NỘI CHƯỚNG NGOẠI CHƯỚNG
Hôm nay tôi
nói tiếp về phương thức tu hành. Trong thời gian công phu có những thứ nội
chướng và ngoại chướng. Chúng là những trở lực nằm sẵn bên trong chúng ta,
ngoài công phu tu hành của chính mình thì không có cách gì khác có thể hóa
giải. Khi hóa giải được, càng tu càng nhẹ nhàng, thanh thản, sáng suốt,
không có việc càng tu càng đổ nghiệp.
Nội chướng hay
ngoại chướng còn gọi là ma chướng. Nó vô hình nhưng có năng lực phá hoại
công phu tu tập của chúng ta. Như từ trước đến giờ mình là người làm ăn
phát đạt, mọi thứ hanh thông. Nhưng từ khi đến chùa, qui y, học đạo được
một lần, hai lần, thì có sự cố xảy ra khiến mình không đi nữa. “Sự cố xảy
ra” này gọi là ma. Nếu không đủ sức phấn đấu để vượt qua thì ta sẽ bỏ cuộc
nửa chừng. Thành ra một khi ta chưa làm chủ được những thứ như danh lợi,
địa vị, tiền tài.... thì tất cả đều gọi là ma. Để phá những thứ ma này cần
có sự định tỉnh và sáng suốt.
Trên thực tế
đã có nhiều Phật tử bỏ cuộc khi gặp những trở lực này. Vì trước khi tu
hành thì cuộc sống khá suôn sẻ, nhưng đến khi phát tâm tu thì sóng gió lại
đến. Như với 5 giới của cư sĩ, giới thứ ba là giới cấm Phật tử không được
lem nhem về tình cảm. Nếu giới này bị phá hỏng thì gia đình đổ vỡ, mất
hạnh phúc. Khổ nỗi từ trước đến giờ không ai ngó ngàng gì đến mình, nhưng
khi thọ 5 giới xong, thì lại có người ngó đến. Đi chùa cũng muốn, tu cũng
muốn nhưng người ta nói thương mình quá, xa mình không được nên bỏ không
đành, giờ phải làm sao? Tình thương là một thứ không thể thiếu trong đời
sống, tình gia đình, bạn bè, quê hương, tổ quốc v.v... tất cả là sự thân
thương ơn nghĩa. Nhưng tình thương trong hoàn cảnh này thì quả là tai hại.
Nó là thứ ma làm đình trệ sự tu hành của mình. Đừng nói đến việc tu hành
không tiến, mà ngay trong đời sống thường thôi, nếu chúng ta cứ ôm ấp
những sự thân thương phi lý như thế thì sự êm ấm và lòng tin cậy trong gia
đình không còn nữa.
Chúng ta phải
tìm phương cách để trị các loại ma chướng này. Đừng bao giờ là người thua
cuộc. Đệ tử Phật phải là người gan dạ chịu đựng. Phải như Nhị Tổ Huệ Khả
trên núi Tung Sơn, dám chặt tay cầu đạo, quyết dành phần thắng về mình.
Phần thắng ấy là mở mang trí tuệ, làm chủ được mình, không bị những ma mị
bên trong cũng như bên ngoài quấy nhiễu.
Nội ma là
chướng trong nội tâm. Tâm mà có chướng thì không phải là tâm thực. Gặp
duyên hợp ý mà khởi tâm vừa lòng hay không hợp ý mà khởi tâm bực bội đều
gọi là tâm ma mị. Đây là hai thứ tâm mà người tu nên tránh vì chúng ngăn
che tâm thực của mình. Phải làm sao trong lãnh vực thích hợp hay không
thích hợp gì mình cũng làm chủ được. Bình thường an nhiên là nếp sống của
người tu thiền.
Ngoại ma là
những trở lực do bên ngoài đưa tới. Như mình ngồi thiền hơi yên yên một
chút thì cảm thấy kinh sợ vì thấy có bóng ai luẩn quẩn bên cạnh. Cái gây
sợ hãi này là ma cản trở công phu. Ngồi thiền mà cứ nơm nớp lo âu như vậy
thì không có định. Không định thì không tuệ. Định tuệ không thì việc ngồi
thiền trở thành vô ích. Giờ làm sao vượt qua?
Các thiền sư
nhắc nhở chúng ta, với cảnh vui, cảnh buồn, cảnh sợ hãi gì mà ổn định,
bình tĩnh, làm chủ được thì mọi thứ sẽ yên. Còn với bất cứ cảnh giới nào
mà không làm chủ được thì đều gọi là ma. Có một người tu gặp cảnh thế
này. Khi mới đi chùa, vị thầy đầu tiên dạy ông “Con phải phát tâm thương
người, thương vật. Cố gắng ăn chay vì ăn chay làm phát triển lòng nhân,
bớt đi phương tiện xúi người sát hại” Ông ghi nhớ, lấy đó làm phương châm
tu hành. Sau, ông có cơ duyên đến với thiền và tập ngồi thiền hằng đêm.
Mỗi khi ngồi yên thì trong đầu lại hiện ra những cảnh mình đã từng chứng
kiến như lò sát sinh, cảnh tranh giành, chém giết... Động lòng thương cảm
ông chảy nước mắt. Sau đó sự thương cảm khóc lóc kéo dài sang cả thời tụng
Bát Nhã. Rồi dần dần trong các khoảng còn lại khi nào ông cũng khóc. Đây
là do ông đã để lòng từ đi quá đà, nên bị ma bi nhập.
Người tu là
chiến sĩ sáng suốt làm chủ được mình. Cảnh thương cũng vừa phải, cảnh
không thương cũng vừa phải, và cuối cùng cảnh thương hay không thương gì
cũng chỉ là ngoại cảnh không thực, không có gì quan trọng để dính mắc.
Giai đoạn đầu tiên khai tâm của chúng ta như vậy, để ngăn ngừa và chuẩn bị
cho công phu tu tập của mình.
Kế đến là định
hướng chúng ta tu để làm Phật, đây là điều mong muốn đúng đắn. Tuy nhiên
phải có công phu tương xứng với điều mong muốn đó. Nghĩa là, muốn có quả
thì phải gây nhân. Muốn được an vui thì đừng làm thương tổn niềm vui của
chúng sinh. Muốn được hạnh phúc thì đừng phá vỡ hạnh phúc của người khác…
Muốn thành Phật thì phải tu những pháp dẫn mình đến quả Phật. Dù nhất thời
ta chưa thực hành được tất cả các pháp ấy, thì ít ra cũng từng bước từng
bước thực tập theo con đường Phật đi.
Phật là người
đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, chúng ta phải tu hạnh đại từ, đại bi, đại
hỷ, đại xả. Tu những hạnh này để phấn đấu, khắc phục và làm chủ được những
tật xấu của mình. Như trong gia đình, người bạn đời của quí vị đang bực
bội giận dữ mà quý vị vui vẻ nhẫn nhịn được. Đó là đang thực hành đại hỷ,
đại xả.
Phật nói nhẫn
là mẹ của tất cả công đức, chúng ta cũng phải tu hạnh nhẫn. Trước tiên là
nhẫn với chính mình. Vì thân này là tập hợp của những xấu xa đang chực chờ
che lấp tánh sáng suốt của ta, nên ta phải nhẫn nhịn với chúng. Ta soi rọi
lại chính mình để mình bịnh gì? Tham thứ gì? Điêu đứng khổ sở vì thứ gì?
Thấy rồi thì tu tập sửa đổi. Thứ gì quá đà thì phải nhẫn. Ăn vừa phải, ngủ
vừa phải, vui chơi vừa phải... Tạo cho mình một cuộc sống giản dị, tương
đối, bình thường. Từ sự bình thường này, mình trổi dậy như đóa sen vươn
cao trong bùn lầy nước đọng. Nhẫn như vậy gọi là giữ giới tu hành cũng gọi
là phản quan tự kỷ. Nhà Thiền chỉ dạy mình một việc như thế. Nếu làm được
thì mình sẽ sáng suốt khi đối duyên xúc cảnh. Như vậy, mới phá được ngoại
ma. Qua đó hàm dưỡng công phu tu hành làm chủ được nội ma. Phá được nội
ngoại ma, làm chủ được mình là phần thưởng cao quí nhất của người tu.
Trong phần tu
tập Phật dạy, phải nhìn thẳng vào nhân để biết rõ nhân khổ thì tránh, nhân
vui thì làm. Đó là Bồ tát, là biết tu và tu đúng với tinh thần của đạo
Phật. Nghĩa là phải nhìn kỹ những nhân nào đưa đến quả khổ thì không làm.
Đừng mong muốn suông, không chịu thực hành. Đạo Phật là đạo có thể chuyển
hóa con người và luôn cả hoàn cảnh từ xấu thành tốt, nhưng chúng ta phải
có ứng dụng tu hành, việc đi chùa nghe pháp mới có giá trị thiết thực. Làm
sao chúng ta có thể thành Phật, nếu chỉ nghe mà không áp dụng những lời
giảng vào đời sống của mình? Trong đạo Phật có bốn điều gọi là tứ chánh
cần - Việc ác chưa sanh không cho sanh. Việc ác đã sanh phải chấm dứt.
Việc thiện đã sanh không để đứt đoạn. Việc thiện chưa sanh làm cho phát
khởi. Đây là loại kinh không cần chuông mõ của đại thừa Bồ Tát. Tất cả
chúng ta là những Bồ Tát đang tụng loại kinh này. Dù ở đâu, ngồi ngoài
chợ, đang bán hàng hay tiếp khách đều tụng được. Tiếp khách mà định mở
miệng nói một câu gì xấu thì ngay đó tụng liền, đừng nói! đừng nói! Còn
những nhân nào đưa đến quả tốt thì dù cho nội chướng ngoại chướng gì cản
trở mình cũng cố gắng phát triển nó liên tục. Tu như vậy là tu trong mọi
hoàn cảnh, tu trong bận rộn như Hòa thượng đã dạy.
Tất cả chúng
ta đều là những Bồ Tát đang trong thời tu nhân, là thời mà ta phải trải
thân này để tu tạo tất cả các công đức, chuyển hóa những điều xấu thành
điều tốt. Nên phải tụng cho được loại kinh này. Phải nói, chúng đã có phúc
duyên nhiều đời, nên mới có cơ duyên học hiểu Phật pháp và tu hành như
ngày hôm nay. Mong rằng, tất cả những đều tốt này sẽ được phát triển, được
tu tụng không dứt đoạn.
Chỉ một bề sợ
khổ tìm vui mà không cần biết nguyên nhân thế nào là khổ thì đó là chúng
sanh. Kém thực tế không chịu nhìn rõ tu thẳng tu đúng. Nghĩa là, khi nào
mình cũng sợ khổ, muốn tránh khổ tìm vui, nhưng dừng những cái nhân khổ
thì không chịu dừng, mà chỉ một bề cầu nguyện suông. Phải nhìn quả đểø
biết nhân và tu ngay nhân ấy. Như thấy gia đình người hạnh phúc thì phải
biết người đó là người tốt. Họ tổ chức đời sống gia đình theo tinh thần
đạo lý, biết nhường nhịn, thương yêu lẫn nhau. Giờ muốn được vậy thì mình
cũng phải tạo những cái nhân như vậy. Đây là tu. An lạc và Niết bàn sẽ có
ngay hiện đời. Còn chờ một duyên thuận lợi thì biết đến chừng nào? Ta lớn
lên trong những cái bận rộn và dính chùm với những bận rộn này cho đến
cuối đời. Không tu theo Phật pháp thì có khi đến cuối đời rồi, mình cũng
chưa hết lo, hết nghĩ.
Sau đây là
phương thức tu hành cần có của người tu chúng ta.
Thứ nhất, sợ
bị người hại mạng thì đừng có tâm mưu đồ giết hại mạng sống người và vật.
Chúng ta ai cũng có tâm tham sống sợ chết, vì vậy mới di hại đến mạng sống
của chúng sanh. Như gặp một con rắn độc hay một con bọ cạp thì ta liền sử
dụng ngay sự khôn ngoan của mình để giết hại nó. Hình như đó là điều mình
phải làm để được yên lòng và thoả mãn. Ở đây, ta không đánh giá đúng sai
đối với việc làm này. Nhưng rõ ràng nó được làm với một ác tâm. Cứ nghiệm
thì thấy, nhiều khi con bọ cạp hay con rắn độc ấy đang du hành hóng mát
trong thế giới của chúng mà thôi. Chúng đâu có tâm cắn đốt gì mình. Chúng
ta phải tỉnh táo làm chủ những dấy khởi với kiểu sống “vì mình, ai chết
mặc kệ”. Nếu ta không chịu dừng những cái nhân giết hại như vậy thì luân
hồi luẫn quẫn không lối thoát.
Tôi kể một câu
chuyện để quí vị nhận thêm về vấn đề này. Có một vị vua Phật tử, mọi sinh
hoạt của nhà vua đều mang tinh thần phật giáo vị tha vô ngã... Trong số
các đại thần có một người mưu cầu việc lật đổ ngai vàng. Vì vị đại quan
này cho rằng, làm vua mà không biết thụ hưởng, cứ tu thế này, giữ giới thế
kia, làm toàn chuyện tào lao vô ích. Việc bị bại lộ ông phải bỏ trốn sang
nước lân cận. Vua nước này là một người hợp gu với ông, thời gian sau ông
được tin dùng. Một lần ông tâu với nhà vua “Nhà vua kia là một Phật tử nhu
nhược, chỉ cần một đoàn quân nhỏ của ta, cũng có thể thu phục được giang
san ấy, mở rộng bờ cõi. Để chứng tỏ, ông bày mưu cho các bọn cướp sang
biên giới quấy nhiễu cướp phá. Quả thật, bên kia bắt được, đem về thuyết
tam qui ngũ giới xong lại thả đi.
Sau đó một
đoàn quân liền được đưa đi vây đánh. Các quan đại thần thỉnh cầu đem binh
đánh trả. Nhà vua không chấp nhận, viết thư gởi cho giặc với nội dung sau
“Mạng sống của con người là quí. Ngai vàng sự nghiệp chỉ trong giai đoạn
mà thôi. Ngài muốn, tôi dâng hết. Nhưng phải bảo đảm mạng sống của sinh
linh bá tánh. Tôi sẽ dâng hết cho ngài với điều kiện ngài đừng sát hại
nhân dân tôi”. Vua mở cửa thành, giặc tràn vào, mọi thứ tuy yên ổn nhưng
vua quan đều bị bắt và được đưa đến một khu rừng nhiều chó sói. Có điều,
nhân quả không sai chạy. Người tu hành, gieo nhân tốt thì sẽ gặp quả tốt.
Các vị này không những không bị chó sói ăn, mà còn được cứu thoát và trang
bị đầy đủ những vũ khí tối tân, đưa trở lại hoàng cung. Thấy vậy vị vua
cướp nước tỉnh ngộ hỏi sự tình. Vua Phật tử trả lời:
- Tôi là Phật
tư,û những giới tôi đã thọ tôi phải giữ gìn. Do vậy tôi được các vị thần
hộ giới bảo vệ. Ngài đã không làm hại đất nước và nhân dân của tôi. Đó là
điều rất tốt cho cả tôi và ngài. Cứ xem như tôi vừa trải qua một giấc mơ
đẹp, là thực hành được tinh thần của người Phật tử, biết hy sinh và bảo
quản những chúng sanh có liên hệ với mình. Còn giấc mơ của ngài là thôn
tính, mở rộng, thụ hưởng v.v... ngài cũng đã đạt được. Giờ ngang đây hai
ta dừng lại, việc ai nấy lo.
Câu chuyện này
nói lên tinh thần biết tu, biết giữ giới của người Phật tử. Giới của mình
đang thọ hiện đây là năm giới. Trong đó giới về sự yêu thương thấy đã khó
giữ, giới không sát sanh lại càng khó giữ hơn. Vì mình luôn luôn tham sống
sợ chết nên chà đạp lên mạng sống của những loài yếu kém hơn mình. Khi
chúng ta phát triển tinh thần giữ giới thì cũng có nghĩa là chúng ta đang
phát triển lòng từ và bớt đi những cái nhân đưa đến quả khổ.
Thứ hai, nếu
không muốn hạnh phúc gia đình mình bị cướp đoạt thì đừng có tâm xâm phạm
phá hoại đến sự yên ấm hạnh phúc gia đình của người khác. Bất cứ một đoàn
thể nào, nếu có tổ chức chu đáo thì mới có thể hài hòa yên ấm. Nghĩa là,
không có sự va chạm sứt mẻ nào tồn tại. Vì vậy nhân tố để gia đình mình
hạnh phúc là mình đừng đụng chạm làm sứt mẻ đến gia đình người khác. Phải
gìn giữ để có sự êm ấm thuận hòa, bản thân và gia đình mình phải là những
viên gạch nền tảng để xây dựng một xã hội tốt. Muốn an cư, lạc nghiệp, đất
nước giàu mạnh thì phải sửa đổi tu tạo từ những đơn vị gốc này.
Thứ ba, phải
là người chủ trương chân thật. Đây là điều nghe thì đơn giản nhưng rất khó
làm. Vì có khi, chỉ với một lời nói bình thường thôi, ta đã không giữ được
sự chân thật rồi. Đạo Phật là đạo làm cho người hết khổ được vui bằng cách
giúp người có cái nhìn đúùng đắn đối với thực chất các pháp. Muốn vậy
trước tiên người tu phải chân thật với chính mình và với mọi người.
Có một vị vua
tài đức, tuy đã lớn tuổi nhưng không có con trai thành phải tìm người kế
vị trong nhân dân. Con trai toàn nước từ bảy tuổi đến mười ba tuổi được
triệu tập. Qua buổi lễ ra mắt, nhà vua ban cho mỗi đứa bé một số hạt giống
với lời dặn dò “Sau ba tháng các người đem những cây hoa từ những hạt
giống này về đây dự hội và sẽ được biết kết quả”
Ba tháng sau,
vô số hoa rực rỡ được mang về dự hội. Duy có một chậu chỉ toàn đất, không
cây cũng không hoa. Đứa bé rụt rè tâu với nhà vua “Con đã cố gắng hết sức
để chăm bón bảo quản giống hoa Hoàng thượng giao cho con. Nhưng không hiểu
sao ba tháng rồi, vẫn chỉ là đất không có thứ gì khác. Giờ đã hết thời
hạn, con chỉ có chậu đất này dâng Hoàng thượng”. Đứa bé vừa dứt lời, nhà
vua cười to tuyên bố “Đây là người xứng đáng kế thừa ngôi vị của ta, vì
con đã trồng được loài hoa vô hình, sản sinh từ lòng chân thật của con”.
Trước sự ngơ ngác của mọi người, nhà vua tiếp “Các hạt giống ta ban phát
cho các con cách đây ba tháng, ta đã luộc chín tất cả, không thể chăm bón
để có cây và hoa”. Sau đó, đứa bé được đưa vào hoàng cung chăm sóc dạy dỗ
để chuẩn bị cho ngôi vị kế thừa.
Trong việc tu
hành lòng chân thật lại càng quan trọng hơn. Có người đến bạch với Hòa
thượng “Bạch Hòa thượng sao nghiệp chướng của con nhiều quá, nó làm con
khổ sở không ít”. Hòa thượng trả lời “Đúng rồi, chính tôi cũng bị chướng
lắm, đâu có yên”. Chúng ta phải biết chân thật như vậy. Nếu không, mình
rất dễ rơi vào thế đại ngã mạn. Những nghiệp tập, tập quán cũ của mình
nhiều vô kể, đã huân tập từ bao đời kiếp rồi. Muốn trừ nó không phải dễ
dàng. Cứ nghiệm thì thấy, có bao giờ mình biết trước được điều gì xảy ra
trong ngày. Không biết nhưng đụng cái nào thì có cái để suy nghĩ ngay.
Trời mưa lắc rắc lành lạnh là mình liền nghĩ ngay đến cái ngày ở Đà Lạt
một năm nào đó. Những tơ tưởng này không ai sắp đặt nhưng đụng duyên là nó
nhảy ra tràng giang đại hải làm mất thì giờ của mình. Biết rõ điều này là
chân thật với chính mình. Từ đó chúng ta biết cách giải trừ nghiệp tập của
mình. Trong đời sống gia đình và xã hội, chân thật cũng không thể thiếu.
Trong tập thể Thiền viện đây, chúng tôi cũng phải phát huy sự chân thật
ấy. Huống là quí vị, những người phải đối đầu với cái ăn, cái mặc... Nếu
không tỉnh, thì có khi mình cũng tranh đua, gian dối, giành giựt như mọi
người. Đây là điều ai cũng dễ vướng vì nó đã nhiễm trong bao đời. Muốn gột
rửa nó thì chỉ có sự phấn đấu buông bỏ mà thôi. Rất nhiều gian nan trong
việc này, có khi muốn tu mà không được. Không gan dạ, không phi thường,
thì không vượt qua những thử thách gian nan ấy.
Con gái của vị
đại thần về hưu là một người đức hạnh và có nhan sắc. Cô được sắp đặt hầu
hạ hoàng hậu đương thời. Bất thần hoàng hậu bịnh nặng rồi chết. Cái chết
khi còn đầy xuân sắc và quyền uy của bà làm cô giựt mình tỉnh ngộ. Quả là
vô thường chóng vánh, mạng sống mỏng manh ngắn ngủi. Dù là bực mẫu nghi
thiên hạ chăng nữa cũng không thể cứu vãn khi vô thường đã tới. Sự tỉnh
ngộ dẫn đến việc cô muốn xuất gia, nhưng không được sự đồng ý của cha mẹ.
Cô phải lấy chồng và sinh con, có con xong mới có quyền xuất gia.
Sau khi đã
hoàn thành ý nguyện của cha mẹ, cô đi tu. Nhưng vì là người có nhan sắc
nên đến đâu cũng bị từ chối. Cuối cùng có một vị thầy nói rõ với cô “Sở dĩ
không ai dám nhận con, vì sắc diện của con dễ gây tai họa lắm!”. Nghe vậy
cô liền phát nguyện “Con đến với đạo vì muốn tìm sự an ổn và giải thoát
trong hiện đời. Nếu vì sắc diện này mà ước nguyện của con không thành thì
con xin phá bỏ nó”. Phát nguyện xong cô lấy bàn ủi đốt cháy mặt mình. Sau
đó cô được nhận vào thiền viện tu hành.
Sau khi đã
thiêu hủy nhan sắc của mình, cô ni nói “Trong khi hầu hạ hoàng hậu yêu
quí, ta đã đốt hương xông ướp áo quần tuyệt đẹp của ta. Bây giờ ta là tên
ăn mày không nhà, đã đốt mặt để bước vào chùa”.
Và lúc sắp
tịch cô để lại bài kệ:
Sáu mươi sáu lần, đôi mắt này nhìn thu thay đổi.
Ta
nói đến ánh trăng đã đủ rồi, đừng hỏi nữa.
Hãy lắng nghe âm điệu của thông ngàn,
Và
bách hương khi không gió lộng.
Đây là một con
người đã sống được với cây cỏ mây ngàn. Đã nghe được bách hương reo khi
trời không gió. Đã hòa chung được với thông ngàn cỏ nội. Không còn bị buộc
ràng bởi bất cứ một hình thức nào. Không còn bị ngăn cản bởi một trở lực
nào. Là một người tự tại giải thoát trong cuộc đời này. Đã đủ rồi, đừng
hỏi nữa!
Ai trong chúng
ta cũng có thể nói đến ánh trăng của mình như vị ni kia, nếu ta chịu bỏ
những gì cần bỏ, làm những gì cần làm cho việc tu hành của mình. Chúc tất
cả chúng ta thành công. |