TỨ ÂN TRONG Ý CHÍ HIẾU TU
Lễ khánh thành
chùa Phật Quang - Trà Ôn - 1995
Hôm nay nhân
ngày lễ Khánh thành chùa Phật Quang, chúng tôi có ít lời nhắc nhở Tăng Ni
cũng như Phật tử trên con đường tu hành và hoằng hóa chánh pháp. Tôi tạm
đặt tên đề tài buổi nói chuyện này là Tứ ân trong ý chí hiếu tu.
Sau buổi lễ,
tôi có hai cảm xúc sâu đậm. Thứ nhất là có một nguồn vui sâu xa trong lòng
chúng tôi. Thứ hai là nỗi lo buồn cũng khá sâu xa trong lòng chúng tôi.
Cho nên tôi muốn thuật lại hết những tâm tư ấy cho Tăng Ni, Phật tử thông
cảm để cùng chung gánh vác Phật sự lớn lao trong hiện tại cũng như mai
sau.
Trước hết tôi
nói về niềm vui. Chúng tôi xuất thân tu học từ hai ngôi chùa Phật Quang và
Phước hậu. Sau bao năm đi xa, mỗi lần về thăm thấy Phật Quang và Phước
Hậu, Chánh điện nhà tổ có vẻ điêu tàn, tôi thầm nguyện lúc nào đủ duyên,
cố gắng vận động trong hàng môn đồ, pháp quyến chung lo, chung sức xây
dựng lại hai ngôi tổ đình này. Tôi nhớ rất rõ hồi còn học ở Phật học đường
Nam Việt, có một lần khoảng năm 1958 hay 1959, tôi theo Hòa thượng Viện
trưởng về thăm quê. Một hôm, Hòa thượng được Sư ông tôi kêu lên nhà tổ
dạy: “Ngôi chùa Phước Hậu ngày xưa, khi tôi đứng ra nhận lãnh còn mới,
nhưng bây giờ đã hư mà tuổi tôi lại già. Tôi chỉ dành dụm được chút ít,
không đủ sửa sang, nay tôi giao cho ông. Ông cố gắng làm sao sửa sang lại
cho được lành lặn, để trước khi nhắm mắt tôi thấy ngôi chùa như xưa, thì
mới vui”. Chính tôi được nghe lời dặn dò đó và thấy Sư ông trao tiền cho
thầy tôi.
Từ đó thầy tôi
có bổn phận phải vận động Phật tử để xây cất lại chùa Phước Hậu chắc chắn
như ngày nay chúng ta thấy. Như vậy các bậc thầy đi trước của chúng ta khi
nhận một ngôi chùa là nhận lãnh một trách nhiệm. Trách nhiệm đó không phải
chỉ duy trì ngôi Tam bảo trong lúc còn sống, mà duy trì mãi cho đến ngày
nhắm mắt, làm sao ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn để trao lại cho những người
sau, tiếp nối truyền bá chánh pháp không bị ngưng trệ.
Vì vậy mỗi lần
về tôi thấy chùa hư, trong lòng không an. Nhưng sự thật trước đây không đủ
phương tiện để lo, mấy năm qua tôi cứ xót xa trong lòng. Đến năm này đủ
duyên, chúng tôi kêu gọi môn đồ pháp quyến chung lưng hợp sức xây cất lại
chùa Phật Quang. Chúng tôi nghĩ ngày xưa Sư ông chịu trách nhiệm nhận lãnh
ngôi chùa này, Hòa thượng sư bác tôi là người được giao Trụ trì, thầy
chúng tôi cùng với Hòa thượng Trí Tịnh đem lớp học ngoài Trung vào. Hai vị
đặt chân ở đây đầu tiên để dạy dỗ Tăng Ni.
Nếu không kể
giai đoạn về trước tức không kể trường Lưỡng Xuyên v.v... thì chùa Phật
Quang là điểm đầu mở những lớp học do các Hòa thượng từ Huế về giảng dạy.
Như vậy chùa Phật Quang được xem như Phật Học Đường đầu tiên trong thời
điểm đó. Cho nên chư Tăng các nơi gần cũng như xa tụ hội về tu học khá
đông. Thời ấy xứ sở mình đang có những cuộc chống Pháp, nên một số chư
Tăng đang học phải cởi cà sa khoác chiến bào. Do đó tăng chúng dần dần ít
đi, còn lại không bao nhiêu. Năm tôi vào chùa, quí thầy bắt đầu đi từ từ.
Ngôi Tam bảo
Phật Quang này là chiếc nôi đầu tiên khi tôi vào đạo. Tôi nghĩ hồi xưa Sư
ông đã lãnh chùa thế nào, bây giờ mình làm lại cũng phải thế ấy, để trước
hết là Sư ông tôi, kế đó Sư bác và thầy chúng tôi được hoan hỷ, vì cơ sở
truyền bá chánh pháp từ xưa đến nay vẫn được tròn đủ. Vì vậy tôi yêu cầu
ban tổ chức phải làm đúng như tất cả những gì ngày xưa đã làm. Đó là điểm
tôi nghĩ quí vị thông cảm cho chủ ý của tôi muốn làm giống chùa xưa, chớ
không được làm khác.
Lại nữa, ngôi
chùa này ngày xưa đã có kỷ niệm sâu đậm với tôi. Ngày rằm tháng tư năm
1949, tôi được thầy Hoằng Huệ, một ân nhân hướng dẫn chúng tôi về đây xin
tu. Nên ngày này là ngày đầu tiên đặt chân đến Phật học đường Phật Quang.
Nhưng thầy tôi nhận cho ở tu với điều kiện phải công quả ba tháng, để xem
ý chí và tinh thần xuất gia của tôi mạnh yếu thế nào. Cho nên suốt ba
tháng mùa an cư năm đó tôi chỉ làm công quả thôi, chớ chưa được xuất gia.
Song tôi có
tánh hiếu học. Tuy làm công quả, nhưng những giờ học của Tăng Ni tôi đều
dự thính ở sau. Qua ba tháng Hòa thượng thấy tôi có ý chí tu quyết liệt,
nên rằm tháng bảy Ngài cho tôi xuất gia tại đây. Thời gian đó tôi từng dọn
dẹp chung quanh chùa, nhất là mấy cái mương trồng dừa, phải bồi đất cho
tốt đẹp nên tôi cũng đã đóng góp khá nhiều công sức để xây dựng cảnh quan
chung quanh chùa.
Như vậy năm
1949 tôi đã có mặt ở đây. Đến năm 1951, có một tai nạn lớn xảy ra nơi đây.
Hai chiếc máy bay Pháp, nó quần bắn từ tám giờ sáng tới mười giờ trưa. Lúc
đó tại chùa có ba lớp học trẻ con, tôi lãnh dạy một lớp. Gần hai trăm học
trò và Tăng Ni nằm mấy tiếng đồng hồ dưới đất, nhìn lên chỉ thấy đạn xẹt
tóe lửa ngang mấy cây cột, khói bụi mù mịt không ai thấy ai hết. Qua một
trận đó rồi, không phải ngưng luôn mà tối nào lên giường nằm cũng nghe
thụt trái Ô-bít. Đang nằm trên giường mạnh ai nấy nhảy xuống đất.
Như vậy kéo
dài một thời gian đáng kể, thầy tôi thấy ở đây không tiện nuôi Tăng Ni và
việc học hành của trẻ con cũng không bảo đảm, nên mới xin Sư ông tôi được
về Phước Hậu. Vì vậy năm 1952, thầy và chúng tôi đều về Phước Hậu tá túc
tiếp tục học tập. Chùa đây giao lại cho Hòa thượng Hoàn Tâm tức Sư bác
tôi. Xem như tại chùa Phật Quang, Hòa thượng Viện trưởng tức thầy chúng
tôi chỉ sinh hoạt từ năm 1945 tới năm 1951, tròn sáu năm.
Riêng tôi chỉ
có mặt ở đây từ năm 1949 tới năm 1951, ba năm đầu tiên vào đạo, nhưng bước
đầu bao giờ cũng nhiều kỷ niệm nhất. Bởi vì nếu không có bước đầu thì
những bước khác không bao giờ có. Ba năm tròn ở đây tôi học Sơ đẳng, nhưng
học nhảy. Vì tôi vào nhằm năm thứ hai, sắp qua năm thứ ba. Phần dốt đặc
tôi không biết một chữ nho, làm sao học kịp. Nhưng mà vì hiếu học, hơn nữa
ở nhà ông cụ thân sinh của tôi biết chữ nho. Mỗi khi uống rượu, ông nói
chữ nho cho tôi nghe nhiều lắm, nên tuy không học mà tôi cũng thuộc chữ
nho. Do thuộc giải nghĩa được mà thấy mặt chữ không biết. Vì thế lúc tôi
vào chùa, có chú Thanh Đức thông minh lại học trước, nên tôi hợp tác với
chú. Hai chú cháu, chúù đọc chữ, tôi giải nghĩa. Mỗi lần học hai chú cháu
nằm gần, chú đọc hết chữ nho tôi nghe, kế tôi giải nghĩa lại cho chúù
nghe. Nhờ vậy tôi ráng học theo kịp. Thành ra chỉ hơn một năm tôi đã học
hết lớp Sơ đẳng ba năm.
Trong thời
gian học Sơ đẳng, có một lần chúng tôi được Hòa thượng dạy về Tân Quốc
Văn. Hôm đó học nhằm bài nói về ý chí, Ngài bắt chúng tôi phải học thuộc
câu này “Địa du cố mộc du kiên. Gian nan giả, phi khốn ngã giả, nhi trợ
ngã giả dã.” Đây là câu tôi rất thích nên sau này thường đem ra nhắc nhở
Tăng Ni mãi. Nghĩa là đất càng chai thì cây càng cứng, đó là thí dụ. “Gian
nan giả, phi khốn ngã giả, nhi trợ ngã giả dã”, tức gian nan không phải
làm khốn khổ ta mà chính là trợ giúp cho ta vậy, đó là hợp pháp. Nhờ những
câu này làm cho tôi mạnh thêm, quyết chí thêm. Mới thấy rằng người xưa chỉ
dạy cho chúng ta hiểu, tất cả những khó khăn khốn khổ của cuộc đời là
những bài học có sức mạnh lớn giúp chúng ta vươn lên, thành tựu sở nguyện
của mình, chớ không phải làm trở ngại cho ta. Ví dụ hết sức cụ thể, nếu
chỗ nào đất chai mà cây mọc lên được thì biết cây đó rất cứng, còn chỗ nào
đất mầu mỡ đất xốp thì cây yếu mềm. Nên sống trong môi trường khó khăn là
cơ hội để chúng ta rèn luyện ý chí, dũng mãnh tiến lên. Đó là một bài học
lúc tôi học chữ Hán lớp Sơ đẳng.
Năm 1951, tôi
bắt đầu học Trung đẳng, Hòa thượng giảng các bộ kinh của cấp Trung đẳng.
Thời gian này công việc của Ngài rất bề bộn. Ngoài giảng dạy cho Tăng Ni
mỗi buổi chiều, buổi sáng Hòa thượng làm việc xã hội. Thầy tôi có mở một
phòng thuốc, Phật tử hay dân chúng bị bệnh tới đây, cần hốt thuốc thang,
thuốc bắc Hòa thượng chẩn mạch hốt thuốc bắc. Ai cần chích thuốc tây, Hòa
thượng theo toa chích thuốc tây giùm. Buổi tối Thầy mở lớp xóa nạn mù chữ
cho dân quê. Ngài dạy bằng phương pháp vần chữ “o”. Thầy cho vẽ con gà gáy
có ba chữ “ò, ó, o” ở trước, nhờ thế quí vị lớn tuổi trong xóm học rất dễ,
chỉ trong vòng ba tuần lễ là đọc được. Đó là sáng kiến của Hòa thượng.
Như vậy buổi
sáng Hòa thượng làm công tác y tế, buổi tối công tác về văn hóa, buổi
chiều dạy kinh cho Tăng Ni. Phần chúng tôi buổi khuya thức dậy công phu từ
lúc bốn giờ. Năm giờ dùng tiểu thực. Sáu giờ tới tám giờ lao động trồng
rau trồng cải. Tám giờ, vô dạy các em nhỏ từ lớp đánh vần a, b, c cho tới
lớp ba. Dạy học tới mười giờ, nghỉ một chút là tới giờ ăn cơm. Buổi chiều
thức dậy hai giờ học giáo lý. Tới bốn giờ học xong, tôi phải điều khiển
hai mươi mấy chú nhỏ lao động, đứa nhổ cỏ chặng này, đứa nhổ cỏ chặng kia.
Đầu hôm chừng khoảng sáu giờ rưỡi, Hòa thượng Viện trưởng lạy một thời
hồng danh sám hối, tôi cũng bắt chước lạy theo. Sau đó tám giờ là thời
công phu Tịnh độ của đại chúng, không thể bỏ được, còn sám hối buổi chiều
tối là thời riêng của Hòa thượng.
Tóm lại chúng
tôi không có thì giờ rảnh rỗi và giờ học lại quá ít. Cho nên khuya lẽ ra
bốn giờ thức dậy công phu, thì tôi đã thức trước từ hai giờ để dò bài. Vì
học nhảy nên tôi dò bài cực hơn quí thầy. Năm đó học Lăng Nghiêm, nhất là
tới đoạn Thất xứ trưng tâm, dò tới đâu tôi khóc tới đó. Tôi thấy có những
điểm thật kỳ đặc, sao lời Phật dạy hay quá mà hồi đó tới giờ mình chưa
từng nghe. Vì vậy xúc động quá, đọc tới đoạn nào ý nghĩa thâm sâu tôi khóc
ngon lành.
Hồi xưa vì
không biết nguồn xúc cảm ấy là từ túc duyên mà ra, nên tôi cứ lấy làm lạ
tại sao mình đọc kinh mà khóc hoài? Mãi tới sau này, khi nghiên cứu tu
Thiền tôi mới hiểu đó là do chủng duyên nhiều đời của mình. Đọc tới đoạn
nào nói về thiền, làm như tôi nhớ tưởng một cái gì quen thuộc của quá khứ
nên cảm thấy buồn, xúc động lạ kỳ. Do đó từ lúc học kinh Lăng Nghiêm cho
tới về sau, tôi dự cảm có một lối đi quen thuộc mà mình chưa tìm được rõ
ràng. Vì vậy đối với kinh Phật tôi rất quí kính, xem như khuôn vàng thước
ngọc, giúp cho mình có một định hướng trong cuộc đời tu đạo. Đây chính là
dấu hiệu báo trước cho nhân duyên tu thiền của tôi về sau này, mà ngày
trước tôi không biết.
