CON NGƯỜI BẤT TỬ
Thiền viện
Chân Không - 1982
Hôm nay nhân
ngày tôi ra thất, quí vị đại diện Tăng Ni yêu cầu tôi chỉ cho những điều
cốt yếu để ứng dụng tu hành. Tôi hoan hỷ tùy thuận. Thật ra hơn ba tháng
qua, ở trong thất chúng tôi chưa được gì đặc biệt lắm, nhưng đại chúng yêu
cầu, tôi cũng nói một vài cảm niệm của mình trong khi nhập thất.
Ở trong thất,
một hôm tôi có cảm niệm xót thương. Xót thương ai? Một là xót thương tôi.
Bởi trên đường tu đã hai phần ba cuộc đời rồi, tôi mới nhận ra nơi mình có
con người bất tử, tức ngay nơi thân sanh tử này có con người không sanh
tử. Khi nhận được như vậy, tôi có tật xấu hay khoe nên rồi cứ khoe với
người này người nọ, gặp ai cũng khoe rằng ngay nơi thân sanh tử có con
người bất tử. Khoe mãi không chán, cho đến gần đây nhờ nhân duyên bệnh,
tôi mới được ngồi yên chuyên nhập con người bất tử ấy. Bấy giờ nhìn lại
thì tuổi thọ đã cao. Vì vậy thời gian còn lại quá ít, dù nỗ lực chuyên
ròng nhập con người bất tử cho đến ngày nhắm mắt cũng chưa xong. Tại sao?
Bởi vì muốn nhập con người bất tử, trước hết chúng ta phải rũ sạch duyên
sanh tử, mà duyên sanh tử bao bọc muôn vòng ngàn lớp, muốn rũ sạch nó
không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta phải hằng tỉnh hằng giác với thời
gian dài lâu mới có thể rũ sạch được.
Thiền sư Triệu
Châu sau khi ngộ nơi Tổ Nam Tuyền còn phải ba mươi năm ở trong tòng lâm
mới thành một khối. Thiền sư Đại An ngộ nơi Tổ Bá Trượng, sau này về núi
Quy chăn trâu trong ba mươi năm, từ con trâu đen trở thành con trâu trắng
sờ sờ trước mặt đuổi cũng không đi. Như vậy, các Thiền sư đều đã ngộ rồi,
còn phải qua ba mươi năm mới thành một khối hoặc trâu đen mới thành trâu
trắng. Đối với chúng ta bây giờ, như tôi chẳng hạn không đủ điều kiện đó
nữa.
Ví như có gã
phiêu linh lãng tử cùng một số bạn bè từ thuở thiếu thời cất bước phiêu
lưu, chàng ta đi lang thang tha phương viễn xứ, mãi cho tới tuổi sắp già.
Một hôm bỗng dưng nhớ lại cố hương, lòng yêu quê thôi thúc, anh nhất định
tìm về. Nhưng bấy giờ đường về đã quên mất, nên anh cứ loanh quanh, luẩn
quẩn mãi. Trải qua nhiều năm như vậy, bỗng dưng một hôm anh tìm được lối
cũ, rõ ràng không nghi ngờ. Nhưng anh vẫn chưa về được, vì nhớ lại bạn bè
đang lưu lạc khắp nơi. Anh phải đi tìm họ để rủ nhau cùng về. Khi rủ được
một số bạn bè đồng chí đồng nguyện, anh bắt đầu cất bước lên đường trở về
thì sức đã kiệt, hơi đã tàn. Trên đường về, cố gắng lắm anh cũng chỉ có
thể đi chừng một phần ba hoặc một phần tư đoạn đường thôi sẽ ngã quỵ.
Chàng lãng tử kia chết trên đường về chớ chưa tới nhà, như vậy có đáng xót
thương không? Cũng thế, trên đường tu cho tới ngày nhắm mắt, tôi biết mình
chưa viên mãn bản nguyện, cho nên tôi xót thương tôi.
Hai là tôi xót
thương cho bạn bè tôi. Những ai đã nghe tôi nhắc về con người bất tử, hoặc
tin trọn vẹn hoặc tin hai phần ba, họ quyết chí nhận cho ra con người bất
tử ấy, nhưng lại gặp khó khăn, rắc rối trong lúc tu hành. Nếu không được
thiện tri thức phụ giúp, tháo gỡ những gút mắc, có lẽ trên đường tu nhiều
chướng ngại, đôi khi họ phải thoái tâm và không đi trọn con đường, cho nên
tôi thương xót họ.
Ba là xót
thương những người trên đường tu nửa tin, nửa ngờ về con người bất tử. Với
những vị này nếu có thầy lành bạn tốt, thiện hữu tri thức hằng nhắc nhở
thì tiến, ngược lại buông xuôi thì lùi. Với những người này nếu để mặc
tình ra sao thì ra, chắc rằng đường tu khó tiến, nên tôi xót thương họ.
Bốn là xót
thương những người rất nhiệt tình khi nghe đến con người bất tử. Họ muốn
làm sao nhận cho ra, sống cho được nhưng không có ai hướng dẫn, chỉ bảo.
Họ phải nhọc nhằn leo núi này, trèo non nọ để tìm thiện tri thức, nhưng
tìm tới nơi rồi họ cũng thấy bất mãn, không được như ý. Những người nhiệt
tình như thế nếu nông nổi sẽ dễ đi lạc vào đường tà. Còn người chín chắn,
cẩn thận nhưng lâu ngày không tìm kiếm được thiện tri thức, họ cũng chùn
chân thối bước, cho nên thật đáng xót thương.
Năm là xót
thương những ai có con người bất tử ngay trong thân sanh tử mà không bao
giờ nghĩ, không bao giờ đoái hoài đến. Suốt ngày hay suốt đời, họ hài lòng
với thân sanh tử này. Hạng người này chẳng khác nào như kẻ có hòn ngọc quý
trong túi mà cam đành sống kiếp lang thang đói nghèo, lại rất hài lòng như
vậy. Vì vậy tôi xót thương họ.
Đó là những
cảm niệm xót thương của tôi trong thời gian nhập thất.
Như trước tôi
đã nói về con người bất tử. Đến đây tôi muốn nêu lên ba điểm xung quanh
vấn đề này. Điểm thứ nhất là con người bất tử. Điểm thứ hai là nhận ra con
người bất tử. Điểm thứ ba là nhập con người bất tử. Ba điểm đó chính là
điều tôi muốn nói với quý vị hôm nay.
Thế nào là con
người bất tử? Nhận ra con người bất tử có lợi ích gì và làm sao nhập được
con người bất tử ? Đó là ba điểm thật hệ trọng đối với người tu chúng ta.
Ở đây, điểm thứ nhất và thứ hai tôi giải quyết được, còn điểm thứ ba tôi
dẫn chứng qua việc tu hành của các Thiền sư, chứ bản thân chưa làm xong.
Điểm thứ nhất,
thế nào là con người bất tử? Trong kinh còn gọi “Con người bất tử” là Pháp
thân, Chơn tâm, Niết-bàn v.v… Đó là cái bất tử sẵn nơi chúng ta, nhập được
cái đó gọi là Như Lai, là Phật. Đây là tôi tạm định nghĩa trên mặt danh
từ. Khi nhận ra được con người bất tử rồi, có lợi ích gì? Quí vị từng tụng
kinh Pháp Hoa, phẩm thứ mười sáu Như Lai Thọ Lượng, nói về tuổi thọ của
chư Phật. Trong kinh Phật kể tuổi thọ của chư Phật bao nhiêu? Ai có thể
chứng được? Phật bảo giả sử như đem thế giới tam thiên đại thiên nghiền
nát thành bụi, mỗi hạt bụi đem mài làm mực. Có người dùng thần thông bay
qua trăm ngàn muôn ức thế giới, chấm một hột mực xuống rồi bay qua trăm
ngàn muôn ức thế giới khác chấm một hột mực xuống nữa. Như thế mà chấm hết
số mực thế giới tam thiên nghiền nát đó, rồi bay qua những thế giới chấm
mực và không chấm mực, gom lại một lần nữa, nghiền nát thành bụi. Mỗi hột
bụi là một kiếp, thì tuổi thọ của chư Phật còn hơn số bụi đó nữa. Quý vị
có thể nghĩ được bao nhiêu không? Bởi bất tử là không chết, không chết nên
tuổi thọ không làm sao tính được.
Tại sao tôi
không nói theo kinh là Niết-bàn, là vô sanh mà nói “Con người bất tử”? Bởi
người thế gian luôn luôn thích sanh sợ tử nên nói bất sanh họ buồn mà nói
bất tử người ta chịu. Vì vậy tôi nói con người bất tử, chớ thật ra có sanh
mới có tử, còn không sanh thì lấy đâu mà tử? Kinh nói Niết-bàn, vô sanh là
chỉ thẳng vào cái nhân. Nhân không có thì quả làm sao có. Như vậy nếu nhận
ra được con người bất tử đó là Như Lai, nên nói tuổi thọ Như Lai không thể
tính, không thể đếm, không làm sao biết được hết.
Đến phẩm thứ
mười bảy là Phân Biệt Công Đức. Phân biệt là so sánh, so sánh công đức của
người nhận hiểu về tuổi thọ chư Phật khác với công đức của những người làm
việc bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục v.v… Có một đoạn Phật nói, nếu
người nào khởi một niệm tin hiểu thọ mạng dài lâu của Như Lai thì công đức
người ấy không thể tính lường. Một đoạn khác Phật nói, nếu người thiện
nam, người thiện nữ nào đối với thọ mạng của Như Lai tin hiểu, không nghi
ngờ; người đó sẽ thấy Phật đang ở núi Kỳ Xà Quật vì các vị Bồ-tát lớn và
hàng Thanh văn vây quanh nói pháp.
Như vậy ai đối
với thọ mạng dài lâu của Phật tin nhận được, người đó sẽ thấy Phật đang ở
hội Linh Sơn. Tại sao? Bởi vì thấy được con người bất tử là thấy Phật.
Phật không phải là đức Thích Ca bằng thân xác thịt, mà Phật là Phật pháp
thân. Nơi đức Phật Thích-ca có con người bất tử, nơi chúng ta cũng có con
người bất tử, nhận ra được như vậy gọi là thấy Phật.
Trong kinh
Lăng Nghiêm, ngài A-nan sau khi nghe đức Phật chỉ cho thấy trong thân sanh
diệt có cái không sanh diệt, Ngài liền tỉnh ngộ. Sau khi tỉnh ngộ Ngài làm
bài kệ tán thán Phật, đồng thời nói lên chí nguyện của mình. Bốn câu đầu
của bài kệ ấy thế này:
Diệu trạm tổng trì bất động tôn,
Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu.
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,
Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân.
Bốn câu đó cho
chúng ta thấy khi nhận được con người bất tử rồi được lợi ích gì. Câu đầu
Ngài tán thán Phật “Diệu trạm tổng trì bất động tôn”, nghĩa là đức Phật là
vị đã đạt được chỗ chánh định, lặng lẽ ở chỗ bất động, đầy đủ vô lượng
công đức. Câu thứ hai Ngài tán thán pháp Phật nói là kinh Thủ Lăng Nghiêm,
nhờ nghe pháp ấy Ngài tiêu hết các tưởng điên đảo trong muôn ức kiếp, ngộ
được Pháp thân. Tưởng điên đảo là tưởng gì? Tưởng điên đảo là giả mà tưởng
là thật, thật mà tưởng là không. Bây giờ Ngài mới thấy giả là giả, thật là
thật có, chớ không phải không. Rõ ràng khi ngộ được Pháp thân thì các
tưởng điên đảo liền tiêu tan hết.
“Bất lịch tăng
kỳ hoạch Pháp thân”, nghĩa là không trải qua vô số kiếp mà được Pháp
thân. Tại sao? Bởi vì theo kinh nói người tu Đại thừa trải qua các thứ lớp
từ sơ phát tâm đến thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Đó là
hàng Tam hiền trải qua vô số kiếp thứ nhất. Từ Sơ địa cho đến Bát địa là
vô số kiếp thứ hai, từ bát địa cho tới diệu giác là vô số kiếp thứ ba. Như
vậy, người tu Đại thừa theo tiệm thứ chứng Sơ địa mới thấy được Pháp thân,
nên từ Sơ địa Bồ-tát trở lên phá một phần vô minh, chứng được một phần
Pháp thân, gọi là phần giác. Ngài A-nan không cần trải qua vô số kiếp tu
thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng mà ngay nơi đây thấy được
Pháp thân. Vì vậy nói đốn ngộ, thấy một cách mau chóng không cần thứ lớp.
Khi nhận ra
nơi mình có con người bất tử rồi, làm sao nhập được sống được với con
người ấy? Cũng trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan bạch với Phật rằng: Như
một gã lang thang được nhà vua tặng cho ngôi nhà đẹp, nhưng gã không biết
làm sao vô nhà, cúi xin đức Phật chỉ cho cửa vào nhà. Nhân đó Phật bảo hai
mươi lăm vị Thánh đệ tử thay nhau trình sở ngộ của mình, để chọn ra căn
viên thông làm cửa tiến vào ngôi nhà ấy.
Thế nên biết
khi ngộ rồi, có được hòn ngọc báu, có ngôi nhà đẹp nhưng còn phải nhập,
tức là biết cách vào nhà nữa. Trong kinh Pháp Hoa nói “Khai thị ngộ nhập”
cũng cùng một ý nghĩa này. Ngộ là nhận ra, nhập là vào thẳng bên trong chớ
không phải ngộ rồi hài lòng ở ngoài cửa, đây mới là thật sống với con
người bất tử. Người ngộ rồi bớt được điên đảo nhưng phần phiền não vi tế
vẫn còn. Ba thứ độc si, tham, sân chưa sạch hết, chừng nào nhập được con
người bất tử mới sạch hết phiền não vi tế. Vì vậy người tu muốn nhập tri
kiến Phật hay con người bất tử thì công phu phải rất chín chắn, rất cẩn
mật chớ không phải thường.
Làm thế nào để
nhập con người bất tử? Như tôi đã nói, suốt đời mình chưa chắc tôi đã nhập
xong, làm sao dám nói chuyện nhập cho quý vị nghe. Nên ở đây tôi chỉ dẫn
lại trong kinh những đoạn Phật nói về nhập Pháp thân, tuy chúng ta chưa
nhập nhưng biết rõ con đường về nhà như vậy, về sau trong công phu không
sợ lầm. Kinh Niết bàn có bài kệ đơn giản thế này:
Chư hành vô thường,
Thị sanh diệt pháp.
Sanh diệt diệt dĩ,
Tịch diệt vi lạc.
Chư hành là
các hành nghiệp, tất cả đều vô thường, thuộc pháp sanh diệt. Vọng tưởng
của chúng ta có phải là hành nghiệp không? Một niệm dấy lên là hành nghiệp
rồi, cho nên vọng tưởng là hành nghiệp. Vì vậy nó thuộc về vô thường, vì
dấy niệm là sanh diệt, mà sanh diệt là vô thường. Nếu chúng ta bám vào vô
thường thì muôn đời không bao giờ nhập được con người bất tử. Bởi con
người bất tử là chân thường, bám vào vô thường làm sao nhận được. Vì vậy
phải buông, rũ sạch duyên sanh tử vô thường ấy rồi, mới nhập được con
người bất tử. “Sanh diệt diệt dĩ”, chừng nào mầm sanh diệt hết sạch thì
tịch diệt hiện tiền. Tịch diệt hiện tiền đó mới là vui, nên nói “Tịch diệt
vi lạc”.
Trong kinh Di
Đà, Phật nói: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn chuyên trì danh hiệu
A Di Đà Phật, nhược nhất nhậït, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ
nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn;
kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ
tiền”, nghĩa là nếu có người thiện nam hay thiện nữ chuyên trì danh hiệu
Phật A Di Đà hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu
ngày cho tới bảy ngày nhất tâm bất loạn; người ấy khi lâm chung đức Phật A
Di Đà cùng chư Thánh chúng sẽ hiện ra ở trước tiếp dẫn.
Loạn là gì? Là
duyên sanh tử, là niệm, là động. Còn niệm, còn động là còn dấy, còn loạn,
còn sanh tử. Nếu nhất tâm là như như bất động, ấy là được con người bất
tử. Trong kinh Niết-bàn gọi Nhất tâm là tịch diệt, tịch diệt là vui. Ở đây
nói khi nhất tâm thì thấy Phật Di Đà và Thánh chúng rước về Cực Lạc rất
vui. Rõ ràng muốn đi đến chỗ tịch diệt là phải dứt mầm sanh tử, mới hiện
tướng tịch diệt chân thật.
Như vậy cái
vui của người tu là thoát ly sanh tử. Tại sao vậy? Vì theo Tứ đế vô thường
là khổ, nên còn bị vô thường là còn bị khổ. Do đó tứ khổ, bát khổ… đều căn
cứ trên lý vô thường mà nói. Bây giờ muốn hết khổ phải dứt hết mầm sanh
diệt, sanh diệt hết rồi thì tịch diệt hiện tiền, đó mới là vui. Cái vui
này theo Thiền tông gọi là nhập con người bất tử.
Chúng ta thấy
đức Phật khéo tùy duyên, thuận theo cái hiểu, cái nhận của chúng sanh mà
Ngài dùng những phương pháp, những ngôn ngữ khác nhau để độ họ. Chúng ta
không hiểu, cứ nghĩ rằng tu theo pháp môn này được Phật rước, hưởng sự vui
thích tùy ý, còn nói sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui thì thấy buồn
quá. Bởi tịch diệt là vắng lặng làm sao vui được. Đó là do chúng ta mê mờ
chưa hiểu thôi, chớ Phật dạy cứu kính không hai, không khác. Như vậy để
thấy rằng người tu nếu muốn nhập con người bất tử thì phải dứt mầm sanh
diệt mới nhập được.
Trở lại kinh
Lăng Nghiêm, phần Phật hỏi các vị Thánh đệ tử về cách chọn căn viên thông.
Bồ-tát Quán Thế Âm kể lại hạnh tu của Ngài cho đức Phật và đại chúng nghe
thế này: “Sơ ư văn trung, nhập lưu vong sở. Sở nhập ký tịch, động tịnh nhị
tướng, liễu nhiên bất sanh. Như thị tiệm tăng, văn sở văn tận, tận văn bất
trụ, giác sở giác không. Không giác cực viên, không sở không diệt. Sanh
diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền. Hốt nhiên siêu việt thế xuất thế gian,
thập phương viên minh, đắc nhị thù thắng. Nhất giả thượng hợp thập phương
chư Phật bản diệu giác tâm, dữ Phật Như Lai đồng nhất từ lực. Nhị giả hạ
hợp thập phương nhất thiết lục đạo chúng sanh, dữ chư chúng sanh đồng nhất
bi ngưỡng”.
Nghĩa là ban
đầu ở trong tánh nghe, vào được dòng viên thông, không còn tướng sở văn
nữa. Chỗ nhập đã sâu, đã lặng lẽ thì hai tướng động tịnh không còn, không
sanh. Cứ thế lần lần tiến lên, các tướng năng văn, sở văn đều hết tức cái
hay nghe và bị nghe đều hết. Cái hay nghe, bị nghe hết rồi, không dừng ở
đó phải tiến lên giác sở giác không, tức năng giác và sở giác cũng lặng.
Năng giác và sở giác lặng rồi, không giác viên mãn tức cái năng không và
sở không cũng diệt. Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền. Bỗng nhiên
vượt ngoài thế gian và xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương,
được hai thứ thù thắng: Một là trên hợp với tâm diệu giác sẵn có của mười
phương chư Phật, tức mình và Phật đồng một tâm, đồng một từ lực. Hai là
dưới hợp với tất cả chúng sanh trong sáu đường mười phương, cùng với chúng
sanh một lòng bi ngưỡng.
Chúng ta thấy
rõ tới chỗ cứu kính sanh diệt hết rồi, tịch diệt hiện tiền, không phải hết
mà chừng đó thấy mình siêu xuất thế gian và xuất thế gian. Bấy giờ trên
hợp với chư Phật, đồng một lòng từ, dưới hợp với chúng sanh, đồng một lòng
bi. Có lòng từ nên muốn ban vui cho tất cả chúng sanh, có lòng bi nên muốn
nhổ hết gốc khổ của chúng sanh. Đó là công hạnh của Bồ-tát Quan Thế Âm.
Công hạnh này
chúng ta có thể đối chiếu với mười mục tranh chăn trâu của người tu Thiền.
Trong nhà thiền có vẽ mười mục chăn trâu để hành giả thấy được sự tiến từ
thô đến tế của mình. Ngay chỗ “sơ ư văn trung, nhập lưu vong sở” nghĩa là
ở trong tánh nghe, nhập được rồi thì quên các tiếng bên ngoài. Đây dụ như
con trâu khi ta đã làm chủ được, nắm mũi dẫn đi thì nó quên cỏ, quên lúa
mạ bên ngoài, theo ông chủ xoay trở về. Tới “văn sở văn tận”, tức năng văn
và sở văn hết, hai tướng động tịnh chẳng sanh. Đây dụ như con trâu đã
thuần thục, người chăn thổi sáo trên cây còn trâu nằm ì trên cỏ, không còn
phá phách nữa. Đến chỗ năng sở đều hết là chỉ cho không còn trâu, chỉ còn
người chăn. Tới “năng giác sở giác không” thì người chăn cũng mất luôn.
Rồi “không sở không diệt” là tới vòng tròn, qua được không và sở không rồi
mới tịch diệt hiện tiền. Tịch diệt hiện tiền rồi, lúc đó mới qua bức tranh
thứ chín là lá rụng về cội, chim bay về tổ, nghĩa là trên hợp với tâm diệu
giác của chư Phật. Đến bức tranh thứ mười thỏng tay vào chợ, tay xách con
cá chép tay cầm bầu rượu, nghĩa là dưới hợp với tất cả chúng sanh trong
lục đạo đồng lòng bi ngưỡng.
Trong nhà
thiền thường nói “ông mới vào Phật giới mà chưa vào Ma giới”. Phật giới là
chỗ hợp với mười phương chư Phật, ma giới là chỗ hợp với tất cả chúng
sanh. Để thấy người tu muốn đến nơi đến chốn thì phải trải qua các quá
trình như vậy, chớ không phải đơn giản.
Ngày nay có
một số người nghe hiểu sơ sài rồi cho rằng cái hiểu của mình đã tột, mặc
tình uống trà, ngâm thơ, đó là bệnh chẳng phải là thiền. Tu hành như thế
trọn đời cùng kiếp cũng chẳng tới đâu hết, sanh tử cũng vẫn còn nguyên,
huống là những người chưa biết gì.
Tóm lại có mấy
điểm then chốt chúng ta cần nhớ. Điểm thứ nhất nghiêng về Tăng Ni, nếu
chúng ta tu chưa ngộ đạo, chưa sáng đạo thì phải nhiệt tâm, tinh tấn tu
hành, đem hết sức mình miệt mài nghiền ngẫm giáo lý, làm sao phát minh cho
được việc lớn. Nếu phát minh được rồi cũng đừng hài lòng ngang đó, mà phải
nỗ lực hằng tỉnh, hằng giác để nhập con người bất tử. Có thế chúng ta mới
khả dĩ thoát ly sanh tử được.
Điểm thứ hai
với Phật tử, quý vị cũng nên nhớ tuy rằng chuyện thoát ly sanh tử đối với
người tại gia khó thực hiện, nhưng nếu có thiện chí, nỗ lực tiến tu nhận
cho ra được nơi mình có con người bất tử, như vậy cũng rất tốt, rất nhiều
công đức. Chính Bồ-tát Thường Bất Khinh suốt đời Ngài chỉ làm có một việc
là chuyên gieo niềm tin cho mọi người biết nơi mình có con người bất tử.
Ngài nói: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài đều sẽ thành Phật”.
Thành Phật nghĩa là đều sẽ tiến vào chỗ bất tử. Mọi người có niềm tin đó
là đã có lợi ích lớn rồi, nếu nhập được nữa thì lợi ích kia vô kể.
Chúng ta đừng
tưởng tu tới hết vọng tưởng, ở chỗ yên lặng rồi mình trở thành ngu muội.
Chính từ chỗ đó mới siêu xuất thế gian và xuất thế gian, chớ không phải
thường. Vì vậy trên đường tu không đơn giản, không bình dị như người ta
tưởng, mà phải hết sức nỗ lực, hết sức cố gắng mới được. Nếu chúng ta
quyết chí tu, phải vận dụng hết khả năng của mình, nhà Thiền gọi là can
đảm tột độ, giết người không nhìn lại, khả dĩ mới tiến. Chúng ta vừa nhắc
nhở ai đã sợ họ buồn, liền dòm lại coi mặt mũi làm sao, đừng nói tới giết
người không nhìn lại. Cái gì cũng muốn bỏ nhưng bỏ thì tiếc nên ngó đi ngó
lại mãi, không bao giờ dám dứt khoát. Bởi không dứt khoát nên không tiến
được.
Có thể nói,
đường trước của người tu là hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng lắm gai gốc chớ
chẳng phải thường. Chúng ta không đi vào ngõ bí, vào lối cùng mà đi tới
chỗ đẹp đẽ vô cùng vô tận. “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh
biệt nhất thôn”, nghĩa là ta cứ ngỡ rằng cuối non tận nước không còn con
đường nào, ngờ đâu riêng có một thôn toàn là liễu đẹp hoa xinh rực rỡ vô
cùng. Khi biết rõ như vậy, chúng ta sẽ hăng hái tiến lên, đạp trên gai gốc
mà đi, không ngại khó khăn, chẳng sợ sầy da rách thịt.
Điểm thứ ba,
đã biết rõ mình có con người bất tử rồi, mỗi vị phải ráng nỗ lực, nhưng nỗ
lực không có nghĩa là bậm môi, trợn mắt, cả ngày giống như giận ai. Tu
hành làm gì mà hung dữ vậy! Nỗ lực ở đây là hằng tỉnh hằng giác. Lúc nào
cũng tỉnh, lúc nào cũng giác khả dĩ chúng ta rũ được các duyên sanh tử,
thể nhập con người bất tử.
Đó là những
điểm chủ yếu chúng ta cần phải nhớ để ứng dụng tu hành. Trong giai đoạn tu
mọi người đều nên tự thấy, tự hiểu, tự cố gắng chớ không mong ai khác thay
cho mình được. Đó là lời nhắc nhở của tôi sau một thời gian ngắn nhập
thất. |