NGUỒN THIỀN GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

THIỀN GIÁO SONG HÀNH

Nhưng gốc nhơn liễu đạt mới biện các giáo nghĩa, nên lòng tha thiết tâm tông. Lại, nhơn biện các giáo nghĩa mà hiểu tu tâm, nên chí thành giáo nghĩa.

Do nhơn ban đầu liễu đạt được tự tâm và sau ngài xem kinh hiểu rành giáo nghĩa nên lòng mới tha thiết với thiền, và cũng nhơn hiểu rành giáo nghĩa, ngài nắm vững được phương pháp tu tâm, vì vậy ngài hết sức quý trọng kinh. Ðối với ngài, Thiền và Giáo đều tu nên chủ trương của ngài gọi là Thiền Giáo song hành. Như ở đây tu thiền mà tôi đem kinh ra giảng dạy, đó cũng là đường lối Thiền giáo song hành vậy.

- Giáo là kinh luận do Phật, Bồ Tát lưu truyền. Thiền là kệ tụng do thiền sư thuật lại. Kinh Phật thì mở rộng mênh mang đến một ngàn tám trăm bộ (1800), kệ thiền thì tóm lược tùy hợp căn cơ người phương này. Mênh mang thì thênh thang khó tựa, hợp căn cơ thì chỉ thẳng dễ dùng. Nay biên soạn ý nơi đây vậy.

Giáo là kinh luận do Phật nói, Bồ Tát lưu truyền, nhưng kinh thì nhiều vì Phật nói rộng, người đọc khó lãnh hội được những điều cơ bản. Còn kệ tụng của các thiền sư thì gọn vì các ngài tùy căn cơ của mỗi người nói ra, cho nên dể ứng dụng, vì lẽ đó ngài mới biên tập bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập, nhằm vào ý gom lời của Phật Tổ lại rút ra những điều cơ bản để cho người đọc hiểu và y cứ nơi đó tu hành.

- HỎI: Nói tóm lược thì văn phải gọn, nghĩa phải đầy đủ, lẽ ra phải rút gọn nhiều nghĩa trong một ít văn. Vả lại, chư Phật nói kinh đều đủ: Pháp, nghĩa, nhơn, quả, tín, giải, tu, chứng. Tuy thế giới mỗi nơi có khác hóa nghi không đồng, nhưng chỗ lập giáo đều đủ những điều này, cho nên kinh Hoa Nghiêm mỗi hội mỗi vị đều kết: "Thế giới trong mười phương thảy đồng thuyết này". Nay xem biên tập lời các thiền gia phần nhiều là tùy hỏi, gạn lại, vừa lập vừa phá, không có mối manh, không thấy thủy chung, đâu được gọi là tóm lược Phật giáo.

Phàm nói đến kinh Phật thì phải đủ tám điều kiện: Pháp, nghĩa, nhơn, quả, tín, giải, tu, chứng mới gọi là kinh. Như Kinh Hoa Nghiêm, mỗi Bồ Tát nói xong một thời pháp kết luận rằng: "Thế giới trong mười phương thảy đồng thuyết này". Ở đây, ngài dẫn lời các thiền sư thì không đầu, không đuôi, không thủy, không chung làm sao đủ tám điều kiện đó mà gọi là tóm lược Phật giáo?

- ÐÁP: Phật ra đời lập giáo cùng thiền sư tùy xứ độ người, sự thể mỗi bên có khác. Phật dạy thì muôn đời lấy làm bằng cứ, lý phải hiển bày. Thiền sư dạy chính tại nhất thời độ thoát, ý ở huyền đạo (đạo nhiệm mầu). Huyền đạo ắt phải quên lời, nên nói ra không lưu dấu vết, dứt dấu vết nơi đất ý thì lý hiện ra ở nguồn tâm; tức là tín, giải, tu, chứng không làm mà tự nhiên thành tựu. Kinh, luật, luận, sớ không học tập mà tự nhiên thầm thông.

Lời Phật dạy là mẫu mực cho muôn đời, bộ kinh nào cũng có đủ: Giáo, lý, hạnh. Còn các thiền sư chỉ nhắm vào việc:"Nhứt thời độ thoát" cho người. Như người đang mê chấp, thì thiền sư chỉ nhắm vào chỗ mê chấp của người mà phá chấp. Sở dĩ các ngài làm thế, là muốn cho người buông bỏ chấp trước mà nhận ra chỗ huyền đạo. Huyền đạo là chỉ cho bản thể thanh tịnh của mỗi người. Thiền sư không cho người hỏi mắc kẹt trên ngôn ngữ, chỗ ấy là phải quên lời nên nói: "Dứt dấu vết nơi đất ý thì lý hiện ở nguồn tâm".

Có người đến hỏi một thiền sư:

- Thế nào là đạo?

Ngài đáp:

- Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?

Ngài trả lời không dính dáng gì với câu hỏi. Tại sao vậy? Nếu trả lời đạo là thế này hay thế kia thì người nghe duyên theo lời giải thích sẽ khởi niệm suy nghĩ. Các ngài muốn người hỏi bặt hết suy tư, huyền đạo là ở chỗ đó. Trả lời mà không trả lời. Ai có nếm thiền vị rồi mới thấy được chỗ này, còn không thì thấy lạ lùng khó hiểu. Có khi lầm cho các ngài là người mất trí nữa.

Khi bắt đầu ra hướng dẫn tu thiền, tôi có nghĩ đến điều đó. Nếu tôi nói như các thiền sư, chắc người đời cho tôi điên và chẳng ai dám tới học đạo. Do đó, tôi đem kinh, luận giảng dạy, nhờ nghe kinh quý vị tỏ được lý thiền. Thiền sư Trường Sa có nói lời này: "Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì pháp đường cỏ lên tới một trượng".

Vì vậy, các thiền sư tùy phương tiện nói đông, vẽ tây cho người hiếu học ham tu, chứ thật ra chỗ cứu cánh của thiền là không thể dùng ngôn ngữ diễn tả.

- Vì thế, có hỏi phương pháp tu hành, liền đáp: "Không tu", có cầu giải thoát, liền gạn lại: "Ai trói buộc". Hỏi con đường thành Phật, liền bảo: "Không có phàm phu", hỏi khi sắp chết được an tâm, liền bảo: "Xưa nay không có việc"; hoặc cũng bảo đây là vọng, đây là chơn, dụng tâm như thế, dứt nghiệp như thế. Tóm tắt nói: chỉ là tùy việc đương thời ứng hợp cơ đương thời, đâu có pháp nhứt định tên A Nậu Bồ Ðề, đâu có hạnh nhứt định tên Ma Ha Bát Nhã, chỉ cốt tình không khởi ý, ý không suy tính, tâm không pháp sanh, huệ không có chỗ trụ, tức là chơn tín, chơn giải, chơn tu, chơn chứng"

1. Hỏi phương pháp tu hành, liền đáp: "Không tu".

Một hôm, có quan đại phu họ Mã, đến hỏi ngài Triệu Châu:

- Hoà thượng gần đây tu hành thế nào?

Ngài đáp:

- Nếu nói tu là tai họa.

2. Cầu giải thoát, liền gạn lại: "Ai trói buộc".

Tứ Tổ Ðạo Tín khi còn là Sa di, gặp ngài Tam Tổ Tăng Xán, ngài thưa:

- Xin Hòa thượng dạy cho con pháp giải thoát.

Tam Tổ nhìn thẳng vào mặt ngài hỏi:

- Ai trói buộc ngươi?

Tứ Tổ liên ngộ đạo.

3. Hỏi con đường thành Phật, liền bảo: "Không có phàm phu" v.v...

Ðó là lối đáp có truyền thống hẳn hòi. Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Phẩm Chúc Lụy, Lục Tổ dạy đệ tử sau này nếu có ai hỏi đạo thì cứ theo từng cặp đối đãi mà đáp. Hỏi "Có", đáp "Không", hỏi "Tối", đáp "Sáng" v.v... Ví dụ hỏi: Thế nào là tối? Ðáp: Không sáng. Trả lời hết sức gọn, người nghe không hiểu, nhưng người nào lanh lẹ sẽ nhận ra ý chỉ. Vì tối nhơn sáng mà có, ấy là pháp đối đãi không thật, hai cái đuổi nhau. Không sáng ắt là tối. Nếu thấy được các pháp không thật thì chúng ta ngộ được lý: "Các pháp duyên sanh như huyễn". Còn nếu xác định nghĩa của nó, càng làm cho người thấy nó thật và chìm trong si mê. Theo thói quen, cái gì chúng ta cũng muốn định danh, giải nghĩa cho rành rẽ, càng rành rẽ là càng hay. Hỏi thế nào là cái đồng hồ? Chúng ta liền giải thích: cái đồng hồ là vật chỉ thời gian, nó hình tròn hoặc vuông, có ba kim v.v... Giải thích như vậy, người nghe cứ tưởng cái đồng hồ là vật thiệt có. Phật Tổ dạy: "Thấy các pháp không đúng như thật là si mê".

Vì không muốn cho chúng ta kẹt trong si mê, nên các ngài chủ trương, thà để cho chúng ta không hiểu, chứ không cam cho chúng ta si mê. Học đạo khác hơn học thế gian ở chỗ đó. Nhưng không phải một bề các ngài nói vậy, có khi vì phương tiện, các ngài cũng nói đây là chơn, kia là vọng và tu phải dụng tâm như thế nào để dứt nghiệp. Chỉ tùy việc đương thời ứng hợp với căn cơ của chúng sanh. Nên ở đây ngài Khuê Phong dẫn: "Không có pháp nhất định tên A Nậu Bồ Ðề, không có hạnh nhất định tên Ma Ha Bát Nhã".

Chỉ cần bặt ý, hết suy tư, tâm không khởi vọng tình, không trụ ở một pháp nào, ấy là chơn tín, chơn giải, chơn tư, chơn chứng.

- Nếu người không rõ tự tâm, chấp kinh điển muốn cầu Phật đạo, chỉ thông hiểu chữ nghĩa để xem kinh, trọn không chứng ngộ; thông văn, giỏi nghĩa chỉ nuôi thêm lớn tham sân. Ngài A Nan học rộng nhớ nhiều mà lâu năm vẫn không lên quả Thánh. Người dứt duyên phản chiếu, tạm thời liền chứng vô sanh. Nên biết sự lợi ích của thừa giáo và phương pháp độ người mỗi cái có nguyên do riêng, không nên căn cứ văn tự chỉ trích.

Nếu người không tỏ ngộ tự tâm, chỉ y cứ vào kinh điển để cầu Phật đạo, gọi là người hiểu nghĩa theo kinh, trọn không chứng ngộ. Tại sao vậy? Trong kinh Phật có dạy: "Lời ta nói là ngón tay chỉ mặt trăng, nếu chấp ngón tay là mặt trăng thì trọn không thấy mặt trăng thật".

Nhưng chúng ta bây giờ học Phật, đa số ôm kinh điển, học đến đau đầu loạn tưởng, mà không đem ý Phật dạy trong kinh ra áp dụng tu hành. Ở đây ngài Khuê Phong quở:

- Văn tự giỏi, nghĩa lý hay chỉ nuôi thêm lớn tham sân.

Ngài dẫn chứng ông A Nan học rộng nhớ giỏi, theo Phật nhiều năm nghe pháp nhớ không sót một lời, như nước rót từ bình này sang bình kia không rơi ra ngoài một giọt. Ða văn như vậy nhưng đến khi Phật nhập Niết bàn, ông vẫn chưa chứng quả. Trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhứt, ngài Ca Diếp mời những vị A La Hán vào hội kết tập, ông chưa chứng quả Thánh nên không được dự, buồn tủi, ra ngoài rừng ngồi tham thiền đắc quả A La Hán mới được mời vào. Chúng ta nên biết, thấy đạo không phải do ở chỗ nhớ giỏi, mà do tâm không dính mắc các duyên bên ngoài, tự quay lại mình thật kỹ, đây gọi là "Dứt duyên phản chiếu". Lời Phật dạy trong kinh điển là thừa giáo, phương pháp độ người chỉ thẳng là của các thiền sư, mỗi bên đều có ý nghĩa và lợi ích tùy theo căn cơ của từng người. Do đó, ngài Khuê Phong khuyên người sau không nên cố chấp vào văn tự chỉ trích lẫn nhau.

- HỎI: Ðã chú trọng đắc ý, không quý văn tự thì cần gì biên tập những câu kệ này?

- ÐÁP: Biên tập có hai ý:

1. Có những vị đọc kinh được ngộ mà không quyết chắc, lại không gặp thiện tri thức, mỗi chỗ gạn hỏi để ấn chứng, khi xem khắp quyển này thấy lời nói ý nghĩa của các thiền sư, được tâm thông suốt, các niệm dứt sạch.

2. Vì những vị đã giải ngộ muốn làm thầy người, giúp họ kiến văn được rộng, thiện xảo thêm nhiều, y chỗ hiển thông suốt tất cả, dùng vấn đáp để truyền dạy. Như trước nói: "Mênh mông thì thênh thang khó nương, hợp căn cơ tức chỉ thẳng dễ dùng"

Sở dĩ ngài Khuê Phong biên tập bộ Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập là có hai lý do:

1. Có những vị tu thiền do đọc kinh ngộ bản tâm nhưng không tin chắc chắn, vì không gặp được thầy ấn chứng. Khi xem quyển này, nhờ ý nghĩa lời nói của các thiền sư, tâm được thông suốt và dứt sạch vọng niệm.

2. Vì những vị đã giải ngộ, tức là nhờ nghe lời nói của một vị thiền sư, hay nhờ xem kinh mà nhận ra nơi mình có chơn tánh bất sanh bất diệt, muốn đem cái thấy biết của mình để dạy cho người, nhưng chưa có kiến giải sâu rộng. Ngài muốn giúp cho họ mượn lời của các thiền sư làm phương tiện dạy cho người thông suốt. Như trước đã nói: Kinh Phật thì quá rộng, còn lời nói các thiền sư thì gọn và chỉ thẳng dễ dùng.

Nhưng, không chỉ giúp cho môn quên lời (thiền) mà cũng gồm bày chỗ lợi ích của kinh giáo, chẳng những khiến ý hợp với Phật, mà cũng muốn văn hợp với kinh. Văn ( của các thiền gia) in tuồng như trái mà khiến cho phù hợp với kinh, thật là việc không phải dễ, phải phán xét hết tạng kinh Ðại thừa, Tiểu thừa, quyền, thật, lý liễu nghĩa, không liễu nghĩa, mới có thể ấn định chỉ thú của mỗi tông trong thiền môn không trái với ý Phật. Nghĩa là tạng kinh, luận quy hợp lại làm ba thứ, lời dạy trong thiền môn quy hợp làm ba tông, phối hợp với nhau cho đúng mới thành cái thấy viên mãn.

Kinh Phật thì chỉ bày quá rộng, còn lời Tổ thì vì phá chấp cho người nên gọn và khó hiểu. Ðem lời Tổ phối hợp với kinh Phật thì khó! Vì vậy ngài Khuê Phong phải đọc hết ba tạng kinh, luật, luận mới phối hợp được. Như hỏi: "Thế nào là giải thoát". Ðáp: "Ai trói buộc ngươi?". Mới nghe qua câu này chúng ta thấy nó không dính dáng gì với kinh, nhưng xét kỹ thấy có liên hệ. Kinh Ðại thừa thường nói: "Nghiệp chướng không thật, vì do vọng tưởng, nên thân miệng mới tạo nghiệp, thân miệng không thật thì nghiệp đâu có thật, nghiệp không thật thì có thể đổi được".

Nếu cho nghiệp thật trói buộc chúng ta thì vô tình chúng ta đã đeo mang một sự lầm lẫn không gỡ ra được. Khi nghe hỏi: "Ai trói buộc ngươi?". Giật mình nhìn lại thấy nghiệp không thật nên ngay đó liền giải thoát. Như vậy lời nói của ngài rất là công phu. Rất tiếc, chúng ta không có đủ bộ một trăm quyển để học, mà chỉ học được bài tựa này.

BIỆN MINH PHƯƠNG TIỆN

- HỎI: Nay biên tập lời nói của các thiền gia đâu quan hệ gì đến kinh luận?

- ÐÁP: Phải biết chỗ quyền thật của kinh, luận mới biện biệt được lẽ phải quấy của thiền gia. Lại phải biết tâm, tánh, tướng của thiền gia mới hiểu được sự lý của kinh, luận. Có mười lý do:

1.- Thầy có gốc ngọn, nương gốc để ấn định ngọn.

2.- Thiền có các tông trái ngược nhau.

3.- Kinh như dây mực để thẩm định tà chánh.

4.- Kinh có quyền, thật phải y liễu nghĩa.

5.- Lượng có ba thứ phải phối hợp cho đúng.

6.- Nghi có nhiều thứ phải giải quyết cho hết.

7.- Pháp nghĩa không đồng phải khéo nhận biết.

8.- Tâm thông cả Tánh, Tướng, tên đồng mà nghĩa khác.

9.- Ngộ tu có đốn tiệm, nói dường như trái nhau mà phù hợp.

10.- Thầy dạy có phương tiện phải biết thuốc biệt bịnh.

Sau đây, ngài giải thích từng lý do một:

1.- Thầy có gốc ngọn, nương gốc để ấn định ngọn: Vị thủy tổ của các tông tức là đức Phật Thích Ca. Kinh là lời dạy của Phật. Thiền là ý của Phật. Chư Phật tâm và miệng ắt không trái nhau. Chư Tổ truyền thừa "Cội gốc" là Phật. Phật phó chúc cho Bồ Tát tạo luận là "Ngọn".

Tất cả tông phái trong đạo Phật đều nhìn nhận đức Thích Ca Mâu Ni là vị thầy chung. Kinh là từ nơi miệng Phật nói ra, tâm Phật chứng ngộ gọi là thiền. Chúng ta tu y theo kinh là y theo lời Phật nói, y theo thiền là ngộ được tâm Phật. Như vậy, tâm và miệng Phật đâu có khác nhau. Nghĩa là kinh nói để làm sáng tỏ thiền, tu thiền để thấy được ý kinh. Nếu nói ngoài kinh có thiền thì không hợp vậy. Các vị Tổ truyền thiền đều gốc từ Phật. Phật phó chúc rồi Bồ Tát sau này tạo luận ấy là ngọn.

- Huống là từ Tổ Ca Diếp cho đến Tổ Ưu Ba Cúc Ða hoằng truyền đều gồm cả ba tạng. Từ Bồ Ðề Ða Ca về sau nhơn Tăng khởi tranh luận nên có giáo hạnh riêng. Từ nước Kế Tân đến nay, nhân nạn vua nên kinh, luận phân hóa.

Như chúng ta đã biết, vị Tổ đầu tiên được đức Phật truyền thiền là Tổ Ca Diếp, kế đến là ngài A Nan, rồi lần lượt đến các ngài Ưu Ba Cúc Ða, các tổ đều thông cả ba tạng và ngộ thiền. Như vậy, kinh và thiền song song, không truyền thiền ngoài kinh. Nhưng sau đó, do có sự tranh luận của chúng Tăng nên mới chia Thiền tông riêng. Lại thêm nạn vua chúa nên kinh, luận bị phân hóa thất lạc, hoặc bị thiêu đốt v.v...

- Khoảng giữa đó có Tổ Mã Minh, Long Thọ tạo luận giải thích kinh đến vài ngàn bài kệ, xem phong tục mà cải hóa nhân tâm, không nhất định quy tắc. Nhưng chưa có người giảng kinh hủy báng người tu thiền, người tu thiền chê bai người giảng kinh. Tổ Ðạt Ma đắc pháp, thân hành từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa, thấy phương này người học phần nhiều chưa đắc pháp, chỉ dùng danh số làm giải, sự tướng làm hạnh. Ngài muốn chỉ cho biết mặt trăng, không phải ở ngón tay, pháp tâm là tâm của mình, cho nên chỉ dùng "Tâm truyền tâm, không lập văn tự", hiển bày tông để phá chấp nên có lời dạy, không phải lìa văn tự nói giải thoát. Vì thế có người nhận được ý chỉ, ngài liền khen ngợi kinh Kim Cang, kinh Lăng Già rằng: "Hai kinh này là tâm yếu của ta".

Hai vị Tổ trong Thiền tông cũng là hai vị Bồ Tát nổi danh trong lịch sử của Ðại thừa Phật giáo, đó là ngài Mã Minh và Long Thọ. Hai vị này y theo kinh Phật làm kệ giải thích có tới ngàn vạn bài. Như vậy, từ Tổ Ca Diếp tới Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma là Tổ thứ hai mươi tám của Thiền tông Ấn Ðộ, đều thông kinh Phật, cho nên chưa từng thấy hai bên chê bai chỉ trích lẫn nhau, kinh và thiền không rời nhau. Nhưng khi Tổ Ðạt Ma sang Trung Hoa thấy người học Phật nhiều, người ngộ đạo ít. Người học Phật cứ lo giải thích danh số và lấy các sự tướng bên ngoài làm hạnh tu, người nào giảng kinh rộng cho là ngộ đạo. Thật ra chỉ giảng trên danh tướng mà không ngộ được tông chỉ, không liễu đạt tự tâm. Tổ Ðạt Ma muốn chỉ cho họ thấy "Mặt trăng không phải ở ngón tay", vì để phá những lầm chấp văn tự của người phương này nên khi sang Trung Hoa, Tổ dõng dạc tuyên bố:

            Giáo ngoại biệt truyền,

            Bất lập văn tự.

            Trực chỉ nhơn tâm,

            Kiến tánh thành Phật.

Nghe nói :Giáo ngoại biệt truyền", có người cho rằng ngài truyền riêng ngoài kinh điển. Nhưng chủ ý của ngài là muốn phá kiến chấp sai lầm của người, cho rằng thông kinh hiểu nghĩa là ngộ đạo, cũng như người cho ngón tay là mặt trăng. Ngón tay dụ cho giáo là kinh, mặt trăng dụ cho thiền hay là tâm. Muốn thấy mặt trăng thật thì phải nhìn mặt trăng đừng nhìn ngón tay chỉ. Cũng vậy, muốn đạt tự tâm nương nơi kinh Phật để ngộ, kinh giáo không phải là tâm. Như vậy, nói ngoài giáo không có lỗi. Chủ đích của ngài là muốn cho người tu ngộ tự tâm chứ đừng kẹt trên chữ nghĩa.

Nhưng bây giờ người tu phần nhiều kẹt trên chữ nghĩa hơn là ngộ bản tâm thanh tịnh của mình. Thậm chí có người lấy thời khóa tụng làm sự nghiệp tu hành. Khi Phật còn tại thế, ngài và các đệ tử chỉ tọa thiền không có tụng kinh. Sau này chư Tổ bày ra sự tụng kinh là muốn mượn phương tiện cho người sơ cơ dừng vọng tưởng. Trong khi tụng kinh, tay gỏ mõ, tay đánh chuông, ý duyên vào lời kinh thì ba nghiệp được thanh tịnh. Nửa giờ hoặc một giờ ba nghiệp được thanh tịnh ấy là tu được nửa giờ hay một giờ. Nhưng người tu không tụng kinh với chủ ý đó, mà lại lấy sự tụng niệm làm sự nghiệp. Suốt một đời tu cứ sáng một thời công phu, chiều một thời Tịnh độ, còn bày cầu an, cầu siêu, cho kinh này linh, kinh kia không linh, loanh quanh lẩn quẩn bên ngoài sự tướng. Tự mình đã không lợi ích còn hướng dẫn người sai lầm nữa. Thật là đáng thương xót! Tụng kinh đâu có lỗi, lỗi tại không hiểu được ý kinh để áp dụng tu hành. Nương nơi kinh để thấy được bản tâm của mình ấy là người chánh tín, nương nơi kinh để cho ba nghiệp được thanh tịnh, ấy là người sơ cơ tu đạo.

Ở thiền viện, tôi dùng bài kinh Bát Nhã làm khóa lễ tụng mỗi ngày là chủ ý cho thiền sinh nương nơi lời kinh, hằng nhớ quán chiếu năm uẩn tự tánh là không. Khi tâm đã thuần thục rồi, thiền sinh không đến trước bàn thờ tụng kinh nữa mà đi, đứng, ngồi, nằm lúc nào cũng thấy năm uẩn đều không. Nếu không biết nương nơi kinh để tìm ra đường lối tu, cứ một bề lấy sự lễ tụng làm trên khi về già lễ tụng không nổi, thì lấy cái gì để nương? Như vậy, tu suốt cả đời không được lợi ích gì sao?

Nghe nói "Bất lập văn tự", có người không hiểu cho rằng Thiền tông chủ trương bác bỏ văn tự, là không đúng. Song, đọc trong Tục Tạng chúng ta sẽ thấy có đến hai mươi lăm quyển, mỗi quyển gồm mấy trăm trang nghi, nhưng Ngữ lục của chư Tổ như Lâm Tế ngữ lục, Tào Ðộng ngữ lục, Hoàng Bá ngữ lục... ngài nói "Bất lập văn tự" là để phá chấp cho những người chấp văn tự, và nói "Giáo ngoại biệt truyền" là để chỉ cho người "Mặt trăng không phải là ngón tay". Khi truyền pháp cho ngài Huệ Khả, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trao bốn quyển kinh Lăng Gia để làm tâm ấn. Tổ còn khen ngợi kinh Kim Cang, kinh Lăng Già: "Hai kinh này là tâm yếu của ta". Như vậy, Tổ không phủ nhận kinh điển.

- Thời nay, các đệ tử chấp kia đây mà quên gốc, người tu tâm (thiền) thì cho kinh luận là tông riêng. Người giảng kinh thì cho thiền môn là pháp khác. Nghe nói nhơn quả tu chứng bèn đẩy qua thuộc nhà kinh luận, đâu biết tu chứng chính là việc gốc của thiền môn. Nghe nói tức tâm là Phật bèn đẩy qua thuộc Thiền hông ngực (hung khâm), đâu biết tâm Phật chính là bản ý của kinh luận. Nay nếu không lấy chỗ quyền thiệt của kinh, luận để đối chiếu chổ sâu cạn của thiền tông, thì đâu có thể dùng giáo (kinh luận) chiếu tâm (thiền), dùng tâm hiển giáo

Thời ấy người tu không thông cho thiền và kinh khác nhau, nói đến nhơn quả tu chúng thì cho đó thuộc về những vị giảng kinh luận, không biết tu chứng là điểm chính yếu của các vị tu thiền. Vị thủy tổ của chúng ta là đức Thích Ca Mâu Ni do tu thiền định mà đắc đạo. Và trong lịch sử Phật giáo Tiểu thừa cũng như Ðại thừa, các vi A La Hán và Tổ sư đều do tu thiền mà chứng đạo. Nghe nói tức tâm là Phật bèn cho đó thuộc về thiền hông ngực. Thời ấy cũng có nhiều vị tu thiền mà không chịu học kinh, nên không hiểu lý kinh, mở miệng nói thiền thì đặt tuồng bụng, không hợp với kinh điển, do đó những vị Sư thông kinh cho những vị Sư tu thiền dốt, ấy là thiền hông ngực. Cả hai đều có chỗ để chê nhau chứ không chịu dung hội mà bổ khuyết cho nhau. Ðâu biết rằng, chủ yếu của kinh luận là chỉ bày cho chúng ta thấy được bản tâm. Nên ngài Khuê Phong mới chủ trương dùng kinh để hiểu thiền và dùng thiền làm sáng tỏ ý kinh. Hai bên hỗ tương chớ không thể tách rời nhau được.

2.- Thiền có các tông trái ngược nhau: Nay biên lời thuật gần đến trăm nhà, nhưng tông nghĩa riêng biệt vẫn đến mười vị: Giang Tây (Ðạo Nhất), Hà Trạch (Thần Hội), Bắc Tú (Thần Tú), Nam Săn (Trí Săn), Ngưu Ðầu (Pháp Dung), Thạch Ðầu, Bảo Ðường, Tuyên Thập và Châu Na, Thiên Thai...

Tuy sách này biên lời thuật gần đến một trăm nhà, nhưng tông nghĩa riêng biệt. Ngài nêu lên mười vị, có những vị là môn đồ của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, có những vị không phải, ngài cũng gom vào tập sách này. Sự lập tông truyền pháp của các ngài có nhiều phương tiện khác nhau. Người học mới nghe qua đường như chống nhau. Nhưng sự thực không hẳn vậy.

- Lập tông truyền pháp trái ngược nhau, có vị lấy "Không" làm gốc, có vị lấy "Tri" (biết) làm nguồn, có vị bảo "Vắng lặng mới là chơn", có vị nói "Ngồi, đi đều phải", có vị nói "Hiện nay sớm chiều phân biệt tất cả đều vọng", có vị bảo "Phân biệt tất cả đều chơn", có vị nói "Muôn hạnh đều còn", có vị bảo "Ðến Phật cũng mất", có vị phóng nhậm chí mình,có vị câu thúc tâm mình, có vị lấy kinh luật làm chỗ y cứ, có vị cho kinh luật là chướng đạo. Không những các vị nói phiếm mà lại bàn chính xác, chính xác hoằng truyền tông của mình, chính xác hủy báng các tông khác, đâu có thể hòa hợp được.

Ngài nêu lên sự lập tông truyền pháp sai biệt của mười vị này:

- Có vị lấy "Không làm gốc: ngài Thạch Ðầu nói tất cả các pháp đều không.

- Có vị lấy "Tri" (biết) làm nguồn: ngài Thần Hội ở Hà Trạch nói: "Tri như nhất tự chúng diệu chi môn", nghĩa là một chữ biết là cửa muôn hạnh.

- Có vị bảo "Vắng lặng mới là chơn": đó là đường lối của ngài Thạch Sương Khánh Chư, ngài dạy đồ chúng ngồi thiền cho yên lặng.

- Có vị nói "Ngồi, đi đều phải": đây là đường lối của ngài Mã Tổ ở Giang Tây.

- Có vị nói "Hiện nay sớm chiều phân biệt tất cả đều vọng": đó là chủ trương của ngài Thạch Ðầu Hy Thiên...

Ðây, tôi dẫn chứng hai vị thiền sư của hai dòng thiền là huynh đệ cùng phát nguồn từ Lục Tổ, mà chủ trương lại khác nhau:

Ngài Thạch Ðầu nói: "Hiện nay sớm chiều phân biệt tất cả đều vọng".

Ngài Mã Tổ nói: "Phân biệt tất cả đều chơn".

Tôi xin giải thích chỗ không khác của hai ngài trong lối nói ngược nhau này:

a.- Chủ trương của Thạch Ðầu là "Loại ra". Ngài nói: Hiện nay tất cả phân biệt và mọi hành động, đi, đứng, nằm, ngồi của chúng ta đều do vọng tưởng. Biết rõ nó là do vọng nên tâm không chạy theo, không dính mắc ở hai bên, hằng sống với tâm thể lặng lẽ như như.

b.- Chủ trương của Mã Tổ là "Thu vào". Ngài cho rằng: Tất cả việc đi, đứng, nói năng của chúng ta đều là chơn. Vì do vọng tưởng không có tự tánh, do tâm mê nên nó dấy lên. Cũng như sóng, không có tự tánh, do gió thổi nên mới có sóng dậy. Nhìn trên hình tướng, bao nhiêu lượn sóng chúng ta thấy nó sai biệt, nhưng thể nó đều là nước. Ngay nơi sóng, biết là nước thì có lỗi gì? Cũng vậy, tất cả vọng tưởng nói năng đều từ chơn tâm hiện, ngay nơi vọng biết nó là chơn, đâu có lỗi. Nếu chúng ta thấy người, thấy vật đều biết không ngoài chơn tâm hiện, thì có đem chơn tâm phân biệt hay không? Nếu không khởi phân biệt thì tâm hằng lặng lẽ như như.

Hai lối nói của hai ngài coi như ngược nhau mà lại gặp nhau. Tất cả đều là hư vọng giả dối cũng không khởi tâm chạy theo cảnh. Thấy tất cả đều là chơn tâm hiện cũng không khởi tâm chạy theo cảnh. Cả hai đều gặp nhau ở chỗ tâm nhất như.

Hiểu được chỗ này, đọc lịch sử các thiền sư chúng ta liền biết vị ấy thuộc dòng thiền nào. Như đọc lịch sử Việt Nam, ta thấy ngài Thiền Lão thiền sư mang sắc thái của thiền Mã Tổ.

Một hôm, vua Lý Nhân Tông vào núi gặp ngài, bèn hỏi:

-         Hoà thượng ở đây được bao lâu rồi?

Ngài đáp:

            Ðản tri kim nhật nguyệt,

            Thùy thức cựu xuân thu?

Tạm dịch:

            Chỉ biết ngày tháng này,

            Còn xuân thu trước ai hay làm gì?

Vua hỏi tiếp:

-         Hòa thượng ở đây làm gì?

Ngài đáp:

            Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,

            Bạch vân minh nguyện lộ toàn chân.

Tạm dịch:

            Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,

            Trăng trong trong mây trắng hiện toàn chơn.

Qua bốn câu thơ trả lời của ngài, chúng ta thấy ngài sống được với thực tại chứ không bị lệ thuộc vào thời gian, tất cả cảnh vật ở trước mắt ngài đều từ chơn tâm hiển lộ. Ngài cách Mã Tổ bao nhiêu đời, mà cái thấy không khác.

- HỎI: Phải thì nhận, sai thì loại ra đâu cần chiều theo để hòa hội?

- ÐÁP: Hoặc không, hoặc hữu, hoặc tánh, hoặc tướng đều không phải tà quấy, chỉ tại mỗi vị công nhận phe mình là đúng, bài xích nhóm khác là sai, xác định kia đây, nên cần phải hòa hội.

Chư Tổ nói không, nói có, nói tánh, nói tướng đều không phải tà quấy. Do người sau chấp, nhìn một bên nên cho chủ trương của tông mình là đúng, chủ trương của tông khác là sai, rồi bài xích lẫn nhau. Vì vậy, ngài Khuê Phong nói cần phải hòa hội.

Ví dụ cái bàn, nói có, nói không, cả hai bên đều không trật. Tại sao? Nói không, là căn cứ trên mặt thể tánh. Nói có là căn cứ trên hình tướng duyên hợp tạm có. Người không thấu suốt lý đạo, khi nói không, cho là thật không, khi nói có, cho là thật có. Người thông suốt lý đạo thì nói sao cũng được, không chấp trên văn tự ngôn ngữ, nói để phá chấp cho người mà phù hờp với lý chân thật.

Có một cư sĩ mới học thiền, tới hỏi ngài Trí Tạng Tây Ðường:

-         Bạch Hòa Thượng, có Phật không?

Ngài trả lời:

- Có.

- Bạch Hòa Thượng, có pháp không?

- Có.

- Bạch Hòa Thượng, có thiên đường không?

- Có.

- Bạch Hòa Thượng, có địa ngục không?

- Có.

Hỏi cái gì ngài cũng đáp có, ông Cư sĩ thắc mắc, hỏi lại:

-         Hòa Thượng trả lời "Có", có lầm chăng?

Ngài hỏi:

-         Trước khi đến đây, ông có hỏi ai những câu này không?

Cư sĩ thưa:

-         Dạ, con có hỏi Hòa Thượng Cảnh Sơn.

-         Hòa Thượng đáp thế nào?

-         Câu nào ngài cũng đáp không, còn ở đây câu nào Hòa Thượng cũng đáp có, Vậy ai trật, ai trúng?

Ngài liền hỏi ông cư sĩ:

-         Ông có vợ không?

-          Dạ, có.

-         Hòa Thượng Cảnh Sơn có vợ không?

-         Dạ, không?

-         Vì Hòa Thượng Cảnh Sơn không có vợ, nên ngài đáp câu nào cũng không, vì ông có vợ nên câu nào tôi cũng đáp có.

Ngài Cảnh Sơn không có vợ là ý muốn nói ngài không có ái nhiễm, ngài đã ngộ được các pháp tự tánh không, nên ngài mới đáp không. Sở dĩ có danh từ "Phật" là đối với "Chúng sanh" mà nói. Phật là giả danh, chỉ cho những ai đã giác ngộ, pháp cũng là giả danh chỉ cho tất cả sự vật, thiên đường, địa ngục cũng vậy v.v... Ðối với ông cư sĩ mới học đạo, còn đầy ái nhiễm và mê chấp, nên ngài Tây Ðường đáp có để ông ấy sợ mà lo tu hành. Ðó là chỗ khéo giáo hóa của các thiền sư. Vì vậy, nên ngài Khuê Phong nói phải cần hòa hội thì người sau hiểu được không còn bài xích lẫn nhau.

- HỎI: Ðã không phải là tà thì mặc tình họ xác định, cần gì phải hội lại?

- ÐÁP: Chí đạo là một, liễu nghĩa không hai, không nên còn hai. Chí đạo chẳng phải một bên, liễu nghĩa không phải thiên lệch, không nên nhận riêng. Cho nên, cần phải hội lại làm một khiến đều được viên diệu.

Người hỏi: "Nếu không phải là tà thì mặc tình họ xác định, cần gì ngài phải nhọc công dung hội?

Ngài đáp: "Chỗ chí đạo không hai và không nên còn hai".

Nghĩa là đến chỗ liễu nghĩa thì không còn thiên lệch một bên. Không nên riêng nhận mình là phải và cho người là quấy. Còn phải quấy, hơn thua là còn kẹt hai bên, làm sao đạt được lý trung đạo?

Có một cư sĩ tới hỏi đạo một vị thiền sư (trên tay đang bưng một đĩa quả):

-         Bạch Hòa Thượng thế nào là đạo?

Ngài bảo:

-         Buông tay!

Cư sĩ liền buông một tay. Ngài bảo:

-         Buông nữa!

Cư sĩ buông một tay nữa và đĩa quả rớt luôn. Ngài bảo:

- Buông nữa!

Cư sĩ ngơ ngác! Nếu là người bén nhạy liền ngộ, vì chẳng ngộ nên cũng ngơ ngác như chú cư sĩ này. Thiền sư muốn chỉ cho chú cư sĩ lý trung đạo mà chú chẳng hội. Ngài bảo buông lần thứ nhất, lần thứ hai là buông cái chấp đối đãi hai bên: thiện ác, phải quấy, tốt xấu v.v... Nếu buông hai cái đó rồi tưởng chừng như không còn gì hết. Sợ người rơi vào chấp không nên ngài bảo luông lần thứ ba là buông luôn "Niệm chấp không", đó mới đạt lý trung đạo. Lối dạy của các thiền sư rất là kỳ đặc, chỉ dùng một hai hành động hoặc lời nói ngắn gọn, cốt khiến cho người nhận ra lý đạo.

- HỎI: Lấy nước để chung với lửa thì không thể lưỡng toàn, đem mâu đâm vào thuẫn thì không thể cả hai đều thắng, chỗ chấp của các tông đã trái nhau, một phải ắt có một quấy thế nào hội lại đều khiến diệu

Người hỏi gạn lại: Thường thấy nước và lửa không ưa nhau, mâu với thuẫn thì chống nhau, một mất một còn, cũng như chỗ chấp của các tông hễ một phải thì một quấy, làm sao hội lại?

- ÐÁP: Ðều còn pháp kia, đều dẹp bệnh kia, tức đều diệu. Nghĩa là đem pháp đến người là khó, đem người đến pháp là dễ, người phần nhiều tùy tình khởi chấp, chấp trước trái nhau, thật như nước lửa chung nhau, mâu thuẫn chống nhau, cho nên khó. Pháp vốn xứng lý lẫn thông, thông tức tự nhiên thuận nhau, dừng chảy đều là nước, hoàn xuyến đều là vàng, cho nên dễ. Nói tóm lại cuộc chấp thì đều quấy, hội thông thì đều phải.

Pháp của Phật là chơn lý, đem chân lý nói theo tình người là khó, vì người phần nhiều sống theo tình thức, nên khởi chấp kia đây, thấy có trái nhau nên chống báng lẫn nhau. Do đó đem pháp của Phật nói cho người dẹp được bịnh chấp trước rất khó, khó làm mà làm được mới hay mới quý. Khi người hết chấp trước, sống được với chân lý (pháp) thì dễ, vì chân lý không lựa chọn cũng không từ chối một người nào. Khi chưa thấu suốt được lẽ thật thì thấy có sự sai biệt giữa các tông, nhưng khi đã thông được lý cứu cánh thì thấy thuận nhau. Ví dụ khi nhìn thấy các vòng xuyến, hoa tai v.v... trên hình tướng chúng ta thấy khác nhau, nhưng tất cả những thứ ấy đều do vàng làm ra. Nước ở trong ly, trong chai, trong hồ, dưới sông tuy thấy hình tướng dừng chảy khác nhau, nhưng chỉ có một thể tánh là ướt. Cũng vậy, khi người đạt được thể tánh thì không còn mắc kẹt trên hình tướng sai khác mà sanh phân biệt chấp trước. Còn chấp trước là còn quấy, thông suốt được ấy là phải.

- Nếu không lấy lời Phật dạy để hiển bày mỗi bên, thâu nhận sở trường của mỗi bên, quy lại làm ba tông đối với ba giáo, thì do đâu hội làm thiện xảo một thời, đều thành pháp môn yếu diệu. Cho nên, nếu mỗi bên quên được tình chấp của mình thì đồng quay về biển trí.

Ngài Khuê Phong lấy lời Phật dạy chứng minh để thừa nhận sở trường của mỗi bên. Ngài gom lại Thiền có ba tông, Kinh có ba giáo, đối chiếu để cho người sau lấy đó làm pháp môn yếu diệu mà tu hành. Nếu tất cả người tu hành đối với pháp môn nào cũng bỏ hết tình chấp thì mau trở về biển trí huệ. Trái lại cứ đeo đẳng tình chấp mà tu, cho pháp này cao, pháp kia thấp, pháp này hay, pháp kia dỡ... ấy là còn si mê, nếu còn si mê thì khó giải thoát!

3.- Kinh như dây mực để thẩm định tà chánh: Dây mực không phải khéo, mà thợ khéo phải lấy dây mực bằng cứ. Kinh luận không phải thiền, mà người truyền thiền phải lấy kinh luận làm tiêu chuẩn.

Kinh luận là lời nói chữ nghĩa ghi chép thành quyển thành pho, không phải là thiền (tâm giác ngộ). Song, người truyền thiền phải lấy kinh luận làm tiêu chuẩn để làm sáng tỏ tâm (thiền). Như thợ mộc khéo lấy dây mực làm bằng cứ để đẽo, bào cho các món đồ được ngay thẳng.

Tôi thường nói: "Kinh điển là chân lý chết, Thiền là chân lý sống". Tại sao? Vì kinh là lời Phật nói chỉ cho chúng ta biết được chân lý, chân lý đó đang là hình thức của những chữ, mực, giấy là bất động, nương nơi đó để thấy được tâm mình là cái sống động. Người tu thiền nương kinh để trở về bản tâm, ấy là sống với chân lý. Vì vậy, Kinh và Thiền hai bên đều nương nhau không thể rời nhau được.

- Người trung, hạ căn nên y theo thầy. Thầy tự xem căn cơ tùy phần chỉ dạy. Người thượng căn ngộ phải viên thông, nếu chưa nghiên cứu Phật dạy thì đâu đồng chỗ thấy của Phật.

Hàng trung và hạ căn như chúng ta thì phải nhờ thầy chỉ dạy phương pháp tu, mới có lợi ích.Còn hàng thượng căn nghe một câu liền ngộ được lý, khi ngộ phải ngộ cho viên thông, muốn viên thông sau khi ngộ phải nghiên cứu lời Phật dạy. Nếu không nghiên cứu kỹ lời Phật dạy, thì làm sao cái thấy của mình đồng với cái thấy của Phật?

- HỎI: Mỗi nơi đều có kinh Phật mặc tình học giả chuyên đọc khảo cứu để thông hội. Người tập thiền hà tất phải thông kinh?

- ÐÁP: Ý này đoạn văn sau sẽ trả lời:

4.- Kinh có quyền thật phải y liễu nghĩa: Phật nói các kinh có khi tùy ý mình nói, có khi tùy ý người nói, có chỗ xứng lý cứu cánh, có chỗ tùy căn cơ đương thời, có nói tánh, tướng, đốn, tiệm, đại, tiểu, liễu nghĩa, không liễu nghĩa, văn gồm hình thức trái nhau, nghĩa ắt viên thông không ngại, như rồng ẩn biển sâu khó thấy được dấu vết.

Kinh Phật nói có quyền có thật, chúng ta học Phật muốn thấu được chỗ rốt ráo thì phải y nơi kinh liễu nghĩa, tức là y những kinh Phật nới lý cứu cánh không dấu diếm. Vì kinh Phật rầt nhiều, trong đó có khi Phật y nơi tánh, có khi y nơi tướng mà nói, có khi nói đốn, tiệm v.v... Trên văn chương chữ nghĩa chúng ta thấy như trái nhau, nhưng nghĩa lý thì viên thông không chướng ngại. Muốn nắm được chỗ cương yếu để áp dụng tu hành thì phải y nơi kinh liễu nghĩa và phải biết rõ "Quyền" và "Thật".

Phật nói pháp rất linh động, không nhất định cũng không hạn cuộc.Có lúc tùy ý đức Phật nói ra là "Vô vấn tự thuyết". Có khi tùy theo lời hỏi của người mà nói, tùy theo căn cơ cao thấp nên có lúc Phật phương tiện nói thấp không đúng chân lý. Ví dụ ở đây, tôi chuyên dạy tu thiền, nhưng có một cư sĩ đến hỏi:

- Thưa thầy, xin thầy dạy cho con phương pháp tu hành để đời sau được sung sướng.

Tôi trả lời:

- Muốn đời sau sung sướng thì bây giờ phải tập tu bố thí, trì giới, sau làm người được sung sướng.

Như vậy, tôi tùy căn cơ của người tới hỏi mà đáp. Nhưng có người không hiểu cho rằng tôi chủ trương dạy người tu bố thí, trì giới. Như vậy có sai không? - Sai. - Lại có người muốn tu thiền, đến thưa với tôi: "Xin thầy nói một câu thật ngắn gọn để con được thấy đạo". Rồi hỏi tiếp:

- Thế nào là đạo.

Giả sử tôi đáp:

- Gạo ở Vũng Tàu hai trăm đồng một ký.

Người ấy không hội mà đồn rằng:

- Ông thầy ở tu viện Chơn Không dạy tu, nói cái gì lạ quá!

Như vậy người nghe không nhận ra ý chỉ của người dạy. Cũng vậy, đức Phật có khi nói cao, có khi nói thấp, khi nới quyền, lúc nói thật. Người đọc kinh phải thông suốt, nếu không thì chẳng hiểu đức Phật muốn dạy gì.

- Nay chỉ dùng hơn mười tờ giấy trình bày để chọn lựa đó, khiến một thời thấy rõ ý Phật. Sau khi thấy ý Phật thì tìm đủ trong một tạng, tức là mỗi câu đều biết được tông chỉ.

Sau khi chúng ta đọc qua những lời tóm gọn của ngài Khuê Phong, nếu nhận ra được ý Phật rồi thì đọc Tam Tạng giáo điển chúng ta đều hiểu không còn ngờ vực nữa.

*

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM