LỤC HÒA
Quảng Ngãi -
2002
Hôm nay đột
xuất tôi được chư Tăng Ni và Phật tử tỉnh Quảng Ngãi mời về đây thăm
viếng, đồng thời xin một thời pháp ngắn. Đến nơi, được sự đón tiếp của
đông đảo quí vị, lại còn có các em trong Gia đình Phật tử nữa, tất cả đều
vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Vì thế tuy đi đường nhọc nhằn,
tôi cũng không nỡ từ chối nói pháp cho quý vị nghe, do đó có bài pháp Lục
Hòa này.
Tăng Ni là
hàng xuất gia đều biết tính quan trọng của phép Lục Hòa đối với đời sống
Tăng đoàn. Quí vị phải ứng dụng cho được những điều căn bản đức Phật đã
dạy, đồng thời nhắc nhở gia đình Phật tử cùng hiểu biết, sống đúng với
tinh thần ấy. Khi lập Thiền viện, nghiên cứu kỹ giới luật nhà Phật, tôi
thấy sáu phép hòa thuận là phần căn bản, đức Thế Tôn dạy cho hàng tu sĩ
chúng ta. Thế nên nói tới Tăng, Ni là nói tới Lục hòa.
Tăng, chữ Phạn
là Sangha, Trung Hoa dịch âm là Tăng già, dịch nghĩa là Hòa hợp chúng. Tức
chỉ một số tu sĩ, hoặc Tăng hoặc Ni sống chung với nhau trong tập thể, hòa
hợp vui vẻ tu hành, nên còn gọi là hòa hợp Tăng. Quí thầy, quí cô sống hòa
hợp thì gọi là Tăng, không hòa hợp thì không đủ nghĩa của Tăng. Đức Phật
đặt sự hòa hợp trên tất cả các giới luật. Nếu chúng ta sống không hòa hợp
thì sự tu hành không bao giờ tiến. Đa số Tăng Ni đều biết Lục hòa rồi,
nhưng ở đây tôi cũng xin nhắc lại từng phần để quý vị thấy được chỗ thấu
đáo Phật dạy.
1. Thân hòa đồng trụ:
Điều này vào
thời đức Phật thực hiện rất dễ, nhưng thời chúng ta ngày nay hơi khó một
chút. Bởi vì sống chung một chùa, một Tinh xá thì chư Tăng hoặc chư Ni
cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tu như nhau không khó. Tất cả nếp sống,
công tác, hạnh kiểm tu hành hằng ngày đều như nhau, gọi là thân hòa đồng
trụ. Trong trường hợp mỗi thầy, mỗi cô ở mỗi chùa thì việc hòa hơi khó. Vì
vậy thân hòa đồng trụ là chỉ cho một tập thể chung sống một chỗ, chứ không
chỉ cho những người sống rời rạc. Cho nên các vị sống riêng tư phải chịu
thiệt thòi này.
Chúng ta sống
trong chùa hay thiền viện thì thực hiện thân hòa đồng trụ dễ. Bởi vì không
ở riêng, không có quyền lợi riêng nên làm cùng làm, ăn cùng ăn, mặc cùng
mặc, mọi công tác hay giờ tu hành đều nhịp nhàng với nhau. Hòa hợp như vậy
thì nếp sống đạo đức rất tốt. Đó là nói về thân hòa đồng trụ.
2. Khẩu hòa vô tránh:
Tức miệng cùng
hòa hợp nhau, không gây gổ, không nói những lời dữ, lời nặng nề, không
tranh hơn thua với nhau. Tăng Ni thấy điều này dễ hay khó? Nhất là phái nữ
sống chung với nhau một chùa, có cãi không? Có, nên điều này rất khó. Ở
đây tôi nhắc chung cho cả các Phật tử tại gia. Chúng ta sống làm sao được
khẩu hòa vô tránh, tức là miệng nói những lời hòa nhã, nhẹ nhàng, dễ mến,
chớ không cãi lẫy, rầy la lớn tiếng. Nhưng e rằng có vị làm Trụ trì hoặc
Tri sự nói: “Sai làm mà không làm, không rầy sao được? Mới nghe thấy có lý
nhưng trên tinh thần đạo đức thì khác.
Chúng ta lâu
nay có quan niệm, những gì mình nghĩ đều cho là đúng, ai nói khác hơn mình
không vui, mà không vui thì có cãi. Ví dụ có hai người, một người khen hoa
hồng đẹp, một người chê xấu. Người khen hoa hồng đẹp bị người kia chê:
“Nói bậy, nó xấu như vậy mà nói đẹp, đẹp ở chỗ nào?” Bấy giờ người khen
hoa hồng đẹp chắc khó nín được. Khi mình nói đẹp, người khác chê xấu thì
bực bội nên cãi nhau. Cả hai đều không biết điều đó đúng hay không? Mỗi
người có quyền nhìn, có quyền nhận định riêng. Ta thấy đẹp, đó là nhận
định riêng của mình. Người khác thấy xấu, đó là nhận định riêng của họ.
Cho nên muốn khỏi cãi nhau, chúng ta lắng nghe Phật dạy trong kinh A-hàm:
Người biết tôn trọng chân lý là khi nói điều gì, chỉ nói “đây là cái nghĩ
của tôi”. Ngang đó thôi, không thêm chữ “đúng”. Nếu nói tôi nghĩ đúng thì
sanh chuyện ngay. Mỗi người có quyền nhận định riêng, hoa hồng không cãi
đẹp xấu, mà mình cãi với nhau làm chi? Nó là nó thôi. Tại vì ta cho nhận
định của mình là đúng, người khác nói ngược lại thì nổi sân lên. Mà nhận
định của mình có đúng chân lý chưa? Dĩ nhiên là chưa.
Tôi thường ví
dụ, hôm trước tôi ngồi trên núi, thấy hướng Nam có cụm mây đen, gió thổi
đùa qua, một lát mưa xuống ào ào. Hôm nay tôi thấy cụm mây đen như thế,
nghĩ thế nào cũng mưa nên bảo quí thầy đem đồ vô. Nếu thầy nào không nghe
lời tôi sẽ giận và rầy la. Đó là do tôi lấy kinh nghiệm hôm trước đặt cho
hôm nay. Nhưng không ngờ một lát gió đổi hướng, mây tan, trời không mưa.
Lúc đó sao? Mình kêu người ta đem đồ vô, nhưng trời không mưa, mình có xin
lỗi không? Lỡ rồi làm thinh, không ai nhắc tới thì thôi, thông qua luôn.
Quý vị làm Trụ trì, Tri chúng hay vấp phải lỗi này lắm.
Trên thế gian,
mọi sự việc xảy ra đều tùy duyên. Hôm qua duyên khác hôm nay duyên khác.
Vậy tất cả suy nghĩ của chúng ta có đúng không? Đúng một phần thôi, chứ
chưa phải tuyệt đối. Nhưng khi suy nghĩ điều gì, ta thường cho đó là đúng
tuyệt đối, ai làm khác thì nổi giận liền. Do nổi giận nên gây ác khẩu, nói
bậy, nói những lời vô nghĩa, khiến cho người ta đau buồn. Đó là phạm lỗi
khẩu hòa vô tránh.
Tăng Ni phải
nhớ, sống sao cho người đến chùa, Tinh xá không nghe một tiếng la hét nào
hết. Như thế mới tốt, mới vui hòa. Nếu vào chùa lát nghe cô này la, cô kia
cự thì có hòa không? Người tu còn không hòa, làm sao dạy Phật tử sống hòa
vui được. Cho nên Phật bắt buộc chúng ta phải lấy chữ “Hòa” làm nền tảng
tu và dạy người. Phải hiểu nhận định của mình chỉ đúng phần nào thôi, chớ
không bảo đảm trăm phần đều đúng. Nên khi trình bài ý kiến của mình với
người khác, chỉ nên nói “cái hiểu của tôi như thế, anh chị có thể nghĩ
khác” thì không có lỗi, chớ đừng vội cãi vã. Nhiều khi ta cãi trước khi sự
việc đến. Đó là điều không có tốt trong đạo. Cho nên Tăng Ni phải tự kiểm
để biết những gì sai lầm của mình, mà chỉnh lại cho đúng.
3. Ý hòa đồng duyệt:
Ý của chúng ta
hòa hợp, vui vẻ với nhau. Hòa thì vui. Muốn hòa vui thì phải làm sao? Phải
đừng cho cái nghĩ của mình là đúng. Ta thích điều đó mà người khác không
làm, không giúp, còn ngăn cản thì mình có giận không? Chắc chắn là giận.
Nhưng quí vị thử nghiệm lại xem, huynh đệ sống chung, tất cả ý niệm, suy
gẫm đều giống hệt hay mỗi người mỗi ý? Hầu hết là mỗi người mỗi ý, không
ai giống ai. Nếu giống hệt Phật không bắt chúng ta hòa làm chi. Người nghĩ
thế này, người nghĩ thế nọ, không giống nhau thì sống chung có vui không?
Sống gượng thôi chớ không vui. Người tu mà bực bội, không vừa lòng mãn ý
thì sống năm mười người, hai ba chục người hoặc cả trăm người thì chắc lộn
xộn lắm. Bởi vậy nên cái hòa của ý hết sức quan trọng.
Bây giờ muốn ý
hòa chúng ta phải làm sao? Phật dạy muốn hòa thuận với nhau, trước hết
không nên bám giữ, cố chấp ý riêng của mình. Tại sao? Vì ý là cái suy nghĩ
luôn luôn sanh diệt. Mà suy nghĩ thì không bao giờ đúng 100%, mười phần
trúng được năm ba phần thôi. Có sai nên biết ý mình chưa toàn vẹn, chưa
bảo đảm, làm sao cố chấp được. Nếu trên thế gian, suy nghĩ cái gì đúng cái
ấy thì người ta có nghèo khổ không? Chắc không ai nghèo khổ hết. Bởi vì
suy nghĩ đâu đúng đó, thì thiên hạ đều làm giàu hết rồi. Trong đạo cũng
vậy, nếu ta nghĩ gì đều đạt hết thì ngày nay chùa nào cũng to, Phật cũng
lớn, mọi người đều quy hướng về mình, nhưng sự thật không phải vậy. Ý nghĩ
không hoàn toàn mà ta cố chấp, bảo vệ, đó là sai lầm. Từ sai lầm này sanh
ra tranh cãi, bực bội với nhau, đi đến chỗ không còn tình, không còn nghĩa
gì cả. Nên biết Phật dạy người tu sống giữ ý hòa đồng duyệt để cuộc sống
hòa vui, chớ không buồn giận, oán hờn nhau.
Thực tế ở
trong chùa hay thiền viện, tất cả Tăng Ni đều hoàn toàn hài lòng, vui vẻ
hết hay ráng nhịn nhau? Ráng nhịn nhau mới yên, chớ không ai bằng lòng ai.
Đó là chuyện thường. Trong việc tu hành, chúng ta phải xét thật kỹ, tu là
để giải thoát sanh tử, cứu độ chúng sanh. Nếu trong chúng năm mười người,
mỗi người nghĩ khác, ai cũng cố chấp ý nghĩ của mình là đúng thì cuộc sống
có hòa vui không? Năm mười người đã không hòa được, nói gì độ chúng sanh!
Chẳng lẽ độ cho nhiều để cãi cho lắm sao? Cho nên quí vị thu đệ tử, phải
khéo hòa hợp chúng, không để có những ý niệm riêng tư.
