THUYẾT LUÂN HỒI
TV. Trúc
Lâm - 2001
Hôm nay tôi sẽ
nói về đề tài rất quen thuộc, đó là Thuyết luân hồi của đạo Phật. Với đề
tài này nhiều người còn hoang mang, nhất là giới trí thức trẻ, không biết
thuyết luân hồi có đúng không, tại sao đức Phật lại nói thuyết luân hồi.
Vì vậy ở đây tôi sẽ thứ tự giải thích cho quí vị hiểu.
Sở dĩ đức Phật
nói thuyết luân hồi là có lý do. Trước hết chúng ta tìm hiểu ngay bản thân
đức Phật. Khi còn là Thái tử dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh
chết, Ngài có những thắc mắc trong lòng. Chính vì thế Thái tử không yên
tâm sống trong cảnh vương giả, nên quyết chí tu hành. Thắc mắc trước kia
của Ngài cũng có thể là thắc mắc của tất cả chúng ta hiện giờ, nhưng mình
ít quan tâm tìm cách giải quyết.
Thắc mắc thứ
nhất, Ngài nghĩ con người ai cũng bị sanh già bệnh chết khổ như nhau, vậy
từ đâu chúng ta đến đây? Thắc mắc thứ hai, sau khi chết rồi ta sẽ đi về
đâu? Thắc mắc thứ ba, muốn ra khỏi vòng sanh tử đó phải làm sao? Đó là ba
vấn đề tối hệ trọng của kiếp con người.
Bởi thắc mắc
như vậy nên Ngài không yên tâm sống trong cảnh nhung lụa, vui theo thế
gian nên mới quyết tâm đi tu. Khi đã đi tu, ban đầu Ngài tìm đến những vị
nổi tiếng thời đó để học đạo. Các vị thầy ấy dạy cho Ngài tu chứng từ Sơ
thiền tới Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Ngài thấy cũng chưa giải quyết
được vấn đề mình thắc mắc. Thế là tìm thầy khác cao hơn, Ngài tiếp tục đạt
các quả vị từ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ cho đến Phi
phi tưởng xứ. Được bốn tầng định cao tột ấy rồi Ngài thấy cũng chưa giải
quyết được ba vấn đề mình hằng ôm ấp trong lòng. Lúc này không còn vị Thầy
nào đủ sức chỉ giáo cho Ngài nổi nữa.
Ngài từ giã
các vị Thầy đó, tìm cách tu khác. Hồi xưa ở Ấn Độ nhiều người cho rằng tu
khổ hạnh đến chỗ tột cùng sẽ ngộ đạo, nên Ngài cũng tu khổ hạnh hết sáu
năm, rốt cuộc không giải quyết được ba vấn đề trên. Cuối cùng Ngài tới cội
Bồ-đề trải cỏ ngồi kiết già. Khi ngồi xuống đây, Ngài thệ nguyện rằng: “Ta
ngồi dưới cội cây này nếu không thành đạo, thà xương tan thịt nát quyết
không rời khỏi cội cây này”. Với ý chí quyết liệt như thế, suốt bốn mươi
chín ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, tới đêm thứ bốn mươi chín Ngài
giác ngộ thành Phật, giải quyết triệt để ba vấn đề trọng đại đã thắc mắc
lâu nay.
Ngộ đạo là ngộ
cái gì? Trước tiên Ngài chứng được Túc mạnh minh. Chữ “túc” là đời trước,
“mạng” là sinh mạng, “minh” là sáng suốt. Túc mạng minh là sáng suốt, thấu
rõ tột cùng đời trước của mình, giải đáp được câu hỏi thứ nhất “Ta từ đâu
đến đây?” Trong kinh diễn tả Ngài thấy rõ, nhớ rõ từ vô số kiếp về trước
của mình, như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài đã từng sanh ở đâu,
làm gì… tất cả những chuyện quá khứ của Phật sau này được các thầy Tỳ-kheo
kết tập lại thành kinh Bổn Sanh. Ngài cũng thấy biết đời trước của các đệ
tử sanh ở đâu, làm gì… được kết tập thành kinh Bổn Sự. Như vậy cái nhớ của
Ngài là trực tiếp nhớ chớ không qua ai kể lại, cũng không phải do suy luận
mà ra. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ nhất.
Kế tiếp, Ngài
chứng được Thiên nhãn minh. Thiên nhãn minh là con mắt sáng suốt thấy tột
cùng những gì rất xa, rất nhỏ, Ngài thấy tường tận hết. Ngài thấy chúng
sanh chết đây sanh kia, do nghiệp dẫn đi trong sáu đường, như người đứng
trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua, người lại một cách rõ
ràng. Phật biết rõ con người chết rồi không phải là hết mà theo nghiệp thọ
sanh trong Lục đạo luân hồi. Đó là giải quyết được nghi vấn thứ hai. Thấy
tường tận như vậy nên Ngài mới nói thuyết luân hồi.
Đến canh năm,
khi sao Mai vừa mọc Ngài chứng được Lậu tận minh. “Lậu” là rơi rớt, “tận”
là hết. Tức biết tường tận lý do gì khiến chúng sanh có mặt ở đây, muốn
không còn tiếp tục thọ sanh ở những đời sau nữa thì phải tu cách nào? Nói
rõ hơn, Phật thấy rõ nguyên nhân từ đâu chúng sanh có sanh tử và nguyên
nhân để chấm dứt sanh tử, không còn rơi rớt, trầm luân trong tam giới nữa.
Thấy tường tận như vậy gọi là chứng Lậu tận minh. Thế là Ngài tuyên bố
giác ngộ viên mãn, thành Phật.
Vì thế chúng
ta biết đức Phật nói thuyết luân hồi không phải do suy luận, do tưởng
tượng. Khi tâm Ngài an định trí tuệ sáng ra nên nhớ được tất cả mọi việc
trong vô số kiếp về trước. Kế đến khi chứng được Thiên nhãn minh, Ngài
thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo là do nghiệp dẫn, điều này hơi khó
hiểu. Nghiệp làm sao thấy? Mắt phàm chúng ta không thấy nhưng với mắt
Thánh thì thấy.
Bởi vậy hồi
xưa đọc truyện ta thấy các ông tiên khi nhìn ai trên đầu có vầng đen thì
biết người đó sắp có tai họa. Còn ai trên đầu có vầng sáng thì biết người
đó là bậc Thánh hiền. Hiện nay các tượng Phật, Bồ-tát người ta hay vẽ hào
quang sáng. Phật thấy rõ ràng chúng sanh do nghiệp lành, nghiệp dữ dẫn đi
thọ sanh chớ không phải ngẫu nhiên. Nghiệp dẫn mình đi trong sáu đường
sanh tử luân hồi. Sáu đường đó là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba đường
ác; người, a tu la và trời là ba đường lành.
Trong sáu
đường ấy, loài súc sanh và ngạ quỷ ở lẫn với mình, nhưng ta chỉ thấy được
súc sanh, chớ không thấy ngạ quỷ. Còn địa ngục, có người nói đào sâu dưới
đất là địa ngục, không phải vậy. Địa là chỗ, ngục là hình phạt đau khổ.
Những chúng sanh nào có nghiệp ác sau khi chết cùng sanh vào chỗ chịu
những hình phạt đau khổ, đó gọi là địa ngục. Chớ không có chuyện như người
ta tưởng tượng quỷ sứ tới dắt đi, mà là nghiệp dẫn. Nghiệp từ tâm tưởng
hiện ra. Ví dụ hồi xưa ta hành hạ ai khổ sở, bây giờ sắp chết sực nhớ lại
người đó, thấy họ đánh đập mình, rượt đuổi mình nên ta chạy. Thế là chạy
thẳng vào chỗ khổ. Đó là trường hợp đi trong các đường dữ.
Trở lại đường
lành, cõi người là đường lành thấp nhất. Như vậy chúng ta hãnh diện mình
đang ở trong đường lành, nhưng nếu không khéo tu thì sẽ tuột xuống đường
dữ. Được ở trong đường lành mình phải cố gắng tu tập để vươn lên, chớ
không nên tự mãn. Vì khi hưởng hết phước lành ta sẽ đọa vào các đường dữ.
Do trí tuệ đức
Phật thấy tường tận các điều như đã nói. Chẳng những thế Ngài còn thấy cả
vi trùng nên Phật nói ta xem thấy trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn
vi trùng. Đó là thấy chớ không phải suy luận. Cho tới Ngài nhìn trên không
gian bao la, thấy hằng hà sa số thế giới không thể kể hết. Dùng từ hằng hà
sa số để nói nhiều như cát sông Hằng. Như vậy cái thấy biết của Phật không
thể nghĩ lường.
Tất cả chúng
ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con
người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao
giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ
đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của
chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”. Luân hồi là gì?
Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác
và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi.
Nếu người làm
điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống
trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới
được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là
bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.
Bây giờ chúng
ta đặt câu hỏi lại: “Hiện tại trong thân mình có luân hồi không?” Tim đập
tống máu đi nuôi khắp cơ thể, máu chạy vòng vòng rồi cũng trở về tim. Cứ
thế lẩn quẩn vòng quanh hoài, không đi đâu khác. Y học dùng từ tuần hoàn
máu, nghĩa là máu đi rồi trở về, đi rồi trở về. Đó là nói luân hồi trong
con người. Còn quả đất có luân hồi không? Nó quay hoài hết ngày tới đêm,
đó cũng là luân hồi. Thành ra con người ở trong vòng luân hồi mà không
biết. Đó là một lẽ thực chớ không phải suy lý gì hết.
Khi chúng ta
đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải
làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường
cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở
lại cõi người Phật dạy phải thọ Tam qui, giữ năm giới. Năm điều kiện đó là
Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng
ta phải nhớ.
Muốn được lên
nữa thì tu Thập thiện, tức tu mười điều lành được lên cõi trời. Còn hạng
trung là a-tu-la. A-tu-la làm lành nhiều lắm, siêng năng bố thí tu phước
nhưng động tới liền sân. Đây là thần chớ không phải trời. Thế nên quí vị
trong khi bố thí làm phước, nhớ đừng sân. Vì đó là nhân sanh vào loài
a-tu-la. Cho nên ai tu mà hay gây gổ thường bị quở là hiện tượng a-tu-la
đó.
Nghiệp là một
luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước
được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống
địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về
tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế
gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng
hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ
làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết,
không tư cách như con người. Đó là ý nghĩa của luân hồi.
Nói luân hồi
trong sáu đường, nhưng ai bắt mình đi? Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không
ai có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định tự ta chọn lựa mà thôi. Không phải
ta có tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có phước Phật đưa lên cõi trời.
Như hiện giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có người khá giả có kẻ
nghèo nàn, cơ cực là do ai? Đổ thừa trời khiến, được không? Sự thực tại
người không có phước nên tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại nên
nghèo. Còn người có phước tính đâu trúng đó nên giàu. Đó là do phước
nghiệp riêng của mỗi người tạo ra, chớ không phải ai đem đến cho mình. Vì
chúng ta không biết điều đó nên đổ thừa đây kia, mà không nhận ra nguyên
nhân do chính mình.
Đời hiện tại
của chúng ta có hai tính chất quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng
phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là
hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng,
hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra
ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất
quan trọng. Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận lợi thì nên chuẩn bị
cho mai kia, đừng để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như ý mình cũng
cười thôi, vì biết tại hồi xưa mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây
giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam chịu không giận ai, không kêu trời
trách đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và
mai sau được tốt đẹp hơn.
Người hiểu
được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo
không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt
nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì
vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy
là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên,
không có tâm oán hờn thù ghét ai hết.
Thế gian
thường có bệnh, mình nghèo mà ai giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở
thấy người học giỏi thì ganh tỵ. Đó là tật xấu, tự mình chuốt nghiệp mà
thôi. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua
ba vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng
Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích lũy tốt thì quả nối
tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.
Người thế gian
không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc
cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết
chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình
tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như
vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã
nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng
tượng. Ngày nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng ta nhìn nông cạn quá
nên không tin được.
Khi biết rõ
kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ
hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành, điều thiện. Nếu
không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới
đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả
luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì.
Khi qui y thọ năm giới, quí thầy hỏi Phật tử “giữ được không?”, quí vị giữ
được thì nói “dạ được”, còn nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ Phật đâu
có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.
Đi sâu vào tâm
lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những
việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu?
Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình không thích
những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích
lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng
chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành
sở thích, việc làm của mình trong đời này.
Có người ra
đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách,
đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quá khứ đã tích lũy sẵn nên
bây giờ nó hiện ra nơi mình. Quí Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ
sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ
bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do
cái gì tạo? Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại
cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó nhà Phật gọi là nghiệp
tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã
chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể
xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi
người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những sai biệt khác
nhau.
Thế thì muốn
trên đường luân hồi mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao?
Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại
mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục
nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói này nói kia với người ta là cái cớ
để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết tu như vậy thì gia đình, xã hội
đẹp biết bao nhiêu. Vì chúng ta không hiểu như thế ghét ai liền kiếm
chuyện gây sự với người ta. Cứ vậy mà tạo nghiệp chồng chất tiếp nối không
có ngày cùng.
Nhà Phật nói
nghiệp từ thân, miệng, ý mà sanh. Nhưng thực ra ý chủ động tạo nghiệp.
Miệng nói tốt xấu cũng từ ý, thân làm tốt xấu cũng từ ý. Ý là nói chung
cho tất cả những phân biệt thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy…
đều là ý nghĩ của mình. Chúng ta sống chạy theo những ý nghĩ đó là chạy
theo nghiệp. Bởi có ý nghĩ xấu nên mình mới nói bậy, làm bậy. Do ý nghĩ
tốt nên ta mới nói lành, làm lành. Khi thân này hoại thì nghiệp đó không
hoại, vì nó đâu có tướng mạo mà hoại, nên sẽ theo ta thọ sanh ở đời sau.
Nhà Phật gọi là mang nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Vậy muốn chấm dứt
nghiệp phải điều phục được chú “ý” này.
Quí vị thấy
quí thầy, quí cô trong Thiền viện ngồi lim dim ngó xuống hoài, đó là làm
gì? Là ngồi thiền, cốt để định cái ý đó nên gọi là Thiền định. Tất cả
những nghĩ suy lăng xăng, lộn xộn bắt nó lặng xuống hết. Chưa lặng thì
ráng ngồi lâu cho nó lặng. Chừng nào nó lặng được rồi thì nhân tạo nghiệp
không còn, mà nhân tạo nghiệp không còn thì quả luân hồi sanh tử đâu có.
Đó là giải thoát sanh tử.
Thế nên muốn
biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ
rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm niệm
rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự
tích lũy của đời trước, không nghi ngờ gì hết. Nên nhiều người ngạc nhiên,
tại sao người đó còn nhỏ mà không chịu ăn mặn? Còn có kẻ cha mẹ khuyên ăn
chay thì ăn không được, một ngày cũng không ăn nổi. Đó là do tích lũy từ
trước, bây giờ gặp lại thấy quen, thấy thích, chớ không phải bổng dưng mà
có.
Tích lũy tức
là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại
những thứ tích lũy đó không mất. Vì vậy trong kiếp luân hồi chúng ta theo
nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của
mỗi người. Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng thèm suy gẫm gì hết, cứ nhìn
lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết mà
mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy
phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói
không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu
cảm nên.
Trên đời này
ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại nhau
là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người
nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên
xin cái gì cũng không ai cho. Tại mình hay tại trời đất xui khiến. Chẳng
qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá, bây giờ tới phiên người ta hất
hủi lại mình. Bình đẳng thôi. Cụ thể như mấy chú đi bắt chó, dù không có
xách vòng, không làm gì hết đi chơi thường thôi, mà mấy con chó nó ghét,
nó sủa ghê lắm. Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau
mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Đó là một lẽ
thực.
Đức Phật do tu
mà chứng biết nên nói ra như vậy, chúng ta không thấy là vì chưa đủ trí
tuệ. Bao giờ mình tu được như Phật cũng sẽ thấy biết như Ngài. Trong kinh
kể lại Tôn giả Mục Kiền Liên khi chứng A-la-hán rồi, một hôm Ngài đi trên
đường thấy có loài quỷ đầu rất to, bụng lại nhỏ xíu thân thể ghê gớm lắm.
Ngài về thuật lại với Phật, Phật nói ta cũng thường thấy chúng, nhưng nói
không ai biết nên ta không nói. Vậy ai tu tới đó, chứng tới đó đều thấy
như nhau, chớ không phải chỉ riêng Phật thôi.
Nhiều người
bảo những gì mắt thấy tai nghe tôi mới tin. Nhưng mắt mình chắc gì thấy
được tất cả mọi cảnh giới. Cái thô thì thấy, cái tế không thấy. Như vi
trùng nếu không nhờ kiến hiển vi làm sao con người thấy được? Đem con mắt
phàm phu so sánh với con mắt Thánh nhân thì thật là quá thô thiển. Như
những luồng điện nó đi tứ tung trên trời mình thấy không? Không. Mà có
không? Có đầy đủ. Cho nên chúng ta không nên tin vào con mắt còn rất hạn
chế của mình. Có những cái hiện thực mà mình chưa thấy được, chưa hiểu
được. Thế nên chớ vội cho cái thấy nghe của mình là đúng. Mới nghe đàng
kia trở lại thuật lại đã trật lất rồi, nhiều khi còn dậm thêm một hai
tiếng theo ý mình nữa. Rõ ràng cái thấy nghe của kẻ phàm phu không có giá
trị thực.
Vậy nhờ Túc
mạng minh và Thiên nhãn minh, đức Phật nói cho chúng ta biết thuyết luân
hồi. Nghe thế rồi, ta tự kiểm điểm lại mình xem điều đó có phải là lẽ thực
không? Biết được lẽ thực rồi mình phải làm sao? Tha hồ chạy đâu thì chạy
hay phải chọn đường mà đi? Phật dạy chúng ta phải chọn đường mà đi sao cho
hiện đời được an ổn và mai kia cũng an ổn. Đó là tu.
Tu là để cứu
Phật hay cứu mình? Nhiều người nói thương Phật quá nên tôi tu. Phật khổ
cái gì mà thương? Chính mình mới khổ đây nè. Mình khổ, mình thương mình,
mình tu chớ không phải thương Phật. Chúng ta mang ơn Phật chỉ đường cho
mình tu, chớ không phải vì Phật mà tu. Chúng ta tự kiểm điểm lại bản thân,
xem hiện giờ mình đã thực hiện được những gì Phật dạy, xứng đáng đi đường
nào? Như vậy tự biết mai kia khổ hay vui rồi, đâu cần phải hỏi ai. Phật tử
có bệnh cứ thắp nhang cầu Phật độ cho con đời sau được sung sướng, hết
khổ. Mình cứ tạo nghiệp ác mà cầu Phật độ, làm sao độ được?
Đến thứ ba là
Phật chứng được Lậu tận minh, Ngài thấy rõ nguyên nhân nào đưa con người
đi trong sanh tử và nguyên nhân nào để dứt mầm sanh tử. Do thấy rõ như vậy
nên sau đó đức Phật mới đi giáo hóa chúng sanh. Lần thuyết pháp đầu tiên
Ngài nói pháp Tứ đế, là bốn chân lý chắc thật do đức Phật thấy như thế nên
nói ra như thế. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
Khổ đế là do
Ngài chứng nghiệm được cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người. Chúng ta
có chấp nhận con người là khổ không? Những vị còn trẻ có lẽ chưa chấp nhận
điều này đâu, vì còn nhiều hạnh phúc. Nhưng Phật nói tất cả đều khổ. Tại
sao? Dù thầy thuốc hay bác sĩ có chắc mình khỏi đau khỏi già không? Có
đau, có già thì có khổ. Và cái khổ cuối cùng là khổ chết. Trong cuộc sống
con người giành giựt để có miếng ăn no đủ cũng là khổ rồi, lại còn nội
thân bệnh hoạn, già chết ụp tới không ai tránh khỏi. Như thế không khổ là
gì?
Khổ đế rồi tới
Tập đế. Đó là nhân tạo khổ như tham, sân, si v.v… Muốn hết Tập thì phải
diệt nó, diệt hết tập thì tự nhiên quả không còn. Diệt các thứ tập nhân
khổ chính là diệt ý phân biệt phải quấy, hơn thua, làm phát sinh phiền não
tham, sân, si đó. Con đường tu rất rõ ràng. Nhiều người không hiểu, cứ ngỡ
tu Phật là phải tích cực làm này, làm nọ, chớ ngồi thiền yên lặng cả ngày
vô lý quá. Nhưng họ không ngờ chính đó là nhắm thẳng gốc để trị. Trị gốc
được rồi thì sẽ dứt nhân, quả theo đó cũng không còn.
Quí vị làm
lành thì tốt sẽ được lên cõi lành. Nhưng ở cõi lành hưởng hết phước, không
biết tu sẽ tuột xuống lại. Còn người muốn dứt hết mầm sanh tử, luân hồi
lên xuống thì phải dứt ngay cái ý. Ý lặng được rồi thì tâm định, tâm định
mới không đi trong vòng lục đạo nữa. Cho nên nói đạo Phật là đạo giải
thoát. Giải thoát là dứt hết những mầm tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để đi
trong sanh tử.
Cho nên Lục Tổ
Huệ Năng dạy: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác cái gì là bản lai diện mục
của Thượng tọa Minh?”. Ngay đó Thượng tọa Minh liền ngộ đạo. Bây giờ quí
vị ngồi năm ba phút không nghĩ điều gì hết, lúc đó có biết không? Cái biết
ấy đâu phải do suy nghĩ mà có. Cái biết đó là biết thường xuyên của mình,
nhưng vì chúng ta quên nên cứ sống theo cái suy nghĩ hoài. Cho nên Phật
dạy mình phải dừng những suy nghĩ đó lại thì cái chân thật hiện ra. Đó là
mặt thật xưa nay của mình. Đơn giản không?
Thế thì quí
thầy, quí cô ở chùa vì quyết tu giải thoát nên phải tập ngồi thiền hoặc
niệm Phật cho được nhất tâm. Nhất tâm thì đâu còn nghĩ bậy, đó là nhân
giải thoát luân hồi sanh tử. Quí Phật tử không theo đạo Phật thì thôi, đã
theo thì phải nắm vững đường lối Phật chỉ dạy, tu cho đúng. Phải chọn con
đường hợp với khả năng của mình, từng bước tu tập theo lời chỉ dẫn của
Phật. Có thế mới không sợ ngày mai đường trước tối tăm, không biết lối đi.
Buổi nói
chuyện tới đây cũng quá đủ rồi. Bao nhiêu đó nếu Phật tử khéo ứng dụng tu
cả đời cũng chưa xong. Nói thì mau nhưng hành rất lâu. Cần phải phát tâm
dũng mãnh, bền bỉ thực hành cho tới bao giờ thành tựu mới thôi.
Chúc quí vị
đều được mau chấm dứt khổ luân hồi sanh tử. |