PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Chùa Vạn Đức –
Hội An - 2002
Hôm nay đủ
duyên tôi về chùa Vạn Đức thăm viếng và nói pháp cho tất cả Tăng Ni Phật
tử nghe. Thời pháp này nội dung chuyên đề về Thiền tông, nhằm giúp quí vị
biết rõ đường lối tu thiền của Tổ tiên mình từ trước.
Nói đến Phật
giáo Việt Nam chúng ta không thể nào bỏ qua đường lối tu thiền của chư Tổ
từ xưa. Nếu xét kỹ đường lối đó thì thấy rõ ràng Phật giáo Việt Nam là một
Phật giáo Thiền tông. Thế kỷ thứ VI tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Ấn Độ sang
Trung Hoa học đạo với tổ Tăng Xán. Sau khi ngộ đạo, được tổ Tăng Xán dạy
đi về phương Nam truyền bá thiền tông, do đó Ngài sang Việt Nam ở tại chùa
Dâu.
Tổ
Tỳ-ni-đa-lưu-chi được xem ngang với Tổ thứ tư ở Trung Hoa là ngài Đạo Tín.
Đến thế kỷ thứ IX có ngài Vô Ngôn Thông là đệ tử tổ Bá Trượng ở Trung Hoa,
sang Việt Nam truyền thiền nên có phái thiền Vô Ngôn Thông. Sau này có
ngài Thảo Đường, khi nhà Lý chinh phục Chiêm Thành bắt được một số quan
nhân đem về Việt Nam, trong đó có ngài. Đến Thăng Long mới phát hiện ngài
là Thiền sư, từ đó các vua quan nhà Lý rất kính phục, tôn sùng và Ngài trở
thành Tổ của phái thiền Thảo Đường ở Việt Nam. Như vậy từ thế kỷ thứ VI
đến thế kỷ thứ X, Thiền tông hưng thịnh ở Việt Nam do ba hệ phái
Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Đến khi Thái
tử Trần Khâm tức vua Trần Nhân Tông sau này, được vua Trần Thánh Tông gởi
qua Tuệ Trung Thượng Sĩ học đạo lý. Khi từ giã trở về, Thái tử hỏi: “Mục
tiêu chủ yếu của thiền là gì?” Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời: “Phản
quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là quay lại chiếu soi nơi
mình, đó là phận sự chính, không phải từ bên ngoài mà được. Nên biết Thiền
mà Thượng Sĩ nói cho vua Trần Nhân Tông nghe là sự phản quan nội tâm mình
để được ngộ đạo, chớ không chuyện gì khác.
Sau khi đăng
vị, vua Trần Nhân Tông vừa lo việc trị nước vừa nghiên cứu nội điển để tu
tập, không phút nào lơ là. Ở ngôi một thời gian, thấy đã có người kế thừa,
năm 41 tuổi Ngài trao hết quyền hành cho con và đi xuất gia. Ngài lên núi
Yên Tử và rừng Trúc ở Ngọa Vân Am chuyên tu. Năm năm tu khổ hạnh tại rừng
Trúc, ngài hoàn toàn ngộ đạo, vì vậy có hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Từ đó
Ngài mới đi truyền bá, lập thành hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Hệ phái Trúc
Lâm Yên Tử ra đời thâu gồm tinh ba của ba hệ phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô
Ngôn Thông, Thảo Đường kết tụ thành hệ phái thiền thuần túy Việt Nam. Từ
khi có hệ phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời, các hệ phái kia đều vắng mặt không
còn phát triển nữa. Nhưng từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ thứ XV nhà Trần
mất, nhà Lê lên. Vì sợ ảnh hưởng của nhà Trần nên nhà Lê không chấp nhận
Phật giáo mà chấp nhận Nho giáo. Từ đó hệ phái Trúc Lâm Yên Tử lần lần
tiêu mòn cho đến mất tung tích.
Đến thế kỷ
XVIII, XIX Việt Nam chia làm hai: đàng trong và đàng ngoài. Đàng ngoài có
vua Lê, đàng trong thì chúa Nguyễn. Đàng trong chúa Nguyễn thỉnh các Tổ từ
Trung Hoa thuộc hệ phái Lâm Tế sang truyền bá Phật pháp, như ngài Nguyên
Thiều… Đàng ngoài vua Lê cũng thỉnh các Tổ Trung Hoa thuộc hệ phái Lâm Tế
hoặc Tào Động như ngài Chuyết Công… Ngài Liễu Quán là Thiền sư Việt Nam,
chịu ảnh hưởng của tông Lâm Tế đàng trong. Các Tổ hiện thời nhà Nguyễn đều
chịu ảnh hưởng của hệ phái Lâm Tế.
Nói tổng quát
lịch sử Phật giáo nước ta, từ thế kỷ thứ III mãi cho đến ngày nay, các Tổ
đều tu thiền. Hiện giờ tất cả quí vị đa số thờ kính tổ Lâm Tế, nhưng có
biết ngài tu như thế nào, ngộ đạo ra sao chưa? Chư Hòa thượng mình, vị nào
tịch cũng đều để “Từ Lâm Tế” hoặc Chánh tông hoặc Gia phổ, như vậy các
Ngài đều thừa kế dòng Lâm Tế. Thế thì tổ Lâm Tế là người thế nào, tu và
ngộ đạo ra sao mà truyền bá dòng thiền cho tới ngày nay? Đó là một vấn đề
chúng ta tu theo Phật, theo Tổ có bổn phận phải nghiền ngẫm, tra cứu cho
tường tận.
Thật ra đa số
chư Tăng Ni chúng ta còn hời hợt quá, xưa bày nay làm vậy thôi, chớ không
chịu tra cứu. Tôi là người hơi khó tính, làm việc gì phải biết rõ đầu đuôi
gốc ngọn mới chịu, còn biết không rõ thì không làm. Vì vậy tôi phải tra
cứu kỹ về lịch sử chư Tổ, nhờ thế biết được chút ít về hành trạng các
Ngài. Do đó mới có quyển Thiền sư Việt
Nam
ra đời, bổ khuyết phần nào cho những thiếu sót của chúng ta về lịch sử Tổ
tiên mình.
Giờ đây tôi
dẫn riêng tổ Lâm Tế, là một Thiền sư Trung Hoa nhưng có ảnh hưởng sâu đậm
với thiền tông Phật giáo Việt Nam cho quí vị hiểu đại khái. Tổ Lâm Tế hiệu
Nghĩa Huyền, ở cuối đời Đường. Ngài phát tâm tu rất thiết tha, bình nhật
ít nói nhưng hiểu đạo sâu xa thâm thúy. Ngài tới hội của Thiền sư Hoàng Bá
- Hy Vận, tức đời thứ tư sau Lục Tổ Huệ Năng. Là người nhiệt tâm cầu đạo,
tu hành cẩn mật, hạnh kiểm tề chỉnh nghiêm trang, nên trong chúng ai cũng
kính nể Ngài.
Ở trong hội đã
lâu, nhưng không thấy Ngài lên hỏi tổ Hoàng Bá câu nào hết. Hôm đó Thủ tọa
Trần Tôn Túc khuyên: “Huynh ở đây lâu quá, sao không hỏi thầy câu nào
vậy?” Ngài nói: “Tôi biết hỏi gì đây?” Trần Tôn Túc khuyên Ngài hỏi câu:
“Thế nào là đại ý Phật pháp?”, Ngài nhận lời.
Hôm đó tổ
Hoàng Bá thăng đường thuyết pháp. Ngài bước ra hỏi: “Bạch Hòa thượng, thế
nào là đại ý Phật pháp?” Tổ không nói câu nào hết, đập cho một gậy rồi
đuổi xuống. Ngài cũng đi xuống. Năm ba hôm sau, Thủ tọa xúi tiếp: “Huynh
lên hỏi nữa đi”. Ngài đắp y đàng hoàng lên hỏi: “Bạch Hòa thượng, thế nào
là đại ý Phật pháp?” Tổ Hoàng Bá đập cho một gậy nữa đuổi xuống. Bấy giờ
Ngài bắt đầu hoang mang trong lòng, nhưng cũng không dám nói gì. Đến lần
thứ ba, Thủ tọa thúc: “Huynh lên hỏi một lần nữa đi”. Ngài nghe lời, hỏi
lần nữa: “Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?” Tổ đánh cho một
gậy nữa đuổi xuống.
Lần này hết
chịu nổi Ngài khóc, nghĩ chắc mình không còn duyên ở đây. Ba lần hỏi Phật
pháp, ba lần ăn đòn mà Tổ không dạy một câu, như vậy là sao? Đau khổ quá
Ngài sửa soạn cuốn gói đi. Bấy giờ ngài Trần Tôn Túc đến nói nhỏ: “Trước
khi đi huynh lên từ giã Hoà thượng rồi hãy đi”. Đồng thời Trần Tôn Túc
cũng ngầm bạch với Hòa thượng: “Huynh Nghĩa Huyền đạo đức rất thâm hậu,
xin Hòa thượng từ bi chỉ cho, chớ để uổng một bậc pháp khí”. Ngài Hoàng Bá
đồng ý “Được, bảo ông ấy lên đây”.
Khi lên từ
giả, Ngài thưa: “Bạch Hòa thượng, con không có duyên ở đây, xin đi nơi
khác”. Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ông định đi đâu?” Ngài thưa: “Con cũng không
biết đi đâu”. Khi đó Hoàng Bá bảo: “Ông nên qua chỗ Thiền sư Đại Ngu, ở đó
Đại Ngu sẽ chỉ cho”. Ngài khăn gói đi tới Thiền sư Đại Ngu.
Tới nơi, đảnh
lễ thưa thỉnh xong, ngài Đại Ngu hỏi: “Ông ở đâu đến?” Ngài đáp: “Con ở
chỗ Hoàng Bá đến”. Ngài Đại Ngu lại hỏi: “Hoàng Bá dạy ông những gì?” Ngài
nói: “Bạch Hòa thượng, con ba lần thưa hỏi đại ý Phật pháp, ba lần ăn đòn,
con không biết có lỗi hay không lỗi?” Đại Ngu nói: “Hoàng Bá thật là tâm
lão bà, chỉ cho ông chỗ tột cùng rồi, ông còn thấy có lỗi không lỗi”. Ngay
câu đó Ngài đại ngộ, liền thốt lên: “Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”. Ngài
Đại Ngu nắm đứng hỏi: “Ngươi thấy cái gì mà nói Phật pháp Hoàng Bá rất
ít”. Ngài thoi vô hông của Đại Ngu một cái. Bấy giờ Thiền sư Đại Ngu buông
ra nói: “Thầy của ngươi là Hoàng Bá, chẳng liên can gì đến ta. Hãy về bên
đó đi”.
