BỒI DƯỠNG CHO LỚP GIẢNG SƯ
Thành Phố Hồ
Chí Minh - 1995
Gần đây chúng
tôi không dám nhận giảng dạy nhiều nơi, nhưng với cái tình của thầy Trưởng
Ban Hoằng Pháp, có nhã ý mời chúng tôi đến nói chuyện với quí vị. Nể tình
thầy Trưởng ban, đồng thời cũng là bổn phận của người đi trước, những gì
mình đã hiểu đã biết, chúng tôi cũng muốn tất cả huynh đệ cũng hiểu cũng
biết. Do đó nên có buổi nói chuyện hôm nay.
Vì quí vị đang
học lớp Giảng sư, nên chuyên đề tôi nói cũng thuộc về lãnh vực của các vị
Giảng sư. Trước tiên, tôi sẽ kể lại những kinh nghiệm trong thời đi giảng
của mình. Ngày xưa khi chúng tôi học khóa Trung cấp năm thứ hai thì được
Hòa thượng Viện trưởng, tức thầy của chúng tôi cho học khóa Giảng sư. Khóa
Giảng sư hồi đó không phải học luôn như chúng ta bây giờ, mà mỗi năm chỉ
học có ba tháng.
Trước khi đi
giảng, huynh đệ trong lớp chúng tôi cùng tập giảng cho Hòa thượng và mọi
người kiểm tra lại, xem việc giảng của mỗi vị thế nào. Thời chúng tôi tức
năm 1954, có khoảng ba mươi vị tập làm Giảng sư. Hồi xưa Hòa thượng Viện
Trưởng có soạn bộ Phật Học Phổ Thông chia làm mười khóa, mỗi khóa mười
bài. Ngài bắt chúng tôi phải giảng mười khóa học đó cho Phật tử tại thành
phố cũng như các tỉnh. Cho nên một năm học, chúng tôi nghỉ hết ba tháng,
tức sau ngày mãn hạ chúng tôi đi giảng các tỉnh miền Tây, miền Đông. Đến
gần Tết chúng tôi cũng đi giảng một khóa, rồi trước hạ cũng đi giảng một
khóa.
Những khóa
giảng đó đầu tiên do Hòa thượng Viện Trưởng hướng dẫn. Nếu quí vị có xem
Phật Học Phổ Thông sẽ thấy Hòa thượng soạn sẵn dàn bài rất kỹ lưỡng. Ngài
dạy chúng tôi phải theo thứ tự trình bày trên bảng, Hòa thượng chủ trì các
buổi tập giảng đó, phía dưới huynh đệ cùng ngồi nghe và nhìn. Thật tình
cuộc đời làm Giảng sư, lúc đầu không sung sướng gì. Mỗi khi lên bục giảng
là hồi hộp, không an ổn chút nào. Nhất là giảng mà có thầy mình ngồi để
kiểm tra, có huynh đệ cùng lớp phê bình, tự nhiên buổi giảng trở thành khó
khăn vô kể. Cho nên khi lên lớp, ai cũng cố gắng đem hết khả năng của mình
để giảng, nhưng sự thực giảng không ngon lành chút nào. Bởi vì người nghe
không phải thính giả thật, mà là thính giả sẵn sàng phê bình gay gắt mình,
nên giảng thật khó.
Sau khi giảng
một đoạn, chúng tôi trở về chỗ. Kế đến là phần mấy thầy cùng trong ban
giảng phê bình. Việc phê bình chia ra ba phần: một là phê bình tư cách
Giảng sư, hai là phê bình ngôn ngữ Giảng sư, ba là phê bình giáo lý của
Giảng sư.
Một vị Giảng
sư phải có tư cách nghiêm chỉnh, đứng đắn. Nếu mình sai sót liền bị phê
bình, đó là phê bình về tư cách. Thứ hai phê bình về ngôn ngữ. Vì chúng
tôi mới tập nên nói năng hơi lấp vấp hoặc dùng từ ngữ không chính xác,
những việc này đều bị chỉnh hết. Nhờ vậy mà tập dùng ngôn ngữ chính xác
hơn. Lại lúc mới tập, nhất là còn trẻ nói lanh lắm, nói không dừng được,
có khi nổi hứng nói nhanh đến độ thính giả nghe không kịp. Cho nên những
khuyết điểm đó đều được chỉ ra, bắt chúng ta nói chậm rãi từ từ, cho người
nghe lãnh hội được. Đó là điều rất thiết yếu. Thứ ba phê bình về giáo lý.
Trong bài giảng, như bài nhân quả luân hồi chẳng hạn, chúng ta giảng thế
nào đúng với tinh thần Phật dạy, chớ không thể giảng theo ý riêng tư được.
Ý nào sai liền bị phê bình.
Thời gian
chúng tôi tập giảng là như vậy, trên là Hòa thượng, dưới là huynh đệ cùng
nhau chỉ trích phê bình. Nhờ vậy chúng tôi ráng sửa, ráng học hỏi kỹ hơn.
Sau khi được phê bình xong, mỗi chúng tôi chia nhau đi giảng nơi này nơi
kia. Thuở đó hội Phật học đều được thành lập ở hầu hết các tỉnh miền Nam.
Tỉnh nào có hội Phật học là có mời chúng tôi đi giảng. Mỗi lần đi giảng
mười ngày, vì mười bài phổ thông nên chúng tôi phải giảng mười ngày. Mỗi
lần đi hai người, thay phiên nhau đêm nay người này, đêm mai người khác.
Riêng phần tôi
thường được đi chung với thầy Huyền Vi và thầy Từ Thông. Thầy Huyền Vi đi
nhiều hơn, thầy Từ Thông tôi đi chung ít hơn. Mỗi khi giảng xong trở về,
Hòa thượng có tổ chức một buổi họp. Nội dung buổi họp là để xét lại xem
thời gian chư tăng đi giảng gặp trở ngại gì, trao đổi với huynh đệ những
kinh nghiệm cũng như kết quả của mỗi người. Đồng thời lượm lặt thêm những
ý hay của các thầy cùng trong ban giảng.
Trong lúc đi
giảng chúng tôi gặp những khó khăn là người ta đặt nhiều câu hỏi, mà những
câu hỏi đó thuộc phạm vi chuyên tu. Mình vừa học vừa làm việc nên chưa có
kinh nghiệm tu tập chính chắn, bị Phật tử hỏi nhiều câu thật khó giải
quyết. Tôi nhớ lần đó đi giảng ở Sóc Trăng, có một Phật tử Nam tông là bác
sĩ, ông hỏi thế này:
Thưa Thầy,
trong kinh những bài kệ luôn luôn có bốn câu, tại sao khi đức Phật ra đời,
một tay chỉ trời một tay chỉ đất, nói có hai câu: “Thiên thượng thiên hạ,
duy ngã độc tôn”. Như vậy còn hai câu nữa ở đâu, xin Thầy chỉ giùm?
Quí vị chỉ
giùm tôi. Đây là một câu hỏi hơi khó. Bởi ngày lễ Phật đản, chúng ta
thường được nghe nhắc đến hình ảnh đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay
chỉ trời tay chỉ đất nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số
ai cũng thuộc lòng như thế. Nhưng vị Phật tử này nói một bài kệ phải đủ
bốn câu, sao Phật ra đời nói có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu? Khi nghe
hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, thật ra lúc đó tôi cũng
chỉ thuộc có hai câu. Thà nói thật vậy, chớ không biết nói đại, sợ nói
trật sau này hối hận, nên tôi xin hẹn. Đó là điều khó mà người đi giảng
gặp phải.
Nhưng chính
nhờ những trường hợp như vậy, tôi ráng tìm đọc nghiên cứu kinh điển kỹ
lưỡng hơn. Tôi biết các vị bên Nguyên thủy rành về Nikaya lắm, mình không
đọc A-hàm thì không làm sao đáp ứng được những câu hỏi của họ. Nên sau này
tôi ráng đọc hết các bộ A-hàm. Đọc qua rồi tôi mới giật mình, thực tình
mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải
chỉ hai câu. Nhưng vì chúng ta thường nghe nói hai câu nên chỉ thuộc có
hai câu, đó là lỗi mình ít đọc kinh. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:
Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.
Chính bốn câu
này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của đức Phật khi mới ra
đời. Chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo phát
triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: “Đạo Phật là đạo vô
ngã, tại sao đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói
“Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc
này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”
Đó là vấn đề
mà tất cả huynh đệ cũng cần phải nắm cho vững. Bởi vì chúng ta hay đi
giảng vào ngày rằm tháng tư, thì không tránh khỏi phần lịch sử này. Tra
cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên
thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất
thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta
là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi
sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già
bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó
không phải đề cao cái ngã.
Tại sao chư Tổ
Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu
phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ có
thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng
vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên
thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân.
Như chúng ta
đã biết ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có
nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn,
nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói
“Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim Cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã,
dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là
nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người đó hành đạo tà, không
thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân
nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm
thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.
Giáo lý Phát
triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát
triển, chúng ta tu phải giác ngộ được pháp thân, mới giải thoát sanh tử.
Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát
triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt
qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm
vào Pháp thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết.
Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng
túng.
Thêm một câu
hỏi nữa mà ngày xưa tôi trả lời cũng không chạy. Phật tử hỏi bình thường
thôi “Tại sao Phật cấm ăn thịt trâu, thịt chó, hành hẹ tỏi nén… mà thịt
bò, thịt mèo, thịt dê, thịt ngựa không cấm. Như vậy hóa ra Phật thương
loài này, ghét loài kia sao! Phật từ bi bình đẳng, thương tất cả chúng
sanh như nhau, tại sao Ngài dạy như vậy?” Có những câu hỏi mới nghe qua
thấy tầm thường, nhưng nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ, không nắm được
bản ý của Phật cũng đau đầu, chớ không phải chơi. Sau này đọc qua các kinh
Mật tông, tôi mới thấy rõ việc cấm ăn thịt trâu, thịt chó, hành hẹ tỏi
nén, là vì khi ăn thịt các loài đó, trong miệng rất hôi hám, tụng kinh trì
chú không linh.
Nếu quí vị đọc
A-hàm hay các bộ Nikaya, sẽ thấy thời đức Phật, lễ qui y không tổ chức lớn
như mình bây giờ. Ai nghe Phật thuyết pháp rồi, phát tâm qui y, người đó
liền quì trước Phật chấp tay thưa: “Bạch Thế Tôn, chúng con xin phát
nguyện qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng”. Nói ba lần như vậy là thành
Phật tử rồi. Ngày xưa gọi hàng cư sĩ tại gia là Ưu-bà-tắc nếu nam giới,
Ưu-bà-di nếu nữ giới. Đâu có nghe Phật cấm ăn thịt chó thịt trâu gì, cũng
không nghe cấm ăn hành hẹ tỏi nén. Nhưng tại sao giờ Phật tử qui y lại nói
thêm việc này? Nghiên cứu kỹ chúng ta mới thấy, đây là chịu ảnh hưởng của
Mật tông. Vì các người tu Mật tông sợ trì chú không linh, nên không cho ăn
các thứ đó. Còn chúng ta không tu theo Mật tông thì không đặt vấn đề ấy.
Tăng Ni nên ý
thức khi giảng dạy, nếu có qui y cho Phật tử, dè dặt đừng nói cấm ăn thịt
trâu, thịt chó, hành hẹ tỏi nén… vì những điều này không phải Phật dạy. Do
tạng kinh Trung Hoa in sau này nhằm đời nhà Nguyên nhà Thanh, ảnh hưởng
tinh thần Mật tông rất lớn nên mới có những điều đó. Đức Phật lúc nào cũng
từ bi bình đẳng, nếu nói Ngài cấm ăn thịt trâu mà cho ăn thịt bò, thịt
ngựa thì vô lý quá. Do đó Phật tử thắc mắc cũng phải, chúng ta chịu trách
nhiệm giảng dạy phải nắm vững những điều này.
Có một Phật tử
hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân,
gia đình, xã hội có lợi ích gì?” Câu hỏi này rất thực tế, chúng ta không
thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng
chúng tôi muốn dẫn lại để quí vị ý thức trách nhiệm của người giảng dạy
giáo lý. Chúng ta giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu,
ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm
truyền bá chánh pháp của chúng ta. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho
chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có
lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.
Để trả lời câu
hỏi này, ở đây tôi chỉ tóm tắt đại ý thôi. Tôi thường dạy Phật tử tu là
cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự
chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Người thế gian như mấy
chú thợ sửa xe dùng chữ tu rất hay. Xe hư sửa ít ít thì nói tiểu tu, sửa
khá hơn nói trung tu, còn sửa toàn bộ thì gọi là đại tu. Trong nhà Phật
nói tu là chuyển hóa những xấu dở trở thành hay tốt.
Nói cụ thể hơn
về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp,
tà dâm v.v... Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp,
không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu
rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm
tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích
những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch. Hồi xưa chưa biết tu ta nói
dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu
của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu
dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ
luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ
nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa
nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý.
Ngày xưa tâm ý
nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là
chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương
người cứu vật, chia xẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập
trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang
trí tuệ theo chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại
thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu.
Nếu một Phật
tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối,
bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi.
Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an
vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc dạy tu có lợi ích thiết thực cho
mọi người và xã hội. Cho nên giảng dạy cho Phật tử phải thực tế, đừng nói
những điều quá cao siêu khiến họ không thể làm được.
Lúc tôi đi
giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa.
Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài
nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quì
thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn,
chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và
quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi?” Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả
lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi:
“Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ
uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó
Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau.
Tại sao?
Chúng tôi cứ
quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ
hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm Giảng sư được quyền nghỉ để
nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng
mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng
khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu
hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu
thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản
thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm
chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm
quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền. Tôi kể lại những điều
này cho quí vị thấy bổn phận của một vị Giảng sư không giản đơn như mình
tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành
mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế chúng ta phải có
tu.
Ngày xưa đi
giảng, tôi không có những điểm đặc sắc như thầy Huyền Vi và thầy Từ Thông.
Thầy Huyền Vi có tài viết chữ Hán bằng tay trái, giảng tới đâu thầy viết
tới đó, thành ra Phật tử thích lắm, nhờ vậy họ chăm chú, bớt buồn ngủ.
Thầy Từ Thông có tài vẽ, khiến khán giả thích nhìn, quên buồn ngủ. Còn tôi
viết bằng tay trái không được mà vẽ cũng không được, chỉ chịu khó nghiên
cứu Phật pháp sâu một chút thôi. Bởi vậy tôi giảng Phật tử buồn ngủ lắm,
vì không có điểm đặc biệt để cho họ chú ý. Cho nên đặc tài riêng cũng là
điểm thuận lợi của Giảng sư. Tuy nhiên, trên hết vẫn là giáo lý vững và
công phu tu tập cụ thể mới giúp một vị Giảng sư làm tròn bổn phận của
mình.
Bây giờ tôi
nói tới những điểm cần thiết của một Giảng sư. Thứ nhất vị Giảng sư phải
khéo giải quyết những câu hỏi, đồng thời phân biệt được đối tượng hỏi
thuộc thành phần nào. Điều này hết sức khó. Bởi vì nhiều người hỏi không
phải vì họ chưa hiểu, mà hỏi để phá chơi, thử xem mình có lanh lợi không.
Hoặc họ hỏi để tỏ rằng mình hiểu Phật pháp cao sâu cho thiên hạ ngán chơi.
Với những đối tượng đó này, chúng ta phải giải quyết cho khéo. Nếu người
không hiểu mà hỏi, chúng ta dùng lối giải thích cho họ hiểu. Nếu người hỏi
không chính xác, không rõ ràng chúng ta dùng lối phản vấn đáp để trả lời.
Nghĩa là đáp bằng cách hỏi ngược lại, cho họ sáng ra câu hỏi của mình.
Nhiều người không nắm vững vấn đề, học lóm đâu đó vài ba câu rồi đem ra
hỏi mình. Quí vị cứ cắm đầu giải thích theo, giải riết không tới đâu hết.
Cho nên nhà
Phật dạy có ba cách đáp:
1. Giải đáp:
Nếu đối tượng là người cần hiểu biết, cần học để tu.
2. Phản vấn
đáp: Nếu đối tượng hỏi mà không nắm vững điều mình hỏi, ý tứ không sáng
sủa hoặc hỏi có vẻ cầu kỳ. Ta hỏi lại để họ giật mình, tự suy nghĩ về điều
vừa hỏi, từ từ họ sẽ sáng ra ý nghĩa mình muốn nói với họ.
3. Vô ngữ đáp:
Tức đáp bằng cách im lặng, không nói gì hết, nếu đối tượng hỏi để vấn nạn.
Hồi xưa thời Phật còn tại thế, có nhiều vị ngoại đạo hỏi để phá. Đây gọi
là vấn nạn. Trong trường hợp này, Phật dạy chúng ta im lặng, không nói gì
hết. Cho nên gặp những người hỏi vô nghĩa, ta lặng thinh, vì họ hỏi để phá
mình chơi chớ đâu có cầu học Phật pháp, mình đáp có lợi chi. Do đó im
lặng.
Một vị Giảng
sư phải nắm vững ba cách đáp trên. Người cần hiểu biết Phật pháp, chúng ta
giải thích rành rõ cho họ hiểu. Người còn lờ mờ chưa hiểu, chưa biết rõ
vấn đề, ta hỏi lại để họ tự suy nghiệm, tự sáng tỏ vấn đề muốn hỏi. Người
muốn phá pháp, ta dùng im lặng mà đáp. Cho nên việc phân biệt đối tượng
cũng rất quan trọng. Đi giảng có nhiều người hỏi vui lắm. Có một lần tôi
giảng ở Vũng Liêm, Phật tử đứng lên hỏi: “Thưa Thầy, Phật giáo là duy tâm
hay duy vật?” Tôi không đáp mà hỏi lại: “Đạo hữu giảng rõ thế nào là duy
tâm, thế nào là duy vật, rồi tôi sẽ nói Phật giáo thuộc vào phần nào”. Ông
bí, không giảng nổi. Gặp câu hỏi như thế, nếu chúng ta cứ cắm đầu giải thì
một hồi sanh chuyện. Cho nên phải biết nhìn đối tượng mà trả lời.
Có lần tôi
giảng ở Rạch Giá, một Phật tử đứng ra hỏi: “Thưa Thầy, xin Thầy giải thích
về “Thập như thị” trong kinh Pháp Hoa”. Hỏi ngang như vậy, có khi chúng ta
còn chưa nhớ nữa huống là trả lời. Thường nếu gặp trường hợp hỏi về pháp
số, nếu nhớ mình trả lời, còn không nhớ thì dùng thuật này “nhờ đạo hữu kể
lại từng điều, tôi sẽ giải thích cho nghe”. Nhưng tôi biết hôm ấy, Phật tử
muốn tỏ ra mình là người học Phật cao, vì Thập như thị trong kinh Pháp Hoa
là những vấn đề rất thâm sâu. Do đó tôi nói với vị ấy: “Câu hỏi của đạo
hữu rất thâm sâu, mà hội chúng ở đây trình độ phổ thông thôi, chưa hiểu
được những điều đó. Vậy xin mời đạo hữu hôm sau đến chùa, chúng tôi sẽ
giải thích riêng. Còn ở đây theo tinh thần hiểu biết phổ thông của Phật
tử, chúng tôi chỉ giảng kinh thường thôi”. Đó là chúng ta khéo phương tiện
để đáp. Nhiều người thích hỏi cao, ta cố gắng giảng để tỏ ra mình thông
suốt, nhưng không ngờ như thế sẽ mất thời gian của người đang muốn tìm
hiểu những gì gần gũi, thiết thực với cuộc sống bình thường. Chạy theo mấy
câu hỏi cầu kỳ ấy sẽ không có lợi cho cả hai bên.
Để thành một
Giảng sư có đầy đủ kiến thức Phật học, quí vị chịu khó đọc thật kỹ bốn bộ
A-hàm và bốn bộ Nikaya do Hòa thượng Minh Châu dịch. Tại sao tôi khuyên
như vậy? Vì đọc những bộ kinh ấy có rất nhiều lợi ích. Lợi thứ nhất là
chúng ta nắm vững giáo lý Nguyên thủy. Người học đạo cần phải phăng tận
gốc, lần tận ngọn, chớ không thể chỉ biết ngọn mà không biết gốc. Ngày
xưa, lúc được nghỉ ở Phương Bối am, tôi đọc đi đọc lại bốn bộ A-hàm tới
sáu lần, càng đọc càng thấy hay. Kinh A-hàm nói hết những điều căn bản
Phật đã dạy, nếu chúng ta không biết những giáo lý này thì thật là một
thiếu sót lớn đối với người đi giảng. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, trong
A-hàm hay Nikaya có những bài kinh ngắn gọn, dễ hiểu rất thuận tiện để
chúng ta chọn làm đề tài giảng. Còn kinh Đại thừa dài và khó quá, không
thể giảng phổ thông được.
Một Giảng sư
còn phải giỏi về lịch sử nữa, nên việc tra cứu lịch sử không thể thiếu.
Thời của tôi kinh sách dịch còn ít quá, phải đọc thẳng bằng chữ Hán, mất
thì giờ. Ngày nay chữ Hán cũng như chữ Pali đã được dịch khá đầy đủ, đó là
một thuận lợi lớn cho công tác nghiên cứu của quí vị. Kế đến, chúng ta
phải nắm vững lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đáng tiếc lịch sử Phật giáo nước
nhà còn quá thiếu thốn, nên khi nghiên cứu chúng ta thấy thật nghèo nàn.
Một vị Giảng sư phải biết rõ lịch sử những thời kỳ thịnh suy của Phật giáo
nước mình như thế nào, ai đã mở mang được giáo lý Phật trong từng thời…
Đồng thời chúng ta cũng phải biết về lịch sử Phật giáo truyền bá từ Ấn Độ,
Trung Hoa sang Việt Nam, Nhật Bản hay các hệ bên Nam tông cũng phải biết.
Để khi người ta hỏi mình trả lời không ngại, nếu không biết thì không thể
trả lời thỏa đáng được.
Chính vì vậy
hồi xưa tôi đã khao khát được đi Ấn Độ, biết tận nơi Phật đản sinh, thành
đạo, nơi giảng pháp Tứ đế, kinh Pháp Hoa, nơi Phật nhập Niết-bàn v.v... Để
xem lịch sử viết có đúng sự thật không? Rồi tôi lại nghĩ Phật giáo Nguyên
thủy rất thạnh hành ở Tích Lan, Phật giáo phát triển thạnh hành ở Nhật
Bản, nên cũng ước mơ được đi Tích Lan, Nhật Bản nghiên cứu xem Phật giáo ở
những nơi ấy thế nào.
Đủ duyên năm
l964, tôi được tháp tùng theo quí Hòa thượng đi dự Đại hội Phật giáo ở Ấn
Độ. Qua chuyến đi đó tôi được biết rõ những di tích của Phật, nên lòng tin
tăng trưởng vững chắc hơn, đồng thời nhận ra những sai lầm lâu nay mình
chưa biết, cứ tán dốc với nhau. Thí dụ nói đức Phật tu sáu năm khổ hạnh
dưới núi Tuyết, điều này không đúng. Vì Bồ-đề đạo tràng thuộc về Trung Ấn
mà núi tuyết nằm trong dãy Hy Mã Lạp Sơn thuộc miền Bắc Ấn. Hai nơi này
cách xa ngàn dặm, thế mà lâu nay người ta cứ bảo đức Phật tu khổ hạnh
trên núi Tuyết! Có tới nơi mới chứng nghiệm được sự thật.
Sau này, tôi
cũng đủ duyên sang Tích Lan một tuần lễ, rồi qua Nhật Bản hai mươi ngày.
Sau khi đi thăm Phật giáo các nơi rồi, về lại nước tôi mới thấy Phật giáo
Việt Nam không kém gì Phật giáo Tích Lan, Nhật Bản. Có thể nói Phật giáo
Việt Nam giữ mức vừa chừng, dễ tu, dễ chấp nhận nhất. Vì Phật giáo Việt
Nam không quá phong kiến như Phật giáo Tích Lan, cũng không quá phóng
khoáng đến mức gần như thế tục hóa như Phật giáo Nhật Bản. Chỉ có Phật
giáo Việt Nam là dung hòa hai thái độ trên. Cho nên khi nghiên cứu về lịch
sử, chúng ta có điều kiện chứng nghiệm cụ thể, thực tế sẽ giúp mình đầy đủ
niềm tin hơn khi nói chuyện với Phật tử.
Khi giảng dạy
Phật tử, chúng ta phải ứng dụng lời dạy của Phật thế nào cho thực tế, đừng
nói quá cao siêu, huyền bí làm cho Phật tử không thể tu được, hoặc khiến
họ hoang mang. Như giảng năm giới, thứ nhất là giới sát sanh, xưa nay
chúng ta quen theo chữ Hán, kể trên từ sư tăng phụ mẫu dưới cho đến vi tế
côn trùng đều không được giết. Nói như thế Phật tử rất khó giữ giới này.
Bởi vì người làm ruộng rẫy ở thôn quê, làm sao không sát hại vi tế côn
trùng được. Ở thành thị đối với kiến gián v.v… Phật tử cũng không giữ được
hết. Rồi nhiều bác sĩ hỏi tôi, vi trùng lao cũng là vi trùng, bây giờ con
chích thuốc để giết nó, vậy con có tội không? Đủ thứ chuyện khó xử. Nếu
chúng ta giảng như vậy, vô tình làm cho Phật tử không tu được. Đó là một
tai họa.
Nghiên cứu kỹ
luật Tỳ-kheo, Phật dạy trong giới sát sanh nếu giết người thì phạm tội
Ba-la-di, còn giết các con vật thì phạm tội đọa. Luật đã chia rõ ràng như
thế. Vì vậy hàng cư sĩ giữ giới không sát sanh là không giết người và các
con vật lớn thôi. Đó là một vấn đề thực tế. Nếu chúng ta cứ giảng như hồi
xưa thì Phật tử không bao giờ dám thọ giới, mà không thọ giới thì làm sao
tu được. Nên giảng cho Phật tử giới sát sanh là không được giết người trên
ba phương diện: thân, khẩu, ý. Đích thân mình không giết, không xúi bảo kẻ
khác giết, không tùy hỷ với sự giết hại. Đó là giữ giới sát sanh. Nghe
thế, ít ra họ cũng giữ được giới không giết người nên thấy dễ tu. Ngày xưa
thời đức Phật những người làm lưới làm chày cũng thọ giới được. Bây giờ
mình nói tới vi tế côn trùng, không ai thọ được hết. Đó là thiếu thực tế.
Cho nên nói quá cao rốt cuộc không làm gì được. Đó là điều tôi nhắc quí vị
nhớ trong công tác giảng dạy phải dè dặt.
Điểm kế nữa,
vị Giảng sư phải nắm vững cả hai giáo lý Nguyên thủy và Phát triển của Đại
thừa. Phần nào ra phần ấy, đừng giảng cái này lẫn qua cái kia, làm cho
người ta không nhận rõ được sự sai biệt trong hai giáo lý ấy. Như quí vị
phải nhớ rõ ràng về tam pháp ấn, tứ pháp ấn, đệ nhất pháp ấn. Tam pháp ấn
là chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tịnh. Tứ pháp ấn là
vô thường, khổ, không, vô ngã. Hai pháp ấn này thuộc hệ Tiểu thừa của
Nguyên thủy. Còn đệ nhất pháp ấn như trong kinh Pháp Hoa nói, chỉ có một
Phật thừa, tức chỉ thẳng nhất tâm chân như. Đây là đệ nhất pháp ấn thuộc
về hệ Phát triển của Đại thừa.
Như vậy đứng
về mặt giáo lý Phát triển của Đại thừa luôn luôn chỉ cho chúng ta nhận ra
nhất tâm chân như hay pháp thân. Thế nên những kinh chỉ thẳng về nhất tâm
chân như, đó là thuộc về đệ nhất pháp ấn. Còn kinh nào phân tích lý vô
thường, khổ, không, vô ngã là thuộc về giáo lý Nguyên thủy. Một vị Giảng
sư cần phải phân biệt, giảng trạch giáo lý căn bản rõ ràng như thế.
Điểm chót cũng
là điểm quan trọng nhất, tôi xin nhắc quí vị là một Giảng sư thì không thể
thiếu phần kinh nghiệm tu tập được. Hồi xưa chúng tôi ở trong hoàn cảnh
thiếu người, nên vừa học vừa truyền bá chánh pháp, không có thì giờ tu. Vì
vậy sự tu tập rất khiếm khuyết. Từ đó dễ sanh ra những chuyện không hay
khác. Bởi vì khi đi giảng, nhất là người có duyên giảng hấp dẫn, được quần
chúng ngưỡng mộ, đó là phước nhưng coi chừng cũng là họa. Phước chừng nào
thì họa chừng ấy, chớ không kém. Người hiểu đạo lý, có phước giảng Phật tử
thích nghe nhưng sự tu hành không vững, không có công phu thì dễ bị xảy
chân lắm. Vì thế quí vị phải dè dặt.
Năm xưa tôi bị
một câu hỏi của Phật tử khiến trong tâm cứ nung nấu hoài. Tôi thầm nghĩ
phải có thì giờ tu mình mới yên lòng, chớ không thể chỉ học hiểu bao nhiêu
nói bấy nhiêu mà không có kinh nghiệm tu. Do đó năm 1966 sau khi dạy xong
ba năm ở Phật học Huệ Nghiêm, tôi rút lên núi tu, để thực hiện cho được sở
nguyện của mình.
Ngày nay, tôi
nghĩ một năm quí vị có thể dành một tuần, hai tuần nhập thất tu. Trong
thời gian ấy chúng ta vừa nghiệm lại những lời Phật dạy, vừa ứng dụng vào
sự tu xem kết quả ra sao. Chúng ta tu có kết quả nói với Phật tử mới mạnh.
Ngược lại, ta nói mà không biết kết quả ra sao thì khó nói lắm. Làm Phật
sự thì làm nhưng việc tu không thể bỏ qua. Mong quí vị nhớ cho điểm này.
Khi nghiên cứu
về các Thiền sư hay các vị tổ Việt Nam, chúng ta cũng nên thuộc thi kệ của
các Ngài. Hiện nay, ngoài đời nhiều nhà văn học hay các học giả thuộc kệ
của Thiền sư Việt Nam nhiều hơn quí Thầy, Cô nữa. Năm trước tôi có gặp
giáo sư Hoàng Như Mai, khi kể lại các Thiền sư Việt Nam, ông thuộc kệ của
quí Ngài còn muốn hơn tôi nữa. Người thế gian mà như thế, còn chúng ta là
con cháu trong nhà lại không thuộc, không biết gì hết về Tổ sư mình. Đó là
một khuyết điểm lớn của chúng ta.
Nghiên cứu trở
lại Phật giáo Việt
Nam,
chúng ta thấy những vị nổi tiếng và có công lớn trong việc truyền bá Phật
giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ XIX, đều là các Thiền
sư. Như vậy Phật giáo thiền tông đã phát khởi và tồn tại ở nước ta trải
qua mười sáu thế kỷ, các bậc cao đức đều tu thiền. Thế mà ngày nay chúng
ta không biết gì hết, thật là một điều đáng trách! Tới thế kỷ chót này,
nhiều vị chẳng những không biết tu thiền mà còn nói “coi chừng tu thiền
điên”. Thật đau lòng!
Nguồn gốc của
Phật giáo xuất phát từ đức Phật Thích-ca, kế đó là một ngàn hai trăm năm
mươi vị đệ tử của Ngài đều do tu thiền mà chứng quả A-la-hán. Phật giáo từ
ấy được truyền mãi cho tới Việt
Nam,
các vị Tổ chúng ta cũng tu thiền mà mình bây giờ mình không biết thiền là
gì, đó là một yếu điểm của Phật giáo Việt Nam hiện giờ. Thời đại ngày nay,
người Âu Mỹ rất có cảm tình với Phật giáo. Năm tôi qua Pháp 1994, người ta
cho biết tại đây đã có một triệu người Pháp theo đạo Phật, đa số thích tu
thiền. Như vậy mới thấy thiền là cội gốc của đạo Phật. Vì thế khi nghiên
cứu về đạo Phật người ta nhắm vào thiền nhiều hơn.
Gần đây có một
số người ngoại quốc tìm tới Việt Nam xin học thiền. Đây là nỗi khổ tâm của
chúng ta. Bởi vì ở Pháp họ nghe thầy Nhất Hạnh giảng dạy về thiền, nên họ
nghĩ Thiền tông Việt Nam chắc là hay lắm, vì vậy họ mới qua Việt Nam
nghiên cứu về thiền. Bây giờ mấy huynh đệ nghĩ mình phải dẫn họ đi đâu? Đó
là một vấn đề hết sức khó cho mình. Những năm về trước Hòa thượng Minh
Châu cũng thường than với tôi: “Có những phái đoàn ngoại quốc tới muốn
nghiên cứu một ngôi chùa Việt Nam, tu đúng theo tinh thần Phật giáo Việt
Nam. Tôi không biết dẫn đi đâu, bởi vì chùa mình rất nhiều, mà không nơi
nào đạt tiêu chuẩn chuyên tu đúng theo tinh thần họ mong muốn cả”. Đó là
điều đáng buồn của mình.
Vì thế quí vị
có trọng trách giảng dạy phải biết rõ nền tảng của Phật giáo Việt Nam.
Chúng ta giảng tùy thời, tùy căn cơ nhưng phần căn bản phải nắm vững và
luôn nhất quán. Như vậy việc giáo hóa mới không đi lệch. Hồi chúng tôi
học, các chùa hầu hết chỉ học gia giáo như kinh Di Đà chánh văn Di Đà sớ
sao, Qui Nguyên Trực Chỉ, Tây Qui Trực Chỉ v.v... Thành ra chỉ biết pháp
môn niệm Phật, mà không biết đường lối tu thiền. Bây giờ quí vị có điều
kiện hơn chúng tôi ngày trước, nên phải chịu khó nghiên cứu cho tường tận
các pháp môn tu, trong đó thiền tông là một pháp môn được xem như hợp
thời, hợp cơ và đúng với tinh thần của đức Phật nhất.
Hôm nay tôi có
vài điều nhắc tất cả quí vị chuẩn bị đi trên con đường hoằng pháp. Chúng
ta là sứ giả Như Lai thì trước nhất phải hiểu và hành theo hạnh Như Lai,
sau đó mới đem giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời, giúp cho tất cả chúng
sanh đều được giác ngộ giải thoát. Đây chính là mục đích chánh yếu của một
vị Giảng sư. Mong tất cả quí vị ghi nhớ và cố gắng thực hành được thành
tựu viên mãn. |