Sống được hòa
vui như vậy, ai đến chùa cũng thấy niềm vui toát ra cả, không có gì khó
chịu hết. Ngược lại nếu nội bộ trong chùa không hòa vui, ý Tăng Ni không
hợp, Phật tử bắt gặp những bất bình của mình, khiến họ kinh sợ, không dám
đến chùa nữa. Thế nên quan trọng là chúng ta phải hòa vui với nhau. Điều
này không thể thiếu được ở một người tu.
4. Kiến hòa đồng giải:
Tức những thấy
biết của mình, chúng ta cùng đem ra giải thích để huynh đệ cùng hiểu, cùng
thông cảm với nhau.
5. Giới hòa đồng tu:
Chúng ta cùng
giữ giới với nhau, không dám sai phạm để cùng an vui tu tập.
6. Lợi hòa đồng huân:
Ở trong chùa
hay Tinh xá, nếu có ai cúng dường thì Tăng Ni cùng chia đồng đều nhau,
không được người nhiều, kẻ ít. Nhưng bệnh của Phật tử bây giờ thấy thầy,
cô nào dễ thương thì cúng nhiều, thầy cô nào quí vị không thích thì cúng
ít hoặc không cúng. Người được nhiều cũng không dám chia cho người ít, sợ
bổn đạo biết được buồn. Do đó sau một thời gian trong chùa có người giàu,
kẻ nghèo. Người nghèo không có xu con, người giàu dư dã xài không hết. Như
vậy đâu thể gọi là lợi hòa đồng huân.
Bởi thế, muốn
thực hiện điều này tôi bắt buộc Tăng Ni trong các thiền viện không được
nhận tiền riêng. Ai cúng thì cúng chung cho tập thể, Ban quản chúng nhận
rồi dùng cho những nhu cầu chung, chia đều toàn chúng, không được thương
người này chia nhiều, ghét người kia chia ít.
Tóm lại, trong
sáu điều “hòa” của nhà Phật, chúng ta xét thật kỹ để ứng dụng tu hành. Nếu
chư Tăng, chư Ni sống chung trong một chùa hoặc Tinh xá hòa hợp như vậy,
thì Phật pháp truyền bá rất dễ dàng. Ta khỏi cần thuyết pháp cho Phật tử
nghe, chỉ cần nhìn thấy nếp sống của mình, trên dưới hòa thuận vui vẻ thì
họ liền quý mến. Quí vị thuyết pháp hay, người ta mới nghe thì phục, nhưng
tới chùa mình thấy lục đục, kẻ phiền người giận tất nhiên Phật tử sẽ thối
Bồ-đề tâm.
Thế nên trọng
tâm của người tu, dù không giỏi nhưng khéo sống đúng với tinh thần lục hòa
của đạo Phật thì việc tu tập sẽ được tiến triển đều, đồng thời giúp cho
tín tâm Phật tử ngày càng sâu đối với Tam bảo, nhất là Tăng bảo. Tăng Ni
trong mùa an cư kiết hạ, quý vị cố gắng tập sống theo tinh thần lục hòa.
Dù chưa trọn vẹn nhưng chúng ta cố tập, từ từ cũng sẽ được hoàn bị. Có thế
việc tu mới lợi lạc. Nếu chúng ta không tập sống lục hòa thì sự tu chỉ có
hình thức thôi, niềm an vui lợi lạc không được bao nhiêu. Đó là tôi nói
riêng về Tăng Ni.
Tiếp theo, tôi
nói qua giới Phật tử. Quí vị ai cũng muốn có cuộc sống vui hòa nhưng thật
ra rất khó. Như năm 1996 tôi có qua Mỹ, một số Phật tử ở Cali ham tu
thiền, họ xin lập đạo tràng khoảng ba, bốn chục vị. Tôi nhớ chư Tăng thì
giữ lục hòa, nên Phật tử giữ tam hòa được rồi. Nếu Phật tử ở tại gia đình
mà giữ được tam hòa là đã tiến bộ lắm. Tam hòa là gì? Là thân hòa, khẩu
hòa, ý hòa. Thân hòa thì dễ rồi còn khẩu hòa, ý hòa dễ hay khó? Phần nhiều
Phật tử tại gia ít được khẩu hòa. Tại sao? Vì quí vị luôn luôn nghĩ mình
đúng, nên nói gì người khác không nghe theo thì giận. Trong bụng giận rồi
thì thốt ra lời nói khó chịu, nặng nề. Người nghe lời nói nặng cũng không
chịu nhịn, sợ thua nên sanh ra đôi chối, cãi vã, thành ra không hòa.
Ví như chúng
ta ra đường, bị ai đó có ác ý chửi “Cha chị”. Lúc đó mình giận không? Nổi
giận liền. Nhưng nếu khi người ta nói “Cha chị”, mình liền thưa: “Cám ơn
anh, cám ơn chị đã nhắc tới cha tôi”. Vậy thôi. Mình quên người ta nhắc
lại cho nhớ, nổi giận làm gì? Hoặc giả sử ta làm trái ý ai, họ mắng mình
là con bò. Khi ấy ta nên nói thế này “Dạ phải, tôi có uống sữa bò”. Uống
sữa bò thì tế bào bò có trong mình, cãi làm chi, có xấu hổ gì đâu. Nhưng
nghe nói con bò thì quí vị giận đùng đùng lên, rồi hung dữ với nhau. Nếu
xét theo lẽ thật, đâu có gì đáng kể. Hiểu vậy Phật tử cười hoài không giận
gì hết.
Khi trí tuệ
không sáng, người ta bực bội nói lời vô nghĩa, mình chấp lời vô nghĩa kia
để giận thêm thì cả hai đều vô nghĩa hết. Thế nên người biết tu phải tập
đức nhu hòa. Chúng ta thấy đâu phải những vị có đức hạnh không ai dám
chửi, người lớn cũng bị chửi như thường. Kể cả đức Phật cũng thế, nhưng
khi bị chửi Ngài xử sự khác chúng ta.
Có lần Phật đi
khất thực vào xóm của Bà-la-môn. Các đệ tử Bà-la-môn thấy Phật khất thực,
họ đem cơm cúng dường. Ngài đến dưới cội cây ngồi ăn, sau đó thuyết pháp
cho họ nghe. Kết quả họ xin quy y theo Phật hết. Qua đôi ba lần, xóm đó từ
từ chuyển thành Phật tử hết. Các thầy Bà-la-môn tức quá, chờ đức Phật vào
làng khất thực, họ theo sau kêu tên Phật chửi rất thậm tệ. Chửi thì chửi
Phật cũng cứ đi từ từ, không trả lời chi hết. Chịu hết nổi, vị thầy
Bà-la-môn kia chặn đầu Ngài hỏi:
- Cồ-đàm, có
nghe tôi chửi không?
Phật nói:
- Nghe.
- Nghe sao
không trả lời?
Phật đáp:
- Như nhà ông
có đám giỗ mời thân quyến tới dự. Khi cúng kính xong, quà còn nhiều nên
ông phân chia để tặng họ. Những thân quyến không nhận, vậy những món quà
đó thuộc về ai?
- Tôi tặng mà
người ta không nhận thì nó thuộc về tôi, chớ về ai?
Phật nói:
- Cũng vậy,
ông chửi mà ta không nhận thì những lời ấy thuộc về ai?
Bây giờ quý
Phật tử nghe người ta chửi có nhận không? Nhận, nên tức tối phiền não
hoài. Còn Phật không nhận nên Ngài chẳng dính dáng gì. Người chửi tự nhớ,
tự chịu, tự khổ. Ngày nay chúng ta quý trọng đức Phật ở chỗ Ngài cũng bị
người ta chửi, nhưng bình thản không dao động, chớ đâu phải Ngài không bị
chửi. Chẳng những đức Thế Tôn không giận, không buồn mà còn thương người
chửi nữa, vì biết họ nói bậy.
Phật tử đừng
nói chửi, vừa thấy ai nói lén nhỏ nhỏ sau lưng đã lắng nghe rồi. Lắng nghe
để nhận. Đức Phật bị kêu tên chửi còn không màng, nên bây giờ chúng ta mới
lạy Ngài. Nếu Thế Tôn cũng như mình thì ngày nay làm gì có đạo Phật. Chính
vì Phật không nhận nên Ngài không buồn không giận. Vì vậy Ngài trả lời một
cách tự nhiên “Ông chửi ta không nhận thì lời đó thuộc về ông.” Ngoại đạo
nghe thế tự xấu hổ bỏ đi. Chính nhờ tâm sáng suốt, từ bi ấy mà bây giờ
chúng ta mới lạy Ngài.
Rồi một lần
nữa, Phật đi khất thực cũng một thầy Bà-la-môn kêu tên Ngài chửi, Phật vẫn
ung dung đi. Cuối cùng Bà-la-môn kia chạy lên chặn đường Phật:
- Cồ-đàm, ông
thua tôi chưa?
Phật liền nói
bài kệ:
Người hơn thì thêm oán,
Kẻ
thua ngủ không yên.
Hơn, thua hai đều xả,
Ấy
được yên ổn ngủ.
Người nào
không nghĩ hơn thua mới ngủ yên. Nếu thấy mình thua thì oán hờn người hơn,
tức quá ngủ không yên. Còn hơn người thì bị người oán. Vì vậy đức Phật
dạy: “Hơn thua hai đều xả, Ấy được yên ổn ngủ”. Sở dĩ chúng ta cung kính
quý trọng đức Phật, vì đứng trước ngang trái Ngài luôn nhẫn nhịn được.
Ngày nay chúng
ta tu muốn người quý trọng mình, mà động tới sân si đủ thứ thì ai kính
phục được? Nên người thật tu không giành hơn, không cho thắng người là
thành công. Hơn thắng như thế là mê. Chúng ta tỉnh sáng phải giữ thái độ
an bình, hòa nhã, không giận hờn.
Tôi thường ví
dụ, như chúng ta vào bệnh viện tâm thần thăm người thân trong đó. Khi vào
mình không chọc ghẹo ai hết, nhưng họ xúm quanh chửi mình, lúc đó chúng ta
nghĩ sao? Nên giận hay nên thương? Người bệnh tâm thần không biết phải
quấy nên chửi mình, ta biết họ bệnh nên thương, chớ không giận. Cũng thế,
chúng ta sống với mọi người chung quanh, có khi mình không làm việc xấu
quấy mà họ cứ đổ cho ta xấu quấy, như vậy người đó tỉnh sáng hay bệnh?
Việc không mà nói có, đó là bệnh. Họ cũng giống người bệnh tâm thần, nên
ta thương chớ đâu có giận. Nếu gặp người bệnh tâm thần chửi, ta chửi lại,
kẻ bàng quan sẽ nói sao? Ông kia điên gặp chị nọ khùng, phải không? Nếu
không điên thì khi họ chửi, mình đừng chửi lại, đừng giận mà thương hơn.
Người biết tu,
gặp kẻ mê ta phải tỉnh, người kia điên chúng ta phải sáng suốt, chớ không
ai ăn thua với người điên. Đó là điều quan trọng mà thế gian không biết.
Nhiều khi nghe một lời nói hết sức vô nghĩa mà ta lại nổi nóng, cãi nhau
thành việc lớn. Từ đó làm khổ nhau, từ cái khổ này kéo đến cái khổ nọ.
Trong đạo cũng vậy, nhiều chuyện rất nhỏ mà do không khéo hòa với nhau nên
thành lớn. Nhiều người vì cãi thua, tức quá muốn tự tử, thật hết sức dại
khờ.
Vừa rồi có một
Phật tử nữ đến thưa với tôi: “Thầy làm ơn về cầu siêu giùm người bạn của
con”. Tôi hỏi: “Bạn của con làm sao, phải cầu siêu?” Cô ta thưa: “Anh ấy
tinh thần không được sáng, tự tử bằng cách thắt cổ chết trong vườn nhà.
Sau khi anh chết hai ba hôm, con nằm mộng thấy anh về đứng ngoài sân kêu
hoài: “Lạnh quá, làm sao cho anh bớt lạnh”. Con đem mền ra bảo đắp, anh
nói “không được”. Trải qua mấy hôm như vậy”.
Chúng ta thấy
kẻ mê chết liều lĩnh như thế phải sanh vào loài ngạ quỷ, lang thang khổ
sở, chớ đâu phải chết là hết. Chết không phải là hết, càng chết oan chừng
nào vong linh càng lang thang khổ sở chừng đó. Nên người biết tu, dù có
xảy ra chuyện buồn phiền mấy cũng bỏ qua, phải sáng suốt tu hành. Đó là
cứu mình, còn liều chết bậy bạ chẳng những không cứu mình mà còn tự hại
mình nữa. Chúng ta nên nhớ tự tử chết là mối nguy hiểm nhất, vì như thế
chẳng những không giải thoát mà còn làm mình luân hồi triền miên, khổ sở
vô cùng. Khổ cho bản thân mình và khổ lây cho nhiều người khác nữa.
Chúng ta tu
không chỉ tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền là đủ, mà phải sống đúng với tâm
của người hiểu đạo. Mọi việc hơn thua, phải quấy của các huynh đệ đều là
chuyện nhỏ, không có gì quan trọng hết. Việc lớn của chúng ta là làm sao
thoát ly sanh tử, đó mới là cao siêu, là mục đích chúng ta nhắm đến. Muốn
thoát ly sanh tử trước hết sống với huynh đệ, chúng ta phải hòa nhã, thuận
thảo, vui tươi. Nhờ sự hòa vui đó lòng ta yên ổn, việc tu hành được nhẹ
nhàng.
Nếu tới giờ
niệm Phật, ngồi thiền mà cứ nhớ việc cãi vã hồi chiều, nhớ câu người ta
chửi mình hoài, thì niệm Phật ngồi thiền có yên không? Dĩ nhiên là không.
Nhớ lời qua tiếng lại hoài, rốt cuộc mình chịu thiệt thòi. Nên người biết
tu phải sống đúng tinh thần lục hòa. Dù chưa giải thoát nhưng giữ được lục
hòa thì trên đường tu chúng ta sẽ an ổn. Niệm Phật được nhất tâm, tọa
thiền dễ định. Đó là thành công rồi. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ bị
nhiều khổ lụy, tu mà không giải thoát, ngược lại còn trầm luân!
Vì vậy tôi
thấy vấn đề lục hòa rất thiết yếu, rất quan trọng đối với cuộc sống tu
hành của chúng ta. Hôm nay đủ duyên gặp quý thầy quý cô tiếp đón và xin
nghe pháp, chúng tôi đem hết tâm tư của mình, khuyến nhủ Tăng Ni sống đúng
theo tinh thần Lục hòa của Phật dạy, để đời tu của chúng ta xứng đáng.
Quí vị nên nhớ
chùa to, Phật lớn, đệ tử bao nhiêu cũng là trò chơi thôi, quan trọng là
tâm mình an ổn thanh tịnh, không còn vướng bận những trói buộc của thế tục
nữa. Đó là nhân giải thoát. Chúng ta đã gieo nhân giải thoát, phải ráng
nuôi trồng nó cho tới ngày đạt được quả giải thoát, đừng nản chí bỏ nửa
chừng. Đó là lời tha thiết của chúng tôi, mong tất cả Tăng Ni cố gắng thực
hiện tu hành cho tới ngày viên mãn. |