Đó là những kỷ
niệm của tôi trong thời mới xuất gia, học chữ Hán, học kinh, và kỷ niệm
xúc động nhất là học kinh Lăng Nghiêm. Còn về cách đối xử, thầy thấy tôi
có chí học nên rất thương. Ở lớp mỗi người phải tự chép kinh để học, Hòa
thượng biết tôi mới vô, đâu có thì giờ học chữ Hán mà viết, nên Ngài lấy
kinh sách sẵn trong tủ cho tôi học. Đó là lý do tôi biết dịch mà không
biết viết chữ Hán. Chữ Hán tôi viết xấu lắm vì ít viết. Tôi cảm nhận được
những ưu đãi mà Hòa thượng đã dành cho mình, khiến một số huynh đệ đồng
thời không bằng lòng, họ hay có những gay cấn nho nhỏ với tôi. Điều đó
cũng hợp lý thôi.
Thêm một điểm
nữa, tôi vô chùa hoàn toàn không có liên hệ với gia đình, chỉ biết ăn cơm
chùa, sống chết với chùa, chớ không có thí chủ riêng. Vì khi tu là trốn đi
mà, nên đâu có dám về nhà xin giúp đỡ. Do đó một cây bút, một bình mực,
một cuốn tập thầy tôi cũng phải cho, nhất nhất việc gì thầy đều lo hết.
Cho nên tình thầy trò không biết kể sao cho hết. Nhờ vậy những năm ở đây
đối với tôi là những năm gầy dựng được tinh thần quyết tâm tiến tu rất
vững mạnh.
Nhờ công ơn
giáo dưỡng của Thầy, từng bước tôi hiểu được giáo lý cao siêu của Phật,
khiến niềm tin đối với Phật pháp ngày càng mãnh liệt. Tôi còn nhớ Hòa
thượng dạy rất kỹ, mỗi bữa học phải dò bài trước. Ví dụ hôm nay học bài
đó, chúng tôi phải đọc và giải nghĩa xong hết, thầy mới giảng sau. Thành
ra không ai dám ỷ lại, nhờ thế chúng tôi nhớ rất kỹ. Đó là lối dạy giúp
học trò tiến rất nhanh.
Sau khi học
giáo lý kha khá, thầy bắt chúng tôi tập giảng. Lần đầu giảng tôi run quá
chừng, vì đúng ngay ngày rằm mà mình mới học có ba năm thôi, nhưng thầy
dạy sao làm vậy, không dám cãi lời. Vì vậy tới năm 1953 về Ấn Quang tôi
vừa học vừa có thể bắt đầu đi giảng nơi này nơi kia. Cho nên mỗi lần nhớ
đến thầy, tôi nhớ đến bổn phận của mình phải làm sao cho nơi này luôn được
tốt đẹp vững chắc.
Trong bốn ân
tức ân cha mẹ, ân Thầy Tổ, ân đàn na thí chủ, ân quốc gia, tôi thấy rất
nặng nề. Với tôi thì ân Thầy Tổ thật là sâu nặng, bởi vì tôi nhờ Thầy Tổ
mà hiểu được đạo lý, nhờ Thầy Tổ mà tiến trên con đường đạo, làm chút ít
lợi lạc cho Phật tử, cho chúng sanh. Tất cả đều nhờ ân của Thầy Tổ hết.
Cũng vì thế mà tôi thấy mình phải xây dựng lại chùa Phật Quang cho được
khang trang tốt đẹp, để phần nào cảm tạ công ơn của Thầy cũng như công ân
của đàn na thí chủ thiết lập ngôi chùa này.
Ngày nay chúng
tôi đã khuyến khích vận động chư Tăng Ni cũng như Phật tử địa phương xây
dựng lại ngôi chùa xưa trang nghiêm mỹ mãn như vầy, tôi rất vui mừng. Làm
được một việc mà lâu nay mình muốn làm nhưng chưa thể làm, trong lòng nó
rất là vui, rất an ổn.
Song khi nói
tới niềm vui đó, chúng tôi cũng không tránh khỏi cái lo. Tại sao phải lo?
Vì lâu nay chư Tổ thường dạy, chúng ta xây dựng chùa chiền, lập cơ sở là
điều khó, nhưng không khó bằng gầy dựng được những vị Tăng Ni có tài có
đức, để gánh vác Phật sự, duy trì ngôi Tam Bảo. Đó mới là điều khó. Vì thế
tôi lo, bởi hiện giờ chùa này có Ban trụ trì, nhưng Nhật Hỷ đi Sài Gòn,
Nhật Đạo cũng rày đây mai đó, không có mặt thường xuyên. Còn Hải Trí ở đây
thì lại bệnh hoạn, rất yếu đuối không biết đủ sức đảm đang ngôi Tam bảo,
gầy dựng được một số ni chúng đông đảo để tu hành không?
Phần tôi tuổi
thọ như mặt trời sắp gác núi, không còn lâu dài nữa. Nếu việc gì cũng lo
hết, chắc tôi không thể lo được. Thế nên thành tựu được ngôi tổ đình này
là trách nhiệm của tôi, còn phần duy trì và mở mang về sau là phần của
những người có trách nhiệm hiện tại. Ban trụ trì phải cố gắng hợp tác với
nhau, làm sao duy trì được ngôi Tam bảo lâu dài, để khỏi cô phụ công ơn
của Thầy Tổ chúng ta, đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai,
sở dĩ ngày xưa chùa Phật Quang được tiếng tốt, lợi ích cho đạo là do có mở
mang dạy dỗ Tăng Ni, đồng thời tạo cơ sở làm từ thiện xã hội. Do đó ngày
nay nếu Ban trụ trì yếu đuối không làm nổi, thì kế đó Ban Trị sự Phật giáo
Tỉnh, Huyện nên hợp tác chung lo. Vì trên thực tế, Ban Trị sự cũng là
những người thân thiết chớ không ai xa lạ, lớn như thầy Thiện Phước Phó
trưởng ban, xem như đã từng học đạo lý với tôi, kế đó thì Đắc Pháp, Đắc
Huyền v.v… là đệ tử, học trò của tôi. Vì vậy tôi nghĩ trách nhiệm này phải
giao lại cho quí vị, hy vọng các thầy cố gắng hợp tác với Ban trụ trì, làm
sao cho chùa Phật Quang sau khi trùng tu lại rồi, mỗi ngày mỗi được lợi
ích cho Tăng Ni cũng như xóm làng, dân chúng địa phương. Không thể cất
ngôi chùa rồi đóng cửa để đó, chờ hai ba mươi năm sau hư mục cất nữa. Đó
là chuyện vô ích, tốn công tốn của đàn na thí chủ không có nghĩa lý gì
hết. Nên phần thứ hai là phần của Ban Trị sự, xin quí vị dòm ngó chung lo
cho những vị ở đây đủ điều kiện phát triển Phật pháp, duy trì ngôi Tam bảo
được lâu bền.
Phần thứ ba là
ban hộ tự. Hồi xưa không có Ban hộ tự, nhưng bây giờ vì Ban trụ trì hơi
yếu nên phải nhờ Ban hộ tự chung sức. Những vị cư sĩ nhiệt tâm, nhất là
Trưởng ban hộ tự hiện giờ, tức cháu của ông bà tư hồi xưa, lúc nào cũng
đem hết tinh thần lo lắng cho chùa. Quí vị hết đời ông tới đời cha, đời
con rồi đời cháu, đều chung lo Phật sự ở đây. Tôi thấy đó là điều rất tốt,
rất đáng tán dương. Làm sao cho ngôi chùa của chúng ta tại đây ngày càng
được tốt đẹp hơn, càng lợi ích cho đạo cho đời nhiều hơn. Như thế mới là
tròn bổn phận của đệ tử, đệ tôn trong tông môn.
Quí vị có
trách nhiệm cố gắng tạo điều kiện cho người dân trong xóm làng chung quanh
chùa hiểu Phật pháp, mỗi nửa tháng giảng giáo lý một lần, hoặc không giảng
được thì cũng mở băng đạo cho họ nghe. Tôi rất buồn khi thấy nhiều chùa,
Phật tử ở chung quanh không hiểu đạo lý gì hết, chỉ biết tới chùa coi ngày
coi giờ, cúng sao cúng hạn, xin xăm bói quẻ v.v… Như vậy ngôi chùa không
làm sáng tỏ được chánh pháp, trái lại còn gieo rắc mê tín dị đoan cho quần
chúng, không lợi ích gì cho đạo, cho đời. Vì vậy tôi mong tất cả các Ban
cùng với Tăng Ni có bổn phận bảo trợ gìn giữ ngôi Tam bảo. Cho nên Ban hộ
tự ở đây vừa nhiệt tình lo cho đạo, vừa phải cố gắng nhắc nhở quí vị có
trách nhiệm truyền bá Phật pháp, đừng để ngôi chùa trở thành nơi vãng cảnh
chơi thôi, còn đạo pháp tối tăm mù mịt thì thật là vô nghĩa.
Đó là trách
nhiệm của ba ban: Ban trụ trì, Ban Trị sự và Ban hộ tự, quí vị chung sức
chung lòng với nhau lo lắng, duy trì gìn giữ, đồng thời mở mang cho ngôi
Phật Quang này ngày càng sáng hơn, đúng với ý nghĩa Phật Quang tức là ánh
sáng của Phật trùm khắp muôn nơi. Đó là phần tâm tình của tôi với Tăng Ni
cũng như Phật tử tại đây.
Kế đến tôi nói
về Tứ ân. Một là ân cha mẹ, vì có cha mẹ mới có thân ta. Chúng ta tu được,
tạo duyên cho cha mẹ biết qui y Tam bảo, đó là đền ân cha mẹ. Ta tu không
được thì không thể đền ân cha mẹ. Vì vậy thương cha mẹ, quí kính cha mẹ
chừng nào chúng ta ráng tu chừng ấy. Làm sao nhờ đức của mình mà cha mẹ
mất đi, sanh ra gặp Phật pháp, đời sau tu hành. Tôi nhớ trong sử có câu
chuyện kể về một vị tu sĩ, vì đọc lâu tôi không nhớ tên, chỉ nhớ đại khái
thế này:
Vị ấy lúc đầu
mới xuất gia, tu hành rất tinh tấn, khiến mọi người đều quí trọng. Bà mẫu
của vị đó mất đọa vào đường xấu nhưng không bị tra tấn gì hết. Họ nói rằng
bà có đứa con tu hành tinh tấn quá, nên không dám động tới mẹ vị tăng kia.
Nhưng thời gian sau, không biết vì duyên cớ gì ông thối Bồ-đề tâm, tu yếu
ớt. Bấy giờ sống trong cảnh khổ, người mẹ bị tra tấn quá chừng. Chịu hết
nổi bà mới xin “cho tôi về nhắc con tôi một chút”. Khi đó người giữ ngục
cũng khoan dung cho bà đi.
Bà về báo mộng
với con rằng: “Mấy năm trước nhờ con tinh tấn tu hành, nên mẹ tuy đọa địa
ngục nhưng không ai hành phạt. Bây giờ con tu hành bê bối quá, vì vậy
người ta hành phạt mẹ đau khổ vô cùng. Nói rồi bà khóc và bỏ đi. Khi đó vị
tăng giật mình thức dậy, kiểm lại thấy quả nhiên mình đang thối tâm. Từ đó
nghĩ muốn cứu mẹ, nên vị tăng cố gắng tu hành tinh tấn như xưa. Nhờ thế bà
mẹ cũng được an ổn, không bị tra tấn nữa.
Tôi kể lại câu
chuyện này để nhắc nhở quí vị cố gắng tu hầu mong đền ân cha mẹ. Không
phải ở chùa lâu năm, được thăng chức từ Sa-di lên Tỳ-kheo, rồi Đại đức,
Thượng tọa, Hòa thượng mà không tu, dù cho chức gì đi nữa cũng không cứu
được cha mẹ đâu. Chúng ta muốn đền ân cha mẹ phải cố gắng tu, làm sao đời
này mình giải thoát được những khổ đau của bản thân, đồng thời trợ lực cho
cha mẹ khỏi phải khổ đau nơi này nơi nọ.
Thứ hai là ân
Thầy Tổ. Như tôi đã kể ở trên, nếu không có Thầy Tổ, thì ai mở con mắt trí
tuệ cho mình? Cha mẹ sanh thân chúng ta chỉ có một đời, còn Thầy Tổ sanh
giới thân huệ mạng cho chúng ta đời đời. Tu hành được giác ngộ giải thoát,
vĩnh viễn vượt ra ba cõi, chấm dứt khổ đau muôn kiếp, đều nhờ ân Phật tổ
hay Thầy Tổ. Cho nên công ân này không thể tính kể, ngôn ngữ lời lẽ chẳng
thể nói hết được. Chỉ có tu hành đạt được kết quả viên mãn, sau đó cứu
giúp chúng sanh cùng thoát khổ trầm luân mới mong đền đáp được thâm ân vô
lượng này.
Thứ ba là ân
đàn na thí chủ. Nhờ có đàn tín ủng hộ, giúp đỡ tài vật, tạo điều kiện cho
Tăng Ni yên tâm tu hành, chúng ta mới chuyên tâm tiến đạo. Chúng ta tu
được mới có thể làm lợi ích chúng sanh, đền ân đàn na thí chủ. Nếu tu
không được thì hư hết một đời, cuối cùng ta phải chuốt quả khổ vì mang
nặng ân đàn na tín thí mà không đền trả được.
Trong luật
Sa-di có câu chuyện về một Tỳ-kheo thọ nhận của ông Trưởng giả rất nhiều,
tu hành cũng có đức hạnh nhưng không thông suốt lý đạo. Sau khi chết, vị
này biến thành cây, mọc nấm cho Trưởng giả ăn suốt đời. Khi Trưởng giả
chết, cây mới hết ra nấm. Đó là cách đền ân thí chủ bằng hoa báo, tức mọc
nấm trên cây để trả lại công của thí chủ. Cho nên đâu phải chúng ta được
đàn na thí chủ thương giúp nhiều là có phước!
Phật tử cúng
dường cho chúng ta đều nghĩ gieo duyên với mình, để sau được hóa độ, chớ
không phải cúng dường cho chúng ta xài tùy ý. Nếu mình tu hành không có
đức hạnh, tiền bạc của cải ấy phải trả, chớ không thể nào không trả. Tôi
thường nói người tu trả ân đàn na thí chủ bằng hai cách: Một là nếu có đạo
đức, ngay trong đời này chúng ta giáo hóa chỉ dạy cho Phật tử hiểu đạo.
Nhờ hiểu đạo, họ tiến tu, đó là ta làm thầy để đền ân thí chủ. Hai là nếu
nhận của thí chủ rồi ăn xài phung phí, không chịu tu hành, nhất định sau
khi nhắm mắt sẽ làm trâu cày, ngựa cỡi hoặc nhẹ là hoa báo như câu chuyện
ở trên, trả suốt đời chớ không được rảnh rang đâu.
Tôi thường
nói, tôi nợ thí chủ ngập đầu. Bởi vì ai cũng muốn gieo duyên với tôi, nên
giúp tôi làm được nhiều Phật sự. Tôi không dám hãnh diện mình có phước, mà
tôi thấy chính mình thiếu nợ nhiều nhất với đàn na thí chủ. Vì vậy ngoài
bổn phận tôi phải cố gắng tu, tôi còn khuyên Tăng Ni hàng đệ tử cũng cố
gắng tu, để thầy trò hợp sức nhau trả nợ cho đàn na thí chủ. Chúng ta tu
được, đem công đức ấy giáo hóa cho mọi người được an vui bớt khổ trong đời
này và những đời về sau. Đó là chúng ta chọn cách trả nợ thứ nhất. Nên nhớ
chỉ là trả nợ thôi, chớ đừng hãnh diện mình làm thầy thiên hạ.
Tôi thường ví
dụ như ở thế gian, nếu có một giáo chức mượn nợ mà không có tiền trả. Chủ
nợ có mấy đứa con đi học, biết vị ấy không có tiền trả nên nhờ về dạy kèm
con họ. Đó là lấy công để trả nợ, trả bằng cách làm thầy của con họ. Chúng
ta cũng thế, trả nợ nhưng mà trả bằng cách làm thầy. Nếu người dốt nát
không học hành gì, mượn nợ không có tiền trả thì phải đi làm thuê làm mướn
để trả nợ, chớ đâu thể mượn mà không trả được.
Rõ ràng ở thế
gian cũng như trong đạo, chúng ta không thể tự hào rằng tôi được Phật tử
cúng nhiều là có phước, rồi tha hồ ăn xài tự do. Nếu vậy e rằng mai kia
không biết mấy trăm lần phải trở đi, trở lại để đền trả nợ trước. Vì vậy
tôi nhắc cho tất cả Tăng Ni hiểu hai chữ cúng dường Tam bảo để gieo duyên
là nói nghe cho đẹp. Chớ nói thẳng ra là Phật tử cho Tăng Ni vay nợï.
Chúng ta nghe cúng dường thấy cao quí, chớ không ngờ là nhận nợ, mà nhận
nợ thì phải trả nợ.
Bởi vậy tôi
thấm nhất là ngày xưa đức Phật bắt Tăng Ni phải đi khất thực. Đi khất thực
để làm gì? Làm kẻ ăn mày tới xin người ta. Phật tử cho mình gọi là gieo
duyên, tức cho vay nợ. Họ cho vay bằng cơm thì ta trả lại bằng pháp. Trả
ngay tức thì, không để thiếu nợ. Đức Phật quả thật quá hay!
Phật tử trao
tài vật cho tôi là trao nợ, nợ lớn hoặc nợ nhỏ. Nếu nợ lớn thì tôi phải
trả nhiều trả lâu, nợ nhỏ thì tôi trả ít trả mau. Cho nên tới tuổi này mà
tôi vẫn còn giảng. Bởi vì trao đổi hai chiều mà, Phật tử trao cho tôi cái
này, tôi phải trao lại cái khác. Chẳng lẽ tôi để nợ cho tới chết mang
theo? Cho nên luôn luôn phải giảng, phải dạy cho Phật tử hiểu đạo, tu hành
được an vui. Đó là bổn phận, là trách nhiệm tôi phải trả.
Tăng Ni chúng
ta ý thức được việc làm, bổn phận của mình thì không bao giờ có thể thờ ơ,
lãnh đạm với tinh thần mộ đạo kính tăng của Phật tử. Phật tử vì muốn gieo
duyên với Tam bảo, muốn tiến lên trên con đường đạo đức mà chưa đủ điều
kiện, nên gieo duyên với chúng ta. Nói cách khác như họ muốn có tiền để
dành, nhưng sợ xài hết nên bây giờ đem gởi ngân hàng. Gởi ngân hàng mỗi
tháng chút chút, lâu ngày dồn lại cất được cái nhà. Cho nên gởi ngân hàng
không có nghĩa là đem tiền bỏ, mà còn tính có lời nữa.
