NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT TRONG SỰ TU HÀNH
Thiền tự Hỷ Xả
– Nam Úc - 2002
Đây là lần thứ
hai chúng tôi đến đây giảng Phật pháp. Sau lần này, không biết còn có
duyên trở lại nữa không, nên hôm nay chúng tôi nói hết những điều cần
thiết trong sự tu hành cho quí Phật tử nghe hiểu và ứng dụng tu.
Nói về những
điều cần thiết trong sự tu hành, ở đây tôi nêu ra hai nghi vấn:
Nghi vấn thứ
nhất, tại sao trong đạo Phật nhất là Phật giáo Việt Nam hiện nay, đa số
các chùa dạy tu Tịnh độ, niệm Phật cầu về Cực Lạc dễ tu, mà tôi lại chủ
trương tu thiền, khó khăn nhọc nhằn?
Nghi vấn thứ
hai, thời đại ngày nay thời gian rất quí báu. Một ngày, một buổi, một giờ
đều rất quí, thế mà Tăng Ni ngồi thiền ngó xuống im lìm cả một giờ, hai
giờ. Như vậy có phí phạm thời giờ không?
Tôi sẽ tuần tự
giải thích từng vấn đề một cho quí Phật tử biết.
Vấn đề thứ
nhất, hiện nay Phật giáo Việt Nam phần đông đều tu Tịnh độ, phương pháp
này rất dễ tu. Tại sao tôi lại dạy tu thiền? Tu thiền khó hay dễ? Lý do
thứ nhất, nếu đọc lịch sử đức Phật, quí Phật tử thấy Ngài tu cách nào được
giác ngộ thành Phật? Ai cũng biết Ngài tu thiền. Hiện giờ chúng ta nhìn
lên tượng Phật Thích Ca, thấy khắc tượng Ngài ngồi thiền. Chúng ta là đệ
tử của Phật thì tu theo Ngài là hợp lý. Nếu Phật tu một đường, mình hướng
một nẻo thì quả là không trung thành với Phật. Ngài đã ứng dụng tu thiền
thành công, đạt kết quả viên mãn, ngày nay chúng ta là đệ tử Ngài, ứng
dụng theo con đường Phật đã đi, điều này không ai có thể chối cãi được.
Lý do thứ hai,
đệ tử của đức Phật thời Ngài còn tại thế cũng như sau khi Ngài nhập diệt
đều cũng đều tu thiền chứng quả A-la-hán. Từ tổ Ca Diếp được truyền tâm ấn
mãi cho tới chư Tổ thế kỷ gần đây đều nương pháp tu thiền mà chứng quả,
thành Tổ. Ở Việt Nam chúng ta, những bài vị thờ chư Tổ trong các chùa cổ,
đều ghi kế thừa các dòng thiền ở Trung Hoa hoặc Việt Nam. Đến cuối thế kỷ
XVIII tới thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam bắt đầu chuyển sang tu Tịnh độ.
Như vậy đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ XIX, tổng
cộng mười sáu thế kỷ, chư Tổ đều tu thiền. Chỉ một hai thế kỷ sau này các
Ngài mới tu Tịnh độ. Thế thì cái nào gốc, cái nào ngọn? Chúng tôi có bổn
phận hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu, nên khơi dậy cội gốc cho quí vị biết rõ
để ứng dụng tu hành, nếu không chúng ta sẽ đi lệch.
Hiện nay, trên
thế giới những nước có đạo Phật như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cao
Miên đều tu thiền, chỉ có ở Việt Nam tu Tịnh độ. Điều này cũng có lý do,
nhưng trong phạm vi bài giảng này, thời gian có hạn, chúng tôi tạm gác
qua. Chúng tôi muốn người Phật tử tu theo đạo Phật phải nắm vững cái gốc,
biết tột cái nguồn. Chớ không thể nghe người ta nói liền tin mà không hiểu
rõ nguồn gốc tu hành của mình. Vì vậy chúng tôi cố khơi dậy pháp môn tu
thiền.
Quí Phật tử
thường hoang mang, tu thiền có một phương pháp hay nhiều phương pháp?
Nhiều Phật tử nghiên cứu kinh điển Nguyên thủy, thấy dạy tu thiền Tứ niệm
xứ hoặc quán hơi thở. Nhưng chúng tôi dạy hơi khác. Tôi sẽ giảng trạch chỗ
khác ấy cho quí Phật tử biết rõ.
Khi đức Phật
Thích-ca Mâu-ni thành đạo dưới cội Bồ-đề, thời gian đầu Ngài chần chờ
không muốn truyền bá giáo pháp. Đến khi chư thiên xuống đảnh lễ, cầu xin
Ngài nên vì chúng sanh mà lập bày phương tiện giáo hóa. Lúc trước đọc sử
tới đoạn này tôi hơi ngạc nhiên. Vì đức Phật phát thệ nguyện lớn, thị hiện
nơi đời để độ chúng sanh, sao bây giờ thành Phật rồi, Ngài không chịu đi
truyền bá chánh pháp, đợi năn nỉ mới chịu thuyết pháp.
Về sau nghiên
cứu kỹ tôi mới thấy rõ, quả là chỗ đức Phật thấy, đức Phật được không thể
nói cho người thế gian hiểu. Tại sao? Bởi vì chỗ đó ngược hẳn với cái thấy
của người phàm tục, nên làm sao nói giảng cho họ hiểu được. Vì vậy Phật
không muốn nói. Khi chư thiên nài nỉ Phật dùng phương tiện giáo hóa chúng
sanh, từ từ sẽ có người hiểu. Phật xét thấy điều này hợp lý nên kể từ đó
mới chuyển bánh xe đại pháp.
Bài pháp đầu
tiên ở vườn Lộc Uyển là bài Tứ đế, nói đủ là Tứ diệu đế. Lâu nay người học
Phật xem đây là chân lý đầu tiên, đức Phật trình bày rất đúng, rất thật.
Nhưng đó là phương tiện, chớ không phải chỗ cứu kính chân thật. Nếu quí vị
có đọc kinh Kim Cang, kinh Viên Giác sẽ thấy Phật dạy rằng: Pháp của Phật
như con thuyền hay chiếc bè đưa người qua sông. Khi lên bờ rồi phải bỏ
chiếc bè. Kinh Viên Giác nói, ví như người muốn thấy mặt trăng đêm mùng
năm, mùng sáu. Vì nó nhỏ khó thấy, người ấy hỏi bạn mình mặt trăng ở đâu?
Người bạn thấy được liền lấy tay chỉ bảo “mặt trăng ở đó”. Nương ngón tay
người kia nhìn thấy mặt trăng. Khi thấy mặt trăng rồi ngón tay là vô
nghĩa. Cũng thế, pháp của Phật dạy là phương tiện, giống như ngón tay để
chỉ cho chúng ta đi tới chỗ chân thật. Chỗ chân thật ví như mặt trăng, đạt
được chỗ chân thật rồi thì phương tiện phải bỏ.
Chúng ta nên
biết pháp Phật là phương thuốc trị lành tâm bệnh cho chúng sanh. Bệnh lành
thì thuốc phải bỏ. Giả sử bây giờ chúng ta bị sốt rét phải uống thuốc sốt
rét. Khi bệnh đã lành hoàn toàn, nếu thấy thuốc hay quá tiếp tục uống nữa
thì sao? Bệnh trở lại. Cho nên bệnh lành rồi phải bỏ thuốc.
Pháp của Phật
dạy là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sanh có bệnh nào Phật cho thứ thuốc ấy.
Ví dụ người tham ái nhiều, Phật dạy phương thuốc quán bất tịnh. Thấy thân
nhơ nhớp quá sanh gớm nên hết tham ái. Người hiếu danh nhiều Phật dạy quán
vô thường, danh vọng được rồi sẽ mất, chớ không bền, nhờ quán như thế nên
bớt hiếu danh. Từng phương thuốc trị từng bệnh cho chúng sanh. Nhưng tất
cả đều là phương tiện chớ không phải cứu kính. Ban đầu Phật dùng phương
tiện dẫn dắt chúng ta, từ từ đi tới kết quả là cứu kính. Thế nên muốn đến
chỗ cứu kính, trước phải qua phương tiện, nhưng đạt được cứu kính rồi thì
phải bỏ phương tiện.
Chúng ta ngày
nay cứ đem kinh đọc cho Phật nghe hoài, cho đó là tu kỹ. Ngày nào cũng đem
kinh ra đọc mà không hiểu được ý Phật dạy. Học kinh để hiểu, hiểu để tu
chớ không phải đem đọc cho Phật nghe. Phật tử chẳng những đọc cho Phật
nghe, mà còn tính bộ với Ngài nữa. Quả thật là một sai lầm đáng thương!
Sau một thời
gian truyền bá lâu, đức Phật thấy tâm của các đệ tử đã thuần thục. Một hôm
trên hội Linh Sơn, Ngài đưa hoa sen lên rồi nhìn toàn thể hội chúng. Các
thầy Tỳ-kheo ngơ ngác không biết Phật muốn dạy gì, nhưng khi Phật nhìn tới
ngài Ca Diếp thì Tôn giả nhìn lại Phật mĩm cười. Phật liền xác nhận Ngài
là người hiểu Phật và truyền tâm ấn của Như Lai cho tức thì.
Chúng ta thấy
bài thuyết pháp đó có ngôn ngữ gì không? Chỉ đưa cành hoa thôi, rồi nhìn
hết hội chúng không nói một lời. Những người ngơ ngác thì thôi, chỉ có
ngài Ca Diếp mĩm cười. Phật biết Tôn giả đã lãnh hội được cái Phật muốn
chỉ, nhưng nó không có lời. Từ đó về sau ngài Ca Diếp truyền bá thiền tông
ở Ấn Độ, trải qua hai mươi tám vị Tổ. Tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề-đạt-ma,
Ngài lại truyền sang Trung Hoa sáu vị nữa. Sau đó người ngộ đạo đông quá
nên không truyền riêng nữa, mà mở rộng thiền tông cho nhiều người tu,
nhiều người hiểu. Đó là pháp tu đức Phật đã ngộ nhưng không thể nói được.
Vì thế Ngài mượn phương tiện giáo hóa, nương nơi đó mà thấy được cái chân
thật. Cũng vì “cái đó” khó thấy khó nhận, nên chỉ một ít vị căn tánh nhậm
lẹ mới thâm nhập được thôi.
Như vậy pháp
ấy khó hay dễ? Tổ Đạt-ma khi sang Trung Hoa có đặt bốn câu kệ, được nhà
thiền xem như phương châm để nhắc nhở thiền tăng:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Bất lập văn tự
là không lập văn tự, chữ nghĩa gì hết. Giáo ngoại biệt truyền là truyền
ngoài giáo lý, kinh điển. Trực chỉ nhân tâm là chỉ thẳng tâm người. Kiến
tánh thành Phật là thấy tánh liền thành Phật.
Tại sao truyền
ngoài giáo lý? Vì giáo lý là phương tiện, mà ở đây không dùng phương tiện,
chỉ thẳng thôi. Nên nói trực chỉ nhân tâm, thấy tánh thành Phật. Vì thế
các Thiền sư thường chọn những người can đảm, chí khí trượng phu mới
truyền tâm ấn.
Ngài Huệ Khả
trước tên Thần Quang, tu thiền cũng lâu. Khi nghe Tổ Đạt-ma sang Trung
Hoa, ở chùa Thiếu Lâm ngồi xây mặt vào vách núi, mấy năm không nói chuyện
với ai. Ngài tìm tới không biết làm sao thưa. Lúc ấy nhằm mùa đông tuyết
xuống tới đầu gối, Ngài vẫn đứng thản nhiên từ đầu hôm đến sáng để cầu
đạo. Biết được, Tổ xoay lại hỏi:
- Ông cầu cái
gì mà chịu khổ hạnh vậy?
Ngài thưa:
- Cúi mong Hòa
thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.
Tổ bảo:
- Diệu đạo vô
thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm,
hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là dùng chút
công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa ư?
Nghe thế, Ngài
liền đi ra phía sau, mượn cây dao chặt một cánh tay dâng lên Tổ để tỏ lòng
thiết tha cầu đạo. Tổ Đạt-ma đồng ý và nhận làm đệ tử, đặt tên là Huệ Khả.
Huệ là trí tuệ, Khả là khá. Ý Tổ khen ngài Thần Quang có trí tuệ khá lắm
nên mới dám hy sinh như vậy.
Khi được nhận
làm đệ tử rồi, một hôm Ngài thưa với Tổ Đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con
không an xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Tổ Đạt-ma không trả lời
thẳng, mà bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả xoay lại tìm một hồi,
tâm bất an mất tiêu, không thấy nó ở đâu. Ngài liền thưa: “Bạch Hòa
thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”.
Ngay đó ngài Huệ Khả liền biết đường vào.
Phật tử ai có
tập ngồi thiền rồi, mới thấy tâm mình lăng xăng lộn xộn thế nào. Cho nên
ngài Huệ Khả xin pháp an tâm là điều hợp lý vô cùng. Chúng ta cũng giống
hệt vậy thôi. Nhưng câu trả lời của Tổ dường như hơi ngược ngạo, dạy pháp
an tâm mà lại bảo “đem tâm ra ta an cho”. Chính chỗ này ngày xưa tôi cứ
ngỡ dường như Tổ đùa chơi vậy. Người ta tha thiết học hỏi, mà Tổ lại như
đùa, không ngờ ngài Huệ Khả lãnh hội được. Đó là điều chúng ta thấy khó
hiểu.
Sau này khi
nhập thất tu, chúng tôi đọc lại sử, mới giật mình thấy cái ngu trước. Bởi
vì chúng ta bị si mê nên mãi chìm trong sanh tử. Si mê cái gì? Si mê chấp
thân này là thật, chấp suy nghĩ lăng xăng là tâm mình thật. Hai cái si mê
này khiến chúng ta cứ tạo nghiệp, đi mãi trong sanh tử.
Hiện giờ quí
vị đều thầm đồng ý thân này thật nên mới quí, mới lo đủ thứ cho nó. Nếu ai
nói không thật quí vị tin không? Chắc khó tin. Ví dụ có hai người đối
trước một món đồ giả, một người nói thật, một người nói giả. Vậy trong hai
người đó, ai ngu ai trí? Giả mà tưởng thật là ngu, còn giả biết giả là
trí. Vậy tôi đặt câu hỏi lại, thân này thật hay giả? Giả. Nếu quí vị chỉ
thấy giả theo câu hỏi của tôi, thì khi ra khỏi giảng đường này sẽ thấy nó
thật hết. Đó là chỗ mê lầm của chúng ta.
Tôi đơn cử ví
dụ thế này, như quí vị đang ngồi nói chuyện chơi với người thân, bất thần
người ấy đứt gân máu ngã xuống tắt thở. Khi còn nói chuyện ta gọi đó là
thật, đến lúc tắt thở mới biết nó giả. Nếu thật thì lúc nào cũng thật,
trước thật sau cũng thật. Mọi người khi còn đi đứng, nói năng đều cho là
thật, đến chừng ngã ra chết ai cũng bảo giả hết. Như vậy là sao? Chẳng lẽ
nửa thật nửa giả. Thật ra trong giả có thật mà chúng ta không biết, nên
lầm cho nó hoặc toàn giả hoặc toàn thật.
Chúng ta thử
xét lại xem, hiện giờ mình sống đây, lỗ mũi đang thở. Hít vô là mượn không
khí bên ngoài vào. Thở ra là trả không khí ra ngoài. Hít vô trả ra đều đều
thì sống. Hít vô mà không trả ra không được, trả ra mà không hít vô thì
chết. Như vậy thật ở chỗ nào? Nếu thật thì khỏi mượn, đã mượn thì không
thật. Một lát mượn tách nước, chút xíu lại trả ra. Đem vô trả ra. Đem vô
được mà trả ra không được thì đi cấp cứu. Mượn trả đều đặn thì yên, không
đều đặn không yên. Lâu hơn nữa thì mượn chén cơm. Mượn rồi cũng phải trả.
Rõ ràng thân này sống bằng sự vay mượn liên tục. Đã vay mượn mà nói thật
thì biết trí tuệ chúng ta tới cở nào? Chẳng lẽ mình ngu hết sao! Thế mà ra
đường ai nói ngu đâu có chịu, trong khi thực sự mình ngu quá chừng? Nói
thế để thấy chúng ta đang mê lầm. Từ mê lầm đuổi theo thân, lo cho nó, rốt
cuộc rồi cũng mất. Như vậy có đáng thương không?
Đức Phật giác
ngộ thấy thân này giả, do đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Chất cứng là
đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ này cứ đem vô trả
ra. Còn mượn còn trả thì còn sống, mượn mà không trả ra thì chết. Như vậy
ta có thân này, chẳng qua là cuộc sống vay mượn. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, quí
vị thường cho những suy nghĩ phân biệt là tâm mình. Vì thế buồn, thương,
giận, ghét… đều là tâm ta. Nói “tôi buồn quá” thì buồn là tôi. Tôi vui,
tôi giận, tôi ghét v.v… tất cả là tôi hết. Cả trăm thứ, biết cái nào là
tôi thật? Nên không có cái tôi thật. Như ta đang có chuyện buồn, bất thần
một người bạn tri kỷ từ xa về, gặp lại nhau mình vui liền. Như vậy buồn
không thật, nếu thật khi vui đến buồn đi đâu? Như vậy vui buồn không phải
thật mình, chỉ là cái tạm bợ qua mất, mà ta lại chấp nó là tâm mình. Từ
chấp đó, ta nghĩ việc này phải làm như thế này mới đúng, làm khác là sai.
Nếu ai đề nghị khác mình, hoặc phản đối ý kiến nghĩ của mình, ta sẽ nổi
nóng liền. Bởi chấp tâm suy nghĩ là mình, nên phiền não phát sinh.
Song chúng ta
thử hỏi lại, những suy nghĩ của mình có đúng trăm phần trăm không? Nếu ai
cũng nghĩ đúng trăm phần trăm thì bây giờ nhà toàn cả chục tầng, chớ không
phải một hai tầng. Vì khi nghĩ đúng khi nghĩ trật, nên làm ăn mới thất
bại. Nếu nghĩ đúng hết đâu có thất bại. Cuộc đời này thất bại nhiều, thành
công ít, chứng tỏ con người nghĩ sai nhiều, nghĩ đúng ít. Vậy mà ai cũng
cố chấp cái nghĩ của mình là đúng, rồi sanh buồn giận, thương ghét đủ thứ
hết.
Lại nữa, những
khi ta khởi nghĩ thì thấy có nó, nhưng khi không nghĩ nó ở đâu? Tìm không
ra. Không có chỗ, không có hình tướng nên biết nó không thật. Lúc ngồi
thiền, ý cứ nghĩ lăng xăng hoài, ta bực mình nói tâm bữa nay xao động quá.
Như thế cho cái nghĩ lăng xăng xao động ấy là tâm mình. Phật bảo đây là kẻ
mê.
Vì vậy khi
ngài Huệ Khả nói tâm con không an, tổ Đạt-ma biết Ngài đang lầm cái suy
nghĩ là tâm thật, nên bảo “đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả tìm lại
tâm, giật mình không thấy nó ở đâu, mới thật thà thưa: “Con tìm tâm không
được”. Tổ bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Như vậy an tâm bằng cách nào?
Chỉ là nhìn lại tâm bất an xem nó từ đâu ra. Nhìn lại nó mất tiêu, đó là
an tâm rồi. Tổ chỉ thẳng tâm mình, không có phương pháp nào nên gọi là
trực chỉ nhân tâm. Cái nào giả biết nó giả, để hiện bày cái thật. Rất đơn
giản.
Quí vị ngồi
thiền, nghĩ cái này nghĩ cái kia, cho đó là tâm nên bị nó dẫn hoài. Nếu
biết những suy nghĩ ấy vốn hư giả, không thèm theo thì nó hết dẫn ta. Như
vậy tu dễ hay khó? Rất dễ. Chỉ hết mê là giác. Biết những gì không thật,
chúng ta tỉnh không theo liền hết mê. Tu Phật quan trọng nhất là tìm ra
cái không thật. Tìm được cái không thật rồi mới hiển bày cái thật.
Lối dạy này có
phương pháp không? Không có phương pháp. Có hợp với kinh điển không? Không
có kinh nào nói “đem tâm ra ta an cho” hết. Vì chỉ thẳng nên không đi
trong kinh điển, không có một pháp cho người. Tự mình nhìn lại bằng trí
tuệ của mình. Nhìn lại để biết cái gì không thật, đừng lầm nó nữa. Lâu nay
chúng ta cứ nhận hư giả là mình nên Phật gọi chúng sanh si mê.
Khi thấy thân
này là vay mượn, nếu bị ai chê anh hay chị xấu, ta không quan tâm nên
không buồn phiền. Sở dĩ người bị chê nổi sân đùng đùng là tại cho mình
thật, mình quí, nên chê là làm nhục mình. Còn biết rõ thân tâm này không
thật thì việc tu không khó.
Chúng ta hiện
giờ đang cố chấp, đang mê trong sự sai lầm, vì vậy tu rất khó. Chấp thân
thật nên động tới la thôi là la, chấp tâm thật nên gặp điều trái ý nổi
giận đùng đùng. Do đó khổ cả ngày. Chừng nào thấy được thân không thật,
tâm không thật chúng ta sẽ sống thảnh thơi. Mỗi người đều có quyền thấy
khác mình, nên ai làm trái ý ta không giận. Hiểu như vậy là giải thoát
được nhiều rồi.
Phật thường
dạy nếu chúng ta có nghĩ điều gì nên nói “đây là cái nghĩ của tôi”. Đừng
nói cái nghĩ của tôi đúng, thêm chữ “đúng” thì có chuyện. Bởi vì hai cái
đúng ngược nhau thì đập nhau. Chỉ nói cái nghĩ của tôi, không luận đúng
hay sai, dù khác nhau chúng ta vẫn thấy dễ chịu, có khi còn trao đổi ý
kiến để rút kinh nghiệm thêm. Sống trên tinh thần ấy thì hay quá. Nên
người sáng suốt muốn tìm chân lý phải thấy rõ như vậy. Tâm không thật biết
nó không thật, là người trí, người giác rồi. Thế nên biết ngồi yên tĩnh tu
không làm gì hết, không phải vô ích, thật ra việc ấy có lợi ích lớn lao vô
cùng.
Vì vậy chúng
tôi dạy tu thiền, chỉ dẫn quí vị ngồi yên tịnh nhìn lại xem niệm khởi từ
đâu. Nó vừa dấy lên, ta biết vọng tưởng hư dối không theo, cứ thế công
phu. Mới nghe thấy đơn giản, không có giá trị gì, nhưng thật ra chúng ta
đang làm một việc lớn, đó là phá sai lầm muôn đời của mình. Thấy rõ các tư
tưởng sanh diệt liên tục, tạm bợ hư dối, không theo nó thì nó phải chịu
thua mình. Đó là pháp an tâm của nhà thiền. Nói pháp nhưng thật ra không
có pháp gì cả.
Thiền tông chủ
trương không có một pháp dạy người, chỉ dùng trí mình soi lại để thấy cái
thật cái hư nơi mình. Đó là điều thiết yếu. Như vậy tôi đã giải quyết vấn
đề thứ nhất rồi.
Vấn đề thứ
hai, chúng ta ngồi yên lặng có phải vô ích không? Ngồi yên lặng đúng như
Phật Tổ dạy có một giá trị phi thường, mà người đời không biết. Trước hết
chúng ta ngồi nhìn lại từng tâm niệm của mình. Nếu chưa dẹp hết những tâm
niệm lăng xăng, ít nhất vừa khởi nghĩ xấu nghĩ bậy, chúng ta biết đây là
“nghĩ xấu nghĩ bậy”, bỏ. Còn nghĩ tốt lúc đầu chưa bỏ, từ từ chúng ta cũng
bỏ luôn, để đi tới chỗ vô tâm mới hợp với đạo.
Miệng chúng ta
nói, thân hành động gốc từ ý nghĩ mà ra. Khi biết ý nghĩ xấu bậy ta dừng,
thì miệng không nói xấu, thân không làm bậy nữa. Đó là ta chận ngay từ
manh mối ban đầu. Để nói thành lời rồi xin lỗi cũng muộn màng quá. Ngồi
lại để gạn lọc nội tâm mình, những gì xấu dở buông bỏ, đó là việc rất có
lợi. Chúng ta học những bài luân lý hay mà không thấy được mình, khi làm
quấy, nói quấy rồi hối hận cũng đã muộn.
Người vừa nghĩ
điều vô ích, bậy bạ liền chừa bỏ. Làm chủ được như vậy chắc không bao giờ
đau thần kinh. Sở dĩ con người đau thần kinh là vì nghĩ miên man, dừng
không nổi. Loạn riết thành đau. Bỏ được loạn tưởng, sức mạnh tinh thần
ngày càng cứng cỏi hơn. Đó là chúng ta làm chủ được một phần tâm niệm của
mình.
Thời này người
bệnh tâm thần nhiều ít? Khoa học càng tiến bộ, bệnh tâm thần càng nhiều.
Tại sao? Vì khoa học tinh vi quá, người ta đuổi theo mãi thành ra rối cái
đầu, nên sanh loạn là lẽ thường. Chúng ta biết chận những cái nào không
cần thiết, đừng để nó xảy ra, đó là lợi ích lớn. Nên nhớ khoa học là con
dao hai lưỡi, nó có thể giúp được mình rất nhiều, nhưng cũng đem đến tai
hại cho con người không phải nhỏ.
Nếu con người
không kềm chế được tâm hay tinh thần vững vàng, thì khoa học sẽ trở thành
mối hiểm nguy lớn. Hiểm nguy cho bản thân, hiểm nguy cho cả nhân loại nữa.
Vì vậy khoa học càng tiến, việc làm chủ tâm mình lại càng cần thiết hơn.
Vì vậy thời này tu thiền là điều rất thiết yếu, chớ không phải chuyện
thường. Đó là nhu cầu không thể thiếu. Cho nên ở đây chúng tôi dạy tu từ
gốc. Ý niệm tốt càng ngày càng tăng trưởng, đó là chặng thứ nhất.
Kế đến, khi
chúng ta buông bỏ được vọng tưởng, lúc đó mình có làm chủ không? Tuy thời
gian ấy rất ngắn, nhưng ta có làm chủ. Người không biết tu, niệm dấy lên
cứ chạy theo hoài, đến lúc nằm xuống ngủ cũng không yên, hết nhớ chuyện
này tới nhớ chuyện kia. Chúng ta biết chận đứng ngay khi niệm vừa dấy lên
là làm chủ được nó. Thường ta làm chủ người ngoài dễ hơn làm chủ mình. Đối
với người ngoài mình có thế lực mạnh hơn thì làm chủ được họ. Còn tâm dù
ta là ông lớn cở nào, làm chủ cũng không được. Vì vậy phải làm chủ mình
trước. Phật dạy: “Thắng một vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình mới
là chiến công oanh liệt”. Thắng mình là thắng những tâm niệm lăng xăng dấy
khởi. Còn thắng người ngoài thấy như mạnh, nhưng rốt cuộc không hơn ai.
Đọc truyện Tàu, ta thấy Từ Hải rất mạnh, vậy mà thua Thúy Kiều. Cho nên
thắng được mình mới là người làm chủ tất cả. Làm chủ như vậy mới xứng đáng
là người hoàn toàn sáng suốt trên thế gian.
Chúng ta tu
thiền là tập làm chủ mình từ từ. Ban đầu không thể lặng được các vọng
tưởng, nhưng ta biết chận nó, không theo nó, lần lần ta sẽ làm chủ được
phần nào. Đó là chỗ thiết yếu. Khi ngồi thiền, vọng tưởng khởi lên ta biết
có vọng tưởng, vọng tưởng lặng xuống ta biết vọng tưởng lặng. Vậy cái gì
biết vọng tưởng? Vọng tưởng không phải mình, là cái bị mình biết.
Trong mười mục
chăn trâu, mục thứ nhất tìm trâu, thằng chăn với con trâu là hai. Khi bắt
được trâu rồi, dằn co với nó là nói lên hình ảnh khi chúng ta biết nhìn
lại nội tâm, những thứ lâu nay ta cho là tâm mình, bây giờ nó bị ta biết
hết. Vậy ai biết? Chính cái hay biết luôn nằm sẵn bên trong mà ta quên,
chỉ nhớ những nghĩ suy nổi trôi thôi. Đó là vì chúng ta quên gốc chạy theo
ngọn.
Phút giây nào
ngồi thấy được niệm khởi, phút giây đó ta thấy rõ ràng có hai bên: một bên
bị thấy và một bên hay thấy. Bị thấy là khách, hay thấy là chủ. Khách, chủ
rõ ràng mà ta chỉ nhớ khách quên chủ, có phải si mê không? Như vậy để thấy
việc tu thiền đem lại một sự thức tỉnh mạnh mẽ cho mọi người.
Trong lúc ngồi
phản quan nhìn lại mình, đã có cái hiện tiền nên mới thấy được cái giả.
Cái giả hết nổi lên lại lặng xuống. Nổi lên là sanh, lặng xuống là diệt,
cứ sanh diệt liên miên. Nhưng thấy được cái sanh diệt đó, cái thấy này
không có sanh diệt. Như vậy chúng ta có một cái chân thật mà mình bỏ quên
hoàn toàn. Bây giờ có thời gian nghiệm lại, chúng ta mới biết lâu nay mình
mê muội.
Khi biết rõ
vọng tưởng hư dối, từ từ ta bớt say mê theo nó, như mục đồng chăn trâu,
cầm roi đánh vào mông nó vậy. Ở đây làm sao đánh vào tâm được, nên ta chỉ
quở: “Vọng tưởng không thật”. Quở vậy để mình đừng lầm theo nó nữa. Khi
vọng tưởng từ từ thưa dần, ông chủ sẽ hiện ra từ từ. Như vậy muốn thấy mặt
thật của chủ, phải đuổi hết khách. Ví dụ tôi ngồi trong thất, có hai ba
chục vị khách tới thăm. Khi tiếp khách thì chủ khách nói chuyện lộn xộn
khó phân. Nhưng một lát khách về hết, còn người ngồi lại là chủ chớ ai.
Cũng thế,
chúng ta điều phục được vọng tưởng lặng hết thì ông chủ hiện ra, đâu còn
nghi ngờ gì. Như vậy có một cái thật ở trong mà ta quên, cứ chạy theo cái
giả nên rồi điên đảo suốt đời. Dùng trí tuệ thấy đúng như thật, thì trên
đường tu không khó. Nếu người uyển chuyển khéo tu, những vọng tưởng hư dối
từ từ tạm thưa, bấy giờ cái chân thật lóe ra từ từ. Ta không tìm kiếm cái
gì khác, cũng không mượn pháp nào. Đó là trực chỉ nhân tâm. Khi thấy cái
thật của mình rồi, các thứ giả tan hết, gọi là nhận ra bản tánh sẵn có từ
muôn đời, gọi là kiến tánh thành Phật. Đơn giản, thật là đơn giản. Bởi thế
đường lối tu này gọi là đốn giáo. Tức đi thẳng, không qua thứ tự phương
tiện. Đi thẳng thì ban đầu rất khó, nhưng tiến vô được rồi mới thấy việc
làm không còn ngờ nữa, mà tin chắc.
Tin ta có cái
thật sẵn nơi mình là tin ở khả năng giác ngộ của mình. Thế mà Phật tử có
ai dám nói tôi tu để giác ngộ thành Phật đâu. Chỉ nghĩ tu để đời này có
phước, đời sau sanh ra đẹp hơn, sung sướng hơn. Hài lòng ngang đó chớ
không mong tu giác ngộ thành Phật. Đó là quí vị tự đánh mất khả năng giác
ngộ của mình rồi.
Biết mình có
khả năng giác ngộ là một lẽ, nhưng phải làm sao mới giác ngộ? Chỗ này
nhiều người hay nghi, sợ tu lâu trở thành người ngu. Vì các Thiền sư
thường hay nói “như ngu như ngơ”. Một Thiền sư Việt Nam đã nói:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư.
Đến nay tưởng lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trong đầu một chữ Như.
Quên hết, chỉ
còn một chữ “Như”, thế thì tu hay hay tu dở? Khi buông hết suy nghĩ vọng
tưởng, thấy mình như ngu như ngơ, tưởng là ngu nhưng đó như như lặng lẽ,
chớ không phải ngu.
Tất cả chúng
ta ngày nay ai cũng đua đuổi theo học vấn. Người nào hiếu học thì được
khen, được quí. Học càng nhiều càng trở thành học giả, bác học nên người
ta thích lắm. Song đặt câu hỏi lại, tất cả những sở học đó có là chân lý
chưa? Như khoa học, những phát minh trước kia với phát minh bây giờ giống
nhau không? Không giống. Như vậy phát minh hồi xưa tới bây giờ bị bỏ mất,
không dùng nữa. Thế thì biết đâu những gì mình học được ngày nay, mai kia
cũng bỏ luôn. Cho nên ta lượm lặt các kiến thức bên ngoài, tới chừng nó
lạc hậu phải bỏ, học cái khác nữa. Như vậy học chừng nào rồi? Tới chết
cũng chưa rồi, vì người ta cứ phát minh hoài. Đó là nói về khoa học.
Nói về Triết
lý. Những triết lý ngày xưa có còn hợp với triết lý ngày nay không? Nói
gần nhất như Khổng Tử là vị Thánh mà tổ tiên chúng ta kính thờ. Nhưng nếu
bây giờ Khổng Tử có mặt ở đây thì thuyết khuê môn bất xuất của Ngài, mấy
cô có chấp nhận không? Không. Thế là ngài trật rồi. Mỗi thuyết được ở lúc
kia mà không được ở lúc này. Triết lý thế gian cũng vậy, tùy theo nhu cầu
của thời đại mà nó được chấp nhận hay bị bác bỏ. Như vậy học tới đâu mới
rồi? Ta thâu cứ thâu vô rồi bị lỗi thời, chớ không là chân lý muôn đời.
Ngược lại nhà
Phật tu thì bỏ ra. Hành giả là bỏ ra chớ không thâu vô như học giả. Cho
nên người tu là hành giả chớ không phải học giả. Đức Phật ngồi dưới cội
Bồ-đề bốn mươi chín ngày đêm, Ngài học với ai? Không học với ai hết, chỉ
thiền định cho tâm yên, dẹp hết tất cả suy tư nghĩ tưởng. Khi tâm yên
định, trí tuệ phát sinh Ngài giác ngộ hoàn toàn. Giác ngộ rồi những gì
thấy biết, Phật nói ra muôn đời không sai.
Trong kinh kể
khi giác ngộ viên mãn, đức Phật có đầy đủ Tam minh, Lục thông. Tam minh
là: Thứ nhất Túc mạng minh, tức Phật thấy biết vô số kiếp về trước của
mình cũng như của chúng sanh như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Thứ hai là
Thiên nhãn minh, thấy suốt những vật hết sức xa và hết sức nhỏ. Như trong
hư không Phật thấy thế giới nhiều như cát sông Hằng. Lời nói ấy tới ngày
nay khoa học, thiên văn học mới tìm được phần nào thôi, chớ chưa thấy hết.
Nhìn vào một bát nước Phật nói có vô số vi trùng. Vì thế có câu: Phật quán
nhất bát thủy, Bát vạn tứ thiên trùng. Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước,
thấy có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Hồi đó không có kiến hiển vi mà Ngài
vẫn thấy, tới bây giờ không hề lạc hậu. Nhìn vào thân này, Phật cũng bảo
có vô số vi trùng. Nguyên chữ Hán là: “Nhân thân chi nội hữu vô số vi
trùng, tại trung vi trú”. Tức trong thân này có vô số vi trùng. Những tế
bào là vi trùng chớ gì, nó sinh hoạt trong thân mà mình có biết gì đâu.
Như vậy cái
thấy, cái biết từ sự buông hết loạn tưởng, tâm hoàn toàn an định gọi là
tuệ. Đây là trí tuệ chớ không phải là trí thức. Trí thức là những gì chúng
ta học được từ bên ngoài, còn trí tuệ là cái sáng suốt phát sinh từ bên
trong, do thiền định mà có.
Thứ ba là Lậu
tận minh. Tức đức Phật thấu suốt được nguyên nhân nào chúng ta phải đi
trong luân hồi sanh tử, làm cách nào để chúng ta thoát khỏi sanh tử. Nên
bài pháp Tứ đế, Ngài nói rõ nguyên nhân và kết quả sanh tử, nguyên nhân và
kết quả của giải thoát sanh tử.
Trong nhà Phật
dùng từ trí vô sư, tức trí không có thầy. Trí đó là tánh giác của mình,
nhưng vì ta vô minh nên nó bị khỏa lấp từ lâu. Bây giờ lóng sạch hết những
vọng tưởng lăng xăng, không còn gì che lấp nữa thì nó sẽ sáng lên. Các nhà
bác học khi muốn nghiên cứu một vấn đề gì, họ phải dồn hết tâm lực vào đó,
có khi quên cả ăn ngủ, quên cả vợ con. Nhờ tập trung như vậy mới phát minh
được việc này việc nọ. Thử hỏi lúc đó họ học với ai? Chỉ chú tâm vào một
vấn đề, buông hết mọi chuyện chung quanh, tâm trí tự sáng lên. Cũng thế,
trí vô sư có sẵn nơi mình, nhưng ta không dùng được là tại không biết phát
huy.
Đạo Phật đúng
ra không phải là một tôn giáo, một triết học, mà là một đạo giác ngộ. Phật
là bậc giác ngộ, đạo là phương pháp đưa chúng sanh tới giác ngộ. Đến với
đạo Phật không phải từ lòng tin, mà từ trí tuệ. Tin mới gọi là tôn giáo,
tín ngưỡng. Còn triết lý do suy luận mà hiểu, có lúc sẽ lỗi thời. Đạo Phật
dạy chúng ta giác ngộ, từ thâm tâm sáng lên thấy đúng như thật. Nên người
học Phật là người tìm đến chỗ cứu kính như thật. Muốn tới chỗ cứu kính đó
phải quên những vụn vặt lăng xăng, trí tuệ mới phát sinh. Rõ ràng trí tuệ
ấy không phải từ đâu tới, nó có sẵn nơi mình rồi nhưng tại ta bỏ quên.
Tôi thường ví
dụ, chúng ta múc nước đục đổ vào khạp. Ban đầu nước đục không xài được. Ta
chịu khó lóng phèn hoặc để nó yên lặng một thời gian, nước trong trở lại
mới dùng được. Tại sao nước đục? Tại có chất nhơ bẩn, đất bụi hòa tan
trong đó nên nó đục. Những chất ấy lắng xuống, chìm lặng hết thì nước trở
thành trong. Khi nước đục thì vô dụng, lúc thành trong là hữu dụng. Đục và
trong, công dụng khác nhau. Thử hỏi nước trong từ đâu tới? Ngay trong nước
đục có, chớ từ đâu. Nước đục mà khéo lóng thì thành trong.
Cũng thế, tâm
chúng ta lăng xăng là đục, bao giờ nó lặng được thì thành trong. Mà trong
là sáng, nhà Phật gọi đó là tánh giác. Tánh giác từ đâu tới? Chỉ sạch đi
cặn bã vọng tưởng thì nó hiện ra. Tánh giác sẵn có nhưng vì lâu nay bị
những thứ khác hòa tan, khuấy nhiễu làm cho nó đục. Bây giờ muốn nó trong
trở lại, thì chỉ cần lắng hết tất cả vọng tưởng tức là định, định rồi phát
tuệ. Đó là một lẽ phi thường. Phi thường mà rất bình thường.
Người ta cứ
nghĩ tánh giác và mê lầm, hai cái khác nhau. Nhưng thật ra không khác. Mê
vì loạn, bây giờ bỏ hết loạn thì trở thành giác. Giống như nước trong là
từ nước đục lóng xuống mà có. Như chúng ta thấy sóng biển vỗ ầm ầm, chú ý
nhìn từng lượn sóng nổi lên lặn xuống, nổi lên lặn xuống. Lúc đó biển chỉ
bằng lượn sóng, vì ta thấy có lượn sóng thôi. Nếu không chú ý vào từng
lượn sóng thì thấy biển mênh mông. Tâm mình cũng vậy, khi ta chạy đuổi
theo những lăng xăng thì thấy tâm chỉ là cái vui buồn thương ghét. Bao giờ
lặng hết những lăng xăng kia ta mới thấy nó thênh thang, bình ổn.
Có cái chân
thật mà chúng ta cứ đuổi theo cái hư dối và hài lòng thỏa mãn với nó, thì
đáng thương không? Với mình, thấy không đáng thương vì ta đang giẫy giụa
trong đó. Với Phật, Ngài thấy thật đáng thương, cho nên Phật thương chúng
sanh là vậy. Vì vậy đạo Phật lấy giác ngộ làm gốc, xem phương tiện không
quan trọng.
Nhiều người
thắc mắc các tôn giáo khác có tổ chức rất tốt, thường làm việc bố thí. Còn
Phật giáo lơ mơ quá, không để tâm nhiều tới công tác từ thiện xã hội, chỉ
đi giảng dạy. Có nhiều Phật tử mặc cảm đạo Phật lôi thôi, Thầy Cô cứ ngồi
yên ngó xuống! Bởi vì quí vị không hiểu việc ngồi yên ngó xuống này không
phải việc nhỏ. Trong khi bố thí, giúp người v.v… chỉ là các công việc tốt
mang tính tạm thời thôi. Chừng nào tìm ra cái thật của mình, chỉ cho mọi
người cùng tìm được, đó mới là trên hết, là tối quan trọng trong kiếp sống
con người. Hiểu rồi mới thấy giá trị của đạo Phật, không hiểu tu Phật lâu
dễ thấy chán.
Người ta cứ
tưởng tới chùa tụng kinh cầu an, cầu siêu là tu theo đạo Phật. Đó là phần
phụ thôi, không phải việc chánh của đạo Phật. Đạo Phật dạy phải tu cho tâm
lặng xuống, bao nhiêu phiền não lắng sạch, chừng đó trí tuệ phát sáng, mới
giác ngộ. Tu theo đạo Phật là đi trên con đường giác ngộ, người không giác
ngộ không thể gọi là tu theo đạo Phật.
Tới đây quí vị
nghĩ tu theo Phật khó hay là dễ, mau hay chậm? Đa số ai cũng bảo khó. Tại
sao khó? Phải chi bảo chúng ta cầu thần thánh ở đâu đến giúp thì khó. Đằng
này Phật dạy bỏ những niệm lăng xăng, là quyền của mình, có ai rầy phạt
đâu, tại sao lại khó. Trong kinh Phật có nói: “Sự tu hành nếu thấu suốt
được rồi, thấy dễ như trở bàn tay, không có gì khó”. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, tu
Phật mau hay chậm? Trung Hoa có kể câu chuyện về chú đồ tể, làm thịt heo
bán. Hôm đó, được Thiền sư chỉ dạy, sau một thời gian tu bỗng dưng chú
giác ngộ, làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện.
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.
Nghĩa là:
Ngày hôm qua tâm Dạ-xoa,
Bữa nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát với Dạ-xoa,
Không cách một đường tơ.
Giác là
Bồ-tát, mê là Dạ-xoa. Ngày hôm qua mình thấy thân này thật, vọng tưởng
thật, đó là Dạ-xoa. Bữa nay biết thân này giả, vọng tưởng hư dối, liền
thành Bồ-tát. Như vậy Bồ-tát với Dạ-xoa cách bao nhiêu? Một sợi tơ. Như
tay tôi úp xuống là úp, lật lên là ngửa, chỉ một cái xoay thôi. Mê cũng
mình, mà giác cũng mình, chỉ chuyển cái tâm.
Cho nên đường
đạo rất gần, rất ngắn, chỉ tại ta lơ mơ, cứ thả trôi hoài nên kéo dài tới
ba vô số kiếp mới thành Phật. Bây giờ chúng ta tỉnh giác, giả biết giả
không nghi ngờ, chắc chắn sẽ mau đạt đạo. Đó là điều tất cả Phật tử nên
nghiền ngẫm mới thấy giá trị của người tu Phật.
Đức Phật đã
nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Ai cũng có Phật
tánh hết, chỉ khác nhau ở chỗ mê với giác thôi. Nếu trên đường tu chúng ta
nỗ lực tiến tới thì con đường Phật đạo không xa. Nói nỗ lực chớ thật ra
không có gì phải nỗ lực. Chỉ cần đổi cái nhìn thôi, thấy giả với thấy thật
có tốn bao nhiêu mồ hôi đâu. Vậy mà chúng ta làm không nổi, thật cũng
không biết nói sao!
Phật đạo là
con đường hết sức ngắn, hết sức gần. Nhưng vì chúng ta chưa nỗ lực, chưa
quyết tâm nên lận đận lao đao, chìm nổi trong vòng luân hồi không có ngày
ra. Đó là tại vì mình không can đảm. Nếu can đảm đổi cái nhìn thì mê biến
thành giác ngay, không có gì xa lạ hết. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ
nói: “Có một trăm chúng sanh thì có một trăm ông Phật”, đâu có lỗ, đâu có
thiệt thòi gì. Một trăm chúng sanh bị nhìn, nó mất thì một trăm ông Phật
đang giác hiện ra.
Vọng tưởng dấy
lên ta nhìn nó, biết là vọng tưởng không theo. Chú khác dấy lên cũng thế.
Ngồi một giờ thấy một trăm lần như vậy cũng hoan hỷ như thường, bữa nay
mình thắng trận chớ không thua. Ngày xưa vọng tưởng ta lầm cho là tâm
mình, bây giờ vọng tưởng biết vọng tưởng, đó là đã thắng nó rồi. Ta điểm
mặt nó rồi, nó đâu còn quyền làm chủ mình nữa. cho nên thấy được vọng
tưởng là từng bước ta đang chiến thắng, đừng buồn, đừng nản. Đó là điều
thứ nhất.
Thứ hai, quí
vị nhớ người tu thiền lâu hay quên, nhưng đừng sợ điên. Quên là vì chúng
ta không muốn nhớ, chớ không phải quên của người điên. Pháp tu này nhẹ
lắm, chỉ buông thôi, không kềm chế nên không sợ điên. Tôi thường ví dụ,
như sáng chúng ta đi chợ định mua mấy món đồ. Hồi khởi sự đi tính năm bảy
món. Từ nhà ra chợ hơi xa một chút, trong đầu lại không muốn nhớ, nên tới
chợ quên món này, món khác. Quên là tại vì mình không muốn nhớ.
Cũng vậy vọng
tưởng dấy lên ta buông, buông riết phải quên thôi. Đó là một lẽ thật.
Nhiều người không biết hoảng sợ, nói sao năm nay tôi ngu quá. Tưởng thế
nên hết dám tu. Đầu đuôi gốc ngọn của sự tu rõ ràng như vậy. Hiểu rồi trên
đường tu quí vị yên lòng, không có gì khó khăn.
Quí vị nghe
rồi khéo nhìn, khéo ứng dụng sẽ có lợi lạc lớn. Nếu nghe mà không làm thì
việc tu không tiến bước nào. Đó là điều đáng buồn. Người nào ứng dụng
được, tôi tin rằng trên đường tu vị đó sẽ có bước tiến nhiều hơn mình mong
mõi.
Đó là những
lời tha thiết của chúng tôi, gởi gắm lại cho tất cả quí vị. |