THIỀN NGUYÊN
CHƯ
THUYÊN TẬP ÐÔ TỰ
Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là biên tập
lời của các Thiền gia nói về đạo lý nguồn cội của thiền môn, những câu
văn, bài kệ góp thành một bộ (một trăm quyển) để lưu lại đời sau, cho nên
tóm đề tên này.
Thiền là tiếng Ấn Ðộ, nói đủ chữ thì gọi
là Thiền Na (Dhyàna). Trung Hoa dịch là Tư duy, cũng gọi là Tịnh lự, đều
là lời nói chung cả định huệ.
Thiền là tiếng gọi chung của phương pháp
tu định và huệ. Như trước đã nói, chúng ta ngồi thiền, biết vọng tưởng dấy
lên không theo là huệ, không theo vọng tưởng tâm lặng lẽ an nhiên là định.
Ðịnh huệ đầy đủ đó là thiền. Tông Thiên Thai gọi là Chỉ quán (Chỉ là định,
quán là huệ)
Nguyên là chơn tánh bản giác của tất cả
chúng sanh cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là tâm địa. Ngộ đó gọi là huệ,
tu đó gọi là định, định huệ chung gọi là Thiền Na.
Chữ Nguyên chỉ cho chơn tánh bản giác của
chúng sanh, cũng gọi là tâm địa, cũng có tên là Phật tánh, có chỗ gọi là
chơn như, chơn tâm, Viên giác v.v... Nếu ngộ được nơi mình có cái chơn
tánh bản giác đó thì gọi là huệ, y nơi đó để tu cho lặng vọng tưởng, tâm
nhất như gọi là định, có định có huệ thì gọi là Thiền Na.
- Tánh này là cội nguồn của thiền, cho nên
gọi là Thiền Nguyên (nguồn thiền), cũng gọi là "Lý Hạnh thiền na". Lý hạnh
thiền na tức là cội nguồn này là thiền lý, quên cả mọi nghĩ tưởng để khế
hội là thiền hạnh. Nên gọi là lý hạnh. Nhưng, nay góp lời của các thiền
gia phần nhiều bàn về thiền lý, ít luận về thiền hạnh, cho nên lấy hai chữ
"Thiền Nguyên" (Nguồn Thiền) làm đề.
Phật tánh là cội nguồn của pháp Thiền, vì
vậy gọi là Nguồn thiền, cũng gọi là Lý Hạnh thiền na, chúng ta ngộ nơi
mình có tánh bất sanh bất diệt gọi đó là thiền lý, y đó để tu dứt hết vọng
tưởng là thiền hạnh. Vì các thiền gia hay bàn về thiền lý tức là nói chúng
ta có cái bất sanh bất diệt, có Phật tánh v.v... mà ít luận về thiền hạnh
tức là ít bàn về cách trừ vọng tưởng cho nên ngài mới lấy hai chữ Thiền
Nguyên làm đề.
- Thời nay, có người gọi chơn tánh là
thiền tức không đạt được ý chỉ lý hạnh, cũng không rành tiếng Trung hoa và
Ấn độ. Song, cũng không phải rời chơn tánh riêng có Thiền thể. Chỉ chúng
sanh mê chơn hiệp trần gọi là tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền
định.
Ngài nói: nếu chỉ gọi chơn tánh là thiền
thì chúng ta chỉ biết thiền lý mà không biết thiền hạnh, như vậy ngài cho
rằng chúng ta không rành tiếng Trung hoa và Ấn độ. - Tại sao vậy? - Vì
thiền là gồm cả định và huệ, mới thấy được lý tánh tức là huệ, như vậy là
thiếu sót nên nói là chưa đạt cả lý và hạnh. Song cũng không thể rời lý
tánh mà riêng có thiền thể chỉ vì chúng sanh mê chơn hiệp trần nên gọi là
tán loạn, trái trần hiệp chơn gọi là thiền định. Mê chơn tức là mê tánh
giác của mình, hiệp trần là theo sáu trần bên ngoài, quên tánh giác chạy
theo sáu trần là loạn động, bỏ sáu trần sống với tánh giác là thiền định.
Nguyên tắc đó chúng ta nắm chắc thì tu dễ dàng. Khi nào tâm dính mắc sáu
trần là biết lúc đó tâm chúng ta đang tán loạn, khi nào tâm không chạy
theo sáu trần, yên lặng thì biết chúng ta đang thiền định. Giả sử chúng ta
đi dưới hàng dương chơi, hay ngồi chơi một mình mà tâm không dấy niệm thì
lúc đó chúng ta đang thiền định. Còn thân chúng ta ngồi im lìm bất động,
mà tâm chúng ta chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia, thì lúc đó là tán
loạn. Hiểu rõ chỗ này rồi thì ứng dụng tu không sợ lầm.
- Nếu nói thẳng về bản tánh tức phi chơn
phi vọng, không trái không hiệp, không tịnh không loạn, cái gì gọi là
thiền?
Bản tánh không chơn cũng không vọng, chơn
là đối với vọng mà nói, nếu còn thấy chơn thấy vọng thì không thấy chỗ tột
cùng của bản tánh. Vì còn loạn nên mới nói định, định là đối với loạn mà
nói, tâm nhất như rồi thì chữ định cũng bỏ luôn. Cho nên khi hỏi các thiền
sư có tu thiền không? Các ngài trả lời: "Ta chưa từng học thiền". Nhưng
chúng ta đừng nghe nói không định, không loạn, không mê, không giác, không
vọng, không chơn, rồi lầm đó là không ngơ. Chúng ta hãy nghe ngài xác
định:
- Huống là, chơn tánh này không riêng
nguồn của thiền môn, cũng là nguồn của muôn pháp, cho nên gọi là Pháp
tánh, cũng là nguồn mê ngộ của chúng sanh, cho nên gọi là Như Lai Tàng,
Tằng thức; cũng là nguồn muôn đức của chư Phật, nên gọi là Phật tánh; cũng
là nguồn muôn hạnh của Bồ tát, nên gọi là Tâm địa.
Chơn tánh này là nguồn cội của muôn pháp
cho nên đứng về muôn pháp gọi là Pháp tánh, đứng về người thì gọi là Phật
tánh. Chúng ta thấy nào là Pháp tánh, Như Lai tàng, Tằng thức, Phật tánh,
Tâm địa v.v... Bao nhiêu tên đều để chỉ cái thể ấy, cho nên chúng ta đừng
kẹt trên danh từ.
- Muôn hạnh không ngoài sáu pháp Ba la
mật, thiền môn chỉ là một trong sáu pháp, nó ở phần thứ năm thì đâu thể
gọi chơn tánh là một thiền hạnh? Song, một hạnh thiền định rất thần diệu
hay phát khởi trí huệ vô lậu trên chơn tánh, tất cả diệu dụng muôn đức
muôn hạnh cho đến thần thông quang minh đều từ định phát sanh, cho nên
người học ba thừa (Tiểu thừa, Trung thừa, Ðại thừa) muốn cầu thánh đạo hẳn
phải tu thiền, lìa thiền không có cửa nào khác, lìa thiền không có đường
nào khác, đến như người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ cũng phải tu thiền về
mười sáu phép quán (thập lục quán) và niệm Phật Tam muội, Ban Châu Tam
muội.
Trong sáu pháp Ba la mật, thiền định ở
phần thứ năm nên đâu thể gọi chơn tánh là một thiền hạnh được. Nhưng thiền
lại là nguồn cội của pháp tu, nếu muốn ngộ đạo, muốn thấy tánh, lìa tu
thiền không làm sao được ngộ đạo thấy tánh. Như vậy hành thiền là hành đủ
sáu pháp Ba la mật.
Ví dụ khi ngồi thiền đúng nguyên tắc, thì
khi ngồi coi như thân đã chết, dù có muỗi cắn kiến bò, hay con gì chích
cũng không cục cựa, không đuổi, không đập, gọi là giữ giới. Khi bị cắn,
chúng ta liền phát nguyện: "Nguyện ngươi hút máu ta được no đủ mạnh khỏe,
khi chết rồi được sanh làm người gặp Phật pháp tu hành".
Như vậy là chúng ta đã tu hạnh bố thí rồi,
Khi ngồi thiền bị ngứa ngáy đau nhức v.v.. chúng ta nhẫn chịu, chưa tới
giờ nhất định không xả, ấy là tinh tấn. Trong khi ngồi, biết vọng tưởng
không theo đó là có trí huệ. Không theo vọng tưởng thì tâm lặng lẽ như
như, ấy là định. Tu một hạnh thiền định là chúng ta tu đủ lục Ba la mật.
Chủ yếu là chúng ta phải gan dạ, phải có nghị lực mới làm chủ được mình,
trước hết chúng ta phải làm chủ thân, rồi từ từ làm chủ tâm, nếu không gan
dạ chinh phục được thân thì không sao chinh phục được tâm. Chúng ta gan dạ
chịu đựng được những khó khăn trong khi tu, thì khi chết đến thân thể có
nhọc nhằn chúng ta mới làm chủ được. Có lần tôi ngồi thiền trên tảng đá
ngoài sân, con gì bò lên mình, bò lên hông, ngay chỗ nhột nhứt nó cào cào,
rồi kẹp tôi một cái đau điếng. Tôi rởn ốc, nhưng mặc kệ nó, cùng là chết
chớ có gì. Tới sáng tôi thấy chỗ ấy sưng một cục. Phải gan dạ! Ngồi thiền
muỗi cắn chịu không được thì làm được gì? Có người ngồi thiền, muỗi cắn
thì đập, ngứa ngáy thì gãi làm sao yên được? Chúng ta bây giờ tu, ngồi ở
trong thiền đường hoặc trong thất an ổn quá. Còn các vị Tỳ kheo thuở xưa,
ngồi trong rừng có đủ thứ nguy hiểm nào cọp, beo, muỗi mòng, rắn rít mà
các ngài vẫn an nhiên chịu đựng, như vậy mới mau đắc đạo. Chúng ta ngồi
trong chổ an lành, những cái khó khăn nho nhỏ hãy ráng chịu đựng cho quen.
Thiền là cội gốc của sự tu hành, người tu
muốn cầu Thánh đạo, lìa thiền không có con đường nào khác để đi, cho đến
người tu Tịnh độ cũng phải tu thiền. Vậy mà có người dám nói tu thiền
điên, tu thiền lạc v.v... Chỉ có chúng sanh đời sau điên đảo lầm lạc
nhiều, bỏ gốc theo ngọn "Y nhơn bất y pháp" mới nói như thế.
NĂM THỨ THIỀN
- Chơn tánh không nhơ không sạch, phàm
thánh không khác, nhưng thiền có cạn có sâu, giai cấp sai biệt.
Ðứng về mặt chơn tánh thì không có cạn
sâu, phàm thánh. Nhưng về phương pháp tu để ngộ chơn tánh, thì có cạn sâu,
nên sau đây ngài giải thích cho chúng ta hiểu rõ có năm thứ thiền khác
nhau:
1. Người chấp khác, ưa cõi trên chán cõi
dưới mà tu, là thiền ngoại đạo.
Thiền ngoại đạo là do nơi chấp khác, nghĩa
là chấp ngoài tâm mình có một pháp nào khác để giúp mình đắc đạo. Như khi
ngồi thiền, mong có thiêng liêng tới dựa vào hay là điểm đạo v.v... Hoặc
ngồi thiền để luyện được không già, sống lâu. Hoặc là tu theo pháp thiền
xuất hồn ngao du nơi này nơi kia. Hay tu luyên theo pháp thiền chuyển luân
xa. Hoặc ngồi thiền lựa giờ tý, ngọ, mẹo, dậu gọi là những giờ linh thiêng
để có đấng thiêng liêng nào đó về tựa cho mình thêm sức mạnh v.v... Nói
tóm lại, hễ một pháp tu nào không nhắm vào sự gạn lọc tự tâm, loại bỏ vọng
tưởng mà chỉ trông cậy vào sự linh hiển bên ngoài thì đó là thiền ngoại
đạo. Người tu theo đạo Phật, dù cạn dù sâu đều chủ yếu là gạn lọc tâm mình
từ thô đến tế. Gạn lọc cho đến khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh, đó là y
tánh khởi tu. Nên nhà Phật thường dùng câu: "Ngoài tâm cầu Phật là ngoại
đạo".
Nhưng bây giờ đa số tin theo sự đồn đại
của nhiều người, hoặc tin theo sự giới thiệu của báo chí, hầu hết tu theo
thiền ngoại đạo. Vì họ nói rằng:
- Nhập thiền sẽ ngao du tự tại,sẽ thấy
những cảnh giới lạ, thấy Phật đến xoa đầu thọ ký, biết được quá khứ, vị
lai.
Họ giới thiệu không biết bao nhiêu là
chuyện huyền bí, không nhắm vào sự loại trừ vọng tâm, đó là lối tu lầm
lạc. Là người Phật tử học đạo, phảisáng suốt, muốn học một pháp tu nào
phải nghiên cứu cho kỹ, đâu là chánh, đâu là tà, chớ vội tin mà lầm lạc.
Trong kinh Phật nói: "Một khi lầm đường rồi khó quay đầu trở lại", khi
phát tâm tu chúng ta mong tu để thành Phật mà lạc vào ma đạo rồi muốn trở
lại thật là khó khăn, người tu nên cẩn thận.
2. Người tin chắc nhơn quả, cũng do ưa
chán mà tu, là thiền phàm phu.
Tin chắc nhơn quả tức là căn cứ vào lý
nhơn quả mà tu thiền. Như trong kinh nói: chúng ta tu chứng Sơ thiền sẽ
được sanh lên cõi trời Sơ thiền. Chứng được Nhị thiền sẽ sanh về cõi trời
Nhị thiền, cho đến chứng được Tứ thiền sẽ sanh về cõi trời Tứ thiền. Cõi
trời Sắc giới cũng thế. Như vậy vì ham thân đẹp đẽ, vì thích được sống lâu
ở cõi trời cho nên từ cái nhơn phàm phu này mà tu thì sẽ sanh về cõi trời
Sắc giới sung sướng an nhàn. Nhưng dù sanh được cõi trời, khi hết phước
cũng bị đọa lạc. Tứ thiền chẳng những có trong nhà Phật mà cả ngoại đạo
cũng có tu. Theo đạo Phật, người tu được Tứ thiền rồi, nếu khéo léo từ Tứ
thiền tiến qua Diệt thọ tưởng định, chóng giải thoát. Hoặc từ Tứ thiền qua
Tứ không rồi mới qua Diệt tận định và giải thoát. Những người kém, tu
chứng được Tứ thiền sanh lên cõi trời Sắc giới, còn ở trong Sắc giới là
còn ở trong vòng phàm phu.
3. Người ngộ lý thiên chơn, thấy ngã không
mà tu, là thiền Tiểu thừa.
Ngộ lý thiên chơn tức là thấy rõ thân ngũ
uẩn này không thật. Những vị này chỉ ngộ được ngã không, chứ chưa chứng
được pháp không. Nghĩa là khi tu thấy được cõi đời là vô thường, đau khổ,
không có cái ta thật nên cố gắng tu cho được Niết bàn thanh tịnh an vui.Vì
còn thấy có Niết bàn nên gọi là pháp hữu, hay là thấy ngã không thật, mà
thấy Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v... là thật, đó là pháp hữu, gọi là
Tiểu thừa.
4. Người ngộ ngã pháp đều không, hiển bày
chơn lý mà tu, là thiền Ðại thừa.
Ngộ ngã pháp đều không tức là khi tu theo
thiền tông, nhận ra được cái ngã không thật, và các pháp như: Niết bàn,
sanh tử, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cho đến Lục độ cũng không thật, chẳng
qua là do tùy bịnh cho thuốc mà đặt tên đó thôi, rõ hai lẽ đó cho nên ngã
pháp đều không chấp. Những vị này hằng dùng trí Bát nhã quán chiếu để tâm
được định, ấy là thiền Ðại thừa.
5. Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh
tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức
là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tồi Thượng thừa, cũng
gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Ðây là
căn bản của tất cả Tam muội. Nếu người hay niệm tu tập tự nhiên dần dần
được trăm ngàn Tam muội. Môn đệ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lần lượt truyền nhau là
thiền này.
Ðây là Tối Thượng thừa thiền, hay gọi là
Như Lai Thanh Tịnh thiền, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Người tu theo
thiền này là đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, nghĩa là nhận ra nơi mình
có cái tâm bất sanh bất diệt, tâm ấy không ô nhiễm, không tăng không giảm,
không cấu không tịnh v.v... trí tánh tự đầy. Nhận ra tâm thể rồi, y nơi đó
mà tu cho đến khi viên thành Phật quả thì gọi là thiền Tối Thượng thửa.
Nhưng làm sao y nơi đó mà tu? Khi chúng ta nhận ra nơi mình có bản tâm
thanh tịnh, song còn bị vọng tưởng che mờ, nên khi tu vọng tưởng dấy lên
chúng ta không theo, bao giờ vọng tưởng sạch rồi thì chơn tâm hiện bày.
Như vậy, gọi là y cứ nơi bản tâm mà tu, gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh.
Nói đến thiền Như Lai Thanh Tịnh, tôi nhớ
có một lần tôi về Huệ Nghiêm, mấy chú đem lại một tờ báo, đọc cho tôi
nghe. Trong đó nói khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền, hào quang rực rỡ,
tôi bảo: "Ðó là thiền ngoại đạo". - Tại sao? - Vì kinh Kim Cang có câu:
"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng". Nghĩa là phàm cái gì có hình tướng
đều là hư dối. Cho nên khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền mà hiện hào quang
rực rỡ ấy là lầm nhận cái hư dối cho là chân thật. Nhưng Phật tử không
biết, nghe nói có hào quang thì hay lắm theo rất động. Với người có mắt
sáng biết đó là lầm. Vì bất cứ một hiện tượng nào hiện ra trong khi tu đều
là hư vọng, dù cho hiện hào quang, dù cho hiện Phật đều là tướng hư dối.
Khi nào tâm chúng ta sạch hết vọng tưởng, thanh tịnh như như mới không lầm
lạc... Cho nên, người biết tu thiền rồi, khi nghe người khác nói cách tu
là biết người ấy tu lạc hay tu đúng. Còn người chưa biết tu nghe người
khác diễn tả hào quang rực rỡ thì ham thích. Hiện tại nó hấp dẫn một số
người tương đối trí thức. vì những người ấy quá chuộng hình tướng cho nên
người ta lợi dụng danh từ Như Lai Thanh Tịnh thiền của Phật Tổ và lồng
pháp tu của ngoại đạo, khiến Phật tử không biết hăm hở tu theo, thật là
đáng thương!
Nhân đây, tôi kể một câu chuyện có thực
trong thời đại này cho quý vị nghe: Một lần nọ, tôi về Saigon, gặp Thượng
Tọa Thiện Siêu, Thư ký của Giáo Hội PGVNTN, Thượng Tọa nói:
- Người ta đồn có một vị xưng là Giáo chủ
hội Pháp Hoa và được thiên hạ nể lắm.
Tôi hỏi:
- Vì sao nể?
Thượng Tọa nói:
- Có hai điểm mà người ta khâm phục:
a. Một là ông ấy có gia đình, ăn mặn, hút
thuốc thơm... Ông ấy cũng như bao nhiêu người tầm thường khác. Nhưng đặc
biệt có nhiều người dùng nhiều câu nói nặng nề chỉ trích ông, ông chỉ im
lặng an nhiên không giận, không tỏ vẻ bất bình. Họ cho rằng quý thầy tuy
tu từ nhỏ giữ giới thanh tịnh, song nếu ai nói gì sai, các thầy nổi giận,
điều ấy chứng tỏ ông ấy cao quý hơn thầy. Vì vậy họ khâm phục.
Nhưng chuyện này đối với tôi thì khác. Tôi
ví dụ như có một người không có lỗi lầm gì hết mà bị người khác rầy rà, họ
có cãi lại không? - Dạ cãi - Bởi vì họ không có lỗi mà rầy họ cho nên họ
cãi. Còn một người quá nhiều lỗi lầm bị người khác chê, họ có cãi không? -
Dạ không - Vì biết mình bậy nên không cãi. Cũng vậy, ông ấy không cãi mà
phải gượng gạo tỏ ra hơn người, đặng làm thầy thiên hạ mới được. Nếu thật
sự ông ấy thanh tịnh, bị chỉ trích mà không giận mới đáng khâm phục, còn
tội lỗi thật nhiều bị chê dở không cãi lại ấy là chuyện thường có gì lạ
đâu?
b. Hai là ông ấy chủ trương: Ông là người
ra đời để phá chấp, cho nên có ai tới thấy ông ăn mặn, hút thuốc thơm, có
gia đình, chỉ trích thì ông ấy nói: "Chấp!". Thiên hạ cho ông là người phá
chấp và lấy kinh Duy Ma Cật ra dẫn chứng.
Chúng ta nên biết trường hợp của ngài Duy
Ma Cật thị hiện là để phá chấp cho những vị Thanh văn Xá Lợi Phất, Mục
Kiền Liên... Các ngài đã tu đắc quả thánh rồi, sợ các ngài kẹt trong Niết
bàn vắng lặng, không phát tâm đại thừa làm lợi ích chúng sanh, nên Duy Ma
Cật thị hiện phá chấp cho những vị đó. Còn bây giờ, phàm phu đang nhiễm
ngũ dục mà nêu cái gương ô nhiễm, là phá chấp hay là khuyến khích cho
người ta lún sâu hơn trong bùn lầy ngũ dục? Chúng ta là người tu theo Phật
phải đặt lại câu hỏi cho vấn đề này: Hai vị giáo chủ, Thiên chúa giáo là
chúa Jésu và Phật giáo là Phật Thích Ca, cả hai đều từ bỏ gia đình đem
cuộc đời son trẻ phục vụ cho chúng sanh. Các Ngài là người đi ngược dòng
trần tục, còn vị "Giáo chủ" này đã không từ bỏ mà có tới hai vợ. Như vậy
làm sao tin được? Kinh Viên Giác, kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: "Chúng
sanh nếu còn một niệm ái là còn luân hồi sanh tử". Nếu tự mình cởi trói
không được thì làm sao đưa người đến chỗ giải thoát được? Vậy mà một số
Phật tử cũng tin theo, thật là đáng thương xót! Vì họ lợi dụng danh từ Như
Lai Thanh Tịnh thiền nên Phật tử lầm, vả lại tuyên truyền bằng báo chí nên
dễ tin.
Khi ngồi thiền tâm thanh tịnh thấy có hào
quang, chúng ta không nên mừng, vì đó là huyễn tướng do tâm tạo ra, nếu
mừng là bịnh. Trong lúc ngồi tu, những hiện tượng lạ xảy ra chúng ta đừng
lấy đó làm chỗ an trụ. Chúng ta tu cốt làm sao cho tâm được thanh tịnh là
đủ, tâm thanh tịnh là trở về bản chất bất sanh bất diệt của mình, còn hiện
tượng là có hình tướng, mà có hình tướng là có sanh diệt, nếu chúng ta
chấp vào cái sanh diệt cho là chân thật thì lạc vào đường tà. Phải phân
biệt chánh tà cho rành rẽ, đừng nghe người ta nói đâu tin đó, không khéo
tu là mong cầu giải thoát mà trái lại trói buộc gỡ không ra. Cho nên đây
nói Như Lai Thanh Tịnh thiền là tu thiền, nhận ra được bản tánh thanh tịnh
của mình xưa nay là thanh tịnh, nhận ra cái đó rồi y cứ tu hành, gọi lả
Kiến tánh khởi tu. Tôi xin lặp lại, tu thiền là chủ yếu dẹp hết vọng tưởng
cho tâm thanh tịnh, nếu mong cầu tướng lạ, thì sẽ lạc vào đường tà. Hãy
cẩn thận! Ngài Khuê Phong nói:
- Thiền này là căn bản của tất cả chánh
định, nếu người hay niệm tu tập tự nhiên dần dần được trăm ngàn Tam muội.
Nếu từ phút giây chúng ta luôn luôn không
theo vọng tưởng và sống được với bản tánh thanh tịnh của mình thì lần lần
sẽ được trăm ngàn tam muội, cho nên gọi đó là vua của Tam muội, cũng gọi
là Nhất Hạnh Tam muội, đều chỉ cho Như Lai Thanh Tịnh thiền.
Học kỹ năm cách tu thiền, chúng ta sẽ thấy
rõ đường lối tu không còn lầm lẫn nữa.
- Tổ Ðạt Ma chưa đến Trung Hoa, xưa nay
các nhà nhận hiểu đều là bốn thiến, tám định ở trước, chư vị cao Tăng tu
hành đều được công dụng. Ngài Nam Nhạc, Thiên Thai dạy y lý tam đế tu tam
chỉ quán, giáo nghĩa rất là viên diệu, nhưng cửa tiến vào có thứ lớp cũng
chỉ là hành tướng các thứ thiền ở trước.
Khi Tổ Ðạt Ma đến Trung Hoa, thì những vị
cao Tăng ở đây cũng tu thiền, nhưng các vị tu theo Tứ thiền là: Sơ thiền,
Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tám định là gồm Tứ thiền cộng với Tứ không
là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng Phi phi
tưởng xứ. Các vị cao Tăng tu theo thiền này đều được công dụng như ngài
Nam Nhạc, ngài Thiên Thai. Ngài Nam Nhạc tức là Huệ Tư thầy của Tổ Thiên
Thai. Hai vị đó chủ trương ý lý tam đế, tu tam chỉ là tam quán. Thường
thường trong nhà Phật chia ra: Chơn đế và Tục đế. Nhưng theo đường lối của
Tổ Nam Nhạc, Thiên Thai thì lại thêm một đế nữa là: Chơn đế, Tục đế và Ðệ
Nhất nghĩa đế. Các ngài căn cứ theo kinh điển Ðại thừa để lập ra một
phương pháp tu cho tông Thiên Thai và thường dẫn bài kệ trong luận Trung
Quán:
Nhơn duyên sở sanh pháp,
Ngã thuyết tức thị không.
Diệc danh vi giả danh.
Diệt danh trung đạo nghĩa.
Ngài Nam Nhạc ngộ bài kệ trên đây rồi y cú
vào đó mà chia ra tam quán.
Nhơn duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức
thị không, là các pháp do nhơn duyên sanh ra, ta nói nó là không (chữ ta
là chỉ các đức Phật).
Kinh Bát Nhã cũng nói: Các pháp do nhơn
duyên sanh tự tánh đều không. Vậy thì từ nơi hình tướng mà chúng ta y nơi
pháp nhân duyên nên thấy được tánh Không của các pháp. Ấy gọi là Không
quán..
Diệc danh vị giả danh(Cũng gọi là giả
danh). Vì tánh của các pháp là không, duyên hợp giả có, nên chỉ có giả
danh. Ấy gọi là Giả quán.
Diệc danh trung đạo nghĩa (Cũng gọi là
nghĩa Trung đạo). Biết các pháp tự tánh không, do duyên hợp giả có nên tâm
không mắc kẹt ở hai bên (có, không), nơi đây nhận ra bản tánh bất sanh bất
diệt, đó là nghĩa Trung đạo.
Không quán gọi là Chân đế, Giả quán gọi là
Tục đế, Trung quán gọi là Ðệ nhất Nghĩa đế. dùng ba pháp quán trên tu được
thành tựu thì tâm lặng hết vọng tưởng, ấy gọi là Tam chỉ; nhơn tam quán mà
được tam chỉ. Ðó là tông chỉ của ngài Nam Nhạc truyền đến ngài Thiên Thai.
Pháp quán này giáo nghĩa rất là viên diệu, tức là tròn đầy mầu nhiệm.
Nhưng vì chỗ tiến vào từ từ chớ không trực chỉ như Thiền tông nên nói hành
tướng như các thứ thiền trước.
- Duy chỗ truyền của Tổ Ðạt Ma đốn đồng
với Phật thể, khác xa các môn, cho nên người tập Thiền tông khó đạt được ý
chỉ, đạt được tức thành Thánh, chóng Bồ đề, không đạt được tức thành ma,
mau vào địa ngục đồ thán (tro than).
Chỗ truyền của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đốn đồng
với Phật thể. Tại sao đồng? Vì khi Phật ngộ đạo là ngộ đựợc bản tâm thanh
tịnh, chúng ta bây giờ tu kiến tánh cũng là ngộ bản tâm thanh tịnh. Chỗ
thấy thì đồng với Phật, nhưng Phật thành Phật là vì ngộ bản tâm rồi thì
loạn tưởng sạch hết; còn chúng ta ngộ được bản tâm cũng tròn đầy như vậy,
nhưng vọng tưởng phiền não chưa sạch, vì vậy chúng ta còn phàm phu. Ðứng
về thể thì đồng với Phật, về dụng thì chúng ta còn phải tu từ từ, ấy là
điểm khác xa. Cho nên đối với người tu theo Thiền tông rất khó đạt được ý
chỉ cao siêu này, nếu đạt được thì rơi vài địa ngục tro than. Vì vậy, tôi
thường nói thiền cũng như con dao bén, biết xử dụng thì rất lợi ích, không
biết thì tai hại vô cùng! Tại sao vậy? Vì chúng ta nhận ra tự tánh, không
theo vọng tưởng và sống với tự tánh thanh tịnh ấy. Nếu một đời chúng ta
làm không xong, thì cũng tỉnh táo để đời khác làm tiếp; còn người không
đạt được tự tánh, nghe nói không tội, không phước, không nhơn, không quả,
không thiện, không ác, hay đói ăn, mệt ngủ v.v... rồi chấp vào những lời
đó mà tha hồ thụ hưởng và không chịu tu hành, như vậy là sa vào địa ngục.
Tu thiền mà không nhận ra ý chỉ thì dễ lạc lắm. Nên khi soạn dịch những
cuốn sách Thiền, tôi không chịu giải thích, tùy ai đọc hiểu thì hiểu,
không hiểu coi như đọc chơn ngôn thần chú cũng được. Có nhiều người phàn
nàn: "Thầy dịch sách đọc không hiểu". Tôi biết, nhưng vẫn không giải
thích. Phải chăng tôi ích kỷ? - Không - Vì tôi thấy trường hợp Trúc Thiên
dịch sách thiền, chỗ nào khó là ông giải thích, cho nên một số thanh niên
thích lắm, nhưng rốt cuộc trở thành bịnh. Ðối với thiền khi nói đến chỗ
cứu cánh thì vượt ngoài vòng đối đãi tầm thường: không thiện, không ác,
đói ăn, mệt ngủ... Ðối với thanh niên bây giờ, không ưa ràng buộc, thích
cái gì làm cái nấy, họ cho đó là sống theo thiền, nếu thích mà không làm
là còn lẩn quẩn trong vòng tu thiện bỏ ác, còn tầm thường chưa phải là
thiền. Nếu hiểu thiền như vậy là dễ đi xuống địa ngục. Vì vô chấp là tâm
hết sạch vọng tưởng, sống phóng khoáng không còn bị cái nhìn nhị nguyên
chi phối, người ấy sống được với bản tánh nhất như. Chúng ta còn đầy ấp
vọng tưởng, đang bị phiền não phủ che mà nói là vô chấp, ưng chi làm nấy
đó là phóng túng làm theo dục vọng, theo bản năng chứ đâu phải sống theo
bản tánh. Cho nên trong bài Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán có câu: "Hào ly
hữu sai, thiên địa huyền cách". Nghĩa là sai một ly, đất trời xa cách. Tôi
đã từng nhắc nhở:
- Tu Thiền phải khéo léo, nếu hiểu lầm một
chút là tai họa. Thà là để cho người không hiểu, nếu hiểu thì hiểu cho
chín chắn, vì chỗ đó đó đẽ bị lầm lắm.
Mới nghe qua thấy dễ, tưởng chừng như sống
được, nhưng đến khi dụng tâm tu mới thấy khó. Nên ở đây tôi chủ trương
dịch sách không giải thích, để người mộ thiền muốn hiểu kỹ, tới hỏi, tôi
sẽ giải thích và hướng dẫn cho tu một cách tường tận.
- Chư Tổ trước ngại sự lầm lạc nên một
người truyền một người, đời sau có chỗ bằng cứ nên sự truyền bá rộng rãi.
Pháp truyền đã lâu thành tệ, lầm lạc khá nhiều, nên người học kinh nghi
báng cũng nhiều.
Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma sang Trung Hoa, ngài chỉ
truyền cho Tổ Huệ Khả và một ít vị thôi, vì sợ người hiểu lầm. Nhưng sau
này y cứ vào Ngữ lục và các Thiền sư trước, trong đó dạy rõ đường lối tu
hành nên mới truyền bá rộng rãi. Bây giờ chúng tôi dám nói rộng với quý vị
là vì căn cứ vào lời dạy của Phật trong kinh điển, lời dạy của Tổ trong
Luận, trong Ngữ lục và hành trạng của các thiền sư. Nhưng vì truyền pháp
đã lâu, nên thành tệ và lầm lạc khá nhiều khiến người đâm ra nghi báng
cũng nhiều.
ÐỐN GIÁO, TIỆM GIÁO
- Phật nói có đốn giáo, tiệm giáo. Thiền
mở bày có đốn môn, tiệm môn. Hai giáo và hai môn mỗi phần phù hợp nhau.
Nay người giảng pháp nghiêng giải giáo tiệm, người tu thiền nghiêng truyền
môn đốn, người giảng pháp, người tu thiền gặp nhau thì cách biệt như Hồ,
Việt. Tông Mật tôi không biết đời trước tại sao huân được tâm này: "mình
chưa giải thoát, muốn giải thoát cho người", vì pháp quên thân mạng, trong
tâm thương người thống thiết mỗi khi than: "người cùng pháp sai, pháp do
người thành bịnh". Nên riêng chọn trong Kinh, Luật, Luận, Sớ mở rộng cửa
giới, định, huệ, bày đốn ngộ giúp cho tiệm tu, chứng minh lời Tổ nói hợp
với ý Phật.
Kinh Phật dạy cũng chia ra giáo nhanh
chóng và giáo theo thứ lớp. Thiền tông cũng có pháp đốn, tiệm. Ðốn là chỉ
thẳng nơi tâm có bản tánh bất sanh bất diệt, y nơi đó khởi tu. Tiệm là có
thứ lớp, như Lục Diệu pháp môn: Sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn và diệt.
Tiệm tu xong pháp này rồi tới pháp kia qua nhiều tầng bậc mới xong việc.
Hai giáo và hai môn này đều phù hợp nhau, cứu cánh là đưa người tới chỗ
giải thoát. Nhưng lúc đó (thời ngài Khuê Phong) người giảng kinh thì
nghiêng về tiệm, người truyền thiền thì nghiêng về đốn. Cho nên hai bên
không hợp nhau, cách biệt như Hồ, Việt (xưa bên Trung Hoa hai nước Hồ,
Việt xung đột, không gần nhau được). Lúc bấy giờ, thấy tình trạng truyền
bá Phật pháp bế tắc, nên ngài vì pháp, quên thân mạng và khởi tâm đại bi:
"mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người", đó là tâm từ bi của
Bồ tát. Như vậy có trái với đạo lý không, vì mình tu chưa xong mà ra dạy
người?
Theo tinh thần của Thiền tông, có thể làm
thiện tri thức trong hai trường hợp: một là giải ngộ, hai là chứng ngộ:
1. Giải ngộ: là sau khi nhận ra nơi mình
có bản tánh bất sanh bất diệt, có thể làm thiện tri thức hướng dẫn người
khác tu. Cũng như người biết đường về nhà, mà chưa tới nhà, nhưng thấy anh
em bà con tìm đường về nhà mà không biết đường đi, người ấy dừng lại kêu
họ, chỉ dùm con đường về nhà. Ðó là trường hợp của ngài Khuê Phong, chưa
xong mà muốn làm lợi ích cho người nên phải ra giảng dạy.
2. Chứng ngộ: là trường hợp của đức Phật,
sau khi hoàn toàn xong việc, ngài ra giáo hóa chúng sanh.
Do thấy "Người cùng pháp sai, pháp do
người thành bịnh". Nên ngài rút gọn những lời dạy của của Phật Tổ trong
Kinh, Luật, Luận, Sớ đdể cho người sau biết được gốc mà tu hành. Và ngài
chứng minh lời của Tổ phù hợp với ý Phật.
Người cùng pháp sai là pháp Phật dạy một
đường, người thực hành một nẻo, nên tu không được lợi ích an lạc mà lại
thành bịnh. Khi A Hàm kể chuyện:
Một hôm có người ngoại đạo đến hỏi Phật:
- Này Cù Ðàm, giáo lý của ngài có Niết bàn
chăng? Nếu có, thì có người chứng được Niết bàn không?
- Giáo lý của ta có Niết bàn và có người
chứng được Niết bàn.
- Cù Ðàm đã chứng chưa?
- Ta đã chứng được.
- Nếu giáo lý của ngài có Niết bàn, ngài
đã chứng Niết bàn. Vậy tất cả đệ tử của ngài có được Niết bàn hết chăng?
- Ðệ tử của ta, có người chứng được Niết
bàn, có người không chứng được Niết bàn.
- Tại sao giáo lý của ngài có Niết bàn,
ngài đã chứng được, mà ngài dạy đệ tử có người chứng, người không chứng?
Phật hỏi lại:
- Ở đây có thành Vương Xá, vậy ông có biết
thành Vương Xá không?
- Dạ biết.
- Ông có rành đường đến thành Vuơng Xá
không?
- Dạ rành.
- Có thành Vương Xá và ông rành đường về
thành Vương Xá, giả sử có ông A và B nhờ ông chỉ dùm đường đến thành Vương
Xá, khi đó ông chỉ: đi thẳng tới ngã ba thì quẹo trái, đi một đoạn nữa tới
vườn hoa, bên kia vườn hoa là thành Vương Xá. Nhưng ông A đi tới ngã ba
thì quẹo tay mặt, như vậy ông A có tới thành Vương Xá không?
- Không?
- Ông B đi đúng theo lời ông chỉ. Vậy ông
B có tới thành Vương Xá không?
- Tới.
- Tại sao có thành Vương Xá, ông là người
biết rành đường về thành Vương Xá, ông chỉ đường cho hai người kia đi, tại
sao người đến, người không đến, lỗi tại ai?
- Lỗi tại người đi. Nếu người đi đúng theo
lời tôi chỉ thì tới, còn không y theo lời tôi chỉ thì không tới.
Ðức Phật kết luận:
- Ta cũng vậy,giáolý của ta có Niết bàn và
ta là ngưuời đạt tới Niết bàn, nhưng ta dạy đệ tử ai y theo lời ta dạy mà
tu thì đạt tới Niết bàn, nếu không y theo thì không đến, đâu phải lỗi tại
ta.
Ðó là người cùng pháp sai. Như chúng ta
học kinh Bát Nhã, nếu ứng dụng đúng theo lời Phật dạy, luôn luôn dùng trí
Bát nhã quán chiếu thì đâu có khổ. Nghe giảng thì hiểu, nhưng chúng ta có
bịnh hay quên, lúc quên thì phiền não dấy lên, lỗi tại chúng ta chứ đâu
phải tại lỗi tại Phật.
Pháp do người thành bịnh, vì người hiểu
lầm lời Phật dạy, thực hành không đúng nên thành bịnh. Có một nữ Phật tử
đi chùa, nghe quý thầy giảng về lý nhân quả:
- Ai ở đời này khổ là do đời trước tạo
nhân ác, ai gặp may mắn vui vẻ là do nhân đời trước làm lành.
Một hôm có người ăn mày vô nhà cô Phật tử
ấy xin, cô bảo người làm đuổi ra không cho. Người làm hỏi:
- Tại sao cô đi chùa mà không có lòng từ
bi bố thí cho người nghèo khổ?
Cô đáp:
- Tại kiếp trước ông ấy gieo nhân ác, bây
giờ để ông ấy khổ bù lại tội khi xưa, cho làm chi, ông trả quả không xong.
Người hiểu lý nhân quả và thực hành như
vậy là sai. Vẫn biết rằng người làm ác là gặt lấy quả khổ, đó là phần của
họ. Còn chúng ta là Phật tử đã học lý nhân quả, tại sao thấy họ khổ không
khởi lòng từ bi cứu giúp? Nếu gieo nhân lành thì sẽ hưởng quả tốt chứ có
mất mát đi đâu? Cô Phật tử lý luận như vậy là hiểu lầm lời Phật dạy, hay
muốn che đậy tâm bỏn sẻn của mình? Vậy ai là người hiểu pháp sai hãy tự
kiểm điểm lại.
Vì thấy những tệ trạng trên, nên ngài Khuê
Phong với lòng từ bi tha thiết, muốn làm lợi ích cho người, ngài đã quên
thân mạng, nghiên cứu rút gọn ý chỉ của Phật trong Tam tạng để chỉ bày thế
nào là giới, định, huệ cho người đốn ngộ khởi niệm tu. Ngài làm vậy là để
chứng minh lời Phật nói không khác với ý Tổ. Phật và Tổ dù cách bao nhiêu
kiếp, dù có khác ngôn ngữ, nhưng ý chỉ không khác.
- Ý có gốc ngọn, tùy đó chỉ bày nhưng văn
mênh mông khó tìm. Người học rộng tuy nhiều, kẻ vững chí rất ít. Huống là
dẫm chân lên danh tướng ai hay phân biệt vàng thau, luống tự nhọc nhằn
chưa thấy được cơ cảm.
Ý của Phật Tổ nói có gốc ngọn đàng hoàng,
nhưng văn từ quá nhiều, người học đạo khó tìm ra manh mối. Người đa văn
thì nhiều, kẻ vững chí tu hành thì ít. Người đa văn chỉ học trên danh
tướng nên không thể phân biệt cái nào gốc, cái nào ngọn để tu hành, cứ mò
mẫm trong Tam tạng giáo điểm rất nhọc nhằn mà không có chút phần tương
ưng.
- Tuy Phật nói: "Bi tăng là hành", nhưng
tôi tự lo ái kiến khó ngừa, bèn bỏ chúng vào núi tập tu định huệ, trước
sau bặt nghĩ, tính ra có mười năm.
Tuy nghe đức Phật nói lòng từ bi tăng
trưởng mà phát ra hành động. Ngài Khuê Phong mới giải ngộ đã ra giảng dạy
giáo hóa người. Nhưng ngài e rằng Ái kiến khó ngừa nên ngài bèn bỏ chúng
vào núi tu tập định huệ hết mười năm.
Bệnh ái kiến là sao? Ví dụ tôi phát tâm
dạy hai ba chục thiền sinh. Trong số đó chú nào có tánh tình dễ thương tôi
thương nhiều, mấy chú kia tôi thương ít. Sự thiên lệch đó là ái kiến. Cũng
như các Sư cô nuôi mấy em mồ côi, ban đầu nuôi chúng vì lòng từ, nhưng
nuôi lâu thấy đứa nào kháu khỉnh đễ thương thì thương như con. Lúc đó lòng
từ bi đã biến thành ái kiến. Từ bi thì hợp với sự tu hành, nhưng ái kiến
là bệnh nên phải ngừa.
Ngài Khuê Phong, trước vì lòng từ bi ra
giảng dạy cho người bớt đấu tranh với nhau. Ngài đã giải ngộ rồi còn sợ
làm một lúc sanh bệnh ái kiến, nên phải bỏ chúng vào núi để tu cho tâm
lặng hết các vọng tưởng, tính ra đến mười năm. Chúng ta thấy người xưa hết
sức dè dặt, lượng được khả năng của mình là lo ngừa trước, chứ không phải
như chúng ta bây giờ, đạo lực chưa tới đâu, kiến giải còn nông cạn mà lo
giáo hóa người này, dạy dỗ người kia, ra vẻ ta đây là thầy thiên hạ chỉ là
bịnh.
- Tình tập vi tế khởi diệt rõ ràng nơi
định huệ, pháp nghĩa sai biệt la liệt thấy trong tâm không ánh sáng chiếu
qua kẻ hở thấy bịu bặm lăng xăng, hồ nước lóng trong nhìn dưới đáy thấy
hiện hình vạn tượng.
Khi tu, tâm được thanh tịnh rồi thấy rõ
ràng những vọng tưởng nhỏ nhiệm khởidiệt lăng xăng, như ánh sáng chiều qua
kẽ hở thấy bịu bặm lăng xăng. Ánh sáng dụ cho định huệ, buị bặm dụ cho
vọng tưởng nhỏ nhiệm. Tâm chưa yên chúng ta chỉ thấy được vọng tưởng thô,
khi tâm thanh tịnh rồi mới thấy được những vọng tưởng vi tế lăng xăng.
Chẳng khác nào mặt biển khi gió dừng, những lượn sóng to đã hết, nhưng
những lượn sóng nhỏ lăn tăn vẫn còn. Và khi tâm đã thanh tịnh thì đọc kinh
sách là hiểu và hiểu rất rành rẽ chính xác, không còn ngờ vực điều gì nữa.
Nghĩa lý sai biệt hiện bày rõ ràng.
Nói về Phật Tổ cách xa, quý vi hơi khó
tin, căm cứ nơi tôi mà nói thì rất gần gũi với quý vị. Nếu đem so sánh sở
học của tôi vớicác thầy, bè bạn, thì tôi thua nhiều vì tôi học ít lắm, chỉ
học có mười năm ở Việt Nam, còn thầy Huyền Vi, thầy Thiền Ðịnh ngoài mười
năm chung học với tôi, các thầy đi Ấn Ðộ, Nhật Bản học năm mười năm nữa.
So sở học, hai thầy ấy hơn tôi hai ba lần. Nhưng tại sao bây giờ tôi dám
ra giảng kinh luận và chỉ dạy cho quý vị tu? Vì tôi nhờ có một giai đoạn
ngồi yên để tu, có tu thì tâm mới thanh tịnh và thấy được những cái dốt
của mình. Ngày xưa, khi giảng kinh Kim Cang đến chỗ Tam luân không tịch,
Phật dạy kẻ bố thí không thấy mình là người hay thí, kẻ khác là người thọ
thí và không thấy vật đem ra bố thí. Tôi lắc đầu than :
- Kinh Ðại thừa dạy cao siêu khó tu quá,
tu không được thì làm sao thành Phật.
Tôi bị bế tắc ngay đó. Tôi nghĩ kinh Ðại
thừa chi để trên gác thờ lạy thôi, chứ không áp dụng tu được. Lúc đó tôi
lại thân cận với Thượng tọa Minh Châu. Thượng tọa đưa cho tôi bộ A Hàm để
đọc, tôi thích quá và nghĩ rằng:
- Mình nên áp dụng kinh A Hàm tu theo Tiểu
thừa, chớ áp dụng kinh Ðại thừa nói không hiểu và làm cũng không được.
Sau nhập thất tu, tôi sáng ra và nhận thấy
rằng kinh Ðại thừa là quí báu, Phật dạy bố thí với tinh thần Tam luân
không tịch là khi bố thí không thấy có mình, không có người, không thấy có
vật. Tức là dùng trí huệ Bát nhã quán chiều năm uẩn tự tánh là không, thì
thân năm uẩn là không, vật do tứ đại giả hợp mà có nên tự tánh cũng không.
Quán chiếu như vậy, ba điều không tịch chớ không phải thấy bằng mắt thịt,
thấy có ta, người và vật. Mắt thấy có hình tướng rõ ràng, làm sao gọi là
không tịch? Cho nên tôi nói:
- Chủ trương của tôi là ngu dân.
Nghĩa là phải bỏ hết mọi kiến thức. Ngồi
gạn lọc những cặn bả của tự tâm khi yên lặng chúng ta sẽ phát minh ra
những cái mới, và hết những ngu dốt của chúng ta khi xưa. Sau này khi ra
giảng kinh Kim Cang, tôi lạy Phật sám hối những ý nghĩ ngu ngốc của tôi
ngày xưa đã cho kinh điển Ðại thừa là vô dụng.
Sở dĩ dẫn chứng trường hợp của tôi là để
quý vị thấy lời ngài Khuê Phong nói là chân lý. Khi tâm chúng ta thanh
tịnh, dù có nói thế gian pháp cũng thành Phật pháp. Người sống được với
trí huệ thì sự nhận định, nói năng hay làm việc của họ rất chính xác không
lầm lẫn. Tâm thanh tịnh cũng như hồ nước lặng trong, muôn hình vạn tượng
đều hiện rõ ràng. Như câu chuyện của Hòa thượng ở Phú Yên tôi đã kể trong
đoạn trước, khi tâm ngài thanh tịnh rồi, muốn biết là biết liền, biết rất
chính xác. Còn chúng ta vì vọng niệm quá nhiều, phủ che chơn tánh nên có
khi việc đến trước mắt mà nhận định cũng sai lầm.
- Ðâu có thể so với kẻ tu thiền say mê giữ
không yên lặng, người huệ điên cuồng chỉ tìm trong văn nghĩa.
Có nhiều người ham tu, nghe nói tu thiền
là giữ tâm yên lặng, họ ngồi thiền cứ giữ tâm không ngơ, không biết cái gì
hết, đó là thiền si mê. Vì sao? Vì thiền chủ trương yên lặng mà biết, chứ
yên lặng mà không biết là rơi vào không ngơ. Tôi ví dụ như có người bỏ nhà
đi hoang đã lâu, quên đường về nhà, nay dò dẫm tìm được đường về, nhưng
lại quên số nhà, khi đến trước cổng mà vẫn không dám vô nhà. Biết đường về
nhà mà quên số thì dù có tới nhà vẫn không vào được trong nhà. Nếu nhớ số
nhà thì tới cửa biết chắc đây là nhà của mình, bấm chuông cửa mở và an
nhiên bước vô nhà không ngại gì hết. Cũng vậy, khi chúng ta ngồi thiền,
biết vọng tưởng dấy lên là che đậy tâm tánh, khi vọng tưởng lắng xuống
biết đó là chơn tánh sáng suốt hiện bày. Trong nhà thiền thường nói:
- Do cửa không mà vào được trong nhà và
thấy ông chủ.
Như vậy, đồng thời tu thiền nếu người giữ
tâm không vọng tưởng, nhưng không biết gì ấy là "thiền si mê". Còn người
vọng tưởng không khởi nhưng thường biết rõ ràng ấy là giác. Nếu tu lệch
một tí là sai tông chỉ. Cho nên, học đạo là phải có thầy, kẹt chỗ nào vị
thầy ấy khai thông cho. Còn không, tu riết rồi lạc, hoặc thối chí ngã
lòng. Người nào đi sâu vào thiền định mới thấy rõ chỗ này.
Lại có người tu thiền khi nghe giảng, hoặc
xem kinh Phật, thấy câu nào hay rồi ghi nhớ, tới giờ ngồi thiền đem ra suy
nghĩ, nghiền ngẫm hoài. Hoặc phát minh điều gì mới lạ, rồi viết lách giải
thích, đó là huệ điên cuồng, không bao giờ thấy được Phật tánh, Vì cứ lo
tìm trong văn nghĩa, làm sao thấy được chơn tánh bất sanh bất diệt của
mình?
] |