Ta thấy người
xưa dạy đạo và ngộ đạo lạ đời. Tại sao khi đã ngộ đạo ngài Lâm Tế ngang
ngược như vậy, thầy hỏi thấy cái gì không nói câu nào, lại thoi cho một
thoi. Thế mà được khen “Thầy của ông là Hoàng Bá”. Thật là bí hiểm, ai đọc
sử tới đây cũng lắc đầu, chẳng biết ngộ ở đâu? Đó cũng chính là điểm đặc
biệt của các Thiền sư.
Câu nói của
ngài Đại Ngu hết sức nhẹ nhàng, “Hoàng Bá thật là tâm lão bà, đã chỉ chỗ
tột cùng, mà ông còn thấy có lỗi không lỗi”. Tâm lão bà là tâm mẹ thương
con, thương đáo để. Bởi vì đại ý Phật pháp không có chỗ cho ta mở miệng.
Vừa mở miệng hỏi, vừa phân biệt phải quấy đúng sai là không phải đại ý
Phật pháp rồi. Đại ý Phật pháp là chỗ tâm hằng hữu không kẹt hai bên, mà
mở miệng là đã kẹt hai bên. Cho nên nghe câu hỏi này, tổ Hoàng Bá chỉ còn
đập chớ không nói được. Nếu nói thì kẹt hai bên mất rồi. Nhưng ngài Lâm Tế
lúc đó chưa hiểu, thấy Tổ hành động như vậy dường như hơi tàn nhẫn, không
dạy mà đánh. Do đó Ngài đau khổ cùng cực nên từ giã ra đi.
Khi ấy Hoàng
Bá biết Đại Ngu là bạn mình, sẽ hiểu chỉ yếu Ngài muốn chỉ dạy nên dặn Lâm
Tế qua chỗ Đại Ngu. Ngài Lâm Tế trình bày tự sự và thưa: “Không biết con
có lỗi hay không lỗi?” Ngay câu đó, ngài Đại Ngu phá cho một câu sạch hết
mối mang: Hoàng Bá rất tha thiết chỉ cho ông, ông còn thấy có lỗi không
lỗi, tức còn thấy hai bên, làm sao nhận được chỗ dạy của Hoàng Bá? Nghe
tới đó ngài Lâm Tế giật mình ngộ đạo liền, mới biết vừa dấy niệm là hai
bên.
Đại ý Phật
pháp là chỗ vô ngôn, vừa mở miệng đã trật rồi. Ngài Lâm Tế nói “Phật pháp
Hoàng Bá rất ít” vì đã ngộ được yếu chỉ kia. Do đó khi nghe Đại Ngu hỏi,
biết chỗ ấy nói không được nên Ngài mới thoi vào hong Đại Ngu một thoi.
Thiền sư Đại Ngu biết Lâm Tế ngộ được hoàn toàn yếu chỉ vô ngôn rồi nên
mới bảo trở về Hoàng Bá. Từ đó về sau, Lâm Tế nổi tiếng là con người kỳ
đặc trong giới Thiền sư.
Sở dĩ ngài nổi
tiếng kỳ đặc là nhờ ba lần ăn gậy của Tổ sư. Chúng ta bây giờ học đạo dễ
quá, quí thầy giảng cho hiểu để tu. Tu được hay không cũng không sao,
chẳng ai dám rầy rà gì. Hồi xưa chư Tổ dồn đệ tử tới chỗ chết, khi bừng
sáng ra, vĩnh viễn không còn ngờ vực nữa. Hai bên, tinh thần dạy và học
khác nhau rất xa, vì vậy kết quả cũng không giống nhau.
Sau này tổ Lâm
Tế khi dạy người, ai tới hỏi gì Ngài chỉ hét một tiếng chớ không trả lời.
Như hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp?”, Ngài hét cho một tiếng rồi thôi.
Thế thì tiếng hét đó có ngôn ngữ hay không ngôn ngữ? Chỉ có tiếng hét thôi
nên nó không thuộc về ngôn ngữ phân biệt. Nhờ vậy thiền tông mới được
truyền bá lâu dài.
Nói thế, song
trên thực tế có lúc ngài Lâm Tế dạy tu rất rõ ràng. Tôi có dịch cuốn Lâm
Tế Ngữ lục, trong đó những buổi thuyết pháp, Ngài đã hỏi tăng chúng: “Các
ông đang nghe pháp đây là cái gì đang nghe?” Ngài muốn chỉ khi chúng ta
đang nghe pháp, lắng lòng không niệm nào dấy động, thì cái nghe đó là ai?
Hoặc có khi Ngài nói “Trong cục thịt đỏ có chân nhân không ngôi vị”, nghĩa
là nơi thân xác thịt của chúng ta có cái chân thật, mà kinh gọi là Phật
tánh. Cái đó phát ra ở đâu? Ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta mà
mình mê nên không nhận được.
Từ đời Tống
trở về sau, đồ đệ của Ngài thấy dùng hét hoặc đánh mãi không ổn nên mới
dạy tu thiền bằng câu thoại đầu. Nghĩa là nói một câu bí mật, bắt hành giả
nghiền ngẫm hoài tới chừng nào thành khối nghi. Khối nghi này được nuôi
lớn tới bao giờ vỡ tan thì ngộ đạo. Thí dụ như câu: “Trước khi cha mẹ chưa
sanh ta là ai?” Cứ đặt câu hỏi “ta là ai” hay “ta là gì”, trong đầu ôn tới
ôn lui mãi. Chỉ nhớ một câu đó không thèm học, không thèm tính toán, không
thèm suy nghĩ gì hết, cứ dồn câu đó mãi vô đầu mình. Một ngày nào câu đó
thành khối rồi vỡ tan ra là khán thành công. Đó là lý do hệ Lâm Tế từ đời
Tống về sau dạy dùng câu thoại đầu. Tới thiền Lâm Tế sang Việt
Nam,
chúng ta cũng ảnh hưởng cách dạy này. Manh mối hệ thống tông Lâm Tế rất rõ
ràng. Ngày nay tại nước ta có nhiều vị tu theo thoại đầu, đó là theo hệ
tông Lâm Tế.
Riêng tôi
trong thời gian nhập thất tu cũng sử dụng câu thoại đầu. Tôi đề riết tới
một hôm đề không lên, không biết làm sao tôi đành bó tay, lạy Phật khóc
thôi. Dường như tôi không có duyên với thiền thoại đầu. Bấy giờ ngồi đọc
lại tạng kinh, đọc hết ba mươi ba vị Tổ từ Ấn Độ tới Trung Hoa, đọc sang
các vị tổ Nhật Bổn, tìm kiếm manh mối tu thiền ở chỗ nào, mà mình không có
duyên. Đọc tới câu chuyện ngài Huệ Khả đối đáp với tổ Đạt-ma, tôi lấy làm
lạ.
Tổ Đạt-ma khi
sang Trung Hoa truyền đạo, Ngài gặp vua Lương Võ Đế, nhưng đáng tiếc nhà
vua không lãnh hội được yếu chỉ của Ngài. Vì vậy Tổ trở về núi Tung Sơn ở
chùa Thiếu Lâm, chín năm xây mặt vào vách. Cho rằng mình chưa gặp người có
duyên để truyền bá, nên ngài cứ ngồi im lặng không nói gì hết. Bấy giờ có
Thiền sư Thần Quang học hỏi Phật pháp đã lâu mà chưa ngộ được. Nghe tin Tổ
ở chùa Thiếu Lâm, ngài tìm tới xin học đạo, nhưng Tổ vẫn im lặng ngồi xây
mặt vào vách. Vì thế Thần Quang đứng suốt đêm ngoài trời chắp tay hướng về
Tổ, tới sáng tuyết ngập lên tới đầu gối. Tổ nhìn ra thấy, hỏi: Ngươi muốn
cầu gì mà khổ hạnh vậy? Ngài thưa: Bạch Hòa thượng, con muốn cầu pháp môn
cam lồ để được giải thoát. Tổ nói: Người xưa học đạo hy sinh cả thân mạng,
liều chết mới có thể được. Ông chỉ dùng chút ít khổ hạnh này làm sao cầu
đạo vô thượng? Nghe thế, ngài Huệ Khả đi xuống bếp mượn dao chặt một cánh
tay dâng lên Tổ nói: “Con xin dâng cánh tay này để cầu đạo”. Tổ nhìn thấy
nói: “Khá đó”, mới nhận làm đệ tử đổi tên Thần Quang thành Huệ Khả, nghĩa
là người có trí tuệ khá đó.
Tôi thường gọi
đây là câu chuyện chàng dũng sĩ chặt tay. Song e rằng đây là truyền thuyết
chớ không phải sự thật. Vì nếu chặt tay phải băng bó, chớ máu tuôn dầm dề
làm sao đem dâng Tổ được. Lại nữa, về sau đọc sử không thấy chỗ nào nói
ngài Huệ Khả cụt tay hết. Có thể người xưa dạy chúng ta tu hành muốn đạt
đạo thì phải hy sinh, chớ không dễ dàng lười biếng hay tầm thường được. Do
đó các Ngài mượn hình ảnh Tổ chặt tay để răn dạy chúng ta thôi, chớ không
đến nổi như vậy.
Sau khi nhận
làm đệ tử rồi, một hôm ngài Huệ Khả thưa với Tổ: “Bạch Hòa thượng, tâm con
không an. Xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Tổ Đạt-ma nhìn thẳng vào
ngài Huệ Khả nói: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả hoảng hốt quay lại
tìm xem tâm ở đâu. Tìm hoài không thấy mới thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm
tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đó ngài Huệ
Khả biết đường tu, biết pháp an tâm.
Người xưa rất
tiếc lời, không nói trắng nói thẳng như mình ngày nay. Hỏi pháp an tâm, Tổ
nhìn thẳng bảo “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả rất thật thà, nghe thế
liền xoay lại tìm tâm. Tìm hoài không được, thưa thật với Tổ: “Dạ con tìm
tâm không được”. Tổ bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Đó là vấn đề mà
người ta đọc sử thường cho qua suông, không cố ý tìm sâu ý nghĩa của nó.
Ngày xưa tôi
cũng thấy chư Tổ như đùa cợt chơi vậy, không chịu chỉ dạy cho mình. Sau
này đủ duyên nhập thất, tôi mới hiểu ra. Khi bảo ngài Huệ Khả tìm tâm, tìm
không được, Tổ bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”, quả là câu nói kỳ diệu
phi thường, nhưng vì chúng ta hời hợt quá nên không biết. Ngài Huệ Khả
xoay lại tìm tâm lăng xăng xem nó ở đâu thì nó mất tăm mất dạng. Tâm bất
an ấy đã mất thì an tâm chớ gì. Khi chạy lăng xăng nó không an, bây giờ nó
mất tức là an rồi. Đó là Tổ đã chỉ cho cách an tâm.
Cho nên muốn
tâm an chỉ cần phản quan nhìn lại thì an ngay. Rất là thẳng tắt. Bởi vậy
Tổ Đạt-ma có bốn câu kệ làm tiêu chuẩn của Thiền tông:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Bất lập văn
tự, nghĩa là không lập văn tự. Chẳng hạn như câu đáp trên của Tổ đâu thuộc
văn tự gì. Giáo ngoại biệt truyền, là truyền ngoài giáo lý. Trực chỉ nhân
tâm là chỉ thẳng tâm người. Kiến tánh thành Phật là thấy tánh thành Phật.
Nếu ta phản quan nhìn lại tâm lăng xăng thì nó lặng, chứng tỏ tâm đó hư
dối không thật. Khi tâm hư dối lặng rồi, ta liền nhận ra bản tánh Phật của
mình. Thế nên nói trực chỉ, chỉ thẳng chớ không quanh co, vòng vo gì hết.
Sau thời gian
tu nữa, ngài Huệ Khả bạch với Tổ: “Bạch Hòa thượng, con đã bặt hết các
duyên”. Tổ bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài Huệ Khả thưa: “Rõ ràng
thường biết, làm sao không được!” Tổ liền ấn chứng: “Ông được như vậy, ta
cũng như vậy, chư Phật đều như vậy”. Thế là ngài Huệ Khả được Tổ truyền
tâm ấn. Thật kỳ đặc.
Dứt hết các
duyên là gì? Là đối với sáu trần không còn dính mắc nữa. Không còn dính
với sáu trần thì tâm không còn lộn xộn, hoàn toàn an trú. Nghe thế Tổ sợ
rơi vào không ngơ, nên nói “coi chừng rơi vào không”. Ngài thưa “Rõ ràng
thường biết làm sao không được!” Đến đây Tổ mới xác nhận và ấn chứng cho
chỗ ngộ của ngài Huệ Khả là thấu triệt.
Đường lối
Thiền tông là đường lối thẳng tắt, không quanh co, không mượn phương tiện.
Song chư Tổ tạm mượn mười mục chăn trâu khéo diễn đạt rất đầy đủ từng giai
đoạn tu tập của thiền giả. Ở đây tôi lược nói qua về mười bức tranh chăn
trâu ấy cho quí vị có khái niệm. Muốn hiểu sâu bản thân mỗi vị phải thực
hành mới được.
Mục thứ nhất
Tìm trâu. Con trâu tượng trưng cho tâm ngỗ nghịch lăng xăng. Bây giờ nó
đang hoang đàng, ta tìm xem nó ở đâu. Đây chính là chỗ tổ Huệ Khả tìm tâm
bất an. Tìm được trâu rồi phải chinh phục nó. Khi chịu phép đầu hàng trâu
trở thành hiền ngoan. Lần lần trâu mất luôn, chỉ còn thằng chăn. Sau đó
thằng chăn cũng không còn. Không còn trâu không còn chăn, bấy giờ chỉ còn
một bầu trời hiện trăng sáng. Theo Thiền tông, đến đây còn phải qua giai
đoạn chim bay về tổ, lá rụng về cội tức thể nhập Pháp thân. Thể nhập Pháp
thân rồi mới ứng hóa tùy duyên, là hình ảnh ông già quảy bình rượu xách cá
chép, vào trong xóm làng hóa độ chúng sanh.
Chư Tổ Thiền
tông dạy chúng ta phải phản quan nhìn lại những lăng xăng mà lâu nay chúng
ta cho là tâm mình đó, coi nó ở đâu. Tìm lại nó mất tiêu thì tự an chớ gì.
Không có một phương pháp nào, chỉ phản quan bằng trí tuệ của mình. Trí tuệ
nhìn lại là thằng chăn, vọng tưởng bị mình nhìn là con trâu. Lúc đầu trâu
hoang đàng lắm, chạy tứ tung hết, không dừng nghỉ chút nào. Nhưng ta chịu
khó nhìn mãi lâu ngày mới chăn giữ được nó. Lúc đầu trâu hung hăng quá
thằng chăn phải có roi, có vàm xỏ mũi lôi đi, lần lần nó mới trở thành con
trâu ngoan hiền. Đức Phật dạy chúng ta giữ giới luật là sợi dây xỏ mũi, là
cây roi đánh cho trâu thuần hòa trở lại. Bởi vậy người không giữ giới luật
tu thiền rất khó định, niệm Phật cũng khó nhất tâm.
Tất cả quí vị
thấy thân mình thật không? Nếu thật thì trẻ hoài, không già không chết.
Ngày nay còn, ngày mai mất, làm sao thật được. Thân không thật mà chúng ta
tưởng thật, đó là mê lầm lớn lao. Từ cái mê lầm về thân nên mới sanh ra
chuyện giành giựt từng món ăn, từng cái mặc, khổ sở đủ thứ hết. Kế đó, quí
vị thường cho rằng buồn là mình, thương là mình, giận là mình, ghét là
mình. Khi giận nói tôi giận quá, như vậy chấp cái giận là tôi. Khi buồn
nói tôi buồn quá, chấp cái buồn là tôi. Khi ghét nói tôi ghét quá, chấp
cái ghét là tôi. Cứ chấp nhận những tâm buồn thương, giận ghét, hơn thua,
phải quấy là tâm mình, cho đó là tinh thần của mình.
Bên ngoài chấp
thân tứ đại tạm bợ làm thân, bên trong chấp tâm sanh diệt buồn thương,
giận ghét đổi thay luôn luôn làm tâm. Bám vào hai thứ giả dối sanh diệt
cho là mình, rồi từ đó tạo nghiệp. Thương thì bày ra chuyện này chuyện kia
để gần nhau, ghét cũng bày ra chuyện này chuyện nọ để hại nhau. Cứ thế
suốt đời tạo nghiệp không dừng, đó là nhân dẫn đi trong luân hồi sanh tử.
Bây giờ muốn thoát ly luân hồi sanh tử phải làm sao? Phải dừng tâm tạo
nghiệp.
Thân làm ác,
miệng nói ác là từ tâm buồn thương, giận ghét đó xúi giục, sai khiến. Cho
nên nó là gốc của trầm luân sanh tử. Nhưng tâm đó luôn đổi thay như chong
chóng, không thật. Ôm ấp cái tâm không thật cho là tâm mình, rồi theo đó
chịu khổ, có phải si mê quá không? Bây giờ biết nó không thật, ta đừng
theo nữa, để cho nó lặng. Nó lặng rồi thì tâm chân thật hiện tiền.
Có khi nào quí
vị ngồi chơi dưới cội cây hay trong sân chùa, nhìn tất cả cảnh chung quanh
không nghĩ gì hết, không có ý niệm nào hết, lúc đó có mình hay không có
mình? Có. Mình ở đâu? Khi không có cái giả dối, cái chân thật hiện tiền.
Không nghĩ suy, không khởi niệm nhưng ta vẫn thấy, vẫn nghe, chớ đâu phải
không biết gì. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ suy nghĩ là mình, bây giờ suy nghĩ
lặng rồi, cái biết vẫn hiện tiền. Cái biết hiện tiền đó không tướng mạo,
không sanh diệt mà mình bỏ quên từ muôn đời muôn kiếp. Cho nên Phật dạy
chúng ta phải dừng tâm sanh diệt, thì tâm chân thật mới hiện tiền.
Chúng ta tu
thiền để làm gì? Để phá tan tâm vọng tưởng lăng xăng đó. Trong kinh Hoa
Nghiêm Phật nói rõ: “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng Như Lai”,
nhưng vì vọng tưởng điên đảo che phủ nên có mà không thấy. Lâu nay ta cứ
chấp nhận tâm lăng xăng là mình nên cái chân thật bị phủ che. Bây giờ muốn
cái chân thật ấy hiện ra thì tâm lăng xăng phải lặng. Thuật dạy khán thoại
đầu trong nhà thiền cũng để chết tâm lăng xăng này. Chết tâm ấy rồi mới
nhận ra tâm chân thật của mình, gọi là ngộ đạo.
Người tu niệm
Phật thì sao? Niệm Phật là một câu trung gian. Cứ tin nhớ niệm Phật hoài,
chừng nào được nhất tâm bất loạn thì không còn tâm lăng xăng, khi đó thấy
Phật A Di Đà. Đây cũng là một phương tiện đưa hành giả tới chỗ giác ngộ.
Nhưng nhớ phải nhất tâm bất loạn, chớ không được niệm sơ sơ rồi tính sổ
với Phật. Một bên niệm Phật tới nhất tâm bất loạn, một bên tu thiền được
định, cũng là nhất tâm.
Điên đảo vọng
tưởng phát xuất từ cái thấy hai, phải quấy, thương ghét, tốt xấu… Thấy
phải thì chịu, thấy quấy thì ghét. Chính tâm thương ghét đó tạo nghiệp. Tổ
nói “còn thấy có lỗi không lỗi”, là thấy hai nên không đạt được đại ý của
Phật pháp. Thâm ý Phật pháp là chỗ không hai, ngài Lâm Tế nắm được ý này
liền bỏ cái hai mới ngộ đạo. Từ đó về sau ai đến hỏi đạo, Ngài chỉ hét là
để khỏi mắc kẹt hai bên.
Hiểu như vậy
chúng ta mới thấy trọng tâm tu của đạo Phật là giác ngộ. Giác ngộ cái gì?
Kinh Bát-nhã dạy dùng trí tuệ soi thấy thân năm uẩn đều không. Thân năm
uẩn gồm sắc uẩn là thân tứ đại, thọ tưởng hành thức là tâm. Thọ là cảm
giác, tưởng là tưởng tượng, hành là suy nghĩ, thức là tâm nghĩ tưởng phân
biệt. Năm uẩn này tánh nó là không, soi thấy như vậy là có trí tuệ
Bát-nhã.
Chúng ta ngày
nay tụng thì tụng mà không thấy gì hết. Tụng cho hết thời xuống kể công
với Phật, bữa nay tụng mấy biến kinh, con tu khá rồi đó. Tụng kinh như vậy
không gọi là tụng kinh. Bởi thế nên cứ thấy thân này là thật, vừa bị xúc
phạm liền nổi giận đùng đùng. Thấy tâm này là thật, nên ai chống đối ý
kiến mình thì cự cãi với người ta, gây ra bao nhiêu đau khổ. Bây giờ biết
thân không thật, tâm không thật thì còn gì đau khổ nữa, nên nói qua hết
khổ ách. Tụng kinh hết năm này tháng kia mà khổ vẫn khổ, thì tu có kết quả
gì? Đó là tại mình không hiểu, không ứng dụng được lời Phật dạy vào cuộc
sống, chớ đâu phải Ngài dạy sai.
Nhìn qua mười
mục chăn trâu, chúng ta thấy đường lối tu thiền của Thiền tông rõ ràng
trong đó. Con trâu là tâm vọng tưởng, thằng chăn là trí tuệ của mình dùng
để điều phục nó. Lúc còn đang điều phục thì còn đối đãi, có trâu có chăn.
Khi trâu hết rồi chăn cũng tự mất. Ta dùng trí Bát-nhã là để ruồng phá tất
cả các thứ chấp. Khi hết chấp rồi trí Bát-nhã cũng lặng, trở về tâm thể
thanh tịnh của mình. Đạo lý ấy thâm sâu vô cùng vô tận. Người tu muốn giải
thoát sanh tử phải lặng hết tâm tạo nghiệp. Còn nuôi dưỡng tâm tạo nghiệp
thì không bao giờ hết sanh tử.
Lục Tổ khi nói
bài pháp đầu tiên cho Thượng tọa Minh, người đuổi theo để giành y bát:
“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng
tọa Minh?” Ngay câu nói ấy, Thượng tọa Minh ngộ đạo.
Bản lai diện
mục là gương mặt thật sẵn có muôn đời của chúng ta, khi không nghĩ thiện
không nghĩ ác nó sẽ hiện ra. Thế gian thường nói tu không nghĩ ác nhưng
phải nghĩ thiện, tại sao ở đây không cho nghĩ thiện nữa? Bởi vì Phật nói
trong lục đạo luân hồi, ba đường ác là do nghĩ ác, làm ác mà đọa vào. Ba
đường thiện là do nghĩ lành, làm lành mà sanh vào. Tuy nhiên còn sanh là
còn tử, chưa ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. Cho nên dứt hết hai thứ thiện,
ác mới dứt sạch nghiệp. Hết nghiệp thì đi đâu? Là giải thoát sanh tử, mục
đích tu duy nhất của chúng ta chỉ có thế thôi.
Chúng ta có
tánh Phật sẵn mà cứ bỏ quên chạy theo vọng tưởng hoài. Chạy theo vọng
tưởng hoài thì khổ hoài, lang thang trong luân hồi lục đạo. Chừng nào
chúng ta trở về với tánh Phật của mình rồi, chừng đó mình như chư Phật chư
Tổ, chuyển phàm thành Thánh, không có xa xôi gì hết. Cho nên tu Phật là
điều thiết yếu vô cùng. Nhưng nhớ phải tu từ gốc, tu từ tâm chân thật, chớ
không phải chỉ tu trên hình thức thôi. Tu chân thật là phải phản quan trở
lại mình.
Tại sao chúng
tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần? Như trên đã nói, Thái tử
Trần Khâm khi từ giã Tuệ Trung Thượng Sĩ đã hỏi về chỗ chủ yếu của thiền.
Ngài Tuệ Trung dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, tức
phải soi lại chính mình, không nên tìm bên ngoài, đó là phận sự gốc. Ngay
câu này Ngài lãnh hội liền. Lên ngôi Hoàng Đế một thời gian, sau đó thấy
Anh Tông đã lớn, đủ sức cán đáng việc nước, Ngài giao ngôi vua cho con,
xuất gia vào núi tu hành.
Như vậy chỗ
nhìn, chỗ thấy của Ngài rất chí thiết, rất rõ ràng, đúng với tinh thần của
Tổ Huệ Khả. Tìm lại tâm là phản quan chớ gì. Phản quan ở đâu? Ở chính
mình, trở lại chính mình. Nhìn lại hệ thống thiền từ tổ Huệ Khả truyền tới
tổ Huệ Năng, sang các Thiền sư Việt
Nam
cùng một hệ thống không khác. Các Ngài đều chỉ cho chúng ta thấy thân
không thật, tâm lăng xăng không thật. Nhưng tâm đó là chủ tạo nghiệp nên
phải đập tan cho nó hết tâm lăng xăng thì gốc tạo nghiệp sẽ không còn.
Không còn tạo nghiệp là giải thoát sanh tử.
Muốn thế trước
phải có trí tuệ Bát-nhã ruồng phá các chấp thân, chấp tâm. Trí tuệ Bát-nhã
là điều kiện hàng đầu để dẹp trừ tâm tạo nghiệp. Cho nên dù tu pháp môn
nào Tịnh độ, Thiền tông hay Mật tông cũng tụng Bát-nhã. Buông dẹp hết các
thứ hư giả rồi thì tâm chân thật hiện ra, ông Phật sẵn nơi mình, chớ không
đâu xa hết.
Vua Trần Nhân
Tông lúc ở ngôi Thái Thượng Hoàng có làm bài phú Cư Trần Lạc Đạo bằng chữ
Nôm thật có giá trị. Kết thúc bài phú Ngài viết bốn câu bằng chữ Hán, ý
nghĩa rất đầy đủ như sau:
Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ
tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Cư trần lạc
đạo thả tùy duyên, là ở trong đám bụi trần ví cho người cư sĩ, muốn vui
với đạo phải khéo tùy duyên. Tùy duyên là sao?
Cơ tắc xan hề
khốn tắc miên, đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Dễ thôi là dễ, tùy duyên bằng
cách đói ăn mệt ngủ, chớ không gì hết. Nghe nói thì dễ nhưng làm được như
vậy không phải dễ. Quí vị đói có chịu ăn, mệt có chịu ngủ không? Nếu đói
thì dọn cơm nguội cơm nóng gì ăn cũng được hết. Nhưng trên thực tế, đói
thì đói chớ dọn cơm hơi dở một chút là không chịu ăn. Còn mệt mà nhớ ai
nói lời gì tức quá, trả lời chưa xong cứ lo ăn thua lo khôn dại nên lăn
qua trở lại hoài, không chịu ngủ. Đó là người không biết tùy duyên.
Gia trung hữu
bảo hưu tầm mích, là trong nhà có của báu sẵn, đừng tìm kiếm ở đâu hết.
Phật sẵn trong nhà rồi chỉ dẹp ba đứa tam bành lục tặc thì Ngài hiện ra
ngay. Nhưng chúng ta có chịu dẹp đâu, chẳng những không dẹp mà còn nuôi
nữa. Phật ở trong nhà nhưng vì mình mắc lo dòm ngó, chạy theo mấy đứa giặc
nên không thấy Phật. Bây giờ muốn thấy Phật của chính mình, phải dẹp hết
những điên đảo, những phiền não loạn tưởng vô ích. Dẹp sạch nó rồi thì
thấy Phật thôi.
Cho nên Phật
dạy người tu phải có Giới, Định, Tuệ. Khi buông bỏ hết các niệm lăng xăng
thì được an định, an định thì trí tuệ phát sanh. Trí tuệ này là trí tuệ
Phật, trí tuệ của bậc giác ngộ, chớ không phải trí tuệ thế gian. Chúng ta
tu là cốt đến chỗ đó. Muốn có trí tuệ giác ngộ trước phải khéo dùng trí
tuệ tạm thời là trí tuệ Bát-nhã để ruồng bỏ các đám lăng xăng bên ngoài.
Thấy thân thấy tâm đều không thật, các cảnh đều giả dối, chúng ta mới
không vướng mắc chúng.
Đối cảnh vô
tâm mạc vấn thiền, là đối với sáu trần chúng ta không có niệm chạy theo.
Đây chính là chỗ tổ Huệ Khả nói bặt hết các duyên. Không dính với sáu trần
là thiền. Cho nên chư Tổ đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, làm mọi việc cũng
thiền. Người biết tu sống trong cảnh nào, giờ nào cũng tu được hết. Ban
đêm rảnh thì ngồi thiền, ban ngày hoạt động cũng vẫn tu. Đi đứng nằm ngồi
đều không vướng mắc với sáu trần, đó là thiền. Thảnh thơi không?
Quí vị suy
nghĩ nhiều là thảnh thơi hay buông hết là thảnh thơi? Thảnh thơi là khi
nào buông hết suy nghĩ. Bây giờ chúng ta cứ ôm hoài. Nghĩ cái này chưa rồi
nghĩ tới cái khác, nghĩ cái khác chưa rồi nghĩ tới cái khác nữa, chồng
chập chồng chập lên hoài, rồi bóp đầu bóp trán than khổ. Thôi, buông hết
không có gì quan trọng. Thân này còn mất không quan trọng. Tâm này bị
người khinh quí gì cũng không quan trọng, tất nhiên buông được hết mọi thứ
trên đời. Danh lợi, tiền tài, sự nghiệp… chỉ là trò chơi. Thân đã tạm bợ,
suy nghĩ là giả dối thì có gì quan trọng nữa. Điều quan trọng nhất là
chúng ta phải trở về với ông Phật của mình, sống với ông Phật của mình.
Như vậy người
tu là người đi tìm lại cái thật của chính mình, vì vậy mới gọi siêu xuất
thế gian. Bỏ thân tạm bợ không chấp, bỏ tâm điên đảo không theo, để trở về
cái chân thật muôn đời của chính mình, giải thoát sanh tử. Giá trị của
người tu chính là chỗ siêu thoát này. Hôm nay tôi nói về giá trị của việc
tu thiền cho quí vị biết, để hiểu tại sao tôi dạy chư Tăng Ni các Thiền
viện tu vừa dấy niệm buông bỏ, không theo nó. Đó là chỉ thẳng tâm mình,
biết cái giả đừng theo. Cái giả hết thì cái thật hiện ra chớ gì. Đó là chủ
trương đường lối tôi thấy được, biết được, ứng dụng được rồi chỉ dạy lại
cho Tăng Ni, Phật tử cùng tu.
Nếu quí vị xét
thấy có lý thì cố gắng tu. Nên nhớ tôi không bắt mọi người đều tu thiền
hết, làm sao bắt được. Tu niệm Phật cũng hay, nhưng với điều kiện phải
nhất tâm bất loạn mới được. Không nên nghĩ đời này tu lừng chừng gieo
duyên, đây là một sai lầm lớn, làm uổng đi một đời tu. Đời này mất đời sau
biết ta có được làm thân người, có gặp Phật pháp không? Thế nên đã được
thân người, đã gặp Phật pháp phải ráng tu cho tới nơi tới chốn. Như thế
mới đúng tinh thần của người xuất gia. Đó là lời khuyên nhắc của chúng
tôi. |