Thuần Đà bị kết tội.
Nhưng trái lại, sau khi thọ bữa cơm đó xong, Phật nói: “Hai người cúng
dường cho ta có công đức rất lớn, đó là nàng Mục nữ dâng bát sữa đầu tiên
trước khi ta thành đạo và người cúng dường bữa cơm cuối cùng trước khi ta
nhập Niết-bàn là Thuần Đà”. Như vậy Thuần Đà có công đức theo lời Phật thọ
ký hay có tội theo lời kết án của quý thầy Tỳ-kheo?
Muốn thấy cái
hay của vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem lại bài kệ tụng của Thiền sư
Thanh Nguyên hiệu Minh Chánh thế kỷ thứ 19 dòng Tào Động ở nước ta.
Hay lắm Thuần Đà, hay lắm Thuần Đà!
Không nói ngắn, chẳng nói dài,
Ngắn, dài, tốt, xấu thảy đều sai.
Tìm hay lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.
Công danh cái thế màn sương sớm,
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,
Công lao uổng phí một đời ai.
Tôi thích hai
câu sau quá! Tôi sẽ lần lượt giải thích bài kệ này để quí vị thấy tinh
thần của người đã thấu được lẽ chân thật:
Không nói ngắn, chẳng nói dài,
Ngắn, dài, tốt, xấu thảy đều sai.
Tại sao vậy? Ở
đời chúng ta luôn luôn phân biệt đây là tốt, kia là xấu, vật này ngắn, vật
nọ dài v.v… nhưng cái ngắn dài ấy có cố định không? Nếu lấy một cây hai
thước để bên cạnh cây năm thước thì cây năm thước dài, cây hai thước ngắn.
Nhưng nếu cây năm thước đứng bên cạnh cây mười thước thì cây năm thước trở
thành ngắn, cây mười thước dài. Cứ như vậy mà đổi thay thì cái ngắn dài
không có giá trị cố định gì hết. Như vậy nói ngắn, nói dài chỉ là đối đãi
tạm thôi, không có lẽ thật. Song ở đời ta đang nói cây này ngắn, cây kia
dài, có ai nói ngược lại thì sanh chuyện cãi vã với nhau hoài. Đó là nói
cái ngắn dài.
Sang chuyện
phải quấy cũng thế. Khi chúng ta cho một vấn đề là phải, người khác bảo
quấy liền có đối nghịch, nhẹ thì cãi lẫy, nặng thì đi đến đấu tranh. Ta
cho cái nghĩ của mình là đúng, người khác cũng cho cái nghĩ của họ đúng.
Hai cái đúng gặp nhau thì chỏi nhau, thành thù địch. Bây giờ muốn hết thù
địch thì sao? Phải biết “phải quấy” thảy đều sai, buông hết đi thì hết thù
địch. Tại sao? Vì phải ở nơi này mà chưa phải ở nơi kia. Cái phải ở thời
gian này không là cái phải ở thời gian khác. Phải quấy còn tùy thuộc vào
xứ sở, thời gian, chớ không cố định được.
Thí dụ ở Việt
Nam ta hồi xưa thuộc Pháp, ra đường đi tay phải là đúng, đi tay trái là
quấy. Nhưng nếu qua Mỹ, Anh thì đi bên trái là phải, đi bên phải là quấy.
Như vậy lẽ phải ở chỗ nào? Không có lẽ phải cố định. Còn như ngày xưa
chúng ta chịu ảnh hưởng Nho giáo, phụ nữ khuê môn bất xuất, phải ở trong
nhà không được đi ra ngoài. Cô nào, chị nào tuân thủ đúng như vậy được xem
là thanh khiết, người phụ nữ có tư cách mẫu mực. Nhưng bây giờ phụ nữ ở
nhà hoài chắc không có gạo ăn, nên họ cũng phải đi làm. Do đó phụ nữ ngày
nay đi làm theo ngành nghề tốt, có lợi cho gia đình, xã hội thì được khen.
Thế thì cái phải của ngày xưa với cái phải bây giờ, cái nào đúng?
Nếu chúng ta
chấp cái phải cố định thì sẽ sanh cãi nhau. Vì vậy Phật dạy khi nghĩ về
vấn đề gì, ta chỉ nên nói đây là cái nghĩ của tôi, đừng nói cái nghĩ của
tôi “là đúng”. Cái nghĩ của huynh không phải cái nghĩ của tôi, mỗi người
đúng mỗi cách, không có cái tuyệt đối. Hiểu thế thì khỏi cãi. Nên người
hiểu tột cùng đúng đắn thì tất cả mọi việc trên thế gian này không còn
phiền hà nữa, sống với ai cũng hỷ lạc, vui tươi. Ngược lại cố chấp phải
quấy, ai làm khác mình la rầy tức tối thì sẽ khổ hoài. Thiền sư muốn chỉ
cho chúng ta đừng lầm mê, đừng cố chấp nên mới dạy như thế.
Trong kinh
A-hàm Phật dạy một câu rất chí lý: Người biết tôn trọng chân lý là khi
mình nghĩ điều gì thì nói rằng: “Đây là cái nghĩ của tôi”. Ngang đó thôi
chứ không nói đúng, nói sai. Anh nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác, đó là
chuyện riêng của mỗi người, đừng khẳng định cái nghĩ của tôi là đúng, của
anh là sai. Đó là người biết tôn trọng chân lý.
Hiện giờ tất
cả chúng ta sống có tôn trọng chân lý không? Nếu không tôn trọng chân lý
tức là không tôn trọng lời Phật dạy. Tu theo Phật mà không tôn trọng lời
Phật dạy nghĩa là sao? Tôi nhắc điều này cho tất cả quí vị nhớ, chúng ta
tu là phải tìm hiểu, thấy rõ những gì Phật dạy đúng chân lý thì thực hành
theo. Đừng cố chấp theo tình kiến riêng tư của mình, vì chấp như thế là
sai lầm sẽ dẫn đến đau khổ mà thôi, chứ không được gì cả. Hiểu thế mới có
tâm cởi mở rộng rãi, sống với mọi người một cách an vui thoải mái, không
có gì buồn phiền giận hờn nhau.
Tìm hay lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.
Ở đời ai cũng
muốn tỏ ra mình hay, mình đúng nhưng không ngờ càng tỏ hay đúng thì càng
bị người chê vụng chê xấu. Nên Thiền sư nói càng muốn làm hay lại trở
thành vụng. Vậy sống thế nào để đừng bị người ta cười chê là quê vụng? Sở
dĩ bị chê cười quê vụng là tại mình muốn tỏ ra hay khéo, có tài v.v… Cái
thật của mình thế nào mình cứ sống thật thà thế ấy, đừng làm kiểu làm
cách. Người quê mùa làm kiểu cách sang trọng chừng nào càng lộ bày cái quê
vụng nhiều chừng ấy. Nên sống tự tại, hiền hòa chân thật là hay nhất.
Bắn sẻ ai dè
sói chực ngay, nghĩa là con chim đậu trên cành, gã thợ săn nhắm bắn và tin
rằng mình sẽ được miếng mồi ngon. Nhưng không ngờ chim vừa rớt xuống đất,
chó sói liền chụp tha đi mất. Cũng thế, trên đời này những gì ta ngỡ mình
sẽ được, sẽ nắm chắc trong tay, không ngờ lại bị duột vào tay người khác.
Thế gian được đó liền mất đó, không có gì bền chắc, không có gì bảo đảm
hết. Nên nhớ ở đời không bao giờ chúng ta được toại nguyện trăm phần trăm,
nhiều lắm là năm chục phần trăm, dở hơn là hai chục phần trăm.
Thành công ít,
thất bại nhiều thì khổ nhiều hay vui nhiều? Khổ nhiều. Bởi chúng ta muốn
toại nguyện nhưng không được nên khổ. Nếu ta đừng đòi toại nguyện thì đâu
có khổ. Chim sẻ bay cứ bay, đậu cứ đậu ta đừng bắn nó thì đâu có giận chó
sói giật miếng ăn của mình. Ở đời cũng vậy, ta mơ ước, mong đợi điều gì
nhưng cái đó không đến với mình, lại đến với người khác. Lúc đó tâm ta ra
sao, ưa người kia hay bực tức ganh tỵ với họ? Dĩ nhiên là bực tức khó chịu
rồi.
Trong đạo cũng
thế, có người vào chùa muốn được thầy thương bạn quý, nhưng ai đó được
thương quý hơn mình thì ghét người ta. Tôi nói điều này nhỏ nhỏ thôi, nói
lớn sợ người ta cười. Nếu không đặt vấn đề thầy thương bạn mến, ta sống
đúng như những gì thật của mình thì có buồn không? Rõ ràng là không. Như
vậy Ni chúng sống cho chân thật hòa nhã là đủ rồi, còn chuyện thương ghét
không cần quan tâm. Ai thương cũng được, ai ghét cũng được, lúc nào mình
cũng thanh thản an vui, đó là hạnh phúc nhất đời. Đòi được thương mà không
được thì nhất định buồn, hoặc người khác chiếm phần thì nhất định ta ghét
họ. Đó là bệnh, chứ không phải tâm hạnh của người tu.
Chúng ta phải
khéo nghe những câu Thiền sư dạy, biết thức tỉnh, sửa mình trên đường tu
thì hay biết mấy, không có gì phải bận lòng, không có gì phải buồn bã.
Không buồn bã thì đâu có khóc. Lẽ ra người tu thì phải an lạc, không ngờ
thỉnh thoảng cũng khóc, đó là vì đòi hỏi, muốn được mà không được. Nên nhớ
đừng bao giờ chúng ta mong muốn những gì ở bên ngoài, mà phải tự tu sửa
bản thân mình thành người chân chánh là đủ rồi. Chuyện thương ghét không
màng, như vậy tu khỏe, được an lành, tự tại. Ngược lại nếu khác đi thì
không ổn, không vui. Tóm lại bốn câu này để chỉ cho người tu sống phải
khéo, đừng cố chấp mà khổ đau.
Công danh cái
thế màn sương sớm, công danh tột cùng rồi cũng như màn sương sớm thôi,
sáng thấy nó mờ mờ, đến trưa tan hết không thấy gì. Những người quyền cao
chức trọng khi được hưởng sang quý rồi, thời gian sau cũng mất, không có
gì vĩnh viễn. Ví dụ như làm Tổng thống là quyền uy tột cùng rồi, nhưng
chừng ba bốn năm cũng phải xuống cho người khác lên thôi. Đã biết không có
gì vĩnh viễn thì đuổi theo giành giựt làm chi. Chúng ta phải sống chân
chánh, thật thà để lòng được bình an, đạo đức được vững bền, không phải
khổ. Thế nên ngài Minh Chánh nói công danh ở thế gian này không chân thật,
tạm bợ, đã tạm bợ thì theo đuổi tìm kiếm làm gì.
Phú quý kinh
nhân giấc mộng dài, dù chúng ta giàu đến độ người nghe phải giật mình
nhưng cũng là giấc mộng dài thôi. Ví dụ người bốn mươi tuổi nghĩ tới bảy
tám mươi tuổi chết thì thấy như còn xa, nhưng đến khi bảy tám mươi tuổi
thì thấy cái chết kề cận một bên, không còn xa nữa. Cho nên dù giàu mấy
cũng chỉ là tạm bợ, chứ không phải kế lâu dài. Hai câu này khuyên người
thế gian còn mê công danh, ham phú quý nên thức tỉnh, tìm lẽ chân thật
vĩnh viễn lâu dài. Người thế gian đối với công danh phú quý còn không
màng, không say đắm, huống là người tu lại có thể đắm mê sao? Muốn tu phải
gác ngoài công danh phú quý mới tu được chứ.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,
Công lao uổng phí một đời ai.
Mỗi khi đọc
tới câu này tôi cảm thấy xót xa làm sao. “Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật”
là gì? Quí vị nhớ Lục Tổ khi trình kệ cho Ngũ Tổ, dựa vào bốn câu kệ của
ngài Thần Tú:
Thân thị Bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Dịch:
Thân như cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng,
Thường thường phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.
Ngài nói ngược
lại:
Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà
xứ nhá trần ai?
Dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Tâm sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Người tu nếu
không nắm được, hiểu được bản lai vô nhất vật thì công phu uổng phí một
đời. Ai tu như vậy cũng đều uổng phí hết, câu này rất đau, rất xót xa. Như
vậy bản lai vô nhất vật là cái gì? Bản là xưa, lai là nay, vô nhất vật là
không một vật. Bản lai vô nhất vật là xưa nay không một vật. Người tu nếu
không hiểu cái xưa nay không một vật, công phu tu hành chỉ là uổng phí một
đời, không được lợi ích chi cả.
Chỗ này không
thể dùng ngôn ngữ diễn tả được, song tôi cũng gượng nói, ai khéo có thể
nhận biết được. Bản lai vô nhất vật là chỉ cho tâm chân thật hay Phật tánh
của chính mình. Tâm ấy xưa nay không là vật gì hết. Hiện giờ chúng ta chạy
theo hình thức, vật chất mà quên tâm chân thật của mình, mỗi người ai ai
cũng có tâm chân thật nhưng không biết. Sự vật bên ngoài là tướng duyên
hợp sinh diệt, tạm bợ giả dối, còn tâm chân thật ấy là cái cứu kính của
người tu.
Chúng ta chỉ
biết quí thân duyên hợp tạm bợ hư dối, quí tâm duyên theo bóng dáng sáu
trần cho là tâm mình. Như vậy bám vào thân sinh diệt và tâm hư dối cho là
mình thật nên lầm lẫn, cố chấp vào cái giả, cuối cùng quên mất cái chân
thật của mình, phải chịu vô lượng khổ đau. Cho nên ở đây Ngài muốn nhắc
chúng ta phải thấy được mình có cái chân thật, không phải là bóng dáng của
sáu trần, không phải là thân tứ đại. Nhận được cái đó đời tu mới khỏi uổng
phí. Tu là để giác ngộ giải thoát, muốn thế phải thấy được cái xưa nay
không một vật.
Chư Phật, chư
Tổ dạy chúng ta tu muốn được kết quả, dù tu pháp môn nào cũng phải nhất
tâm bất loạn. Cụ thể như tu Tịnh độ, hành giả niệm Phật từ một ngày cho
tới bảy ngày, nhất tâm bất loạn, khi lâm chung mới thấy Phật và Thánh
chúng hiện ở trước mặt, đón về Cực Lạc. Nhất tâm thì không còn nghĩ đông
nghĩ tây, nghĩ phải nghĩ quấy nữa. Tu Thiền cũng thế, tâm phải định trí
tuệ mới sanh, tức phải dừng hết tâm lăng xăng lộn xộn. Nhất tâm chính là
chỗ không một vật của Lục Tổ đã nói trong bài kệ trình kiến giải cho Ngũ
Tổ.
Người tu muốn
giải thoát sanh tử phải được định, phải tiến tới chỗ nhất tâm bất loạn,
mới đi tới bản lai vô nhất vật. Nếu không sẽ ở mãi trong cái giả tướng
sanh diệt. Ai bám vào đó mà sống, bám vào đó mà tu, rốt cuộc đi trong sanh
tử không giải thoát được. Tu mà không giải thoát thì uổng phí một đời, cho
nên Thiền sư Minh Chánh đã nói hết sức thiết tha, hết sức chân thật.
Tôi tạm chỉ
cho quí vị thấy cái chân thật không một vật như thế này. Nếu trong tâm
chúng ta nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ phải, nghĩ quấy thì trong đó có hình
ảnh, có bóng dáng người vật phải quấy… Nội tâm đã dính mắc rồi thì những
gì hợp với cái thấy, cái nghe của mình, ta cho đó là phải, khác đi cho là
quấy. Cứ sống với bóng dáng hư giả nên quên mất mình có cái chân thật.
Bây giờ chúng
ta ngồi thiền yên lặng chừng năm ba phút, chỉ thấy hơi thở không nhớ gì
khác. Hơi thở vô, hơi thở ra ta biết rõ ràng, cái biết đó có hình bóng gì
không? Không có tướng trạng gì cả, nó chính là tâm chân thật của mình. Cho
nên khi mới tu, chúng ta tạm mượn một phương tiện để dừng tâm suy nghĩ
lăng xăng. Tâm ấy dừng rồi, chỉ còn một cái biết rõ ràng không sanh không
diệt, tự nhiên bản lai vô nhất vật hiện bày.
Chúng ta ai
cũng có khả năng nhận lại chỗ chân thật đó, chứ không phải không. Mình có
sẵn nhưng tại vì quên, nên đuổi theo thân cảnh bên ngoài rồi tạo nghiệp.
Như vậy con người vì si mê nô lệ cho thân vật chất, cho tâm sanh diệt nên
chạy theo bóng dáng sáu trần. Nghĩ thế này thế kia, hơn thua, phải quấy,
tốt xấu v.v… Cứ thế cả ngày chúng ta sống không yên vì hơn thua được mất.
Nói về nghề nghiệp người được khen giỏi thì vui, người bị chê dở thì buồn.
Nói về hình dáng cũng vậy, được khen đẹp thì vui, bị chê xấu thì buồn. Thế
gian ai cũng đòi hơn, đẹp hơn, giỏi hơn, giàu hơn, quyền uy hơn v.v… đòi
không được thì khổ. Trong khi sự thật hơn thua chỉ là trò chơi thôi. Vì
người đời không tìm được cái chân thật cứu kính nên chạy theo cái hơn thua
giả dối bên ngoài.
Người tu phải
biết mình sẵn có cái chân thật để quay về. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút,
nhìn lại mình, đuổi dẹp những thứ giả tạm, sống với cái chân thật. Tu như
vậy mới không uổng phí một đời. Tất cả các pháp tu của Phật đều dạy quay
về mình, niệm Phật cũng chăm chú, dứt hết những ý nghĩ lăng xăng, được
nhất tâm bất loạn. Tu thiền cũng quán chiếu để dẹp bỏ những vọng tưởng cho
tâm thanh tịnh, trở về cái bản lai vô nhất vật. Cả một đời tu hành là nhắm
thẳng vào cái chân thật của chính mình, sống trở về với nó là giải thoát
sanh tử. Ngược lại không biết trở về, không sống được với nó thì phải trôi
lăn trong sanh tử không cùng.
Thiền sư nói
hết sức chua xót: “Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật, công phu uổng phí một
đời ai”. Cạo đầu đi tu, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ hết thân quyến để làm một việc
cao siêu, một việc phi thường, đó là giải thoát sanh tử. Vô chùa rồi buồn
thương, giận ghét đủ thứ hết, tự trói buộc, tự làm khổ. Như vậy có uổng
phí một đời tu không? Vô cớ ta lại làm những việc rất tầm thường.
Lục Tổ khi ngộ
đạo rồi dạy đồ đệ lấy Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bổn.
Vô niệm tức là tâm không còn dấy một niệm nào, đó là bản lai vô nhất vật,
lấy đây làm tông tức là chủ yếu. Vô tướng tức là không có hình dáng, tướng
mạo, lấy đây làm thể chân thật của mình. Vô trụ mà Lục Tổ nói ở đây là chỗ
Ngài ngộ trong kinh Kim Cang: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ
thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Kỳ
tâm là tâm gì? Tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bởi vì khi
Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm
sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm? Phật dạy: Không nên dính
mắc nơi sắc, nơi thanh, nơi hương, nơi vị, nơi xúc, nơi pháp; nên không có
chỗ dính mắc mà an trụ tâm ở quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lục
Tổ nghe tới đó Ngài thốt lên đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ
tâm mình xưa nay không sanh diệt v.v… tức Ngài đã nhận được tâm chân thật
đó.
Chúng ta tu để
đi tới chỗ vô niệm tức là nhất tâm. Thể vô niệm đó không có tướng mạo nên
nói bản lai vô nhất vật. Tâm vô niệm không dính mắc với sáu trần, giữ được
như thế là gốc của sự tu. Như vậy trên đường tu, tất cả Tăng Ni, Phật tử
muốn đi tới giác ngộ, thoát ly sanh tử thì phải cố gắng thực hiện được đến
chỗ cuối cùng, là nhận lại bản tánh xưa nay không một vật của mình. Nhận
được như thế công lao tu hành mới xứng đáng, ngược lại không nhận được thì
hy sinh cả đời tu uổng phí, không đến đâu.
Hôm nay tôi
mượn bài kệ của Thiền sư Minh Chánh để nhắc nhở tất cả Ni chúng, Phật tử
nỗ lực tu hành cho xứng đáng với tâm nguyện cầu giải thoát sanh tử của
mình. Một tu sĩ phải là người anh dũng vượt khỏi trần lao, sống như Phật
sống, chớ đừng tu chỉ để tu, như vậy uổng đi một đời, lại còn mang tiếng
đến với đạo mà không thấy đạo. Muốn đền ơn thầy tổ, ơn cha mẹ, ơn tất cả
chúng sanh mà không đền được gì thì thật vô ích.
Mong tất cả
Tăng Ni và Phật tử nghe rồi nghiền ngẫm, hiểu cho rõ để ứng dụng tu. Như
vậy mới không uổng một đời tu của mình. Đó là lời nhắc nhở của tôi trong
mùa an cư này. |