HẠNH HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT
Hôm nay là
ngày rằm tháng bảy. Thường ở xứ mình giới Phật tử hướng tâm về ngày này để
tỏ lòng hiếu thuận đối với cha mẹ cho nên cũng gọi là ngày báo hiếu. Trong
ngày lễ hôm nay, những người con Phật, những người con có tâm hiếu hạnh,
hiếu đạo đối với song thân, đối với tất cả người mà mình đã thọ ơn, đều
hết lòng thiết lễ cúng dường chư Tăng gọi là lễ Vu lan báo hiếu.
Ý nghĩa của lễ
Vu lan báo hiếu lâu nay quí vị đã nghe, đã hiểu rồi. Hôm nay chúng tôi sẽ
nói về tinh thần biết ơn và đền ơn của người con Phật. Vừa rồi quí vị đã
lễ Phật và tụng kinh để hồi hướng cho song thân của mình. Những người quá
vãng cha mẹ nhiều đời nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ uy lực của Phật, của chúng
Tăng và nhờ tất cả công đức lành mà quí vị tu tạo mong được nhẹ nhàng sanh
về cõi Phật hoặc là được hết khổ, được an vui, giải thoát. Như vậy, hôm
nay là ngày quí vị làm bổn phận hiếu đạo, để tạo công đức hồi hướng cho
song thân của mình. Đồng thời quí vị cũng là người Phật tử biết học đạo,
biết tìm hiểu Phật pháp chân chính để rồi chúng ta áp dụng được Phật pháp
trong đời sống của mình. Ngay trong đời sống hiện tại nếu chúng ta áp dụng
Phật pháp chân chính, chắc chắn chúng ta sẽ được vui, sẽ hết khổ. Vậy bổn
phận của người con Phật phải báo đáp thâm ân cha mẹ như thế nào? Đó là
điều chúng ta phải học, phải hiểu.
Đức Phật dạy
rằng tất cả chúng sinh có một mối thâm ân khó đền đáp, đó là ân cha mẹ.
Giả sử có người suốt đời thường để cha mẹ trên hai vai, cung cấp thức ăn
và mọi thứ cần dùng, khi bệnh lại thuốc thang săn sóc tận tình, cũng chưa
thể báo được ân sâu ấy. Tại sao? Vì ân cha mẹ đối với chúng ta rất sâu
dày. Như lời Phật nói, giả sử có người suốt đời thường để cha mẹ trên hai
vai, quí vị thấy mình làm được chưa? Thưa rằng chưa được. Suốt đời thường
để cha mẹ trên hai vai, cung cấp áo mặc thức ăn và mọi thứ cần dùng, điều
này có khi Phật tử chúng ta không trôi tròn nổi. Vì hoàn cảnh gia đình
không ai giống ai. Cũng có người làm được điều ân nghĩa, báo đáp chút thâm
ân nhưng cũng có người vì hoàn cảnh thế nọ thế kia chưa báo đáp được thâm
ân. Thật ra đối với những điều cần thiết thông thường trong cuộc sống, như
cơm ăn, áo mặc, và mọi thứ cần dùng, thuốc thang v.v.. có những Phật tử
gặp hoàn cảnh khó khăn, nên không thể trôi tròn. Có ở trong hoàn cảnh đó
thì tự nhiên chúng ta sẽ hiểu. Lại cũng có người đủ điều kiện đền đáp thâm
ân của cha mẹ rồi cũng không làm tròn. Nhưng đa phần thì không đủ điều
kiện để thực hiện việc đền đáp ân nghĩa này. Đó là do đa số chúng sinh hay
đa số những người con Phật, có khi không biết cách báo đáp thâm ân đối với
cha mẹ. Có khi biết rồi nhưng cũng không làm tròn bổn phận đối với cha mẹ.
Khi chúng ta nhận hiểu như thế rồi thì tùy hoàn cảnh, người Phật tử phải
cố gắng thực hiện cho trọn vẹn tinh thần của một người con biết nghĩ nhớ
đến thâm ân của cha mẹ.
