BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN 1

Trước khi giảng bài kinh Bát Nhã Tâm Kinh, chúng tôi lược nói về sự phiên dịch và tầm quan trọng của nó. Bài kinh này được ngài Huyền Trang đời Đường dịch từ chữ Phạn ra Hán văn vào năm 649 Tây Lịch. Toàn bài vỏn vẹn chỉ có 260 chữ.

Trong mọi thời khóa tụng của Thiền môn đều có tụng bài kinh này. Thế là các Tổ thuở xưa đã thấy được tầm quan trọng của nó, dù quý vị theo pháp môn Tịnh Độ hoặc Mật Tông hay Thiền Tông đều phải tụng kinh này. Bởi vì chỗ giác ngộ của đức Phật là "biết tất cả mà không chấp", nên đến nơi viên mãn. Bất cứ pháp môn nào của Phật dạy, tuy phương tiện có khác, song chỗ cứu cánh giác ngộ thì không hai, đều lấy "không chấp trước" làm căn bản. Bởi trí Bát Nhã dẹp tan mọi cố chấp, là thanh kiếm bén của người chiến sĩ tiền phong, xông vào trận chiến đấu với ma quân, không lúc nào tay rời thanh kiếm ấy.

Thế mà, có lắm người con Phật hằng đêm trì tụng kinh Bát Nhã, chưa biết kinh Bát Nhã nói cái gì? Cũng không biết áp dụng tu thế nào? Chỉ biết tụng cho có phước. Bởi có nhiều vị Tăng, Ni bảo rằng: "Học Bát Nhã sợ họ chấp không", vì thế không dám giảng dạy. Ấy là chúng ta đã phản bội Phật, Tổ rồi. Nếu học Bát Nhã mà chấp không thì đâu phải học Bát Nhã. Vì Bát Nhã là phá chấp, nếu còn chấp thì phi Bát Nhã.

Đến đây bước vào đề kinh:

Đề kinh tên: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Nếu giảng một cách đơn lược thì: Ma Ha có nghĩa là lớn; Bát Nhã là trí tuệ; Ba La Mật Đa là đến bờ kia hay cứu cánh, cũng có nghĩa là cùng tột, tức là trí tuệ rộng lớn cùng tột. Trí tuệ rộng lớn cùng tột đó gọi là Tâm.

Chữ Tâm Kinh là tiếng Trung Hoa, mà Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tiếng Phạn. Như vậy trí huệ rộng lớn cùng tột đó gọi là Tâm. Thế kinh này nói về Tâm nên gọi là Tâm kinh.

Có nhà giảng chữ Tâm kinh là: Kinh này là trọng tâm của toàn bộ Bát Nhã 600 quyển. Theo chỗ hiểu của tôi thì khác, chữ Tâm kinh là kinh nói về tâm, vì chữ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tên khác của tâm.

Như vậy, chúng ta học kinh này là để thấy tâm của mình. Nếu học kinh này chúng ta trực nhận được chơn tâm của mình, tức là mở cửa Bát Nhã để chúng ta thấy ông chủ thực sự của mình. Nếu chưa thấy được ông chủ thì phải chịu khó huân tu rồi cũng sẽ thấy.

Giờ chúng ta bắt đầu đi vào chánh văn: Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách".

Vừa mở đầu bài kinh, đức Phật nói với đại chúng: "Có một vị Bồ tát tên là Quán Tự Tại khi ngài thực hành sâu về trí huệ Bát nhã, ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua tất cả khổ nạn". Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành sâu vào trí huệ Bát nhã, tức là dùng trí huệ soi xét phân tách rành rẽ thân năm uẩn này để thấy nó không có thật. Khi thấy nó không thật rồi, từ đó về sau ngài đều vượt qua được tất cả những khổ nạn. Muốn hiễu rõ hơn chúng ta cũng cần xét qua năm uẩn. Đây là học danh từ, nhưng danh từ mà không phải danh từ. Chúng ta phải biết qua hành trạng của nó, mới có thể đi sâu vào trí huệ Bát nhã. Khi Lăng nghiêm nói: "Đánh giặc trước phải biết giặc trú ẩn nơi nào, mới dẹp được nó". Bây giờ muốn soi năm uẩn là không thì phải biết năm uẩn là cái gì? Nếu chưa biết nó là cái gì thì làm sao soi rọi được. Nên chúng ta cần phải biết rõ nó. Vậy năm uẩn là: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

1. Sắc (Sắc uẩn):

Nói theo danh từ dễ hiểu là cái thân bằng xác thịt của mình. Thân bằng xác thịt gọi là sắc uẩn. Thân xác thịt này lâu nay chúng ta quan niệm sai lầm nó là đẹp, quý, tốt, sống lâu... Tưởng thân này tốt đẹp, sống lâu, đó là kẻ phàm phu ngu si quan niệm sai lầm về thân mình. Bây giờ chúng ta dùng trí huệ soi thấu thì nó không phải như vậy, thân này nguyên là do bốn đại: Đất, Nước, Gió và Lửa hợp lại mà thành.

a.- Đất: Tóc, lông, móng, da, thịt, gân, xương... các chất cứng thuộc về đất.

b.- Nước: Mồ hôi, máu mủ, nước miếng, đàm giải... những chất lỏng đó là nước.

c.- Gió: Hơi thở vô ra cho tim đập, phổi nở v.v... thân thể cử động là gió.

d.- Lửa: Nhiệt độ (hơi nóng) điều hòa ấm lạnh trong người là lửa.

Như vậy, thân ta do sự kết hợp của bốn thứ đất, nước, gió, lửa mà thành, chứ không phải của mình, là sự giả hợp của bốn đại, nguyên thể của nó đều giả hợp. Cho đến sự hiện hữu mà ta đang sống, cũng chỉ là một sự sống bằng vay mượn.

Khi chúng ta uống nước vô là bồi bổ cho nước, nếu chúng ta không uống, vì nước bị loại ra ngoài khô đi, nên nói mình khát nước. Nhưng cái gì là khát? Cũng như cái máy chạy khô dầu thì phải chế dầu vô vậy thôi. Thân tứ đại giả hợp này thiếu nước thì châm vô chút nước, nhưng khi châm nước người ta lại cầu kỳ lựa chọn nước này, nước kia. Sự thật hể khô dầu, khô nước thì chỉ thêm dầu, nước là đủ. Thế mà không chịu vậy. Người ta phải chế thứ nước nào có vẻ ngon, quí một chút, nên phải tìm nước này nước nọ v.v... Có như vậy vì người ta quan niệm uống vô là mình uống, thật ra không có cái gì là mình. Chỉ vì nước bị loại ra nên thiếu, mình uống vô là thêm cho đủ nước lại mà thôi.

Khi ăn cũng vậy, chúng ta đem chất đất vào trong mình để bồi bổ lại chỗ thiếu. Bởi vì mỗi ngày dồn vô, những chất tinh ba thấm vô máu, các tế bào; những tế bào cũ, những phần xác bị tống ra ngoài nên chỗ chứa cơm gạo bị thiếu, nên phải dồn những thứ khác vào. Như vậy tức là mình cần cái gì dồn cho nó đầy, khỏi thiếu và đừng có hại mà thôi. Đằng này mình dồn đủ thứ mùi vị, nên bị lệ thuộc vào mùi vị. Thực ra làm thế nào cho bộ máy chạy đều là đủ, dù cho mình có ăn cao lương mỹ vị đi nữa cũng là để sống; người ăn gạo hẫm với muối cũng sống. Tưởng đâu mình ăn thức ngon thì thành Tiên, thành Phật nên phải rán tìm, thế mà người không hiểu cố chạy tìm món ngon ngọt. Có người suốt ngày làm lụng vất vả để dành tiền mua một món ăn ngon nuốt qua khỏi cổ rồi cũng chẳng ra gì. Đó là họ dùng lầm lẫn vậy. Như cái máy hết xăng, đổ xăng vô nó chạy, không cần phải là thứ xăng có mùi thơm gì hết. Mình cũng vậy, hễ có cơm gạo vô là nó chạy, không có thì ngưng trệ.

Cho nên trong kinh Phật dạy: "Ăn cũng là một món thuốc". Thuốc để trị bịnh, ăn cũng là lối trị bịnh, vì thiếu nên phải nuốt vô cho đầy. Hiểu được như vậy mới thấy đạo lý là thật, là vui. Như vậy sự ăn uống cốt bồi bổ cho xác thịt, cho tứ đại, nghĩa là uống bồi cho nước, ăn bồi cho đất, cho lửa, hít thở khì khịt cả ngày là bồi cho gió.

Chúng ta thấy chỉ vì thân này mà lăng xăng, lộn xộn suốt ngày. Hết vô rồi cho ra, thiếu không được, dư không xong, vô ra cả ngày thật không nghĩa lý gì! Suốt ngày chỉ sống với cái giả dối vay mượn gọi đó là sống. Người không tỉnh, đời sống của họ chỉ là việc đem bốn đại vô, rồi đem bốn đại ra làm như vậy suốt ngày mà vẫn cho đó là hạnh phúc. Việc đem vô cho ra trải ngày này sang ngày khác, sống sao đủ tiện nghi cho hai việc đó thì gọi là sung sướng, hạnh phúc... Rốt cuộc thân người thật là tạm bợ giả dối mà người không hiểu, nên cuộc sống không có giá trị gì hết. Việc đem vô cho ra một ngày kia bắt buộc phải đình chỉ và thân này phải tan rã. Thân đã rã thì lúc đó coi như hết! Nên Phật nói: "Lâu nay mình thấy thiệt nó là của mình, giờ thấy rõ không phải là của mình". Một cái tạm bợ mà tưởng là của mình, lo bồi đắp cho nó, tổn hao bao nhiêu sức lực, gây tạo bao nhiêu nghiệp chướng... Bây giờ tỉnh giác được, dùng trí huệ soi thấy thân này không thật chỉ là do đất, nước,gió. lửa hợp lại. Hợp lại từ buổi đầu tới nay cũng vẫn hợp lại, thiếu một là chết là tan rã.

Khi đã thấy sắc uẩn này không thiệt, không phải là của mình, đó là mình đã giác. Biết được thân xác này do đất nước gió lửa hợp lại, dùng theo danh từ nhà Phật gọi là nhân duyên. Như vậy do bốn đại làm nhân duyên với nhau nên có thân này. Khi nó hòa hợp lại cũng phải nhờ bồi bổ luôn luôn mới còn, còn trong nhân duyên, hết duyên thì nó tan rã. Chúng ta quán thấy thể xác chúng ta là do bốn đại hợp thành thì biết được nguyên nó là không, do duyên hợp mới có. Chính khi có đất, nước, gió, lửa này chúng ta đã biết nó là không thiệt, cái biết nó không thiệt, tánh nó là không thì cái biết đó là trí huệ Bát Nhã. Biết sắc uẩn là không, soi được sắc uẩn là không thì qua được các khổ nạn của sắc uẩn. Đã thấy sắc uẩn là không, giờ đây chúng ta tuần tự soi đến thọ uẩn.

2. Thọ (thọ uẩn):

Thọ uẩn là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp) sanh ra sự nhận chịu, hoặc khổ vui, hoặc không khổ vui. Sự nhận chịu khổ vui đó gọi là thọ. Ví như lỗ tai khi nghe người ta chửi, lỗ tai là nhĩ căn, tiếng chửi là thinh trần. Khi căn và trần xúc chạm nhau mình khởi nhận (thọ) rằng đây là tiếng chửi, lúc đó mình buồn phiền. Như sự nhận ra tiếng chửi ấy, khi người ta chưa chửi mình thì nó đâu có. Bởi thinh trần ở ngoài va chạm vào nhĩ căn, nên mới nhận ra tiếng chửi, rồi sanh ra buồn phiền... Vậy thì sự nhận ra tiếng chửi nguyên nó là không, duyên hợp mới có. Như lỗ tai bị điếc, không nghe người chửi thì đâu có buồn. Thế là tiếng không phải làm cho mình buồn, tại chạm vào lỗ tai nhận ra tiếng chửi nên mới buồn. Cho nên có trần mà không có căn thì không có thọ, tự lỗ tai đâu có vui buồn. Tóm lại đủ nhân duyên, trong có căn ngoài có trần tiếp xúc nhau mới có thọ. Thọ nguyên nó là không, có là do duyên hợp như huyễn có. Nhưng mình không thấy như huyễn, nên nghe tiếng chửi cho là thiệt bèn nổi giận đùng đùng, muốn làm hung dữ cho đã giận... Đó là lầm vì giả mà tưởng thiệt, cho nên Phật nói là ngu si. Như thế, quán thọ khổ vui nơi mũi, lưỡi, thân, ý đều không thiệt, nguyên nó là không, duyên hợp có như huyễn. Vậy tại sao mình lại lệ thuộc nó? Người hiểu được như thế, quán như vậy là quán thọ uẩn không. Khi chúng ta thấy thọ uẩn không, thì chê cũng không quan trọng, khen cũng không tự hào... Người quán được như vậy liền qua các khổ nạn, không bị lệ thuộc vào ngôn ngữ, âm thanh.

3. Tưởng (Tưởng uẩn):

Tức là tâm tưởng của chúng ta, khi chúng ta ngồi lại ở chỗ vắng vẻ, chợt nhớ lại một danh từ hay một hình ảnh gì liền khởi tưởng ra tướng trạng. Như chúng ta đang ngồi đây (Vũng Tàu) chợt nhớ lại Saigon, vừa nhớ tới liền tưởng ra hình ảnh chợ búa... Hoặc ngồi đây nghe nói bên Nhật Bổn cảnh rất đẹp, liền khởi tưởng cảnh ấy thế này thế nọ. Cảnh đó mình chưa thấy, chỉ nghe thôi, mơ tưởng ra thì tưởng ấy đâu có thật. Bởi bên trong có ý, bên ngoài có xúc trần, thinh trần hợp lại mới sanh tưởng. Chưa biết cảnh bên Nhật ra sao, nhưng nghe người ta nói (thinh trần) rồi tưởng tượng ra cảnh ấy. Tưởng tượng bằng cách lấy Vũng Tàu làm tiêu chuẩn rồi phóng đại ra. Đó là mình nương nơi tướng (Vũng Tàu) mà tưởng tượng ra cái mình chưa biết (Nhật). Như vậy sự tưởng tượng đó đâu phải thật. Trước khi nghe nói cảnh ở bên Nhật, mình không thể tưởng ra cảnh bên Nhật, chỉ sau khi nghe mới tưởng tượng ra được. Như vậy, hoặc là tai nghe hay mắt thấy mới khởi ra tưởng. Tai nghe mắt thấy thì đã có thinh trần và nhĩ căn, hoặc sắc trần với nhãn căn, từng cặp tiếp xúc nhau mới sanh ra tưởng. Thành thử, tưởng vốn là không, duyên khởi huyễn có. Hiểu được như vậy là quán tưởng uẩn thể tánh không, duyên khởi có như huyễn.

4. Hành (Hành uẩn):

Tức là sự suy nghĩ của chúng ta. Khi vừa nghĩ điều này liền nghĩ tiếp sang điều khác, liên tục khôngngừng. Trong kinh thường mô tả Hành là "niệm niệm sanh diệt". Niệm niệm sanh diệt là cái này khởi nghĩ thì cái kia diệt, tiếp tục sanh diệt khôngngừng. Cái này diệt cái kia sanh gọi là dòng suy tư hay nghĩ tưởng, dòng suy tư nghĩ tưởng đó gọi là hành, mà hành uẩn nguyên nó không thật. Theo kinh điển Tiểu thừa nói nó không thật như thế này: "Hành uẩn niệm niệm sanh diệt". Như khi chúng ta nghĩ về Saigon thì đó là niệm đầu, để rồi kéo theo một chuỗi nữa là đi đâu, mua gì, làm gì... Nghĩa là nghĩ việc này rồi tới việc kia, nghĩ tới việc mới thì việc cũ mất, nghĩ tới hai thì một mất, nghĩ tới ba thì hai mất, cứ thế liên tục sanh diệt. Đã liên tục sanh diệt thì đâu có mất thiệt, nên nói rằng hành uẩn niệm niệm sanh diệt, cho nên nó không thật. Chỗ này hay thí dụ như một cây chuối lột ra từng bẹ, lột mãi cho đến hết, tìm lại cây chuối thì không còn. Lúc đầu tưởng cây chuối là thật, nhưng cây chuối là do nhiều bẹ góp lại. Cũng vậy một dòng suy nghĩ, từng niệm sanh diệt khi đó tưởng sự suy nghĩ là thiệt, song niệm này diệt, niệm kia sanh không có niệm nào thật. Niệm niệm nối tiếp sanh diệt không thật, đó là nói theo lối Tiểu thừa.

Mặt khác để thấy hành uẩn là không, theo tinh thần Bát Nhã nói khác hơn. Theo Bát Nhã, khi chúng ta nghĩ đi Saigon, vừa suy nghĩ đi Saigon thì hỏi tại sao ta biết Saigon? Đó là do trước kia ta đã thấy Saigon hoặc nghe người khác nói. Thế cũng là tai nghe mắt thấy. Như vậy có cảnh Saigon là sắc trần, mắt nhìn thấy là nhãn căn, giờ suy tính về Saigon thì cảnh Saigon hiện. Do đó nếu hành uẩn không có mắt thấy tai nghe thì nó không có. Bởi có mắt thấy tai nghe nên khởi nghĩ, khởi tính... Cho nên hành uẩn nguyên thể là không, duyên hợp huyễn có.

Qua hai lối giảng trên, ta thấy lối giảng Tiểu thừa dễ hiểu hơn. Vì niệm niệm sanh diệt căn cứ trên hình thức, hình thức này diệt thì hình thức khác sanh. Căn cứ trên hình thức còn mất mà nói nó không thật. Lối giảng Bát Nhả thì ngay khi nó khởi lăng xăng, mình chỉ biết nguyên thể nó là không, nhân duyên hợp huyễn có.Tiểu thừa căn cứ trên tướng, mà hình thức thì theo thời gian. Việc này sanh, việc khác diệt, có trước có sau, căn cứ theo thời gian phân định cái giả của nó, cho nên nói vô thường. Vô thường tức thời gian. Lý Bát Nhã thì không thế, mà căn cứ trên không gian tức là ngay sự kết hợp biết hình thức là giả. Trên hình thức kết hợp có một tướng trạng, choán một khoản không gian, biết ngay tướng trạng đó thể nó vốn không. Chớ không đợi nó diệt rồi mới nói là không. Niệm hiện khởi mình biết thể nó là không, duyên khởi huyển có, không đợi niệm diệt mới nói là không.

Vậy thì qua hai lối giảng trên, chúng ta thấy rõ rằng một lối căn cứ trên thời gian là hình thức. Một lối căn cứ trên không gian là thể tánh. Đại thừa nhìn thẳng vào thể tánh. Như cái nhà nếu theo lý của Tiểu thừa là vô thường, cho nên phải hư hoại, một ngày nào đó trở thành không, như vậy nói vô thường là căn cứ trên cái nhà ngày nay mới, ngày mai cũ và hư hoại. Tức căn cứ vào thời gian để phán định cái không của ngôi nhà. Trên tinh thần Bát Nhã Đại thừa, cái nhà hiện có ta không nói nó là vô thường, mà nói ngay cái nhà này là không. Vì nguyên thể là không, do cây, đá, xi măng... xây lại mà thành, choán một khoản hư không, lúc đó gọi là cái nhà. Sự thật chẳng có gì là cái nhà, chỉ là một khoản hư không với một mớ vật liệu xây nên cái nhà. Thể của cái nhà không có, do duyên hợp tạm có một hình thức, ngay nơi nhân duyên giả hợp này biết thể nó là không, đó là tinh thần Đại thừa. Lời giải ấy thật là tế nhị, hiểu được rồi mới biết được chỗ khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa.

Khi hiểu được lý không của Đại thừa, thì ngay nơi sự vật sờ sờ đó mà nói nó là không. Vì vậy trong kinh Đại thừa thường nói lý không, không mà không phá hoại cái đó. Nghĩa là nói không nhưng không đợi hoại rồi mới nói không, cũng không đợi cái nhà tan nát rồi nói cái nhà này là không, mà ngay khi mới dựng còn sờ sờ đó mà nói là không.

Tiểu thừa thì khác, đợi hoại rồi mới nói là không. Vì căn cứ trên hình thức. Hình thức từ cái có, nó biến lần cho tới tan nát. Ở đây lý Đại thừa thì ngay nơi hình thức thấy được thể tánh, thể tánh nó là không, duyên hợp huyễn có thành ra cái hợp là duyên biến. Đại thừa nói huyễn, Tiểu thừa nói vô thường, nói vô thường thì người ta dễ nhận vì thuộc về hình thức biến hoại, nhưng khi nói huyễn là không thì khó hiểu hơn, tuy thế hiểu được chỗ này, chúng ta mới thấy cái sâu của Đại thừa. Ngay nơi có biết là không, thì mới hay. Ngay nơi suy nghĩ của mình - hành uẩn - biết đó là nhân duyên hợp cho nên nó là không, có suy nghĩ chỉ là huyễn. Đó là quán được hành uẩn là không.

5. Thức (Thức uẩn):

Thức uẩn này được Duy Thức học phân tách quá rõ ràng. Thức là phân biệt, sự phân biệt của mình. Ở con mắt thấy hình tướng vuông tròn hoặc màu sắc: đen, vàng, trắng, đỏ..., sự phân biệt của con mắt gọi là nhãn thức. Lỗ tai nghe tiếng sanh phân biệt tiếng trong, tiếng đục...đó là cái biết của lỗ tai gọi là nhĩ thức... Tóm lại những sự phân biệt của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gợi là thức. Ở phần thức uẩn này nếu chúng hiểu được Thọ uẩn, thì thức và thọ cùng tương tự nhau.

Thọ uẩn đã không thật có thì thức uẩn cũng không thật có, vì do căn tiếp xúc với trần khởi ra phân biệt, như vậy thức uẩn nguyên thể là không, duyên hợp huyễn có.

Đến đây chúng ta đã đi qua hết năm uẩn, chúng ta đều soi thấy thể nó là không, tức biết rõ năm uẩn do nhân duyên hợp nên tạm có như huyễn mà thể tánh là không. Chúng ta chiếu soi luôn luôn như vậy gọi là dùng trí huệ Bát Nhã quán chiếu.

Trí huệ Bát nhã đó, nếu chúng ta chịu ra công chiếu soi năm này tháng nọ huân cho thuần thục, nhắm mắt mở mắt, mỗi mỗi hành động, ngôn ngữ đều thấy rõ ràng năm uẩn là như huyễn, gọi đó là hành thâm. Khi thấy thân này là huyễn thì ách nạn nào cũng qua hết và lúc đó mình tương đương với Bồ tát Quán Tự Tại.

Nhưng ngày nay chúng ta nghe nói ngài đi sâu vào trí huệ Bát Nhã thấy năm uẩn không liền qua hết khổ nạn... thấy khó tin. Tại sao thân mình như vầy mà thấy là không, rồi qua hết khổ nạn. Muốn tin được điều này chúng ta không phải lý thuyết dông dài, phải chịu khó hành thâm như ngài. Đến khi chúng ta đã thấy rõ năm uẩn là không, bảo đảm chắc chắn chúng ta qua hết khổ nạn. Điều đó nhất định như vậy. Nếu chưa thấy được năm uẩn không thì khổ nạn vẫn là khổ nạn không qua được.

Chỗ này chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, tất cả khổ nạn đến với chúng ta đều do ta thấy thân này thật, tâm này thật cho nên người ta nói nặng một chút thì buồn, cái buồn đó là khổ. Nhưng cũng từ tiếng nói đó, chúng ta biết thọ uẩn là không thật, mặc họ nói gì mình cũng không buồn, không buồn là không khổ, tức là qua khỏi khổ nạn. Cũng vậy đối với tứ đại này, chúng ta thấy là giả thì chuyện mất còn, đau nhức đâu có nghĩa gì. Còn đất, nước, gió, lửa thì thân này còn, đất, nước, gió, lửa chia tay thì thân này mất; đất về đất, nước về nước, đâu trở về đó. Biết được như vậy thì sẽ dửng dưng đối với mọi khổ nạn. Cho nên trong phẩm Phổ môn nói: rớt xuống nước không chìm, nhảy vô lửa không cháy. Nếu rớt xuống nước biết thân này là nước tức không chìm trong nước. Bị lửa cháy biết thân này là lửa thì đâu bị lửa đốt... Cái gì cũng không hại mình được, vì đâu có mình mà hại. Sở dĩ mình có khổ nạn là tại mình thấy mình thật, cho nên cái nào cũng hại mình được. Một khi thấy mình với đất, nước, gió, lửa không khác, lúc đó đất, nước, gió, lửa ở ngoài không hại mình được. Cho nên đạt được năm uẩn là không như ngài Quán Tự Tại, chắc chắn chúng ta sẽ hết khổ nạn, không vật gì có thể làm hại chúng ta được. Đó là một lẽ thực không thể chối cải. Nhưng người mới nghe nói coi như huyền bí lắm. Bởi thế người học kinh không hiểu được lý, cố chấp sự trở thành mê tín. Nay hiểu được lý này thì không còn gì chướng ngại.

Bồ tát Quán Tự Tại đi sâu vào trí huệ Bát Nhã, ngài soi thấy năm uẩn là không, lúc đó các khổ nạn đều thông qua nên được tự tại. Khi hết khổ thì gọi là lạc là vui, không còn khổ nên gọi là Cực lạc, là Niết Bàn v.v... Như vậy chúng ta chỉ tốn chút công tu quán làm sao cho năm uẩn là không, thì Cực lạc, Niết bàn hiện tiền. Công việc chỉ có chừng ấy, mình không chịu tu cứ ngồi đây trông chừng về Cực lạc. Hoặc có người nghe nói "Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa... độ nhất thiết khổ ách". Họ không nhận câu trước "chiếu kiến ngũ uẩn giai không" mà chỉ nhớ "hành thâm Bát Nhã" rồi "độ nhất thiết khổ ách". Chuyên tụng Bát Nhã để được hết khổ ách. Nhưng có hết được không? Chúng ta phải biết Bát Nhã là soi thấy năm uẩn đều không, tức là hành Bát Nhã, chớ không phải đọc tụng luôn mồm là hành thâm Bát Nhã. Soi thấy năm uẩn đều không là quán chiếu Bát Nhã, đạt được thực tướng Bát Nhã. Soi thấy năm uẩn là hành Bát Nhã, còn tụng Bát Nhã là đọc thuộc lòng chứ không phải hành. Cũng như một người làm toán khi họ đọc thuộc lòng công thức thì chưa gọi là làm toán, khi đem công thức đó áp dụng vào bài toán mới gọi là làm toán. Cũng vậy, nếu chúng ta đọc bài kinh này cả đời, không chịu quán chiếu thì chưa phải là trì Bát Nhã. Đức Phật chỉ dạy một câu thôi, ngài nói rằng: "Khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu vào trí huệ Bát Nhã, soi thấy năm uẩn này là không, liền đó ngài qua hết khổ nạn". Qua hết khổ nạn tức là được tự tại, giải thoát. Giờ đây chúng ta dùng một câu đó để tu cũng đủ rồi, không cần nhiều, chỉ bao nhiêu đó chúng ta cứ hành càng ngày càng sâu, đến một ngày nào đó chúng ta cũng được như ngài Quán Tự Tại, được giải thoát hết khổ nạn...Không cần tìm kiếm cái gì xa xôi.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM