GIẢNG RỘNG KHÔNG TÔNG, TÁNH
TÔNG
Nay
biện rộng về "Không tông" và "Tánh tông" có mười thứ khác nhau:
1.- Pháp nghĩa chơn, tục khác nhau.
2.- Tâm, Tánh hai tên khác nhau.
3.- Chữ Tánh hai thể khác.
4.- Chơn trí, chơn tri khác.
5.- Hữu ngã, vô ngã khác.
6.- Lời nói ngăn chấp (Giá thuyên), lời
nói hiển bày (Biểu thuyên) khác.
7.- Nhận danh, nhận thể khác.
8.- Hai đế, ba đế khác.
9.- Ba tánh không, hữu khác.
10.- Phật đức không, hữu khác.
Sau đây ngài nói rộng về mười điểm khác
nhau giữa Không tông và Tánh không.
1.- Pháp nghĩa chơn, tục khác nhau.
- Không tông duyên tánh chơn linh chưa
hiển bày, chỉ lấy tất cả tướng sai biệt làm pháp. Pháp ấy là Tục đế. Chiếu
soi các pháp này là vô vi, vô tướng, không sanh diệt, không tăng giảm...
làm nghĩa. Nghĩa ấy là Chơn đế. Cho nên luận Trí Ðộ lấy Tục đế làm pháp vô
ngại biện, lấy Chơn đế làm nghĩa vô ngại biện.
Không tông là tông Bát nhã, căn cứ trên
mặt sanh diệt, lấy các tướng sai biệt như năm uẩn, mười hai xứ, mười tám
giới v.v... làm pháp gọi là Tục đế, dùng trí Bát nhã soi thấy các pháp sai
biệt tự tánh là không, không sanh diệt, không tăng giảm... làm nghĩa, gọi
là Chơn đế. Tóm lại:
Tướng sai biệt: Tục đế; Tánh không: Nghĩa.
Tướng sai biệt: Tục đế; Tánh không: Chơn
đế.
- Tánh không lấy nhất chơn làm pháp, các
thứ có, không v.v... làm nghĩa. Kinh nói: "Vô lượng nghĩa từ một pháp
sanh".
Tánh không lấy nhất chơn tức là chơn tâm
làm pháp. Các thứ sai biệt như năm uẩn, mười hai xứ v.v... làm nghĩa. Pháp
là Chơn đế, nghĩa là Tục đế.
Pháp
là chỉ chơn tâm, vô lượng nghĩa chỉ các thứ sai biệt.
- Kinh Hoa Nghiêm, Thập Ðịa cũng nói:
"Pháp là biết tự tánh, nghĩa là biết sanh diệt. Pháp là biết Chơn đế,
nghĩa là biết Tục đế. Pháp là biết nhất thừa, nghĩa là biết các thừa". Như
thế đến mười phen giải thích pháp nghĩa, hai vô ngại pháp đều cho pháp là
Chơn đế, nghĩa là Tục đế.
Căn cứ vào Chơn đế, Tục đế, pháp và nghĩa
thì kinh Bát nhã thuộc Không tông, kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết bàn
v.v... thuộc Tánh tông. Nếu chúng ta không học kỹ thì đọc kinh Ðại thừa sẽ
thấy khó hiểu.
2.- Tâm, Tánh hai tên khác nhau.
- Không tông một bề gọi cội nguồn các pháp
là Tánh. - Tánh tông phần nhiều gọi cội nguồn các pháp là Tâm.
Gọi là Tánh, các luận đa số đồng, không
cần phải trình bày. Gọi là Tâm, kinh Thắng Man nói: "Tự tánh thanh tịnh
tâm". Luận Khởi Tín nói: "Tất cả pháp xưa nay lìa tướng ngôn thuyết, danh
tự, tâm duyên... cho đến chỉ là nhất tâm". Kinh Lăng Già nói: "Kiên thật
tâm". Bởi vì tông này nói bản tánh không những không tịch mà còn tự nhiên
thường biết, nên gọi là Tâm.
Kinh Bát nhã thuộc Không tông nói Tánh là
chỉ cho Tánh không của các pháp.
Kinh Lăng già hay các kinh khác thuộc Tánh
tông, nói tâm là chỉ cho chơn tâm không tịch mà thường biết.
Không tông thì mới nói tới Cái không tịch
chưa đưa ra Cái tự nhiên thường biết nên gọi là không, tức là không tịch.
Tánh tông thì nói đến Cái tự nhiên thường biết nên gọi là Tâm. Nói Tánh là
chỉ chỗ không tịch, nói Tâm là chỉ cho thể linh tri.
3.- Chữ Tánh hai thể khác.
- Không tông lấy các pháp không tánh làm
Tánh. - Tánh tông lấy thể linh minh thường trụ chẳng không làm Tánh. Cho
nên chữ tánh tuy đồng mà nghĩa khác.
Không tông, kinh Bát nhã nói tự tánh của
các pháp là Không, tức là tánh các pháp không cố định do duyên hợp và dừng
ngay tại chữ Không. Tánh tông lấy cái linh minh thường trụ chẳng không làm
tánh. Chẳng không tức Có (diệu hữu). Vì tánh ấy không những không tịch mà
còn có cái linh tri. Kinh Niết bàn nói Phật tánh là chỉ cái linh minh
thường trụ, cùng một chữ tánh mà nghĩa hai nên khác nhau.
4.- Chơn trí, chơn tri khác.
- Không tông cho phân biệt là "Tri", không
phân biệt là "Trí". Trí sâu, Tri cạn. - Tánh tông cho cái diệu huệ hay
chứng thánh lý là Trí, gồm lý và trí linh tánh chung cả phàm và thánh là
Tri. Tri là thông, Trí là cuộc.
Trước dẫn phẩm Vấn Minh đã tự rõ ràng,
huống là phẩm Thập Hồi hướng nói về chơn như rằng: "Chiếu minh là tánh".
Luận Khởi Tín nói: "Chơn như thể của nó chơn thật hiểu biết".
Nhìn cành hoa, chúng ta khởi niệm phân
biệt hoa tốt xấu v.v... là Tri, không khởi phân biệt hoa tốt xấu là Trí.
Tri cạn, Trí sâu.
Tánh tông cho diệu huệ hay chứng được
thánh lý là Trí. Theo Nhị thừa thì nhận lý Tứ đế, phá vỡ ngã chấp gọi là
Trí. Không tông thấy các pháp như huyễn đó là Trí. Trí chỉ có trong phạm
vi Thánh, vận dụng Trí quá rồi chứng ngộ. Còn Tri gồm cả lý và trí, phàm
thánh cũng có. Tri là chỉ cho thể linh tri chung của phàm thánh. Như vậy,
Trí cạn, Tri sâu. Trí hạn cuộc, Tri thì thông.
5.- Hữu ngã, vô ngã khác.
- Không tông cho hữu ngã là vọng, vô ngã
là chơn. - Tánh tông cho vô ngã là vọng, hữu ngã là chơn. Kinh Niết bàn
nói: "Vô ngã gọi là sanh tử, hữu ngã gọi là Như Lai". Lại nói: "Ta cho vô
ngã là pháp điên đảo cho đến rộng phá kiến chấp vô thường vô ngã của Nhị
thừa, kiến chấp này như mùa xuân nhìn đáy hồ thấy ngói cho là vật báu,
rộng khen thường, lạc, ngã, tịnh là cứu cánh; cho đến nói trong pháp vô
ngã có chơn ngã".
Kinh Bát nhã thuộc Không tông và các kinh
A Hàm đều nói còn chấp ngã là mê vọng, phá được chấp ngã là ngộ được lý
chơn thật. Tánh tông nói ngược lại: "Vô ngã là vọng, hữu ngã là chơn". Nếu
đúng về mặt sanh diệt mà chấp có ngã thật, ấy là mê. Khi sanh diệt hết,
nếu cho là không còn gì thì sẽ rơi vào đoạn diệt ngoan không. Khi phá hết
tướng sanh diệt thì còn lại thể bất sanh bất diệt gọi là linh tri thường
biết. Cái ấy kinh Niết bàn gọi là chơn ngã. Kinh Niết bàn nói: "Vô ngã gọi
là sanh tử, hữu ngã gọi là Như Lai". Nếu phá hết tướng sanh diệt mà cho
rằng không còn gì là kẹt vào không, nên cũng còn chìm trong sanh tử. Hữu
ngã là chỉ cho linh tri thường giác chứ không chỉ tâm sanh diệt. Và kinh
Niết bàn đức Phật nói đến tám thứ điên đảo gồm bốn điên đảo của phàm phu
và bốn điên đảo của Nhị thừa:
1.- Thân năm ấm vô thường cho là thường.
2.- Thân năm khổ cho là vui.
3.- Thân năm ấm vô ngã cho là ngã có thật.
4.- Thân năm ấm bất tịnh cho là tịnh.
Ðức Phật nói lý vô thường, khổ, vô ngã,
bất tịnh để phá bốn điên đảo ấy. Khi phá được bốn cái chấp của phàm phu,
hành giả bước vào hành Thánh Nhị thừa. Nhưng nếu giai đoạn này kẹt ngang
đó sẽ rơi vào đọan diệt, không nhận ra nơi thân năm ấm sanh diệt có thể
linh tri bất sanh bất diệt. Nên đức Phật nói Thường, Lạc, Ngã, Tịnh để phá
luôn bốn điên đảo của Nhị thừa. Ðể thấy nơi mỗi người đều có cái chơn tâm
đầy đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là chơn ngã.
Sử có ghi lúc Thái tử Tất Ðạt Ða mới đản
sanh đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất nói: "Thiên thượng, thiên hạ
duy ngã độc tôn". Chữ Ngã trong câu này là chỉ cho chơn ngã Phật nói trong
kinh Niết bàn.
6.- Lời nói ngăn chấp (Giá thuyên), lời
nói hiển bày (Biểu thuyên) khác.
Ngăn chấp là dẹp những lời kia. Hiển bày
là hiện rõ những lẽ phải kia, chỉ thẳng bản thể. Như các kinh nói lý tánh
chơn diệu mỗi nơi nói: "Không sanh diệt, không cấu tịnh, không nhơn quả,
vô tướng, vô vi, phi phàm thánh, phi tánh tướng...", đều là lời nói ngăn
chấp.
Trong hai tông có lời nói ngăn chấp và lời
nói hiển bày. Lời nói ngăn chấp là lời nói ngầm lọc bỏ những cái khác để
ngầm chỉ. Lời nói hiển bày là chỉ thẳng.
Ví dụ: trong nhà có năm mươi người, gồm
bốn mươi chín người khách và ông chủ nhà. Ông A hỏi người rành nhất trong
nhà, chỉ dùm ông chủ nhà. Người kia loại hết bốn mươi chín người khách ra
và nói đó không phải là chủ nhưng không chỉ ông chủ. Dĩ nhiên người cuối
cùng còn lại là ông chủ nhà. Kinh Bát nhã nói "Không sanh diệt, không cấu
tịnh..." đều là lời nói ngăn chấp, nghĩa là muốn chỉ cái thể chơn thật mà
không chỉ thẳng, nói cái đó không sanh diệt... lìa tất cả ngôn ngữ chấp
trước.
- Hoặc nói: "Tri, kiến, giác, chiếu, linh,
giảm, quang minh, lãng lãng, chiêu chiêu (rõ ràng), tinh tinh (tỉnh táo),
tịch tịch (lặng lẽ)... đều là lời nói hiển bày (sáng suốt)". Nếu bản thể
không tri, kiến... thì hiển bày pháp gì làm tánh? Nói pháp gì không sanh
diệt...? Cần phải nhận được thấy rõ ràng, biết là tâm tánh, mới nói cái
biết này không sanh diệt.
Nói tri, kiến, giác, chiếu v.v... là lời
nói chỉ thẳng linh tánh của chúng sanh có công năng hiểu biết sáng suốt...
chứ không ngầm chỉ.
Ví dụ: trong nhà có năm mươi người, gồm
bốn mươi chín người khách và ông chủ nhà. Ông A hỏi người rành rẽ nhất
trong nhà, chỉ dùm ông chủ nhà. Người ấy chỉ: Ông mập mập, tóc bạc, mặc đồ
trắng là ông chủ nhà. Chỉ thẳng ngay ông chủ nhà, không loại khách ra để
hiển bày ông chủ nhà.
Ðây nêu câu hỏi:
- Nếu bản thể ấy không hiểu biết v.v...
thì lấy gì làm tánh? Nói pháp gì không sanh diệt...?
Vì bản thể có công năng hiểu biết, sáng
suốt nên gọi là tánh giác bất sanh bất diệt... Chư Tổ nhận ra bản thể ấy
rõ ràng, biết nó là tâm tánh, mới nói cái Biết ấy không sanh diệt, chứ
không phải suy luận phóng đại mà nói.
- Như nói muối "không lạt" là ngăn chấp,
"mặn" là hiển bày. Nói trước "không khô" là ngăn chấp, "ướt" là hiển bày.
Các kinh nói "tuyệt bách phi" là ngăn chấp, chỉ thẳng "nhất chơn" là hiển
bày.
Trên đây đưa ra một số thí dụ để chúng ta
thấy nói ngăn chấp là nói quanh co, nói hiển bày là chỉ thẳng. Các kinh
nói tuyệt bách phi tức nói đến trăm cái cũng không phải cái đó, ấy là ngăn
chấp; nói tất cả chúng sanh đều có một thể chơn thật, ấy là hiển bày.
- Lời nói của Không tông chỉ là ngăn chấp.
Lời nói của Tánh tông có ngăn chấp, có hiển bày. Nhưng nói ngăn chấp chưa
rõ ràng, nói hiển bày mới đích thực.
Lời nói của Không tông toàn là lời ngăn
chấp. Tánh tông vừa có ngăn chấp vừa có hiển bày. Nhưng nói ngăn chấp còn
quanh co, không rõ ràng, nói hiển bày mới đích thực hơn.
- Người học thời nay đều bảo nói ngăn chấp
là sâu, nói hiển bày là cạn. Cho nên, họ chỉ trong phi tâm, phi Phật, phi
vô vi, vô tướng cho đến tất cả nói không thể được. Bởi vì họ cho lời nói
dẹp lỗi là diệu, không muốn chính mình chứng nhận pháp thể, mới có như
vậy.
Người học Phật lúc bấy giờ cho rằng lời
nói ngăn chấp, như nói: phi tâm, phi Phật, phi tất cả... là sâu. Lời nói
hiển bày chỉ thẳng, như nói: tức tâm tức Phật là cạn. Ðó là cái bệnh không
muốn tự chứng ngộ bản thể mà chỉ học quanh co trên văn tự.
7.- Nhận danh, nhận thể khác.
Nghĩa là Phật pháp, thế pháp mỗi mỗi đều
có danh và thể. Thế gian nói: "Lớn không gì qua bốn vật". Luận Trí Ðộ nói:
"Ðất, nước, gió, lửa là danh (tên) bốn vật; cứng, ướt, ấm, động là thể của
bốn vật". Nay nói "nước", giả sử có người hỏi: "Nghe nói lóng đó thì
trong, lẫn lộn đó thì đục, yên đó thì dừng, quậy đó thì chảy, hay thấm
nhuần vạn vật, rửa sạch tất cả ô uế, đây là vật gì?". - - Ðáp: "Là nước".
Người ngu nhận danh (tên) cho là hiểu. Người trí nên hỏi: "Thế nào là
nước?" - Ðáp: "Ướt tức là nước". Phật pháp cũng vậy, giả sử có người hỏi:
"Nghe các kinh nói: mê đó là cấu, ngộ đó là tịnh, buông lung thì phàm phu,
tu hành đó là thánh, hay sanh tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, đây
là vật gì?" - Ðáp: "Là tâm". Người ngu nhận danh (tên) bèn cho là đã hiểu.
Người trí nên hỏi: "Thế nào là tâm?" - Ðáp: "Biết (tri) tức là tâm".
Phật pháp và thế gian pháp mỗi mỗi đều có
danh và thể. Nói đất, nước, gió, lửa là tên của bốn vật; cứng, ướt, ấm,
động là thể của bốn vật. Ðó là pháp thế gian. Trong Phật pháp mê ngộ... đó
là tâm, tâm là danh, cái biết là thể. Thông thường mới nghe qua danh coi
như đã hiểu, nhưng thực sự học giả chỉ mới biết tên, chưa nhận ra thể. Nếu
biết danh mà không biết thể, khi đổi thay tướng mạo chúng ta sẽ lầm. Ngày
nay đa số người học Phật cũng có tật chỉ biết danh từ suông mà không nhận
ra thực thể. Ví dụ hỏi: thế nào là Phật pháp? - Ðáp: Phật là tự giác giác
tha, giác hạnh viên mãn... Nghe như vậy, người học Phật thấy mình đã hiểu,
hài lòng không nghi ngờ. Nhưng nếu là người căn cơ bén nhạy, liền nghĩ: Tự
giác là giác cái gì? Làm thế nào để giác tha?
Người học Phật hài lòng trên danh từ suông
thì không biết cách tu. Nói Phật là tự giác, nhưng muốn tu, giác ngộ như
đức Phật thì không biết làm sao tu. Vì chỉ biết danh từ giác mà không biết
thể của giác và giác cái gì? Như có người nói tâm tôi buồn, tâm tôi vui,
nhưng hỏi tâm là gì thì không biết. Ðây ngài Khuê Phong bảo chúng ta phải
nhận ra thể của tâm là cái Biết, còn tâm chỉ là tên gọi suông.
- Lấy đây mà xét danh thể của nước, mỗi
cái chỉ một chữ, ngoài ra đều là nghĩa dụng. Danh thể của tâm cũng vậy.
Một chữ "Ướt" gồm thâu trong, đục... muôn dụng, muôn nghĩa trong đó. Một
chữ "Biết" (tri) cũng gồm thâu tham, sân, từ, nhẫn, thiện, ác, khổ, lạc,
muôn dụng, muôn nghĩa nơi ấy.
Danh thể của mỗi pháp chỉ có một chữ
(tên), như Nước là danh, Ướt là thể. Tâm là danh, Biết là thể. Còn nghĩa
dụng có nhiều, như lóng thì trong, quậy thì đục... là nghĩa dụng của nước.
Tham sân, từ nhẫn, thiện ác ... là nghĩa dụng của tâm.
Ví dụ: cùng là nước, nhưng đường hòa tan
gọi là nước đường, muối hòa tan gọi là nước muối, tên thì khác nhau nhưng
thể vẫn là nước.
Cũng vậy, thể của tâm là "Biết". Lòng tham
dấy khởi, có cái biết mê mờ của tham, lòng từ dấy khởi có cái biết trí tuệ
của từ bi. Vì vậy, khi hành giả nhận ra có thể rồi mới biết, nghĩa dụng
không rời tâm, danh không rời thể. Ngay nơi danh nhận ra thể, ngay nơi thể
biết danh để gọi. Biết biển là nước, dù có nổi trăm ngàn lượn sóng, chúng
ta biết rõ rằng không một lượn sóng nào ngoài nước mà có. Ngay nơi sóng
thấy được nước, không cần bỏ sóng tìm nước.
Cũng vậy, ngay nơi tâm tham, sân... chúng
ta biết rõ có Tâm (cái biết), không phải bỏ tâm tham sân... tìm tâm thanh
tịnh sáng suốt được. Tâm ấy đã có sẵn, nhưng vì pha màu tham sân nên thành
tâm tham sân... chúng ta tu là loại tham sân ra chỉ còn lại một tâm thanh
tịnh. Ấy là trở về sống với thể.
- Người học thiền ngày nay đa số nghi
rằng: "Tổ Ðạt Ma chỉ nói Tâm, Hà Trạch sao lại nói Tri (biết)?". Cái nghi
này đâu khác người nghi: chỉ nghe trong giếng có nước, tại sao ngày nay
chợt biết trong giếng ướt? Suy nghĩ đó, suy nghĩ đó! Cần phải ngộ nước là
Danh (tên), không phải ướt, ướt là nước không phải Danh (tên). Thế là
trong, đục, nước, sóng, ngừng, chảy không nghĩa nào chẳng suốt. Tâm là
Danh, không phải Tri (biết). Tri (biết) là Tâm không phải Danh (tên). Thế
là chơn, vọng, cấu, tịnh, thiện, ác, không nghĩa nào chẳng suốt.
Ngài nêu lên mối nghi của người học thiền,
chỉ biết danh mà không nhận ra thể. Nếu biết danh, nhận ra thể thì thông
suốt không có gì chướng ngại.
- Không tông, Tướng tông vì đối với kẻ sơ
học và căn cơ hạn hẹp, sơ e theo lời nói sanh chấp trước nên chỉ nêu tên
mà ngăn những lỗi kia, chỉ nói rộng nghĩa dụng để dẫn ý đó. Tánh tông đối
với người học và thượng căn, khiến quên lời nhận thể, cho một lời chỉ
thẳng, nhận được thể rồi mới ở trên thể chiếu xét nghĩa dụng, nên đều
thông suốt.
Không tông và Tướng tông, phần nhiều nói
nghĩa dụng. Như nói "Cái đó" không cấu tịnh, không tăng giảm... không chỉ
thẳng "Cái đó" là gì, để ngăn lỗi chấp trước của người căn cơ hạn hẹp.
Tánh tông vì người căn cơ bậc thượng nên nói thẳng "Cái biết" là nguồn
sanh ra muôn pháp. Khi nhận ra thể và biết tất cả pháp sai biệt từ thể mà
ra, rồi căn cứ trên thể xét qua nghĩa dụng mới thông suốt.
8.- Hai đế, ba đế khác.
Không tông nói tất cả các pháp thế gian và
xuất thế gian không ngoài hai đế (chơn đế, tục đế), học giả đều biết không
cần dẫn giải. - Tánh tông nhiếp tất cả tánh, tướng và tự thể chung làm ba
đế. Duyên khởi sắc... các pháp là tục đế. Duyên không có tự tánh, nên các
pháp tức "không" là chơn đế. Thể một chơn tâm chẳng phải không, chẳng phải
sắc, hay làm không cũng hay làm sắc là trung đạo Ðệ nhất nghĩa đế.
Không tông nói có hai đế là chơn đế và tục
đế. Tánh tông nói tới ba đế: chơn đế, tục đế và trung đạo đệ nhất nghĩa
đế. Các pháp duyên khởi có sắc như ngũ uẩn, thập nhị xứ v.v... là tục đế.
Biết các pháp do duyên sanh không có tự tánh là chơn đế. Hai tư tưởng này
Không tông và Tánh tông nói giống nhau. Tánh tông lại thêm đệ nhất nghĩa
đế để chỉ chơn tâm không phải "Sắc", không phải "Không". Vì chơn tâm không
có hình tướng (không sắc) nhưng có cái biết, nên nói không phải sắc, không
phải không.
- Dụ như gương sáng, hình bóng trong gương
không thể bảo xanh là vàng, đẹp xấu đều khác là tục đế; hình ảnh không có
tự tánh, mỗi mỗi đều không là chơn đế. Thể của gương thường sáng, chẳng
phải không, chẳng phải xanh, vàng là đệ nhất nghĩa đế. Kinh Anh Lạc Ðại
Phẩm Bổn Nghiệp... có nói đầy đủ. Cho nên tông Thiên Thai y cứ ba đế này
tu ba chỉ và ba quán thành tựu ba đức.
Ví du như mặt gương, tất cả hình bóng hiện
trong gương là tục đế. Hình bóng tuy có nhưng thể tánh là không tức là
chơn đế. Mặt gương thường sáng, chẳng phải không, chẳng phải hình bóng
hiện trong gương, mà đặc tính của gương hay hiện không, hiện bóng là đệ
nhất nghĩa đế.
Tông Thiên Thai y cứ ba đế này tu ba quán:
Không quán, Trung quán, Giả quán và ba chỉ, được ba đức là: pháp thân, Bát
nhã và giải thoát (trước có giải thích).
9.- Ba tánh không, hữu khác.
Ba tánh là "Biến kế sở chấp tánh" (vọng
chấp ngã pháp là thật có). "Y tha khỏi tánh" (chấp các pháp nương các
duyên khác mà khởi là thật), "Viên thành thật tánh" (chơn tâm bản giác mới
được hiển lộ viên mãn).
- Không tông nói các kinh mỗi khi nói Hữu
(có) tức nhắm vào Biến kế và Y tha, mỗi khi nói Không tức là Viên thành
thật tánh, ba tánh đều không tự tánh.
Duy Thức học có một ví dụ cụ thể là đêm
tối thấy sợi dây, người lầm cho là rắn, sanh ra kinh sợ. Nhưng khi đốt đèn
sáng thì thấy sợi dây không phải là rắn nên hết sợ. Thấy sợi dây lầm cho
là rắn tức là "Biến kế sở chấp". Nhờ đèn sáng biết sợi dây không phải rắn
là "Y tha khởi". Biết sợi dây do xơ dừa hay gai làm thành, biết rõ thể của
nó là "Viên thành thật". Cũng vậy, vì mê lầm thấy thân, tâm và cảnh giả có
cho là thật (Biến kế sở chấp). Hiểu rõ thân, tâm và cảnh do nhân duyên hợp
mà có (Y tha khởi). Biết rõ thâm, tâm, cảnh do duyên hợp tự tánh vốn
không, nhưng do tâm biến khởi (Viên thành thật).
Không tông nói: "Các kinh mỗi khi nói các
pháp, do duyên hợp mà có là căn cứ vào Biến kế và Y tha, mỗi khi nói tự
tánh Không là căn cứ vào Viên thành thật. Ba tánh ấy đều không tự tánh.
- Tánh tông tức ba pháp đều đầy đủ nghĩa
hữu và không. Biến kế thì tình hữu (có) mà lý không. Y tha thì tướng hữu
(có) mà tánh không. Viên thành thật thì tình không mà lý hữu (có), tướng
không mà tánh hữu.
Tánh không nói ba pháp đều có đủ nghĩa
không và hữu.
- Biến kế thì tình hữu mà lý không:
các pháp do duyên sanh, do vọng tình nên chấp thật có, nhưng căn cứ trên
lý duyên sanh thì không.
- Y tha thì tướng hữu mà tánh không:
do duyên hợp nên các pháp giả có hình tướng, nhưng tánh là không.
- Viên thành thật thì tình không mà lý có,
tướng không mà tánh có: sống theo
vọng tình chấp trước thì không nhận ra chơn tâm, hết vọng tình thì chơn
tâm hiển lộ. Chơn tâm không có hình tướng nhưng có tánh giác biết trùm
khắp, từ đó lưu xuất các pháp. Chúng ta tu là để sống với tánh Viên thành
thật vậy.
10.- Phật đức không, hữu khác.
- Không tông nói: Phật lấy không làm đức,
không có một chút pháp gọi là Bồ đề, thấy sắc tìm tiếng là hành đạo tà.
Trung Luận nói: "Chẳng phải ấm, không lìa ấm, đây kia đều không còn. Như
Lai không có ấm, chỗ nào có Như Lai? Lìa tất cả tướng tức gọi chư Phật".
- Tánh tông thì tất cả chư Phật tự thể đều
có thường, lạc, ngã, tịnh, mười thân, mười trí công đức chơn thật, tướng
tốt hào quang sáng mỗi mỗi không cùng, tánh tự sẵn có không đợi cơ duyên.
Không tông nói Phật là chỉ Phật pháp thân,
pháp thân thì không hình tướng. Chúng ta vì quen chấp trên hình tướng, chỉ
biết Phật thích Ca Mâu Ni ở Ấn Ðộ có lịch sử mới là Phật. Nhưng Không tông
cho rằng Phật Thích Ca là hóa thân Phật, Phật pháp thân mới là Phật thật.
Kinh Kim Cang nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư
tướng phi tướng tức kiến Như Lai". Không tông nói phải nhận ra tánh không
của chính mình và của các pháp mới thấy được Phật pháp thân. Kinh A Hàm
cũng nói đến pháp thân, nhưng cho rằng những công đức của Phật: Tứ vô sở
úy, Thập bát bất cộng v.v... và những pháp của Phật nói: ba mươi bảy phẩm
trợ đạo v.v... gọi là pháp thân, còn gọi là Công Ðức pháp thân. Pháp thân
này chỉ đức Phật mới có, còn pháp thân mà các kinh Ðại thừa nói là tất cả
chúng sanh đều có.
Tánh tông, kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm,
Niết Bàn, Hoa Nghiêm... thì chỉ thẳng linh tri là pháp thân, có bốn đức:
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Linh tri ấy không sanh diệt nên nói là Thường, an
nhiên tự tại nên nó là Lạc, là chủ sanh ra muôn pháp nên gọi là Ngã, không
bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Kinh Pháp Hoa gọi là Tri kiến Phật, kinh
Lăng Nghiêm gọi là chơn tâm, Kinh Niết Bàn gọi là Phật tánh, Kinh Hoa
Nghiêm gọi là trí huệ Phật v.v... tất cả danh từ đó đều chỉ cho pháp thân.
Nên nói có mười thân, mười trí công đức Phật.
Như vậy Không tông nói ngăn chấp trên hình
tướng, chưa chỉ ra tánh giác thường còn là pháp thân. Tánh tông chỉ thẳng
pháp thân Phật, hành giả ngay đó trực ngộ.
- Mười thứ khác nhau rõ ràng, hai môn đều
sáng sủa. Tuy phân giáo tướng chớ sanh tâm chấp, ba giáo, ba tông đồng một
pháp vị. Cho nên, trước cần nương ba thứ Phật giáo để chứng minh ba tông
Thiền tâm. Nhiên hậu, Thiền và Giáo cả hai đồng quên, tâm Phật đều lặng
lẽ. Ðều lặng lẽ thì niệm niệm đều là Phật, không một niệm nào chẳng phải
Phật tâm. Ðồng quên thì mỗi câu đều là Thiền, không một câu nào chẳng phải
Thiền giáo. Như thế, tự nhiên nghe nói: "Vắng bặt không gá", biết là phá
tình chấp của ngã (ta). Nghe nói: "Dứt vọng tu tâm", biết là đoạn khí tập
của ngã (ta). Tình chấp phá thì chơn tánh hiện, tức vắng bặt là "Tông hiển
tánh". Tập khí hết thì Phật đạo thành tức tu tâm là hạnh thành Phật. Ðốn
tiệm, không hữu đã không có chỗ trái, Hà Trạch, Giang Tây, Tú, Năng đâu
không khế hội. Nếu thông đạt như thế tức vì người khác nói đều là thứ
thuốc diệu. Thuốc hay bịnh chỉ trị thông hay chấp. Cho nên Tiên đức nói:
"Chấp thì mỗi chữ đều là bịnh hoạn, thông thì câu câu đều là diệu dược".
Người thông thấu rõ ba tông không trái nhau vậy.
Ngài tóm các ý trước để thấy rõ ba giáo,
ba tông không trái nhau mà đồng một pháp vị. Nói tất cả pháp đều không
thật để không duyên theo những hư vọng, là ý đức Phật muốn phá tình chấp
bản ngã. Nói đoạn hết vọng tưởng để tâm được thanh tịnh, là ý Phật dạy
đoạn tập khí của bản ngã. Tình chấp hết thì chơn tánh hiển bày. Thông suốt
thì mỗi mỗi đều là thứ thuốc hay lợi mình, lợi người. Nếu chấp truớc cho
là trái nhau đều là bịnh. Thuốc hay bịnh là tại người chứ không phải tại
pháp.
] |