PHƯƠNG PHÁP TU TỊNH ĐỘ TÔNG VÀ THIỀN TÔNG
Chùa Long Sơn
– Nha Trang - 2002
Hôm nay đủ
duyên ban Hoằng pháp mời chúng tôi về đây giảng pháp cho Tăng Ni, Phật tử
nghe. Nhận thấy người Phật tử cần có niềm tin chân chánh đối với giáo
pháp, đồng thời để cho giới Tăng Ni hiểu rõ những pháp môn Phật dạy nên
tôi sẽ nói về Phương pháp tu Tịnh độ tông và Thiền tông.
Trong nhà Phật
không có pháp chống đối với pháp nào, chỉ phương pháp thực hành khác nhau
thôi. Hôm nay chúng ta sẽ đối chiếu giữa hai pháp môn Tịnh độ và Thiền
tông, để nhận rõ những điểm dị đồng của hai pháp môn này.
Phật tử Việt
Nam tu theo Phật từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 19, đa số nặng về tu
Thiền. Nhưng đến thế kỷ thứ 19, 20 lại nghiên về Tịnh. Như vậy hai pháp
này có gì giống nhau, có gì khác nhau? Chúng ta phân tích cho rõ, để không
nghĩ tu Thiền đúng hay tu Tịnh độ đúng. Nếu hiểu lầm chúng ta dễ phỉ báng
nhau, chống đối nhau. Đó là điều không tốt trong đạo.
Trước hết tôi
nói về phương pháp tu Tịnh độ, cốt lõi nằm ở chỗ nào? Chúng ta ai cũng
biết rõ phương pháp tu Tịnh độ là niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Niệm
cho đến bao giờ nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung Phật sẽ đón về Cực
Lạc, hoặc thấy Phật hiện ở trước mắt. Phương pháp này rất dễ tu, chỉ dùng
câu niệm Phật chí thành sẽ được kết quả. Vì vậy Phật dạy người tu pháp môn
Tịnh độ phải đủ ba điều kiện: một là Tín, hai là Hạnh, ba là Nguyện.
Tín nghĩa là
tin chắc rằng có cõi Cực Lạc cách thế gian mười muôn ức thế giới. Cõi này
hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp. Nếu người thành tâm niệm tới
chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật Di Đà sẽ đón về cõi Cực Lạc. Tin khẳng định
như vậy niệm Phật mới có kết quả. Câu Nam-mô A Di Đà Phật đã hết sức là
giản đơn, vậy mà sau này có nhiều người chế biến đơn giản hơn nữa. Chỉ
niệm A Di Đà Phật là đủ. Đó là một sai lầm.
Tôi xin nêu ví
dụ thế này, nếu tên cha của chúng ta là Nguyễn Văn A, có người nào đó kêu
Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn A hoài, mình giận không? Kêu tên cha mình sao
không giận được? Đức Phật hiệu A Di Đà, đó là tên của Ngài. Cứ niệm A Di
Đà Phật hoài tức là kêu tên Ngài, như vậy có tội không? Đó là một nghi vấn
đa số Phật tử khi bị hỏi đều lúng túng. Ở đây tôi sẽ giải thích cho quí vị
hiểu rõ.
Tên Phật là A
Di Đà Phật, tiếng Phạn là Amita Buddhda. Chữ Nam-mô tiếng Phạn là Namo
cũng đọc là Nẳng mồ, dịch nghĩa là cung kính hướng về. Namo Amita Buddha,
nghĩa là thành tâm hướng về đức Phật A Di Đà. Nếu ta niệm Nam-mô A Di Đà
Phật là cung kính hướng về đức Phật A Di Đà, như vậy có tội không? Như nói
cung kính hướng về ông Nguyễn Văn A, thì người đó có giận ta không? Không.
Đằng này Phật tử bỏ hai chữ cung kính, chỉ niệm A Di Đà Phật, khác nào kêu
tên Phật. Như thế vô tình làm giảm lòng cung kính của mình đối với đức
Phật. Cho nên Phật tử đừng đơn giản hóa như vậy.
Xưa nay chúng
ta quen nghe từ lục tự Di Đà, nghĩa là sáu chữ Di Đà. Nam mô là hai, A Di
là bốn, Đà Phật là sáu. Hai chữ đầu là cung kính, bốn chữ sau là tên. Lúc
nào chúng ta cũng thành tâm cung kính niệm Phật, nhờ vậy mới đi tới nhất
tâm bất loạn. Nếu niệm để niệm thì việc niệm Phật không có ý nghĩa gì cả.
Thứ hai là
Hạnh. Biết có cõi Cực Lạc, đức Phật A Di Đà đang giáo hoá ở đó, giờ đây
chúng ta phải tha thiết thành tâm niệm danh hiệu Ngài để được nhất tâm bất
loạn. Nhờ tâm tha thiết đó, niệm lâu sẽ được kết quả nhất tâm bất loạn.
Trong kinh Di Đà có câu: “Hoặc một ngày, hai ngày, ba cho đến bảy ngày
niệm danh hiệu Phật A Di Đà được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung sẽ thấy
đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước”. Niệm Phật muốn cho kết quả
tốt đẹp phải tha thiết, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật để cho tâm mình
đừng nghĩ tưởng loạn động nữa. Như vậy mới đi tới chỗ nhất tâm bất loạn.
Đó là phần Hạnh.
Thứ ba là
Nguyện. Người tu niệm Phật lúc nào cũng nguyện được vãng sanh về cõi Cực
Lạc, làm dân ở cõi Phật. Nguyện đó cần phải tha thiết thì công phu mới có
kết quả như sở nguyện. Ba phần Tín, Hạnh, Nguyện là căn bản, cốt lõi trong
sự tu của pháp Tịnh độ. Nếu thiếu một trong ba phần này, tu sẽ không kết
quả.
Gần đây nhiều
vị lại nói quá đơn giản rằng ai niệm Phật mười câu, khi nhắm mắt cũng được
Phật đón về Cực Lạc. Gọi đó là đới nghiệp vãng sanh, tức mang nghiệp về
Cực Lạc tu tiếp. Đơn giản hóa khiến cho Phật tử sanh tâm lười biếng, tu sơ
sơ thôi. Chừng nào gần chết niệm mười câu thì Phật đón về bên ấy. Tu lơ mơ
kiểu đó Phật nào dám đón. Nói thế là vô tình làm cho Phật tử sanh tâm
khinh lờn, lười biếng.
Kinh Di Đà
không nói như vậy. Phật dạy chúng ta niệm Phật cho tới nhất tâm bất loạn,
chừng đó Phật mới đón. Chúng ta tu đúng kết quả mới đúng, tu không đúng
kết quả sẽ không đúng. Quí vị thử nghĩ người nóng giận, tham lam, còn
nhiều tật xấu, chỉ cần gần chết niệm mười câu danh hiệu Phật là được đón
về Cực Lạc, thật vô lý. Tại sao? Vì Cực Lạc là tịnh độ, hoàn toàn trong
sạch thì đâu có chứa những chúng sanh còn đầy dẫy tham, sân, si. Còn
nghiệp xấu làm sao mang về bên đó được, ai dung mình? Cho nên tôi hay nói
đùa, quí Phật tử còn sân nhiều mà về Cực Lạc, lỡ nổi sân cãi nhau, chừng
đó Phật mất công đưa về bên này nữa. Vì làm ô uế cõi thanh tịnh thì phải
trở lại chớ sao! Muốn sanh về cõi tịnh thì nghiệp cũng phải thanh tịnh.
Nghiệp còn xấu xa nhơ nhớp mà đòi về cõi tịnh thì quá đáng, khó chấp nhận
được. Đó là một lẽ thực.
Phật tử hay có
bệnh niệm Phật tính chuỗi. Bữa này được hai chuỗi, ba chuỗi. Ngày mai tính
thêm bốn chuỗi. Tính rồi ghi vô sổ, tới tháng trình với thầy. Tính chuỗi
để trình mà tâm chưa yên. Niệm Phật như vậy là chưa đúng cách, chưa được.
Chúng ta niệm Phật đừng nghĩ tính chuỗi để trình thầy, làm sao đi đứng nằm
ngồi cũng đều niệm Phật. Khi có việc cần nghĩ thì nghĩ, không có việc thì
cứ nhớ niệm Phật luôn. Như vậy mới tới chỗ nhất tâm, đức Phật mới hiện ra
lúc lâm chung. Nhiều vị cầm chuỗi niệm mà tính số hoài, nên cuối cùng
không có kết quả gì.
Chúng ta tu
phải thật tu, tu cho thành công. Chớ không phải tu cho thiên hạ thấy mình
tu giỏi. Trọng tâm của niệm Phật là niệm đến nhất tâm bất loạn. Tại sao?
Bởi vì tâm của chúng ta luôn loạn động, ít khi được yên hoàn toàn. Nếu có
cũng một tí xíu thôi, rồi nghĩ chuyện khác. Hết nghĩ chuyện này tới nghĩ
chuyện kia liên miên. Tâm chao đảo, xao xuyến đó là tâm tạo nghiệp với nào
là thương ghét, buồn giận v.v… Hoặc nghiệp sanh lên các cõi lành, hoặc
nghiệp đọa xuống các đường dữ.
Bây giờ muốn
cho nghiệp lặng hết thì phải làm sao? Phải tin tưởng có đức Phật A Di Đà,
tin tưởng có cõi Cực Lạc. Tin như vậy rồi chú tâm niệm Phật không nhớ gì
hết. Lâu ngày chỉ còn câu niệm Phật, cuối cùng câu niệm Phật cũng lặng
luôn. Đó là niệm tới nhất tâm. Nhất tâm là không còn niệm thứ hai nữa.
Cuối cùng niệm Phật cũng phải buông, chừng đó mới thấy Phật.
Chủ đích của
pháp môn này là dùng câu niệm Phật để dẹp trừ tâm loạn tưởng. Tâm loạn
tưởng hết rồi gọi là niệm Phật nhất tâm, lúc đó trí tuệ sáng suốt hiện
tiền. Cho nên niệm Phật tới nhất tâm là đi tới chỗ định, từ định phát sanh
trí tuệ. Gốc của sự tu là đi tới thiền định và trí tuệ để được giải thoát.
Cho nên biết nhất tâm của người tu niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam-muội,
cũng đồng nghĩa với chỗ định của người tu thiền.
Như thấy người
đi ngoài đường, vừa đi vừa nói lẩm nhẩm một mình, chúng ta bảo kẻ đó điên.
Người tỉnh táo sáng suốt có chuyện cần nói mới nói, không thì thôi. Còn cứ
lẩm nhẩm một mình hoài, không phải điên là gì? Cũng thế, chúng ta khá hơn
một chút không nói ra miệng, nhưng nói thầm trong bụng. Cứ lầm thầm nói
này nói kia hoài không yên, như vậy mình có điên không? Nên Phật gọi là
vọng tưởng điên đảo. Điên đảo là nghĩ bậy, lộn xộn, không có thứ tự. Nhiều
việc không cần nói mà cứ nói, không cần nghĩ mà cứ nghĩ. Đó là vì chúng ta
không làm chủ được mình. Do đó phải mượn câu niệm Phật để quên các niệm
lăng xăng, nhớ làm chủ. Đến lúc nào các thứ vọng tưởng điên đảo hoàn toàn
lặng hết thì trí tuệ sáng ngời, là lúc thấy Phật. Đó là tôi nói về Tịnh
độ.
Bây giờ nói về
tu Thiền. Thiền tông tu như thế nào? Nói tới tu thiền là nói tới định.
Trong ba môn vô lậu học Giới, Định, Tuệ; Định là thiền định, từ thiền định
phát sanh trí tuệ. Cho nên Giới, Định, Tuệ còn được gọi là ba môn giải
thoát. Trong Bát chánh đạo, từ Chánh kiến tới cuối cùng là Chánh định,
Phật cũng dạy tu để được định. Tâm loạn tưởng hết gọi là định. Nói về pháp
Lục độ cũng phải định rồi tuệ: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục,
thiền định, trí tuệ. Có thiền định mới có trí tuệ.
Người tu Phật
phải biết rõ Phật là bậc giác ngộ sáng suốt, giác ngộ một cách viên mãn.
Lâu nay chúng ta thường học: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tức là
mình giác ngộ rồi, giúp cho người khác cũng được giác ngộ. Mình và người
đều giác ngộ tròn đầy thì thành Phật. Nhưng giác ngộ từ đâu mà có? Từ tâm
định mà có, chớ không phải ở ngoài đến. Lâu nay chúng ta không biết, cứ
nghĩ tu để được phước đức nhiều, để Phật độ cho làm ăn phát tài, để gia
đình không bị tai nạn v.v… Thật sự tu là phải dẹp bỏ tâm lăng xăng điên
đảo của mình. Nó được lặng yên đi thì mới đi tới trí tuệ sáng suốt. Người
tu thiền nhất là Thiền tông, tâm phải được định.
Lâu nay tôi
vẫn thường nghĩ nước Việt Nam chúng ta được duyên lành gặp Phật pháp từ
thế kỷ thứ III. Ngài Khương Tăng Hội dạy Lục Diệu Pháp Môn, là sáu phương
pháp tu để cho tâm an định. Có khi Ngài cũng ứng dụng pháp Lục độ để tu.
Như vậy từ thể kỷ thứ 3 Tổ tiên mình đã tu thiền. Tới thế kỷ thứ 6 có tổ
Tỳ-na-đa-lưu-chi từ Trung Hoa sang dạy tu thiền. Thế kỷ thứ 9 có ngài Vô
Ngôn Thông cũng từ Trung Hoa sang dạy tu thiền. Thế kỷ 17, 18 có các ngài
Nguyên Thiều, Liễu Quán đều dạy tu thiền. Như vậy hệ thống tu thiền dài
gần hai ngàn năm.
Có một lần đi
Nhật, trên tàu tôi gặp hai, ba vị cũng qua Nhật. Tôi làm quen và hỏi: “Quí
vị qua Nhật làm gì?” Họ nói: “Qua Nhật để học thiền”. Sau này tôi được một
Phật tử trình bày cho nghe, có vị sư Nhật lập một thiền đường ở Paris -
Pháp. Đến kỳ nghỉ hè vị ấy đi thăm các nước Đông Nam Á. Lúc về sư kể lại
Phật giáo các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan v.v… cho những thiền sinh
nghe. Trong số ấy, có một Phật tử Việt Nam hỏi:
- Thưa thầy,
thầy có sang Việt Nam không?
Sư đáp: Có.
Phật tử hỏi
tiếp:
- Thưa thầy,
thầy thấy Phật giáo Việt Nam thế nào?
Sư cười ha hả
nói:
- Tạp nhạp.
Nghe vậy tôi
rất buồn. Khi sang Nhật tôi thấy rõ có những tông phái: Nếu là Thiền thì
thiền đường rất đàng hoàng. Nếu là Tịnh thì tu cũng rất đàng hoàng. Tu môn
gì ra môn ấy. Về tới Việt Nam thật là chịu thua, không biết mình tu pháp
gì, đủ thứ hết. Vì vậy người ta chê tạp nhạp.
Tại sao thiền
được truyền vào Nhật Bản sau Việt Nam năm trăm năm, mà bây giờ người ta
qua đó học. Còn Thiền tông đã có mặt ở Việt Nam lâu thôi là lâu, mà không
ai thèm tới học với mình, ngược lại mình còn qua Nhật học nữa chớ. Có tủi
chưa! Đó là điều tôi thấy rất tủi. Vì thế sau khi học xong chương trình
trong đạo, tôi phát nguyện chuyên tâm nghiên cứu về thiền, nhất là thiền
Việt Nam.
Lúc đầu tôi
đọc sử ba mươi vị Tổ ở Ấn Độ, Trung Hoa. Đọc tới đọc lui muốn điên cái đầu
mà vẫn không hiểu gì hết. Thấy như các Ngài nói đùa nói cợt chơi vậy, chớ
không có lẽ thật. Nhất là đọc câu chuyện tổ Đạt Ma với ngài Huệ Khả. Ngài
Huệ Khả hy sinh đứng ngoài tuyết suốt đêm tại Thiếu Lâm. Miền Bắc Trung
Hoa bấy giờ tháng mười một, tuyết xuống ngập đầu gối, mà Ngài vẫn đứng
thản nhiên để cầu đạo. Tổ Đạt-ma nhìn thấy hỏi: “Ông cầu gì mà khổ hạnh
như vậy”. Ngài Huệ Khả thưa: “Con muốn cầu Ngài chỉ phương pháp tu để được
giác ngộ”. Tổ quở: “Muốn cầu giác ngộ thành Phật phải nhiều đời nhiều kiếp
hy sinh thân mạng mới được. Ông dùng chút khổ hạnh như vậy làm sao cầu
được?”. Ngài Huệ Khả nghe thế, liền đi xuống bếp lấy dao chặt một cánh tay
dâng lên nói: “Con xin dâng cái này để cầu pháp”. Tổ gật đầu nói “Được” và
đặt hiệu là Huệ Khả.
Câu chuyện này
tôi dịch rồi mà vẫn bán tín bán nghi. Ngài Huệ Khả chặt cánh tay đem dâng
Tổ, lúc đó có ra máu không, sao không nghe băng bó? Chẳng lẽ để máu me
chảy dầm dề dâng cho Tổ? Tôi ngờ ngay chỗ đó. Hơn nữa, sau này không thấy
sử ghi Ngài cụt một cánh tay. Đó là hai điều tôi ngờ. Do đó tôi nghĩ đây
là các ngài muốn diễn tả tâm quyết liệt tu hành. Dù chết, dù bỏ thân mạng
cũng không tiếc, để người sau bắt chước. Sự thật ra sao thì không rõ.
Sau khi được
Tổ nhận làm đệ tử rồi, một hôm Ngài bạch với Tổ: “Tâm con không an, xin
Hòa thượng dạy con pháp an tâm”. Khi đó Tổ nhìn thẳng vào mặt ngài Huệ Khả
bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài sửng sốt quay lại tìm tâm. Tìm một hồi
không được, Ngài thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo:
“Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đó Ngài biết đường vào.
Lúc trước
chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, cứ ngỡ như Tổ đùa chơi vậy, không dạy
gì cả. Nhưng sau một thời gian, có cơ hội nhập thất chuyên tu, đọc lại chỗ
đó tôi sửng sốt không ngờ Tổ chỉ một cách hết sức khéo léo, hết sức cụ
thể, chớ không phải chuyện tưởng tượng. Thật là khéo léo làm sao!
Tâm không an
là tâm nghĩ chuyện này, chuyện nọ. Có khi mình dặn nó nhớ Phật thôi đừng
nhớ bậy, mà nó cứ nhớ bậy hoài. Hoặc bảo nó nhớ hơi thở, đừng nhớ bậy mà
nó cứ nhớ chuyện này chuyện nọ, không an. Nhưng tổ Đạt-ma không dạy cách
nào hết, mà bảo “Đem tâm ra ta an cho”. Bình thường nó lăng xăng lộn xộn,
nhưng khi tìm lại nó ở đâu? Tìm lại thì mất tăm, mất dạng. Cho nên ngài
Huệ Khả trình bày một cách thật thà “Con tìm tâm không được”. Tổ bảo “Ta
đã an tâm cho ngươi rồi”.
An bằng cách
nào? Đó là điều hết sức quan trọng mà người học Phật chúng ta không nắm
được. Tổ Đạt-ma khi truyền thiền sang Trung Hoa, ngài có lập bốn câu châm
ngôn:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Lấy bốn câu đó
làm tiêu chuẩn. Như vậy bảo “Đem tâm ra ta an cho”, câu đó trong kinh điển
nào? Không có. Thế mà ngài Huệ Khả nhân đó ngộ được pháp tu. Nên nói bất
lập văn tự.
Trong mười mục
chăn trâu, mục thứ nhất là tìm trâu. Nhà thiền còn dùng từ “Phản quan tự
kỹ”, tức là nhìn lại chính mình. Bởi vì lâu nay chúng ta mê lầm cho tâm
lăng xăng lộn xộn là tâm mình thật. Vì thế bị nó dẫn dụ lôi kéo tạo nghiệp
không cùng. Bây giờ ta nhìn thẳng mặt xem nó ở đâu thì nó mất. Như vậy cần
gì mượn phương tiện, cứ nhìn thẳng xem tâm lăng xăng đó ở đâu, nó sẽ tự
mất. Nhìn lại tâm lăng xăng của chính mình gọi là phản quan tự kỷ. Đó là
lối tu không dùng lời giảng trong kinh, cũng không dùng chữ nghĩa, chỉ
nhìn lại mình là vọng tưởng tự lặng, tự yên.
Vì thế chúng
tôi mới hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu bằng cách, khi niệm dấy khởi mình
nhìn lại biết nó hư vọng thì nó tự mất. Người tu Tịnh độ niệm Phật để dứt
niệm bậy, dừng các thứ nghĩ khác. Còn người tu thiền nhìn thẳng vào những
dấy niệm đó xem mặt mũi thế nào, thì nó tự mất. Cả hai pháp chủ yếu đều
dẹp tâm lăng xăng. Vì tâm lăng xăng là tâm tạo nghiệp, tâm giả dối. Thấy
rõ được bộ mặt thật của nó rồi, tự nhiên nó không còn, vì bản chất của nó
vốn là hư vọng.
Chúng ta có
hai thứ mê lầm: một là lầm thân này thật, hai là lầm tâm sanh diệt là tâm
mình thật. Thân xác thịt này thật không? Ai cũng nói nó giả, nhưng thử
thiên hạ đánh một bạt tay, lúc đó mới biết giả hay thật? Nhất định ăn thua
tới cùng. Khi học kinh Phật nói giả ta cũng tin là giả, nhưng gặp việc thì
thành thật hết.
Tất cả chúng
ta đều nhiều lần chứng kiến những người thân của mình đang sống khỏe mạnh,
bỗng nhiên ngả bệnh rồi chết. Khi còn sống, còn nói năng, làm việc ta cho
là thật. Nhưng ngả bệnh tắt thở, lúc đó thật hay giả? Nếu thật thì còn, mà
bây giờ không còn. Nên thấy người đi trước giả thì biết thân mình tuy còn
hoạt động đây nhưng cũng là đồ giả. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ mê lầm ngỡ
nó là thật.
Từ mê lầm ngỡ
thân này thật, đi tới mê lầm thứ hai là những nhu cầu nó đòi hỏi, ta cũng
thấy thật luôn. Muốn ăn ngon phải chạy tìm món ăn ngon, muốn mặc đẹp phải
chạy tìm mặc đẹp. Tất cả những gì nó muốn đều chạy theo nó hết. Suốt đời
làm cho nó thỏa mãn, mà có bao giờ được thỏa mãn đâu. Như vậy không mê lầm
là gì?
Vì muốn thỏa
mãn vật chất nên con người không từ bỏ những việc làm xấu nào để đạt được
mong muốn của mình. Từ đó sanh ra tranh đấu giành giựt, rồi sát phạt nhau
đủ thứ khổ đau. Bây giờ biết cuộc sống này giả tạm, bảy tám chục năm là
cùng. Thì thôi sống vừa phải, giành giựt nhau làm gì, cuối cùng có còn
không? Mất hết. Trên thế gian bao nhiêu sự giết hại, cũng vì giành giựt
với nhau để thỏa mãn cho thân này. Đó là lầm về thân.
Kế đến là lầm
về tâm. Những thứ nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua cho đó là tâm
mình thật. Khi cho nó là tâm mình thật rồi, ta nghĩ thế này là đúng, người
khác nghĩ thế khác, họ cũng cho là đúng. Hai cái đúng nghịch nhau gặp nhau
sẽ tóe lửa, chớ không thể nào yên được. Cho nên người ta cãi vã, đánh đập
nhau cũng chỉ vì cái đúng của tôi. Nhưng thật ra có tâm vô thường nào đúng
đâu? Nó chỉ đúng với người này mà không đúng với người khác. Hoặc đúng
trong trường hợp này mà không đúng trong trường hợp khác.
Ví dụ tôi ngồi
trên núi thấy hướng nam có một cụm mây đen, gió thổi bay qua một chút sau
trời mưa. Hôm sau tôi cũng thấy như thế nên kêu mọi người chung quanh đem
đồ vô, lát nữa trời sẽ mưa. Người nào không chịu đem vô tôi giận, bực bội
la “Tại sao không đem đồ để mưa ướt”. Nhưng một lát gió thổi ngược hướng,
mây bay tuốt, trời không mưa? Như vậy tôi la có đúng không?
Cái nghĩ của
mình chẳng qua do kinh nghiệm quá khứ, mình đặt ra như vậy và tưởng là
đúng. Nhưng quá khứ đâu có lặp lại, mọi sự luôn đổi thay, lấy việc quá khứ
cho là hiện tại rồi kết luận đúng 100% là một sai lầm. Bởi lầm mê cho cái
nghĩ của mình là thật nên sanh ra tranh đấu, hơn thua, phải quấy với nhau.
Khi ta nghĩ
thế này, người khác nghĩ thế khác, mỗi người chỉ nên nói đây là cái nghĩ
của tôi. Nếu những suy nghĩ ấy giống nhau thì tốt, không giống nhau cũng
không sao. Đừng nói cái nghĩ của tôi là đúng. Bởi vì hai cái nghĩ khác
nhau đều đúng sẽ dẫn đến đấu tranh. Trong khi đó chuyện đúng sai không
quyết định được, vì các pháp luôn thay đổi. Sống yên ổn vui vẻ hòa hợp là
được. Đừng cho lý lẽ của mình là đúng, người khác sai rồi giận hờn trách
cứ làm chi cho mệt.
Những suy nghĩ
của chúng ta là vọng tưởng, không phải chân lý, làm sao cả quyết là đúng
được? Nó sanh đó rồi diệt đó, không phải tâm mình thật, chỉ là bóng dáng
sanh diệt thôi. Biết nó không thật thì việc tu dễ dàng. Đức Phật đã thấy
được tận gốc ngọn của đau khổ. Từ chấp thân chấp tâm thật mà tạo ra không
biết bao nghiệp khổ đau. Vì vậy Phật dạy trước phải phá chấp thân là thật.
Thân này hiện có do duyên hợp tạm bợ, không phải thật. Tâm phân biệt duyên
theo cảnh, duyên theo bóng dáng sáu trần cũng là tạm bợ không thật. Thân
và tâm không chấp thật, nhất định sẽ tới chỗ an định tâm, trí tuệ sáng
suốt chân thật hiện ra.
Phương pháp
niệm Phật cũng để diệt tâm loạn tưởng. Phương pháp thiền định cũng để diệt
tâm loạn tưởng. Kết quả chung của người tu đạo Phật là đi tới chỗ định,
dừng tâm loạn tưởng. Tâm loạn tưởng dừng rồi thì trí tuệ chân thật mới
hiện ra. Vì vậy chúng ta không phải tìm kiếm ở đâu xa, mà hãy quay lại
thấu suốt nơi mình, tự nhiên sẽ nhận ra cái chân thật sẵn có. Cái chân
thật đó đức Phật Thích-ca đã thực hiện được sau khi thiền định bốn mươi
chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề.
Những gì Ngài
thấy biết, nói lại cho chúng ta nghe, muôn đời không sai chạy. Còn thấy
biết thế gian chỉ có giá trị tạm thời trong một giai đoạn nào thôi. Tùy
theo nhu cầu sống thay đổi nó cũng thay đổi, chớ không nguyên vẹn. Cho nên
lời Phật dạy là chân lý.
Có lần Phật
hỏi các Tỳ-kheo:
- Mạng người
sống trong bao lâu?
Có thầy thưa:
- Bạch Thế
Tôn, mạng người sống trong ba tháng.
Phật lắc đầu
nói:
- Ông chưa
hiểu đạo.
Vị khác thưa:
- Bạch Thế
Tôn, mạng người sống trong một tháng.
Phật cũng lắc
đầu. Các thầy lần lượt đứng lên thưa bảy ngày, ba ngày, chỉ trong bữa ăn.
Phật đều lắc đầu nói: “Ông cũng chưa thấy đạo”. Cuối cùng một Tỳ-kheo
thưa:
- Bạch Thế
Tôn, mạng người sống trong hơi thở.
Phật nói:
- Đúng, ông
mới thấy đạo.
Chúng ta thử
nghiệm lại xem có người nào thở khì ra, không hít lại mà sống không? Thở
khì ra không hít lại là chết. Đó là lẽ thật. Phật chỉ đúng lẽ thật cho
chúng ta không lầm lẫn. Nhưng người thế gian lầm lẫn nhiều quá. Vì vậy
nghe Phật dạy khó hiểu, không thâm nhập được.
Phật nói do
thiền định có trí tuệ. Trí tuệ này khác với trí thức. Muốn có trí tuệ này
phải thiền định, từ định sanh tuệ. Muốn định thì phải buông xả hết mọi suy
nghĩ, mọi lo lắng, mọi tính toán. Còn học giả hay trí thức, tức là giỏi
phân biệt. Trí phân biệt này do lượm lặt kiến thức của người này, người
kia gom lại thành một số kiến thức của mình, gọi là trí thức. Nếu gom thật
nhiều gọi là bác học. Thế nên lý thuyết của người khác chỉ đúng trong một
thời đại, một giai đoạn. Qua thời đại khác, giai đoạn khác nó không còn
đúng nữa. Như vậy suốt đời lao theo việc học, rốt lại cũng không có cái gì
là của mình, không có gì đúng mãi.
Ví dụ như Tổ
tiên, ông bà chúng ta ngày xưa rất quí trọng Nho giáo. Những lý thuyết của
đức Khổng Tử đều được tôn trọng và học hiểu. Nhưng tới thời này đem ra
dùng không được. Những gì Khổng Tử nói ngày xưa chẳng những bây giờ không
dùng, mà còn có thể bị phản đối nữa là khác. Như phái nữ hồi xưa dạy tam
tùng tứ đức, tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tửû. Bây giờ
ở Tây phương họ không chịu như thế. Bất kỳ một học thuyết nào khi đã bị
chống đối thì nó không phải là chân lý rồi. Vậy học cho thật nhiều thành
nhà bác học, rốt cuộc cũng bỏ chơi thôi.
Còn trí tuệ
Phật nói phát xuất từ tự tâm mình. Do tâm yên lặng trí phát sáng, thấy
đúng như thật. Như khi tâm Phật định rồi sáng lên, Ngài chứng được Thiên
nhãn minh, thấy vô số vi trùng trong bát nước, thấy vô số thế giới bên
ngoài vũ trụ. Phật thấy thân này là một ổ vi trùng nên trong kinh chữ Hán
có câu: “Nhân thân chi nội hữu vô số vi trùng tại trung vi trú”. Hồi xưa
có ai biết vi trùng là gì đâu, ngày nay mới biết thân này có bao nhiêu tỉ
tế bào đang thay nhau hoạt động, để giữ cho thân được tồn tại trong một
khoảng thời gian giới hạn nào đó.
Đức Phật đã
thấy tường tận mọi thứ bằng trí tuệ của Ngài, chớ không học với ai hết.
Ngồi yên định, tâm sáng tự phát ra thấy tột lẽ thật của muôn pháp. Trí tuệ
này còn được gọi là Tự nhiên trí hay Vô sư trí, là trí không thầy hay trí
có sẵn. Giới, Định, Tuệ trong nhà Phật là vậy. Hiểu rõ chỗ này chúng ta
mới biết đường tu.
Tu niệm Phật
hay tu thiền cốt đi tới định tâm. Nhất tâm là không còn niệm thứ hai, đó
là định. Thiền định cũng không còn dấy niệm khác, đó là định. Trọng tâm
của đạo Phật dạy không hai, nhưng phương tiện dùng có khác. Với người tin
ở bên ngoài thì dạy niệm Phật. Với người tin nơi mình, trực chỉ nhân tâm
kiến tánh thành Phật thì dạy tu thiền. Chỉ thẳng tâm người, cái gì giả
biết giả đừng theo, nhận ra bản tâm liền được giác ngộ. Hai bên khác nhau
ở trong và ngoài. Nhưng gặp nhau một chỗ là đều đi tới nhất tâm.
Phật nói Tịnh
độ có hai phần: sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Sự Tịnh độ là tin có cõi Cực
Lạc, có đức Phật A Di Đà sẽ đón mình. Lý Tịnh độ là tự tánh Di Đà, duy tâm
Tịnh độ. Nghĩa là tâm tịnh thì cõi nước tịnh, Phật A Di Đà là tánh giác
của chúng ta. Như trên đã nói A Di Đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là vô
lượng thọ, vô lượng quang, nghĩa là sống lâu vô lượng, ánh sáng vô lượng.
Phật nói tánh giác sẵn có của mình không sanh diệt nên tuổi thọ vô lượng.
Tánh giác đó cũng là trí tuệ sáng ngời, thấy biết đúng như thật nên gọi là
vô lượng quang.
Như vậy Tự
tánh Di Đà, chỉ tâm thanh tịnh là tịnh độ. So với Thiền tông chỗ cứu kính
không hai. Thiền định để dừng tâm lăng xăng, trí tuệ phát sáng. Định tuệ
song song, có an định mới có trí tuệ và ngược lại có trí tuệ thì luôn an
định. Nói vậy nhiều vị cho rằng khó hiểu. Bây giờ tôi lấy ví dụ gần nhất,
như khi chúng ta gặp việc rối, đầu óc nặng trĩu. Lúc đó mình nghĩ được gì
không? Không nghĩ được gì hết. Khi tâm trí thanh thản nhẹ nhàng mình mới
nghĩ được điều hay. Thế nên các nhà khoa học phát minh được những điều mới
từ sự chăm chú. Họ dồn hết tâm lực vào một vấn đề, chuyên ròng năm bảy năm
vào việc ấy, hôm nào đó bỗng nhiên họ sáng tỏ. Thử hỏi lúc đó họ học với
ai? Không học với ai hết, chỉ do chú tâm yên định vào một vấn đề nên phát
sáng ra.
Trí vô sư ai
cũng có hết, nhưng chúng ta không sử dụng được vì tâm loạn động. Muốn sử
dụng nó phải lắng tâm loạn động ấy đi nó mới xuất hiện. Trí vô sư còn gọi
là Phật tánh. Cho nên thiền định của Thiền tông là phải lặng tâm lăng xăng
hư ảo không thật, đừng chạy theo nó nữa.
Các Thiền sư
khéo diễn tả những giai đoạn tu bằng hình ảnh thằng chăn rượt bắt con
trâu. Lúc đầu trâu còn hoang khó dạy, lôi đầu nó không được, buộc lòng
phải có roi có dây dàm để lôi nó. Đó là chỉ cho người tu giai đoạn đầu,
tâm quá lăng xăng cần có giới luật làm dây dàm để kềm chế. Nếu không có
giới lấy gì kềm chế, cứ thả trôi riết thì không còn làm chủ được mình nữa.
Vì vậy giới luật là sợi dây xỏ mũi, là cây roi chận đón con trâu, không
cho chạy càng vào lúa mạ người. Điều khiển con trâu từ hung hăng trở thành
hiền hoà. Tới khi trâu đã thuần thục, thằng chăn nằm ngủ khò, không thèm
coi chừng nó cũng yên. Nhưng còn trâu, còn chăn là chưa xong. Tới ngày nào
con trâu mất, thằng chăn cũng không còn, chừng đó chỉ còn mặt trăng sáng.
Chúng ta tu
cho tới chỗ không còn vọng niệm, cũng không còn chăn vọng niệm mới là lúc
hoàn toàn an định. An định rồi thì trí tuệ mới phát sáng. Trí tuệ phát
sáng chúng ta mới làm lợi ích cho mọi người một cách tự tại. Vì vậy bức
tranh số chín là hình ảnh một ông già quảy cá chép, bầu rượu vô xóm. Đó là
tự tại đi giáo hóa chúng sanh, không còn lo phiền gì nữa.
Như tôi chẳng
hạn, ngày xưa đi giảng nhiều, ngày nào cũng phải soạn bài. Có khi soạn
không kịp, khuya tôi ngồi thiền yên tịnh, tự hỏi mai giảng cái gì đây,
bỗng nhiên trong trí hiện ra đề tài cho ngày mai giảng. Rõ ràng khi ta
không nghĩ lăng xăng thì trí sáng, còn suy nghĩ hoài trí không sáng suốt
nên không giải quyết được việc gì. Đó là những kinh nghiệm nhỏ thôi, nếu
thiền định được hoàn toàn an định thì trí tuệ tuyệt vời biết mấy. Nhà Phật
gọi từ chân tánh phát ra diệu dụng là vậy.
Trí đó là tuệ
chớ không phải là thức. Tuệ là cái thấu suốt được chân lý muôn đời không
thay đổi, còn thức do lượm lặt được ở người khác, nó sẽ đổi thay. Một bên
thâu vô, một bên loại ra. Muốn có trí thức thì thâu vô, muốn được trí tuệ
thì loại ra. Chúng ta ngồi thiền bỏ hết vọng tưởng thì trí tuệ sáng suốt
phát sinh. Còn thế gian thu vô, học cho nhiều riết đầu óc tối mù, không
sáng nổi. Như vậy trí thức là do học bên ngoài mà được, còn trí tuệ do
thiền định mà được.
Hiểu như vậy
mới thấy được ý nghĩa của người tu Phật. Nhiều người tu mà không biết tu
để làm gì, niệm Phật để làm chi. Cứ nghĩ niệm để có công đức vậy thôi,
không biết rằng mục đích niệm Phật để đạt được kết quả định tâm, phát sanh
trí tuệ. Nhờ câu niệm Phật chúng ta dập tắt hết những nghĩ suy loạn tưởng.
Chúng lặng hết rồi thì trí tuệ sáng ngời. Trí tuệ sáng ngời mới giác ngộ,
thành Phật.
Phật tử tu mà
còn lăng xăng lộn xộn quá. Tu cũng ham nhưng nghe ông thầy nào coi số hay
cũng muốn coi thử số mình tốt hay xấu. Hoặc sửa soạn cưới vợ gả chồng cho
con cái, nhờ thầy xem tuổi. Đứa được tuổi nó không chịu, đứa không được
tuổi nó chịu, rồi đâm ra phiền não đủ thứ hết. Đó là vì không biết đạo.
Phật không dạy những điều như thế. Phật dạy chúng ta tu nếu biết làm lành,
biết tạo duyên tốt thì sẽ hưởng quả tốt, chớ không phải tướng số làm cho
chúng ta tốt.
Mỗi con người
đều có tâm tư nguyện vọng khác nhau, cha mẹ không thể áp đặt con cái phải
giống mình. Nó có quyền của nó. Nó thương người nào là duyên của nó, lấy
con mắt của cha mẹ áp đặt cho con, có tàn nhẫn không? Tôi nói đó là áp đặt
một cách độc tài. Tại sao mình muốn theo ý mình, mà bắt nó không được theo
ý nó. Thế gian cứ sai lầm như vậy mà làm khổ nhau. Nhiều khi dẫn tới
chuyện tự tử chết nữa, có phải ác độc không?
Hiểu đạo rồi,
chúng ta có cái nhìn sâu hơn, thấy cuộc sống này giả tạm, theo duyên hợp
tan nên có cuộc sống hết sức hòa hợp. Chúng ta sống hết sức bao dung,
không bắt buộc ai hết. Vì biết cái nghĩ của mình chưa phải là chân lý, bắt
buộc người ta theo làm chi. Chừng nào ta hoàn toàn an định rồi, được giác
ngộ có trí tuệ mới thấy đúng, nói đúng lẽ thật.
Phật thường
nói Như Lai chỉ là bậc đạo sư dẫn đường, đi hay không là tự chúng ta. Như
đối với năm giới, Phật bảo: “Năm điều đó là tư cách của một con người. Nếu
giữ đúng như vậy đời này là người tốt, đời sau trở lại làm người càng tốt
hơn. Nếu giữ không đúng đời sau sẽ không được trọn vẹn”. Khi truyền giới
quí thầy hỏi Phật tử giữ được không? Nếu giữ được quí vị thưa “con giữ
được”. Nếu giữ chưa được thì làm thinh, Phật không bắt buộc. Vì tu là tu
cho mình chớ không phải cho Phật. Chúng ta có cái khổ là bị bắt buộc mới
làm, còn để tự do không chịu làm. Do đó mà không có tiến bộ.
Đạo Phật rất
tôn trọng tự do, tôn trọng lẽ thật của con người. Trong kinh Phật nói, như
người thế gian phạm tội thập ác, một Phật tử cũng phạm tội thập ác, cả hai
đều bị đoạ địa ngục. Không phải vì Phật tử là đệ tử Phật mà được nhẹ tội.
Song có cái khác là người thế gian phạm tội đọa địa ngục, khi hết tội họ
cũng không biết làm lành. Còn Phật tử có tu, khi phạm tội đọa địa ngục,
tới lúc hết tội ăn năn hối hận, biết làm lành nhờ thế có phước được sanh
về chỗ lành.
Tóm lại đối
chiếu giữa pháp tu Tịnh độ và pháp tu Thiền, chúng ta thấy có những điểm
như sau. Người tu Tịnh độ lấy Tín, Hạnh, Nguyện làm căn bản. Tu thiết tha,
chân thành, không định thời gian, không định số lượng, tới chỗ nhất tâm
bất loạn sẽ đạt được kết quả như nguyện. Còn người tu Thiền phải được an
tâm, tức được định. Từ định mới phát tuệ. Định là dứt hết các duyên, tuệ
là tâm thường hằng sáng suốt. Hiểu như vậy thì mới thấy đức Phật dạy pháp
nào cũng đều đi đến một mục tiêu, chớ không có khác. Nếu khác chăng là
phương tiện tùy căn cơ của chúng sanh thôi.
Hiểu vậy chúng
ta học đạo, tu đạo mới không sai lầm, cũng không chống chọi ai hết. Gặp
người tu thiền thì khuyên ráng tu cho được định. Gặp người tu niệm Phật
thì khuyên ráng niệm Phật cho được nhất tâm. Như vậy đâu có gì trái với
đạo. Hiểu cho sâu, thấy cho rõ khuyến khích nhau tu hành tới nơi tới chốn.
Đó là Phật tử biết đạo, thấy đạo đúng như thật. |