LỢI ÍCH CỦA TU THIỀN
Giảng tại Hội
Liên Hiệp KHKT - Hà Nội - 1996.
Đề tài chúng
tôi nói hôm nay là Lợi ích của sự tu thiền, song chỉ nói hạn chế trong một
phần thiết yếu thôi.
Trước khi nói
về lợi ích của sự tu thiền, chúng tôi xác nhận lại rõ ràng tu thiền ở đây
là tu theo phương pháp của đạo Phật, chớ không phải thiền của các môn phái
khác. Nếu chúng ta hiểu rõ và ứng dụng đúng cách, sẽ có những lợi ích như
thế nào, đó là chỗ chúng tôi muốn trình bày.
Nói đến lợi
ích của tu thiền nghĩa là nói đến lợi ích của đạo Phật. Bởi vì mục đích
của đạo Phật là lấy giác ngộ giải thoát làm nền tảng. Các lợi ích khác nếu
có chỉ là phần phụ, chớ không phải gốc. Nếu chúng ta tu thiền theo đạo
Phật thì phải thấy rõ làm sao đi đến chỗ cứu kính giác ngộ được đạo, thấy
rõ chân lý của kiếp người, của chúng sanh. Đồng thời, ta làm chủ được mọi
sự trói buộc mọi sự lôi kéo để thành con người tự do giải thoát. Đó là mục
đích của đạo Phật.
Trong phần lợi
ích phụ, trước tôi nói lợi ích về thân. Tất cả những vị đã có ý chí tu
hành, đều biết càng tu càng được sáng suốt, chớ không thể trở thành người
bạc nhược yếu đuối, mờ mịt tối tăm. Thế nên người tu Phật thường tránh
những thái độ cực đoan, mà phải giữ trung đạo.
Như Thái tử
Tất-đạt-đa khi mới đi tu, Ngài học hỏi với những triết gia hay các vị tu
tiên, nhưng không thỏa mãn được mục tiêu, bản hoài của mình đã ôm ấp. Vì
vậy Ngài tìm đường tu riêng. Trong sử kể Ngài tu khổ hạnh mấy năm liền,
đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương, cuối cùng đi đến ngất xỉu bất tỉnh.
Từ đó Ngài mới biết phương pháp khổ hạnh không đem lại giác ngộ và giải
thoát sanh tử, nên Ngài từ bỏ khổ hạnh. Sau này, Ngài ăn ngày một bữa và
sống bình thường, chỉ cốt tọa thiền sao cho tâm được định, nhờ thế mới đi
tới giác ngộ. Vì vậy Ngài dạy người học Phật phải tránh hai thái độ cực
đoan: Một là khổ hạnh, hai là hành lạc. Hành lạc nói theo thế gian là trác
táng. Khổ hạnh và hành lạc là hai thứ bệnh mà người tu Phật không nên có.
Một số người
tu Phật có vẻ kỳ bí thì chúng ta nên xét lại, thật ra họ chỉ mượn tên đạo
Phật thôi, chớ không tu đúng tôn chỉ Phật dạy. Thí dụ những vị tu không ăn
cơm, chỉ ăn rau hoặc các loại khoai củ, cho đó là tu hay. Có người tu Phật
lại tịnh khẩu, không nói chuyện. Nhưng với đạo Phật điều đó không quan
trọng. Người tu Phật rất bình dị, biết điều hòa tiết dục để đầy đủ sức
khỏe, cuộc sống an ổn bình thường. Không phải tu Phật là không ăn cơm, là
tịnh khẩu v.v… những việc ấy không phải gốc của đạo Phật. Do đó người biết
tu Phật hay biết tu thiền, điều kiện đầu tiên là sống điều độ, biết tiết
dục. Điều độ là trong cuộc sống ăn, nghỉ chừng mực điều độ, đối với các
dục lạc phải hạn chế, không buông lung trác táng. Nhờ thế cuộc sống được
tốt đẹp. Đó là lợi ích đầu tiên của người tu thiền.
Thứ hai là lợi
ích của việc ngồi thiền. Người biết ngồi thiền đúng phương pháp sẽ chống
được thời tiết thay đổi bất thường, ít bị các bệnh ngoại cảm. Tại sao? Nếu
ai có thực tập ngồi thiền sẽ thấy, chúng ta đang hơi cảm, bị lạnh, muốn sổ
mũi v.v… nhưng khi bắt chân lên tọa thiền từ một giờ trở lên, chúng ta
thấy người ấm lại. Tất cả những triệu chứng ngoại cảm xâm chiếm từ từ tan
dần. Đó là một lẽ thật. Ngày xưa, khoảng năm l970 tôi ở trên núi Vũng Tàu,
mỗi khi thời tiết thay đổi, tôi ngồi thiền thì không bị cảm. Từ đó tôi mới
thấy mình tu không phải để trị bệnh, không phải để sống dai, nhưng chính
nhờ tọa thiền nên bệnh được giảm và mình sẽ không bị thời tiết làm bệnh
tật. Đó là lợi ích thiết thực của sự tu, giúp cho chúng ta khỏi tổn sức
khỏe, khỏi tốn hao tiền bạc thuốc men.
Thưa thật năm
l961, tôi bị bệnh phổi phải vào bệnh viện điều trị. Bệnh này khi thời tiết
thay đổi dễ bị cảm lắm, mỗi lần cảm là ho. Nhờ tôi lên núi tu thiền nên
không có bệnh cảm. Vì bệnh cảm không có nên bệnh phổi từ đó về sau cũng
không tái phát, mặc dù chúng tôi vẫn giảng dạy đều đặn như thường. Rõ ràng
sức tu giúp cho mình tăng thêm sức khỏe.
Khi bệnh phải
siêng tu, phải vui lên mới mau hết bệnh. Bệnh mà buồn thì con người sẽ
thấy yếu đuối dã dượi, nên ưa nằm. Càng nằm lại càng bệnh, cứ thế sức khỏe
suy kiệt dần, bệnh từ nhẹ bước sang nặng. Còn vui thì bệnh có nặng cũng
thấy nhẹ. Như khi ta đang bệnh nằm, giả sử có người bạn chí thiết đã lâu
không gặp, bỗng dưng về thăm, mình mừng quá nói chuyện một hồi quên đau
luôn. Để thấy ta vui lên thì những bệnh nhỏ nhỏ mất hết. Bởi vậy nên nội
tâm, nếu bỏ được lo sợ, buồn rầu thì tự giảm được một phần lớn bệnh hoạn.
Ngược lại cứ ôm ấp lo buồn, dù bác sĩ hay giỏi cách mấy trị bệnh thì cũng
chưa chắc có hiệu nghiệm. Tóm lại về thân chúng ta sanh bệnh do hai lý do,
một là thời tiết, hai là tâm lý bất ổn.
Bây giờ người
tu thiền nhờ tọa thiền, có sức ấm đuổi tan được ngoại cảm, đó là chống
được thời tiết. Buông xả tất cả các tâm niệm lo sợ buồn rầu, trong lòng
thảnh thơi, bệnh cũng không xâm nhập được. Đó là chúng tôi nêu lên hai
phần bệnh về thân.
Kế đến nói
bệnh về tâm. Thứ nhất là tâm tán loạn, bồng bột. Ở thế gian có nhiều người
khi thích cái gì, hay bực bội điều gì trong tâm tán loạn, có những ý niệm
rất sôi nổi bồng bột, không làm chủ được mình. Do đó họ có những tác động
gây tai họa cho mình, cho người không thể lường được. Chúng ta tu thiền
cốt làm sao lóng lặng được những tâm niệm tán loạn, bồng bột ấy. Vì vậy
đối trên mặt tâm niệm, việc tu thiền có kết quả đầu tiên là dừng lặng bớt
tâm tán loạn, tâm bồng bột. Đó là lợi ích thứ nhất về tâm.
Thứ hai, người
biết tu thiền sẽ kềm chế được tham, sân và si. Thế gian không có khổ gì
bằng nóng giận, đó là sân. Nhưng nóng giận không phải tự nó có, do ta mong
muốn điều gì mà không được nên nổi sân. Vì vậy tu thiền, chúng ta sẽ kềm
chế được nóng giận, tham lam, và nhất là dẹp được si mê.
Thứ ba, nhân
tu thiền mà tâm chúng ta được an ổn, thanh tịnh. Đó là lợi ích lớn của
người tu thiền.
Thứ tư, do tu
thiền nên trí tuệ càng ngày càng sáng tiến lần tới giác ngộ. Đây chính là
lợi ích lớn nhất của sự tu thiền.
Vì vậy các
Thiền viện, Tăng Ni đều được thực tập tọa thiền, ứng dụng tu đúng với
phương pháp Phật dạy để có lợi ích thiết thực. Tu thiền là phải ứng dụng,
chớ không chỉ nói suông. Ở đây chúng tôi nói lý thuyết cho quí vị có một
cái nhìn đúng đắn về tu thiền, chớ chưa đi vào thực tập, nên cũng chưa
thấy kết quả cụ thể.
Có một lợi ích
lớn nữa của việc tu thiền, đó là không sợ chết. Tất cả chúng ta ai cũng sợ
chết. Chết là cái đáng sợ nhất, nên nó trở thành cái khổ nhất của con
người. Người tu thiền, khi đã nhận hiểu được đạo lý, ứng dụng được phương
pháp tu rồi, đối với sanh tử sẽ thế nào? Đây là điều hết sức quan trọng. Ở
đây tôi xin dẫn một ít câu chuyện nhỏ về việc này.
Câu chuyện thứ
nhất của một Thiền sư cư sĩ Trung Hoa là ông Bàng Long Uẩn. Ông là một nho
sĩ đời Đường, nhưng lại nghiên cứu về Phật, nhất là thiền. Sau này ông ngộ
đạo ở hai vị Thiền sư nổi tiếng là Mã Tổ Đạo Nhất và Thạch Đầu Hy Thiên.
Ngộ đạo rồi, nhưng ông không xuất gia, vẫn tu trong hình thức cư sĩ. Ông
có hai người con, một trai, một gái và người vợ. Với sự khéo léo giáo dục
vợ, con đều biết tu như ông. Mỗi khi gia đình hội họp bàn luận đều đem
chuyện đạo đức, tu hành mà nói, chớ không theo thế tục.
Khi gần tịch,
ông biết trước nên chuẩn bị sẵn. Hôm đó, ông bảo người con gái là cô Linh
Chiếu: Con ra ngoài xem mặt trời đúng ngọ, vô cho ba hay. Cô Linh Chiếu
chạy ra nhìn mặt trời thấy đúng ngọ, nhưng biết trước ý định của cha nên
cô đánh lừa, nói: Thưa ba, mặt trời đã đúng ngọ nhưng bị nguyệt thực, ba
ra coi. Ông tưởng thật, bước ra ngoài xem. Lúc trở vô, ông thấy cô con gái
đã lên ngựa giữa ngồi kiết già nhắm mắt tịch. Ông cười nói: Con gái ta
lanh lợi quá, rồi ông lo mai táng cho con.
Sau đó ông báo
tin cho bạn bè thân biết bảy hôm nữa ông sẽ tịch. Bảy hôm sau có người bạn
thân tới ngồi bàn đạo, hồi lâu ông nói: Thôi tôi mỏi mệt, anh cho tôi nằm
gá trên đầu gối nghỉ một chút. Nói xong, ông liền nằm xuống gá trên đầu
gối người bạn, thở khì một cái rồi tịch luôn.
Người ta chạy
báo tin cho bà vợ và người con trai hay. Bà vợ đang nấu cơm, người con
trai đang cày ruộng. Khi được tin, bà chạy ra đồng cho người con trai hay:
Con ơi, con nhỏ ngu si và ông già vô tri đi rồi. Nghe thế, người con trai
đứng tại chỗ tịch luôn. Bà Long Uẩn bèn nói: Cái thằng ngu si này cũng đi
nữa. Lo mai táng xong xuôi hết cả nhà, bà từ giã làng xóm lên núi tịch
luôn. Cả một gia đình muốn sống là sống, muốn chết là chết, tự tại. Nên có
một bài sám viết “In như thiền định họ Bàng thuở xưa” là vậy.
Đó là vị cư sĩ
ở Trung Hoa, ở Việt Nam ta có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi sắp tịch, Ngài
bảo đặt một cái giường tại Dưỡng Chân Trang nơi nhà giữa, Ngài ra đó nằm
rồi nhắm mắt tịch. Mấy bà thê thiếp hay được, chạy ra khóc rống lên. Ngài
ngồi dậy bảo đem nước cho Ngài súc miệng rửa mặt, rồi quở: Chết sống là lẽ
thường nhiên, tại sao làm náo động chân tánh ta? Quở xong, Ngài nằm xuống
nhắm mắt tịch. Như vậy cư sĩ Trung Hoa, cư sĩ Việt Nam tu hành vẫn tự tại
như thường, chớ không luận là người xuất gia.
Ngài Tuệ Trung
Thượng Sĩ có làm bài thơ “sanh tử nhàn nhi dĩ ” tức chết sống là chuyện
nhàn thôi, không có gì quan trọng. Tôi chỉ trích hai câu chót để chúng ta
thấy được tánh cách sanh tử nhàn của Ngài. Nguyên văn chữ Hán:
Ngu nhân điên đảo bố sanh tử,
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.
Dịch:
Người ngu sống chết mãi lo âu,
Kẻ
trí rõ không nhàn thôi vậy.
Nghĩa là người
ngu điên đảo sợ sanh tử, còn người trí thấu suốt nên nhàn thôi vậy. Đối
với người liễu đạt được lý đạo, việc chết sống là việc nhàn, không có gì
quan trọng hết. Chúng ta thấy chẳng phải chỉ giới tu sĩ mới có công dụng
tu hành tự tại trong sanh tử, mà kể cả người cư sĩ tại gia, vẫn tự tại
trong sanh tử như thường. Điều đó hết sức rõ ràng.
Bây giờ tới
một Thiền sư Việt Nam là ngài Pháp Loa. Năm bốn mươi hai tuổi sắp tịch, đồ
đệ Ngài đến than thở, yêu cầu xin cho ít lời kệ. Ngài ngồi dậy viết:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ
thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na
biên phong nguyệt cánh man khoan.
Dịch:
Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
“Vạn duyên tài
đoạn nhất thân nhàn”, tức là muôn duyên cắt đứt một thân nhàn. Lúc hết
duyên để ra đi, đó là muôn duyên đã cắt đứt. Cắt đứt rồi sao? Chỉ còn một
thân nhàn. Chữ thân nhàn đây đừng nghĩ là thân xác thịt. “Tứ thập dư niên
mộng huyễn gian”, hơn bốn mươi năm chỉ là khoảng thời gian như mộng huyễn,
không có gì quan trọng. “Trân trọng chư nhân hưu tá vấn”, tức là nói cho
mọi người: Thôi đừng hỏi chi nữa. “Na biên phong nguyệt cánh man khoan”.
Na biên tức là bên kia, bên kia trăng gió rất mênh mông.
Như vậy việc
nhắm mắt đối với Ngài không phải chuyện khổ đau, mà là đang hướng về một
nơi an nhàn, thênh thang. Đó là hiện tượng tốt đẹp của các Thiền sư khi ra
đi. Các Ngài rất tự tại vui vẻ trước giờ phút lâm chung, không hề có chút
sợ sệt. Tại sao? Tôi thường ví dụ như ta có chiếc ô tô cũ nên hay hư, có
khi phải đẩy nó mới chịu đi, tìm thợ sửa thật cực nhọc. Chiếc xe hư như
vậy, chúng ta không có tiền sắm một chiếc xe mới thật là khổ. Bây giờ mình
tích lũy, dành dụm được một số tiền lớn, chiếc xe này hư chúng ta có khả
năng mua chiếc xe đẹp hơn, tốt hơn. Đó là việc nên buồn hay không nên
buồn? Chiếc xe cũ hư, chúng ta sắm được xe đẹp mới tốt hơn, tại sao lại
buồn? Nếu cứ mang xe cũ hoài, nó chạy cục kịch, mình mệt, có phải chán
không. Cũng vậy, người biết tu rồi đối với thân này, biết là thân bại hoại
không thể giữ mãi. Khi nào còn tốt dùng được thì dùng, khi nào hư thì
thôi, không luyến tiếc. Tại sao không luyến tiếc? Vì mình đã biết tu, đã
tích lũy những nghiệp lành, giống như người đã tích lũy được nhiều tiền,
hư xe cũ sắm xe mới đẹp hơn. Có gì phải buồn? Do đó nên không buồn, không
sợ dù biết nay mai ta sẽ chết, nhưng lòng vẫn an nhiên tự tại. Chỉ tích
lũy nghiệp lành thôi đã an ổn rồi huống nữa chúng ta tu và nhất là tu
thiền.
