NGUỒN THIỀN GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

GIẢNG

Tướng quốc Bùi Hưu là đệ tử tại gia của ngài Hoàng Bá, ngài vừa mộ thiền mà cũng thích nghiên cứu kinh điển. Ðược Tổ Hoàng Bá chỉ dạy, ông có viết quyển Thiền Tông Pháp Yếu. Ở đây vì nể tài đức của ngài Khuê Phong, nên ông mới viết bài tựa quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Ðô Tự. Trước hết là ông khen ngợi:

- Quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Ðô Tập Tự của thiền sư Khuê Phong thật là một quyển sách chưa từng có!

Như Lai ra đời tùy cơ lập giáo, Bồ tát giáng sanh theo bịnh chỉ thuốc; cho nên giáo lý trong một đời ngài mở bày ba môn có sâu, cạn, chỉ một tâm chơn tịnh mà diễn nói pháp tánh, tướng có khác.

Mở đầu ông nói, sở dĩ chư Phật và Bồ tát ra đời đều tùy bịnh của chúng sanh mà cho thuốc. Chúng sanh có bao nhiêu bịnh, các ngài chế bấy nhiêu thuốc. Vì vậy, Bồ tát lập giáo rất nhiều, đức Phật thì mở bày ba môn có sau, cạn mà gốc đều chỉ bày một tâm chơn tịnh. Trong kinh Pháp Hoa có đoạn nói:

- Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhận duyên, là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.

Phật tri kiến là cái tâm chơn tịnh ở đây nói vậy. Bởi vì chúng sanh căn cơ có sai biệt, nên muốn chỉ cái tâm chơn tịnh ấy, đức Phật phải tùy theo sự sai biệt đó mà diễn ra, nào là pháp tánh, pháp tướng có khác nhau.

- Hai vị Bồ tát Mã Minh, Long Thọ đều hoằng truyền giáo lý của đức Ðiều ngự mà chia ra Không tông, Tánh tông khác nhau.

Ngài dẫn chứng các vị Bồ tát truyền giáo ở Ấn Ðộ.

- Hai vị Tổ Huệ Năng, Thần Tú đều truyền tâm của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma mà chỗ bẩm thọ có đốn, tiệm sai biệt.

Ðây là dẫn chứng các vị Tổ ở Trung Hoa: Tổ Huệ Năng và Thần Tú đều nối truyền tông chỉ của ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, mà lại chia ra đốn và tiệm.

- Ngài Thần Hội thì chỉ thẳng cái tri kiến. Mã Tổ thì nói tất cả đều chơn. Ngài Pháp Dung thì nói không có một pháp.

Ngài Thần Hội là đệ tử của Lục Tổ, ngài chỉ thẳng nơi chúng ta có cái tánh biết, không sanh không diệt. Còn Mã Tổ thì nói: "Tất cả đều chơn" (phần này ở đọa sau sẽ giảng kỹ). Ngài Pháp Dung đệ tử của Tứ tổ Ðạo Tín thì nói: "Không có một pháp".

- Những vị ấy, hoặc không, hữu cùng phá, hoặc chơn vọng đều thâu, hoặc ngược để mà đoạt, hoặc thuận để mà nhận, hoặc chỉ kín, hoặc nói trắng.

Các vị ấy, hoặc không hữu đều phá hết, hoặc chon vọng đều thâu hết. Ðó là tùy theo căn cơ, trường hợp các ngài nói ra để dẫn dắt người sau.

- Vì thế, thời xưa ở Ấn Ðộ chia tông phái thật nhiều, bởi bịnh có ngàn chứng thì thuốc cũng sanh nhiều phương, hợp cơ tùy bịnh đâu có thể đồng nhất. Tuy đều vì cửa chứng ngộ chính ở chỗ đạo chánh chơn, mà đệ tử các môn phái, người thông thì ít, người chấp thì nhiều nên vài mươi năm nay Phật pháp suy hoại.

Ngày xưa, sau khi Phật nhập Niết bàn, ở Ấn Ðộ đạo Phật chia ra rất nhiều tông phái. Việc chia nhiều tông phái này, chúng ta thấy có lợi mà cũng có hại.

Ðứng về phương diện tùy cơ, tức là tùy bịnh cho thuốc thì có lợi. Vì bịnh nhiều, nếu chỉ có một thứ thuốc thì làm sao trị hết? Cho nên bịnh nhiều thì phải chế ra nhiều thứ thuốc, vì thế nói: "Chúng sanh đa bịnh, Phật pháp đa môn" là vậy.

Ðứng về phương diện cứu cánh thì có hại, vì kinh điển đức Phật nói mênh mông, nhưng bản hoài chỉ mong cho chúng sanh ngộ được bản tánh chân thật mà chư Tổ phương tiện chia ra nhiều tông phái. Rồi vì chấp trước nên người sau ở tông này cho giáo nghĩa lập tông của mình là đúng, cho tông khác là sai, chống chọi lẫn nhau. Ví dụ như ở đây tu thiền, ở Ðại Ninh tu Tịnh độ, nhưng người thông thì ít, kẻ chấp thì nhiều, nên gặp nhau là kích bác.

- Tôi tu Tịnh độ chết về Cực Lạc, không bị luân hồi, còn mấy ông tu Thiền thì còn sanh tử...

Mấy người tu Thiền cãi lại:

- Tôi tu Thiền trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật, mấy ông tu Tịnh độ còn phương tiện...

Hai bên tranh cãi làm cho Phật tử nghi ngờ và mất lòng tin, không biết tu pháp nào đúng, pháp nào sai, đó là cái tai hại. Như vậy, lợi hay hại là do người sau chấp hay không chấp mà thôi. Nhưng người sau phần nhiều chấp trước, nên Bùi Hưu mới than:

- Bởi họ lấy chỗ bẩm thừa làm hộ dũ cho mỗi người tự mở. Lấy kinh luận làm can qua để công kích lẫn nhau, tình theo đãy tên mà dời đổi, pháp theo nhơn ngã làm thấp cao, phải quấy lăng xăng đâu thể dẹp trừ, đều lấy Phật, Bồ tát, kinh điển chư tông môn làm chỗ đứng để tranh cải, càng làm thêm bệnh phiền não cho người sau, đâu có lợi ích gì.

Bùi Hưu diễn tả tình trạng của các tông phái công kích nhau. Mỗi người mỗi tông phái, lấy cái học được của mình để mà nhìn. Cũng như người đứng bên cửa Ðông nhìn ra thấy phương trời Ðông đẹp lắm, người đứng bên cửa Tây nhìn ra cũng thấy phương trời Tây đẹp lắm.

Mạnh ai nấy khen phương trời của mình, chê phương trời của người khác. Nhưng có người đứng trên chót cót nhìn xuống thì thấy đông hay tây gì cũng vậy thôi. Cũng thế, do cái bịnh khen mình chê người, lấy kinh luận làm khí giới để rồi công kích lẫn nhau.

"Tình theo đãy tên mà dời đổi", Bùi Hưu muốn dẫn câu nói của thầy Mạnh Tử: "Thỉ nhơn khởi bất nhơn ư hàm nhơn tai". Ý nói rằng: người cầm tên đâu không theo người mang đãy tên ư! Nguời mang đãy tên đi đâu thì người cầm tên phải theo đó.

Cũng vậy, pháp theo ngã nhơn mà có thấp cao, chớ pháp nào có cao thấp. Tranh cãi cao thấp hơn thua, càng khiến cho người sau thêm phiền não, chớ không lợi ích.

- Ðại sư Khuê Phong hằng lâu than rằng: "Tôi sanh trong thời này không thể làm thinh được". Do đó, ngài lấy ba thứ giáo nghĩa của Như Lai, ấn định ba thứ pháp môn của Thiền tông, như làm tiêu dung bình, bàng, xoa, xuyến thành một chất vàng, khuấy tô lạc, đề hồ làm một vị, nắm cương lãnh đưa lên thì toàn thể đều theo, căn cứ chỗ hội yếu mà đề ra thì tất cả đồng hướng.

Vì thấy người sau cứ tranh chấp và công kích lẫn nhau, ngài Khuê Phong không nỡ làm thinh, nên ngài mới căn cứ vào Tam tạng giáo điển của Phật chia ra làm ba thứ ( sau này sẽ nói rõ). Ðối với thiền tông thì ngài ấn định lại ba thứ pháp môn, kết thành một khối để khỏi chống chọi nhau, Cũng như tiêu dung bình, bàng v.v... thành một chất vàng và khuấy tô lạc, đề hồ làm một vị. Cho nên tìm được chỗ cương yếu của Phật pháp rồi đề ra thì tất cả đều hướng theo đó tu hành chớ không có ngăn ngại gì.

- Nhưng còn ngại học giả khó hiểu, lại chỉ thẳng gốc ngọn của tông nguyên, sự hòa hợp của chơn vọng, chỗ ẩn hiện của Không tông và Tánh tông, chỗ sai biệt của pháp nghĩa, sự dị đồng của đốn tiệm, chỗ gặp nhau của nói ngăn chắp (giá thuyên), chỗ sâu cạn của quyền và thật, chỗ phải quấy của kẻ thông người chấp.

Ðoạn này tôi chỉ giải thích lối nói ngăn chấp, lối nói hiển bày và chữ "Quyền, Thật", còn lại bao nhiêu thì sau sẽ giảng kỹ. Trong kinh Phật, hệ thống Bát nhã là hệ thống ngăn chấp, còn hệ thống Pháp Hoa là hệ thống nói hiển bày. Nói ngăn chấp là sao? Kinh Bát nhã nói thân tâm, cảnh giới đều không thật, tự tánh không, duyên khởi nhưhuyễn, cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng không thật. Và trong Ðại Bát nhã cũng nói:

- Giả sử có một pháp trên Niết bàn, ta cũng nói là không thật. Một pháp trên Niết bàn mà không thật, vậy Niết bàn có thật không? - Không - Hệ Bát nhã là hệ thống giáo lý phá đối đải; còn thấy bên này là sanh tử, bên kia là Niết bàn là còn thấy hai. Thấy có Niết bàn là vui thì sanh ưa thích, thấy sanh tử khổ thì sanh nhàm chán; còn ưa còn chán là còn tình chấp, còn tình chấp là còn luân hồi, nên phá hết cả hai. Khi biết sanh tử, Niết bàn đều không thật thì không còn tình chấp ưa chán, và tâm như như tự tại, như vậy là nói ngăn chấp. Còn nói hiển bày là nói thẳng, chỉ rõ ràng. Như kinh Niết bàn nói :"Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", hay nói: "Tu rồi sẽ chứng được Niết bàn thường, lạc, ngã, tịnh v.v..."

Nghĩa chữ "Quyền" và"Thật". Ví dụ khi giảng kinh đến đoạn Phật muốn chỉ cái chơn tâm quý vị nghe không hiểu, tôi phải dùng ví dụ, qua ví dụ đó quý vị mới hiểu là mình có chơn tâm, ví dụ đó là quyền, thấy được lẽ thật là thật. Khi dùng ví dụ, chúng ta đừng đòi hỏi đúng một trăm phần trăm, có những ví dụ hơi na ná thôi. Nếu qua những ví dụ đó mà chấp lời nào cũng là chân lý hết thì trật, không hiểu ý người giảng muốn nói gì. Như đức Phật, khi khuyên người ta có hiếu với cha mẹ, ngài mới kể câu chuyện:

- Có một đời, ta hành Bồ tát hạnh, làm con chim Anh Võ, khi đó mẹ ta bịnh nằm trong tổ, ta phải đi tha mồi về nuôi mẹ, rồi có người đánh lưới bắt được ta, ta cất tiếng van xin họ v.v...

Nghe thế, chúng ta đâm ra nghi ngờ: sao Phật nói nghe hoang đường mê tín quá vậy! Như vậy là quý vị đã mắc kẹt cho "Quyền" là "Thật". Chủ yếu của đức Phật là muốn dạy con người phải hiếu thảo với cha mẹ, ngài mới đưa ra một câu chuyện để dạy chúng ta phải ăn ở hiếu thảo với cha mẹ, đó là dùng quyền để nói lên cái thật. Chúng ta phải biết đoạn kinh nào thuộc về quyền và đừng chấp nơi quyền mà phải tìm ra lẽ thật. Ðó là người biết nghe kinh và biết học kinh.

- Thật là, ngài kề tai mà nói với họ, chỉ cho họ thấy rõ vật trong lòng bàn tay, nhăn mày than thở với họ, dùng lời hòa dịu dạy bảo họ, dùng vú sữa mà nuôi nấng họ. Lo cho người không còn chút căn lành đối với Phật chủng. Ngài ôm ấp ủng hộ họ; nhớ đến kẻ bị lửa thiêu nước trôi (Ái dục là nước lửa). Ngài nắm họ dẫn đi; sợ cho người mê lầm theo tà giáo, Tiểu thừa, ngài lay họ khiến tỉnh.

Ðây là Bùi Hưu khen ngài Khuê Phong, ý ông nói chủ đích của ngài Khuê Phong làm ra bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là muốn cho mọi người đều được hòa nhau, cùng biết rõ ý chỉ của Phật dạy và giúp cho những người còn mê lầm, khiến chọ họ thấy được đường lối tu, khỏi rơi vào tà giáo ngoại đạo.

- Vì thương, sự đấu tranh kiên cố sợ e cái sáng lớn không thể phá được cái tối của đêm dài, mẹ hiền không thể bảo bọc được con dại sau khi chết.

Mấy câu này thật là thống thiết. Ánh sáng lớn chỉ cho ánh sáng Phật pháp, cái tối đêm dài chỉ cho cái vô minh ngàn đời của chúng sanh, Khi Phật còn tại thế, ngài nói pháp người nghe giác ngộ liền. Tới thời ngài Khuê Phong cách Phật một ngàn năm, con người căn cơ ngày càng thấp kém, tình chấp càng nhiều. Ngài sợ ánh sáng lớn Phật pháp không xuyên thủng được màn vô minh dày đặc của chúng sanh. Chúng sanh mê muội, ngài ví như đứa con khờ dại, mẹ hiền dù có thương con, nhưng làm sao bảo bọc được nó sau khi mình chết. Cũng vậy, khi Phật còn tại thế thì ngài nói pháp, dạy chúng sanh giác ngộ, khi Phật nhập Niết bàn, dù thương chúng sanh cũng không giáo hóa cho chúng sanh giác ngộ được nữa.

- Nên thầy tôi (Khuê Phong) nâng Phật nhật xoay lại chiếu sáng, mây mù nghi ngờ đều hết, thuận tâm Phật mà phát lòng đại bi suốt khắp, cùng kiếp đều được lợi ích.

Phật nhập Niết bàn đã hơn một ngàn năm, nên mặt trời trí huệ bị lu mờ, lúc bấy giờ Ngài Khuê Phong làm ra bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là chủ đích muốn nâng mặt trời trí huệ đua lên cao chiếu sáng để cho mây mù nghi ngờ đều tan hết. Ngài tùy theo chủ yếu Phật dạy bảo mà khởi lòng đại bi làm lợi ích cho người sau.

- Ðức Thế Tôn là chủ mở bày giáo pháp, thầy tôi là người quy hội giáo pháp, xưa và nay phù hợp nhau, xa và gần cùng soi nhau. Có thể gọi, làm xong sự hội thông giáo pháp trong một thời vậy.

Ðức Phật là chủ mở bày giáo pháp, nhưng kinh điển nói rộng quá người sau không biết làm sao nắm được cái gốc để tu. Nên vì lòng đại bi muốn làm lợi ích cho chúng sanh, ngài quy hội giáo pháp để cho người sau thấy. Tuy Phật chia ra nhiều môn, nhưng cứu cánh chỉ trở về có một mối. Tuy đức Phật là xưa, ngài Khuê Phong là nay, nhưng đã phù hợp nhau, cùng soi nhau, do đó ngài Khuê Phong đã làm xong sự hội thông giáo pháp của Phật trong một thời.

- Hoặc có người hỏi: "Từ đức Như Lai chưa từng tóm gọn mà thông suốt, hôm nay rời tông thú không giữ, bỏ chỗ quan ngại không y cứ, đâu không trái với đại bí tạng mật khế sao?"

Từ xưa, đức Phật chưa bao giờ rút gọn giáo lý, ngài nói rộng là để người sau dễ thông suốt. Bây giờ, ngài Khuê Phong bỏ tông thú không giữ, như vậy trái với bí tạng mật khế sao? Tông thú tức là chỗ nhắm riêng của một tông, như Tịnh độ tông có chỗ nhắm riêng, Thiền tông cũng có chỗ nhắm riêng, Mật tông cũng vậy v.v... Ngài gom chung lại bỏ chỗ nhắm riêng của mỗi tông đâu không trái với Bí tạng mật khế? Bí tạng là che kín, mật khế là thầm khế hội, chỗ đó thì che kín, chỉ người nào khéo lắm mới thầm khế hội nên gọi là Bí tạng mật khế, và được ngài đáp:

- Ðáp: "Phật ở trong hội Pháp Hoa, Niết Bàn cũng đã dung thông làm một vị, chỉ có kẻ mê mới không biết.

Theo kinh Pháp Hoa, ban đầu đức Phật nói Tiểu thừa, Trung thừa, Ðại thừa, nhưng sau Phật dung hội bằng cách nói chỉ có một Phật thừa, không hai không ba. Tam thừa chỉ là Hóa thành, Phật thừa mới là Bảo sở. Trong phẩm Thí Dụ, ông trưởng giả sau khi dụ đưa những đứa con ra khỏi nhà lửa, rồi chỉ cho một thứ xe, xe trâu trắng mập mạp (dụ cho Phật thừa) mà thôi.

- Kinh Niết Bàn, Bồ Tát Ca Diếp thưa: "Chư Phật có mật ngữ mà không có một tạng". Thế Tôn khen rằng: "Lời nói của Như Lai mở bày rõ ràng trong sáng không có mờ mịt, người ngu không thể hiểu cho là bí tạng (che kín), người trí hiểu thấu thì không gọi là tạng". Lời đây đã chứng minh vậy.

Có mật ngữ mà không có mật tạng là sao? Có mật ngữ là lời nói bí mật, không có mật tạng là không có sự che dấu. Như có một người đến hỏi một vị thiền sư:

- Thế nào là đạo?

Ngài ngồi im lìm. Ngài hỏi:

- Ông hiểu không?

Người ấy trả lời:

- Dạ, không hiểu.

Ngài nói:

- Nếu ông không hiểu thì Như Lai có mật ngữ, còn nếu ông hiểu thì Như Lai không có mật tạng.

Ý nói rằng: Chư Phật có lời nói bí mật, mà không có sự che dấu. Tại sao vậy? Lời nói mà người nghe không hiểu nên cho là mật ngữ, nếu người hiểu rồi thì không còn bí mật nữa, nên nói Phật không có mật tạng, tức là không có che dấu vậy. Nên đức Phật mới nói: "Lời ta nói rõ ràng không có mờ mịt, tại người ngu không hiểu cho là bí tạng, người trí nghe hiểu thấu thì không còn là tạng nữa".

- Cho nên, vương đạo hưng thịnh thì cửa ngoài không đóng mà giặc rợ tự sợ. Phật đạo đầy đủ thì các pháp đều tổng trì mà ma ngoại tự khiếp; không nên lại sanh tình chấp bám chặt trong ấy.

Trong nước, đức độ của một vị vua rộng lớn, thì ngoài biên cương không cần giữ gìn, mà giặc bên ngoài cũng tự khiếp sợ không dán bén mảng. Phật đạo cũng vậy, khi Phật đạo hưng thịnh, mọi người biết rõ manh mối cội nguồn để chung nhau gìn giữ tu hành thì ngoại đạo ma vương thảy đều khiếp sợ.

- Than ôi! Kẻ hậu học nên thủ tín nơi Phật, không nên thủ tín nơi người, nên thủ chứng nơi pháp gốc, không nên thủ chứng nơi tập ngọn. Nếu được như vậy, mới là không cô phụ đức cù lao của ngài Khuê Phong.

Bùi Hưu nhắn nhủ rất là thâm thiết, ngài căn dặn chúng ta học Phật phải tin nơi Phật, không tin nơi người, hãy giữ pháp gốc không nên theo ngọn ngành. Bây giờ người học Phật hay có cái bịnh tin nơi người hơn tin nơi Phật và tu theo ngọn ngành hơn là giữ nơi pháp gốc. Ví dụ như có người mang hình thức người tu, trong chùa cũng thờ Phật Tổ, nhưng dạy tín đồ tu không dính dáng tới kinh Phật dạy. Như lối tu thiền chuyển luân xa hay xuất hồn ngao du đó đây. Chúng ta nghiên cứu kinh điển xem thử, Phật Tổ có dạy tu như vậy không? Thế mà tín đồ Phật giáo nghe nói cũng tin và cho là mình tu theo Phật, thật là oan cho Phật biết bao nhiêu. Cho nên người học Phật, trước phải nghiên cứu giáo lý cho kỹ, để người hướng dẫn mình tu dạy đúng hay sai kinh Phật, chúng ta cũng biết. Nếu không dính dáng gì tới kinh điển Phật Tổ nói, thì nhất định không tin, chớ không phải bạ đâu tin đó, có hại cho sự tu hành. Một phen lạc vào tà đạo thì khó gỡ ra. Bây giờ đa số người tu, ham tu theo ngọn ngành, chẳng hạn như ham làm phước, cất chùa, tổ chức hội họp cúng kiến linh đình, ít ai chịu ngồi lại thanh lọc thân tâm. Ðã vậy, nghe nói tới tu thiền, thì nói: "Coi chừng tu thiền điên à!". Như vậy, chúng ta thấy có thủ chứng nơi pháp gốc không? Thưa quý vị, ngày xưa đức Phật Thích Ca, người sáng lập ra đạo Phật, tu pháp gì mà thành Phật? Có phải ngài ngồi thiền bốn mươi chín ngày dưới cội Bồ đề không? Lịch sử còn ghi lại và cả thế giới đều ghi nhận điều đó. Kế tiếp đến là Tổ Ca Diếp, A Nan đệ tử lớn của Phật và chư Tổ sau này, cũng đều tu thiền, chớ có tu pháp nào khác đâu? Tam tạng kinh điển kể cả tạng Pàli và Hán văn, Phật đều dạy tu thiền, vậy mà dám nói tu thiền là điên, có phải người đó điên đảo không? Thế mà Phật tử, kể cả một ít Tăng Ni nghe nói thế cũng đâm hoảng, không dám tu thiền. Lại còn một số người bảo nhau: "Coi chừng tu thiền, mười người lạc hết chín rồi đó". Ðó là bịnh của đa số người tu bây giờ. Tu mà không chịu học hỏi giáo lý kinh điển để rồi tu mù, ai nói trúng trật gì cũng tin, không chịu tìm nguồn gốc, không chịu đối chiếu lời Phật dạy trong kinh mà y cứ tu hành. Do đó, sanh ra nhiều chứng bịnh, thường gọi là "Bịnh thời đại". Tôi khuyên quý vị nên cẩn thận, đừng quá tin vào lời nói của người sau mà quên mất cái gốc của sự tu hành. Ðó là không cô phụ đức cù lao của ngài Khuê Phong.

]

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM