TỰA
Quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Ðô Tập Tự
của thiền sư Khuê Phong thật là một quyển sách chưa từng có!
Như Lai ra đời tùy cơ lập giáo, Bồ tát
giáng sanh theo bịnh chỉ thuốc; cho nên giáo lý trong một đời ngài mở bày
ba môn có sâu, cạn, chỉ một tâm chơn tịnh mà diễn nói pháp tánh, tướng có
khác. Hai vị Bồ tát Mã Minh, Long Thọ đều hoằng truyền giáo lý của đức
Ðiều ngự mà chia ra Không tông, Tánh tông khác nhau. Hai vị Tổ Huệ Năng,
Thần Tú đều truyền tâm của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma mà chỗ bẩm thọ có đốn, tiệm sai
biệt. Ngài Thần Hội thì chỉ thẳng cái tri kiến. Mã Tổ thì nói tất cả đều
chơn. Ngài Pháp Dung thì nói không có một pháp. Những vị ấy, hoặc không,
hữu cùng phá, hoặc chơn vọng đều thâu, hoặc ngược để mà đoạt, hoặc thuận
để mà nhận, hoặc chỉ kín, hoặc nói trắng.
Vì thế, thời xưa ở Ấn Ðộ chia tông phái
thật nhiều, bởi bịnh có ngàn chứng thì thuốc cũng sanh nhiều phương, hợp
cơ tùy bịnh đâu có thể đồng nhất. Tuy đều vì cửa chứng ngộ chính ở chỗ đạo
chánh chơn, mà đệ tử các môn phái, người thông thì ít, người chấp thì
nhiều nên vài mươi năm nay Phật pháp suy hoại. Bởi họ lấy chỗ bẩm thừa làm
hộ dũ cho mỗi người tự mở. Lấy kinh luận làm can qua để công kích lẫn
nhau, tình theo đãy tên mà dời đổi, pháp theo nhơn ngã làm thấp cao, phải
quấy lăng xăng đâu thể dẹp trừ, đều lấy Phật, Bồ tát, kinh điển chư tông
môn làm chỗ đứng để tranh cải, càng làm thêm bệnh phiền não cho người sau,
đâu có lợi ích gì.
Ðại sư Khuê Phong hằng lâu than rằng:
- Tôi sanh trong thời này không thể làm
thinh được.
Do đó, ngài lấy ba thứ giáo nghĩa của Như
Lai, ấn định ba thứ pháp môn của Thiền tông, như làm tiêu dung bình, bàng,
xoa, xuyến thành một chất vàng, khuấy tô lạc, đề hồ làm một vị, nắm cương
lãnh đưa lên thì toàn thể đều theo, căn cứ chỗ hội yếu mà đề ra thì tất cả
đồng hướng. Nhưng còn ngại học giả khó hiểu, lại chỉ thẳng gốc ngọn của
tông nguyên, sự hòa hợp của chơn vọng, chỗ ẩn hiện của Không tông và Tánh
tông, chỗ sai biệt của pháp nghĩa, sự dị đồng của đốn tiệm, chỗ gặp nhau
của nói ngăn chắp (giá thuyên), chỗ sâu cạn của quyền và thật, chỗ phải
quấy của kẻ thông người chấp.
Thật là, ngài kề tai mà nói với họ, chỉ
cho họ thấy rõ vật trong lòng bàn tay, nhăn mày than thở với họ, dùng lời
hòa dịu dạy bảo họ, dùng vú sữa mà nuôi nấng họ. Lo cho người không còn
chút căn lành đối với Phật chủng. Ngài ôm ấp ủng hộ họ; nhớ đến kẻ bị lửa
thiêu nước trôi (Ái dục là nước lửa). Ngài nắm họ dẫn đi; sợ cho người mê
lầm theo tà giáo, Tiểu thừa, ngài lay họ khiến tỉnh.
Vì thương, sự đấu tranh kiên cố sợ e cái
sáng lớn không thể phá được cái tối của đêm dài, mẹ hiền không thể bảo bọc
được con dại sau khi chết. Nên thầy tôi (Khuê Phong) nâng Phật nhật xoay
lại chiếu sáng, mây mù nghi ngờ đều hết, thuận tâm Phật mà phát lòng đại
bi suốt khắp, cùng kiếp đều được lợi ích. Ðức Thế Tôn là chủ mở bày giáo
pháp, thầy tôi là người quy hội giáo pháp, xưa và nay phù hợp nhau, xa và
gần cùng soi nhau. Có thể gọi, làm xong sự hội thông giáo pháp trong một
thời vậy.
Hoặc có người hỏi:
- Từ đức Như Lai chưa từng tóm gọn mà
thông suốt, hôm nay rời tông thú không giữ, bỏ chỗ quan ngại không y cứ,
đâu không trái với đại bí tạng mật khế sao?
Ðáp:
- Phật ở trong hội Pháp Hoa, Niết Bàn cũng
đã dung thông làm một vị, chỉ có kẻ mê mới không biết. Kinh Niết Bàn, Bồ
Tát Ca Diếp thưa:
- Chư Phật có mật ngữ mà không có một
tạng.
Thế Tôn khen rằng:
- Lời nói của Như Lai mở bày rõ ràng trong
sáng không có mờ mịt, người ngu không thể hiểu cho là bí tạng (che kín),
người trí hiểu thấu thì không gọi là tạng.
Lời đây đã chứng minh vậy.
Cho nên, vương đạo hưng thịnh thì cửa
ngoài không đóng mà giặc rợ tự sợ. Phật đạo đầy đủ thì các pháp đều tổng
trì mà ma ngoại tự khiếp; không nên lại sanh tình chấp bám chặt trong ấy.
Than ôi! Kẻ hậu học nên thủ tín nơi Phật,
không nên thủ tín nơi người, nên thủ chứng nơi pháp gốc, không nên thủ
chứng nơi tập ngọn. Nếu được như vậy, mới là không cô phụ đức cù lao của
ngài Khuê Phong.
Ðời Ðường
Thích Sử Miên Châu
BÙI HƯU
] |