ÔNG PHẬT HAY ÔNG BỤT?
Trường Trung
cấp Phật Học Bình Thuận - 2002
Hôm nay chúng
tôi đủ duyên về đây dự lễ Khánh thành Trường Trung cấp Phật Học tỉnh Bình
Thuận, đồng thời được ban tổ chức mời giảng một thời. Vì lòng tha thiết
của Tăng Ni, Phật tử nên tôi cố gắng nói một thời pháp nhỏ để quí vị nhớ
tu hành.
Đề tài tôi nói
hơi lạ một chút Ông Bụt và ông Phật là một hay hai. Tất cả chúng ta ai có
đọc lại những áng văn cổ của Việt Nam, từ thế kỷ thứ 13 trở về trước sẽ
thấy nói đến ông Bụt chớ không gọi ông Phật như ngày nay. Vậy ông Bụt và
ông Phật là một hay hai. Nếu một thì ngày xưa đúng hay bây giờ đúng? Đây
là một vấn đề nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, có liên quan đến sự tu hành
của chúng ta.
Lịch sử Việt
Nam ngày xưa có những chuyện như Tấm Cám… trong đó hình ảnh Bụt hiện ra
rất đẹp, cứu độ người hiền lành, nghèo khó. Chớ không nói Phật độ. Nhưng
bây giờ chúng ta lại lễ Phật, cầu Phật cứu độ, mà không nói Bụt. Chắc rằng
quí vị đồng ý ông Bụt và ông Phật là một, chớ không phải hai, nhưng tại
sao trên từ ngữ lại khác nhau?
Nhiều người cứ
nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam là từ Trung Quốc truyền sang, nhưng thật sự
không phải như vậy. Nếu nói khởi đầu là khoảng thế kỷ thứ hai thứ ba, Phật
giáo nước ta đã sung thịnh rồi, do các Sư từ ấn Độ truyền sang. Từ thế kỷ
thứ hai thứ ba, đến thế kỷ thứ mười ba chúng ta đã được nghe hiệu Bụt. Bởi
vì thời xưa vùng Luy Lâu cách Hà Nội chừng ba mươi cây số, nơi đó việc
buôn bán rất phồn thịnh. Thương nhân trong cũng như ngoài nước tụ hội về
đây buôn bán rất đông. Cho nên có những vị sư theo thuyền buôn từ Ấn Độ
sang Việt Nam truyền giáo luôn. Chữ Bụt phát xuất từ tiếng Phạn Buddha.
Chữ “Bud” dịch là giác ngộ, chữ “dha” dịch là người, chúng ta kính trọng
nên gọi là ông.
Như vậy Buddha
là người giác ngộ. Nhưng tại sao dân ta lại gọi là ông Bụt mà không gọi
ông giác ngộ? Bởi nhiều lý do. Chữ giác ngộ trong nhà Phật là giác ngộ
viên mãn hay cùng tột, so với giác ngộ ở thế gian có cạn, sâu khác nhau.
Ví dụ như có kẻ ăn trộm được người thân chỉ dạy nhắc nhở, kẻ ấy thức tỉnh
bỏ nghề ăn trộm, xóm làng sẽ nói người kia giác ngộ rồi. Chữ giác ngộ này
với chữ giác ngộ của Phật cách nhau rất xa. Vì vậy chư Tổ thuở xưa không
muốn giải nghĩa mà dùng nguyên chữ Bụt, để chúng ta biết rằng từ này phải
giải nghĩa kỹ mới đầy đủ, chớ không thể nói đơn sơ giác ngộ là đủ nghĩa
của Phật. Vì vậy người xưa dùng danh từ Bụt. Chữ Buddha là nói chính xác,
dân ta gọi trại thành ra “Bụt”.
Sau đời Trần
đến khoảng giữa đời Lê, quân Minh sang chiếm nước ta. Tất cả kinh sách
Phật giáo Việt Nam bị chúng thu gom đem về Kim Lăng, một phần thiêu đốt,
phần còn lại sung vào thư khố người Hoa. Vua Trung Quốc nhà Minh bấy giờ
xuất thân là một chú Sa di đi tu, sau khởi nghĩa cách mạng đánh giặc thành
công được làm vua, tức vua Chu Nguyên Chương. Là Phật tử rồi xuất gia, sau
làm vua nhưng tại sao qua Việt Nam ông lại đốt hết sách vở Phật hoặc tóm
thu về Trung Hoa? Lý do cũng dễ hiểu thôi, bởi vì người Trung Hoa thấy
Phật giáo Việt Nam có mầm mống, có chỗ đứng vững vàng, làm nền tảng cho
văn hóa dân tộc Việt Nam, nên ông tóm thu về Tàu hết. Sau khi tóm thu
xong, ông tặng lại cho chúng ta tạng kinh đời nhà Minh.
Chữ Buddha nhà
Minh dịch âm là Phật đà, gọi tắt là Phật. Như vậy thói quen người xưa kêu
Bụt, bây giờ chúng ta gọi là Phật, cả hai từ này đều chỉ cho một vị đã
được giác ngộ viên mãn, từ Ấn Độ truyền bá Phật pháp mãi cho tới xứ Việt
Nam chúng ta.
Chữ Phật chúng
ta dịch theo chữ Buddha là người giác ngộ, Trung Hoa dịch là giác giả cũng
chỉ người giác ngộ. Như vậy nói cho rõ nghĩa Phật là người giác ngộ viên
mãn, chớ không phải giác ngộ từng phần hay chút ít, phải giác ngộ viên mãn
mới gọi là Phật. Vì vậy muốn nói đủ trong kinh thường nói Phật là bậc tự
giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nghĩa là tự mình giác ngộ rồi, chỉ dạy
lại cho người khác được giác ngộ như mình. Giác ngộ tròn đầy như vậy gọi
là Phật.
Thế thì hiện
giờ chúng ta học Phật là học cái gì? Học đạo giác ngộ. Nhưng chúng ta có
giác ngộ được chưa? Nói giác ngộ quí vị lại nghi, sợ giác ngộ viên mãn như
Phật thì chưa được, nhưng nếu giác ngộ từng phần chúng ta có làm được. Bởi
vì từ Bồ-tát nguyên chữ Phạn là Bodhisattva, tức giác từng phần. Bồ-tát là
người giác ngộ từng phần, chưa được viên mãn. Nên chư Tăng Ni và Phật tử
đều dám thọ giới Bồ-tát, tức nguyện thực hành giác ngộ từng phần.
Tất cả chúng
ta tu Phật là tu theo phương pháp đưa tới giác ngộ, đi từ giác ngộ từng
phần dần dần tới giác ngộ cao hơn. Vì vậy Bồ-tát có chia ra Thập tín, Thập
hạnh, Thập trụ, Thập hồi hướng, Thập địa, rồi tới Đẳng giác, Diệu giác,
chừng đó mới gọi là Phật. Tu giác ngộ từng phần rồi tiến từ từ tới giác
ngộ viên mãn. Nếu đời này chưa viên mãn, đời sau chúng ta tiếp tục, tu đến
khi nào giác ngộ viên mãn thành Phật mới thôi. Đó là sở nguyện trên con
đường giác ngộ giải thoát của chúng ta.
Bây giờ nói về
giác ngộ và mê lầm. Phật ra đời là cứu khổ chúng sanh, trong tất cả nỗi
khổ, không có khổ nào bằng cái khổ mê lầm. Thế nên trong kinh Phật có đoạn
Phật dạy: Đoạ xuống địa ngục bị hành hình thiêu đốt chưa phải là khổ, làm
ngạ quỷ đói khát lang thang chưa phải là khổ, làm thân trâu ngựa kéo xe
kéo cày cực khổ cũng chưa phải là khổ; chỉ si mê không biết lối đi mới là
khổ.
Như vậy Phật
xác nhận si mê là khổ trên tất cả các thứ khổ. Từ si mê chúng ta phải trầm
luân muôn kiếp, đoạ lạc không biết bao nhiêu lần, sinh đi, tử lại, khi làm
người, khi làm vật, khi ở địa ngục, ngạ quỷ… mãi mãi không ra khỏi. Vì vậy
chư Phật ra đời cứu khổ chúng sanh là chỉ cho mọi người con đường giác
ngộ, có giác ngộ mới thoát ly sanh tử, được giải thoát. Cho nên chúng ta
tu Phật, mục đích không gì hơn là từng bước, từng bước đi trên con đường
giác ngộ.
Bây giờ có
người khi cha mẹ mất, đến ngày làm tuần, liền dán cho cái nhà lầu, tôi tớ,
đốt xuống dưới để ba má có chỗ ở, có người hầu hạ sung sướng hoặc sợ ba má
nghèo thiếu, nên mua giấy tiền vàng bạc đốt cho thật nhiều, để cho ba má
xài. Đó là tư cách của người mê lầm, vì làm việc không có ý nghĩa gì hết.
Nếu cha mẹ làm tội mới đoạ xuống địa ngục, khi đã có tội làm sao dùng nhà
lầu xe hơi được. Như một ông lớn quyền thế trên thế gian, có con phạm tội
nặng bị nhốt trong tù. Ông đem xe hơi vô cho con đi chơi được không? Đem
vô cũng đâu đi được vì bị nhốt. Cũng vậy, nếu cha mẹ xuống địa ngục là đã
làm tội, vậy mà đem xe hơi nhà lầu xuống để dùng thì chuyện vô lý quá. Vô
lý mà vẫn làm có phải là si mê không? Rõ ràng đang si mê. Học đạo giác ngộ
mà làm việc si mê, như vậy đúng là con Phật chưa?
Bồ-tát giác
ngộ từng phần, còn Phật tử thì giác ngộ nhỏ xíu thôi, cho nên không dám
nói từng phần mà chỉ nói giác ngộ chút chút, giác ngộ cỏn con, nhưng cũng
là những người đang đi trên con đường giác ngộ. Vì vậy chúng ta phải nhìn
xem việc làm của mình có đúng như Phật dạy không.
Phật dạy tu
phải biết lý nhân quả. Chúng ta gieo nhân lành gặp quả lành, tạo nhân ác
phải chịu quả ác. Nhân lành và quả lành theo nhau chớ không tách rời, nhân
ác và quả ác cũng thế. Như hiện giờ Phật tử có những tai họa phải chịu khổ
đau, thì biết tại vì mình đã tạo nhân ác từ trước bây giờ quả ác đến,
chúng ta khổ đau. Tự biết đó là nhân không tốt của mình đã tạo, thì bây
giờ phải làm sao cho hết nhân ác ấy, phải tu thế nào để không còn tái phạm
nhân đó nữa, như vậy mới hết khổ.
Phật tử bây
giờ đi chùa, khi gặp hoạn nạn đến cúng một ít cho Tam bảo rồi xin Phật cho
gia đình con được bình an hết hoạn nạn, cho con cái con được thi đậu… Phật
đâu có cho được, vì Ngài thường dạy “Ta không có quyền ban phước giáng họa
cho ai hết”. Thế mà quí Phật tử đi chùa cứ xin Phật hoài. Như vậy là mê
hay giác? Xét bao nhiêu đó cũng đủ thấy Phật tử có xứng đáng là con Phật
chưa?
Chúng ta phần
nhiều đi trong mê lầm, chớ không đi trên đường giác ngộ. Người Phật tử
phải hiểu đúng lý nhân quả của Phật dạy, mình làm thì mình chịu chớ không
bắt Phật chịu. Phật tử còn cầu xin Phật việc này việc nọ là chưa có can
đảm, chưa thực hành theo lời Phật dạy. Muốn hết khổ phải làm điều lành,
cứu giúp mọi người cho quả khổ giảm nhẹ, chớ còn xin Phật cho sao được.
Nếu Phật cho được thì Ngài đã không nói nhân quả. Đã nói nhân quả thì biết
Phật không cho được. Đây là một luật công bằng, không thể vì chúng ta là
người thân của Phật rồi Ngài giảm cho nhẹ tội. Trong kinh, Phật nói rằng:
Người không phải đạo Phật làm mười điều ác, chịu khổ đúng như nhân mình đã
tạo; người theo đạo Phật làm mười điều ác, cũng chịu khổ đúng như người
kia không khác. Luật nhân quả luôn luôn công bằng như vậy.
Nói thế Phật
tử sẽ hoang mang, mình tu theo Phật mà Ngài không che chở gì hết? Có chứ,
nhưng cách che chở của Phật rất đặc biệt. Tôi kể lại một câu chuyện xưa
thế này. Khi đức Phật còn tại thế, bà Tỳ-kheo Ni Liên Hoa Sắc tu chứng quả
A-la-hán rồi. Trên đường đi, bà gặp mấy đứa trẻ mười tám, hai mươi tuổi bà
rủ đi tu, thọ giới Tỳ-kheo Ni. Mấy cô thưa: “Chúng con còn ham ăn, ham ngủ
quá, đi tu lỡ phạm giới đọa xuống địa ngục làm sao?” Bà nói: “Không sao
đâu, nếu lỡ phạm giới đọa địa ngục rồi trả hết tội, lên tu nữa”. Lời này
có phải đùa không? Đó là một sự thật. Bởi vì nếu người không tu, phạm tội
đọa địa ngục dĩ nhiên phải xuống địa ngục. Bây giờ chúng ta có tu, có thọ
giới, phạm tội đọa địa ngục, cũng xuống địa ngục nhưng khác hơn người. Kẻ
kia xuống địa ngục, khi hết tội trở lên họ không biết đường tu, còn chúng
ta khi hết tội, trở lên do còn chủng tử thọ giới tu tập lúc trước, nên bây
giờ sớm thức tỉnh, hơn được hạt giống lành đó.
Như ở thế gian
nhiều người sinh ra được giàu sang, quyền quí nhưng lại hung hăng ác độc,
như vậy là sao? Không có gì khó hết. Người có phước mới sanh ra trong nhà
sang trọng quyền quí, bởi đời trước họ làm được điều lành, dù không theo
tôn giáo nào nhưng thấy ai khổ họ cứu giúp. Do có tâm tốt ấy nên đời sau
họ được hưởng giàu sang phú quí. Tuy nhiên chủng tử đạo đức không có, nên
ai xúi giục điều xấu họ cũng có thể hưởng ứng theo. Nếu người vừa làm
phước lại còn qui y Tam bảo, thọ trì ngũ giới thì đời sau sanh ra vừa giàu
sang, sung sướng vừa có chủng tử lành, do giới đức đời trước còn, nên họ
không rơi vào chỗ dữ ác, tánh tình hiền hòa nhu thuận. Tóm lại ở thế gian,
có người sang quí mà rất hiền lành, có người sang quí nhưng lại hung dữ,
đó là do chủng tử đời trước nên đời này hưởng tiếp tục. Người không gieo
chủng tử sẵn, chỉ gặp duyên thì làm phước, thì ngày nay hưởng phước nhưng
gặp duyên xấu xúi giục họ cũng làm xấu. Lý nhân quả rõ ràng như vậy.
Chúng ta là
Phật tử biết tu theo đạo Phật, là người giác ngộ. Dù giác ngộ ít cũng là
giác ngộ, những gì trái với giác ngộ chúng ta không nên làm. Thế mà hiện
giờ Phật tử còn cúng sao, cúng hạn không? Còn. Cúng sao cúng hạn là cúng
cho ai, được cái gì, quí vị biết không? Nếu không biết mà làm, đó là giác
hay mê? Mê. Sao hạn mình ở chỗ nào, quí vị chưa biết rõ nữa, mà cúng là
cúng cái gì? Thật ra sao hạn là theo sách Tàu. Ngày xưa mấy ông đồ nho
giỏi đọc sách Tàu, họ bắt chước coi sao hạn theo người Trung Hoa. Từ khi
nước mình bị Pháp thuộc về sau, không dạy chữ nho nữa nên các ông đồ lần
lần mất hết. Bây giờ muốn coi sao hạn, chỉ còn nhờ quí thầy ở chùa biết
kinh chữ Hán, thế là dân chúng đem những cuốn sách nho đến nhờ quí thầy
coi giùm. Ban đầu quí thầy từ bi coi giùm. Về sau dân chúng thấy quí thầy
coi giùm nhiều người quá, không làm được việc gì, trong chùa hết gạo,
chẳng lẽ họ làm ngơ. Thế là thương thầy bỏ công coi giùm nên họ cúng lại
vài trăm, mỗi người một chút, lâu ngày chày tháng thành lệ. Từ đó thầy
thấy coi bộ được, thôi để thầy coi cho. Rốt cuộc trong chùa sanh chuyện
coi ngày, coi tháng, cúng sao, cúng hạn hồi nào không hay.
Đó là nguyên
nhân cúng sao cúng hạn, thật ra trong sách Phật không có chuyện đó, Phật
còn rầy nữa. Trong kinh Di Giáo Phật dạy các thầy Tỳ-kheo không được xin
xâm bói quẻ, không được coi tướng coi sao… vậy mà bây giờ một số thầy cho
đó là việc làm chính của nhà chùa thì thật là sai lầm lớn. Chẳng qua vì
chiều lòng Phật tử, lại thấy có lợi thì làm, chớ không phải chủ trương của
Phật dạy. Phật tử phải hiểu thật rõ điểm này để không bị lầm lẫn giữa cái
mê và cái giác.
Phật tử khi đã
hiểu rồi, thấy việc làm đó vô lý, thử đặt lại câu hỏi “Ngôi sao của mình
là ngôi sao nào?” Nếu chúng ta được đi phi thuyền lên cung trăng, chắc sẽ
giật mình vì không thấy ngôi sao nào độ mạng cho mình hết. Bây giờ ngồi đó
mà cúng lạy thì thật vô lý quá, không giác ngộ chút nào hết. Vì vậy chúng
ta phải sáng suốt, nhận định cho thật kỹ thế nào là lời Phật dạy, thế nào
không phải lời Phật dạy. Lời Phật dạy chúng ta mới làm, không phải lời
Phật dạy thì không làm. Đó là người đang đi trên đường giác. Không phải
Phật dạy mà làm là đang đi trên đường mê, đã lạc vào đường mê thì còn là
Phật tử nữa không? Mất tư cách Phật tử rồi, vì Phật tử là con bậc của giác
ngộ, thì không thể làm điều mê được.
