HOA VÔ ƯU

(TẬP-10)

H.T THÍCH THANH TỪ

TỔ SƯ THIỀN

Thiền Viện Chân Không . 1998

Nói đến thiền sẽ có một số Phật tử cũ nghe dễ hiểu, nhưng người mới nghe hơi khó một chút, tuy nhiên từ từ nghe quen, quí vị cũng sẽ hiểu. Hôm nay tôi nói thẳng về Thiền Tổ sư, gọi theo tiếng Hán là Tổ sư thiền.

Thiền Tổ sư được truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa, qua Việt Nam. Thiền này rất thẳng tắt, không nói quanh co. Vì vậy khi nghe quí vị chịu khó nghiền ngẫm mới thấy lý thú. Trước tiên tôi kể câu chuyện của Thiền sư.

Một hôm có thầy Tri sự đến hỏi Thiền sư Thạch Cựu:

- Bạch Hòa thượng, tại sao trong tay Bồ-tát Địa Tạng có cầm một hạt châu?

Ngài Thạch Cựu không trả lời mà hỏi lại:

- Trong tay ông có không?

Thầy Tri sự bí quá thưa:

- Không biết, không biết.

Ngài Thạch Cựu bảo rằng:

- Đừng nói dối đại chúng.

Sau đó Ngài nói tiếp bốn câu kệ:

            Bất thức tự gia bảo,

            Tùy tha nhận ngoại trần.

            Nhật trung đào ảnh chất,

            Cảnh lý thất đầu nhân.

Dịch:

            Báu nhà mình chẳng biết,

            Theo người nhận ngoại trần.

            Giữa trưa chạy trốn bóng,

            Kẻ nhìn gương mất đầu.

Chúng ta đi chùa thấy tượng Bồ-tát Địa Tạng tay phải cầm cây tích trượng có mười hai khoen, tay trái cầm hạt châu. Do đó thầy Tri sự mới hỏi “tại sao trong tay Bồ-tát Địa Tạng lại cầm hạt châu?” Thiền sư không trả lời thẳng mà hỏi lại “trong tay ông có không?” Đây là điểm đặc biệt của nhà thiền. Tôi sẽ giải thích từng phần cho quí vị hiểu được ý nghĩa thâm trầm ấy.

Khi thấy hình tượng Phật, Bồ-tát thờ ở chùa, chúng ta cứ nghĩ đó là hình tượng thật đúng như lịch sử, nhưng không phải. Các tượng thờ ấy chỉ là hình tượng biểu trưng, nghĩa là mượn hình tượng để nói lên điều thâm sâu hơn bên trong. Địa Tạng giải thích theo chữ Hán, địa là đất, tạng là tàng ẩn. Bồ-tát Địa Tạng cầm hạt châu tượng trưng cho hạt châu ẩn trong đất. Hình ảnh đó nói lên chư Phật, Bồ-tát và tất cả chúng sanh ai cũng có hạt châu ẩn trong thân tứ đại này. Hạt châu biểu trưng nơi chúng ta có tâm hằng giác bất sanh bất diệt gọi là chân tâm. Tuy nhiên, bên cạnh tâm chân thật này, chúng ta cũng có tâm sanh diệt tương tục, nhà thiền gọi là vọng tưởng. Như vậy tâm bất sanh bất diệt có ngay nơi thân sanh diệt vô thường, tâm này được ví như hạt châu quí.

Trên thế gian này, vàng bạc châu báu, giàu sang, danh vọng v.v... Tất cả những thứ đó có được cũng được trong vô thường sanh diệt thôi, được rồi mất chớ không thật. Dài thì năm ba mươi năm, ngắn thì đôi ba năm. Nhưng ngay nơi thân vô thường có một cái chân thường bất sanh bất diệt, nên cái chân thường đó quí như hạt minh châu vậy. Hạt châu tuy quí, tuy có sẵn nhưng ta bỏ quên. Vì quên nên nó bị chôn vùi. Địa Tạng là chôn vùi trong đất.

Trong đất ngũ uẩn hay thân tứ đại có hạt châu, mà mình không biết. Bởi không biết nên nghèo cùng khốn khổ. Giờ đây, qua hình ảnh nơi tay đức Địa Tạng cầm hạt châu, để nói rằng mỗi người chúng ta đều có hạt châu quí đang tàng ẩn. Do đó ta phải làm sao phăng tìm, đào xới cho nó hiện ra. Đó là ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vậy ngài Thạch Cựu không trả lời câu hỏi của thầy Tri sự mà hỏi lại “Trong tay ông có chăng?” Nếu thầy Tri sự hiểu ý sẽ đáp “Dạ có”. Do không biết nên thầy nói “Không biết, không biết”. Có mà không biết nên tưởng là không, vì thế Thiền sư bảo “đừng dối gạt đại chúng”. Có mà nói không là nói dối rồi. Không ai dám nhận mình có hạt châu hết, như vậy là chúng ta nói gạt nhau.

Bấy giờ Thiền sư mới nói bốn câu kệ. “Bất thức tự gia bảo” tức là không biết của báu nhà mình. “Tùy tha nhận ngoại trần”, tức là chạy theo vật bên ngoài, nhận lấy sáu trần làm của mình.  Có của báu trong nhà không biết, lại chạy ra ngoài tìm kiếm sáu trần. Cả ngày mắt chúng ta đuổi theo sắc đẹp, xấu. Tai đuổi theo tiếng hay dở, khen chê. Mũi đuổi theo mùi hương thơm hôi. Lưỡi đuổi theo vị ngon dở. Thân đuổi theo cảm xúc trơn mịn thô nhám. Ý đuổi theo pháp trần. Cứ thế suốt ngày chạy theo sáu trần, không bao giờ thức tỉnh biết mình có của báu trong nhà.

Chúng ta có phải đang đuổi theo sáu trần không? Hẳn nhiên là đang đuổi theo sáu trần, không biết mình có của báu nên luôn chạy tìm kiếm bên ngoài, không biết quay lại mình. Người có của báu mà không nhận, chạy tìm sáu trần tạm bợ sanh diệt bên ngoài có rồi mất, người đó có đáng thương không? Rất đáng thương. Tất cả chúng ta ở đây đều như vậy hết, đều là những người đáng thương.

Nếu có của báu mà không biết, cứ tìm kiếm bên ngoài thì giống như gì? “Nhật trung đào ảnh chất”, như người khờ giữa trưa chạy ra ngoài trời trốn bóng. Chúng ta thấy có ai đang trưa nắng mà chạy ra ngoài trời để trốn bóng mình chưa? Ngu vừa thôi chớ, muốn trốn bóng cứ vô nhà thì hết ngay, chớ chạy ra trời trốn bóng thì quá ngu rồi. Cũng thế, chúng ta có của quí mà không dám nhận, cứ đi tìm cái hư giả bên ngoài, khác nào người chạy ra trời nắng để trốn bóng của mình. Đó là một hiện tượng khờ dại.

“Cảnh lý thất đầu nhân”. Cảnh là gương, lý là trong. Người soi vào gương thấy đầu, đến khi bỏ gương xuống thấy mất cái đầu. Đây là dẫn tích trong kinh Lăng Nghiêm. Đức Phật dạy chúng sanh mê lầm bỏ cái thật chạy theo cái bóng hư ảo. Ngài dùng ví dụ chàng Diễn-nhã-đạt-đa, một buổi sáng anh cầm gương soi mặt. Nhìn trong gương thấy đầu mặt đẹp đẽ quá, nhưng khi úp gương lại đầu mặt mất tiêu. Lúc đó anh ôm đầu chạy la “tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”.

Quí vị thấy khờ không? Có ai khờ bằng chàng Diễn-nhã-đạt-đa, đầu mặt trong gương là thật hay giả? Là bóng hư giả. Vậy mà khi úp gương lại, mất đầu mặt giả lại ôm đầu mặt thật chạy la “tôi mất đầu rồi”. Bởi vì đầu thật có thấy đâu, chỉ thấy đầu mặt trong gương nên lầm cho bóng giả là thật. Có đáng thương không? Thật là mê lầm đáng thương.

Hòa thượng Thạch Cựu nói chúng ta cũng vậy, cứ đuổi theo bóng mà quên cái chân thật. Chúng ta đang đuổi theo bóng như thế nào? Thường thường mình suy nghĩ, phân biệt và cho đó là tâm mình. Tâm tôi đang nghĩ, tâm tôi đang tính toán v.v… Song cái suy nghĩ, tính toán đó có thật không? Ai cũng nói thật, nhưng nhà Phật nói nó không thật. Gần nhất, như quí vị đang giận ai đùng đùng, sau đó có người lớn đủ tư cách, sáng suốt đến khuyên “Thôi, đừng giận. Giận là khờ”. Nghe thế quí vị liền tỉnh, bấy giờ cái giận đó trốn ở đâu? Hồi nãy giận, bây giờ hết giận thì cái giận nó chạy đi đâu. Nếu nó thật thì từ bên trong ra, khi hết giận ta phải thấy nó chui vào trong lại chứ. Nhưng thật tình chúng ta có thấy nó chạy ra, chạy vào gì đâu? Như vậy hữu duyên nó hiện, thiếu duyên nó mất, thế thì nói nó thật được không? Không được.

Nếu giận là tôi thì khi giận mất, cái tôi này cũng phải mất. Nhưng thật ra giận mất, chớ tôi đâu có mất, thế thì rõ ràng nó không phải là mình. Nên đức Phật nói chúng sanh nhận bóng cho là mình, thật khờ dại rất đáng thương. Giống như chàng Diễn-nhã-đạt-đa khi mất đầu giả, lại ôm đầu thật chạy la “mất đầu”. Chúng ta cũng thế, cứ ôm cái tôi giận, tôi buồn cho là mình thật mà không biết cái tôi thật đang hiện hữu luôn bên mình, nên cả ngày khổ hoài. Hết giận tới buồn, hết buồn tới thương, hết thương tới ghét… Buồn thương giận ghét, đổi thay liên miên.

Ai thương mà đi vắng thì khổ, ai ghét mà gặp hoài cũng khổ, cho nên cả đời khổ. Bây giờ biết buồn, thương, giận, ghét là cái tạm bợ, không phải mình, nó dấy lên rồi mất, không thèm để ý nó nữa. Được vậy bớt khổ chưa? Sống thản nhiên tự tại. Khởi thương khởi ghét là giả dối không thèm theo, tự nhiên ta hết khổ. Ngược lại chúng ta theo nó, nhận nó là mình thì khổ hoài, vì bị nó dày vò, hành hạ, không phút nào yên. Đó là một mê lầm đáng thương.

Khi không buồn thương giận ghét, lúc đó mình sáng suốt, tỉnh táo rõ ràng. Còn khi buồn, thương, giận, ghét hay nghĩ bậy nghĩ bạ, đủ thứ chuyện. Thế mà chúng ta cứ kết nối một chuỗi dài lăng xăng bởi bao nhiêu là buồn thương giận ghét, tự làm khổ mình khổ người, rồi than “sao đời tôi khổ quá!” Có vô lý chưa? Trong cuộc sống này, chúng ta thường đuổi theo sự mê lầm ấy, không sống với cái thật.

Tôi thường ví dụ, như đêm rằm trăng sáng, nhưng mây đen cứ kéo tới liên tục thành ra mặt trăng bị che khuất, ta không thấy trăng. Như vậy trong hư không có trăng hay không có trăng? Có trăng nhưng vì mây mù phủ lấp nên có cũng như không. Cũng thế, chúng ta có tâm chân thật nhưng vì buồn thương giận ghét phủ lấp hết. Hết nghĩ cái này tới nghĩ cái kia, trong tâm phiền não lăng xăng liên tục, làm sao tâm chân thật ngoi đầu lên được.

Do đó đức Phật mới dạy chúng ta ngồi thiền để định tâm, dừng hết những lăng xăng lộn xộn ấy. Người nào ngồi thiền không có kết quả, hay niệm Phật không có kết quả là tại vì không dừng tâm lăng xăng, mà còn theo nó nữa. Như vậy làm sao có kết quả được. Muốn cái thật hiện thì cái giả phải lắng xuống. Cái giả nó cứ trồi lên hoài thì cái thật làm sao mà hiện được? Hiểu thế rồi, qua câu chuyện đối đáp rất đơn giản của Thiền sư, chúng ta thấy cả một bài học thâm thúy, chớ không phải thường.

Bây giờ tôi kể thêm câu chuyện nữa. Một hôm có thầy Tri sự tới Thiền sư Duyên Quán, tông Tào Động hỏi:

- Bạch Hòa thượng, giặc nhà khó giữ phải làm sao?

Ngài bảo:

- Biết nó tức không phải oan gia.

- Biết nó rồi làm gì nữa?

- Biết nó rồi, đày đến đất vô sanh đi.

- Đất vô sanh đâu không phải là nơi an thân lập mạng của nó?

- Nước chết không chứa được rồng.

- Thế nào là nước sống chứa rồng?

- Dậy mòi mà không thành sóng.

- Khi đồng nghiêng núi đổ thì thế nào?

Bấy giờ Thiền sư đứng dậy chụp vai thầy Tri sự nói:

- Không ướt góc cà sa của lão tăng.

Đó, Thiền sư đối đáp như vậy, nghe như chuyện trên trời trên mây, rất khó hiểu. Tôi tạm giải thích từng câu cho quí vị hiểu được ý nghĩa thâm trầm trong nhà thiền. Thầy Tri sự hỏi “Giặc nhà khó giữ phải làm sao?” Giặc nhà là những phiền não, nghĩ tưởng lăng xăng lộn xộn của chúng ta. Ngồi niệm Phật cũng như ngồi thiền, muốn yên mà nó không chịu yên, cứ lăng xăng lộn xộn hoài kềm không được, đó gọi là giặc nhà.

Giặc nhà khó giữ, bây giờ phải làm sao? Ngài trả lời một câu hết sức đơn giản “Biết nó thì không phải oan gia”. Oan gia tức kẻ thù trong nhà. Người tu thiền khi niệm dấy lên, biết là vọng tưởng đừng theo. Vì niệm dấy lên là hư ảo, không thật nên mình phải tự cảnh tỉnh nó là vọng tưởng, không theo. Biết là vọng tưởng, tự nhiên nó tan. Vì thế Thiền sư nói “biết nó thì không phải oan gia”, tức không phải kẻ thù trong nhà. Ngược lại nó dấy lên mình chạy theo hoài, thành ra cứ rối tung. Ngồi thiền một giờ hoặc nửa giờ mà không yên được phút giây nào cả. Hết nghĩ cái này tới nghĩ cái kia, rối loạn tơi bời.

Tới câu thứ hai, thầy Tri sự hỏi “Biết nó rồi làm gì nữa?”, Ngài bảo “Đày đến đất vô sanh đi”. Ai có tu thiền mới biết được chỗ này. Khi niệm khởi ta không theo thì nó lặng. Niệm lặng là tâm không dấy niệm, tức không sanh diệt. Không sanh diệt tức vô sanh, vô sanh là Niết-bàn. Niệm khởi là động, là sanh diệt, niệm lặng xuống thì không động không sanh diệt. Nên nói “đày đến đất vô sanh đi”, là đưa nó tới chỗ không còn dấy động sanh diệt nữa.

Thầy Tri sự hiểu đạo khá nên hỏi tiếp “Đất vô sanh đâu không phải là nơi an thân lập mạng của nó?” Ý hỏi đất vô sanh là chỗ cuối cùng để chúng ta được an ổn tuyệt vời phải không? Ngài trả lời “nước chết không chứa được rồng”. Chỗ vô sanh ấy là nước chết không chứa được rồng. Tại sao? Vì tâm lăng xăng lặng xuống rồi, đó chưa phải là chỗ cứu kính của người tu thiền. Thường thường chúng ta nghe nói thiền định. Định là lặng lẽ không còn dấy động. Chỗ không dấy động ấy chỉ là vọng tưởng không dấy động thôi, chớ không phải cái chân thật, nên Thiền sư mới nói “nước chết không chứa được rồng”.

Hỏi: “Thế nào là nước sống chứa rồng?” Ngài đáp “dậy mòi mà không thành sóng”, nghĩa là gờn gợn nhưng không phải những lượn sóng. Khi nào chúng ta nhận ra nơi mình có tánh hằng tri hằng giác, không dấy niệm, không xao động, đó mới là chỗ chân thật. Còn nhận cái yên lặng là mình thì đã quên tánh giác rồi. Chỗ luôn luôn giác, luôn luôn tri mà không thành niệm, không dấy khởi, đó mới là chỗ thật. Lặng mà hằng tri hằng giác, biết hết nhưng không động, đó mới là nước sống chứa rồng.

Hỏi: “Khi đồng nghiêng núi đổ thì thế nào?” Ngài đứng dậy chụp thầy Tri sự rồi nói “không ướt góc cà sa của lão tăng”. Đồng nghiêng núi đổ tức là mọi việc xáo trộn, lay trời động đất, khi đó thế nào? Hòa thượng nói “không ướt áo cà sa của lão tăng”, tức ta luôn tự tại. Sống được với cái chân thật rồi thì tự tại trước tất cả cảnh. Dù ngoại cảnh đổi dời, dù đất trời rung động, ta cũng vẫn tự tại như thường. Không có gì phiền bận, không có gì run sợ.

Chúng ta thấy đường lối tu từ trên xuống dưới có hệ thống rõ ràng. Song người mới đọc sách thiền, nghe mấy câu đó không hiểu nổi. Qua những câu đối đáp ấy, Thiền sư muốn chỉ cho chúng ta biết, nơi mình có cái chân thật sẵn bên trong mà ta quên. Cái chân thật đó nhà thiền gọi là chân tâm. Thường ngày ta sống với vọng tưởng điên đảo, suy tính buồn vui v.v... nên không nhận được chân tâm, vì vậy phải chịu đau khổ. Hết khổ này tới khổ nọ, hết khổ vì thương tới khổ vì ghét, vì giận hờn v.v... Cứ như vậy mà khổ hoài.

Trên đời này, có ai dám nói tôi sống hoàn toàn vui không? Cứ thương, giận, ghét, hờn, buồn phiền liên miên. Chúng sanh si mê nhận cái giả tạm làm mình, không biết cái chân thật sẵn bên trong. Tới khi muốn tu lại không biết tu thế nào? Bây giờ muốn tu thì phải bỏ, đừng chạy theo những buồn, thương, giận, ghét nữa. Biết nó hư giả, là vọng tưởng từ từ nó tự lặng hết. Khi nó lặng hết rồi, ta mới thấy còn cái chân thật hằng giác hằng tri, không vắng thiếu lúc nào. Đó mới là cái chân thật không sanh diệt, nên thân này hoại mà nó vẫn không mất. Vì nó không có sanh diệt nên không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không bị luân hồi sanh tử nữa, nên nói giải thoát sanh tử.

Chính cái buồn thương giận ghét mới tạo nghiệp. Đến được cái chân thật ta mới thật tự tại, thật an vui. Tu như vậy mới thật là tu. Chúng ta  bây giờ tu toàn là tu vọng tưởng không, làm sao giải thoát được. Sau này tôi đọc sách về tâm lý trị liệu, thấy những từ ngữ triết học rất thích hợp với tinh thần thiền. Họ nói ngay nơi thân chúng ta có hai cái tôi. Cái tôi đối tượng và cái tôi chủ thể. Thế nào là tôi chủ thể, thế nào là tôi đối tượng? Như con mắt của tôi nhìn hoa cúc, thì con mắt là chủ thể, hoa cúc là đối tượng. Đối tượng là mình hay không phải mình? Đối tượng là cái ngoài mình, bị mình biết, nó không phải mình. Khoa tâm lý trị liệu gọi đó là cái tôi đối tượng, còn con mắt hay thấy là cái tôi chủ thể.

Hiện giờ chúng ta sống quên cái tôi chủ thể, chỉ biết cái tôi đối tượng, nên nhận buồn thương giận ghét là tôi. Tôi buồn, tôi giận, tôi thương, tôi ghét. Cái giận cái ghét là mình hay không phải mình? Không phải mình, nó chỉ là bóng dáng, là đối tượng bị biết, vậy mà lâu nay tất cả chúng ta sống với cái tôi đối tượng này thôi. Lúc nào cũng ôm ấp buồn thương giận ghét, mà không bao giờ nhận ra cái tôi chủ thể, cái tôi thật của mình. Khi mình vừa dấy nghĩ buồn, dấy nghĩ thương, dấy nghĩ ghét, lúc đó có biết không. Thấy biết rõ ràng, nó là cái bị thấy, bị biết thì làm sao là mình được. Vậy mà ta cứ cho nó là mình, cả đời sáu bảy chục năm sống chết với buồn thương giận ghét, không biết có cái tôi chủ thể hằng hữu bên mình, rồi than khổ.

Như vậy chúng ta tỉnh hay mê? Cái giả mà nhận làm mình thật, đó là mình mê rồi. Tất cả chúng ta đang mê, nên đức Phật nói chúng sanh bị mê lầm cuốn trôi, tạo nghiệp thọ khổ. Nếu chúng ta tỉnh, buồn thương giận ghét dấy lên, mình biết nó không phải mình, nên không theo. Đó là ta làm chủ, không bị nó lôi dẫn đến quả khổ. Khi buồn thương giận ghét không còn lôi kéo ta được nữa thì cả ngày mình cười hoài, vui vẻ, nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Chúng ta tu phải làm sao thoát khỏi mê lầm, không phải tu để vùi đầu trong mê lầm. Muốn thoát khỏi mê lầm thì phải nhận ra cái tôi thật. Chính chỗ này khi xưa tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, tới đoạn đức Phật nói tất cả chúng sanh quên mình theo vật, tôi thấy hay làm sao! Quên mình theo vật tức là quên chủ thể mà chạy theo cảnh vật bên ngoài. Đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không? Tôn giả trả lời thấy. Phật để tay xuống hỏi thấy không? Tôn giả trả lời không thấy. Phật liền quở “ông đã quên mình theo vật”. Cái tay là vật ở ngoài, cái thấy là của mình. Có tay nói thấy, để tay xuống nói không thấy là mất cái thấy rồi. Lẽ ra phải nói đưa tay lên thì thấy có tay, để tay xuống thì thấy không có tay, chớ đâu phải không thấy. Không thấy là mù mất rồi. Nên đức Phật mới quở quên mình theo vật, vì có vật thì cho là có thấy, không vật cho là không thấy.

Chúng ta luôn luôn có cái hiện tiền nằm sẵn trong thân năm uẩn này. Nơi mắt thì thấy, nơi tai thì nghe, nơi mũi thì ngửi, nơi lưỡi thì nếm… Có vật nó cũng biết, không vật nó cũng biết, đâu phải không vật thì không biết. Cái thấy, cái nghe lúc nào cũng hiện tiền, không phải đợi có sắc tướng hay âm thanh bên ngoài mới thấy, mới nghe.

Chúng ta xưa nay mê lầm hết sức sâu đậm, cái không đúng lẽ thật mà cứ chấp cho là thật. Vì vậy đức Phật chỉ dạy cho chúng ta biết cái gì là thật, cái gì là giả nơi mình để ta không còn si mê lầm lẫn nữa. Phật nói dù chúng ta ngủ cái nghe cũng hiện tiền, cái thấy cũng hiện tiền. Ngài A-nan không chịu, thưa với Phật “ngủ làm sao thấy, làm sao nghe?” Phật hỏi nếu khi ngủ không có cái thấy, không có cái nghe, tại sao có người đốt đèn ta liền thấy, gõ cửa ta liền nghe? Chẳng qua vì các căn đóng lại, nó hơi mờ một chút thôi. Nếu ngủ không nghe thì ai làm gì cũng không nghe hết, tại sao vừa gõ cửa mình nghe liền? Chẳng qua chúng ta đóng cửa sáu căn lại nên tánh thấy, tánh nghe có thầm bên trong. Còn khi ta thức là mở hết các căn, cho nên thấy nghe rõ ràng sáng tỏ hơn, chớ lúc nào không nghe.

Ngài A-nan hỏi lại “như vậy tại sao những người có mắt mà mù thì không thấy?” Phật nói không phải người mù không thấy, người mù cũng thấy mà họ thấy trước mắt tối đen. Thấy tối đen tức là thấy. Ngài A-nan không chịu, thấy tối đen sao gọi là thấy? Phật mới hỏi lại, ví như trong một ngôi nhà ban đêm không có đèn, người mắt sáng bước vô nhà tối, thấy cái gì? Cũng thấy tối đen. Như vậy là thấy hay không thấy? Bất thần có người đốt đèn sáng lên, lúc đó thấy sự vật chung quanh là cây đèn thấy hay con mắt mình thấy? Khi nãy thấy tối đen nói không thấy, bây giờ đèn sáng thấy tất cả vật, như vậy đèn thấy hay con mắt thấy? Con mắt thấy. Thấy tối cũng mắt thấy, thấy sáng cũng mắt thấy. Người mù cũng vậy, họ không thấy sáng nhưng thấy tối, cũng là thấy. Nếu người ta trị được con mắt hết mù, chừng đó họ cũng thấy như người sáng mắt vậy.

Như vậy để biết nơi chúng ta có sẵn cái chân thật, hằng hữu mà vì lý do này lý do nọ, nó khuất đi chớ không phải không có. Nói thế để chúng ta hiểu rằng, người tu nhất là tu thiền cốt bỏ tâm vọng tưởng tức cái tôi đối tượng đó. Nó lặng xuống rồi thì tâm chân thật hiển bày, tức cái tôi chủ thể. Tâm vọng tưởng là tâm tạo nghiệp, thọ khổ muôn đời muôn kiếp. Bây giờ muốn cho tâm tạo nghiệp đó dừng lặng thì phải yên lại, buông bỏ những niệm lăng xăng đi thì tâm chân thật hiện ra. Tâm chân thật còn gọi là bản lai diện mục, tức mặt thật xưa nay của mình.

Lục Tổ khi rời Huỳnh Mai trở về Lãnh Nam, Ngài mang theo y bát của Ngũ Tổ trao. Qua sông rồi Ngài đi thẳng về phương Nam. Bấy giờ các đồ đệ của Ngũ Tổ hay tin đuổi theo để giành y lại. Trong số đó có Thượng tọa Đạo Minh trước kia là tướng đi tu, ông cỡi ngựa giỏi lắm nên đuổi theo kịp. Lục Tổ thấy bị đuổi sát sau lưng, nên Ngài để y bát trên tảng đá, chun vô lùm trốn. Đạo Minh tới nơi thấy y bát mừng quá. Ông xuống ngựa, định đến tảng đá ôm y bát lên, nhưng không cách chi ôm nổi. Bấy giờ ông mới giựt mình, biết có sự mầu nhiệm bên trong, chớ không phải lẽ thường như người ta tưởng. Do đó ông không ôm y bát nữa, mà vội hướng vào lùm cây kêu “Hành giả, hành giả! Tôi đến đây vì pháp chớ không phải vì y bát.” Lục Tổ đang núp trong bụi, nghe nói vì pháp Ngài đi ra nói: “Nếu ông vì pháp thì hãy im lặng giây lâu, ta sẽ nói cho”. Đạo Minh đứng im lặng giây lâu, Ngài hỏi “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu đó Đạo Minh liền ngộ.

Nghĩ thiện nghĩ ác là cái tôi đối tượng hay tâm vọng tưởng. Khi không có những thứ đó, bản lại diện mục hiện tiền, rõ ràng không đâu xa lạ hết. Sở dĩ người tu phải định tâm vọng tưởng là vì vậy. Tâm vọng tưởng lặng rồi thì thể chân thật hiện bày, đó mới là chỗ cứu kính của người tu. Nên biết ngay nơi thân tạm bợ giả dối và tâm lăng xăng sanh diệt, lại có cái thể không sanh không diệt nằm sẵn ở trong. Vì vậy các Thiền sư thường nói hoa sen trong lò lửa.

Thân này vô thường, tâm niệm sanh diệt vô thường. Vô thường là chỉ cho lò lửa, luôn luôn đổi thay hủy diệt. Nhưng trong đó có một hoa sen tươi thắm không bị khô héo, nên nói hoa sen trong lò lửa. Tức ngay cái hư giả có cái chân thật muôn đời. Tu thiền chủ yếu là nhận lại cái chân thật ấy, chớ không phải cầu có thần thông bay đi hay biết quá khứ vị lai v.v…

Hành giả tu thiền phải phăng cho ra, tìm cho được cái chân thật lâu nay của chính mình. Chúng ta thử hỏi thân này là thân ai? Thân mình. Nhưng giả sử một mụt nhọt hay cái bướu nào đó ở trong thân, người ta mổ bỏ ra ngoài, mình có gớm không? Nó là mình sao lại gớm? Như vậy thân này có thật mình chưa? Cho tới những thứ như nước miếng, nước dãi, mồ hôi… ta tưởng là quí nhưng bỏ ra rồi có dùng lại được không? Ai cũng gớm ghê, thế là sao? Để thấy thân này không phải thật mình nên quăng ra ta rất gớm. Vậy mà lúc bình nhật, ai động đến một chút cũng không được, mình bảo vệ mến yêu nó tới cùng. Do chấp giữ thân này nên hơn thua đủ thứ, giành giựt để làm khổ cho nhau. Vì chấp thân thật nên mọi nhu cầu của thân đều giành phần ưu tiên về mình hết. Ăn ngon, mặc đẹp, nhất nhất đều muốn hơn thiên hạ. Do đó ai hơn mình liền nổi tức lên, sân si với người ta. Đó là lầm chấp về thân.

Kế đến chấp tâm, chúng ta thường cho tâm là những suy nghĩ của mình. Ta nghĩ cái gì cũng đúng, ai nghĩ khác là nổi sân lên cự liền. Chấp thân chấp tâm không thật cho là thật, nên khổ vô cùng. Khổ mình khổ người. Bây giờ tu là nhận ra ngay nơi thân không thật, tâm không thật đó có cái chân thật. Tìm cho ra cái chân thật ấy, cũng như ta đào bới trong đất để lấy hòn ngọc quí. Như thế mới có giá trị, chớ những thứ không thật không quí mà lầm tưởng nó quí là mê. Vì vậy phải khéo tu để tìm cho ra cái chân thật, được cái thật đó là được hòn ngọc minh châu. Chừng đó mình trở thành giàu nhất trên đời, không ai bì nổi nữa. Chỉ có của báu trong nhà mới không ai đụng tới được, mới thật giàu sang. Tu thiền như thế là tu theo đường lối của Tổ sư, vì vậy các Thiền sư Trung Hoa gọi là Tổ sư thiền.

Hôm nay tôi nói sơ lược về thiền Tổ sư như thế, để quí vị nếm chút chút, tu tập từ từ sẽ thấm thía hơn. Làm sao ngay nơi thân sanh diệt này, tìm cho ra cái chân thật chưa từng sanh chưa từng diệt của mình, mới được an vui vĩnh viễn, chấm dứt trầm luân sanh tử trong ba cõi. Đó là mục đích cứu kính đức Phật muốn truyền dạy lại cho chúng ta.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM