GIẢI THOÁT LÀ CỐT LÕI CỦA ĐẠO PHẬT
Giảng tại Tinh
xá Trung Tâm - TP Hồ Chí Minh 2001
Năm nay tôi đã
lớn tuổi nên không nhận giảng ở các trụ xứ an cư. Nhưng vì sư Giác Toàn có
thạnh tình mời về thăm và có ít lời nhắc nhở chư tăng trong mùa hạ luôn
tinh tấn tu hành, để xứng đáng là người xuất gia tu đạo giải thoát. Vì vậy
mới có buổi nói chuyện này.
Đề tài chúng
tôi nói hôm nay Giải thoát là cốt lõi của đạo Phật. Vấn đề này tôi nghĩ
chư tăng không ai không quan tâm. Tại sao tu Phật lấy giải thoát làm cốt
lõi? Bởi vì tất cả chúng ta tu đều có sở nguyện giải thoát sanh tử luân
hồi. Muốn xứng đáng với mục đích tối quan trọng đó chúng ta phải tu như
thế nào? Trước hết phải biết giải thoát cái gì, mới tìm ra cách tu để được
giải thoát. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.
Phật đã dạy
thân này vô thường, vô ngã cho nên giải thoát không phải là giải thoát
thân này. Vì thân này tới ngày cuối cùng cũng phải bỏ, phải hoại diệt thì
đâu có gì để giải thoát. Thân bại hoại không thể giải thoát được thì chỉ
còn tâm. Vậy tâm giải thoát là không còn kẹt vướng trong sanh tử nữa, gọi
là giải thoát. Tâm đó là tâm nào? Tâm nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ phải nghĩ
quấy, nghĩ tốt nghĩ xấu phải không? Không phải, vì tâm đó cũng là tâm sanh
diệt, có rồi mất, làm sao giải thoát được. Đây là vấn đề thứ hai.
Thân sanh
diệt, tâm sanh diệt không thể giải thoát được. Vậy cái gì giải thoát sanh
tử? Đó là vấn đề chính yếu nhất của người tu mà lâu nay ít ai để ý tới.
Thường chúng ta cứ nghĩ giữ giới, ăn chay, làm những việc công đức là tu,
là tiến trên con đường giải thoát, không ngờ các việc ấy chỉ được phước
sanh diệt thôi, chưa phải giải thoát. Chúng ta tu muốn giải thoát phải tìm
cho ra lẽ thực của nó. Chừng nào thấy được lẽ thực đó mới có thể tin rằng
mình tu giải thoát sanh tử. Còn không tìm được thì không thể tin mình giải
thoát.
Người ta hay
nói tâm là cái biết phải biết quấy, biết thương biết ghét, biết buồn biết
giận. Nếu thế tâm có cả trăm ngàn thứ thì ta là cả trăm thứ đó sao? Thương
là ta, giận ghét cũng là ta, tâm suy tính phân biệt ấy lại sanh diệt vô
thường, như vậy khi mình có khi mình không chăng?
Trong kinh
Lăng Nghiêm, đức Phật hỏi ngài A-nan:
- Lý do gì ông
đi tu?
Ngài A-nan
thưa:
- Bởi con thấy
đức Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹïp, con kính mến nên
phát tâm xuất gia.
Phật hỏi:
- Ông lấy cái
gì để thấy và lấy cái gì để kính mến?
Ngài A-nan trả
lời:
- Con lấy mắt
thấy và lấy tâm hiểu biết.
Đó là nguyên
do có thất xứ trưng tâm, tức bảy chỗ hỏi tâm của đức Phật. Theo thứ tự
Phật gạn hỏi tâm, ngài A-nan trả lời tâm ở trong thân, ở ngoài thân, ở
giữa thân v.v… cho tới cuối cùng Ngài nói cái hay suy nghĩ phân biệt là
tâm con. Tất cả đều bị Phật quở và bác bỏ: “Đó là ông nhận định sai lầm,
cái suy nghĩ không phải là tâm của ông”. Ngài A-nan hoảng hốt thưa như vậy
con không tâm sao. Phật bảo không phải ông không có tâm, nhưng cái suy
nghĩ là tướng sanh diệt, không phải tâm của ông.
Chúng ta lâu
nay cũng lầm nhận như ngài A-nan vậy, cho cái suy nghĩ sanh diệt vô thường
đó là tâm của mình. Phật muốn chỉ ngay nơi mình có cái chân thật nhưng
chúng ta bỏ quên, nên cứ nhận thân sanh diệt là mình, tâm sanh diệt là tâm
mình. Thân là tướng vô thường sanh diệt, tâm là bóng dáng các trần không
thật, nhận hai cái đó là mình nên phải chịu sanh tử luân hồi. Bây giờ muốn
ra khỏi luân hồi sanh tử, phải tìm cho ra cội gốc sai lầm ấy. Nếu còn bám
vào thân tâm sanh diệt thì không thể giải thoát được.
Người tu là
người thực hiện một chí nguyện rất cao thượng, siêu xuất trần thế. Vì vậy
ai đi tu rồi cũng phải biết rõ mục đích giải thoát sanh tử, cứu độ chúng
sanh, chớ không chỉ để có phước đời này, đời sau thôi. Tu như vậy không
đúng mục đích siêu thoát của một tu sĩ.
Trong kinh
Lăng Nghiêm đức Phật chia tâm ra làm hai thứ: một là vọng tâm, hai là chân
tâm. Vọng tâm là tâm hư dối, chân tâm là tâm chân thật. Lâu nay người ta
thường cho phần tinh thần là tâm, nhưng không hiểu nghĩa chánh của tâm là
gì. Tâm là biết. Cái biết sanh diệt, luôn luôn đổi thay gọi là cái biết hư
dối. Còn cái biết thường còn không sanh không diệt là cái biết chân thật,
gọi là chân tâm.
Như vậy muốn
nhận ra tâm phải phân biệt rõ tâm nào thật, tâm nào không thật. Tâm thật
là chân tâm, tâm không thật là vọng tâm. Tất cả những suy nghĩ của chúng
ta thuộc về vọng tâm. Nếu cho suy nghĩ buồn thương giận ghét là tâm mình
tức chúng ta nhận vọng làm chân. Cái vọng là dối, dối thì làm sao giải
thoát được. Như vậy giải thoát phải là cái chân thật, bất sanh bất diệt,
chớ không phải cái hư dối. Đó là chỗ chúng ta phải suy gẫm nhận xét cho
thật chính chắn.
Muốn chỉ ra
cái chân thật đó, đức Phật đã đưa tay lên hỏi ngài A-nan: “Ông thấy
không?”. Ngài A-nan đáp: “Dạ thấy”. Phật để tay xuống hỏi: “Ông thấy
không?”. Ngài A-nan thưa: “Dạ không thấy”. Phật quở: “Ông là người quên
mình theo vật. Tay ta đưa lên là thấy có tay, khi ta để xuống là thấy
không có tay. Tay là vật, còn cái thấy là mình. Tại sao lại lầm lẫn giữa
mình và vật như vậy?”
Lâu nay chúng
ta cũng lầm lẫn thế ấy. Thấy tức là biết. Thấy cảnh vật xanh vàng đỏ
trắng, biết rõ ràng. Thấy là có biết, cái thấy đó có suy nghĩ không? Thấy
trắng là trắng, vàng là vàng, xanh là xanh, đâu cần suy nghĩ gì. Chỉ khi
cộng với ý thức phân biệt mới có suy nghĩ, chớ cái thấy ban đầu không suy
nghĩ.
Kế đến Phật
bảo ngài La-hầu-la đánh tiếng chuông rồi hỏi ngài A-nan: “Ông có nghe
không?” Ngài A-nan thưa: “Dạ nghe”. Giây lâu tiếng chuông bặt, Phật hỏi:
“Ông có nghe không?”. Ngài A-nan thưa: “Dạ không nghe”, liền bị Phật quở
lần nữa. Đánh tiếng chuông “boong” thì nghe có tiếng chuông, tiếng chuông
bặt thì nghe không có tiếng chuông, chớ đâu phải điếc. Sao lại nói không
nghe?
Nếu không nghe
làm sao biết không tiếng? Không tiếng là vì âm thanh bên ngoài không có,
nhưng cái nghe của mình luôn hiện tiền. Vậy mà không có tiếng lại nói
không nghe. Đó là quên mất tánh hay nghe, hay thấy của mình, chạy theo sắc
tướng âm thanh bên ngoài, vì vậy Phật quở quên mình theo vật. Đó là điều
đáng thương của chúng ta.
Trong nhà Phật
nói nơi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có cái biết. Cái biết đó
hằng hữu, nhưng chúng ta lại bị cái biết phân biệt của ý theo đuổi, hợp
tác, rốt cuộc quên cái biết hằng hữu chân thật đó. Thí dụ khi ngồi thiền
có dấy niệm, lúc đó ta biết mình khởi nghĩ và đang chạy theo vọng tưởng
không? Biết rõ rằng mình đang bị vọng tưởng, đang khởi nghĩ. Như vậy cái
khởi nghĩ, cái vọng tưởng là cái bị biết. Nếu nó là cái bị biết thì ai là
cái hay biết? Rõ ràng mình là cái hay biết. Cái biết này không có tướng
trạng, không khởi nghĩ gì cả.
Cho nên chúng
ta tu ngay nơi thân này, có cả chân tâm và vọng tâm. Vọng tâm là tâm phân
biệt tốt xấu, hơn thua, phải quấy. Tâm này tạo nghiệp sanh tử luân hồi
khiến ta phải chịu vô lượng khổ đau. Bởi vì nghĩ thiện thì tạo nghiệp
lành, nghĩ ác thì tạo nghiệp dữ, thì phải đi trong ba đường lành hoặc ba
đường dữ. Nhà Phật khuyên tu là bỏ dữ làm lành, đó là giai đoạn đầu tu
trong sanh tử, nhưng sanh tử theo đường tốt, chớ chưa phải giải thoát sanh
tử.
Lâu nay chúng
ta cứ nhận cái nghĩ thiện nghĩ ác là tâm mình, nhưng nó không phải là tâm
thật. Chỉ khi nào buông hết thiện ác, các thứ nghĩ tưởng hai bên lặng
xuống, mà vẫn thường biết đó mới thật là tâm mình. Bản lai diện mục là bộ
mặt thật muôn đời của chúng ta, mình có từ thuở nào nhưng bị các thứ nghĩ
thiện, nghĩ ác phủ che nên nó không hiện ra. Chừng nào dứt hết niệm đối
đãi thì tâm chân thật hiện tiền.
Chúng ta từ
người thế gian tới người tu, đa số chỉ nhận tâm sanh diệt thôi, mà không
thấy được tâm chân thật bất sanh bất diệt của chính mình. Do đó cứ lẩn
quẩn, không biết mình ngồi thiền để làm gì. Có người nghĩ thiền định để
được thần thông, điều này rất sai lầm. Định là dừng tâm suy nghĩ đối đãi
tạo nghiệp. Dừng được tâm ấy rồi là dừng được nghiệp, dừng được nghiệp thì
cái gì trói buộc, cái gì dẫn mình đi trong sanh tử nữa? Chỉ còn một tâm
chân thật bất sanh bất diệt, đó là giải thoát sanh tử. Tâm giải thoát sanh
tử đã sẵn ngay nơi mình, chỉ cần quày đầu lại là nhận được thôi.
Ví dụ tôi ngồi
trong thất, có khách tới tôi chào và nói chuyện. Khách về tôi lặng yên,
thấy vắng khách. Thấy khách đến, biết khách đi là ai thấy ai biết? Là chủ
thấy chủ biết, chớ còn ai nữa. Cũng vậy, khi ngồi thiền chúng ta thấy vọng
tưởng dấy lên, thấy vọng tưởng lặng xuống thì rõ ràng ông chủ thấy. Nếu
không có ông chủ làm sao biết có vọng tưởng hay không vọng tưởng. Cái biết
có vọng tưởng, cái biết đang lặng lẽ đó là cái biết thật của chính mình.
Lâu nay chúng ta cứ ngỡ hết suy nghĩ là hết mình. Đó là chỗ lầm lẫn.
Tâm chân thật
ấy không có tướng mạo, không dấy động, không khởi một niệm suy nghĩ, nó
bàng bạc khắp cả, ở đâu cũng có. Dưới chân vừa đạp cây gai liền thấy đau,
trên tay con muỗi vừa cắn liền thấy ngứa. Tất cả chỗ nào trên thân cũng
biết hết, mà không cần phải suy nghĩ. Chúng ta tu là để trở về với tâm
chân thật đó. Biết mình có tâm chân thật rồi, ta mới mạnh dạn kiên quyết
dẹp bỏ tâm nghĩ suy hư dối. Nếu không, ta cứ cho cái suy nghĩ là tâm mình
nên không dám bỏ, nuôi dưỡng tâm sanh diệt ấy mãi nên không được giải
thoát.
Tất cả pháp tu
của Phật dạy đều đưa chúng ta đến chỗ cuối cùng, nhưng phương tiện có
khác. Có người dùng trí tuệ quán chiếu nhận hiểu rồi tu. Có người đặt lòng
tin tha thiết mà tu. Cho nên dùng trí tuệ quán chiếu thì Phật dạy tu
Thiền. Quán chiếu lại thân này hư giả không thật, tâm sanh diệt lăng xăng
cũng không thật, buông hết hai thứ giả đó thì cái thật hiện ra. Từ quán
sát ấy ta dừng không chạy theo vọng tưởng nữa, đó là nhờ trí tuệ mà tâm
được an định. Tâm lăng xăng dừng là định, trí tuệ quán chiếu soi sáng là
tuệ. Đây gọi là định tuệ song tu.
Người nhiều
lòng tin Phật dạy niệm Phật. Niệm tới chừng nào nhất tâm, tức niệm đến chỗ
vô niệm, không còn một nghĩ suy gì hết, tâm hoàn toàn lặng lẽ thanh tịnh.
Lúc đó nhắm mắt thấy Phật Di Đà cùng chư Thánh chúng đến tiếp dẫn. Như vậy
phương tiện tuy có khác, nhưng mục đích đều dẹp những suy nghĩ lăng xăng.
Tu Thiền định
để chận đứng, buông bỏ suy nghĩ, tu Tịnh độ dẹp hết suy nghĩ, cuối cùng
tới chỗ không còn một niệm, đó là giải thoát sanh tử. Cho nên nói niệm
được nhất tâm bất loạn từ một ngày, hai ngày tới bảy ngày, người ấy nhắm
mắt được Phật rước về Cực Lạc. Cực Lạc tức Phật Di Đà hiện tiền, là thấy
ông chủ của mình, thấy được tâm chân thật rồi.
Chúng ta tu
Thiền cũng vậy, buông tất cả tạp niệm để tâm chân thật hiện ra. Bởi tâm
thường biết đó không có tướng mạo, cho nên vừa dấy niệm chúng ta dễ chạy
theo niệm. Ví dụ trên bầu trời không có mây, ta nhìn thẳng lên không có gì
hết nên không thấy vui. Bây giờ vừa có đàn chim bay qua, thích quá liền
đuổi theo đàn chim. Nếu có một chiếc phi cơ bay lại thì càng chú ý hơn
nữa. Cứ chú ý những gì có hình có tướng, còn cái trong trẻo rỗng rang của
hư không ta ít quan tâm.
Cũng thế, tâm
ta phẳng lặng hằng tri giác mà mình không biết, cứ đợi nghĩ tưởng liền
theo nghĩ tưởng, chạy theo thương chạy theo ghét. Cứ thế cuồng loạn cả
ngày, quên cái thật của chính mình. Cho nên Phật dạy chúng ta tu lặng hết
những thứ ấy, thì tâm hằng tri hằng giác mới hiện bày, đó là giải thoát
sanh tử.
Khi Tổ Huệ Khả
được Tổ Đạt-ma nhận làm đệ tử. Một hôm Ngài tu đến chỗ hoàn toàn an ổn
liền bạch với Tổ Đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con đã dứt hết các duyên”.
Tổ Đạt-ma bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài thưa: “Con rõ ràng thường
biết, làm sao không được”. Tổ liền ấn chứng: “Ngươi như thế, ta như thế,
chư Phật cũng như thế”. Dứt hết các duyên tức là tâm không còn chạy theo
sáu trần. Tới đó ta tưởng không còn gì, nhưng thật ra có cái rõ ràng
thường biết.
Chúng ta tu
biết được mình có tâm chân thật mới giải thoát sanh tử luân hồi. Nếu không
nhận được tâm ấy, rất dễ lạc vào tà đạo, ưa thích thần thông, hào quang
sáng ngời… Phải biết tu là sống thực với tâm chân thật của mình, nó có sẵn
nơi mỗi chúng ta, trong các vận động thi vi, hiển hiện nơi sáu căn, chớ
không có chỗ nào khác.
Cho nên chúng
ta dụng công tọa thiền, dụng công niệm Phật ngày đêm liên tục là cốt để
dừng tất cả vọng tưởng. Vọng tưởng dừng lặng được rồi thì các công phu kia
cũng dừng theo, cuối cùng chỉ còn một tâm chân thật hiện tiền, không có
phương tiện hay công phu gì ở đó cả.
Trong mười mục
chăn trâu, từ tìm trâu thấy trâu dằn co với trâu cho tới chinh phục được
trâu thì trâu cũng mất luôn. Trâu mất thì chăn cũng đâu còn, chừng đó chỉ
còn một vầng trăng tròn giữa bầu trời trong. Đó là mười mục chăn trâu theo
tinh thần Đại thừa, cho thấy khi còn có đối đãi thì còn sanh diệt. Đến lúc
hết đối đãi thì hoàn toàn trong sáng, đó là giác ngộ giải thoát.
Chư Phật từng
nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Phật sẽ thành mà
mình có chịu thành không, hay muốn làm chúng sanh cho vui? Chúng ta tu là
để đạt được chỗ cứu kính chân thật của mình. Trong ba thân, chư Phật và
chúng sanh bình đẳng trên phần Pháp thân, còn hai thân kia thì sai biệt.
Phật có Pháp thân, chúng ta cũng có Pháp thân. Pháp thân là thân không còn
đối đãi sanh diệt, không có giới hạn, trùm khắp. Phật có Báo thân trang
nghiêm thanh tịnh, phước đức vô lượng, còn Báo thân của chúng ta là thân
nghiệp chướng hiện giờ mình đang mang. Phật có Hóa thân diệu dụng như hằng
sa, làm lợi ích vô lượng chúng sanh, còn Hóa thân của chúng ta là những
suy nghĩ chuyện này chuyện nọ tạo nghiệp trong luân hồi.
Kinh Pháp Hoa
phẩm Hiện Bảo Tháp nói từ lòng đất vọt lên tháp báo. Trong tháp báo có
thân của đức Phật Đa Bảo. Bấy giờ đại chúng muốn chiêm ngưỡng thân Phật Đa
Bảo, nên thưa hỏi đức Phật Thích-ca làm sao để thấy? Đức Phật Thích-ca nói
Phật Đa Bảo có nguyện lớn rằng, khi nào Hóa thân ở mười phương của Phật
Thích-ca tụ hội về một chỗ thì Phật Đa Bảo mới có thể mở cửa tháp để chiêm
ngưỡng Ngài. Đức Phật Đa Bảo dụ cho Pháp thân. Pháp thân hiện khi nào Hóa
thân tụ về một chỗ. Hóa thân tụ về một chỗ tức chỉ cho tâm chạy ngược chạy
xuôi lặng xuống, không còn dao động nữa. Kinh này rất hay rất thấu đáo,
người thiếu chủng duyên sâu dày đọc không hiểu nổi, thấy như chuyện trên
trời trên mây, không có lẽ thật.
Phật chỉ cho
chúng ta muốn thấy được Pháp thân bất sanh bất diệt thì các hóa thân của
mình tức những tâm niệm ngược xuôi, phân biệt đủ thứ phải tụ hội về một
chỗ. Tụ hội tức là yên lặng chừng đó Pháp thân mới hiện tiền. Hiểu như vậy
mới thấy lý kinh cao siêu, phi thường. Đây là những điều thiết yếu tôi
muốn chỉ quí vị nhận nơi mình có cái chân thật, để đi tới chỗ giải thoát
sanh tử.
Bây giờ bước
qua giai đoạn thứ hai, chúng ta biết mình có cái chân thật giải thoát sanh
tử rồi, nhưng làm sao để sống với cái đó? Muốn được giải thoát trước nhất
phải biết cái gì trói buộc mình? Là nghiệp, bởi nghiệp trói buộc nên nó
dẫn chúng ta đi trong trầm luân sanh tử. Cái gì tạo nghiệp? Thân, miệng,
ý. Ý nghĩ tốt nghĩ xấu nghĩ lành nghĩ dữ, nghĩ hơn nghĩ thua. Theo những
suy nghĩ đó, mà miệng nói tốt thân làm tốt hoặc miệng nói xấu thân làm
xấu. Đây là tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Nếu ý nghĩ dừng lặng thì hết tạo
nghiệp. Hết tạo nghiệp là giải thoát sanh tử.
Tại sao chúng
ta phải tụng kinh, tọa thiền? Tụng cho chí tâm, chuyên nhất nhớ kinh nên
không nghĩ bậy. Ngồi thiền để buông xả hết những niệm nghĩ tưởng, đó là
dứt mầm tạo nghiệp đi trong sanh tử. Không tạo nghiệp nữa thì cái gì trói
buộc được mình? Tổ Đạo Tín khi còn là Sa di mười bốn tuổi, gặp Tổ Tăng Xán
chấp tay thưa: “Bạch Hòa thượng, xin Ngài dạy con phương pháp giải thoát”.
Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt hỏi: “Ai trói buộc ngươi?”. Ngài hoảng hốt
tìm xem cái gì trói buộc mình, tìm hoài không thấy liền bạch: “Bạch Hòa
thượng, không ai trói buộc con hết”. Tổ bảo: “Không trói buộc cầu giải
thoát làm gì?”. Ngay đó Ngài ngộ đạo.
Vậy đạo ở chỗ
nào? Ở ngay chỗ không còn gì trói buộc được mình. Không có gì trói buộc
tức là không tạo nghiệp, không tạo nghiệp là giải thoát rồi, cầu giải
thoát làm chi nữa. Chúng ta cầu giải thoát mà cứ tạo nghiệp liên miên thì
làm sao giải thoát được. Giải thoát là cái chân thật sẵn có, không từ đâu
đến, không do ai cho mình, chỉ vì ta không làm chủ được các niệm lăng xăng
buồn thương giận ghét v.v… nên tạo nghiệp dẫn đi luân hồi.
Các vị tu theo
Nguyên thủy được định tên là Diệt tận định hay Diệt thọ tưởng định liền
chứng quả A-la-hán, tức diệt hết những thọ tưởng trong tâm thì được vô
sanh, là giải thoát. Cho nên tu dứt mầm tạo nghiệp là gốc ra khỏi luân
hồi. Điều này rõ ràng như vậy, không có gì phải nghi ngờ cả.
Chúng ta là
người chủ động tạo nghiệp thì cũng là người chủ động dứt nghiệp. Tạo
nghiệp là mê, dứt nghiệp là tỉnh. Nói tới tu là nói tới tỉnh hoặc tỉnh
nhiều tỉnh ít thôi, chớ không thể tu mà còn mê được. Tỉnh tức là không tạo
nghiệp nữa. Cho nên trong kinh Viên Giác, ngài Văn Thù hỏi đức Phật: “Làm
sao giải thoát sanh tử?”. Phật dạy: “Muốn giải thoát sanh tử phải dứt mầm
vô minh”. Vô minh là mê mờ, phải sạch hết mê mờ mới giải thoát được sanh
tử. Ngài Văn Thù hỏi tiếp: “Cái gì là vô minh?” Phật dạy: “Chấp thân này
là thật, chấp tâm sanh diệt là thật. Đó là vô minh”.
Người nào còn
thấy thân này thật, thấy tâm sanh diệt hơn thua phải quấy thật là còn vô
minh. Muốn ra khỏi vô minh phải buông hai thứ chấp này. Tất cả kinh Phật
đều xoáy mạnh vào chỗ phá chấp về thân tâm sanh tử luân hồi, nhận cho rõ
tâm chợt có chợt không là giả dối, không phải tâm mình. Phá được vô minh
thì chuỗi dài sanh tử ngang đó chấm dứt.
Như vậy con
đường tu khó hay dễ? Chỉ cần chúng ta thấy thân tâm sanh diệt không thật,
khỏi học lên tới Cử nhân, Tiến sĩ gì hết. Bởi vì thấy đúng như vậy là đã
có đầy đủ trí tuệ rồi. Trí tuệ này mới quí vì đây là trí thật của mình,
còn trí tuệ học được của thế gian là trí sanh diệt, không chân thật, không
phải của mình, làm sao sánh nổi với trí tuệ chân thật.
Chúng ta sống
đây chỉ là cuộc sống tạm bợ, nên không cần tranh hơn tranh thua, tranh
phải tranh quấy, như vậy là đã giải thoát nhiều rồi đó. Ngược lại, nếu
chúng ta thấy thật thì mê càng ngày càng đậm, vì vậy luân hồi không biết
bao giờ mới ra được? Cho nên chúng ta tu học thì phải thấy cho tường tận,
hiểu cho thấu suốt để không bị lầm lẫn. Tu là giải thoát khổ đau, chớ
không phải tu là không có thân bệnh. Người tu biết đúng như thật thì những
gì đến với mình ta đều không khổ, đó là ta đang tiến trên con đường giác
ngộ.
Buổi nói
chuyện hôm nay nhằm nêu lên những điều cần thiết cho sự tu của chúng ta.
Mong tất cả ghi nhớ và thể nghiệm bằng cách ứng dụng tu, sao cho đạt được
hai điều. Điều thứ nhất là giác ngộ, điều thứ hai là giải thoát. Bởi vì
đạo Phật là đạo giác ngộ. Tu không giác ngộ không phải là tu theo đạo
Phật. Giác ngộ thấy đúng như thật rồi, chúng ta sẽ giải thoát sanh tử. Cho
nên giác ngộ và giải thoát là hai điều không thể thiếu đối với người tu
hành.
Cầu chúc toàn
thể quí vị trong mùa an cư năm nay tinh tấn tu hành để được giác ngộ giải
thoát như đức Phật. Đó là mục đích chánh, là cốt lõi của người tu Phật
vậy. |