Phật tử khéo
tu, khéo hiểu, ứng dụng trong cuộc sống hiện tại, vừa hợp với lẽ thật vừa
làm lợi ích cho mình và mọi người. Chúng ta luôn biết tạo nhân lành sẽ
được hưởng quả lành. Đối với mọi người ta không nỡ làm cho ai đau khổ, vì
làm cho người đau khổ tức là gây đau khổ cho mình. Với người thiếu thốn
khổ đau, ta giúp đỡ cho họ bớt thiếu thốn, bớt khổ đau. Đó là ta tạo nhân
lành. Người bớt khổ được vui là ta đã tạo niềm vui cho người, cũng chính
là gây nhân vui cho mình. Đó là tu. Tu bằng cách luôn nhớ giúp mọi người
bớt khổ, được vui. Tu bằng cách đem lại lợi lạc hữu ích cho mọi người, chớ
không phải tu là làm những việc vô nghĩa vô lý.
Có người đặt
câu hỏi thế này, giả sử ta chưa từng chọc ghẹo ai hết, mà vừa gặp ta họ
chửi bới đủ thứ. Như vậy là sao, có nhân quả không? Đây là câu hỏi nhiều
Phật tử thấy khó xử, nhưng thật ra cũng không khó. Người chúng ta chưa
từng chọc ghẹo, chưa làm gì cho họ phải bực bội, mà bây giờ bất thần gặp
mình họ chửi. Đứng trên mặt nhân quả mà nói, có oan cho mình không? Thật
ra không oan chút nào cả.
Bây giờ tôi
đặt câu hỏi lại, như bình thường Phật tử chưa từng biết người đó, chưa có
quan hệ gì với người đó, vậy thì có bao giờ họ dám đứng trước mặt mình, họ
chửi không? Không. Bởi vì họ chưa biết mình nữa, có đâu mà buồn phiền.
Nhưng khi đối diện với mình mà người kia chửi được, chứng tỏ họ đã từng
buồn phiền ta nhiều rồi, phải không? Đó là vì ta đã làm khổ họ mà mình
quên. Cho nên, đứng về nhân quả mà nói, khi thấy tai họa bất thường đến
với mình, chớ vội oán hờn. Mà phải xét lại từ trước đến giờ, mình có làm
gì cho người đó buồn không? Khi xét lại không thấy có lỗi gì, thì nhẹ
nhàng thưa anh thưa chị, không biết hồi trước đến giờ tôi có làm phiền
lòng anh chị không? Nếu người đó nói có, cứ để họ kể ra. Nếu họ kể lầm thì
mình nói “Thưa anh thưa chị, đó là do anh chị hiểu lầm, chớ tôi không phải
như thế”. Vậy tốt biết chừng nào! Đằng này vừa nghe người ta chửi, vội
vàng chửi lại không thua lời nào. Đó không phải là tư cách của một người
Phật tử. Người biết tu phải truy xét lại mình, tạo cơ hội cho hai bên
thông cảm nhau, thì mọi vấn đề trở thành dễ dãi. Đó là ta biết tu nhân
quả.
Lại có người
nói đời này tôi không làm gì ác mà sao nghèo hoài, làm ăn cất đầu lên
không nổi? Rồi than trời, trách đất không thương, không ủng hộ, như vậy
đúng không? Thấy những người làm ăn sơ sài thảnh thơi mà họ cứ giàu lên,
đâm ra đố kỵ người đó. Cho rằng thế gian bất công, đâm ra oán hờn đủ thứ
mà không hiểu nhân quả. Đạo Phật nói nhân quả không phải một đời, mà liên
hệ tới ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Quả hiện tại chúng ta thọ nhận
đây là trả cho cái nhân đã gây trong đời quá khứ.
Ví dụ những
người trước đây làm ăn khá giả, bây giờ họ ra thành phố mua một căn phố.
Một người khác ở quê lên cũng mua một căn phố ở gần đó. Người khá giả
không làm gì mà cuộc sống vẫn sung túc, nhàn nhã, vì họ còn vốn. Người ở
quê lên làm lụng rất cần mẫn, siêng năng, mà cuối năm hỏi có dư chưa,
chẳng những họ nói chưa dư mà còn thiếu nợ nữa. Quí vị thấy công bằng
không? Người ở không mà có tiền, còn người làm đầu tắt mặt tối mà thiếu
nợ. Nhưng nếu truy nguyên ra, người trước kia có dư họ mua phố vẫn còn dư
tiền. Còn người nghèo phải vay tiền mới mua nhà được. Nên khi làm ra tiền
mà chưa đủ trả nợ, là phải nhìn lui lại quá khứ của họ. Chúng ta không thể
chỉ nhìn ngay trong đời hiện tại mà kết luận bất công được.
Thấy người
không làm mà không thiếu, còn người làm nhiều vẫn thiếu, đó là chúng ta
chỉ nhìn hiện tại mà quên quá khứ. Vậy nên nhân quả phải biết từ quá khứ
đến hiện tại, từ hiện tại đến vị lai. Hiện tại chúng ta tạo nhân xấu thì
vị lai phải chịu quả xấu. Hiện tại làm điều tốt thì vị lai hưởng quả tốt.
Phật tử biết để ngừa đón nhân xấu và luôn luôn tạo nhân tốt, đó là chúng
ta biết tu nhân quả.
Tu tức là
chúng ta phải làm sao mỗi ngày đều làm, đều nói, đều nghĩ những điều lành.
Ngăn đón không cho nghĩ, không cho nói, không cho làm những việc xấu, đó
là chúng ta tu từ gốc. Chúng ta đi trên con đường giác ngộ, trước nhất là
giác ngộ về lý nhân quả. Không phải nghe ông đồng bà bóng ở đâu cũng chạy
lại hỏi han chuyện này chuyện nọ. Đó là mê tín, không phải chánh tín,
không phải đạo Phật. Chúng ta là Phật tử thì ráng tỉnh đừng mê, vì còn mê
là còn cội gốc đau khổ.
Tất cả quí vị
đi tu là đã có giác ngộ chưa? Có rồi chứ. Nếu không giác ngộ làm sao cạo
đầu, mặc áo nhuộm, ở chùa được? Người đời quan trọng trang sức đẹp đẽ, ăn
uống ngon lành, mình không trọng những việc đó nên mới bỏ vô chùa, ăn uống
đạm bạc, đó là có giác ngộ rồi. Nhưng giác ngộ ấy mới là bước đầu, còn
phải giác tiếp tục giác luôn luôn mới được.
Tôi xin hỏi
quí vị đã đi tu rồi, có còn sợ chết không? Vẫn còn sợ chết. Thế thì quí vị
có biết mạng sống của chúng ta bao lâu? Bảy tám mươi tuổi phải không? Đây
là vấn đề tôi muốn nói cho tất cả nhận hiểu. Khi Phật còn tại thế, một hôm
Ngài hỏi các thầy Tỳ-kheo:
- Mạng người
sống được bao lâu?
Có thầy thưa:
- Bạch Thế
Tôn, mạng người sống được mười năm.
Phật nói:
- Ông chưa
thấy đạo.
Thầy Tỳ kheo
khác thưa:
- Mạng người
sống được một năm.
Phật lắc đầu
nói:
- Ông chưa
thấy đạo.
Cứ thế quí
thầy Tỳ-kheo thay nhau trả lời mạng người sống trong ba tháng, một ngày,
một bữa ăn… Phật đều lắc đầu nói: “Ông chưa thấy đạo”. Đến vị Tỳ-kheo sau
chót đứng dậy bạch:
- Thưa Thế
Tôn, mạng người sống trong hơi thở.
Phật gật đầu
nói:
- Ông đã thấy
đạo.
Như vậy chữ
đạo ở đây là gì? Là lẽ thật, là chân lý. Muôn người như một, có người nào
còn hơi thở mà chết đâu. Chỉ khi thở khì ra không hít vô mới chết. Thế thì
mạng sống chỉ trong hơi thở chớ gì? Bao nhiêu triệu người trên thế gian
cũng vậy. Nói gần, nói xa gì cũng sai hết, chỉ nói mạng sống trong hơi thở
là đúng lẽ thật.
Đạo Phật nói
lẽ thật, nhưng con người không quen nghe lẽ thật nên hơi buồn. Buồn vì
mạng sống mỏng manh quá, thở ra không hít vô thì chết. Nghe thế có người
sanh ra sợ, từ sợ nên không dám nói mạng mình ngắn ngủi, cứ tưởng mình
sống lâu cho vui một chút. Người tu phải thấy mạng sống trong hơi thở, đó
là lẽ thật.
Nhưng khổ nỗi,
lẽ thật nói ra người ta lại không ưa. Như ngày mùng một Tết, Phật tử tới
chùa, quí thầy chúc: “Chúc đạo hữu mạng sống trong hơi thở” thì bảo ông
thầy trù mình. Còn người thế gian chúc quí vị sống bá niên giai lão thì
vui lắm. Như vậy ở đời người ta chịu nói thật hay nói không thật? Nói
không thật mà người ta chịu. Nên con người từ từ bắt chước nói dối với
nhau, sống trong dối gạt mà vui, còn ai nói thật thì không chịu.
Người Nhật có
kể câu chuyện Hòa thượng chúc tết một vị Phật tử đến viếng chùa đầu năm
thế này: Chúc ông nội chết, bà nội chết, cha chết, mẹ chết, anh chết, chị
chết, đạo hữu chết, con chết. Vị cư sĩ kia nghe xong hoảng quá, không hiểu
sao ông thầy chúc lạ đời vậy. Hòa thượng giải thích, tôi chúc như vậy là
hạnh phúc đó. Tại sao? Vì theo thứ tự từ trên xuống ông bà chết trước rồi
tới cha mẹ, anh chị, tới mình và sau nữa là con mình. Như vậy là gia đình
có hạnh phúc, chỉ sợ con chết mà cha chưa chết mới khổ, mới bất hạnh.
Nhưng người ta
nghe nói chết sợ quá, liền tức giận. Cho nên nói đời không chịu nghe lẽ
thật, chỉ thích nghe những lời dua nịnh, tô điểm cho vui mà không ngờ đó
là gạt nhau. Đạo Phật là đạo giác ngộ, mà giác ngộ thì nói lẽ thật, chớ
không nói chuyện bâng quơ. Lẽ thật mới nghe hơi đau lòng một chút, nhưng
hiểu rồi việc tu hành sẽ tinh tấn. Như ta nghe mạng sống trong hơi thở,
nên quí tiếc từng chút thì giờ, tranh thủ làm gì có lợi cho mình, cho
người. Không dám chần chờ vì không biết tắt thở lúc nào. Càng thấy thời
gian ngắn ngủi ta càng tinh tấn, đó là cơ hội tốt.
Khi biết rõ
trên đời này không ai sống mãi, có ngày phải chết, nên chúng ta thấy chết
là một lẽ thật, không chạy trốn đâu được. Gần đây tôi đặt câu hỏi với một
số Tăng Ni: Giả sử quí vị đang ngồi nói chuyện với người bạn thân, có ai
đến nói thầy cô là giả, người bạn này cũng giả. Nghe như vậy quí vị vui
không? Chắc là không vui. Nhưng lúc ấy lỡ người bạn bị cơn đau tim ngã
đùng ra chết, bấy giờ nói sao? Mới phút trước đang nói chuyện với mình,
bây giờ tắt thở rồi. Nếu người bạn không thật thì mình thật không? Không
thật. Thế nhưng ta còn mà nói không thật thì không chịu, chừng nào tắt thở
mới chịu, nhưng lúc đó đâu còn mà chịu hay không chịu. Thật tình con người
không dám nhận lẽ thật.
Khi biết thân
này không thật, có ai chửi ta nghĩ mình không thật thì lời chửi có thật
đâu, nên không quan trọng gì hết. Giả sử gặp cảnh buồn cũng không quan
trọng. Được thế ta không còn lầm lẫn và cũng không tham đắm mọi thứ trên
thế gian này. Nếu có của chia sớt với nhau mà sống, vui vẻ được ngày nào
tốt ngày ấy, vì đâu có cái riêng cho mình. Mọi người khi biết được lẽ thật
rồi, ứng dụng tu rất hay, rất có kết quả.
Chúng ta cứ
tưởng lầm mọi sự là thật, nên ai nói gì trái ý là giận, làm gì buồn phiền
nhớ hoài không bỏ. Ôm ấp mãi tới ngày nhắm mắt đi đâu? Trong nhà Phật chia
ra sáu đường, đường xấu nhất là địa ngục, kế là ngạ quỉ, kế nữa là súc
sanh, đây là ba đường ác. Tốt hơn là ba đường lành tức người, a-tu-la và
trời. Hiện giờ ai nuôi tâm thù oán, giận hờn, ác độc, tham lam... là đi ba
đường dữ. Còn ai có tâm thương người, cứu giúp kẻ nghèo khó, làm việc lợi
ích cho mọi người sẽ đi trên ba đường lành.
Bây giờ quí
Phật tử thử kiểm lại trong lòng mình, xem có đủ các đường đó không? Khi
thì mình dữ như cọp, lúc lại hiền như voi. Ngày nay chúng ta biết nhân nào
đưa xuống địa ngục phải chừa tránh đi, nhân nào đưa mình trở lại làm
người, hưởng phước báu thì cố gắng làm. Đó là chúng ta khéo tu, chớ đừng ỷ
lại, đừng cầu xin. Phật tử mình có tật hay ỷ lại quá, cứ mỗi tháng cúng
chùa vài ba trăm gì đó, rồi mời thầy lại cầu an. Nếu thầy không đi liền
giận, nói thầy không thương. Cha mẹ mất mời thầy tới cầu siêu, mỗi tuần
phải đến. Nếu tuần nào thầy bận việc không đi được cũng buồn, cũng giận.
Như vậy Phật tử tu giỏi chưa? Nếu tu giỏi, biết rằng cha mẹ khi sanh tiền
làm lành thì được hưởng phước lành, còn làm ác thì chịu quả ác. Quí vị
thương cha mẹ thì tới chùa nhờ quí thầy tụng kinh cầu nguyện, trợ lực một
phần thôi, để thời giờ quí thầy tu học. Nếu một trăm bổn đạo có đám, một
trăm chỗ mời các thầy đi. Đi riết đâu có thì giờ mà tu, đã không tu thì
làm sao có công đức cầu an cầu siêu cho quí vị.
Đó là Phật tử
thương hay hại quí thầy? Muốn cho đạo được tốt hay làm cho đạo suy vi?
Phật tử mời quí thầy không đi thì buồn, nghĩ mình cúng chùa nhiều mà mời
không đi. Thôi ngang đây từ giã không đến chùa nữa. Nghĩ như thế có phải
là tu chưa? Hiểu cho đáo để, người Phật tử chân chính phải biết trọng thời
giờ tu hành của quí thầy, quí cô. Làm sao ủng hộ quí thầy quí cô tu được,
không nên nghĩ riêng tư cho mình. Đó là người Phật tử hiểu đạo, quí đạo.
Nhiều người
cho rằng, cúng quí thầy quí cô giống như đóng tiền bảo hiểm vậy. Khi nào
ba má bệnh rước thầy cô về cầu an, nếu chết rước về cầu siêu. Thầy cô làm
hết cho mình, lúc nào cũng trông cậy, ỷ lại vào thầy cô. Ỷ lại như vậy là
mê chớ không phải giác, tinh thần này không phải của người Phật tử. Quí vị
nên hiểu thật kỹ, chúng ta tu xứng đáng là người Phật tử chân chính, đừng
tu cho có tiếng mà không thực hành gì cả.
Tôi mong tất
cả Phật tử thương Tăng Ni, trợ lực giúp đỡ cho Tăng Ni có thời giờ tu
được, có thờ giờ nghiền ngẫm Phật pháp, có thì giờ toạ thiền tụng kinh.
Thầy cô tu có kết quả rồi, khả dĩ mới đem lại lợi ích an vui chân thật cho
quí Phật tử. Đó là nói về tinh thần tu tập chân chánh của Phật tử.
Bây giờ tôi
nói qua phần hơi cao siêu hơn một chút. Trong đạo Phật có dạy ba điều để
được giải thoát sanh tử: một là giới tuệ, hai là định tuệ, ba là trí tuệ;
còn gọi là Giới học, Định học, Tuệ học. Ba môn này nhà Phật gọi là Tam
giải thoát môn, tức ba môn tu học để được giải thoát sanh tử. Người Phật
tử hay Tăng Ni nào muốn tu giải thoát, đều phải qua ba môn này hết.
Thứ nhất nói
về Giới. Ví dụ Phật tử tại gia giữ năm giới: không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu mạnh, không hút á phiện…
Giả sử có một Phật tử ban ngày phạm tội trộm cắp, tối về ngồi lần chuỗi
niệm Phật, lúc đó nhớ Phật hay nhớ món đồ mình lấy của người ta? Ngồi niệm
Phật nhưng không biết người ta có đuổi theo mình không, tâm bất an. Như
vậy khi phạm giới tâm không an, tâm không an thì tu định không được.
Hàng xuất gia
cũng vậy, trong mười giới Sa-di giữ không được thì tự nhiên chúng ta cũng
bị bất an. Ví dụ nhỏ thôi, giới chót của Sa-di là giới không ăn phi thời.
Giả sử chiều ăn phi thời một chút, quen như vậy rồi, bữa nào hơi thiếu
không ăn có buồn không, có chạy kiếm không? Chắc có. Cho nên giới mình
không giữ được tròn, nó cũng làm rối cho mình. Vì vậy người xưa tu giữ
giới rất kỹ. Nhờ giữ giới kỹ nên tâm an định, tâm an định thì ngồi thiền
mới phát sinh trí tuệ.
Người tu theo
đạo Phật phải thực hiện ba môn vô lậu Giới Định Tuệ cho tròn đủ. Vì đây ba
môn học không rơi không rớt lại nên được giải thoát sanh tử. Quí Phật tử
tại gia nếu giữ tròn năm giới, đời này tu thanh tịnh, đời sau bảo đảm trở
lại làm người, vì quí vị đã tu Nhân thừa Phật giáo, giữ tròn tư cách con
người. Nếu người xuất gia giữ tròn mười giới trở lên, đó là tu nhân giải
thoát. Vì vậy Phật chế giới đi đầu, rồi tới định tức thiền định, sau là
tuệ. Nói thiền định, có một số vị tu niệm Phật tưởng mình không có định.
Không phải. Trong kinh Di Đà, Phật dạy niệm tới nhất tâm bất loạn, tâm
không còn dấy động nữa, đó là định. Tu niệm Phật cũng định, tu thiền cũng
định. Được định rồi mới phát sinh trí tuệ phá trừ vô minh, giải thoát sanh
tử.
Đạo Phật dạy
ngay nơi con người của chúng ta có cái giả lồng trong cái thật, mà mình
không biết. Cái nào giả? Phật bảo Thân tứ đại này là giả dối, vì đủ duyên
nó hợp thiếu duyên nó tan. Như vậy duyên hợp rồi duyên tan, có gì thật
đâu. Còn thở nói là thân, tắt thở đâu còn thân nữa mà nói thật. Thân không
thật nhưng chúng ta ngỡ là thật, nên chấp vào nó tạo không biết bao nhiêu
nghiệp ác. Vì vậy Phật dạy phải thấy rõ thân này duyên hợp, không thật. Đó
là điểm thứ nhất.
Chúng ta biết
thân không thật rồi, tới tâm có thật không? Tâm của chúng ta là gì? Chữ
Tâm chữ Hán chỉ cho cái biết. Cái biết đó chúng ta đang mắc kẹt bởi những
suy nghĩ, hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất… rồi cho cái suy nghĩ đó
là tâm mình. Nếu suy nghĩ là tâm thì từ sớm tới chiều, quí vị suy nghĩ
chừng bao nhiêu lần? Vô số. Nghĩ này lặng, nghĩ khác dấy lên liên miên.
Cái nghĩ đó chợt có rồi mất, như vậy nói nó thật được không?
Vậy mà chúng
ta chấp cái suy nghĩ đó là tâm mình thật, rồi bao nhiêu phiền hà, buồn
vui, khổ đau đều cho là tâm mình. Tâm tôi vui, tâm tôi buồn, tâm tôi khổ…
Thế thì chúng ta có bao nhiêu tâm? Từ khi cha mẹ sanh cho tới lúc nhắm
mắt, mình là một hay nhiều? Ta chỉ có một, chớ đâu phải nhiều. Nếu khi
nghĩ lành là tâm mình, thì lúc nghĩ dữ là tâm ai? Nếu nghĩ lành cũng mình,
nghĩ dữ cũng mình, nghĩ phải cũng mình, nghĩ quấy cũng mình, thì mình là
cái tùm lum phải không? Nên biết cái suy nghĩ đó không phải thật mình.
Chúng ta vì lầm nó là mình nên chấp chặt vào đó, rồi sanh ra thù oán giận
hờn, tạo nghiệp đi trong sanh tử.
Bây giờ muốn
thoát trầm luân sanh tử thì phải dừng tâm tạo nghiệp. Đó là một điều hết
sức khó, nhưng chúng ta có khả năng làm được. Tại sao? Vì muốn đừng chạy
theo nghĩ suy hơn thua phải quấy, chúng ta chỉ việc nhớ thân này không
thật, tâm suy nghĩ phân biệt cũng không thật, nên không chạy theo nó.
Không chạy theo tâm lăng xăng đó, lúc đó chúng ta biết hay không biết? Ví
dụ khi quí vị ngồi chơi trong vườn mát một mình, không nghĩ gì hết, lúc đó
có biết không? Gió thổi nghe mát, chim kêu nghe tiếng, ai đi ngang ta đều
thấy biết rõ ràng. Cái biết đó tức là tâm chân thật vậy.
Chúng ta có
cái tâm thầm lặng không sanh không diệt luôn hiện hữu, mà mình quên. Vì
quên nên ta cứ chấp thân sanh diệt là mình, tâm sanh diệt là mình. Cứ thế
tạo nghiệp luân hồi không có ngày cùng. Cho nên Phật dạy tu là định, là
yên cái tâm sanh diệt đó. Để cho nó lặng xuống mà mình vẫn hiện tiền, vẫn
biết, chừng đó mầm sanh tử mới hết. Nên nói định rồi tới tuệ, tuệ tức là
giác ngộ viên mãn.
Nếu muốn tu ra
khỏi sanh tử phải đi từ Giới Định Tuệ. Phật thấy rõ nơi con người chúng ta
có của quí mà mình không biết. Nên trong kinh Pháp Hoa, Phật ví dụ kẻ
nghiền rượu đi lang thang xin ăn khổ sở. Chợt gặp người bạn giàu dẫn về
đãi đằng xong, anh bạn có việc gấp phải đi. Trước khi đi, anh lấy hòn ngọc
quí bỏ trong túi áo người bạn nghèo, nghĩ rằng tới chừng tỉnh dậy, anh bạn
sẽ mò trong túi lấy hòn ngọc quí ra dùng, sẽ trở nên giàu to. Không ngờ
bạn anh không biết, vẫn cứ đi ăn xin lang thang. Tới chừng gặp lại, người
bạn liền quở “Tại sao ngày xưa tôi cho anh hòn ngọc quí, mà anh vẫn còn đi
ăn mày?” Chừng đó người bạn nghèo mới sờ vô túi, thấy mình có hòn ngọc quí
mà bấy lâu nay không biết.
Hòn ngọc quí
đó Phật dụ cho tâm chân thật hiện tiền sẵn có nơi mỗi chúng ta. Tâm này là
cái biết hằng hữu không sanh không diệt, luôn hiện tiền nơi mình, nên gọi
là hòn ngọc quí. Còn cái biết hơn thua phải quấy… là cái biết sanh diệt,
tạo nghiệp. Nghĩ lành thì tạo nghiệp lành, nghĩ dữ thì tạo nghiệp dữ. Tạo
nghiệp lành thì đi đường lành, tạo nghiệp dữ thì đoạ đường dữ. Nên cái
biết suy nghĩ phân biệt không ra khỏi sanh tử.
Tất cả pháp tu
của đức Phật dạy cuối cùng đều qui về chỗ định tâm. dừng được tâm sanh
diệt, tâm tạo nghiệp thì mới giải thoát sanh tử. Như giáo lý Nguyên thủy
dạy tu cho tới Diệt thọ tưởng định mới chứng quả A-la-hán. Pháp niệm Phật
dạy phải niệm Phật tới nhất tâm bất loạn, nghĩa là không còn một niệm lăng
xăng, mới thấy Phật Di-Đà. Còn giáo lý Đại thừa dạy pháp Lục độ: bố thí,
trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Rõ ràng từ thiền định
mới có trí tuệ. Trí tuệ này là trí tuệ vô sư, siêu xuất thế gian.
Ngày xưa đức
Phật ra đời cách chúng ta hơn hai ngàn năm, chưa ai dám nói ngoài vũ trụ
này có vô số thế giới. Vậy mà với trí tuệ siêu việt này, đức Phật thấy thế
giới nhiều như cát sông Hằng. Như vậy đủ biết trí vô sư có năng lực lớn
lao đến thế nào. Nơi mỗi chúng ta có khả năng phi thường mà mình không
biết, cứ dùng những thứ tạm bợ tầm thường làm chỗ tựa cho mình. Chấp thân
sanh diệt là mình, chấp tâm sanh diệt là tâm mình mà quên cái tâm hằng
giác thanh tịnh, sáng suốt. Nếu ta lặng được tâm sanh diệt thì mới giác
ngộ viên mãn, gọi là thành Phật.
Nói đến người
tu là nói đến người đang làm một việc phi thường, chớ không phải tầm
thường. Nhưng đáng thương, gần đây Tăng Ni hay làm việc tầm thường, không
dám vươn lên chỗ phi thường kia. Cái đó là cái khả năng sẵn có của mình,
chớ không phải không có. Vì đang có nên chúng ta có quyền trở về với nó,
có quyền hưởng những kỳ đặc mà nó đã chứa sẵn. Vì vậy nói tới tu Phật là
nói tới con đường giác ngộ giải thoát. Người thế gian không bao giờ dám
nghĩ tới, chỉ mong đời sau hưởng phước khá hơn đời này vậy thôi.
Nhiều Phật tử
nói nghe rất hiền lành, tôi tu không muốn gì hơn là được về Cực Lạc làm
tôi tớ cho Phật. Chỉ muốn nhỏ nhỏ vậy thôi! Thật ra Phật dạy chúng ta tu
để thành Phật, chớ đâu phải làm tôi tớ cho Ngài. Đức Phật là bậc tự thọ
dụng, đâu cần ai phải phục vụ. Phật tử tự biện luận cho mình, không dám
khai triển năng lực vô hạn nơi mình nên nói nghe như hiền lắm vậy. Thật ra
đó là tự đánh mất khả năng giác ngộ của mình, rất đáng thương xót!
Chúng ta có
phước lớn mới gặp được giáo pháp cao siêu tuyệt vời của Phật. Pháp Phật
tuyệt vời vì nó mang tính bình đẳng. Tại sao bình đẳng? Vì Phật có tánh
Phật, chúng ta cũng có tánh Phật. Ai cũng có hết, nếu mình biết trở về thì
tất cả đều thành Phật. Vậy mà Phật tử không muốn bình đẳng, cứ muốn làm
tôi tớ Phật, hài lòng với cái tôi tớ đó, chớ không chịu làm Phật. Mà Phật
không muốn cho chúng ta làm tôi tớ Ngài, Phật muốn chúng ta thành Phật như
Ngài. Khả năng đó chúng ta làm được, chỉ cần gan dạ biết đúng như thật
thôi.
Cho nên tu
theo đạo Phật không nên chán nản cũng không nên tự khi mình, mà phải cố
gắng. Đừng nghĩ những bậc tôn túc, đức hạnh cao siêu mới làm được, còn
mình vô phần. Tất cả chúng ta đều có khả năng đi tới chỗ cứu kính chân
thật. Trong kinh Phật nói tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật hoặc có chỗ
nói đều đã thành Phật. Nói sẽ thành Phật, chúng ta còn hy vọng, chớ nói đã
thành Phật nghe sợ quá. Thành hồi nào đâu? Nhưng thật ra đứng trên mặt vô
sư trí sẵn có của mình, Phật nói chúng ta đã thành Phật từ lâu. Vì đã có
sẵn tánh Phật rồi nên có sẵn trí vô sư. Nhưng đứng về sự tu hành thì chúng
ta cố gắng sống trở về tánh thật ấy, nên nói sẽ được thành Phật.
Chúng ta rất
là đủ phước, đủ duyên nên ngày nay ra đời gặp Phật pháp tu hành. Dù không
có đức Phật hiện tiền, nhưng pháp của Ngài vẫn còn, chúng ta nên gìn giữ,
bảo vệ hạt giống tốt đừng cho nó tiêu mòn, cố gắng nuôi dưỡng càng ngày
càng tăng trưởng. Nhất là giới tu sĩ phải làm sao thấy rõ rằng chúng ta có
đủ khả năng vươn lên, tiến tới chỗ giải thoát sanh tử, để cứu độ cha mẹ,
thân quyến và tất cả chúng sanh. Không phải đi tu để yên phần mình, để
được nhẹ nhàng khỏi lo nghèo đói, mà đi tu để làm một việc lớn lao là giải
thoát sanh tử, cứu độ chúng sanh đều được giải thoát sanh tử.
Tôi mong tất
cả Tăng Ni và Phật tử nghe giảng xong, suy ngẫm kỹ càng, cố gắng tu. Đó là
con đường chúng ta đã tìm gặp, không nên bỏ mất, không nên thả trôi uổng
một đời quí báu. Mỗi chúng ta phải làm sao tự nhận lại ông Phật của chính
mình, sống và trân quí ông Phật đó, mới xứng đáng là người tu Phật chân
chánh. |