NGUỒN AN VUI LÂU DÀI
Sydney - 2002
Hôm nay tôi sẽ
nói những gì cần yếu cho Phật tử biết để tu hành. Bài giảng với đề tài là
Nguồn an vui lâu dài. Rất đơn giản.
Tại sao tôi
chọn đề tài này? Bởi vì tất cả chúng ta ai cũng muốn đời sống được an vui.
Đời sống an vui mới có hạnh phúc, con người mới thảnh thơi nhàn hạ. Nhưng
nếu chúng ta không biết thế nào là an vui lâu dài, thế nào là an vui tạm
bợ thì chỉ hưởng được cái vui tạm bợ thôi, không bao giờ thấy được nguồn
an vui lâu dài. Vì vậy tôi sẽ hướng dẫn quí Phật tử phương thức đi tìm sự
an vui lâu dài.
Những người
mới bước vào hoặc mới nghiên cứu đạo Phật thường lầm tưởng đạo Phật bi
quan. Tại sao? Vì khi nghe Phật giảng bài kinh đầu tiên ở vườn Lộc Uyển:
Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, người ta kết luận Phật bắt đầu giảng
đạo là Ngài nói cái khổ trước rồi, đã nói khổ thì làm sao vui được.
Phật nói rõ:
“Đứng về thân thì có sanh, già, bệnh, chết. Đó là khổ”. Những người trẻ
tuổi chưa thấy già, chưa gặp bệnh, chưa tới chết nên họ nói không thấy khổ
gì hết. Song với người già sáu bảy mươi tuổi, cái khổ hiện rõ ràng, không
chút ngờ vực. Đó là khổ về thân thể xác. Còn về tinh thần, Phật nói cũng
có bốn thứ là ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí
thạnh khổ. Người thương mà phải xa lìa là khổ. Người oán ghét cứ gặp gỡ là
khổ. Làm việc gì mong cầu cho thành đạt, nhưng kết quả không được như ý là
khổ. Thân năm ấm lôi kéo, thúc giục là khổ.
Quí vị nào sáu
mươi hoặc năm mươi hơn, nghe ai nói anh hay chị năm nay già rồi thì trong
lòng đã nghe buồn. Tại sao? Mình không muốn già mà bây giờ nó già tức là
trái với mong ước của mình, vì vậy nên khổ. Cái già chưa hoành hành gì mà
đã cảm thấy khổ rồi. Tới chừng thật già, đi đứng bất an, bệnh hoạn yếu
đuối, sức khỏe ngày càng suy giảm, lúc đó cái khổ hiện tiền. Nói về bệnh
khổ, chúng ta thấy dù trẻ dù già, mắc bệnh đều khổ, không ai chối cãi
được. Bệnh không qua, cái chết sắp tới, lúc đó có khổ không? Khổ. Sắp tắt
thở thân thể hoành hành đau đớn rất là khổ. Một đời người mấy mươi năm kết
thúc chỉ toàn đau khổ. Đó là nói khổ về thân.
Ở đời ai không
có người thương, người mình quí trọng. Nếu người đó phải rời xa, không gần
gũi được thì khổ. Kế đến những việc ta muốn thành công mà nó cứ thất bại,
làm chúng ta tán gia bại sản, lúc đó rất khổ. Còn cái khổ này hơi lạ một
chút, người mình ghét cay ghét đắng mà sao họ cứ nhan nhãn trước mặt hoài,
đi đâu cũng gặp, có khổ không? Thật khổ. Cuối cùng thân năm ấm này khi
hưng thịnh, nó hoành hành ta đủ thứ về thể xác cũng như tinh thần, nhà
Phật gọi là ngũ ấm xí thạnh khổ.
Đã xác nhận
cuộc đời là khổ, tại sao tôi lại khuyên quí vị đi tìm vui? Vui ở đâu mà
tìm? Đó là điều chúng ta phải lưu tâm, suy gẫm kỹ càng xem thế nào là cái
vui của Phật dạy. Người đời ham hưởng thú vui, nhưng thú vui đó chỉ là tạm
bợ, qua rồi mất. Hoặc có khi nó lại là trá hình của đau khổ. Ví dụ những
người nam vào tiệc rượu, bạn bè chung nói cười vui ha hả. Một lát say rồi
thì sao? Lúc đó nói bậy bạ, cãi nhau ầm ỉ, vui trở thành khổ. Đó là chưa
kể khi nổi say, ra về quờ quạng lái xe không khéo đụng người ta thêm khổ
nữa. Rõ ràng cái chúng ta ngỡ vui lại không thật vui, chỉ tạm bợ thôi.
Bây giờ tìm
vui trong đạo Phật là thế nào? Phật dạy người tu có nhiều thứ vui, nhưng ở
đây tôi nói giản lược hai thứ thôi. Thứ nhất là vui trong sanh tử, thứ hai
là vui trong vĩnh cửu, nghĩa là thoát ly sanh tử. Vui trong sanh tử là vui
thế nào? Với cái nhìn của Phật, Ngài thấy trong vòng luân hồi sanh tử có
sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a-tu-la, trời. Ba đường khổ
là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba đường lành là người, a-tu-la, trời.
Người là vui bậc hạ, a-tu-la vui bậc trung, trời vui bậc thượng. Cho nên
ai tu nhân đi theo ba đường này là tìm vui trong lục đạo.
Khi qui y Tam
bảo, kết quả thế này: “Qui y Phật khỏi đọa địa ngục, qui y Pháp khỏi đọa
ngạ quỷ, qui y Tăng khỏi đọa súc sanh”. Đó là chúng ta tìm ra một lối để
khỏi đọa ba đường khổ địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Muốn ra khỏi ba đường
khổ đó không gì hơn là hướng về Phật, hướng về Pháp, hướng về Tăng. Nhưng
muốn được làm người, Phật dạy phải giữ gìn năm giới cấm. Giữ năm giới là
tư cách một con người tốt, con người sống vui tươi.
Giới thứ nhất
Phật cấm giết người, chẳng những không giết người mà những con vật lớn
cũng không được giết. Tại sao? Vì chúng sanh không có cái sợ nào lớn bằng
sợ chết. Ai cũng sợ chết, con vật nào cũng sợ chết. Dù khổ như trâu bò,
chúng vẫn sợ chết. Vì vậy phải biết sinh mạng là trên hết. Chúng ta làm
một điều lành là đem lại sự bình an cho chúng sanh. Chúng ta tạo một điều
dữ là đem lại đau khổ cho chúng sanh. Bây giờ ta nguyện suốt đời, kể từ
ngày qui y Tam bảo cho tới trăm tuổi, không giết hại người và các vật lớn.
Tôn trọng sinh mạng của chúng sanh, là ta đã ban cho chúng sanh mạng sống
bình an.
Quí vị thử
nghĩ nếu mạng sống của mình bị ai đe dọa muốn giết hại thì ta lo sợ biết
mấy. Cũng thế, nếu ta giữ giới không giết hại sinh vật thì những người
sống gần ta yên lòng, không sợ bị đe dọa về tánh mạng. Như thế là ban vui
cho mọi người. Nếu mình ban sự bình an cho mọi người thì mọi người cũng để
cho mình bình an. Đó là điều công bằng.
Giới thứ hai
không trộm cướp. Lo sợ thứ nhất là lo sợ mạng sống của mình bị đe dọa. Lo
sợ thứ hai là lo sợ của cải tài sản bị cướp giựt. Nếu cạnh nhà mình, có kẻ
hay trộm cướp quí vị sợ không? Sợ. Như vậy thọ giới không trộm cướp là
chúng ta giữ gìn tài sản của những người chung quanh, không làm việc xâm
phạm gây tai hại về tài sản của họ. Mọi người được bình an, khỏi lo mất
mát, rình rập đó là đem vui cho mọi người rồi. Người ta vui thì mình cũng
vui.
Giới thứ ba
không tà dâm. Con người muốn gia đình hạnh phúc, sau khi có đôi bạn rồi
người chồng hoặc người vợ phải chân thật, không có tâm lang chạ với ai
khác. Được vậy bảo đảm gia đình đó sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc. Nếu ai
cũng nguyện không phạm giới tà dâm thì gia đình mình, gia đình người cũng
được vui vẻ, khỏi lo sợ. Đó là đem lại sự bình an cho mình và cho mọi
người chung quanh.
Giới thứ tư
không nói dối. Nói dối là dối gạt lừa bịp người. Kẻ ưa nói dối, ưa lừa gạt
người thì thiên hạ có tin không? Không tin. Đã không tin thì họ sống giữa
muôn người cũng lạc loài như sống ngoài sa mạc. Không ai thèm nói chuyện
với mình, không ai thèm gần mình, không ai muốn thấy mình. Sống trong chỗ
đông đảo mà mọi người đều tìm cách xa lánh, là tự mình làm khổ mình rồi.
Giới thứ năm
không được uống rượu. Phần nhiều Phật tử nam khi qui y sợ giới này lắm.
Ngày xưa Phật chỉ cấm uống rượu, bây giờ nói đủ hơn là cấm uống rượu mạnh,
uống say, hút á phiện, xì ke ma túy. Vì thời Phật không có mấy thứ đó, bây
giờ mấy thứ đó nguy hiểm hơn rượu nữa nên phải giữ. Đạo Phật là đạo giác
ngộ, nếu chúng ta phạm giới uống rượu say, tâm trí không được sáng suốt,
đôi khi trở thành cuồng dại nữa là khác. Uống say thì tội lỗi không thể
tránh. Cho nên uống rượu thấy như thường nhưng rất nguy hiểm. Còn những
thứ á phiện, xì ke, ma túy càng nguy hiểm hơn.
Chúng ta tu
muốn trở thành con người sáng suốt, có trí tuệ hiểu Phật pháp, hiểu cuộc
sống thì không được uống rượu. Vì muốn đem lại cuộc sống thanh bình, lợi
lạc cho mọi người nên Phật cấm không được uống rượu mạnh, uống say, không
được hút á phiện, xì ke, ma túy. Quí vị Phật tử nam vì hoàn cảnh giao
thiệp buộc lòng phải uống, thì nhớ uống chút chút thôi, đừng uống say. Vì
say là nguy hiểm, rất dễ dẫn đến trường hợp cuồng dại. Hoặc quí vị sống ở
xứ lạnh cũng vậy, có thể uống chút chút cho ấm thôi, đừng để say.
Phật chế giới
cấm là vì lợi ích của chúng ta, chớ không phải của Ngài. Đức Phật là bậc
toàn giác, tâm hoàn toàn thanh tịnh, thoát khỏi ba cõi đâu cần phải giữ
giới làm gì. Phật tử giữ giới không giết hại, không trộm cướp thì khỏi ở
tù. Không tà dâm thì gia đình được hạnh phúc. Không dối gạt người thì mọi
người tin tưởng, quí trọng mình. Không uống rượu say thì trí tuệ thông
minh sáng suốt, được mọi người kính nể. Như vậy vì tư cách của mình, sống
xứng đáng là một con người nên chúng ta phải giữ năm giới cấm. Giữ được
năm giới thì bản thân mình bình an, láng giềng cũng bình an. Đó là cách tu
để đem lại sự an vui cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện tại Phật
tử giữ tròn năm giới thì khi sắp ra đi có sợ không? Thật ra nếu chúng ta
giữ tròn năm giới thì khi ra đi không có gì phải sợ. Tại sao? Vì giữ giới
không sát sanh, đời sau sanh ra tuổi thọ dài lâu. Giữ giới không trộm
cướp, đời sau sanh ra có nhiều của cải, không bị hao mất. Giữ giới không
tà dâm, đời sau sanh ra gia đình đầm ấm vui tươi, bản thân được đẹp đẽ
nữa. Giữ giới không nói dối, đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai nghe
cũng tin quí. Giữ giới không uống rượu, đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt.
Năm giới này giữ đủ, khi chết rồi sanh trở lại được làm người rất tốt đẹp,
rất hoàn hảo. Nhà Phật gọi là tu Nhân thừa Phật giáo.
Chúng ta tu
giữ năm giới được trong sạch, khi gần nhắm mắt biết rõ đời sau trở lại làm
người tốt hơn đời này. Vì đời này có khi được cái này mất cái kia. Ví dụ
được sống dai mà lại nghèo. Hoặc được sống dai, có của nhưng xấu xí. Sống
dai, có của, đẹp nhưng nói ngọng cũng khổ. Hoặc được bốn điều tốt: Sống
dai, giàu sang, đẹp, nói năng trôi chảy mà đần độn, thi đâu rớt đó có vui
không? Cũng khổ. Bây giờ ráng giữ tròn năm giới, đời sau sanh ra sẽ được
hoàn toàn hơn. Như vậy chết không còn đáng sợ nữa, vì biết mình sẽ được
thân sau tốt hơn thân này.
Ví như chúng
ta đã để dành tiền kha khá. Bây giờ chiếc xe cũ hư xấu quá, có người hỏi
ta tính sao? Dĩ nhiên mình trả lời xe hư xấu thì bỏ, mua xe khác đẹp hơn
vì tôi đang có tiền. Cũng thế, thân này là bộ máy, xài một thời gian nó
bại hoại, không ai giữ mãi được. Khi bại hoại chúng ta có hướng đi, biết
được mai sau mình thế nào, đó là sự an vui, tốt lành. Như vậy nhờ tu năm
giới hiện đời mình được an vui, đời sau càng an vui hơn. Người tu khá hơn
nữa được sanh vào loài a-tu-la. Nếu tu Thập thiện được sanh lên cõi trời.
Đó là kế tìm an vui lâu dài. Nhưng lâu dài này chỉ là lâu dài trong cuộc
sanh tử, theo ba đường lành.
Bây giờ nói
đến cái vui siêu thoát hơn, vui mãi mãi, vui vĩnh viễn, không bao giờ khổ.
Tiến lên chỗ này hơi khó một chút, nhưng ai khéo tu vẫn có thể tiến được.
Nhà Phật nói vui ra khỏi sanh tử là cái vui siêu thoát mà người đời ít ai
biết đến. Trước khi nói cái vui đó, tôi xin hỏi “Tất cả quí vị thấy thân
này phải thật là mình không?” Không. Nếu không thật, có ai bẻ ngón tay
mình nổi giận không? Điều này thật khó nói.
Nhà Phật phân
tích thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Tuy nó có hình
tướng, có bao nhiêu thứ tế bào nhưng thật ra cũng không ngoài bốn thứ đất,
nước, gió, lửa. Chất cứng trong người là đất, chất ướt là nước, thở ra thở
vào động là gió, hơi ấm là lửa. Trong bốn thứ không thể thiếu thứ nào hết,
nếu thiếu một thứ thì chết ngay. Thân này đã do bốn thứ hợp thành, khi đủ
duyên nó còn, thiếu duyên nó hoại. Còn và hoại là theo duyên chớ không
phải quyền của chúng ta. Có ai muốn thân này hoại đâu, nhưng hết duyên nó
phải hoại.
Thân đã do đất
nước gió lửa hợp thành thì có thật không? Không thật. Hiện giờ toàn thể
quí Phật tử ngồi đây lỗ mũi đang làm gì? Thở. Thở là sao? Là mượn không
khí bên ngoài đem vô. Đem vô rồi trả ra, cứ liên tục như thế. Còn đem vô,
còn trả ra thì còn sống, trả ra không thèm đem vô thì chết ngay. Đó là cái
thứ nhất không thật. Đất, nước, lửa cũng thế đem vô rồi trả ra. Thiếu nước
thì khát, thiếu cơm thì đói, thiếu hơi ấm thì lạnh. Thiếu cái gì cũng khó
chịu, cũng khổ. Mượn vô rồi không có điều kiện trả ra lại càng khổ hơn.
Như vậy chúng ta sống chỉ bằng sự vay mượn.
Thế thì quí vị
định nghĩa hạnh phúc của thân này là gì? Mượn vô tốt trả lại dễ dàng, đó
là hạnh phúc. Nếu trả lại trục trặc thì chở vô bệnh viện liền. Rõ ràng có
cái gì là thật mình đâu. Nếu thật thì không mượn, đã mượn thì không thật.
Thế mà người thế gian không hiểu, cứ ngỡ thân này là thật, không ngờ chúng
ta đang vay mượn để tồn tại trong từng phút giây. Khi sự vay mượn đó dừng,
tất cả chúng ta phải ra đi. Cho nên hạnh phúc của cuộc đời như người ta
thường mơ ước chỉ là sự tưởng tượng mà thôi. Nếu nói thẳng hạnh phúc của
cuộc đời là mượn vô tốt, trả ra dễ dàng.
Thân này không
thật, đến tâm có thật không? Những nghĩ suy hơn thua, phải quấy, tốt xấu
vui buồn là tâm mình phải không? Nhiều Phật tử cả đời không biết tâm mình
là gì? Nếu hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v… là tâm mình thì quí vị nghĩ
mình có bao nhiêu tâm? Đã nhiều tâm thì cái nào là mình? Chẳng lẽ tôi là
trăm thứ sao? Khi buồn nói tôi buồn, khi giận nói tôi giận, khi thương nói
tôi thương v.v… cái nào tôi thật? Đó là lầm lẫn về tâm.
Ở đây tôi chỉ
nói hai thứ tâm. Một là tâm tạm bợ giả dối, hai là tâm chân thật, danh từ
chuyên môn là vọng tâm và chân tâm. Tất cả chúng ta đều có hai thứ tâm,
nhưng mình chỉ biết vọng tâm sanh diệt, còn tâm chân thật thì quên mất
tiêu. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa đức Phật nói ví dụ, có anh nhà nghèo đi
xin ăn gặp người bạn giàu. Sau khi tiệc rượu say sưa rồi, anh bạn giàu lấy
một hòn ngọc nhét trong túi áo anh nhà nghèo, nghĩ rằng qua cơn say, anh
ta sờ vào túi thấy hòn ngọc, đem đi bán sẽ được giàu sang, hết một kiếp
nghèo. Anh bạn nghèo hết say, không thấy chủ nhà cũng từ giả đi luôn và
tiếp tục lang thang ăn mày nữa. Qua một thời gian khá dài, anh nhà giàu
bất chợt gặp lại người bạn cũ, thấy vẫn đi ăn mày, tức quá anh hỏi: “Trước
tôi đã tặng cho anh viên ngọc nhét trong túi áo, sao tới giờ vẫn còn lang
thang vậy?” Nghe thế, anh nhà nghèo mò vô túi được viên ngọc, lấy ra xài,
từ đó hết nghèo.
Viên ngọc dụ
cho cái chân thật, quí như ngọc báu mà mình quên nên cứ sống lang thang
theo tâm sanh diệt, tạo nghiệp luân hồi muôn kiếp. Chúng ta cứ luôn luôn
đuổi theo buồn thương giận ghét, đời này khổ đời khác khổ, không biết bao
giờ hết. Đó là nghiệp luân hồi sanh tử. Muốn ra khỏi nghiệp luân hồi sanh
tử chỉ có tu thôi. Tu bằng cách nào? Là dừng hết những tâm sanh diệt, để
tâm chân thật hiện ra, chừng đó mới ra khỏi vòng sanh tử nghiệp báo.
Muốn dừng tâm
sanh diệt, trong kinh dạy nhiều cách. Hoặc dùng câu niệm Phật để quên hết
những tâm niệm phải quấy, hơn thua. Chừng nào những tâm niệm lăng xăng đó
dừng lặng, chỉ còn một tâm chân thật, lúc đó mới thấy Phật Di Đà. Như vậy
tu Tịnh độ để đi tới chỗ nhất tâm. Hoặc tu thiền, như đức Phật ngày xưa tu
thiền để được định. Tu thiền định thì tâm lăng xăng không còn, tâm lăng
xăng không còn thì mới giải thoát sanh tử.
Trong kinh
Phật dạy các Tỳ-kheo tu theo thiền Nguyên thủy: từ Sơ thiền, Nhị thiền,
Tam thiền, Tứ thiền cho tới Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu
xứ, Phi phi tưởng xứ, tới cuối cùng là Diệt thọ tưởng định. Diệt là diệt
sạch, thọ là cảm giác đối duyên xúc cảnh, tưởng là tưởng tượng, suy gẫm.
Vậy Diệt thọ tưởng định hay Diệt tận định là dứt sạch cảm giác đối với sáu
trần bên ngoài, lặng hết tâm tưởng bên trong. Diệt tận định rồi chứng quả
A-la-hán, được Niết bàn vô sanh. Đó là con đường chư vị A-la-hán ngày xưa
tu.
Đọc sử chư Tổ
tu thiền ở Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, chúng ta thấy các Ngài có một lối
đi khác hơn. Không đi quanh co từ Sơ thiền, Nhị thiền… mà đi thẳng gọi là
thiền đốn ngộ. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, có bốn câu châm ngôn dạy tu
thế này:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Nghĩa là:
Không lập văn tự,
Truyền ngoài giáo lý.
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.
Ngài không nói
Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền gì hết. Như vậy con đường của
Ngài thế nào? Ở đây Ngài chỉ thẳng một con đường để ra khỏi sanh tử, chấm
dứt mọi khổ đau. Giải thoát sanh tử là nguồn an vui vĩnh cửu, không còn
phiền lụy nữa. Đó là con đường đốn giáo hay nói cách khác là con đường
Thiền tông.
Con đường
Thiền tông được truyền từ tổ Ca Diếp dài xuống mãi cho tới tổ Đạt-ma. Đó
là chư tổ ở Ấn Độ. Đến tổ Đạt-ma, Thiền tông được truyền sang Trung Hoa,
rồi tới Việt Nam. Chư tổ ở Việt Nam nhận được yếu chỉ tu hành, các ngài
cũng ngộ đạo, cũng được làm Tổ. Thế nên con đường thiền này rất thiết yếu.
Khi còn học ở
trường tới đoạn tổ Đạt-ma sang Trung Hoa gặp tổ Huệ Khả hỏi đạo, tôi lắc
đầu vì các Ngài dạy thiền giống như đùa cợt chơi vậy, không có gì để cho
mình hiểu. Nhưng tới khi tu rồi tôi mới thấy đó là một lối chỉ tuyệt diệu,
khó ai khéo hơn các Ngài. Sau khi ngài Huệ Khả được tổ Đạt-ma nhận làm đệ
tử rồi, một hôm Ngài thưa:
- Bạch Hòa
thượng, tâm con không an xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Tổ Đạt-ma nhìn
thẳng vào mặt ngài Huệ Khả nói:
- Đem tâm ra
ta an cho.
Lời của Tổ,
Huệ Khả không dám xem thường, nên Ngài nhìn lại xem tâm bất an ở đâu. Càng
nhìn, nó càng mất dấu mất hình, tìm không ra. Ngài thật thà thưa:
- Bạch Hòa
thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
- Ta đã an tâm
cho ngươi rồi.
Ngay câu đó,
ngài Huệ Khả có chỗ vào. Vậy Ngài vào đường nào? Đó là điều dường như bí
ẩn. Nhưng khi khám phá được rồi, chúng tôi thấy tuyệt diệu, phi thường.
Con đường không phải người thường tình tìm được. Bảo “ta đã an tâm cho
ngươi rồi” thì ngài Huệ Khả biết được lối vào. Lối vào ở đâu?
Một thời gian
sau, ngài Huệ Khả thưa:
- Bạch Hòa
thượng, con đã dứt hết các duyên.
Tổ Đạt-ma liền
nhìn thẳng nói:
- Coi chừng
rơi vào không.
Ngài Huệ Khả
trả lời:
- Rõ ràng
thường biết, làm sao không được.
Ngay đó Tổ ấn
chứng:
- Ông như vậy,
Ta như vậy, chư Phật cũng như vậy.
Đơn giản làm
sao! Công phu nhiều ít? Thiền vốn không có nói. Nhưng tôi nghĩ ở thời đại
này, nếu không nói thiền sẽ bị chìm vào quên lãng luôn, chớ không có người
ngộ hiểu như ngày xưa. Thế nên tôi gượng nói yếu chỉ rất tài tình của Tổ.
Thường chúng
ta hay cho những nghĩ tưởng suy tính theo duyên, theo cảnh là tâm mình.
Ngồi lại thấy chạy hoài, hết chuyện này tới chuyện kia, năm trên năm dưới,
nhớ đủ hết do đó tâm bất an. Bây giờ muốn an nó phải làm sao? Tổ nói tâm
lăng xăng đó là tâm hư dối, không thật. Cho nên Ngài bảo “đem tâm ra ta an
cho”, tức bắt phải nhìn lại xem nó ra sao, ở đâu? Nếu nó có thật thì đem
ra ta an cho. Tìm không ra thì biết nó không thật.
Lâu nay chúng
ta mê lầm nhận cái hư ảo đó là tâm mình thật. Từ nhận lầm nên cứ theo nó
tạo nghiệp. Nó buồn, nó thương, nó ghét, nó giận, đủ thứ chuyện để tạo
nghiệp. Tạo nghiệp thì đi trong luân hồi sanh tử. Bây giờ quay lại tìm xem
nó ở đâu, có thật hay không? Quả tang nó mất tăm mất tích, tức là không
thật, không thật thì có gì đâu phải an. Cho nên khi Huệ Khả tìm tột cùng
thấy không có, ngài nói “con tìm tâm không được”. Tổ bảo “ta đã an tâm cho
ngươi rồi”. Tìm không thấy biết nó không thật, đó là chỗ an tâm.
Nhà thiền sau
này dùng từ “Phản quan tự kỷ”, tức xem xét lại chính tâm mình. Tìm là
chiếu soi lại, xem tâm bất an đang chạy đi đâu? Quay lại tìm tức là xem
xét lại chính mình. Khi xem xét lại thì nó mất. Tôi thấy các Thiền sư
Trung Hoa rất hay, các Ngài diễn tả đường lối tu này bằng hình ảnh mười
mục chăn trâu. Mục đầu là tìm trâu. Tìm trâu là tìm ai? Là tìm tâm lăng
xăng đó, thử coi nó đang ở đâu. Tìm thấy nó không thật, nhưng vì nó cứ lải
nhải hoài nên phải chinh phục, phải đánh đập, lần lần mới điều phục được
nó.
Chúng ta vì mê
lầm chấp thân hư giả làm thân thật, chấp tâm hư giả làm tâm thật của chính
mình. Trọn cuộc đời đi trong mê lầm, rồi tạo nghiệp hư giả, sanh tử không
cùng. Bây giờ tu theo Phật là phải trở lại, phải thấy đúng như thật thân
này hư giả, tâm vọng tưởng không thật. Phật thường nói thân tạm bợ vô
thường, duyên hợp hư giả mà chúng ta thấy thân này thật nên quí nó, khổ vì
nó.
Phật thấy rõ
được lẽ thật nên Ngài là bậc giác. Còn chúng ta thấy mê lầm nên làm chúng
sanh hoài. Vì bảo vệ thân tâm hư giả này mà con người tranh giành với
nhau, rốt cuộc cả đời đau khổ dồn dập. Người biết thân hư giả, tâm hư giả
không thật là tiến được bao nhiêu bước? Nếu ai thật sự thấy thân này rõ
ràng hư giả tạm bợ, sống mượn nó để làm những điều tốt đẹp, ích lợi cho
đời thì được. Dùng tâm hư giả để phương tiện giúp đở người thì được. Ngược
lại nếu ai bảo vệ nó vì tưởng nó là mình thật, là chân lý thì sai lầm.
Tổ Đạt-ma chỉ
nói “đem tâm ra ta an cho”, chớ không nói hư giả. Tự mình tìm không được,
chừng đó sực tỉnh biết nó là hư giả, ngay đó giác ngộ thân tâm hư giả. Có
phải là kỳ diệu không? Nên tôi nói các Ngài có thủ thuật độ người hết sức
kỳ diệu. Tất cả chúng ta muốn tu được giải thoát phải thấy đúng như thật.
Đó là giác ngộ về thân, giác ngộ về tâm. Chúng ta giác ngộ thân tâm đúng
như thật rồi, mới bước sang lãnh vực khác. Cho nên chúng tôi thấy rõ con
đường Thiền tông tu rất đơn giản, mà kết quả hết sức lớn lao, hết sức
thiết thực.
Chúng ta tu là
cốt giác ngộ. Khi nào tâm hư giả lặng sạch như tổ Huệ Khả nói “con dứt hết
các duyên”, tức là đối với sáu trần không dính mắc nữa. Tổ Đạt-ma sợ ngài
chấp không nên gạn lại “coi chừng rơi vào không”. Ngài trả lời “rõ ràng
thường biết, làm sao không được”. Không dính với sáu trần mà tâm vẫn hằng
tri, hằng giác nên đâu phải không ngơ hay không có tâm.
Như khi chúng
ta ngồi chơi dưới gốc cây, nếu không nghĩ gì hết, gió thổi vẫn nghe mát,
chim kêu vẫn nghe tiếng, người đi vẫn thấy bóng… Rõ ràng đang thấy, đang
biết chớ đâu phải không biết gì hết. Tâm lăng xăng là hư dối không thật
lặng rồi, tâm chân thật hằng ở bên mình. Nhưng vì chúng ta bỏ quên nó, cứ
chạy theo cái giả dối nên khổ. Vì vậy Phật nói: “Chúng sanh mê lầm chìm
trong sanh tử khổ đau”.
Bây giờ trở về
với tâm thật thì hết khổ đau. Đó là cứu khổ. Sống với tâm chân thật, không
còn giành hơn thua, phải quấy thì ngay đời này hết khổ rồi. Mai sau khi bỏ
thân này được giải thoát sanh tử, đó là vui vĩnh cửu, chớ không phải vui
thường. Phật dạy chúng ta tu là tìm đến chỗ vui vĩnh cửu, đó mới thật là
người biết đạo, biết cầu giải thoát. Cho nên tìm về với tâm chân thật là
gốc của sự tu.
Trong lời tựa
Thiền Tông Chỉ Nam, vua Trần Thái Tông đã tả lại cảnh nhà vua lên núi Yên
Tử gặp Quốc sư Đạo Viên và được Quốc sư chỉ dạy điều cốt yếu của việc tu
thiền thế này: “Thấy Trẫm, Quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm: Lão
tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ,
uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho
nên mới theo gió mà đến đây. Nay Bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh
quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây, cho nên mới đến phải
không?”
Đọc qua đoạn
này chúng ta hình dung rõ một Thiền sư ở núi. Lão tăng ở chốn sơn dã đã
lâu tức Ngài nói mình ở núi rừng đã lâu. Xương cứng mặt gầy, ngài ốm nên
xương cứng mặt gầy. Ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối. Hạt dẻ ở Việt
Nam khác hạt dẻ ở đây, nó chỉ bằng ngón tay út thôi mà cứng lắm. Ăn rau
răm, uống nước suối, chớ không uống nước lọc như bây giờ. Sống trên rừng
núi đạm bạc như vậy. Vui cảnh núi rừng đã quen, ở núi rừng quen vui với
cảnh núi rừng. Lòng nhẹ như đám mây nổi, nên mới theo gió mà đến đây, diễn
tả tâm hồn Ngài không vướng bận gì, như mây trên trời nhẹ nhàng, thong
dong. Bởi hai chữ mây nổi này mà người sau gọi Ngài là Quốc sư Phù Vân.
Nay bệ hạ bỏ
địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì
ở đây cho nên mới đến, phải không?
Bấy giờ vua
Trần Thái Tông nói:
Trẫm nghe lời
thầy hỏi hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng: Trẫm còn thơ
ấu, đã sớm mất mẹ cha, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nương tựa.
Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên
mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chớ chẳng muốn tìm gì khác”.
Quốc sư dạy:
Trong núi vốn
không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện,
đó chính là Phật. Nếu Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật
ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài”.
Câu chỉ dạy
hết sức đơn giản: Phật không có trên núi, chỉ ở trong tâm. Tâm mình là
Phật. Đó cũng chính là chủ trương của Mã Tổ ngày xưa “tức tâm tức Phật”.
Phật là gì? Phật là giác ngộ. Mà giác ngộ là tâm mình giác, chớ cái gì
giác. Đi tìm chỗ nào cũng không có giác ngộ, vì giác ngộ chính ở nơi tâm
mình. Như vậy muốn tìm Phật thì phải soi lại tâm mình, dẹp những lăng xăng
cho nó yên rồi thì trí tuệ sáng, đó là giác ngộ.
Nếu tâm vắng
lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Tâm vắng lặng phản quan nhìn
lại, bấy giờ cái tâm lăng xăng im đi thì trí tuệ sáng. Phật đâu phải ở chỗ
xa thẳm mà tìm không được, Phật ở nơi tâm mình. Như vậy mới thấy tinh thần
Thiền tông rất phi thường, không nói quanh co khó tìm khó thấy, mà nói
thẳng.
Nếu bệ hạ giác
ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực
khổ ở bên ngoài. Nếu giác ngộ nơi mình có tâm chân thật, thì thành Phật
tại chỗ, khỏi đi tìm kiếm ở đâu.
Đó là một
thiền sư Việt Nam nói thẳng cho chúng ta biết. Ở Trung Hoa các Ngài còn
nói ẩn, chớ ở Việt Nam Thiền sư nói thẳng, chỉ thẳng cho chúng ta thấy tu
thiền là tìm Phật ngay nơi tâm mình, chớ không tìm Phật ở đâu khác. Đó là
một đoạn tôi thấy thiền sư Việt Nam đã chỉ rõ tinh thần tu thiền cho chúng
ta.
Sau khi nghe
lời Quốc sư Phù Vân, vua Trần Thái Tông theo Trần Thủ Độ trở về triều.
Ngài trở về với tâm tư tỉnh táo sáng suốt, đó là tâm tư giác ngộ nên sau
này Ngài có những lời thật hay, thật khéo. Chúng ta nghe tiếp một đoạn
Ngài nói về sắc thân:
Các ông nên
chính chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được
có. Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình
dung giả có. Quên thật quên gốc, hiện giả hiện dối, hoặc nữ hoặc nam, hoặc
đẹp hoặc xấu. Trọn lòng buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về,
chạy rong trên đường sanh tử, mất tuốt “bản lai diện mục”. Do đó, giương
mắt nhìn bên ngoài, ai biết xoay đầu ngó lại bên trong. Khi lại, sanh là
hóa sanh; nơi đến, trong mộng nói mộng. Lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng
vàng, lấy giả làm chân, trái không đến sắc. Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc,
túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đậy máu tanh, giồi son phấn
át thùng phân thối. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây
tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu.
Làm vua cung
phi mỹ nữ rất đông mà ngài không lầm. Ngài thấy tường tận đó là tướng giả,
không đáng gì phải bận tâm. Chúng ta bây giờ giả còn thêm lớp giả nữa. Cứ
vậy mà chồng chất hết lớp giả này đến lớp giả khác, rồi gạt lừa nhau, đủ
thứ chuyện khổ sở. Người tu thấy đúng như thật về thân, đúng như thật về
tâm là đã giác. Nhưng đó chỉ mới giác phần đầu thôi, còn phải tiến lên
buông xả, không cho niệm chạy theo cảnh, lần lần nhận ra cái chân thật của
mình.
Kế tiếp là
đoạn Ngài khuyên phát tâm Bồ-đề:
Ở đời cái quí
tột chỉ là vàng ngọc mà thôi. Nhưng xét kỹ chỗ quí tiếc ấy chẳng bằng thân
mạng. Ví như có người giàu sang được phong làm đại tướng, dùng vàng ròng
làm giáp để che đở cho thân. Đến khi lâm chiến binh đao bị thua, hoặc cởi
giáp ném gươm mà chạy, mong được thân mạng an toàn mà thôi, giáp vàng ròng
đâu rảnh nghĩ tiếc. Mới biết cái quí vàng ròng chẳng bằng cái quí thân
mạng, đây là thực vậy.
Ngày nay thì
không thế, trái lại quí vật kia mà khinh thân này. Chẳng biết thân này khó
được có ba. Thế nào là ba?
1. Trong lục
đạo chỉ có người là quí, đến khi nhắm mắt rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết
chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, chẳng được
làm người. Đây là cái khó được thứ nhất.
2. Đã được làm
người, lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật
tự tôn ty không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng
nghe chư Thánh giáo hoá. Đây là cái khó được thứ hai.
3. Đã được
sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc,
câm ngọng, què, thọt, còng, gù; miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp.
Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân. Tuy ở nơi phồn thịnh dường thể
ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó được thứ ba.
… Rõ ràng thời
gian trăm năm, toàn ở trong sát na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi
ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận.
Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái
thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường
hai chữ. Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu
kính chẳng thật.
Đây là những
câu Ngài giải thích cho chúng ta thấy rõ thân này không thật, nhưng trong
cái không thật đó có một hòn ngọc quí, mà chúng ta bỏ quên, chạy theo công
danh phú quí. Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí
kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ. Thiền sư Minh Chánh nói: “Công danh
cái thế màn sương sớm, Phú quí kinh nhân giấc mộng dài”, hai ý này giống
nhau, diễn tả công danh sự nghiệp ở đời không có gì thật.
Chúng ta kiểm
nghiệm lại bao nhiêu người của đầy kho rồi cũng chết. Khi chết, của đó
thuộc về ai? Dù lúc sống được chức to, của nhiều, cuối cùng cũng không giữ
được. Cho nên Ngài thức tỉnh chúng ta bằng hai câu thơ:
Gió lửa khi tan không già trẻ,
Núi sông bại hoại mấy anh hùng.
Gió lửa một
khi đã tan, không phân già trẻ. Ai tới thời kỳ đó thì tự tan. Có mấy kẻ
anh hùng gìn giữ được núi sông mãi mãi? Tới lúc nào đó cũng phải bại hoại
thôi.
Đầu xanh chưa
mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương; ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi
theo. Một bao máu mủ nhiều năm khổ luyến ân tình, bảy thước hình hài buông
lòng tham mê tài bảo. Thở ra khó mong được hít vào, ngày nay không bảo đảm
ngày mai.
Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,
Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt?
Qua những lời
nhắc nhở của Ngài, chúng ta thấy công danh, phú quí chỉ là tạm bợ, hư ảo.
Ngồi trên địa vị ông vua có chức vị nào hơn, mà ngài vẫn coi nó như trò
chơi, như mộng ảo.
Đầu xanh chưa
mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương. Quí vị rờ trên đầu xem có điểm sương
chưa? Chẳng những điểm sương mà nó muốn thành thúng bông nữa. Mới ngày nào
đó mình còn trẻ, ngày nay đã già rồi. Nhớ lại khác nào giấc mộng, có gì
quan trọng. Ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo, nghĩa là ngày
sanh thì vui mừng nên gọi là mừng sinh nhật. Nhưng thời gian sau ngày chết
sẽ đến, người ta đi điếu. Bởi có sanh thì có tử. Một bao máu mủ nhiều năm
khổ luyến ân tình, thân này chỉ là một đãy da chứa đầy máu mủ, thịt xương,
vậy mà cứ thương cứ ghét, nên nhiều năm phải chịu khổ sở. Bảy thước hình
hài buông lòng tham mê tài bảo. Mang thân bảy thước mà cứ đắm mê tiền của
không dừng. Bảy thước đây là bảy thước xưa. Thở ra khó mong được hít vào,
ngày nay không bảo đảm ngày mai. Nhà vua mà thấy như vậy thì thật là phi
thường.
Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,
Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt?
Chúng ta cứ
chìm đắm trong sông yêu và nhà lửa. Cứ theo đuổi nhau trong đau khổ không
biết chừng nào ra khỏi. Vì vậy Ngài chỉ ra lẽ thật, muốn cho mọi người đều
thấy, đều biết để rồi chúng ta thoát khỏi những nỗi khổ đó.
Như vậy người
tu muốn ra khỏi vòng luân hồi sanh tử phải làm sao? Phải phá chấp thân
thật, phá chấp tâm suy nghĩ là tâm mình thật. Khi thấy thân không thật,
tâm không thật thì bớt dính với ngoại cảnh, lúc đó tâm mới yên. Tâm yên
rồi thì trí tuệ sáng, đó là đi tới giác ngộ.
Thế nên giác
ngộ không phải là chuyện ở đâu, mà là chuyện sẵn nơi mình. Tâm ta giác đó
là giác ngộ, tâm ta mê đó là chúng sanh. Nếu ngay trong cõi đời này chúng
ta nhận ra được cái thật của mình, thì không còn lầm các pháp ở thế gian
nữa. Nhờ thế sống tự tại, ra đi cũng an lành, không sợ sệt gì cả. Còn
không nhận được như vậy, khi mất thân sẽ hoảng hốt, không biết ra sao? Đó
là cái đau khổ triền miên của con người.
Vì vậy tu là
để giác ngộ, để đi tới chỗ cuối cùng là giải thoát sanh tử, an vui vĩnh
viễn; chớ không phải chỉ tìm nguồn an vui lâu dài trong sanh diệt mà thôi. |