Cũng vậy, Phật
tử muốn tu, muốn tiến trên đường đạo đức mà bây giờ chưa tiến được, nên
làm có chút ít gởi thầy. Thầy thiếu nợ mình, mai mốt có đủ điều kiện thầy
độ mình tu. Đó là lý do Phật tử vì muốn tu, vì muốn tiến trên đường đạo
nên mới cúng dường Tăng Ni. Ý nghĩa ân đàn na thí chủ là như vậy.
Thứ tư là ân
quốc gia hay ân chánh quyền. Nhờ có những vị này giữ gìn đất nước thanh
bình, chúng ta mới được an ổn tu hành, an ổn hoằng pháp lợi sanh. Đây là
ân rất lớn, trong nhà Phật còn gọi là ân hộ pháp. Nếu không có những vị
này đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh, giữ gìn xứ sở thì chúng ta
đâu có yên mà tu. Vì vậy ân quốc gia hay ân chính quyền đối với chúng ta
rất nặng. Do đó chúng ta ráng tu cho có đức hạnh. Nhờ công đức này mình
mới khuyên dạy những người Phật tử chung quanh, bảo họ tránh điều ác làm
điều lành, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh. Đó là cách đền ân
chánh quyền của người tu chúng ta. Nếu không tu, bản thân chúng ta không
có đạo đức, nhiều khi bịa ra những chuyện huyền bí, mê tín dị đoan làm hại
dân phiền lụy cho chính quyền nữa. Vì vậy tu đúng với chánh pháp là nhu
cầu không thể thiếu được đối với hàng tăng sĩ chúng ta.
Đức Phật đã
dạy chúng ta về tứ ân hết sức đầy đủ. Bổn phận của một người tu đối với ân
Phật Tổ hay ân Thầy Tổ, là truyền đăng tục diệm, duy trì ngôi Tam bảo. Đối
với cha mẹ thì cố gắng tu cho có đức có hạnh để cha mẹ nương nhờ đức hạnh
ấy được sớm sanh về cõi lành. Hoặc gặp duyên cha mẹ còn sống, chúng ta độ
cha mẹ qui y Tam bảo, tiến tu trên con đường đạo đức. Đối với đàn na thí
chủ, vay nợ thì gắng trả nợ. Vay bao nhiêu trả bấy nhiêu, trả trội hơn
càng tốt, đừng để thiếu nợ. Danh từ lợi tha cũng là nói cho đẹp, chớ thật
ra lợi tha là trả nợ đàn na. Chúng ta nỗ lực tu hành độ mình độ người, đó
là bổn phận của hàng tu sĩ xuất gia nghĩ đến ân đàn na thí chủ. Đối với
quốc gia hay chánh quyền, chúng ta tu hành tốt và giúp mọi người dân cũng
có nếp sống đạo đức lành mạnh, khuyên Phật tử giữ gìn năm giới, để xã hội
có cuộc sống văn minh tốt đẹp, đất nước giàu có thanh bình. Đó là cách đền
ân quốc gia của người tu sĩ chúng ta.
Tôi nhắc lại
một lần nữa, vì tuổi của tôi như mặt trời sắp gác núi, nên tôi không thể
làm gì xa hơn, lâu hơn đượïc nữa. Hôm nay tôi cố gắng vận động Tăng Ni,
Phật tử chung sức xây lại ngôi chùa Phật Quang này. Bổn phận tôi đã xong,
tôi có thể yên lòng đối với Thầy Tổ được rồi, nhưng công việc duy trì, mở
mang là phần của quí vị. Không phải chỉ riêng ngôi chùa Phật Quang thôi,
bất cứ một ngôi chùa nào trong làng, trong xã, trong huyện đều là những
nơi để Phật tử có cơ hội hiểu đạo lý, sống theo nếp sống đạo, trở thành
những con người tốt đẹp có lợi ích cho gia đình, cho xã hội. Như vậy chùa
nào cũng cần sự gìn giữ như tôi đã nói. Có thế mới xứng đáng là một ngôi
chùa trong tâm tư của Phật tử Việt Nam. Chớ chùa mà không làm được những
việc đó thì không gọi là chùa.
Vậy tôi mong
những vị có trách nhiệm ý thức được bổn phận, trọng trách của mình đối với
ngôi Tam bảo. Quí vị cố gắng đem hết khả năng của mình làm tròn bổn phận,
cho tôi được yên lòng thấy rằng việc làm của mình không phải vô ích, để
chúng ta không hổ thẹn là người con của Phật pháp.
Đó là chỗ mong
mỏi tha thiết của tôi. |