ĐOẠN 3
CHÁNH VĂN:
Chỉ bảo
ta biết vậy, học được vậy, khế
ngộ vậy, giải thoát vậy, có đạo lý
vậy.
GIẢNG:
Ngài chỉ cho chúng ta biết học đạo
là vì sóng thức nổi dậy ầm ầm nên phải
làm cho dừng lại, lặng xuống thì mới hiện
rõ tánh biển vốn không động.
CHÁNH VĂN:
Chỗ
mạnh ắt như ý, chỗ yếu ắt không như
ý, cái thấy biết ấy có dùng vào chỗ gì?
GIẢNG:
Chỗ mạnh là những gì chúng ta thích thì
như ý, không thích thì bất như ý. Người còn phân
biệt như vậy là chưa dùng được tâm chân
thật.
CHÁNH VĂN:
Tôi nói với
ông, rảnh rang vô sự chớ dối dụng tâm.
GIẢNG:
Rảnh rang vô sự sướng quá
chừng, trên trần gian này đâu có ai sướng hơn.
Dù các ông cự phú đầu cũng rối nùi. Người
rảnh rang vô sự là tiên rồi. Muốn thế
phải làm sao? Mỗi đêm thắp hương cầu
Phật cho con rảnh rang vô sự được không?
Không được. Việc đó do sức của
tự mình, nhất là trí phải sáng. Nhờ trí sáng nên
không chấp, không chấp mới rảnh rang vô sự. Vì
vậy người tu thì trí Bát-nhã luôn đi đầu.
Tất cả sợi dây vọng thức trói buộc chúng
ta với các pháp, mình phải dùng kiếm Bát-nhã chặt
hết. Chừng nào đứt hết các dây ràng buộc
mình mới tự tại. Do đó đêm nào chúng ta cũng
tụng Bát-nhã. Nhưng hình như tụng để
Phật nghe thôi, chớ không thấm chi tới mình.
Do chúng ta dính mắc với pháp trần,
chấp thân chấp cảnh, nên vận dụng trí Bát-nhã
quán chiếu thấy thân cảnh là tướng duyên
hợp hư dối, không thật. Biết nó hư
dối tạm bợ, nên mình không quan trọng, không dính
mắc. Đó là một lẽ thực trong việc tu.
CHÁNH VĂN:
Chẳng
cần cầu chân, chỉ phải dứt kiến chấp.
GIẢNG:
Người tu không cần cầu chân mà
phải dứt kiến chấp. Câu này hết sức chí
lý. Chúng ta thường mắc lỗi là thấy bên này
giả, bên kia thật, rồi muốn tìm cho ra cái thật
mà không nghĩ rằng chỉ không chấp thật,
liền hết kiến chấp. Hết kiến chấp
là chỗ chân thật cứu cánh. Còn thấy bên này chân, bên
kia giả thì chưa phải cứu cánh.
CHÁNH VĂN:
Nên nói “thấy trong thấy ngoài đều
lầm, Phật đạo ma đạo đều ác”.
GIẢNG:
Thấy hoặc tâm ở trong, hoặc tâm
ở ngoài v.v… đều lầm. Thấy đây là
Phật đạo, kia là ma đạo đều sai.
Tại sao? Vì hai bên là không thật, cái chân thật không có
hai bên.
CHÁNH VĂN:
Cho nên Ngài Văn
Thù vừa khởi thấy hai liền thấy hai ngọn
núi Thiết Vi. Văn Thù tức là thật trí, Phổ
Hiền tức là quyền trí. Quyền thật đối
trị nhau, cứu cánh không có quyền thật, chỉ là
một tâm.
GIẢNG:
Vừa thấy hai liền có hai ngọn
Thiết Vi sẵn một bên.
CHÁNH VĂN:
Tâm chẳng
phải Phật, chẳng phải chúng sanh, không có thấy
khác.
GIẢNG:
Tâm là tâm, không nói Phật, không nói chúng sanh.
CHÁNH VĂN:
Vừa có
thấy Phật liền thấy chúng sanh, thấy có
thấy không, thấy thường thấy đoạn bèn
thành hai ngọn núi Thiết Vi, bị cái thấy che
ngại.
GIẢNG:
Thấy có thấy không, thấy Phật
thấy chúng sanh, đó là thấy hai, mà thấy hai là che
ngại tâm chân thật rồi.
CHÁNH VĂN:
Tổ sư
chỉ thẳng tất cả chúng sanh bản tâm, bản
thể xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu mà thành,
chẳng thuộc thứ lớp dần dần, chẳng
phải sáng tối.
GIẢNG:
Phật, Tổ chỉ cho chúng ta biết
tất cả chúng ta đều có Phật sẵn,
Phật sẵn đó không phải do tu mà được.
Nếu Phật do tu mà được
thì đó là Phật sanh diệt, vì công phu huân tu thuộc
pháp sanh diệt. Như vậy tu là tu cái gì? Tu là vận
dụng sức phá dẹp vọng thức phân biệt
của mình, vọng thức phân biệt lặng sạch
thì ông Phật của mình hiện ra, chớ không phải
tu để thành ông Phật.
Khi tu là sử dụng thân khẩu ý làm lành
làm tốt, làm lành làm tốt thuộc pháp sanh diệt. Sanh
diệt là sanh diệt, không thể thành cái không sanh
diệt được, vì vậy tu không phải thành
Phật, mà tu là dẹp hết vọng tưởng thì Phật
sẵn hiện ra, chớ không phải tu để thành
Ngài. Lâu nay chúng ta quen nói ráng tu thành Phật, sự thực
không phải như vậy. Cái chân thật sẵn có nhưng
vì bị che khuất, bây giờ chỉ làm cho nó hiện ra
thôi, không nói thành. Tu là vén màn vô minh để Phật
hiện ra, chớ không có gì khác. Chuyện Phật đã
sẵn có, mình chỉ cần vén màn vô minh lên thì Phật
hiện ra, dễ hay khó? Cái đã sẵn mình vạch ra thì
dễ quá chừng rồi, nắm chắc trăm phần
trăm trong tay. Cái ở đâu tìm kiếm thì không
chắc, chớ nó đã sẵn rồi chỉ cần vạch
ra là xong, thì đâu có khó. Hết sức đơn
giản, chỉ chịu khó vạch màn vô minh hay không
chịu khó vạch thôi.
Có người nào nói tôi nguyện suốt
kiếp bị vô minh che lấp không, hay nguyện thành
Phật? Nếu nguyện theo vô minh thì cần gì tu. Ai
cũng nguyện thành Phật, chuyện thành Phật không
phải khó, mà khó là tại mình còn thương vô minh. Quí
vị có thương thân này không? Thương thì vô minh.
Phật dạy chiếu kiến ngũ uẩn giai không, mà
thương nó là thấy nó có thật, như vậy không
phải vô minh là gì. Thương những suy nghĩ
tốt của mình không? Thương, cũng là vô minh luôn.
Vô minh làm cho mình khổ, mà thương nó thì làm sao hết
khổ.
Ngày nay chúng ta còn khoẻ mạnh còn đủ
hơi ấm, còn đi đứng được thì
thấy dễ thương. Nhưng ngày mai tắt
thở, nằm trên giường chừng ba bữa, không
ai để vô quan tài thì còn dễ thương không? Rõ ràng
như vậy tại sao mình cứ thương nó. Con người
đang sống còn hoạt động, đủ hơi
ấm thì tạm vui vẻ với nhau. Nhưng lúc tắt
thở rồi dù thân thiết mấy, chia sẻ với
mình tất cả mọi buồn vui khốn khó đến
đâu, mình cũng không dám trải chiếu nằm một
bên. Thân này đã như vậy tại sao ta thương
nó? Chỉ nên mượn thân làm việc gì có lợi ích
hoặc tu hành để được giải thoát an vui. Nếu nuôi nó để chờ ngày
tắt thở, trở thành thây thối thì thật đáng
thương, như vậy có phải phí công không?
Sở dĩ nhà Phật thường nói “thân người khó được”,
vì khi ta được nó mà không biết tu, không làm lợi
ích cho mình cho người, đến khi thân mất
rồi khó có thể được lại. Hoặc
nhận thân xấu xí lông lá lù xù như con chó, con heo thì
khổ nữa. Làm thân người khả dĩ còn có
những phút giây tỉnh, còn con chó con gà con heo, có con nào
biết thân này vô thường đâu. Chỉ vô thường
thôi nó cũng không biết, nói chi đến chân tâm
Phật tánh, giác ngộ giải thoát. Cho nên Phật nói thân
người khó được, vì sợ mất thân
rồi, rơi xuống các đường thấp thì
không biết bao giờ tỉnh? Các loài vật thấp
hết sống lại chết, tạo nghiệp triền
miên, cứ vậy mà đi xuống đi xuống mãi. Được
thân người là cơ hội tốt để chúng ta vươn
lên, có trí tuệ thấy biết đúng sai chân giả để
tu tập chuyển hóa, làm lợi ích cho mọi người.
Cho nên được nó rồi phải biết quí
trọng và dùng nó đúng cách.
Nếu được thân người
rồi cứ lo ăn ngon mặc đẹp,
vui vẻ tươi cười chờ ngã đùng
chết thì có giá trị gì? Cho nên được thân người,
chúng ta phải làm hai việc: một là nhận định
đúng thân này ra sao, tìm cái thật ở nơi nó; hai là khi
thấy được lẽ thật rồi cố
gắng chỉ dạy, bảo cho mọi người cùng
thấy lẽ thật đó. Như vậy mới tròn
bổn phận của mình. Tự giác giác tha là tâm của
Bồ-tát. Vì đạo Phật là đạo giác, đạo
thấy đúng như thật. Người nào thấy
thân quí, thân thật, đó là người mê. Thấy thân
này giả dối tạm bợ, ngày nào còn sống ráng
lợi mình, lợi người, đó là cái thấy
của người tỉnh. Tỉnh là Bồ-tát, mê là
chúng sanh.
Chúng ta biết
tu, biết thương mình phải cố gắng làm sao đừng
lệ thuộc vào vòng nghiệp thức lôi cuốn.
Mỗi người tự cố gắng phá dẹp vô minh
để được sáng suốt. Như vậy
mới thật là người tu. Cho nên ở đây nói:
CHÁNH VĂN:
Chẳng
phải sáng nên vô minh, chẳng phải tối nên vô ám, nên
nói “không vô minh cũng không
hết vô minh”.
GIẢNG:
Thể tâm chân thật không phải sáng, không
phải tối. Nhận được tâm đó rồi
thì không có vô minh, cũng không có hết vô minh.
CHÁNH VĂN:
Vào tông môn tôi đây
cần yếu tại ý như thế. Thấy được
gọi đó là Pháp, thấy Pháp nên gọi đó là
Phật, Phật pháp đều không, gọi đó là Tăng.
GIẢNG:
Vào tông môn tôi đây
cần yếu tại ý như thế, người nào
vào tông môn của nhà Thiền thì phải biết được
ý như vậy.
Thấy được
gọi đó là Pháp, thấy Pháp nên gọi đó là
Phật, Phật pháp đều không, gọi đó là Tăng.
Ở đây nói thấy được tức là thấy được
lẽ thực, gọi là pháp, pháp ấy gọi là
Phật. Rốt ráo Phật pháp đều không, đó là Tăng.
Tại sao thấy Phật, thấy pháp, rồi Phật
pháp đều không? Bởi vì thấy Phật, thấy
pháp là còn hai bên, mà tâm chân thật không có hai bên. Nhận ra
tâm chân thật là Tăng, nên nói không còn hai bên nữa.
CHÁNH VĂN:
Kêu là tăng vô
vi, cũng gọi là nhất thể Tam Bảo.
GIẢNG:
Tăng là tăng vô vi, tăng không sanh
diệt. Vì tăng nhận được thể chân tâm
không còn đối đãi, chỉ là tâm chân thật thôi, nên
gọi là tăng vô vi không sanh diệt, cũng gọi là
nhất thể Tam Bảo. Như vậy Phật Pháp Tăng
chung lại một thể, chớ không có hai.
CHÁNH VĂN:
Phàm người
cầu pháp không nên chấp nơi Phật mà cầu,
chẳng chấp nơi pháp mà cầu, chẳng chấp nơi
chúng tăng mà cầu, nên không có chỗ cầu.
GIẢNG:
Người cầu pháp mà không chấp
Phật Pháp Tăng, nghĩa là không cầu nơi Phật,
không cầu nơi Pháp, không cầu nơi Tăng thì
cầu cái gì? Cầu vén màn vô minh cho ông Phật của mình
hiện ra thôi, chớ không cầu Phật Pháp Tăng
ở ngoài.
CHÁNH VĂN:
Không chấp nơi
Phật cầu nên không Phật, không chấp nơi Pháp
cầu nên không Pháp, không chấp nơi chúng Tăng cầu
nên không Tăng.
GIẢNG:
Cuối cùng chỉ là tâm, không có Phật Pháp
Tăng ở bên ngoài. Phật pháp là phương tiện
chớ không phải chân thật, chân thật là trở
về tâm trong sạch, sáng suốt, bất sanh bất
diệt của mình. Đó là gốc.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Nay
thấy Hòa thượng nói pháp thì đâu thể nói không Tăng
cũng không Pháp?
Đáp: Nếu
ông thấy có pháp nên nói, tức là lấy âm thanh cầu ta,
nếu thấy có ta tức là xứ sở, pháp cũng
không pháp, pháp tức là tâm.
GIẢNG:
Nếu thấy có người nói pháp, có người
nghe pháp là lấy âm thanh mà cầu. Trong kinh Kim Cang Phật
dạy “nếu lấy âm thanh
cầu ta người đó hành đạo tà”. Nếu thấy ta có tức có
xứ sở là có nơi chốn. Pháp cũng không pháp tức là tâm. Pháp tức là tâm, pháp do Phật nói, Tổ nói, pháp
đó không phải pháp bên ngoài. Tất cả đều
chỉ về tâm, nên nói pháp tức là tâm.
CHÁNH VĂN:
Tổ sư
nói: “Khi trao tâm pháp này, pháp pháp đâu
từng pháp”.
GIẢNG:
Tổ nói khi trao tâm pháp này, mỗi pháp
mỗi pháp đều không phải pháp. Tại sao? Vì
tất cả đều hướng về tâm.
CHÁNH VĂN:
Không pháp, không
bổn tâm mới hiểu tâm tâm pháp.
GIẢNG:
Nghĩa là khi không thấy có một pháp
thật, cũng không chấp tâm có chân có giả. Lúc đó
mới hiểu được tâm tâm pháp là tâm mà Tổ
muốn chỉ.
CHÁNH VĂN:
Thật không
một pháp có thể được gọi là ngồi đạo
tràng. Đạo tràng chỉ là không khởi các kiến
chấp.
GIẢNG:
Người nào không thấy một pháp có thể
được, không thấy có một pháp thật, đó
là ngồi đạo tràng. Như vậy đạo tràng
ở chỗ nào? Ở đâu mà thấy pháp thật thì
không phải đạo tràng. Ngồi chỗ nào mà thấy
các pháp duyên hợp hư ảo, không có gì quan trọng thì
chỗ ấy là đạo tràng, nơi nơi là đạo
tràng. Đạo tràng chỉ là không khởi các kiến
chấp, ngồi đâu mà không khởi kiến chấp,
chỗ đó là đạo tràng.
CHÁNH VĂN:
Ngộ pháp
vốn không, gọi là không Như Lai tàng. Xưa nay không
một vật chỗ nào dính bụi bặm. Nếu được
ý trong đây, tiêu diêu đâu có chỗ bàn.
GIẢNG:
Ngộ pháp
vốn không tức ngộ các pháp vốn là không,
thể tánh nó không, không thật, đó gọi là không Như
Lai tàng. Dẫn lời Tổ Huệ Năng nói “Xưa nay không một vật
chỗ nào dính bụi bặm”, đó là ngài thấy đến
chỗ tột cùng không Như Lai tàng. Nếu được
ý trong đây, thì người đó tiêu diêu không có chỗ
nghĩ bàn.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Xưa
nay không một vật, không vật là phải chăng?
Đáp: Không
cũng chẳng phải. Bồ-đề không chỗ
ấy, cũng không không hiểu biết.
GIẢNG:
Nếu chấp cái không thì cái không ấy
cũng không phải. Tại sao? Vì Bồ-đề không có
cái không cũng không có cái có, cho nên cũng không không hiểu biết.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Sao là
Phật?
Đáp: Tâm ông
là Phật, Phật tức là tâm, tâm Phật không khác. Nên
nói: “tức tâm là Phật”.
Nếu lìa tâm ra không có Phật khác.
GIẢNG:
Xác nhận tâm chúng ta là Phật. Nói tâm là
Phật là nói tâm nào, có phải tâm suy nghĩ phải
quấy, hay dở không? Tâm đó không phải Phật. Tâm
Phật là tâm không dính gì hết, không chấp cái gì hết,
tâm đó tức là Phật. Phật là chỉ cho tâm
hiện biết tất cả mà không dính, không chấp.
|