HẠNH HIẾU CỦA NGƯỜI CON PHẬT
Hôm
nay, chúng tôi điểm qua vài vấn đề hiếu đạo của người con Phật. Người con
Phật, nhất là người xuất gia, phải giải quyết vấn đề hiếu đạo như thế nào.
Thường thế gian vẫn cho rằng người xuất gia không làm tròn hiếu đạo. Quan
điểm này cần phải được tìm hiểu cho tường tận, thấu đáo. Nếu không chúng
ta sẽ trở thành những người nông cạn, thiếu hiểu biết. Và vì vậy dẫn đến
những sai lầm đáng tiếc đối với đời sống phạm hạnh của bậc xuất gia tôn
quý.
Có năm
điều cần biết khi tu hành.
Chúng
ta cần phải biết, một trong những nguyên nhân để bị rơi vào địa ngục là
không hiếu thảo với cha mẹ, hoặc giết hại cha mẹ. Cho nên Phật tử khi đã
hiểu đạo rồi thì đừng bao giờ làm người con bất hiếu. Tất cả những kinh
điển của Thánh Hiền đều dạy chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ, bảo bọc
anh chị em và những người thân của mình. Phật dạy chúng ta phải thương tất
cả chúng sinh như cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của mình. Bởi vì chúng
sinh nào cũng là Phật sẽ thành. Đối với chúng sinh còn như thế, huống nữa
là cha mẹ hiện đời của mình. Điều này chúng ta có thể tu được. Hiếu thảo
với cha mẹ là một hạnh tu mà không cần phải tổ chức cúng kiếng gì cả. Tu
ngay trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên nói cha mẹ là Phật tại tiền. Đây
là điều thứ nhất.
Một trong
những trọng tội rơi vào địa ngục là làm thân Phật ra máu, chê bai chân lý,
phỉ báng Tam Bảo. Hủy báng Tam Bảo là sao? Tam Bảo là ba ngôi báu: Phật
bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Ở đây tôi nói tánh giác là Phật, chân thật là
Pháp, thanh tịnh là Tăng. Sống với trí tuệ, với tánh giác của mình tức là
sống với Phật bảo. Sống với niệm chân thật của mình tức là sống với Chánh
pháp. Sống với tâm thanh tịnh giải thoát của mình tức là chân Tăng. Chúng
ta luôn sống với niệm thanh tịnh, giải thoát chân thực của mình tức là
không hủy báng Tam Bảo. Đó là sống với Tam Bảo, thực hiện Tam Bảo một cách
trọn vẹn ngay trong đời sống này.
Về phương diện
pháp tướng. Đối với Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đối với giáo pháp của
Ngài, đối với đoàn thể thanh tịnh Tăng già đệ tử của Ngài, chúng ta một
lòng cung kính. Vì Tăng đoàn là những vị mang hình ảnh, mang chí cả, mang
từ bi, mang trí tuệ của Phật diễn hóa trong đời. Từ các ngài mà chúng ta
có thể hiểu biết, phát tâm tu hành. Đó là người ân, người thầy của chúng
ta. Đối với Pháp, tức là đối với các lời dạy của Phật, giúp cho chúng ta
kiện toàn thân tâm, có được đời sống an lạc. Lời dạy của Ngài là những
phương pháp giúp cho chúng ta qua được sông mê bể khổ. Đời sống của Ngài
cũng như đời sống của những vị Thánh đệ tử là đời sống thanh tịnh giải
thoát, nên chúng ta cần phải quí trọng, nương tựa các ngài. Chúng ta thực
hiện được việc đó nghĩa là chúng ta không gây nhân khổ thì nhất định không
bao giờ có quả khổ. Đây là điều thứ hai.
Một điểm nữa
là chúng ta phải giữ gìn từng tâm niệm của mình đối với tất cả mọi người,
nhất là những vị tu hành thanh tịnh. Phật giáo Việt Nam ngày nay có nhiều
hình thức tu sĩ. Nếu bất thần quí vị thấy tu sĩ có những hành động hoặc
ngôn ngữ không đáng kính, Phật tử phải bình tĩnh, bởi vì vẫn có nhiều điều
mà chúng ta đáng học và sẽ học được từ những vị này.
Hoặc chúng ta
thấy một thầy tu mặc áo vàng cũ kỹ, xốc xếch, mang cái bị cũng không ra
gì, bình bát chẳng thành bình bát. Sư đi vào phố, đến từng nhà để khất
thực mà không có nghi thức đúng với đạo Phật. Chúng ta nghĩ có lẽ ông thầy
này là ông thầy giả, liền sanh niệm bất kính. Nhưng khoan đã! Còn rất
nhiều điều mà chúng ta chưa học được ở vị này. Bởi vì Phật, Bồ tát, chúng
sinh, ma, quỷ lẫn lộn, làm sao biết vị đó là Bồ tát hay là ma quỷ? Chúng
ta khoan phê phán mà phải bình tĩnh. Nếu muốn phê phán về con người ấy thì
chúng ta phải có thời gian tìm hiểu rồi chúng ta sẽ phê phán. Cho nên cái
nhìn của đạo Phật là hoán chuyển, hóa giải. Chúng ta khoan kết luận mà
phải thân cận để tìm hiểu, cuối cùng rồi nhận định đúng hay sai, tà hay
chính.
Trong kinh
Pháp Hoa, có một vị Bồ tát tên là Thường Bất Khinh. Ngài không thăng tòa,
không nói kinh điển gì cả. Gặp bất cứ ai, ngài đều lễ lạy và nói: “Tôi
không dám khinh quí ngài, vì quí ngài đều là Phật sẽ thành”. Dù cho bị
người khinh khi hoặc có khi bị mắng nhiếc, đánh đập, ngài cũng vẫn cứ lễ
lạy. Người làm được như thế thì làm sao ta dám khinh. Vì vậy không thể
nhìn ở hình thức bên ngoài mà chúng ta có thể vội vàng kết luận được sự
kiện hoặc con người nào đó, phải bình tĩnh, phải có thời gian để suy xét.
Đây là điều thứ ba.
Thứ nữa, người
Phật tử là người nhận ra điều gì không chân thật thì không theo, không
làm. Điều này chúng ta có thể thực hiện được. Bởi điều gì không chân thật
thì sẽ đưa đến những kết quả không tốt. Như vậy, trong lòng chúng ta nếáu
còn niệm nào không chân thật thì nên loại nó ra. Chúng ta khỏi phải tụng
kinh gì cả. Hễ thấy trong lòng mình có gì không chân thật thì loại ra.
Không có kinh nào trị được bệnh ấy cả. Khi mình không chân thật thì mình
biết mình không chân thật, phải loại cái không chân thật đó ra. Đó là cách
tụng kinh, đó là cách tu hành. Tâm chân thật rồi thì nhân khổ không bao
giờ có. Đây là điều thứ tư.
Điều thứ năm
là khởi niệm tham trước. Trong năm điều thì điều này khó nhất. Bởi vì
thường trong lòng của chúng ta, hễ thấy có cái gì hợp nhãn, thì mình liền
khởi niệm thích thú, muốn cái đó thuộc về mình. Do đó khi đối duyên xúc
cảnh hay làm bất cứ việc gì chúng ta phải bình tĩnh. Mỗi khi mắt của chúng
ta chạm một hình ảnh, một sự kiện, một đối tượng, chúng ta phải bình tĩnh,
đừng để niệm khởi lên sau đó. Như vậy mới có thể chấm dứt được nhân đưa
mình vào cảnh khổ.
Tóm lại, năm
điều tôi vừa trình bày là năm điều có thể đưa chúng ta vào trong chỗ khổ
đau, nếu chúng ta không dừng, không làm chủ, không khắc phục. Chúng ta
phải sáng suốt, định tỉnh suy xét thật kỹ. Nó không phải là những vấn đề ở
bên ngoài mà nó nằm ngay trong đời sống bình thường của chúng ta. Việc
Hiếu đạo cũng không ngoài những yếu tố đó.
Hiếu đạo là
sao? Đó là chúng ta không làm khổ cho mình, không làm khổ cho cha mẹ,
quyến thuộc. Hiếu đạo ở đây còn có nghĩa là làm chủ được mình khi lo lắng
cho cha mẹ.
Trong kinh Địa
Tạng có nói chuyện một nữ Phật tử. Cô có bà mẹ thích những thức ăn từ
xương thịt của chúng sinh. Phật tử đó thấy hành động, cuộc sống của mẹ
mình như vậy, biết chắc bà sẽ bị rơi vào địa ngục, nhưng không biết làm
sao khuyên mẹ mình vì bà không kính tin Tam Bảo. Thời gian sau bà mất. Vì
là Phật tử cho nên cô thành tâm niệm danh hiệu Phật, mong biết được mẹ
mình sanh vào thế giới nào? Vì gần gũi cúng dường và tu hành thanh tịnh,
nên cô được một vị Tăng thanh tịnh thương xót nhập định xem xét. Cuối cùng
ngài cho cô biết là mẹ của cô bị đọa vào địa ngục. Không bao lâu sẽ sinh
vào nhà cô nhưng tuổi thọ rất ngắn.
Đúng như vậy,
sau một thời gian, đứa tớ gái ở trong gia đình sanh được một cháu bé. Cháu
bé ấy vừa biết đói lạnh, liền khóc than nói những cảnh khổ sở vừa trải qua
với cô. Cô biết đứa bé mới sanh là mẹ của mình nên rất khổ sở. Mình là
người tu hành mà mẹ của mình không chịu tu cho nên bây giờ bị rơi vào
trong cảnh con của một người tớ gái trong nhà. Vừa mới sinh ra trong mấy
ngày thì liền biết nói, rồi than khóc. Đứa bé nói rằng, chính ta là mẹ của
cô, do ngày xưa ta không biết đã tạo những nghiệp nhân xấu, hủy báng Tam
Bảo, không chịu tu cho nên bây giờ bị đọa lạc. Tuy rằng được hưởng nhờ
công đức tu hành của cô, được sinh vào trong nhà này nhưng phải làm con
một người tớ và chỉ hơn mười năm thì chết, tiếp tục rơi vào cảnh khổ.
Sau khi kể lể
xong, đứa bé trông mong cô làm sao có thể cứu rỗi cho hết khổ. Cô mới
trình bày sự việc với thầy mình và xin phát nguyện: “Tất cả chúng sinh khổ
đau trong địa ngục, trong loài quỷ đói và trong những cảnh cùng cực do
không biết tu tập mà bị đọa, con nguyện thay cho tất cả những kẻ đó mà
chịu cảnh khổ. Mong sao tất cả chúng sinh đừng gây tạo những nghiệp nhân
đó nữa”. Quí vị thấy, nếu là mình, mình có dám nguyện như thế không?
Kế đến cô
nguyện cho mẹ cô được chuyển sanh vào nơi an lạc, không còn những sự khổ
đau, phát tâm Bồ đề hướng về Phật mà tu hành. Điều này đứa bé có thể làm
được. Nhờ công đức của cô, người mẹ được chuyển hóa và sau khi mạng chung
không còn bị đọa vào chốn địa ngục nữa.
Khi chúng ta
bị một bản án cụt ngẳn như thế, biết mình chỉ còn sống một thời gian ngắn
nữa thì chắc chắn phải gắng sức tu thôi. Đó là người biết lo cho mình và
không làm khổ người khác. Đó là câu chuyện Hiếu đạo trong kinh Địa Tạng.
Chúng ta biết
khổ thì đừng gây khổ cho người khác. Như Phật tử kia biết con đường khổ,
mong muốn cho người thân của mình đừng gây nhân để phải đi vào con đường
ấy. Đó là tinh thần đại từ, đại bi trong nhà Phật.
Người Phật tử
chúng ta không nên ỷ lại, trông chờ vào tha lực. Bình tĩnh nhìn lại trong
cuộc sống, chúng ta sẽ thấy những gì mình gầy dựng như danh vọng, tiền tài
v.v… không có gì đảm bảo cả. Ví dụ như chúng ta cất được một ngôi nhà lầu,
ông thầu bảo đảm, theo chất liệu như thế thì nó sẽ tồn tại được bao nhiêu
năm. Nhưng mới mười năm hoặc hai ba năm gì đó chiến tranh hoặc giặc cướp,
lửa cháy, nước trôi hoặc là con cái phá tán… Ngôi nhà không còn nữa.
Thật là không
có gì bảo đảm hết. Đã không bảo đảm thì chúng ta phải chuẩn bị, nghĩa là
phải thương mình và đừng làm khổ người khác. Phát nguyện cứu giúp tất cả,
khuyến khích mọi người tạo những thiện duyên, hướng họ đi theo con đường
thiện, đừng tạo những nghiệp nhân để bị đọa đày khổ đau.
Về vấn đề tu,
chúng ta phải tu như thế nào, chứ không thể nói suông được. Như câu chuyện
: “Có một thiên tử ở trên trời thấy hoa sen trên đầu sắp úa tàn, năm thứ
tướng suy hiện ra. Chư thiên chung quanh thấy vậy thì biết vị này hết
phước rồi. Vị thiên tử kia mới tha thiết cầu các thiện hữu có kinh nghiệm
giúp cho cách thức để đừng bị rơi vào cảnh khổ. Một vị trời khuyên ông nên
tìm đức Phật và phát tâm quy y, tu tập theo lời Phật dạy thì có thể không
đọa vào đường khổ. Vị này liền tìm đến đức Phật. Sau khi được gặp Phật,
vị ấy quy y phát tâm tu hành dũng mãnh nên Phật cho xuất gia. Sau khi xuất
gia rồi lại tu hành tinh tiến, được quả vui an lạc vĩnh viễn.
Chúng ta tuy
không phải loài trời, không có những phước báo đặc biệt và nhất là không
sanh trong thời Phật tại thế, nhưng chúng ta có duyên là được gặp Phật
pháp, được gần gũi với những bậc tu hành thanh tịnh, giải thoát. Những sự
kiện đó có thể giúp cho chúng ta hết khổ. Với điều kiện là chúng ta phải
phát tâm mãnh liệt như vị trời kia. Hành trì đúng theo lời dạy của Phật,
hướng về con đường giác ngộ. Quyết tử tu tập thì nhất định chúng ta sẽ hết
khổ. Việc này không ai thế cho mình được, muốn hết khổ thì tự mình phải
gắng tu. Không thể đem vật gì để thay đổi, hóa giải, chuyển được cái khổ
của chính mình mà chỉ có tự tu, cố gắng tu.
Quí Phật tử
phát tâm quy y Tam Bảo, biết Phật Pháp Tăng rồi, ở nhà đã thờ Phật, ăn
chay, có được ý thức tu tập thì khi có một niệm xấu nổi lên liền bỏ đi.
Biết bỏ đi và sợ những nhân xấu, không làm hại đến chúng sinh. Hành trì
được như vậy tức là quí vị đã tu tập theo Phật đạo. Kế nữa là phải làm sao
phát triển sự hành trì ấy để kết quả được lớn lao hơn nữa, mới đi dần tới
quả Phật.
Chúng ta phải
cố gắng thực hành liên tục công phu tu tập từ ý niệm, lời nói, hành động.
Phấn đấu thực hành một cách quyết liệt, dứt khoát loại bỏ tất cả những gì
xấu xa. Không nghĩ, không nói, không làm những điều xấu, tức luôn giữ được
tâm mình. Niết Bàn an vui thanh tịnh giải thoát sẽ đến.
Sau cùng chúng
tôi xin nhắc đến câu chuyện đức Phật. Thế Tôn sinh ra ở Ấn Độ, cha là vua
Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Da. Sau khi sinh Ngài được bảy ngày thì bà
mất. Khi Ngài tu hành đã thành đạo, nghe tin vua Tịnh Phạn bệnh nặng, Ngài
trở về hoàng cung, thuyết pháp cho vua nghe. Vua phát tâm quy y Tam Bảo và
tu hành. Sau khi được đức Phật hướng dẫn tu tập thì vua đạt được trạng
thái tâm thanh tịnh, vua nhập định bảy ngày. Sau bảy ngày thì vua băng hà
khi vừa chứng đạo.
Tất cả chúng
ta sinh ra đều có cha mẹ, có gia đình. Không có người nào tự nhiên có mặt
ở đây. Thì đạo hiếu là một vấn đề phải thực hiện. Vị giáo chủ của mình đã
thực hiện rồi, thì chúng ta cũng phải thực hiện.
Ngày xưa, khi
đức Phật thành đạo, Ngài về thuyết pháp cho vua cha nghe khi vua bệnh, vua
chứng đạo và giải thoát. Bây giờ chúng ta chưa chứng đạo, chúng ta chưa
thể thuyết pháp cho cha mẹ nghe để cha mẹ chứng đạo. Chúng ta chưa thể làm
được điều đó nhưng việc gì làm được thì ta làm. Ví như trong gia đình, cha
mẹ, anh chị hoặc những người thân của chúng ta chưa hướng về Tam Bảo, chưa
phát tâm tu hành, thì chúng ta càng nỗ lực tu hành. Nỗ lực tu hành là
chúng ta biết thương mình và thương cha mẹ, anh chị, những người thân của
mình. Hướng cha mẹ, anh chị, những người thân của mình về Tam Bảo thì
không phải đợi đến khi chứng đạo chúng ta mới làm được. Ngay bây giờ, với
niềm tin, với tấm lòng của mình đối với Tam Bảo, thương cha mẹ, những
người chung quanh mình, thì trước nhất đem tinh thần của đức Phật dạy chân
tình dâng lên cho cha mẹ, cho những người thân của mình. Từ đó cha mẹ,
những người thân của mình tin kính Tam Bảo, cùng nỗ lực tu hành thì tốt
đẹp biết bao nhiêu. Chúng ta ráng tu là cụ thể như đãõ thọ giới thì phải
giữ giới. Biết cuộc đời là huyễn ảo, các pháp giả dối, chúng ta không đắm
luyến chạy theo, sống trở về với tâm chân thật của mình. Từ đó khuyến hóa
người thân cùng hướng về Tam Bảo, tin kính và nỗ lực tu hành. Đó là điều
mà chúng ta có thể làm được. Đức Phật ngày xưa cũng đã làm điều đó đối với
cha mẹ Ngài.
Sử còn ghi
lại, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, theo lời thỉnh cầu của chư Thiên, vào
một mùa hạ Ngài lên cung trời Đao Lợi nhập hạ và thuyết pháp cho chư
Thiên. Trong các vị trời đến nghe pháp, có một vị từ cung trời Đâu Suất
đến. Vị này tiền thân là hoàng hậu Ma Da, mẹ của Thái tử Sĩ Đạt Đa. Nhờ
công đức sanh một vị Phật nên sau bảy ngày bà mất và được sinh làm vị trời
trên cung trời Đâu Suất. Vị Thiên tử này đến nghe pháp mỗi ngày. Như vậy
Ngài vừa giúp cho chư Thiên biết được đường hướng tu hành đồng thời Ngài
cũng trả hiếu cho mẹ. Vì sau những thời pháp ấy, vị trời là tiền thân mẹ
Ngài nỗ lực tu tập nên đã chứng được Thánh quả.
Đức giáo chủ
của chúng ta đã sống một đời sống phạm hạnh và tròn ân vẹn nghĩa với cha
mẹ thân tộc. Chính bản thân Ngài là tấm gương sáng cho hàng Phật tử chúng
ta noi theo. Lấy công đức hạnh nghiệp của mình để đền ân cha mẹ. Tự lợi,
lợi tha đem hạnh phúc an vui đến cho muôn loài, trong đó có mẹ cha. Hiếu
đạo trong nhà Phật vì thế được xem như bổn phận và việc làm hàng đầu của
chúng ta.
] |