TINH THẦN XUẤT TRẦN CỦA ĐẠO PHẬT
Quận Cam Mỹ
Quốc - 1994
Hôm nay chúng
tôi đã đến tận đây thăm tất cả quí Phật tử, đó là điều đáng mừng. Nhưng
theo quan niệm của người tu, chúng ta gặp nhau không phải chỉ thăm hỏi sức
khỏe thôi mà còn có những lời nhắc nhở trong việc tu hành. Do đó hôm nay
Ban tổ chức yêu cầu chúng tôi có vài lời nhắc nhở cho quí Phật tử tu hành.
Đề tài chúng
tôi muốn nói hôm nay là Tinh thần xuất trần của đạo Phật. Đạo Phật là đạo
của con người. Đức Phật ra đời vì muôn loài, trong đó chủ yếu là loài
người. Cho nên mọi hành động của Ngài đều nhắm đến con người. Đạo Phật dạy
chúng ta phải thấy được chân lý, đạt được lẽ thực nên nói tới đạo Phật là
nói tới đạo giác ngộ. Tôi nhấn mạnh lại, đạo Phật là đạo giác ngộ chớ
không phải đạo của lòng tin. Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác
ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn
đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
Phật tử khi
bước chân vào đạo Phật, quí vị thấy Phật có dạy chúng ta điều gì huyền bí
mầu nhiệm không? Phật dạy chúng ta toàn những điều thật. Ví dụ Phật tử tại
gia, Phật dạy phải giữ năm giới, rõ ràng có gì cao siêu huyền bí đâu, chỉ
là những lẽ thực. Nếu chúng ta sống giữ được như thế thì mình là một con
người tốt, hiện tại gây ảnh hưởng tốt với gia đình xã hội, mai kia cũng
được sanh nơi tốt. Đó là lẽ thực chớ không có gì huyền bí cả. Bởi vì đức
Phật là một con người thực, chứng nghiệm lẽ thực cho nên những gì Ngài nói
cũng là lẽ thực.
Lâu nay chúng
ta nhìn đạo Phật có vẻ huyền bí nhiều quá, mà đã huyền bí thì tăng trưởng
lòng tin chớ không tăng trưởng trí tuệ. Nếu muốn đi đúng với tinh thần mở
sáng con mắt trí tuệ, chúng ta phải nhìn đạo Phật đúng như Ngài muốn. Đọc
lịch sử, chúng ta đều biết đức Phật là một vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, ra
đời ở cõi này lần chót tu hành chứng quả thành Phật. Cho nên công phu tu
của Ngài đã trải qua vô số kiếp vun bồi hạnh nguyện trí tuệ rồi, đến đây
là sắp viên mãn. Như vậy đương nhiên Ngài có đủ khả năng tạo ra những cảnh
huyền bí lạ lùng. Vậy tại sao Ngài không từ trên không giáng xuống mà lại
xuất hiện trong một gia đình như những người thế tục, rồi cũng sanh ra như
bao nhiêu người?
Nhìn lại lịch
sử của đức Phật, cũng có vài điểm được tô điểm hơi mầu nhiệm một chút như
Ngài sanh ra bên hông phải của Hoàng hậu Ma Gia, rồi đi bảy bước trên hoa
sen v.v... Với chúng tôi, nếu các nhà viết sử cứ để đức Phật sanh ra như
mọi người thì tốt hơn. Tại sao vậy? Bởi vì nếu ta thừa nhận những hình ảnh
kỳ diệu trong lúc Phật sinh ra thì sẽ gặp rối rắm ngay trong đời sống của
Ngài. Bởi có nhiều người ở thế gian, cha mẹ sinh ra nuôi lớn lên, không ăn
mặn được phải ăn chay rồi đi tu. Những vị đó chưa phải Bồ-tát, thế mà họ
còn nhớ các chuyện tiền duyên, nên ra đời ăn chay rồi đi tu. Huống đức
Phật là một vị Bồ-tát đầy đủ công hạnh, chỉ còn một đời nữa thành Phật
chẳng lẽ Ngài quên hết những tiền duyên của mình? Tại sao khi sinh ra ở
trong hoàng cung, Ngài cũng sống như bao nhiêu ông hoàng khác, lần lần lớn
lên cũng lập gia đình, có con. Nếu Ngài giữ hạnh thanh tịnh như thuở nào
thì chắc không có gia đình cũng không có con. Như vậy là sao?
Lại nữa, khi
Ngài đi ra ngoại thành, trên đường thấy người già, người bệnh, người chết,
Ngài không hiểu, phải nhờ Sa-nặc giải thích mới hiểu. Như vậy những điểm
mầu nhiệm trước kia trở thành lạ lùng. Bởi vì nếu Ngài đã là bậc Thánh rồi
thì cần gì phải nhờ giải thích, thấy đâu là suốt đó. Đây là những vấn đề
tôi nêu lên cho tất cả chúng ta cùng suy nghiệm.
Theo ý riêng
chúng tôi, tôi nghĩ đức Phật sinh ra như mọi người cho nên rồi Ngài cũng
phải học. Học rồi mới hiểu, từ học hiểu đó sau này gặp duyên tốt, Ngài
liền thức tỉnh đi tu. Có thế hàng phàm phu chúng ta nhìn lại gương lịch sử
của Phật, thấy Ngài cũng là con người như mình, thức tỉnh đi tu rồi thành
đạo. Chúng ta cũng là người như Ngài, nên cũng có quyền thức tỉnh đi tu
rồi thành đạo. Nếu Ngài sinh ra quá mầu nhiệm huyền bí, còn chúng ta sinh
ra quá tầm thường thì mình sẽ mặc cảm rằng việc làm đó chỉ có bậc kỳ đặc
như Ngài mới làm được, còn tầm thường như mình thì bất khả thi. Nếu nhìn
đức Phật thế ấy, chúng ta sẽ thấy Ngài rất gần gũi, rất thiết thực với con
người. từ đó ta cố gắng tu để đạt được kết quả như Phật. Như vậy đạo Phật
mới thực tế chứ!
Hồi xưa Thái
tử thấy cảnh già bệnh chết, Ngài thức tỉnh đi tu. Bây giờ tất cả chúng ta
cũng thấy cảnh già bệnh chết nhưng thức tỉnh chưa? Phật thấy người già
liền biết mình sẽ già, thấy người bệnh liền biết mình sẽ bệnh, thấy người
chết liền biết mình sẽ chết, nên Ngài không cam ngồi yên chờ cái già,
bệnh, chết đến với mình nên đi tu. Còn chúng ta thấy người già thì nghĩ đó
là ông già mình còn trẻ chưa gấp gì. Thấy người bệnh nói người ta bệnh chớ
mình chưa bệnh, thấy người chết nói người đó chết chớ mình chưa chết. Vì
thế chúng ta không tỉnh nên không vội vàng đi tu. Phật và chúng ta khác
nhau ở chỗ tỉnh và mê đó, chớ không phải khác nhau ở chỗ huyền bí.
Như chúng ta
đã biết đức Phật sau khi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh già bệnh chết Ngài
liền đặt ra ba nghi vấn về thân phận con người: 1. Con người từ đâu đến
đây? 2. Chết rồi sẽ về đâu? 3. Làm sao chấm dứt mầm sanh tử khổ đau này?
Vì thế Ngài quyết tâm đi tu để giải quyết ba nghi vấn ấy. Ngài bắt đầu học
đạo với các vị tiên, tu chứng tới tứ thiền nhưng Ngài thấy chưa giải đáp
được chỗ mong mỏi của mình nên từ giã đi nơi khác. Đến vị tiên dạy tu
chứng tới Phi phi tưởng xứ, Ngài cũng chưa giải đáp được nghi vấn của mình
nên từ giã đi nữa.
Bấy giờ Thế
Tôn nghĩ rằng chỉ có tu khổ hạnh, khả dĩ tìm ra được câu giải đáp Ngài
đương ôm ấp. Thế là đức Phật tận dụng mọi phương tiện khổ hạnh, dồn dập
cho tới ngất xỉu nhưng vẫn không tìm ra chút manh mối nào. Từ đó Ngài thức
tỉnh khổ hạnh không phải là phương pháp để đạt được giác ngộ. Cho nên Ngài
tắm rửa ăn uống trở lại và tới cội Bồ-đề để quyết tâm tu cầu cho được giác
ngộ. Tại gốc cây Bồ-đề, Ngài phát thệ nguyện “Nếu không thành đạo dù xương
tan thịt nát cũng không rời khỏi chỗ này”. Qua những hình ảnh đó, chúng ta
thấy đức Phật tu đến viên mãn có dễ dàng đâu. Cũng trải qua bao nhiêu khó
khăn, tìm kiếm học hỏi, quyết tâm khổ hạnh đến liều chết, cuối cùng thiền
định dưới cội Bồ-đề mới được giác ngộ.
Hiện giờ chúng
ta tu nếu gặp khó khăn trở ngại, có phân bì với Phật hồi xưa tu khỏe, mình
bây giờ tu cực quá không? Không thể, vì Phật tu đâu có khỏe. Ngài cũng khó
khăn, khổ sở nhưng nhờ ý chí mãnh liệt, quyết tâm tột cùng nên mới đạt
đạo. Chúng ta ngày nay tu hơi khó khó thì nản, nói tu gì khó quá. Tu mà
sao không có phước, gặp tai nạn hoài, nghĩ vậy rồi chán hết muốn tu. Người
tu thời nay quan niệm rất đơn giản, tu cho có phước hết tai nạn nên tới
chùa tập tu để cầu phước. Nếu lỡ gặp tai nạn thì trách Phật không linh,
nên nghỉ tu nghỉ đi chùa.
Phải hiểu tu
là chấp nhận mọi khó khăn mọi nguy hiểm, để vươn lên trước những thử thách
cay đắng mới là người có lập trường, có ý chí, như vậy mới mong đạt được
sở nguyện. Hiểu thế giả sử chúng ta có gặp khó khăn đến mấy, ta vẫn cười:
“Đây là cơ hội để mình tu, chớ không cầu xin ai”. Phật tử bây giờ có gì
khó khăn thì chạy vô chùa cầu thầy cứu con. Thầy phải cầu an cầu siêu đủ
thứ cho tai qua nạn khỏi, chớ quí vị không nghĩ khó khăn là cơ hội tốt để
mình tu. Nếu chúng ta gan dạ cương quyết thì sự khó khăn là những cơ hội
tốt để mình phát triển sự tu hành. Đức Phật ngày xưa tu cũng phải khó
khăn, chúng ta bây giờ là kẻ phàm tục mà muốn tu dễ như trở bàn tay là
chuyện không thể được.
Phật tử ngày
nay đa số tu rất yếu ớt. Quí vị đòi lúc nào cũng được như ý. Khởi sự qui y
thọ năm giới rồi thì cho rằng mình đã có phước, từ đây về sau muốn gì được
nấy, ít bệnh hoạn, ít tai nạn, ít khó khăn. Nếu qui y, thọ giới rồi mà còn
gặp tai nạn thì chán, mất niềm tin mình tu sao không thấy phước, chỉ thấy
họa. Tinh thần tu như vậy rất yếu đuối. Tôi nghĩ đức Phật hiện thân cầu
đạo khó khăn, cực khổ đủ điều là một tấm gương sáng để chúng ta noi theo
mà nỗ lực phấn đấu. Nhìn thấy Bồ-tát còn một đời thành Phật mà tu phải cay
đắng như vậy, huống nữa chúng ta là phàm phu? Đó là hình ảnh nhắc nhở
khích lệ chúng ta rất hay, rất thiết thực.
Hơn nữa tu là
nguyện sửa chữa những tật xấu như tham sân si. Nếu vào đạo muốn gì được
nấy thì tham chẳng những không giảm chút nào mà còn tăng trưởng thêm, càng
tu càng tham. Người biết tu khi gặp cảnh vui hợp ý thì hoan hỷ tu, nhưng
gặp những lúc khó khăn trái ý cũng cười mà tu. Muốn được là tham, không
được vẫn không buồn là thắng cái tham, thắng một thứ độc. Còn muốn mà
không được, âu sầu buồn bã mất ăn mất ngủ là thua, là kẻ bại trận trên
đường tu. Chúng ta nỗ lực cố gắng vượt qua những khó mới gọi là tu. Phải
tâm niệm rằng chính những sự khó khăn, nguy hiểm, thất bại mới tạo cơ hội
để ta biết được đạo lực của mình. Nếu dở thì ráng tu nhiều hơn, nếu khá
thì mừng để tiến lên. Đó mới thực là người quyết tâm tu.
Phật tử tu mà
muốn mọi việc bình an trăm phần trăm nên phải nhờ thầy cúng sao. Như vậy
tu để cầu bình an chớ không phải tu để chuyển đổi tham sân si trở thành
trong sạch. Với tinh thần tu thế ấy làm sao giác ngộ thành Phật, làm sao
được vĩnh viễn an vui được? Chúng ta nhớ đức Phật khi học với những vị
ngoại đạo mà Ngài vẫn không lạc theo ngoại đạo, vì mục tiêu chủ yếu Ngài
nhắm là tu để giải quyết ba nghi vấn về con người. Chừng nào giải quyết
được điều đó Ngài mới mãn nguyện. Ngài tu là vì giải quyết số phận con
người, nếu tu chỉ cầu thấy những gì mầu nhiệm mà không giải quyết được vấn
đề thắc mắc Ngài liền từ bỏ.
Ngày nay chúng
ta tu thích nhất cái gì? Thích mầu nhiệm. Cái gì hay hay lạ lạ mình thích,
còn vấn đề con người chúng ta ít quan tâm. Bởi vậy nên mình dễ bị lạc, gặp
ai hướng dẫn đi đường nào ta kẹt theo đường đó. Vì không có một chủ
trương, một lập trường kiên định, do đó dễ lạc là lẽ đương nhiên thôi.
Sau khi thành
đạo rồi đức Phật chứng tam minh, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng
v.v... Lục thông gồm có: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông,
thần túc thông, túc mạng thông, lậu tận thông. Có lục thông, khi cần hiện
to liền hiện to, cần hiện nhỏ liền hiện nhỏ, cần đi trên hư không thì đi
trên hư không, cần chui xuống nước thì chui xuống nước, cần độn thổ thì đi
trong đất. Tóm lại Ngài có đầy đủ tất cả thần thông biến hóa, nhưng khi đi
hóa đạo đức Phật rất ít khi dùng thần thông, trừ những trường hợp đặc biệt
thôi. Rõ ràng chúng ta không thấy sử ghi lại mỗi sáng Phật dùng thần thông
bay lại nhà tín đồ nhận cơm cúng dường, kế bay về chỗ ngồi thọ trai. Mà
Ngài đi bộ từ Tinh xá lần lần tới nhà Phật tử nhận cơm, rồi ra gốc cây
ngồi ăn hoặc nhận thọ trai tại nhà v.v... chớ không bay đi bay về gì cả.
Mình bây giờ mà được thần thông thì biết, bay loạn trong hư không.
Tại sao có
thần thông mà Phật không dùng? Đó là điều chúng ta cần phải lưu tâm. Hoặc
khi đi giáo hóa gặp người chửi mắng Ngài chỉ im lặng đi, chớ không hiện
thần thông khiến ai khiếp sợ cả. Đó là bài học muôn đời mà hàng Tăng Ni
Phật tử phải nhớ. Chúng ta chỉ cần nghe ai nói lén đâu đó ngoài xó hè,
giông giống tên mình là ra mặt lên tiếng ngay. Nếu nghe trực tiếp một lời
chê xấu thì buồn tới mất ăn mất ngủ. Vì mình nhận nhiều quá nên khổ, chớ
người ta nói mình không nhận như Phật thì đâu có khổ. Phật tự tại không
phải vì phép lạ, vì thần thông mà vì tâm Ngài không dính mắc. Chúng ta bị
trói buộc khổ đau vì tâm dính mắc nhiều quá, cứng quá. Bây giờ muốn tu thì
phải gỡ bỏ tâm dính mắc đó. Chỉ có cách ấy thôi.
Một hôm Phật
đi giáo hóa ở vùng Bà-la-môn, hàng đệ tử của họ theo Phật rất đông. Ông
thầy bực bội nên chờ lúc Phật đi khất thực, ông theo sau chửi Ngài thậm
tệ. Đức Phật vẫn cứ thong thả đi, tới ngã ba đường ông thầy Bà-la-môn tức
quá chận Phật hỏi: “Ngài Cù-đàm, Ngài thua tôi chưa?” Phật từ tốn trải tọa
cụ, ngồi xuống đất và nói bài kệ:
Kẻ
hơn thì thêm oán,
Người thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua hai đều xả,
Ấy
được an ổn ngủ.
Chỗ đức Phật
dạy chúng ta đâu có gì kỳ đặc, chỉ đừng chấp hơn thua thôi. Buông đi hơn
thua thì chúng ta an nhàn tự tại, nằm duỗi chân ngủ khò. Còn đeo bám hơn
thua, nếu hơn thì kẻ khác oán ghét mình, nếu thua ta trằn trọc ngủ không
được, cả hai đều làm cho mình khổ đau. Nếu buông xả hết hơn thua thì mọi
đau khổ liền chấm dứt.
Qua những hình
ảnh này, chúng ta thấy rõ đức Phật không đặt trọng tâm ở khả năng của thần
thông mà Ngài luôn chỉ chúng ta phải tập cởi mở, buông xả tâm cố chấp, hơn
thua tự nhiên sẽ được an lạc. Đó là tâm niệm tu hành chân chính. Chúng
sanh vì không chịu buông xả nên khổ, Phật Bồ-tát nhờ buông xả hết nên các
Ngài an lành tự tại. Như vậy tự tại từ sự buông xả, không dính mắc nơi nội
tâm mà có. Chư Tăng ngày nay trên đường hóa đạo gặp khó khăn có buồn
không? Phật hồi xưa bị chửi Ngài không buồn, nhưng nếu chúng ta bị chửi
thì mặt dàu dàu cả ngày, đêm đến ngủ không được. Đó là điểm yếu của mình.
Tăng Ni phải ráng tu làm sao giống như Phật vậy, trên đường hóa đạo mới
vượt qua mọi trở ngại.
Trên đường
hoằng pháp, đức Phật có một câu chuyện rất hay. Lúc đó Ngài thành đạo chưa
bao lâu, mới trên ba mươi tuổi. Trên đường du hóa, một thầy Bà-la-môn giỏi
về tướng số, nhìn thấy dấu chân của Phật có cả ngàn khu ốc xoáy tròn, ông
đoán đây là quí tướng, người có bàn chân như vậy là người phi thường. Vì
vậy ông lần theo dấu chân để tìm Phật. Đức Phật sau khi vào xóm khất thực
rồi, Ngài tới dưới một gốc cây ngồi thọ trai. Ông Bà-la-môn tìm tới, thấy
rõ ràng Phật có ba mươi hai tướng tốt, ông biết chắc người này nếu ở thế
gian sẽ làm Chuyển luân thánh vương, còn đi tu sẽ thành Phật. Bấy giờ ông
bỗng muốn gả con gái của mình cho Phật. Tuy biết con mình là cô gái đẹp
nhất trong vùng, nhưng ông ngại không dám nói, liền quay về kêu vợ. Bà vợ
theo ông đến chỗ Phật, vừa thấy những tướng tốt của Thế Tôn, bà liền can
ngăn ông vì biết đây là bậc đã giác ngộ, bậc ly dục, không thể gả con gái
cho được. Nhưng ông kiên quyết xúi bà nài nỉ Phật, nào là con gái mình đẹp
tuyệt trần, nào là ông sẽ giao hết sự nghiệp gia tài và gả con gái cho
Ngài vô điều kiện…
Hai ông bà nói
gì thì nói Phật cũng cứ tự nhiên thọ trai, không trả lời. Năn nỉ mãi cho
tới chiều tối, người hầu tiểu thơ thấy hai ông bà đi lâu chưa về, nó mới
chạy tìm. Đến nơi, thấy hai ông bà đang năn nỉ Phật để gả tiểu thơ nhưng
Ngài không nhận. Cuối cùng Phật thấy mất thì giờ quá Ngài mới trả lời thế
này: “Cô con gái của bà, dù đẹp tuyệt trần nhưng với con mắt của ta, cô
chỉ là một đãy da hôi thối mà thôi”. Nghe câu đó hai ông bà rụng rời tay
chân, hết còn năn nỉ nữa.
Cô hầu nghe
vậy liền chạy về báo cho tiểu thơ hay: Ông Cù-đàm chê cô là đãy da hôi
thối nên không nhận lời cầu xin gả con gái của ông bà”. Tiểu thơ nghe thế
tự ái, tức giận vô cùng thề sau này sẽ trả thù. Quả nhiên về sau cô được
làm Hoàng hậu, nhớ lại Cù-đàm đã dám khi mình là đãy da hôi thối nên cô
quyết tâm rửa hận.
Một hôm Phật
đi giáo hóa ngang qua vùng của Hoàng hậu, có ngài A-nan theo hầu. Nghe tin
đức Phật tới nước mình, bà liền hạ lệnh cho dân địa phương: Cù-đàm đi tới
đâu thì bủa quanh chửi mắng tới đó. Nào chửi, nào chọi đá, nào ném quả úng
trứng úng vào mình hai thầy trò đức Phật, nghĩa là làm đủ điều nhục nhã
cho Ngài để bà được hả dạ. Lúc đó ngài A-nan tối mặt tối mày, chịu không
nổi nữa mới thưa:
- Bạch Thế
Tôn, chúng ta nên đi nơi khác.
Phật hỏi:
- Đi đâu
A-nan?
A-nan thưa:
- Chúng ta đi
nơi nào đừng bị chửi mắng hoặc chọi đất đá như thế này.
Phật lại hỏi:
- Nơi nào
không có người chửi mắng chúng ta, A-nan?
A-nan thưa:
- Thưa Thế
Tôn, chúng ta trở lại nước Xá-vệ, nước Ma-kiệt-đà. Những nơi Thế Tôn đã
từng giáo hóa, dân ở đó họ kính Ngài sẽ không có ai chửi mắng.
Phật lại hỏi:
- Này A-nan,
như một thầy thuốc giỏi có thể treo bảng trước cửa nhà rằng “Nơi này chỉ
trị những người bệnh nhẹ, ai bệnh nặng thì đi nơi khác” không?
A-nan thưa:
- Bạch Thế
Tôn, không.
- Tại sao?
- Vì thầy
thuốc giỏi thì phải trị những bệnh nặng, chớ còn trị bệnh nhẹ thôi thì đâu
có giá trị gì.
Phật nói:
- Cũng vậy,
người nước Ma-kiệt-đà, nước Xá-vệ đã được ta giáo hóa hiền lành, họ biết
tu tập, họ là những người bệnh nhẹ. Còn dân ở đây chưa được ta giáo hóa,
họ còn điên cuồng, chửi mắng đủ thứ, họ là người bệnh nặng, ta cần ở lại
để giáo hóa.
A-nan chưa
bằng lòng nên hỏi:
- Bạch Thế
Tôn, nhưng họ có chịu nghe Thế Tôn nói đâu mà ở đây giáo hóa?
Phật liền
tuyên bố giữa mọi người:
- Nếu chừng
nào người dân ở đây nói rằng “Không cần Cù-đàm giáo hóa, chừng đó ta sẽ
đi”.
Khi đó số
người đứng chung quanh nghe câu chuyện đối đáp của hai thầy trò, họ liền
hô to rằng:
- Chúng tôi là
người bệnh nặng cần được ngài Cù-đàm giáo hóa.
Qua câu chuyện
này, quí vị thấy thế nào? Nếu chúng ta là Phật, bị chửi bới bị chọi đất đá
như thế, mình sẽ làm sao? Mình liền ra uy, dùng thần thông bay lên hư
không, hóa phép lạ cho nó hoảng sợ chạy hết, khỏe biết mấy phải không? Tội
gì phải nghe chửi. Vậy mà Phật im lìm nghe họ chửi, lại còn mở lòng từ bi
ở lại để chữa bệnh cho những bệnh nhân nặng. Phật là thầy thuốc giỏi, ai
bệnh nặng Ngài cần phải cứu giúp, quyết không bỏ dù họ có chửi bới tới
đâu. Người đang mê cuồng không biết phải quấy, đó là người bệnh nặng cần
được giáo hóa bằng tâm chớ không dùng thần thông, không dùng phép lạ.
Nếu lúc đó
Phật dùng thần thông, dùng phép lạ thì bây giờ chư Tăng Ni đi giáo hóa đến
vùng bị chửi mắng, mình không có phép lạ chỉ còn nước cuốn gói đi thôi,
chớ biết làm sao? Vì Phật có phép lạ nhưng Ngài không dùng, chỉ đem tâm từ
bi, đức nhẫn nhục để giáo hóa chúng sanh nên ngày nay Tăng Ni mới có thể
giáo hóa được. Ai chửi mình thì chửi, ta chỉ thương thôi việc đó chúng ta
có thể làm được. Mở rộng lòng thương đối với kẻ mê muội nhiều đau khổ, đó
là tinh thần hết sức chân thật hết sức từ bi của đạo Phật. Nhờ thuở xưa
đức Phật không dùng thần thông, mà dùng lòng từ giáo hóa chúng sanh nên
bây giờ chúng ta mới tu, mới làm Phật sự được.
Thế nhưng ngày
nay thỉnh thoảng quý thầy gặp khó cũng bỏ chùa chạy chỗ khác. Chúng ta
phải có tâm thương người, dù khó dù dễ gì cũng sẵn sàng giáo hóa thì mới
làm tròn Phật sự được. Với tình thương tràn trề chắc chắn không ai không
cảm hóa được. Tại vì nghe chửi quá, mình không sân nhiều cũng giận ít nên
thấy thiên hạ khó thương, không khí căng thẳng tự nhiên muốn bỏ thôi. Còn
Phật không giận nên Ngài cứ thương, vì thế giáo hóa nơi nào cũng được hết.
Với đức độ cao dày, đức Phật đã để lại tấm gương sáng cho chúng ta học và
làm theo. Ngài không nhìn thần thông là tốt, để chúng ta thấy tinh thần
xuất trần của đạo Phật rất cụ thể.
Kế đến là việc
nuôi dạy đồ chúng của Thế Tôn. Ai không biết Đề-bà-đạt-đa là bà con thân
thích với Phật, sau khi xuất gia được Phật dạy dỗ chu đáo nhưng vẫn phản
bội Ngài. Đề-bà-đạt-đa gây chia rẽ trong tăng đoàn, Phật không hề giận mà
còn nói Đề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của ta, nhờ
Đề-bà-đạt-đa mà ta sớm thành Phật, nên Phật thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa sau
này cũng sẽ thành Phật. Như vậy trong tăng đoàn cũng có nhiều trục trặc,
nhiều trở ngại nhưng Phật vẫn không nản, không chán. Qua đó chúng ta thấy
trên đường giáo hóa, đối nội đối ngoại đều gặp khó khăn. Tuy khó khăn song
Phật đều vượt qua với lòng từ bi, độ lượng.
Chúng ta bây
giờ làm Phật sự nuôi tăng chúng, người nào làm trở ngại mình một chút thì
sao? Oán trách ngay, lo cho họ mà họ còn phản bội, chán quá không thèm lo
nữa. Tâm niệm của mình không hợp với tâm niệm của đức Phật nên làm Phật sự
không có công đức, không thu nhặt được kết quả tốt đẹp. Cuộc đời hành đạo
của đức Phật có những tư cách như vậy, chúng ta là đệ tử của Ngài phải nên
noi theo, thực hành đúng tinh thần vô ngã vị tha do đức Phật chỉ dạy.
Kinh Trường
A-hàm kể lại, một hôm đức Phật ngồi trên bờ hồ nhìn thấy những đóa sen nở
tươi tắn, Ngài bảo: “Tất cả hoa sen nở thơm tho thanh khiết này, gốc đều
từ trong lòng bùn nhơ”. Như vậy bùn nhơ là nơi để cho hoa sen kết nụ, rồi
từ từ nó chui ra khỏi bùn, nhú lên mặt nước mới nở hoa thơm tho thanh
khiết. Có hoa sen nào không từ bùn nhơ mà ra đâu? Cũng thế, đức Phật nói
tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Nếu mọi người nỗ lực tu cũng như
nụ sen dưới bùn có khả năng vượt ra khỏi bùn, nhô lên mặt nước và trổ hoa
thơm tho.
Chúng ta nhìn
thấy tất cả tượng Phật đều được khắc ngự trên đài sen, phải không? Tại sao
thế? Đó là điều chúng ta phải chú ý. Nếu nói theo lịch sử khi Phật tới cội
Tất-bát-la, Ngài liền dùng cỏ trải tòa ngồi, thiền định suốt bốn mươi chín
ngày đêm chứng quả Bồ-đề. Sao bây giờ người ta không làm tòa cỏ mà tòa sen
thỉnh Phật ngự trên đó? Thật ra ý nghĩa này rất thâm sâu.
Bởi vì đức
Phật đã thấy tất cả nụ sen từ trong bùn mà ra rồi nở hoa thanh khiết. Cũng
vậy, Phật là người ở trong vũng bùn dục lạc hoàng cung, Ngài như mọi thanh
niên khác, có gia đình có vợ con hẳn hoi. Từ đó Ngài cố gắng tu hành vượt
qua mọi cám dỗ thế gian, lần lần chứng quả. Giống như hoa sen từ vũng bùn
ngoi lên, rồi ra khỏi nước nở thành đóa hoa tròn đẹp thơm tho. Qua đó
chúng ta thấy rõ đạo Phật không dạy mình tu cái gì ở bên trời kia hay nơi
nào xa lạ, mà tu ngay trong cõi dục lạc nhớp nhúa, chúng ta vươn lên thoát
ra để rồi đạt đạo. Như vậy tinh thần xuất trần của đạo Phật là tinh thần
từ chỗ nhơ nhớp vượt lên thành thanh khiết, chớ không phải thanh khiết có
từ nơi thanh khiết.
Chúng ta hiện
giờ đang sống trong ngũ dục lạc, mình có quyền tu để thành Phật không? Ai
cũng có quyền hết. Không một nụ sen nào từ dưới bùn mà không có quyền trồi
lên và nở hoa thơm tho, trừ những nụ sen bị sùng hoặc con gì cắn thì nó
mới tiêu mòn, không trồi lên được. Thế nên chúng tôi cho rằng đức Phật có
thể sinh ra như một con người bình thường cũng có thể chấp nhận được chứ!
Như vậy con người sẽ thấy đức Phật gần gũi, cụ thể với nhân loại và vì thế
họ tự khẳng định niềm tin nơi khả năng giác ngộ giải thoát của mình hơn.
Do đó mỗi khi
chúng ta nhìn thấy Phật ngồi trên tòa sen, tự nhiên mình có cảm tưởng Phật
là nụ sen đã ra khỏi nước nở tròn thơm tho, chúng ta là những nụ sen còn
đang ở trong bùn. Nếu nỗ lực mai kia mình cũng được nở tròn thơm tho thanh
khiết như Phật vậy. Hình ảnh đó có tác dụng khích lệ lớn lao vô cùng, giúp
chúng ta cố gắng tu nhiều hơn. Nếu Ngài ra đời không dính chút bụi trần
nào hết thì bây giờ đạo Phật khuyên người ta tu khó được. Bởi đức Phật
thanh khiết quá nên Ngài thành Phật, còn mình nhớp nhúa quá làm gì thành
Phật nổi? Ta sẽ mặc cảm không có phần trong công phu tu hành. Vì vậy hình
ảnh đức Phật ra đời bình dị như mọi người rất thích hợp với tinh thần vì
nhân loại, vì chúng sanh.
Đó là tôi dẫn
đức Phật, kế đến tôi dẫn ít vị Thiền sư cũng có tinh thần na ná như vậy. Ở
Trung Hoa vào đời Tống, có hai vị Thiền sư là Thượng tọa Thông và Thượng
tọa Minh. Một hôm hai vị có công việc phải qua sông Hoài. Xuống đò qua
sông hai vị thấy có một số người đang kéo lưới, lưới được kéo vào gần đến
bờ, thình lình có một con cá nhảy vọt ra khỏi lưới. Thượng tọa Thông vỗ
tay khen “Hay quá, giống như Thiền sư”. Thượng tọa Minh lắc đầu nói “Không
hay, phải ở ngoài lưới mới hay. Vô lưới làm chi, nhảy ra cho cực”. Thượng
tọa Thông bảo: “Huynh Minh chưa hiểu”. Khi lên khỏi đò đi được một đổi
xa, Thượng tọa Minh thức tỉnh liền xin lỗi “Xin lỗi sư huynh tôi đã thấy
lầm”.
Quí vị thấy
lầm ở chỗ nào? Chúng ta trở lại tinh thần xuất trần của đạo Phật. Người tu
Phật không phải là người không dính dáng gì với cõi trần bên ngoài, không
phải thảnh thơi tự tại mới tu. Chúng ta tu vì đang kẹt trong chỗ dính mắc,
buộc ràng nên mới cố gắng gỡ, cố gắng thoát ra. Đó mới gọi là tu. Cá ở
trong lưới sắp chết tới nơi mà nhảy ra khỏi lưới mới là tài chứ. Cái hay
là ở chỗ đó, chớ còn ngoài lưới thì có gì là hay! Như vậy tu là một sức
mạnh thoát ra khỏi vòng trói buộc, dính mắc. Đó là cái hay của người tu,
chớ không phải ngoài lưới gọi là hay.
Tinh thần nhà
thiền là như thế. Chúng ta không cầu được tự tại ở nơi nào khác, mà ngay
trong chỗ buộc ràng thoát ra vươn lên. Đó mới thực là tài, thực là công
phu của người biết tu. Chúng ta thấy cái nhìn của Thiền sư với cái nhìn
của Phật rõ ràng không khác. Ngày nay tất cả chúng ta là đệ tử Phật, phải
có cái nhìn như vậy khả dĩ đạo Phật mới đủ sức mạnh để giáo hóa chúng
sanh. Chớ nếu ta yếu đuối quá, lệch lạc quá thì không đủ sức mạnh làm gì
cả.
Kế đây tôi dẫn
tới Thiền sư Việt Nam. Đọc sử Phật giáo Việt Nam, hẳn chúng ta đều biết
nước mình có một ông vua đi tu ngộ đạo, đó là vua Trần Nhân Tông. Ngài làm
vua trong thời gian nước nhà đang bị quân Mông Cổ đem đại quân sang xâm
lấn nước ta lần thứ ba. Việt Nam thời đó chỉ có từ Thanh Hóa trở ra Bắc
thôi, rất nhỏ và dân rất ít. Đứng trước thế giặc hùng hậu như vậy, sự
chống trả của quân dân Việt Nam là hết sức khó khăn. Thế nhưng Ngài đã cầm
binh chống giặc và đuổi được bọn chúng chạy về nước một cách vô cùng oanh
liệt, khiến cho cả thế giới đều khâm phục Việt Nam.
Dẹp xong giặc
ngoại xâm rồi, đất nước thái bình, Ngài nhường ngôi lại cho con đi tu. Nếu
Ngài đi tu trong khi nước nhà có binh biến hoặc bị thua trận thì không có
giá trị gì hết. Khi đất nước thái bình, nhân dân an lạc, nhà vua từ bỏ
ngai vàng đi tu, đó là một điều hết sức phi thường. Đọc sử Phật giáo thế
giới, chúng ta ít thấy vua đi tu, Thái tử thì có mà vua rất ít. Ở Việt Nam
chúng ta có một vị vua biết nghĩ tới con đường giải thoát cứu khổ chúng
sinh, bỏ ngai vàng đi tu thật là một điều hy hữu.
Như vậy nhìn
trên lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta hãnh
diện rằng đất nước mình có những người tu rất là xứng đáng. Sau khi đi tu
rồi Ngài tuyên bố “Kể từ đây Ngài không đi thuyền rồng, không cỡi ngựa”.
Từ thành Thăng Long lên núi Yên Tử mấy trăm cây số mà Ngài vẫn đi bộ, nhất
quyết không dùng ngựa không dùng thuyền. Đó là tinh thần tu khổ hạnh, vì
vậy Ngài lấy hiệu là Trúc Lâm Đại-đầu-đà. Chữ Đầu-đà là âm tiếng Phạn,
dịch nghĩa là khổ hạnh. Trúc Lâm là rừng trúc. Nghĩa là Ngài tu khổ hạnh
trong rừng trúc.
Chính trong
thời gian tu này, Ngài đã ngộ đạo và chỉ dạy lại cho mọi người, lập thành
hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử thuần túy Việt Nam. Đây là phái thiền cô
đọng những tinh ba của các phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông,
Thảo Đường, Lâm Tế kết tụ thành. Như vậy thiền Trúc Lâm Yên Tử là phái
thiền do Thiền sư Việt Nam, một ông vua đi tu sáng lập. Vì thế nên các vua
Trần được người sau ngợi khen xem ngai vàng như dép rách, không có gì quan
trọng hết.
Sau khi thành
lập hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử rồi, từ đó tăng chúng các nơi tụ hội về
tu hành đông đảo và Ngài luôn luôn đi trong nhân gian, giáo hóa dạy cho cư
sĩ giữ năm giới, tu Thập thiện v.v... Bài phú Cư trần lạc đạo của Ngài,
nói lên tinh thần của người ở giữa lòng trần gian bụi bặm mà vẫn có thể
vui với đạo. Bài này Ngài làm trong lúc còn ở ngôi Thái thượng hoàng, tôi
xin trích một đoạn đầu thế này:
Mình ngồi
thành thị nết dùng sơn lâm,
Muôn nghiệp
lặng an nhàn thể tánh,
Nửa ngày rồi
tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn
dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí,
Thị phi tiếng
lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước
biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,
Biết đào hồng,
hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc
vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng,
Liễu mềm hoa
tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Mình ngồi
thành thị nết dùng sơn lâm, nghĩa là tuy ở giữa đô thị, thành phố mà tư
cách giống như ở núi rừng. Ngài ngồi trong triều mà dường như đang tu
trong rừng, không dính, không kẹt gì hết. Đó là tư cách của Ngài lúc làm
Thái thượng hoàng.
Muôn nghiệp
lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm, tuy ở giữa cõi trần,
lãnh trách nhiệm lớn đối với quốc gia, nhưng nghiệp gây tạo Ngài đã dứt
nên thể tánh được an nhàn. Nửa ngày rảnh rỗi thân tâm Ngài tự tại không
dính không mắc, không bị buộc ràng. Đó là hình ảnh hết sức đẹp trong cuộc
sống bình thường.
Tham ái nguồn
dừng, chẳng còn nhớ châu yêu, ngọc quí, lòng tham ái đã dừng lặng rồi cho
nên không còn nhớ châu yêu ngọc quí nữa. Người còn yêu châu quí ngọc là
vì tham ái còn tràn trề.
Thị phi tiếng
lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm, tâm thị phi đã sạch hết rồi nên
dầu có yến thốt oanh ngâm cũng không dính gì với Ngài. Bởi vì trong cung
quí bà phi, thường uốn ba tấc lưỡi chỉ trích nhau, nhờ lòng thị phi hết
nên Ngài nghe yến thốt oanh kêu gì cũng tự tại, không buồn người này không
giận người kia, không trách cứ ai hết. Một ông vua tu như vậy rất là kỳ
đặc.
Chơi nước biếc
ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý”, thiên hạ đi du lịch nơi này
nơi kia cho là thích thú, lịch lãm nên rất nhiều người đắc ý.
Biết đào hồng
hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm, thấy đào hồng thì biết đào
hồng, nhìn liễu lục thì hay liễu lục, thấy biết rõ ràng như vậy, trong
khắp thiên hạ chẳng được mấy người.
Nguyệt bạc
vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng. Mặt trăng sáng giữa bầu trời
xanh, ánh sáng ấy soi rọi trên cỏ cây như một dòng sông thiền tràn trề lai
láng.
Liễu mềm hoa
tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm, thấy liễu mềm hoa đẹp tất cả đều là
hiện tướng của trí tuệ tràn đầy. Mọi cây cối, mọi hiện tượng chung quanh
đều là thiền, là trí tuệ chớ không còn nhiễm mê nữa.
Đọc qua đoạn
này tuy ngắn nhưng chúng ta có thể biết rõ con người Ngài dù sống giữa cõi
trần tục nhưng không còn bị nhiễm nhơ, dính mắc, trói buộc nữa. Nên người
thật tâm tu hành dù cư sĩ hay xuất gia, trọng tâm ở chỗ đừng dính mắc
nhiễm nhơ, chớ hình thức không quan trọng. Thấy rõ trọng tâm của sự tu như
thế, dù ở nơi nào, hình thức nào chúng ta cũng không nhiễm nhơ không dính
mắc. Đó là người tu chân thật, chắc chắn sẽ được tốt đẹp, an vui.
Để kết thúc
buổi nói chuyện hôm nay, tôi nghĩ rằng chúng ta học Phật, tu Phật nên nhìn
đức độ của Ngài, chớ không nên tưởng tượng quá nhiều về sự mầu nhiệm. Phải
học gương xử sự khéo léo, tấm lòng thương mênh mông, trí tuệ tràn trề của
Ngài đối với tất cả chúng sanh. Tinh thần Phật dạy là tinh thần xuất thế,
rất gần gũi con người. Vì thế Phật không muốn dùng những phương tiện kỳ lạ
để giáo hóa con người, đó là hình ảnh rất thích ứng với hoàn cảnh chúng ta
ngày nay. Có thế nhân loại mới thấy đạo Phật thực tế, thân thiết và tu tập
được.
Phật tử chúng
ta có thể hãnh diện vui mừng rằng, đức Phật là bậc thầy của tất cả muôn
loài rất thực tế, rất gần gũi, rất chí thiết. Những nếp sống của Ngài đều
là tấm gương sáng cho chúng ta tu học theo một cách hiện thực sống động,
chớ không phải chuyện xa lạ. Đó là ý nghĩa rất thâm trầm của đạo Phật. Vì
vậy tôi muốn nhắc toàn thể Tăng Ni cũng như Phật tử nên nhìn đạo Phật bằng
cái nhìn cụ thể, chớ không nên nhìn đức Phật với cái nhìn phi thường xa
lạ. Cái phi thường của đức Phật là tâm không dính mắc, là trí tuệ tràn
trề, là lòng từ bi mênh mông, chớ không phải phi thường của những huyền
bí, phép lạ.
Như vậy đức
Phật của chúng ta là bậc đã giác ngộ, giải thoát với trí tuệ và tình
thương tràn đầy. Đây chính là nền tảng của đạo Phật, là cái sẵn có nơi mỗi
người chúng ta. Tăng Ni, Phật tử cố gắng thực hiện, cố gắng tu tập rồi sẽ
đạt được kết quả viên mãn như Phật. |