MÊ VÀ GIÁC
Tây Úc - 2002
Buổi giảng này
tôi sẽ nói cho quí Phật tử biết rõ những điều cần thiết để quí vị ứng dụng
tu cho xứng đáng với danh nghĩa người Phật tử. Đề tài hôm nay là Mê và
giác.
Đạo Phật là
đạo giác ngộ. Tiếng Phạn Buddha, Trung Hoa dịch âm là Phật đà, dịch nghĩa
là “người giác ngộ”. Cho nên đạo Phật là con đường đưa chúng ta tới giác
ngộ, lấy giác ngộ làm nền tảng, không giống những tôn giáo khác lấy lòng
tin làm căn bản. Vì vậy đệ tử tu theo Phật được gọi là Phật tử, chớ không
gọi “Tín đồ đạo Phật”. Tại sao? Vì tín đồ là đồ đệ lấy lòng tin đối với
đạo làm chỗ tuyệt đối. Đạo Phật không như thế, phải có giác ngộ hoặc ít
hoặc nhiều, chớ không lấy lòng tin làm trên hết. Phật là giác, tử là con,
Phật tử là con bậc giác ngộ. Không thể cha giác ngộ mà con mê muội được.
Vì vậy Phật tử khi tu phải thấy lẽ thật, thấy chân lý đức Phật đã dạy để
được giác ngộ. Cho nên giác là tinh thần của Phật tử, còn mê là tinh thần
của chúng sanh.
Trước tiên tôi
nói về phần mê. Vì chúng sanh đang mê nên chư Phật mới thương xót chỉ dạy
để được giác ngộ. Mê cái gì? Người thế gian nói mê là tối tăm mù mịt, giác
là sáng suốt. Thấy biết sai sự thật, không đúng lẽ thật mà tưởng thật, gọi
là mê. Như hoa trắng mà thấy đen là mê, vì thấy trái lẽ thật.
Thí dụ hiện
giờ ai lỡ xúc phạm tới danh dự mình một chút, quí vị có giận không? Có.
Giận nhiều hay ít? Giận nhiều. Nhưng chúng ta thử hỏi lại “danh dự là gì,
nó ra sao?” Không ai biết hết. Nói chạm tới danh dự của tôi, khiến tôi nổi
giận nhưng lại không biết danh dự là gì. Đừng nói tới danh dự, chính tôi
cũng không biết “tôi là gì” nữa! Những điều gì trái với ý nghĩ, trái với ý
muốn của mình, ta nói nó sai quấy. Nhưng sự thật không biết ai sai?
Như Phật tử
không phải là người xấu, mà có kẻ nói anh xấu hay chị xấu, quí vị có biến
thành xấu liền không? Không. Họ nói qua rồi mất tiêu, không có gì hết, nổi
giận làm chi. Nếu họ nói mà ta biến thành xấu thì nên giận. Đằng này họ
nói xấu mình vẫn không thay đổi sắc diện, có gì sợ. Chỉ khi nổi giận ta sẽ
trở thành xấu thật, cho nên không phải người ta nói xấu mình thành xấu, mà
tại nổi giận nên thành xấu. Phật tử phải xử sự thế nào cho đúng trong
trường hợp đó? Người ta nói nhưng mình không chuyển đổi thân tâm thì có
quan hệ chi đâu, như gió lùa qua tai rồi mất, có gì phải giận. Nhưng tại
sao chúng ta giận? Vì muốn ai ai cũng phải khen ngợi, cũng phải tôn trọng
mình. Cho nên nghe một lời khinh chê, thấy một hành động bất kính là tức
giận liền.
Con người sống
trong ảo tưởng nhiều hơn thực tế. Vì vậy Phật nói chúng sanh si mê. Người
đời vì mê mà tiêu tan hết sự nghiệp, vì mê mà bệnh hoạn, khổ đau. Như mê
rượu chè, mê cờ bạc, mê đàn điếm, mê hút sách… Những cái mê đó đưa tới hư
hại cả cuộc đời và làm liên lụy đến gia đình cha mẹ, anh em, rộng hơn nữa
là xã hội. Càng mê nhiều càng khổ nhiều, nên nói mê là nhân của đau khổ.
Hồi xưa những
vị lớn tuổi ở Việt Nam hay dùng từ “tứ đổ tường” tức là rơi vào bốn bức
vách. Bốn bức vách đó là gì? Là tửu, sắc, tài, khí. Tửu là mê rượu, sắc là
mê sắc đẹp, tài là mê cờ bạc, khí là hút sách, á phiện. Nếu rơi vào bốn
thứ đó là đụng vào bốn bức tường không có lối thoát, vì bị bốn vách ấy vây
kín cả rồi. Bị vây kín là bị tù hãm, khổ đau.
Ngày nay chúng
ta thấy rõ ai kẹt trong những chuyện đó đều đau khổ. Nhưng khi đi vào con
đường ấy, họ có nói đi tìm đau khổ đâu, mà nói là tìm vui! Như vậy con
người vì si mê nên khổ tưởng là vui. Càng đi sâu trong đó chừng nào, khổ
đau càng đậm càng nhiều, chớ không vui được. Đó là nói cái mê ở ngoài da.
Vậy mê hơi sâu
trong thịt là mê gì? Mê danh, mê lợi. Mê ở trên chúng ta thấy rõ tai hại
như vừa kể, còn mê ở đây không tai hại như thế, nhưng lại có tai hại khác.
Người thích danh thích lợi muốn cho mình trở thành người có địa vị cao
nhất trong xã hội, muốn trở thành người giàu nhất nước. Nhà Phật nói ham
muốn như vậy là mê. Tại sao? Vì người ta nghĩ làm quan lớn sẽ sung sướng,
có đầy quyền uy. Nhưng nếu nói đúng nghĩa của người làm quan, trách nhiệm
lớn chừng nào thì khổ chừng ấy. Phải lo cho mấy triệu dân được bình an,
được no cơm ấm áo, lo bù đầu rảnh đâu mà vui. Tinh thần căng thẳng, luôn
luôn tìm cách này, cách nọ làm cho dân hết nghèo, hết khổ. Đó là nỗi khổ
lớn, chớ đâu phải vui. Nhưng chỉ vì một chút danh vị, được người ta chào
đón hoan nghênh, mà biết bao người chìm trong nỗi khổ lớn ấy.
Đó là chưa kể
trước khi được quan chức phải vận động. Vận động người này, vận động người
kia bỏ thăm cho mình. Khi đắc cử rồi rất mừng. Như vậy chưa được cũng khổ,
vì cầu cứu người này, xin xỏ người kia. Được rồi cũng khổ vì phải lo cho
dân, cho nước. Còn một cái khổ nữa, là sợ sơ suất bị người ta hất xuống,
mất mặt. Hoặc mãn nhiệm kỳ rồi, không biết còn cái ghế nào để ngồi không?
Tóm lại cả ba thời đều khổ: trước khổ, giữa khổ, sau khổ. Nói rõ hơn là
chưa được khổ, đã được khổ, được rồi mất khổ. Song đáng tiếc người đời lại
cho đó là vui, nên suốt đời chạy theo danh vọng, để suốt đời phải lao đao
lận đận vì danh vọng.
Người muốn làm
giàu, giàu lớn, có khổ không? Chúng ta chưa ở địa vị giàu lớn, chắc không
biết cái khổ đó đâu. Người ở địa vị đó mới thấm thía được nỗi khổ nhà
giàu. Vì muốn giàu nên phải tìm mọi cách để ra tiền, lúc đó đau đầu tính
toán nên khổ. Khi có tiền nhiều rồi sợ mất, sợ bị người khác sang đoạt nên
khổ. Chưa kể tới lúc già sắp chết, con cái giành của. Cha mẹ phải nằm đó
nhìn thấy cảnh nồi da xáo thịt, thật là khổ.
Từ khi chưa
làm giàu mình bao nhiêu tuổi, bắt đầu làm giàu được rồi bao nhiêu tuổi,
khi thật giàu nhìn lại đầu bạc sắp ra đi. Như vậy tiền của nhiều mà chết
tới, không hưởng được càng khổ. Khổ vì tiếc bao nhiêu năm vắt kiệt sức lực
mà bây giờ không được hưởng. Lúc chưa giàu, ngỡ khi tiền của nhiều sẽ vui,
không ngờ giàu sang rồi rốt cuộc vẫn khổ. Vì vậy Phật nói ham mê danh lợi
là khổ.
Bây giờ thử
hỏi lại, người ít danh ít lợi có khổ không? Hồi xưa đọc truyện Tàu, tôi
nhớ câu chuyện Hứa Do với Sào Phủ. Một hôm vua Nghiêu đi dạo trong dân
gian, nghe đồn có hai vị hiền triết là Hứa Do và Sào Phủ. Nhà vua mới tìm
tới. Đầu tiên gặp Hứa Do, vua hỏi: “Nghe khanh là người hiền, vậy Trẫm mời
khanh về triều làm quan có được không?”. Sau khi từ chối lời mời của vua,
Hứa Do bịt tai đi tới dòng suối rửa tai. Khi ấy Sào Phủ dẫn trâu xuống
suối uống nước. Thấy Hứa Do rửa tai liền hỏi: “Ông làm sao mà rửa lỗ tai
vậy?” Hứa Do nói: “Tôi nghe danh lợi dơ lỗ tai nên đến đây rửa”. Sào Phủ
liền giựt mũi trâu lên không cho uống nước. Hứa Do hỏi: “Sao không cho
trâu uống nước?”. Sào Phủ nói: “Sợ trâu uống nước dơ miệng bởi mùi danh
lợi”.
Hai vị hiền
triết, một người nghe danh lợi rửa lỗ tai, một người sợ nước dính mùi danh
lợi dơ mồm trâu nên không cho uống. Như vậy để thấy người xưa xem danh lợi
đáng ghét tới mức nào. Vậy mà ngày nay người ta thèm khát danh lợi đến khổ
cả đời vẫn không thấy chán. Đó là cái mê thứ hai, hơi sâu hơn một chút. Mê
trong thịt.
Đến mê thứ ba
thấm tận xương tủy. Đó là sợ chết. Tại sao chúng ta sợ chết? Tại tham sống
nên sợ chết. Tham sống là muốn sống lâu nên sợ chết. Nhưng con người ai
cũng phải trải qua bốn giai đoạn sanh, già, bệnh, chết; không thể tránh
khỏi. Nếu biết già bệnh chết là cái không tránh khỏi, mà sợ là thiếu sáng
suốt hay nói cách khác là si mê.
Chúng ta sợ
chết vì quí thân, muốn thân còn mãi. Nhưng nếu giữ được cũng nên ráng giữ,
giữ không được mà vẫn muốn giữ hoài, đó là chấp mê nên khổ. Người không
muốn giữ thân, nghe nói sắp chết chỉ cười thôi, vì thấy đâu có gì quan
trọng. Còn người muốn giữ nghe nó sắp mất liền hoảng hốt sợ sệt. Sợ vì mê
chấp thân. Đó là nói về chấp thân.
Kế đến là mê
chấp tâm. Chúng ta thường cho những suy nghĩ phải quấy, tốt xấu là tâm
mình. Khi nổi giận lên thì nói tôi giận, vì chấp cái giận là tôi. Khi
thương ai nói tôi thương người đó quá. Khi ghét ai nói tôi ghét người đó
quá. Như vậy cái giận là tôi, cái thương là tôi, cái ghét là tôi. Nếu
thương, giận, ghét, buồn, tức, oán, hờn v.v… cái nào cũng tôi hết, như vậy
chúng ta có bao nhiêu cái tôi? Cả trăm ngàn thứ tôi. Vậy cái nào là tôi
thật?
Chúng ta vì
chấp những nghĩ suy phân biệt hơn thua, phải quấy là tôi rồi cứ theo đó mà
tạo nghiệp. Giận thì muốn làm cho người ta khổ, thương thì muốn làm cho
người ta vui v.v… đủ thứ chuyện trên thế gian. Đã chấp suy nghĩ là tâm
mình, ai làm ngược với suy nghĩ của mình thì ta chống đối, giận hờn, ai
làm vừa ý mình thì có cảm tình.
Nhưng thử hỏi
lại cái nghĩ của mình có đúng 100% không? Không. Tại sao? Nếu chúng ta
nghĩ đúng 100% chắc bây giờ ai cũng là đại phú gia hết. Vì nghĩ đâu đúng
đó nên làm ăn gì được nấy. Bởi nghĩ không đúng nên bây giờ chưa giàu to.
Những suy nghĩ của chúng ta, có khi đúng, có khi sai. Nếu cho suy nghĩ là
mình, khi nghĩ đúng là mình, khi nghĩ sai cũng mình nữa. Chẳng lẽ ta là
hai thứ nghịch nhau?
Bây giờ xét kỹ
lại, khi chúng ta buồn giận, mình nhìn lại xem cái buồn giận đó ở đâu ra?
Tìm một hồi không thấy nó ở đâu. Tại sao? Vì nó là cái hư ảo, không thật
làm sao tìm được. Ví dụ quí vị đang buồn vì làm ăn thất bại, bất thần có
người bạn khá giả ở xa tới thăm. Nghe tâm sự của quí vị, người bạn cho
mượn một số tiền lớn để trả nợ, lúc đó còn buồn không? Lúc đó lại cười.
Nếu buồn là thật thì buồn hoài. Nhưng mới buồn đó, bây giờ gặp duyên tốt
trở lại vui. Vậy cái buồn không thật, cái vui cũng không thật. Nó luôn
luôn chuyển biến tùy duyên. Nghĩ tôi buồn tôi vui tức cho tôi là cái tạm
bợ, giả dối rồi. Chúng ta lâu nay do không có cái nhìn tường tận nên chấp
lầm về thân, chấp lầm về tâm. Song nhiều người thắc mắc: Đang là mình đây
mà nói không thật mình sao được? Nhưng thật tình không phải thật mình.
Vừa rồi tôi
gặp một Phật tử ở Melbourne. Năm nay thấy ông mập hơn, hỏi ra mới biết ông
vừa thay gan. Trước kia, lá gan của ông gần như nát hết, bác sĩ nói không
thế nào cứu được. Chỉ có cách cắt bỏ lá gan cũ, lấy gan khác thay vô mới
hy vọng lành bệnh. Sau khi gia đình đồng ý thay gan, các bác sĩ tiến hành
phẩu thuật thay gan của một người khác cho ông. Vì vậy năm nay gặp lại,
tôi thấy ông mập và khỏe hơn. Thế thì cái gan đó của ai? Của ai không biết
mà ráp vô bụng mình rồi thì nói chắc là của ta, không thể của ai được
nữa.
Giả sử bác sĩ
giỏi ráp đủ các bộ phận của người này qua người kia. Chừng đó ta hỏi anh
này có thật từ trước tới giờ là anh không? Nếu thật là anh thì các bộ phận
bị thảy ra là ai, các bộ phận trước khi ráp vào tại sao của người khác? Bộ
phận của ai không biết mà bây giờ nói tôi thế này, tôi thế nọ. Chúng ta
thấy rõ ràng thân này có thể từ các thân phần khác hợp lại, nó không thật
của mình. Tâm lăng xăng lộn xộn khi thương khi buồn khi giận, khi ghét
v.v… đủ hết mà cũng nói là tâm mình. Nó không thật mà nói nó thật nên gọi
là si mê. Si mê này là si mê tận xương tủy, người nào cũng có hết, chớ
không riêng cá nhân ai.
Nhìn kỹ lại
tất cả chúng ta đang si mê hay đang giác? Đang si mê. Vậy mà ra đường ai
chỉ mặt nói chị si mê quá thì nổi sân liền. Si mê mà không chịu si mê mới
khổ chớ. Nếu đang si mê, ai nói mình si mê liền chắp tay xá nhận “quả thật
tôi đang si mê”, như vậy hết si mê liền. Si mê biết si mê thì hết si mê,
còn si mê mà không biết si mê thì rõ ràng là si mê.
Chúng ta muốn
hết si mê thì khi ai chỉ mặt nói chị si mê quá, liền chắp tay xá cám ơn.
Vì người đó đã nhắc nhở cho mình biết để bỏ si mê, trở thành sáng suốt.
Được vậy chắc dễ tu lắm. Nếu cãi lại là đang si mê đậm, chớ không phải si
mê sơ sơ. Nói thế để chúng ta thấy mình đang sống trong si mê mà không
biết mình si mê. Bởi không biết nên tất cả buồn thương giận ghét bao phủ
chúng ta, khiến mình gây tạo không biết bao nhiêu thứ nghiệp khổ. Đời này
tạo nghiệp khổ, đời sau tiếp tục trôi lăn trong các đường khổ không có
ngày ra khỏi. Chư Phật thương chúng sanh là thương ở chỗ si mê đó.
Bây giờ muốn
hết si mê phải làm sao? Phải giác ngộ. Biết mình mê thì phải tìm con đường
sáng, con đường giác ngộ. Cũng như biết mình đang ở chỗ tối thì tìm đèn
bật lên cho sáng. Như vậy mới hết tối, hết tối thì hết khổ. Biết ta đang
si mê thì phải tìm con đường giác ngộ để được giác. Giác thì thoát khỏi si
mê. Con đường giác ấy trong kinh Phật dạy nhiều lắm. Ở đây tôi không dẫn
hết, chỉ nêu gương một vài vị đã giác, mà giác từng phần chớ không phải
toàn giác, để chúng ta có thể tu học theo.
Ngày xưa ở
Trung Hoa có ông Bàng Long Uẩn là một cư sĩ ngộ đạo, khi chết rất tự tại.
Ông sống trong mái nhà lá đơn sơ, có cô con gái tên Linh Chiếu đan sáo bán
nuôi cha. Một hôm ông dặn người con gái: “Con ra ngoài coi đúng ngọ vô cho
ba hay”. Cô con gái ra nhìn mặt trời, rồi vô nói: “Thưa ba tới giờ ngọ
rồi, nhưng mặt nhật bị nguyệt thực”, tức mặt trời bị mặt trăng ăn. Nghe
vậy ông lấy làm lạ chạy ra coi.
Bấy giờ cô
Linh Chiếu lên bộ ngựa của ông ngồi kiết già tịch. Ông chạy vô thấy vậy
nói: “Con gái ta lanh lợi quá”. Lẽ ra bữa đó ông tịch, nhưng thấy con gái
đi trước nên ông lo thiêu con xong rồi đi sau. Làm lễ trà tỳ cô Linh Chiếu
xong, ông báo cho bạn bè biết vài hôm nữa ông từ giả. Vài bữa sau, có
người bạn là quan huyện tới thăm. Đang nói chuyện, ông bảo: “Tôi hơi mỏi
anh cho tôi tựa đầu vào gối một chút”. Người bạn đưa đầu gối cho ông gát.
Vừa gát đầu lên xong, ông tịch. Hai cha con ông Bàng Long Uẩn chết rất là
thảnh thơi, ra đi một cách tự tại, không có trở ngại gì hết.
Việt Nam chúng
ta cũng có một cư sĩ là Tuệ Trung Thượng Sĩ ở đời Trần thế kỷ thứ XIII.
Ông ngộ đạo với thiền sư Tiêu Dao và là thầy của vua Trần Nhân Tông. Được
vua Thánh Tông ban cho một sở đất, ông lập gia trang ở đó và cất một cái
am nhỏ đặt tên là Dưỡng chân trang. Khi sắp tịch ông ra nằm giữa bộ ngựa
nhắm mắt. Thấy vậy thê thiếp khóc òa lên, ông mở mắt ngồi dậy bảo lấy nước
xúc miệng rửa mặt, xong ông quở: “Sống chết là lẽ thường, buồn thảm luyến
tiếc làm gì, làm xao động chân tánh của ta”. Quí bà nghe quở im lặng,
không dám khóc nữa. Sau đó ông nằm xuống thở khì liền đi.
Chết như vậy
vui không? Rất vui, không khổ sở như chúng ta ngày nay. Bởi các vị đó đã
thấy đạo, tuy là cư sĩ mà khi đi rất tự tại. Trong lúc đang tu, muốn nhắc
nhở người đời ông có làm bài thơ “Khuyên người đời tiến tu” bằng chữ Hán.
Ở đây tôi đọc bản dịch:
Ngày tháng xoay vần xuân lại thu,
Xăm xăm tóc bạc đáp lên đầu.
Giàu sang nhìn lại một trường mộng,
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu.
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh,
Sông yêu chìm nổi tợ phù âu.
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi,
Vô
hạn duyên lành chỉ thế thôi.
Ngày tháng
xoay vần xuân lại thu. Chúng ta sống trên thế gian này cứ ngày qua tháng
lại, hết xuân lại thu, cứ như vậy mà trôi qua trôi qua. Xăm xăm tóc bạc
đáp lên đầu. Lâu lâu nhìn lại tóc bạc đã đáp trên đầu rồi. Để thấy cuộc
đời vô thường, theo dòng thời gian chuyển biến, con người chúng ta cũng
chuyển biến theo. Ngày nào đó đầu xanh bây giờ tóc đã bạc.
Giàu sang nhìn
lại một trường mộng. Tất cả giàu sang con người tạo ra được, cuối cùng
nhìn lại như một giấc mộng dài, chớ không có gì hết. Nên người xưa hay
nói: Công danh cái thế màn sương sớm, Phú quí kinh nhân giấc mộng dài.
Chúng ta ngày nay cho công danh cái thế là sang tột bực, không phải màn
sương sớm. Sự thật cái sang tột bực có hưởng mãi được không? Không hưởng
mãi được, chỉ lúc nào thôi. Cho nên người xưa thức tỉnh thấy đó là màn
sương, có đó rồi mất đó.
Phú quí kinh
nhân là giàu đến nổi người nghe phải giựt mình, nhưng chẳng qua cũng chỉ
là giấc mộng dài thôi. Ít chục năm qua rồi tiêu tan, còn gì đâu. Đây là
lời nhắn nhủ cho chúng ta bớt mê đắm trong công danh, phú quí. Thấy như
vậy là cái thấy của người giác.
Năm tháng mang
theo vạn hộc sầu. Mỗi một năm, mỗi một tháng cứ chồng chất buồn bực, khổ
sở. Như vậy cả đời mang bao nhiêu buồn khổ? Hồi bé buồn khổ ít, càng lớn
chừng nào buồn khổ càng nhiều chừng ấy. Lớn vừa vừa buồn khổ về chuyện gia
đình, lớn khá nữa buồn khổ về con cái… Lớn có cái khổ của lớn, nhỏ có cái
khổ của nhỏ. Càng già càng thấy cô đơn, những chuyện vui buồn của thời
gian trước nhìn lại chồng chất tràn trề trong tâm, không biết bao nhiêu mà
kể. Nhớ lại người mình thương bây giờ đâu mất rồi, còn người mình ghét, cứ
tới lui làm phiền hoài… đủ thứ.
Bên Úc mỗi
sáng mấy cụ già thường dẫn chó đi chơi. Ở xứ văn minh người già được nhà
nước đối xử rất tốt, nhưng tình nghĩa giữa những người trong gia đình với
nhau thì không được thủy chung. Vì không thủy chung nên già cô đơn, chỉ
chơi với chó là có thủy chung. Vì vậy họ nuôi chó, dẫn đi chơi tới chết
thôi. Ở Việt Nam còn thấy các ông già, bà già dẫn cháu nội cháu ngoại đi
chơi, ở đây chỉ thấy các cụ già dẫn chó đi chơi thôi.
Do buồn khổ
chồng chất, nên ngài nói: Năm tháng mang theo vạn hộc sầu. Cái buồn đong
tới một vạn hộc. Hộc là đơn vị đo lường hồi xưa, bây giờ nói đơn giản như
thùng lúa đi. Một vạn thùng sầu tràn trề trong tâm. Đây là lời nhắc nhở
rất chí thiết.
Nẻo khổ luân
hồi xe chuyển bánh. Nẻo khổ luân hồi là con đường khổ đau luân hồi như
chiếc xe lăn, cứ lăn mãi lăn mãi, lên xuống lên xuống không dừng. Chúng ta
cũng vậy, hết tạo nghiệp này đến tạo nghiệp nọ, nổi lên chìm xuống luôn
luôn không dừng. Khi đi xuống các đường dữ, khi được lên các cõi lành, cứ
vậy tiếp nối không bao giờ cùng. Đó là luân hồi.
Sông yêu chìm
nổi tợ phù âu. Ở đây Ngài nói sông yêu, chỗ khác gọi là biển ái. Chúng ta
chìm trong sông yêu thương, trồi lên hụp xuống mãi không ngoi đầu lên
được. Quí vị thương nhiều, ghét nhiều hay quân bình? Thương nhiều thì chết
phải theo cái thương đó mà lên xuống. Ghét nhiều cũng thế. Chỉ có quân
bình là ít lên xuống chìm nổi. Thương ghét đều là hai mối làm cho chúng ta
phải luân hồi không dừng.
Như trong lòng
mình thường nghĩ chuyện gì thì khó quên được. Cũng thế, người ta rất
thương hoặc rất ghét có quên được không? Suốt đời không quên. Cho nên khi
nhắm mắt những hình ảnh đó đi theo mình, đời sau gặp lại để thương để ghét
nữa. Thương thì khổ theo thương, ghét thì khổ theo ghét. Bởi vậy có người
sanh con dễ dạy làm sao, bảo đâu nghe đó. Đây là thương mà gặp nhau. Có
người sanh con ngỗ nghịch, nói không thèm nghe, còn cự lại nữa. Đây là
ghét mà gặp nhau. Cứ như vậy mà khổ. Người không thân thuộc chống đối ta
khổ ít, nhưng con của mình mà chống đối cha mẹ nên rất buồn, rất tức. Buồn
tức mà không bỏ được, nên rất khổ.
Vì vậy thương
ghét càng nhiều gặp nhau càng lắm, chớ có ích gì. Muốn đừng gặp nhau hoài
chúng ta phải làm sao? Bớt thương, bớt ghét đi. Có nhiều người nói tôi thù
người đó không đội trời chung, tức muôn đời không muốn gặp lại. Càng không
muốn gặp thì càng gặp lại, nên khổ muôn đời. Hiểu như vậy chúng ta phải
thức tỉnh, không nên mê. Bởi vì mê là gốc của đau khổ, thương ghét từ mê
mà sanh. Bây giờ không thương ghét nữa thì hết mê.
Sông yêu chìm
nổi tợ phù âu. Phù âu là bọt nước, theo sóng vỡ tan liên tục. Chìm ở trong
sông yêu rồi, ra không được. Tất cả quí vị sống trong cuộc đời này yêu
nhiều hay ít? Yêu nhiều. Yêu nhiều thì chìm sâu, chớ chưa ra được.
Gặp trường
chẳng chịu sờ lên mũi, Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi. Lỗ mũi chúng ta ở
đâu? Trên mặt. Nhưng có thấy không? Không thấy, đợi soi gương mới thấy. Sờ
thì đụng nhưng nhìn không thấy. Lỗ mũi là dụ cho thể tánh trong sạch của
chúng ta. Nó sẵn như lỗ mũi ở trên mặt vậy, nhưng nhìn không thấy. Khi đủ
duyên được thầy bạn nhắc nhở ta có lỗ mũi ngay trên mặt, mình phải chịu
khó sờ lên mũi mới đúng. Lẽ thật đã sẵn chỉ cần ta sớm thức tỉnh, đừng đi
trong mê nữa thì hợp chân. Nên nói Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi.
Vô hạn duyên
lành chỉ thế thôi. Duyên lành vô hạn chỉ là tự tỉnh, tự nhận cái chân thật
của mình, như tự sờ lên lỗ mũi vậy. Còn tìm kiếm bên ngoài chỉ uổng công
thôi. Do thấy đạo Ngài nhắc chúng ta biết đừng chìm trong biển ái nữa, để
tránh đau khổ của cuộc đời.
Ngài còn có
bài “Sống chết nhàn mà thôi”, ý tứ rất sâu sắc, rất tha thiết nói về điểm
khác nhau giữa người giác và kẻ mê. Kẻ mê đối với việc sống chết khổ, còn
người giác sống chết nhàn mà thôi.
Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh,
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
Sanh tử xưa nay vốn tánh không,
Thân huyễn hóa này rồi cũng diệt.
Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu,
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Chảo dầu lò lửa tự mát liền,
Núi kiếm rừng đao chốc gãy hết.
Thanh-văn ngồi thiền ta không ngồi,
Bồ-tát nói pháp ta nói thiệt.
Sanh dối sanh chết dối chết,
Bốn đại vốn không nương đâu dấy.
Chớ như hươu khát đuổi bóng nắng,
Nắm đông bắt tây không ngớt chạy.
Pháp thân không lại cũng không qua,
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy.
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi,
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy.
Kẻ
ngu sống chết mãi lo âu,
Người trí rõ không nhàn thôi vậy.
Tôi sẽ giải thích từng câu cho quí vị rõ.
Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh,
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
Tâm này là tâm
nào? Tâm nghĩ suy hơn thua, tốt xấu đó. Tâm này sanh là nhân của sanh tử,
tâm này lặng thì sanh tử hết. Bởi vậy người tu Tịnh độ niệm Phật được nhất
tâm, những nghĩ suy hơn thua tốt xấu đâu còn, nên Phật rước về Cực Lạc.
Người tu thiền được định, mới nhập Niết-bàn tức vô sanh.
Chúng ta sở dĩ
bị sanh tử liên tục vì tâm sanh diệt liên tục. Vì vậy nói Tâm mà sanh chừ
sanh tử sanh. Bao giờ tâm đó lặng hết thì sanh tử hết, nên nói Tâm mà diệt
chừ sanh tử diệt.
Sanh tử xưa nay vốn tánh không,
Thân huyễn hóa này rồi cũng diệt.
Chết và sống
xưa nay tánh nó là không. Thế nào là tánh không? Như tôi đưa tay lên, co
nắm ngón lại gọi là nắm tay. Nắm tay trước không có, bây giờ nếu tôi buông
ra nó cũng không có. Như vậy do duyên hợp mới có nắm tay, duyên tan thì
không còn. Thân này cũng vậy năm uẩn trước đâu có, đợi đủ duyên cha mẹ
sanh mới có. Có rồi tới ngày nào hết duyên nó cũng trở về không. Trước
không, giữa do duyên hợp giả có, sau trở về thành không. Vậy mà chúng ta
nói thân thật nên khổ.
Cho nên Ngài
nói gốc sanh tử là do tâm niệm thương ghét mà ra, hết tâm niệm đó thì hết
sanh tử. Ai nuôi dưỡng tâm thương ghét buồn giận? Chính mình. Ai diệt tâm
thương ghét buồn giận? Cũng mình. Phật không làm thế được. Vậy mà Phật tử
cứ lạy Phật xin Ngài ban cho con hết khổ. Tâm thương ghét còn đậm quá,
Phật làm sao ban được. Tâm ấy ở nơi mình ta không chịu bỏ, lại yêu cầu
Phật giải, làm sao Ngài giải được. Người tu Phật phải biết rõ mê là tự
mình mê, giác cũng mình giác, chớ Phật không thế được. Ngài chỉ dạy thôi,
chúng ta phải tự sửa, tự tu.
Sanh tử xưa nay vốn tánh không,
Thân huyễn hóa này rồi cũng diệt.
Sanh tử vốn
tánh không, trước khi chưa vào bào thai cha mẹ chúng ta đâu có. Bây giờ
vào đó mang thân, có thân rồi tới ngày nào nó cũng hoại trở thành không.
Như vậy có rồi mất, huyễn hóa tạm bợ mà chúng ta cứ thấy thật. Thấy thật
là mê, biết tạm bợ huyễn hóa là giác.
Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu,
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Sao vậy? Bởi
vì trong lục đạo luân hồi có địa ngục, có thiên đường. Người tu Thập thiện
được sanh thiên đường, người tạo thập ác phải xuống địa ngục. Nếu tâm
không còn sanh không còn đi vào hai nơi ấy nữa. Vì đâu còn đi trong lục
đạo luân hồi mà có thiên đường, có địa ngục. Nên nói Phiền não Bồ-đề bỗng
mất tiêu.
Phiền não là
đối ngược với Bồ-đề. Khi tâm không dấy niệm lúc đó có phiền não, Bồ-đề
không? Không còn niệm thì không còn mê, không còn giác. Còn niệm mới có mê
có giác. Giác là Bồ-đề mê là phiền não. Bây giờ hết niệm rồi thì Bồ-đề,
phiền não cũng mất. Mất đó không phải là mất mình mà là mất tâm đối đãi.
Chảo dầu lò lửa tự mát liền,
Núi kiếm rừng đao chốc gãy hết.
Nếu tâm không
còn các niệm thì chảo dầu sôi, núi kiếm thảy đều gãy tan hết. Tại vì chúng
ta có sanh tâm mới có tạo tội, có tạo tội mới xuống địa ngục, vào chảo dầu
sôi hay đi trong rừng đao núi kiếm. Còn tâm không sanh tức không dấy niệm,
không dấy niệm thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không rơi vào
địa ngục. Cho nên tất cả các cảnh giới khác cũng không có.
Thanh-văn ngồi thiền ta không ngồi,
Bồ-tát nói pháp ta nói thiệt.
Câu này nghe
hơi khó hiểu một chút. Bởi vì các ngài tu Thanh-văn thừa lấy Bát chánh đạo
làm chỗ tu cứu kính. Phần chót của Bát chánh đạo là chánh định. Các ngài
lấy việc ngồi thiền nhập định làm gốc. Còn pháp của Bồ-tát lấy Lục độ làm
chỗ tu cứu kính, trong đó trí tuệ là độ cuối cùng. Thanh-văn lấy định làm
gốc, Bồ-tát lấy tuệ làm gốc, đi đứng nằm ngồi trong tỉnh giác, không bị sự
trói cột của phiền não, không bị lôi kéo đi trong sanh tử. Hai bên khác
nhau như vậy. Nói Bồ-tát nói pháp ta nói thiệt, tức Ngài luôn cảnh tỉnh
đánh thức mọi người không bị mê muội, lấy giác ngộ làm gốc, chớ không tu
theo hạnh Thanh văn, lấy ngồi thiền làm gốc.
Sanh dối sanh chết dối chết,
Bốn đại vốn không nương đâu dấy.
Tứ đại chúng
ta trước khi cha mẹ chưa sanh nó đâu có. Nhờ cha mẹ sanh ra, nuôi dưỡng
thân này từ từ lớn lên, chúng ta lại tưởng nó thật. Nó do vay mượn mà có,
thật sao được. Mượn cái gì? Gần nhất là lỗ mũi đang hít thở, hít thở. Hít
là mượn không khí của trời đất. Mượn rồi giữ không được phải trả ra. Hít
vô trả ra, mượn trả, mượn trả. Mượn trả đều đặn lâu ngày thành quen, ta
thấy như không có mượn trả, chớ sự thật đang mượn trả. Nếu mượn trả ngừng
thì sao? Chết ngay. Đó là mượn trả gió.
Tới nước, một
lát mượn tách nước. Mượn rồi cũng trả, chỉ lâu hơn hơi thở một chút. Mượn
trả được thì bình an, mượn mà trả không được cũng khổ. Thành ra phải mượn
trả suông sẻ mới được. Đó là mượn nước. Tới đất, sáng trưa chiều ngày ba
bữa cơm, hoặc ăn bánh mì v.v.. là mượn đất. Trong đất có chất ấm, chất cay
là lửa. Mượn đất mượn lửa đem vô cũng phải trả ra.
Như vậy chúng
ta định nghĩa thế nào là cuộc sống có hạnh phúc? Người ta cứ tưởng gia
đình bình yên giàu có là hạnh phúc, sự thật không phải vậy. Sống có hạnh
phúc là mượn dễ dàng, trả thuận tiện. Nếu trả trục trặc thì chở đi cấp cứu
liền, hết hạnh phúc rồi. Lẽ thật của cuộc sống chỉ thế thôi, vay trả, vay
trả suốt ngày, có gì thật đâu. Vậy mà ai cũng thấy thật nên Phật mới nói
chúng ta mê.
Nếu thấy được
thân này huyễn hóa tạm bợ vay mượn là chúng ta đã giác rồi. Như vậy mê và
giác cách nhau bao xa? Như trở bàn tay. Chúng ta có quyền thấy đúng như
thật mà không chịu thấy, cứ thấy sai lầm nên mê suốt kiếp. Giác không tìm
ở đâu hết mà chính nơi mình. Ta lỡ mê rồi bây giờ phải giác hay chấp nhận
mê luôn? Phải giác, chớ không thể chấp nhận mê luôn. Nếu mê luôn thì ta
chìm đắm mãi trong luân hồi sanh tử, chịu vô lượng khổ đau, không biết đâu
là cùng. Nên tu là sửa, sửa mê thành giác. Đó là điều thực tế.
Chớ như hươu khát đuổi bóng nắng,
Nắm đông bắt tây không ngớt chạy.
Trong kinh
thường ví dụ, như con nai đi trong rừng vào mùa hạn. Nó thấy sóng nắng
chập chờn đàng xa tưởng là nước nên cấm đầu chạy tới để uống nước. Đến nơi
không ngờ chẳng phải nước. Cứ thế chạy đông chạy tây suốt ngày, tìm vẫn
không thấy nước, nên khát càng thêm khát. Chúng ta cũng vậy cứ tìm hạnh
phúc đời này, hạnh phúc đời sau mà chưa bao giờ được hạnh phúc, cuối cùng
chỉ thấy khổ dồn khổ mà thôi. Thế nên ngài dạy mình phải tỉnh, đừng mê lầm
như con nai kia.
Pháp thân không lại cũng không qua,
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy.
Phật có ba
thân Pháp thân, Báo thân, Hóa thân. Chúng ta cũng có ba thân, pháp thân là
thân bằng tánh giác của mình. Thân tứ đại đang mang là báo thân, nhưng báo
thân của chúng ta thô xấu nhơ nhớp, không như báo thân của Phật có ba mươi
hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Phật có hóa thân chúng ta cũng có hóa
thân. Hóa thân Phật vì chúng sanh làm vô số việc lợi ích, còn hóa thân của
chúng ta tạo vô số nghiệp. Đang ngồi đây nghĩ chuyện bên Tây bên Tàu, đó
là hóa thân của mình. Ta có hóa thân mà hóa thân mộng, chẳng làm được việc
gì chỉ tạo thêm khổ. Còn chư Phật Bồ-tát dùng Hóa thân làm lợi ích chúng
sanh.
Pháp thân sẵn
có không đến không di, không qua không lại, hiện tiền ở trước mắt nên nói
không lại cũng không qua. Rồi Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy. Chân
tánh là tánh chân thật của mình, không có phải quấy, không có tốt xấu, hơn
thua, được mất v.v… Còn có hai bên đều là đối đãi hư giả, chân tánh không
có hai bên nên không đối đãi hư giả.
Quí vị thử
ngồi lại chừng một giờ hoặc nửa giờ, đừng thèm nghĩ phải quấy, hơn thua,
được mất, lúc đó sống hay chết? Mình cũng đang sống. Có biết không? Cũng
đang biết. Chúng ta đang biết mà không cần phải suy nghĩ phân biệt. Nhưng
vì không nhận ra cái biết ấy nên cứ chạy theo cảnh phân biệt. Ngồi đâu
cũng nghĩ cái này cái kia, cho tới giờ đi vệ sinh cũng nghĩ nữa. Không lúc
nào dừng được, thành ra cái hiện tiền đang có mà quên mất, chôn sâu nó
trong vòng lẩn quẩn của vọng tưởng.
Bây giờ muốn
thấy được chân tánh phải bỏ hơn thua, phải quấy đi. Bỏ hơn thua, phải quấy
người đời gọi ta là ngu hay điên. Tại sao? Vì khác người ta. Họ điên mà
thấy mình không giống thì họ nói mình điên. Quí vị tới bệnh viện điên sẽ
thấy bệnh nhân nhìn mình cười, vì họ bảo ta điên. Ngược lại ta thấy người
điên ta cũng cười, vì họ khác mình. Người điên chỉ chấp nhận người điên
thôi, nếu có người không điên tới, họ sẽ nói người không điên đó là bậy,
là xấu, vì không giống họ.
Cũng vậy người
thế gian si mê, nếu gặp người giác họ tưởng đó là người điên. Nhưng điên
trong cái giác ta cũng nên điên, đừng chạy theo khôn lanh, nguy hiểm của
thế gian mà muôn đời phải chịu đọa.
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi,
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy.
Người tới nhà
rồi không tìm kiếm hay hỏi đường nữa. Tới nhà mà còn hỏi đường tức chưa
biết nhà. Quí vị còn hỏi tu sao cho được giải thoát, tức chưa biết giải
thoát. Như trên đã nói, niệm không sanh, tâm không sanh thì sanh tử hết.
Sanh tử hết là giải thoát, đâu cần phải hỏi.
Chúng ta có
quyền giải thoát không? Đủ điều kiện giải thoát không? Dư nữa, mà tại
không chịu làm, cứ tạo duyên lăng xăng lộn xộn hoài cho nên không được
giải thoát. Nếu chúng ta nhớ được mình có cái chân thật là tới nhà, khỏi
cần hỏi đường. Cũng như mùng bảy âm lịch, có mặt trăng lưỡi liềm mọc ở
phương tây rất khó thấy. Người thấy được liền lấy ngón tay chỉ mặt trăng
cho người chưa thấy xem. Khi thấy mặt trăng rồi, ngón tay còn nghĩa lý gì
không? Không. Thấy mặt trăng rồi ngón tay không cần nữa.
Phật nói kinh
điển của Ngài cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Chúng ta tu để tìm cái thật
nơi mình, giáo pháp của Phật là ngón tay thôi, cái thật của chính chúng ta
mới là mặt trăng. Khi nhận được cái thật rồi thì phương tiện trở thành vô
ích.
Hiện nay có
nhiều Phật tử thắc mắc, tại sao tôi không khuyên quí vị tụng kinh này kinh
nọ, mà bắt sám hối sáu căn? Kinh là ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta đọc
để hiểu lời Phật dạy cho mình tu, chớ không phải đem ra đọc hoài. Thấy mặt
trăng rồi cứ chấp ngón tay là khờ, phải không? Thấy mặt trăng rồi phải bỏ
ngón tay.
Cũng vậy chúng
ta nhận ra được yếu chỉ Phật dạy rồi, phải ứng dụng tu chớ không nên đem
kinh ra đọc hoài. Đọc cho ai nghe? Phật tử có bệnh đọc kinh cho Phật nghe.
Cứ tụng hết bộ này sang bộ nọ cho Phật nghe, rồi tính công với Phật. Ngài
nói ra bây giờ đọc lại bắt Ngài nghe, có khổ cho Phật chưa? Tu cái gì mà
lẩn quẩn vậy. Lâu nay Phật tử vẫn lầm lẫn như thế.
Kẻ
ngu sống chết mãi lo âu,
Người trí rõ không nhàn thôi vậy.
Người ngu thì
cứ lo sống chết. Người trí thấu suốt tất cả pháp tánh không nên thảnh
thơi, không lo sợ chi hết. Bởi vậy người giác thấy rõ được lẽ thật nên bớt
khổ. Người mê không thấy được lẽ thật nên khổ suốt đời. Đời này khổ đời
sau cũng khổ, không biết bao nhiêu đời. Tu là cốt giải khổ. Muốn giải khổ
thì phải tỉnh giác, chớ không nên chìm trong mê. Chìm trong mê thì muôn
kiếp không bao giờ hết khổ.
Như vậy giữa
mê và giác, chúng ta chọn cái nào? Giác. Tất cả đều đồng ý như vậy. Thế
thì chúng ta phải ráng tu. Không ai cứu mình bằng chính trí tuệ giác ngộ
của mình. Chỉ như thế chúng ta mới chấm dứt khổ đau trong đời này và nhiều
đời sau nữa. Mong tất cả đều được sống an vui trong sự tỉnh thức của chính
mình. |