TU THIỀN
Giảng tại Hội
Liên Hiệp Khoa Học Kỹ Thuật - Hà Nội - 1996
Hôm nay chúng
tôi nói về đề tài Tu Thiền. Bởi vì hiện thời nhiều người đang khao khát tu
thiền mà chưa biết thiền nào là thiền chánh, thiền nào là thiền tà, hay
thiền nào của đạo Phật, thiền nào không phải của đạo Phật v.v… Do đó chúng
tôi sẽ nói rõ về vấn đề này.
Tất cả chúng
ta ai có đọc sách Phật, nghiên cứu lịch sử đều thừa nhận rằng đức Phật
Thích-ca Mâu-ni tọa thiền dưới cội Bồ-đề ngót bốn mươi chín ngày đêm, cuối
cùng được giác ngộ thành Phật. Kế đó những đồ đệ lớn của Ngài như Xá Lợi
Phất, Mục Kiền Liên v.v… cũng do tu thiền mà chứng quả A-la-hán. Sau này
chư Tổ từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản cũng do tu thiền
mà được giác ngộ thành Tổ. Như vậy hệ thống truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ
sang các nước, từ thời Phật tại thế mãi đến ngày nay, gốc do tu thiền mà
ra. Do đó, nói đến tu thiền là nói đến đường lối căn bản của đạo Phật.
Nhưng gần đây,
có một số người bảo: “Coi chừng tu thiền điên”. Chúng tôi cũng đã nhiều
lần cải chánh về điều này. Thật ra không phải tu thiền điên mà vì không
biết tu thiền nên mới điên. Nếu tu thiền điên thì đức Thích-ca đâu thành
Phật, các đệ tử Ngài đâu chứng quả A-la-hán, đâu có chư Tổ tu thiền. Song
trên lịch sử cũng như trên thực tế có rất nhiều người tu thiền đạt kết quả
tốt. Vì vậy nói tu thiền điên là một lối nói không có chứng cứ. Chỉ người
không biết tu thiền nhưng ham tu quá nên học lõm ở đâu, hoặc theo các
phương pháp không phải của đạo Phật, ứng dụng tu sai thành ra điên, rồi đổ
thừa tu thiền điên. Đó là một sai lầm lớn.
Vì vậy hôm nay
tôi sẽ giải thích rõ tu thiền như thế nào là tu theo đạo Phật, tu thiền
như thế nào không phải là tu theo đạo Phật, để tất cả nắm vững đường lối
tu, thấy rõ ràng tường tận pháp Phật dạy, ứng dụng tu thiền cho đúng đắn
để sau này không phạm sai lầm, đưa tới kết quả không tốt.
Trước hết
chúng ta nên biết Thiền là gì? Thiền là âm tiếng Phạn nói cho đủ là Thiền
na, Trung Hoa dịch là Tĩnh lự hay Tư duy tu, Đức tùng lâm hay trạng trái
định tuệ quân bình. Tĩnh lự, tĩnh là lặng, lự là suy tư. Những suy tư nghĩ
ngợi được lắng xuống, gọi đó là tĩnh lự hay tu chỉ. Tư duy tu, tư duy tức
là soi xét hay quán chiếu, tu là cách hành trì. Lối tu bằng cách soi xét
quán chiếu gọi là quán.
Trong nhà
thiền có chia ra hai lối tu chỉ và quán. Chỉ là định, quán là tuệ. Chỉ,
quán tức là định tuệ riêng từng phần. Thiền là gom cả định tuệ đồng tu nên
gọi là Thiền na, tức quân bình định và tuệ. Gọi công đức tùng lâm, vì tu
thiền là pháp tu chủ yếu của đạo Phật, nên ai ứng dụng tu như thế gọi là
công đức tùng lâm.
Sau này chư Tổ
không định nghĩa thiền như thế mà các Ngài nói đây là pháp tu Phản quan tự
kỷ. Phản quan là soi trở lại, tự kỷ là chính mình. Phản quan tự kỷ là soi
sáng lại chính mình.
Trong nhà Phật
có chia ra năm loại thiền:
1. Thiền phàm
phu.
2. Thiền ngoại
đạo.
3. Thiền Tiểu
thừa.
4. Thiền Đại
thừa.
5. Thiền Tối
thượng thừa.
Như vậy thiền
là một từ ngữ chung, nhưng ứng dụng tu thì có riêng từng loại khác nhau.
1. Thế nào là phàm phu thiền?
Tức pháp tu
thiền làm cho tâm lóng lặng, với ước nguyện sẽ được sanh về các cõi trời.
Trong nhà Phật chia ra cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Cõi Dục tức là chúng
sanh do ái dục mà sanh ra. Cõi Sắc là chúng sanh có hình tướng đẹp đẽ,
sống lâu, sung sướng hơn cõi Dục. Cõi Vô sắc chúng sanh sống chỉ có tâm
thức, không có hình tướng.
Nếu tu thiền
chỉ mơ ước được sanh vào cõi trời Sắc giới, thụ hưởng sự sung sướng lâu
dài tốt đẹp, đó là thiền phàm phu. Ví dụ có người thắp một cây hương, để
trước mặt rồi cứ ngồi nhìn mãi cây hương, trụ tâm một chỗ không cho tán
loạn, không nghĩ gì khác. Định tâm như thế mong được kết quả sanh cõi
lành. Đó là định của phàm phu, chớ chưa phải định của Thánh nhân. Hoặc có
người quán một pháp nào vừa được kết quả, liền tự mãn thích thú. Đó cũng
là thiền phàm phu.
Trong Phật
giáo, Thiền phàm phu được chia làm bốn phần: sơ thiền, nhị thiền, tam
thiền, tứ thiền.
Sơ thiền nghĩa
là Ly sanh hỷ lạc. Thí dụ người bị nhiễm ái thế gian nặng nề nên khổ sở,
khi chuyên tu thiền tâm được an ổn một chút, những nhiễm ái không còn dính
mắc nữa, gọi là ly sanh. Ly tức là lìa được lòng yêu mến ngũ dục. Do lìa
được ngũ dục nên tâm sanh hoan hỷ, gọi là ly sanh hỷ lạc. Người tu thiền
đến trạng thái đó gọi là được định sơ thiền.
Nhị thiền
nghĩa là Định sanh hỷ lạc. Tiến lên một phần nữa, khi chúng ta tiến tu tâm
được an định, nhờ định ta cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, thích thú. Đây
gọi là định sanh hỷ lạc. Người tu thiền đến được trạng thái này gọi là
được định Nhị thiền.
Tam thiền
nghĩa là Ly hỷ diệu lạc. Từ định sanh hỷ lạc đó chúng ta tiến lên một bậc
nữa là tâm chuyên chú duy nhất, lìa bỏ cái vui do định sanh ở trên. Chữ hỷ
là mừng, mừng thì tâm dao động, vì vậy phải lìa cái vui mừng thô để được
cái vui tế nhị nhẹ nhàng, cho nên gọi là ly hỷ diệu lạc. Người tu thiền
đến được trạng thái này gọi là được định Tam thiền.
Tứ thiền nghĩa
là Xả niệm thanh tịnh địa. Còn thấy có vui là còn có khổ đối lại, dù là
cái vui tế nhiệm. Vì vậy nên xả niệm thanh tịnh địa, nghĩa là bỏ hết các
niệm khổ vui, để đến được chỗ hoàn toàn thanh tịnh. Buông hết niệm, tâm
được trong sáng, đó là xả niệm thanh tịnh địa. Người tu thiền đến được
trạng thái này là được định Tứ thiền.
Tuy nhiên, tu
đạt những kết quả đó để mong được sanh vào các cõi trời như sơ thiền
thiên, nhị thiền thiên, tam thiền thiên, tứ thiền thiên, tức là bốn cõi
trời Sắc giới. Đó là thiền phàm phu. Vì tu còn mong thụ hưởng, mong được
kết quả sung sướng. Tức còn giữ thân, để được an hưởng sung sướng nên gọi
là phàm phu thiền.
2. Thế nào là thiền ngoại đạo?
Trước khi giải
thích thiền ngoại đạo, tôi định nghĩa rõ hai chữ ngoại đạo cho quí vị khỏi
lầm. Đạo Phật nói ngoại đạo không có nghĩa công kích nhóm này, phái kia
v.v… mà ngoại đạo là ngoài tâm cầu Phật. Như tôi thường nói chúng ta tu
Phật là cốt giác ngộ, giải thoát sanh tử. Vì vậy đạo Phật lấy giác ngộ làm
trọng tâm. Giác ngộ từ đâu mà có? Từ tâm của chính mình. Vì thế thiền của
đạo Phật là cốt ngay nơi tâm mình an định rồi trí tuệ phát sáng, chớ không
phải trông cậy mong chờ bên ngoài. Do đó trong nhà thiền định nghĩa “Ngoại
tâm cầu Phật, danh vi ngoại đạo”, tức là ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại
đạo.
Như vậy dù
người mang hình thức tu sĩ, mà mong cầu Phật từ đâu đến ấn chứng cho cũng
thuộc ngoại đạo. Bởi tâm là gốc của sự giác ngộ, nếu bỏ tâm mà cầu giác
ngộ là bỏ gốc theo ngọn, đó là ngoại đạo. Tất cả pháp tu thiền đặt trọng
tâm bên ngoài, không lấy nội tâm làm chánh đều thuộc về ngoại đạo.
Như chúng tôi
thấy hiện giờ có những lối tu thiền không phải của đạo Phật. Như trong
Nam, có lối tu thiền chuyển luân xa, tức là vận chuyển luồng điện chạy từ
rún lên đầu, lên trán, rồi vòng ra sau lưng, hoặc ngược lại. Chạy vòng
vòng như vậy gọi là chuyển luân xa. Đó cũng là một pháp tu thiền nhưng
không hề dính dáng gì với đạo Phật
Đạo Phật chủ
trương do giới sanh định, do định sanh tuệ. Tuệ tức là giác ngộ. Giới là
nền tảng đạo đức, định là thiền định, từ thiền định mà phát sanh trí tuệ
sáng suốt giác ngộ. Đó là thiền của đạo Phật. Giới, định, tuệ gọi là tam
giải thoát môn hay tam vô lậu học, nghĩa là ba cánh cửa giải thoát, hay ba
môn học không còn rơi rớt trong sanh tử nữa. Như vậy thiền của đạo Phật là
định để phát tuệ, chớ không có gì khác lạ.
Một lối thiền
nữa là thiền xuất hồn. Cách tu này cũng giống chuyển luân xa nhưng cốt để
mở khiếu huyệt trên đầu, cho thần hồn có thể phóng ra ngoài đi cầu đạo nơi
này nơi kia. Thiền xuất hồn không phải thiền của đạo Phật, mà chúng tôi
cho rằng đây là một trò chơi nguy hiểm. Tại sao? Vì khi muốn mở khiếu
huyệt để xuất hồn, nếu không có khả năng đúng đắn, mở sai là phát điên. Và
khi xuất hồn thì đi đâu? Có khi đi cầu đạo cũng có khi đi du lịch. Cầu đạo
nơi các vị thần thánh nào đó mà chính người ấy cũng không biết rõ lai
lịch. Cầu đạo như thế chân chánh hay không?
Trong nhà Phật
nói người muốn đạt đạo phải ngay nơi tâm mình lóng lặng các thứ vọng tưởng
lăng xăng, tâm sáng suốt là thấy đạo. Nếu cầu đạo bên ngoài là không hợp
đạo lý. Tại sao? Giả sử người ấy gặp một vị Thánh tự xưng là Phật, thì
chắc đó là Phật chưa? Bởi đâu ai biết mặt mũi Phậtthật thế nào. Song thế
gian này người ta hay “lạm xưng” như thế. Ví dụ ở quê có ông đồng bà cốt
lên, đồng cốt đó có bao giờ nói tôi là yêu quái, quỉ ma không? Không. Tất
cả đều nói ta là Thánh là thần hết, thậm chí có khi họ xưng là Tề thiên
đại thánh nữa chứ. Trong khi Tề thiên đại thánh là một nhân vật tiểu
thuyết, chớ Tây du ký của Đường Huyền Trang Tam Tạng thì đâu có Tôn Ngộ
Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng. Ngài Huyền Trang chỉ một thân một mình, chịu
cực chịu khổ lần sang Ấn Độ học đạo và thỉnh kinh về.
Hiểu như vậy
mới thấy thiên hạ hay lợi dụng rồi lạm xưng, chớ không có chỗ y cứ nào
đúng đắn hợp pháp cả. Bởi thế người tu muốn xuất hồn, đi ngao du trong bầu
trời tìm các bậc Hiền Thánh chỉ dạy, điều đó không có gì bảo đảm hết. Kinh
Phật thường nói: “Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng”, nghĩa là Phật
cao một thước, mà ma cao tới mười thước. Vì ma ở gần ta, còn Phật thì xa
ta, nên tâm mình vừa mong cầu điều gì ma liền biết. Do đó nó hiện ra đánh
lừa người thiếu trí, nhẹ dạ. Cầu đạo như thế là một sự mông lung, tưởng
tượng, không có thực tế.
Thực tế của
người tu là lặng hết tâm phiền não, lặng hết những tâm vọng tưởng, trí tự
sáng suốt, thấy biết đúng như thật các pháp, không còn nghi ngờ gì nữa.
Cũng như người học trò chuyên tâm thành ý học bài thì thuộc bài. Đó là lẽ
thật, chớ không phải lên non lên núi xin lá bùa uống vô mà thuộc bài được.
Việc ấy không có bằng cớ, không có tinh thần khoa học chút nào hết.
Mỗi chúng ta
phải tự rèn luyện, tự gạn lọc nội tâm từ dở xấu trở thành sáng suốt yên
tĩnh, đó là gốc của sự tu. Tu như vậy mới là tu thật. Cho nên người cầu
đạo nơi Thánh thần bên ngoài, không tin ở sức của mình, đó là lối cầu đạo
hiếu kỳ chớ không phải chân thật.
Kế nữa, có lối
thiền người ta ngồi lại cứ trông đợi, nhờ sức điện của các vị Thánh thần
hộ trợ cho được sáng, được mạnh. Nhiều người dùng cách đó để trị bệnh
thiên hạ, gọi là cứu nhân độ thế. Cũng có cứu đó, nhưng được một thời gian
rồi cũng phải chạy đến bác sĩ như thường, chớ không hết thật. Nó chỉ tạm
thời chớ không phải là cứu kính, song con người cứ thích những cái tạm
thời. Ví dụ mình đang đau, người đó dùng sức điện làm cho mình bớt đau nên
ta thấy hiệu nghiệm ngay lúc đó, nhưng chưa hẳn hết bệnh luôn. Vì thế cách
đó cũng không phải là phương pháp cứu kính. Đó là thiền trông vào sức điện
bên ngoài.
Ngoài ra, còn
có những lối thiền người ta tu với mơ ước mong cầu những vị thần, vị Thánh
tới thọ ký, giống như trong kinh nói Phật lấy tay xoa đầu thọ ký. Những
người đó ngồi thiền cũng mơ ước như vậy. Do mơ ước thế nên thấy có bóng
nào tới xoa đầu liền tự vỗ ngực nói tôi được Phật thọ ký rồi, tôi là
Bồ-tát này nọ. Đó là bệnh.
Tu thiền không
khéo sẽ có rất nhiều bệnh. Tôi nhớ câu chuyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ, khi
được Hoàng thái hậu đãi bữa cơm, trong đó có cả chay lẫn mặn. Thượng Sĩ
ngồi trên bàn, mặn cũng ăn, chay cũng gắp, không từ chay, mặn gì cả. Thái
hậu thấy vậy mới thưa:
- Sư huynh là
người tu thiền mà còn ăn mặn, làm sao đắc đạo, làm sao thành Phật?
Ngài trả lời:
- Anh không
cầu làm Phật, cũng như Phật không cầu làm anh. Hoàng hậu há chẳng nghe cổ
đức nói “Văn Thù là Văn Thù, Giải Thoát là Giải Thoát” đó sao?
Câu “Văn Thù
là Văn Thù, Giải Thoát là Giải Thoát” nhiều người không hiểu. Nó xuất phát
từ cốt chuyện thế này. Ở Trung Hoa có một Thiền sư tên là Văn Hỷ, nghe nói
trên Ngũ Đài Sơn là nơi ẩn tích của Bồ-tát Văn Thù. Ai có tâm tha thiết
cầu đạo, lên đó Ngài sẽ dạy đạo cho. Vì thế ngài Văn Hỷ quyết tâm lên
núi, hết lòng muốn gặp ngài Văn Thù để được dạy đạo. Chuyến đi của Ngài
rất nhọc nhằn, khi gần tới đỉnh bỗng dưng gặp một ông già cỡi trâu, Ngài
hỏi: Động Kim Cang ở chỗ nào? Ông già chỉ nhưng không nói gì. Ngài chào
rồi đi.
Tới cửa động
Ngài thấy ông già đã cỡi trâu về rồi, có một đồng tử mời ông uống nước.
Khi bưng chung trà lên, ông già hỏi Ngài: “Ở phương Nam có cái này không?”
Ngài trả lời “Không”. Ông già nói: “Như vậy lấy gì uống nước?” Ngài bí,
trả lời không được. Thấy trời sắp tối, Ngài xin ở lại. Ông già nói “Chỗ
này không ở được, để tôi tiễn ông về”, liền sai đồng tử tiễn Ngài về.
Khi tiễn ra
tới cửa động Ngài mới hỏi chú đồng tử: “Động này tên là động gì?” Đồng tử
không nói, tiễn thêm một quảng đường nữa rồi từ giã và ẩn mất. Ngài nhìn
trên mây thấy bóng ngài Văn Thù cỡi con sư tử lông vàng qua lại trên ấy.
Ngài vội sụp xuống lạy rồi trở về.
Khi về tới chỗ
Thiền sư Ngưỡng Sơn, Ngài xin nhập chúng tu. Thời gian sau Ngài ngộ được
lý thiền. Một hôm đến phiên nấu cháo, Ngài cầm cây dầm quậy cháo, khói bay
lên thì bỗng thấy Bồ-tát Văn Thù cỡi sư tử lông vàng qua lại trong đám
khói. Thấy vậy Ngài cầm dầm đập cái bóng trong khói. Ngài Văn Thù nói “Ta
là Văn Thù, ta là Văn Thù”. Ngài nói “Văn Thù là Văn Thù, Giải Thoát là
Giải Thoát”, nói rồi cứ đập. Bấy giờ Bồ-tát Văn Thù biến mất. Ngài Văn Hỷ
sau này ngộ đạo ở nơi Giải thoát thự, nên người ta gọi Ngài là Giải Thoát.
Qua câu
chuyện, chúng ta thấy sao tàn nhẫn quá. Hồi chưa biết thì khăn gói leo núi
leo non để tìm. Bây giờ Bồ-tát tới tận nơi mà không tôn kính, không hỏi
đạo, lại lấy dầm quậy cháo đập. Tại sao? Câu “Văn Thù là Văn Thù, Giải
Thoát là Giải Thoát” để nói rằng khi chưa ngộ đạo thì tìm đến Bồ-tát, tìm
đến Phật để cầu học. Nhưng khi ngộ rồi thì chính tâm mình là chỗ qui
hướng, chớ không còn trông cậy vào Phật, Bồ-tát bên ngoài nữa. Vì Phật và
Bồ-tát bên ngoài chắc gì là thật, có khi ma hiện. Cho nên quay về tâm mình
là bảo đảm nhất, tất cả các hiện tướng bên ngoài đều không chấp nhận. Do
đó tông Lâm Tế có câu “Phùng ma sát ma, phùng Phật sát Phật”, nghĩa là gặp
ma giết ma, gặp Phật giết Phật. Tại sao? Vì không bảo đảm đâu là Phật, đâu
là ma. Đã không bảo đảm thì có thể bị dụ dẫn theo đường tà. Cho nên trở về
mình là gốc, không nên trông cậy bên ngoài. Đó là một lẽ thật. Hiểu như
vậy chúng ta mới thấy trọng tâm tu của nhà thiền.
Trở lại câu
chuyện của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Câu đầu “Anh là anh, anh không cầu
làm Phật, cũng như Phật không cầu làm anh” nghe có vẻ ngang ngược quá phải
không? Tu mà không cầu thành Phật, vậy cầu cái gì? Bởi cầu là tìm kiếm bên
ngoài, cầu thành Phật là mong thành Phật bên ngoài. Nếu cầu bên ngoài
được, thì không phải là mình. Bởi Phật là giác, chính tâm mình được an
định, trí tuệ phát sáng, đó là giác ngộ. Giác ngộ ông Phật nơi mình chớ
không phải ở ngoài. Cho nên tu còn cầu bên ngoài là không đúng ý nghĩa của
đạo Phật. Vì vậy Ngài nói không cầu thành Phật.
Chúng ta nhìn
thật kỹ mới thấy giới Phật tử ngày nay tu cầu bên ngoài nhiều hay tu để tự
giác nhiều? Gần hết chín mươi chín phần trăm cầu bên ngoài. Cầu Phật cho
con cái này, cho con cái kia, Phật độ con được bình an, bố thí cho con
được phát tài. Cầu đủ thứ hết mà không hề hướng về mình. Đó là một lầm lẫn
hết sức lớn của người Phật tử hiện nay.
Trong nhà Phật
nói ba môn học giải thoát là Giới, Định, Tuệ. Giới là đức hạnh. Ví dụ
người Phật tử giữ năm giới: không giết người, không trộm cướp, không tà
dâm, không nói dối, không uống rượu say, không dùng các chất cay nghiện.
Năm giới căn bản đó là năm nền tảng đạo đức của con người. Người có đạo
đức mới đủ tư cách hướng dẫn, chỉ dạy người khác. Người tu dù cho nói hay,
có thần thông lạ mà phạm giới thì cũng chưa gọi là người đủ tư cách hướng
dẫn Phật tử tu.
Giới là nền
tảng đạo đức, từ giới sanh định, rồi mới có trí tuệ. Nền tảng đạo đức
không có thì thiền định trí tuệ sẽ lạc vào ngoại đạo, chớ không phải là
Phật giáo. Quí Phật tử có bệnh mê thần thông lắm. Giả sử tôi đang thuyết
pháp ở đây mà ngoài sân bỗng dưng có ai phi thân đứng lên hư không, hoặc
ngồi kiết già thì quí vị còn can đảm ngồi nghe tôi giảng không? Chắc là
chạy ào hết ra ngoài để nhìn vị Thánh đang hiện trong hư không đó. Như vậy
tôi sẽ ế, sẽ nói chuyện với cái bàn, chớ không người nào ngồi nghe cả. Tại
sao vậy? Vì ai cũng thích cái lạ, cho nên thần thông đối với họn hấp dẫn
hơn. Bởi thích thần thông nên cũng dễ mắc sai lầm.
Tôi sẽ giải
thích về thần thông để cho tất cả hiểu rõ. Trong nhà Phật, những vị tu
chứng A-la-hán cũng có thần thông. Song Phật cấm sử dụng thần thông trừ
khi được phép của Phật. Tại sao vậy? Vì Phật biết tâm của chúng sanh thích
cái lạ, gọi là bệnh hiếu kỳ. Cho nên hiện thần thông, sẽ làm mê hoặc họ,
tất cả đều nhắm vào vị có thần thông. Dù vị đó tu chừng năm tuổi hạ, còn
những vị mười tuổi, hai chục tuổi hạ, nhưng không hiện thần thông họ cũng
không kính trọng. Thành ra chỉ quí thần thông mà không quí đức hạnh. Họ
không biết rằng người có thần thông mà chưa dứt phiền não thì rất dễ sinh
họa lớn. Ngày xưa đọc truyện Tàu, nhiều vị tu trên núi có thần thông,
nhưng người ta khéo dùng thuật kích bác hay thách đố liền nổi giận xách
gươm xuống núi. Có thần thông mà lại thích đi đánh nhau, giết nhau thì đâu
phải là đệ tử Phật. Điều này chúng ta đã thấy rõ.
Thời Phật còn
tại thế, có bốn vị ngoại đạo tu chứng được Ngũ thông. Ngũ thông gồm: thiên
nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng
thông. Thiên nhãn thông là thấy xa, thiên nhĩ là nghe xa, tha tâm thông là
biết được tâm người khác, thần túc thông là hiện lớn hiện nhỏ, hoặc đằng
vân, độn thổ, độn thủy v.v… túc mạng thông là biết được bao nhiêu đời, bao
nhiêu kiếp trước. Bây giờ ai được một trong năm thông đó là ta đã thấy
phục lăn rồi, đừng nói đủ hết cả năm.
Bốn vị tiên
ngoại đạo ấy tu được Ngũ thông như vậy mà tới lúc mạng căn chấm dứt, tuổi
thọ hết, bốn ông biết mình sắp chết. Một ông dùng thần thông bay lên hư
không, núp trong đám mây, vì nghĩ quỉ vô thường không tìm được sẽ khỏi
chết. Một ông độn thủy, tức lặn sâu dưới đáy biển cho quỉ vô thường không
biết đâu mà tìm. Một ông chun vô trong núi, ẩn giữa lòng núi. Một ông chun
xuống lòng đất. Bốn ông núp ở bốn chỗ để trốn quỉ vô thường. Nhưng đúng
giờ phải chết thì ông trên mây mất thần thông rơi xuống nát thây. Ông ở
đáy biển mất thần thông nên chết ngộp dưới đó. Ông ở trong núi bị núi khép
lại chôn luôn tại chỗ. Ông ở dưới đất cũng bị đất khép lại mà chết. Như
vậy được Ngũ thông vẫn trốn không được cái chết. Đó là một lẽ thật.
Thêm một câu
chuyện nữa. Trong kinh đức Phật kể một vị tiên nhân tu cũng được ngũ
thông, thuyết pháp rất hay. Vì vậy mỗi lần ông thuyết pháp, chư thiên cõi
trời Đao Lợi cùng xuống nghe. Lần đó ông thuyết pháp xong, vị trời ở cõi
Đao Lợi ngồi khóc. Ông lấy làm lạ hỏi: Tại sao ông nghe tôi thuyết pháp
lại khóc? Đáp: Thưa Ngài, Ngài thuyết pháp rất hay, tôi nghe thích lắm,
nhưng tuổi thọ của Ngài sắp hết, tôi sẽ không được nghe Ngài thuyết pháp
nữa nên mới khóc.
Nghe thế, tiên
nhân giật mình hỏi vị trời kia: Bây giờ phải làm sao để thoát được cái
chết? Vị ở cõi trời Đao Lợi bảo: Nếu Ngài muốn khỏi chết, thì phải tìm đến
đức Phật Thích-ca nhờ Ngài chỉ dạy phương pháp thoát khỏi cái chết. Tiên
nhân ấy hỏi: Hiện giờ đức Phật Thích-ca ở đâu? Vị kia nói: Hiện giờ đức
Phật đang thuyết pháp ở núi Linh Thứu, Ngài đến đó sẽ gặp. Tiên nhân liền
bay đến núi Linh Thứu.
Trên đường,
nhìn thấy hai cây ngô đồng trổ hoa rực rỡ, ông dùng thần thông nhổ hai cây
ấy, để trong lòng bàn tay đem đến cúng dường Phật. Tới nơi, tiên nhân dâng
hai cây ngô đồng lên đức Phật và hỏi:
- Bạch Thế
Tôn, phải tu cách nào để khỏi chết?
Phật bảo:
- Buông.
Ông liền buông
một cây ngô đồng xuống. Phật lại bảo:
- Buông.
Ông buông một
tay nữa. Phật bảo:
- Buông.
Ông ngạc nhiên
thưa:
- Bạch Thế
Tôn, hai tay con cầm hai cây ngô đồng, Ngài bảo buông lần thứ nhất con
buông một tay, bảo buông lần thứ hai, con buông thêm tay còn lại, bây giờ
Ngài bảo buông nữa, con biết buông cái gì?
Phật nói:
- Không phải
ta bảo ngươi buông cây ngô đồng. Buông lần thứ nhất là buông sáu trần,
đừng dính mắc với nó. Buông lần thứ hai là buông sáu căn, đừng chấp thân
là thật, là của ta. Buông lần thứ ba là buông sáu thức. Căn, trần và thức
đều buông được hết thì khỏi chết.
Nghe tới đó
tiên nhân liền ngộ, tu theo lời Phật dạy, không còn bị chết nữa. Thật là
đơn giản, không cần dùng thần thông mà cứu được mạng sống. Đó là không
dính với cảnh, không chấp thân, không chấp thức là tâm. Cảnh, thân, tâm
không chấp ấy là giải thoát sanh tử. Như vậy ngũ thông chỉ là một phương
tiện làm cho người ta nể phục, chớ không phải cứu kính.
Ở Trung Hoa,
có câu chuyện kể về hai vị, một Thiền sư, một đạo sĩ. Đạo sĩ tức là người
tu tiên. Cả hai đều đi tới bến đò cùng sang sông. Đạo sĩ muốn thi thố thần
thông cho Thiền sư xem, nên nói: “Huynh, đi qua sông”. Thiền sư bảo:
“Huynh qua được thì cứ qua”. Đạo sĩ liền vén áo đi trên nước như đi trên
đất bằng. Qua tới bờ bên kia ông quay sang ngoắc, ý bảo Thiền sư hãy đi
qua như mình. Bấy giờ Thiền sư đi tới bến đò mua vé qua đò. Khi cùng gặp
nhau trên bờ, thấy đạo sĩ có vẻ ngạo nghễ quá. Thiền sư liền hỏi:
- Huynh luyện
tập bao lâu mới được thần thông như vậy?
- Ba mươi năm,
tôi mới được như vầy.
Thiền sư cười:
- Công phu ba
mươi năm của huynh, đáng giá hai xu.
Bởi đạo sĩ
luyện tập ba mươi năm cũng qua sông được, còn Thiền sư chỉ tốn hai xu cũng
qua sông được, có hơn gì đâu. Cho nên Thiền sư nói công phu ba mươi năm
luyện tập ấy giá đáng hai xu. Câu chuyện cho chúng ta thấy, đối với người
tu Phật, thần thông rất tầm thường.
Một lần khác,
Thiền sư Hoàng Bá, tức Hoàng Bá Hy Vận. Ngài dạo núi Thiên Thai vào mùa
mưa. Cùng đi với Ngài có một vị tăng khác. Khi tới dòng suối lớn, nước
chảy ầm ầm rất khó qua. Vị kia bảo: “Qua, qua, chúng ta qua”. Ngài nói:
“Huynh qua được thì cứ qua”. Vị kia liền vén áo đi qua, xong rồi quay lại
ngoắc: “Qua đây, qua đây”. Ngài Hoàng Bá không nói gì, đi tìm chiếc bè bơi
qua. Tới nơi, vị kia nói với vẻ ngạo nghễ: “Huynh thấy tôi chưa!” Ngài
Hoàng Bá trả lời: “Nếu tôi sớm biết huynh như vậy, khi nãy đã chặt bắp đùi
của huynh rồi”. Vị tăng kia xìu xuống và than: “Đây là pháp khí Đại thừa,
ta không thể bì được”.
Như vậy với
con mắt đạo Phật, thần thông là một trò chơi, không có gì quan trọng.
Nhưng với con mắt thiền phàm phu thần thông là tuyệt đỉnh. Người tu theo
đạo Phật phải hiểu, khi ngộ đạo chứng quả tuy có thần thông, nhưng đó là
việc thường, không nên xem đó là điều kỳ đặc rồi sanh tâm kiêu ngạo. Khi
nghiệp tới, thần thông không thể giải quyết được gì.
Như câu chuyện
ngài Mục Kiền Liên, là đệ tử thần thông bậc nhất của đức Phật. Nhưng khi
thọ mạng sắp hết bị đám du đãng vây đánh, Ngài dùng thần thông bay mà bay
không được, phải chịu đòn cho tới ngất xỉu. Sau cùng Ngài được khiêng về
hương thất của Thế Tôn. Các thầy Tỳ-kheo hỏi Phật:
- Bạch Thế
Tôn, ngài Mục Kiền Liên có thần thông bậc nhất, tại sao bị đánh gần chết
như vậy?
Phật trả lời:
- Đó là do
nghiệp quá khứ, nay ông đã chứng quả A-la-hán, thân này là thân chót, nên
tất cả các nghiệp quá khứ còn lại phải trả cho hết.
Vì vậy khi trả
nghiệp thần thông không dùng được. Cho nên biết thần thông không đối đầu
với nghiệp lực. Trong nhà Phật có câu “thần thông bất năng địch nghiệp”,
nghĩa là thần thông không thể chống lại với nghiệp. Nghiệp đáng sợ hơn
thần thông nhiều. Người thế gian không hiểu nên trọng thần thông mà không
sợ nghiệp.
Nghiệp là hành
động, thói quen lành hay dữ của chính mình, sẽ theo ta như bóng với hình.
Khi phải trả thì không thể nào cưỡng nỗi. Còn thần thông do luyện tập
được, có rồi mất không thật. Người tu thiền mà mong cầu thần thông, đó là
thiền tà, cái không chủ yếu cho lầm là cái chủ yếu. Hiểu rõ như thế sự tu
mới không ngại, không lầm.
Tóm lại, nói
tới thiền ngoại đạo chúng ta nên lưu ý những điểm sau: một là nặng về thần
thông, hai là nặng về sống dai, ba là nặng về diệu dụng mầu nhiệm, để giúp
người này cứu người kia v.v… Cả ba điểm đó đều là bệnh. Tại sao nói sống
dai là bệnh? Phật dạy chúng ta tu cốt mở sáng trí tuệ, thấy mình, thấy
người, thấy mọi vật đúng như thật. Thấy đúng như thật gọi là có trí tuệ.
Với con mắt nhà Phật nhìn tất cả từ người cho tới muôn vật đều do duyên
hợp, duyên hết thì ly tán. Hợp thì sanh, ly thì tử. Mà những gì có hợp
nhất định phải có tan, không ngờ vực được. Bây giờ có người muốn hợp mà
không muốn tan, như vậy đó là đúng hay sai? Phàm hợp thì phải tan, bây giờ
không muốn tan, như vậy là sai rồi. Cho nên tu muốn sống thật lâu, là
không hiểu đạo lý duyên sanh vậy.
Như trong sử
sách Trung Hoa thường nhắc những vị tu tiên, luyện thuốc trường sanh bất
tử, uống vào sống mãi không chết. Nhưng bây giờ chúng ta thử tìm xem ở
Trung Hoa có còn sót lại ông tiên nào không? Đi đâu mất hết. Đó là vấn đề
mà ít người để ý. Cứ nghĩ uống thuốc trường sanh bất tử là sống hoài, sống
hoài sao bây giờ kiếm không ra, thử hỏi họ đi đâu? Cho nên muốn sống dai
đối với đạo Phật, đó là một ý niệm không đúng.
Tới những công
dụng biến hóa v.v… cũng là cái nhìn lệch lạc. Bởi như trên đã nói, người
có thần thông không thể chống lại nghiệp lực của mình, thì làm sao giúp ai
được khi nghiệp của họ đến. Vì vậy tu thiền mà còn nặng về những điểm đó
thì chưa hẳn là người hiểu đạo Phật.
3. Thế nào là thiền Tiểu thừa?
Ngày xưa gọi
thiền Tiểu thừa, thiền Đại thừa; nhưng ngày nay gọi là thiền Nguyên thủy,
thiền Phát triển hay là thiền Nam tông, thiền Bắc tông. Tu thiền Nguyên
thủy là tu theo hệ thống bốn bộ kinh A-hàm do Phật dạy. Nói theo hệ Pali
đó là các bộ Nikàya. Thiền Nguyên thủy có những pháp tu như là Tứ niệm xứ,
Ngũ đình tâm quán, gần đây gọi là thiền Minh sát tuệ.
Lối tu thiền
Nguyên thủy là lối tu đối trị. Như thiền Tứ niệm xứ, quán thân bất tịnh để
đối trị bệnh ái dục. Người nào nặng về bệnh ái dục thì quán thân nhơ nhớp.
Nhờ thấy thân nhơ nhớp nên nhàm chán, không bị dính mắc với nó. Kế nữa là
quán Thọ thị khổ. Chữ thọ là những cảm giác, tất cả các cảm giác của chúng
ta đều là khổ. Tại sao? Ta thấy có khi mình khổ cũng có khi mình vui,
nhưng vì sao Phật nói tất cả cảm thọ đều là khổ? Ví dụ lưỡi chúng ta nếm
những món ăn ngon mình cảm thấy thích, đó là thọ lạc. Nếm những món đắng,
cay, khó chịu mình không ưa, đó là thọ khổ. Nhưng Phật nó tất cả cảm giác
đều là khổ. Chữ khổ ở đây có nghĩa là vô thường. Tất cả các cảm giác dù ta
ưa thích hay không ưa thích đều là tướng bại hoại vô thường, có rồi mất,
không bền, không thật nên gọi là khổ. Chúng ta sống luôn luôn bị các cảm
giác lôi chạy theo nó. Dùng quán thọ là khổ để trị bệnh ưa thích thọ lạc.
Quán tâm vô
thường để trị bệnh chấp tâm mình là thường. Quán pháp vô ngã để trị bệnh
chấp thân này là ta thật. Như vậy dùng bốn pháp quán này để trị bốn thứ
bệnh như đã nói ở trên. Đây là dùng trí tuệ chiếu soi đúng sự thật.
Rõ ràng thân
của chúng ta nguyên là không sạch, ta tìm cách xông ướp phủ lên nó các
chất thơm tho rồi lầm tưởng là sạch, sanh ra bệnh luyến ái. Bây giờ biết
rõ nó không sạch nên không bị dính, bị kẹt với nó nữa. Đó là người thấy
đúng như thật, do thấy như thế nên không đắm luyến thân này, do không đắm
luyến nên không tạo nghiệp, không thọ khổ.
Kế đó là thiền
Ngũ đình tâm. Ngũ đình tâm tức là năm phương pháp tu thiền để dừng năm thứ
tâm tạo tội lỗi. Thứ nhất là tâm ái dục. Phật dạy chúng ta quán bất tịnh
để dừng tâm ái dục. Hai là tâm sân nhuế. Phật dạy chúng ta quán từ bi để
trị tâm sân nhuế. Ba là tâm ngu si. Phật dạy quán duyên khởi để trị tâm
ngu si. Bốn là tâm chấp ngã. Phật dạy quán giới phân biệt để trị bệnh chấp
ngã. Năm là tâm tán loạn. Phật dạy quán sổ tức, tức đếm hơi thở để trị
bệnh tâm tán loạn.
Như vậy Ngũ
đình tâm quán là năm pháp quán cốt dừng tâm loạn động không thật của mình.
Các phương pháp Phật dạy chúng ta tu đều cốt để trị bệnh. Hệ tu thiền dùng
trí quán sát đúng với lẽ thật, để thoát khỏi các dính mắc gọi là thiền
Nguyên thủy.
4. Thế nào là thiền Đại thừa hay Bắc tông?
Ở đây tôi đơn
cử lối tu thiền theo tông Thiên Thai ở Trung Hoa ứng dụng. Trước đời Tùy
có Thiền sư Tuệ Tư ở núi Thiên Thai, khi Ngài nghiên cứu bộ Trung Quán
luận của tổ Long Thọ, Ngài phát minh ra lối tu Nhất tâm tam quán, căn cứ
vào bài kệ:
Nhân duyên sở sanh pháp,
Ngã thuyết tức thị không,
Diệc danh vi giả danh,
Diệc danh trung đạo nghĩa.
Dịch:
Các pháp do duyên sanh,
Ta
nói tức là không,
Cũng gọi là giả danh,
Cũng gọi nghĩa trung đạo.
“Nhân duyên sở
sanh pháp” tức là quán các pháp do nhân duyên sanh ra, không pháp nào tự
nó thành. Đã do nhân duyên sanh ra nên Phật gọi là không “Ngã thuyết tức
thị không”. Chữ Ngã đây là Phật, Phật nói tức là không, không có thực thể
hay không có tự tánh. Dùng trí tuệ nhìn thấy tất cả sự vật từ con người
cho tới muôn vật đều do nhân duyên sanh nên không có thực thể, gọi là
không.
“Diệc danh vi
giả danh”, từ quán không qua quán giả. Quán giả tức là không có thực thể,
nhưng khi duyên hợp thì tạm có một giả tướng, đặt cho một giả tên, nên gọi
là giả danh. Chỗ này tôi thường dùng ví dụ như bàn tay của tôi năm ngón.
Khi tôi co năm ngón lại gọi là nắm tay. Nắm tay này không có thực thể,
phải đợi co năm ngón lại mới có nắm tay. Năm ngón co lại gọi là nhân duyên
sanh. Trước đâu có nắm tay, hiện giờ năm ngón co lại chúng ta tạm gọi là
nắm tay. Như vậy nắm tay là một giả danh, chớ không phải một thực thể. Giả
danh nên cũng giả tướng, tức tướng hư giả. Nếu chúng ta tách rời ra từng
ngón thì đâu có nắm tay. Do nắm tay không có thực thể nên nói nó không tự
tánh, là không. Nắm tay chỉ là tướng giả nên tên cũng giả. Vì vậy quán thứ
hai là “Diệc danh vi giả danh”.
Nếu chúng ta
quán được như vậy gọi là “Diệc danh trung đạo nghĩa”, tức là thấy được
nghĩa trung đạo của các pháp. Trung đạo là sao? Thường thế gian nhìn sự
vật hoặc là chấp có, hoặc là chấp không. Bây giờ chúng ta nói nó không có
thực thể, chỉ có giả tướng, giả danh. Như vậy chúng ta không mắc kẹt hai
bên “có” và “không”. Đó là lý trung đạo. Lý trung đạo là không mắc kẹt có
và không, chớ không phải lý trung đạo là chặng giữa của có và không. Quán
như vậy gọi là quán Đại thừa, hay pháp quán của hệ Bắc tông.
5. Thế nào là Tối thượng thừa thiền?
Tối thượng
thừa thiền còn gọi là Thiền tông. Nói tới Thiền tông, tự nhiên chúng ta
nhớ tới tổ Bồ-đề-đạt-ma. Ngài là vị tổ thứ hai mươi tám ở Ấn Độ, sang
Trung Hoa truyền Thiền tông, nên trở thành Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.
Người được Ngài truyền thiền đầu tiên ở Trung Hoa là tổ Huệ Khả, còn gọi
là Nhị tổ.
Thiền tông này
dùng bốn câu kệ làm châm ngôn:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Dịch:
Chẳng lập văn tự,
Truyền ngoài giáo lý,
Trực chỉ nhân tâm,
Thấy tánh thành Phật.
“Bất lập văn
tự” là không dùng chữ nghĩa. “Giáo ngoại biệt truyền” là truyền ngoài giáo
lý hay ngay trong giáo lý, mà chỉ truyền riêng cho người nào thâm nhập,
thấu hiểu được ý nghĩa sâu bên trong, vượt ngoài chữ nghĩa. “Trực chỉ nhân
tâm” là chỉ thẳng tâm người. “Kiến tánh thành Phật” là thấy được bản tánh
mình liền thành Phật đạo. Do vậy thiền này có một sức mạnh đi thẳng, không
phải quanh co, không phải quán chiếu, xem xét như các lối tu thiền ở trên.
Vì đi thẳng nơi nội tâm, không mượn phương tiện nên gọi là trực chỉ nhân
tâm.
Chỗ này, tôi
xin đi rộng một chút để quí vị hiểu rõ tinh thần đạo Phật. Tất cả pháp tu
của đạo Phật đều đi từ định sang trí tuệ rồi mới giác ngộ, không thể khác
được.
Như pháp tu
Tịnh độ mượn câu niệm Phật “Nam-mô A Di Đà Phật”, chúng ta không cần biết
nghĩa, cứ tha thiết niệm, miệng niệm tay lần chuỗi, lỗ tai lắng nghe câu
niệm Phật. Đều đều như vậy khiến cho tâm mình không duyên theo các cảnh
tạp loạn bên ngoài. Chỉ nhớ câu niệm Phật thôi, lần lần tâm yên đi tới
nhất tâm bất loạn. Bấy giờ chỉ còn có câu niệm Phật, không còn loạn tưởng.
Khi niệm đượïc
tới nhất tâm bất loạn rồi thì niệm đó còn hay không còn? Trong nhà Phật
thường hay nói niệm đến chỗ vô niệm. Niệm cho tới chỗ không còn gì để
niệm, tâm hoàn toàn thanh tịnh tức niệm đến vô niệm. Như vậy niệm tới đó
không còn niệm nữa, chỉ còn một tâm thể thanh tịnh, chừng đó mới thấy Phật
Di Đà.
Trong kinh Di
Đà có nói, người nào niệm Phật nhất tâm bất loạn từ một ngày, hai ngày cho
tới bảy ngày, khi lâm chung thấy Phật và thánh chúng hiện tại ở trước.
Phật là giác, khi chúng ta niệm nhất tâm, không còn một niệm nào khác,
được an định hoàn toàn liền thấy Phật ở trước, tức là giác ngộ chớ gì. Như
vậy nhờ niệm Phật, tâm định rồi phát tuệ được giác ngộ.
Đến Mật tông
tu thần chú. Như câu “Án-ma-ni-bát-di-hồng” chẳng hạn, cứ niệm hoài dù
không biết nghĩa gì hết. Nhưng vì trọng sự linh nghiệm, của câu chú nên
được chư thần gia hộ, ráng niệm sẽ có kết quả. Cứ chú tâm niệm hoài câu
chú đó đến bao giờ tâm không còn duyên vào chuyện gì khác, bất thần hôm
nào được giác ngộ. Như vậy, Mật tông cũng chủ trương từ định rồi phát tuệ,
chớ không có pháp nào khác. Dùng câu thần chú cuối cùng cũng phải bỏ câu
thần chú, vì đó là phương tiện để đi tới định tâm. Cho nên niệm Phật hay
niệm chú đều là phương tiện.
Thiền tông chỉ
thẳng tâm người chớ không dùng phương tiện. Tu thiền khó ở chỗ đó. Như tổ
Bồ-đề-đạt-ma khi nhận Thần Quang làm đồ đệ rồi, ngài Thần Quang thưa:
- Bạch Hòa
thượng, tâm con không an, nhờ Thầy dạy con pháp an tâm.
Tổ Đạt-ma bảo:
- Đem tâm ra
ta an cho.
Ngài sửng sốt,
quay lại tìm tâm thì tìm không được. Ngài bạch:
- Bạch Hòa
thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
- Ta an tâm
cho ngươi rồi.
Ngay đó Ngài
liền ngộ, giản đơn làm sao! Chúng ta thấy có pháp gì không? Tâm bất an là
tâm nào? Là tâm nghĩ chuyện này, chuyện kia, lăng xăng lộn xộn đó. Như
ngồi tụng kinh hay niệm Phật mà nhớ chuyện nhà, chuyện láng giềng, nhớ bà
con chỗ này chỗ kia tứ tung hết, đó là tâm bất an.
Bây giờ Tổ
bảo: Đem tâm bất an ra ta an cho. Ngài Thần Quang đâu dám xem thường Tổ
sư, nên ráng tìm. Tìm hoài không thấy đâu hết, mới thú thật con tìm tâm
không được. Tổ bảo: Ta đã an cho ngươi rồi. Khi quay lại tìm không được,
lúc đó an chưa? Tâm bất an nó đã an mất rồi, an mà không có pháp gì cả.
Chỉ quay nhìn lại xem nó thật hay không, thấy nó không thật, nó liền mất
là an rồi. Như vậy có phải trực chỉ chưa? Không dùng phương tiện tức là
trực chỉ tâm rồi. Đây gọi là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.
Đơn giản như vậy.
Thiền tông dạy tu có hai lối:
Một là dùng
câu thoại đầu hay công án, thuật này các Thiền sư đời Tống thường dùng. Ví
dụ nói: “Trước khi cha mẹ chưa sanh, ta là gì?” Khi có một nghi vấn trong
đầu, chúng ta sẽ nhớ mãi. Nghi vấn càng mạnh, ta càng dồn sức nhớ vào đó,
nên quên tất cả những việc bên ngoài. Đặt nghi vấn tự hỏi “Trước khi cha
mẹ chưa sanh, ta là gì?” Cứ theo dõi câu đó để tìm cách giải quyết. Theo
dõi mãi cho tới quên hết tất cả sự vật bên ngoài. Một lúc nào đó, khối
nghi thành tựu, tức là chỉ còn một nghi vấn, không còn niệm nào khác chen
vô. Đó là gần thành công. Đến khi khối nghi bùng vỡ thì mình được giác
ngộ. Nhà thiền hay nói đại nghi, đại ngộ là thế.
Tu thiền dùng
công án, thoại đầu là tu theo lối thiền thoại đầu Tông Lâm Tế. Phương pháp
này rất hay, nhưng ở vào thời đại chúng ta nhiều việc bận rộn, lo lắng
nghĩ suy, nhất là ở Tây phương hiện giờ đầu óc người ta rối nùi, vì nhu
cầu khoa học đòi hỏi ngày càng phức tạp, cấp bách. Một kỹ sư ra trường,
phải tìm cho ra một phát minh mới có bằng cấp tốt, người ta mới trưng
dụng. Do vậy con người phải nặn đầu nặn cổ tìm hoài. Trong hoàn cảnh ấy mà
tu thoại đầu là rối ngay. Một thứ tìm đã mệt, bây giờ đề khởi nghi tình
nữa, chắc là lên huyết áp, loạn thần kinh phải phiền chở đi cấp cứu nữa.
Chúng tôi thấy được mối nguy hiểm đó nên không hướng dẫn lối tu thoại đầu
vào thời đại này.
Chúng ta thử
so sánh phương pháp tu của Thiền tông xem có giống các nhà khoa học không?
Các nhà khoa học đối trước một vấn đề đang nghiên cứu, dồn hết tâm lực
tìm, có khi quên tất cả mọi chuyện chung quanh, chỉ nhớ vấn đề của mình
thôi. Do chú tâm vào một việc, không tán loạn tới phút giây nào đó, sáng
được vấn đề, lúc đó gọi là phát minh. Cái đó ai dạy mình? Chính vì ta dồn
hết tâm lực vào một vấn đề nên mọi thứ lăng xăng không còn, tâm lắng đọng
tự nhiên trí sáng, bừng ra được cách giải quyết vấn đề. Đó là cái giác của
tự tâm phát, chớ không đâu xa hết.
Thứ hai là
đường lối tu của tổ Huệ Khả. Khi tâm bất an, Ngài tìm lại không thấy nó
liền được an tâm. Hằng ngày chúng ta cho những vọng tưởng, lăng xăng là
tâm mình. Bây giờ quay lại tìm thì tự nó tan mất, nên biết nó không thật.
Đây gọi là phản quan, tức soi sáng lại mình. Lối tu này nhẹ, thấy rồi
buông không có gì phải đề khởi trong đầu. Không đề khởi trong đầu thì máu
không lên, tránh được bệnh đau đầu, áp huyết cao. Nên lối tu này thích hợp
với hoàn cảnh hiện tại ngày nay. Cho nên chúng tôi chủ trương tu thiền
theo lối phản quan.
Hiện giờ tất
cả chúng ta đang bị trói buộc hay đang được giải thoát? Trăm người như một
đều nói mình đang bị trói buộc, phải không? Đặt tiếp câu hỏi thứ hai: Ai
trói buộc mình? Như mấy chú thanh niên mười tám hai mươi tuổi, khi nhìn
thấy người nữ có sắc đẹp liền bị trói buộc. Đó là tại sắc đẹp kia trói
buộc hay tại mình trói sắc đẹp kia? Ai trói ai? Rõ ràng mình chạy theo để
trói, để cột mình với người ta, chớ người ta đâu có trói mình. Người ta
đẹp thì mặc người ta, có dính gì đến mình đâu, tại sao lại trói. Mình đã
tự trói còn đổ thừa cho tài, sắc, danh, vọng trói buộc mình. Có bất công
không?
Đó là điều mà
mình cần phải nhìn cho thật rõ. Bởi chúng ta sống bằng tưởng tượng nhiều
hơn là sự thật. Cứ nghĩ cái này hại mình, cái kia trói buộc mình, cái nọ
làm khổ mình. Nhưng sự thật, chính mình là chủ nhân trói buộc mình, là chủ
nhân làm khổ mình, mà không biết cứ đổ thừa ở bên ngoài. Thế nên dính mắc
đủ thứ, nào là quyền thế, chức tước, tiến tài, danh vọng… Ta tự cột mình
vô đó rồi giãy giụa, kêu khổ.
Nên biết tất
cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở
bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ
đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh. Muôn sự muôn vật ở thế
gian này không có cái gì cố tình hại mình hết, tại vì ta lao vào đó, nắm
bắt nó không được thì khổ. Khổ rồi đổ thừa nó hại mình.
Chúng ta nói ở
cõi đời này phiền não quá, tu không được, câu này đúng chưa? Cõi đời phiền
não hay là mình phiền não cõi đời? Như người ta đâu có bảo mình thương
người ta. Bây giờ mình thương, người ta không thương lại thành ra khổ, đó
là đời phiền não hay ta phiền não? Người ta làm khổ mình hay tại mình đeo
đuổi người ta không được thành khổ. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy mọi thứ
gốc từ mình mà ra. Bây giờ chịu khó buông bỏ theo đuổi, buông bỏ các thứ
dính mắc đi thì hết khổ. Như vậy là giác ngộ an nhiên tự tại, chớ có gì
đâu. Chỉ cần buông là hết khổ.
Tôi thường nói
các Phật tử tu muốn được về Cực Lạc, bây giờ phải chuẩn bị: một là đừng
còn si mê, hai là đừng còn tham lam, ba là đừng còn sân hận. Không si,
không tham, không sân thì chết được Phật đón về Cực Lạc. Nếu còn si, còn
tham, còn sân, dù quí vị cầu mấy Phật cũng không dám đón về bên đó đâu.
Tại sao? Vì cõi Cực Lạc vui tột, không có các thứ ô nhiễm lẫn trong đó,
nếu còn tham còn sân, về bên đó thấy người ta hơn mình một chút liền nổi
sân lên làm ô nhiễm đất Phật. Như thế mất công Phật phải đưa về, đón đi
rồi lại đưa về, cực quá. Thôi không đón tốt hơn.
Gốc của lối tu
thiền thứ hai này từ tổ Đạt-ma truyền xuống cho tổ Huệ Khả. Tổ Huệ Khả
truyền cho tổ Tăng Xán. Tổ Tăng Xán truyền cho hai vị: Một là Tổ Đạo Tín ở
Trung Hoa, hai là Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi người Ấn Độ. Sau này tổ
Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền sang Việt Nam. Như vậy hệ Thiền tông Việt Nam phát
xuất từ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, là đệ tử của tổ Tăng Xán thứ ba ở Trung Hoa.
Thiền tông
truyền sang Việt Nam, từ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi lần lần tới Thiền sư Vô Ngôn
Thông, truyền mãi cho đến đời Trần. Như vậy Thiền tông truyền sang Việt
Nam có căn bản, có hệ thống hẳn hoi chớ không phải là chuyện vô căn cứ.
Các Thiền sư theo hệ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi như Thiền sư Vạn Hạnh v.v… Ngoài
ra còn có các vị theo hệ ngài Vô Ngôn Thông cũng khá nhiều. Hai hệ này
truyền tới mười mấy hai chục đời.
Hiện nay có
một số người nghĩ rằng mình còn ở thế gian bận rộn, rất khó tu thiền. Tôi
xin dẫn một đoạn trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú bằng chữ Nôm của vua Trần
Nhân Tông, khi Ngài còn làm Thái thượng hoàng. Bài này có cả mười hội, ở
đây tôi chỉ lược dẫn mấy câu của hội thứ nhất:
Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí,
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
“Mình ngồi
thành thị, nết dùng sơn lâm”, là thân đang sống giữa thành thị mà tư cách,
nếp sống giống như ở rừng núi. Tại sao? Vì ở giữa thành thị mà không dính,
không kẹt, không đuổi theo thì giống như ở núi rừng. Còn nếu người lên
rừng lên núi mà nhớ thành thị hoài, thì có gọi là ở núi rừng chưa?
“Muôn nghiệp
lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Nếu tất cả nghiệp
của mình lặng hết, không còn xao xuyến dính mắc nữa thì thể tánh được an
nhàn. “Nửa ngày rồi”, chữ rồi ở đây có nghĩa là rảnh rang. Nếu nửa ngày
rảnh rang là thân được tự tại. Bởi làm Thái thượng hoàng cũng còn làm việc
nửa thời gian, nửa ngày hướng dẫn con trị nước, an dân. Chỉ được nửa ngày
rảnh rang thôi.
“Tham ái nguồn
dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí”. Nếu dừng lòng tham rồi thì châu
yêu ngọc quí còn có giá trị gì? Châu ngọc có giá trị khi con người còn
lòng tham, nếu lòng tham hết rồi thì châu là châu, ngọc là ngọc, không có
gì quan trọng đối với mình.
“Thị phi tiếng
lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm”. Hai câu này nói Ngài ở trong cung
có bao nhiêu bà phi, bao nhiêu người hầu thị phi với nhau, mách thót đủ
thứ. Đối với tâm Ngài, đã dứt thị phi thì oanh ngâm hay là yến hót không
còn dính dáng gì để mà chỉ trích, khen chê cả. Như vậy ở giữa cảnh nào là
châu, là ngọc, nào là yến là oanh mà không dính dáng. Đó mới thật là Cư
trần lạc đạo.
Chúng ta ở
trong bụi trần mà vẫn vui với đạo, mới đúng tinh thần của người tu. Chớ
nói tu theo Phật phải cạo tóc vô chùa không hẳn là đúng. Chúng ta hiểu
Phật, ứng dụng tu ngay trong cuộc sống này mới là quí tốt. Đó là ý nghĩa
tôi muốn nêu ở đây.
Cuối bài Cư
trần lạc đạo phú, ngài Trần Nhân Tông kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán:
Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ
tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Ngài nói ở
giữa chốn bụi trần mà vui với đạo là hãy khéo tùy duyên. Tùy duyên bằng
cách nào? Đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ. Ai không đói thì ăn, mệt thì
ngủ. Nhưng tùy duyên có nghĩa là đói đến thì ăn, đừng đòi ngon đừng chê
dở. Mệt thì ngủ, đừng nghĩ chuyện hôm qua hôm kia. Chúng ta đi làm về đói
bụng, thấy mâm cơm không vừa ý thì chưa chịu ăn. Cho tới cơm vừa ăn rồi mà
thiếu một hai món phụ thuộc như chanh, ớt cũng chưa chịu ăn nữa. Đó là
không tùy duyên. Bởi vì chúng ta nhiêu khê quá thành ra không tùy duyên
được. Hai câu này chỉ cho chúng ta cách sống ngay trong cõi trần mà không
bận rộn, không khổ đau.
“Gia trung hữu
bảo hưu tầm mịch”, là trong nhà mình có của báu sẵn, tức chỉ cho tánh
giác. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, nghĩa là đối với cảnh không có tâm
dính mắc, chớ hỏi chi thiền.
Vậy ở đây Ngài
nói thiền là gì? Là khi đối với sáu trần tâm ta không dính, không mắc,
không đuổi theo. Không phải ngồi thiền mới tu, mà tất cả mọi sinh hoạt đều
tu hết. Chúng ta sinh hoạt mà vẫn khéo tu, đừng dính đừng nhiễm với sáu
trần, đó là hằng tu thiền. Vì vậy khi đi tu rồi, ở núi Ngài có làm bài kệ
Sơn phòng mạn hứng thế này:
Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y
cựu vân trang nhất tháp thiền.
Dịch:
Ai
trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,
Như cũ vân trang một chõng thiền.
Ai trói buộc
mà tìm cầu sự giải thoát. Đúng với câu tổ Đạo Tín được tổ Tăng Xán chỉ
dạy. Chúng ta tu hầu hết để cầu giải thoát. Tại sao cầu giải thoát? Bởi vì
cho rằng mình bị trói buộc. nhưng khi hỏi cái gì trói buộc thì không biết.
Bây giờ ta nhìn thật kỹ, rõ ràng không có gì trói buộc mình, chính ta tự
tạo duyên để rồi tự trói buộc. Đã không ai trói buộc, thì cầu giải thoát
làm gì?
“Bất phàm hà
tất mịch thần tiên”, ta không phải là phàm thì cầu thần tiên làm gì. Nói
câu này nghe lạ quá, chẳng lẽ chúng ta là Thánh sao? Thật ra cái phàm của
chúng ta hiện giờ là cái phàm giả tạo, chớ thánh mới là tánh thật. Vì tánh
giác không đổi thay, còn phàm tình là mới huân tập. Nếu chúng ta bỏ phàm
tình này thì tánh giác hiện ra. Tánh giác hiện ra tức là Thánh rồi. Chúng
ta không phải là phàm, muốn cầu thành thần tiên để làm gì. Chỉ cần bỏ hết
những cái phàm đó đi là trở về gốc Thánh ngay.
“Viên nhàn mã
quyện nhân ưng lão”, là con vượn đã nhàn, ngựa đã mệt mỏi, người cũng già
nua. Tóm lại câu này ý nói rằng tất cả muôn vật đều luôn chuyển biến, vô
thường, không dừng ở một nơi. Nhưng “Y cựu vân trang nhất tháp thiền”, vẫn
như xưa ở vân trang còn một chõng thiền. Dù tất cả biến thiên hư hoại
nhưng vẫn còn một cái vẫn như xưa, không thay đổi. Tại sao chúng ta không
trở lại sống với cái không thay đổi đó?
Chúng ta tu
thiền cốt yếu là sống trở về với cái chân thật bất sanh bất diệt của mình.
Muốn trở về thì theo các cách thức như trên đã trình bày sơ lược. Tuy
nhiên, chúng tôi từng hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập thiền là theo chủ
trương của tổ Huệ Khả. Thế nên “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha
đắc” là phương châm, là kim chỉ nam của chúng tôi. Thường quay trở lại soi
xét mình là việc chính, không từ ngoài mà được. Đó chính là việc thiết yếu
nhất của hành giả tu thiền muốn được giác ngộ giải thoát vậy. |