Tu thiền là
phải nhìn thấy tường tận được cái chân thật của mình. Ngay thân tạm bợ này
có một cái chân thật mà chúng ta quên. Bây giờ nhớ lại nhận ra được, thì
cái tạm bợ còn mất không quan trọng nên hết sợ. Nếu chưa nhận được thì mất
thân này phải sợ, vì không biết rồi đây sẽ ra sao. Cho nên có câu “Đường
trước mờ mờ không biết đi đâu?” Như ngài Pháp Loa đã nói “Bên kia phong
nguyệt cánh man khoan” tức là bên kia trăng gió mênh mông, có gì buồn có
gì lo.
Thiền sư Nam
Tuyền Phổ Nguyện, một hôm có vị cư sĩ là Lục Hoàn Công hỏi:
- Bạch Hòa
thượng, có người nuôi con ngỗng trong một cái bình. Lâu ngày nó lớn vừa
khít cái bình. Bây giờ muốn đem con ngỗng ra mà đừng đập bể bình, xin Hòa
thượng đem ra giùm.
Khi đó ngài
Nam Tuyền liền kêu:
- Lục đại phu!
Đại phu ứng
thinh:
- Dạ.
Ngài nói:
- Ra rồi.
Ngay đó Lục
Hoàn công liền tỉnh ngộ. Đây là một thuật khéo trong nhà thiền.
Như hiện giờ
tôi đang nói chuyện quí vị có nghe không? Nghe. Nhưng khi tôi im lặng, quí
vị có nghe không? Đa số trả lời không nghe. Tôi nói quí vị bảo có nghe,
tôi im lặng quí vị bảo không nghe. Như vậy quí vị có lỗi lớn là quên mình
theo vật. Tại sao? Khi tôi nói thì có tiếng, quí vị nghe có tiếng. Khi tôi
im lặng thì không có tiếng, quí vị nghe không có tiếng, tại sao bảo không
nghe? Tiếng là ở tôi, nghe là nơi tai quí vị. Tai quí vị có lúc nào điếc
đâu mà bảo không nghe. Nhưng lâu nay chúng ta có bệnh, có tiếng thì bảo có
nghe, không tiếng thì bảo không nghe. Đó là quên mình.
Cũng thế ở
mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân chúng ta lúc nào cũng sẵn có tri giác.
Nhưng những tri giác hiện hữu đó, chúng ta lại quên, chỉ biết khi suy gẫm
chuyện gì thì cho cái hiểu biết, suy gẫm đó là tâm mình. Còn cái hằng hữu
nghe, thấy, cảm xúc v.v… chúng ta tưởng như không phải mình nên gọi là
quên mình. Những suy nghĩ của chúng ta có khi sanh có khi diệt, còn cái
nghe, cái thấy của mình đâu có sanh diệt. Có nghe tức là có biết, có thấy
là có biết, cái thấy biết đó không sanh diệt mà chúng ta quên.
Trong kinh
Lăng Nghiêm có câu chuyện rất lý thú. Khi đức Phật giải thích về các tánh
thấy, nghe… nơi mỗi chúng ta, ngài A-nan hỏi:
- Bạch Thế
Tôn, theo lời Phật dạy con mắt luôn luôn thấy, lỗ tai luôn luôn nghe. Vậy
người mù không có con mắt, họ có thấy không?
Phật bảo ngài
A-nan:
- Ngay bây giờ
ông tìm những người mù, hỏi “trước mắt thấy gì”, họ sẽ trả lời “tôi thấy
tối đen”. Người mù thấy tối đen và người sáng mắt ban đêm vào căn nhà tối
không có đèn, cũng thấy tối đen. Như vậy cái thấy tối đen của người có mắt
và người mù khác không? Không khác vì đều thấy tối đen.
Bây giờ khi
bật đèn sáng, người mắt sáng liền thấy cảnh vật trước mắt. Phật hỏi:
- Là con mắt
thấy hay ngọn đèn thấy?
Ngài A-nan trả
lời:
- Đó là mắt
thấy.
Phật bảo:
- Như vậy nếu
người mù được mổ, cạo những mây mù, họ sáng ra liền thấy cảnh vật bên
ngoài. Đó là cái gì thấy? Nên biết con mắt dù có, nhưng thiếu đèn thiếu
ánh sáng cũng không thấy, còn cái hay thấy sẵn có nhưng vì bị mây mù che
đậy nên cơ quan ấy hư thì mình không thấy, sửa lại liền thấy. Rõ ràng cái
thấy đâu có vắng mặt. Vì cơ quan mắt hư, chớ không phải cái thấy không có.
Như vậy để
chúng ta nhận biết rằng nơi mình có một cái hằng tri, hằng giác hiện ở các
cơ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chớ không phải chỉ suy gẫm mới gọi
là có hiểu biết. Cái hiểu biết ấy đã ngầm sẵn trong các bộ phận đó. Khi tu
thiền, lặng hết các suy nghĩ lăng xăng rồi, lúc đó chúng ta càng sáng rõ
hơn, chớ không phải không biết.
Như hiện giờ
chúng ta đứng trên bờ biển nhìn xuống những lượn sóng nổi dưới mặt biển.
Có lượn to có lượn nhỏ. Lượn sóng nào quá to có khả năng đánh đắm tàu,
nhưng nếu nhìn trên mặt biển lượn sóng ấy chiếm chỉ một tí ti toàn diện
tích mặt biển. Khi trăm ngàn lượn sóng như thế lặng xuống thì mặt biển
rộng lớn chừng bao nhiêu? Không thể kể được. Những lượn sóng chỉ là tướng
chập chờn khi có khi không mà còn tác dụng phi thường, huống nữa các lượn
sóng đó lặng xuống, mặt biển thênh thang thì diệu dụng của nó thật không
thể lường.
Cũng vậy, tâm
niệm suy gẫm tính toán của chúng ta sanh diệt từng đợt. Thế nhưng con
người đã tạo nên biết bao hiệu dụng lớn lao từ những đợt tâm niệm đó. Có
thể nói họ muốn thế giới còn thì còn, muốn thế giới hoại thì hoại. Nếu một
ngày nào đó, những tâm niệm lăng xăng ấy lặng xuống hết, chỉ còn một thể
tri giác sáng suốt trùm khắp thì chúng ta thử nghĩ xem diệu dụng ấy tới
ngần nào.
Cho nên người
tu thiền cốt đạt được cái chân thật sẵn có nơi mình, đó chính là mục đích
cứu kính, là lợi ích cùng tột trên đường tu. Do đó chúng tôi thường nói
cái thật hiện tiền nơi mình mà mình lại bỏ lơ, đi tìm những thứ gì xa xôi
ở đâu đâu. Đó là điều đáng tiếc và cũng đáng trách nhất của con người mê
muội.
Vì vậy lợi ích
lớn của tu thiền trong đạo Phật, là đem lại sự quân bình cho nhân loại.
Điều này rất quan trọng. Nói tới đem lại sự quân bình cho nhân loại, chúng
ta phải nhìn hiện giờ nhân loại đang mất quân bình cái gì? Trước hết, hiện
tại mọi người đều thấy khoa học kỹ thuật là vạn năng, có thể đem lại cho
con người mọi nhu cầu vật chất sung mãn. Nhưng khi con người lao theo hình
thức vật chất thì lại quên mất mình.
Ai cũng thế,
khi thiếu cái ăn cái mặc, thì cắm đầu lo cho cái ăn cái mặc, nên quên hết
mọi thứ khác. Song việc ăn mặc không có giới hạn. Lúc chưa có cơm ta chỉ
nghĩ có được cơm là quí rồi, nhưng khi có cơm ta lại muốn có thức ăn ngon.
Cứ như vậy muốn thêm, muốn thêm hoài. Tất cả những nhu cầu vật chất không
bao giờ thấy đủ. Vì thế con người cứ lao theo vật chất, càng lao theo vật
chất thì càng quên mất mình.
Chúng tôi đi
ra nước ngoài, thấy có nhiều Phật tử Việt Nam rất đáng thương. Họ kể lại
có khi sáng sớm đã phải lo thức ăn đem theo vô sở làm. Làm tới trưa nghỉ
được nửa giờ, rồi làm cho tới chiều tối mới về. Ngày nào cũng như ngày
nào, đi phải đi sớm, trễ mười lăm phút thì bị đuổi sở. Thành thử ai cũng
nơm nớp lo đi làm sớm, về cũng đúng giờ, không được về trước, luôn luôn đi
sớm về tối. Vì vậy Phật tử ở nước ngoài hay dùng từ đi cày. Sớm đi tối về
như vậy, nên không còn thì giờ nghĩ tới chuyện con cái, chuyện an ổn tâm
hồn.
Rõ ràng càng
đuổi theo vật chất người ta càng dễ quên mình. Mà đã quên mình thì tự
nhiên lệ thuộc vào máy móc. Làm gì cũng máy móc điều khiển chớ không phải
con người điều khiển máy móc nữa. Giờ nào việc nấy, không sai suyển được.
Cho nên cả ngày không có phút giây nào an ổn. Như vậy tuy khoa học vạn
năng, nhưng nếu chúng ta cứ đuổi theo mãi thì sẽ bị quên mất mình. Đó là
điều thứ nhất.
Thứ hai, khoa
học là môn học rất khách quan. Các nhà khoa học tìm kiếm phát minh cái gì
là để cống hiến cho nhân loại, chớ không dành chủ quyền cho riêng mình. Ví
dụ phát minh ra nguyên tử, họ đâu có nghĩ rằng mai kia nguyên tử sẽ trở
thành những quả bom tiêu diệt nhân loại. Nếu nghĩ như vậy chắc các nhà
khoa học không phát minh đâu. Khi phát minh thì cứ phát minh, nhưng lúc sử
dụng lại còn tùy thuộc người khác. Người tốt thì đem đến lợi ích cho nhân
loại, người xấu thì gieo rắc tai họa không thể lường nổi. Khoa học rất
lợi, rất hữu ích nhưng con người dùng nó có khi lợi, có khi hại. Do đó
nhiều người nói rằng khoa học là con dao hai lưỡi. Đây là điều chúng ta
thấy cẩn thận, dè dặt.
Nhiều người
cho rằng thời văn minh này khó tu. Tại sao khó tu? Vì ngoài việc làm ở sở
về, còn bao nhiêu thì giờ bị ti-vi chiếm hết rồi, xem ti vi xong là lăn ra
ngủ, đâu có nhớ tới tu. Cứ như vậy ngày qua ngày không có thời gian rảnh
rỗi. Gần đây báo chí cho biết hiện nay tình trạng tự tử của người Tây
phương có thể nhiều hơn người Á đông. Tại sao? Không phải vì nghèo đói tự
tử, mà vì dư thừa quá nên tự tử! Tại sao vậy? Bởi vì khi chưa có ăn thì lo
cho có ăn. Nhưng khi ăn mặc thừa rồi thì lại thấy cuộc đời sao vô vị quá,
không có gì cao siêu, tự nhiên thấy chán nên không muốn sống nữa. Khi khoa
học tiến cao tiến nhanh lại là lúc con người ta thấy hụt hẫng, thiếu một
cái gì hết sức cần thiết trong cuộc sống. Thật lạ lùng!
Ở đây đạo Phật
quay lại chính mình, giải quyết vấn đề con người, làm sao hiểu được mình
là cái gì? Đó là trọng tâm của đạo Phật. Như vậy đạo Phật giúp con người
giải quyết được khi bị mất mình, khi thấy cuộc sống vô vị. Nếu biết trở
lại mình có cái chân thật rồi thì không còn chán nản cuộc đời vô vị nữa.
Như vậy chính đạo Phật đem lại sự quân bình cho con người trong thời đại
khoa học kỹ thuật cực tiến này.
Khi khoa học
kỹ thuật được nâng cao quá mức, tự nhiên phần tinh thần đạo đức bị suy
giảm. Đó là thiếu quân bình. Thiếu quân bình thì đưa tới tai họa bản thân
dễ chán nản. Đối với xã hội, nhân loại, dễ gây ra những hiểm nguy bất
thường. Do đó có được đạo đức chân thật sẽ giúp cho con người quân bình
cuộc sống của mình an ổn. Cho nên điều này hết sức thiết yếu.
Hiện giờ người
Tây phương đang bị mất lòng tin về đạo đức cổ truyền, cho nên họ rất hụt
hẫng. Người Đông phương có phước là còn được nền đạo đức vững chắc. Nếu
người Đông phương vừa giỏi khoa học vừa vững đạo đức thì thật là lợi ích,
chẳng những cho xứ sở quê hương mình mà cho cả nhân loại nữa. Chúng ta
phải thấy rõ lợi ích của khoa học và thấy rõ lợi ích của đạo đức. Cả hai
không thể thiên lệch một bên, mà phải nâng đều như nhau. Một con người đầy
đủ tình thương, đầy đủ trí tuệ mà lại có nhiều phương tiện thiện xảo thì
xã hội đẹp không thể tưởng được. Đó là điều chúng tôi hằng mong mỏi dân
tộc mình đạt được, như thế xứ sở ta dân nhân ta có cuộc sống hay đẹp biết
chừng nào!
Thiền sư Hương
Hải ở Việt Nam chúng ta, Ngài tu theo hệ Trúc Lâm Yên Tử nhưng cách khá xa
thời Tam tổ Trúc Lâm. Khi vua Lê hỏi Ngài:
- Trẫm muốn
được Hòa thượng dạy một đường lối tu cụ thể.
Ngài liền nói
bài kệ:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,
Thẩm sát tư duy tử tế khan.
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.
Dịch:
Hằng ngày quán lại chính nơi mình,
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.
Trong mộng tìm chi người tri thức,
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.
Ngài dạy muốn
tìm cái hay của đạo Phật thì phải “Phản văn tự kỷ mỗi thường quan”, tức là
phải luôn luôn nhìn lại mình cho thật tường tận. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi
năm hay mỗi phút mỗi giây, ta thường xem xét lại mình, đó là điều thiết
yếu. “Thẩm sát tư duy tử tế khan”, tức là phải xét nét, tra cứu kỹ càng
việc đó. Như vậy sự tu của đạo Phật, trọng yếu là quan sát lại mình.
Quan sát lại
mình có hai trường hợp: Một là quan sát để thấy mình đang nghĩ tốt hay
đang nghĩ xấu, đang làm lành hay đang làm dữ. Biết như thế rồi kềm chế
việc xấu dở và nuôi dưỡng việc hay tốt. Tu là phải luôn luôn quan sát,
thấy được tâm niệm hành động của mình tốt hay xấu. Nếu tốt thì chúng ta
nuôi dưỡng, nếu xấu thì chúng ta tiêu diệt.
Xa hơn nữa,
nhờ quan sát như thế chúng ta thấy được nơi mình có cái gì thật, cái gì
hư. Đó là bước tiến thứ hai. Quan sát lại mình rồi kết quả sẽ ra sao? “Mạc
giáo mộng trung tầm tri thức, tương lai diện thượng đổ sư nhan”, đừng ở
trong mộng tìm tri thức, sau này sẽ thấy mặt thầy ngay trên mặt mình. Có
nhiều người mơ ước trong mộng gặp thầy tới dạy đạo cho mình. Đó là tri
thức trong mộng, không phải thật, không phải chân lý. “Tương lai diện
thượng đổ sư nhan”, nghĩa là sau này ngay trên mặt mình đã thấy mặt thầy
rồi. Thầy ở sẵn nơi mình chớ không phải từ ngoài đến.
Người tu Phật
chân chánh phải quay lại, tìm kiếm, rèn luyện, gọt dũa chính mình chớ
không trông chờ cái gì bên ngoài đến. Phật giáo Thiền tông là Phật giáo tự
tánh mãnh liệt. Nhờ sức tự tánh đó chúng ta mới có thể cố gắng vươn lên và
đạt được kết quả mỹ mãn. Nếu tất cả chúng ta ai cũng tự tin như thế, hiểu
rõ việc nào nên làm, việc nào không nên làm, việc nào tà việc nào chánh,
việc nào đúng, việc nào sai, đó là người trí tuệ văn minh. Ngược lại, ta
không biết mình chỉ nghe ai bảo sao làm vậy hoặc xu hướng theo những
chuyện lạ lùng bên ngoài là mất mình. Chẳng những mất mình mà còn đem tai
họa đến cho mọi người nữa.
Hôm nay chúng
tôi nói sơ lược một số lợi ích của người tu theo đạo Phật, nhất là tu
thiền cho tất cả quí Phật tử thấy rõ mục đích của đạo Phật. Qua đó, chúng
ta biết thế nào là lợi ích chánh, thế nào là những hiệu năng phụ của việc
tu thiền. Nhờ thế mới không lầm lẫn khi áp dụng tu tập, đồng thời biết
được kết quả thiết thực của việc tu Phật. |