Như trên đã
nói, không thể báo đáp công ân cha mẹ bằng cách cõng cha mẹ trên hai vai
suốt cả đời và cung cấp tất cả những tiện nghi cần thiết. Bởi vì ân của
cha mẹ đối với con rất là sâu dày. Nếu không có cha mẹ thì không có chúng
ta. Nếu có cha mẹ mà cha mẹ không thương chúng ta, không nuôi nấng, không
cực khổ, lo lắng nuôi dạy chúng ta thì chúng ta không nên người. Vì vậy
suy nghĩ cho thấu đáo chúng ta thấy quả thực lời của Phật dạy không sai,
ân cha nghĩa mẹ sâu dày lắm.
Như đối với mẹ
thì mẹ chịu khổ lúc mang thai, khi sinh sản chăm nom, phần bú sữa, mớm
cơm, thường tắm rửa cho sạch sẽ, không kể sự hôi nhơ. Dùng lòng từ bi hay
dùng tình thương săn sóc nuôi con cho đến khi khôn lớn. Cung cấp cho những
y phục, thức ăn ngon, đồ chơi, hoặc là những đồ vật để trang điểm. Những
điều trong kinh nêu lên công đức của một người mẹ, từ khi cưu mang thai
nhi ở trong lòng cho đến ngày sinh nở rồi nuôi dưỡng đùm bọc, sự khó nhọc,
khổ đau nhiều thật là nhiều.
Còn cha thì
dạy con cách nói năng, lo cho học hành, lo lắng khi con đau yếu. Tâm
thường muốn cho trẻ khỏi khổ, được vui. Chăm nom, tưởng nghĩ đến con như
bóng theo hình. Cho nên ân của cha mẹ không thể thực hiện một cách hời hợt
mà có thể báo đáp, có thể làm tròn được bổn phận của chúng ta. Vì vậy nên
nói công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ khó có thể đáp đền cho xứng
được.
Không những
Phật dạy ân nghĩa cha mẹ to lớn khó đền đáp, mà nhà Nho cũng dạy, làm một
người con xứng đáng thì hiếu hạnh không phải là việc dễ dàng thực hành
được. Sách Nho nói: “Hiếu giả bách hạnh chi tiên, hiếu chí ư thiên, phong
vũ thuận thời; hiếu chí ư địa, tắc vạn vật hóa thành; hiếu chí ư nhơn, tắc
chúng phước hàm tăng”. Nghĩa là: “Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt; hiếu
cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận; hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa
sinh; hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều tăng trưởng”. Bên Nho cho rằng
hiếu hạnh đứng đầu trong muôn hạnh, có được hạnh hiếu thì có được tất cả
những hạnh khác. Cho nên nói: “Hiếu hạnh mà cảm đến trời thì mưa hòa gió
thuận”. Nếu chúng ta có đọc sách Thánh hiền thì sẽ thấy, thời nào người
dân sống trong điều kiện gia đình hạnh phúc, con cái hiếu thuận thì thời
đó là thời mưa hòa gió thuận. Còn như thời nào mà gia đình sống không yên
ổn, con cái ngỗ nghịch, mọi sự sắp đặt trong xã hội bất ổn thì đó là thời
có nhiều tai họa, chúng sinh không yên ổn, sự sống không an vui, không
hạnh phúc. Còn nếu đạo hiếu đó hay cảm đến mọi người, thì mọi người đều là
những người hiếu hạnh. Đây thật là phước đức to lớn của tất cả chúng sinh.
Trong kinh Phật nói hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật, vừa rồi
tôi nói đạo hiếu là đạo Phật. Như vậy nếu chúng ta trôi tròn bổn phận của
mình trong hiếu đạo cũng có nghĩa là chúng ta đã biết tu Phật, biết thực
hành theo lời Phật dạy. Rõ ràng trong đạo Phật, từ đức Phật cho đến các vị
thánh đều nhắc nhở hiếu là cái gốc. Mất gốc này thì coi như những việc
khác không thể thực hiện hoàn bị. Cho nên người con Phật là người phải
hoàn toàn thực hiện đầy đủ hiếu hạnh.
Nhà Nho cũng
có dẫn những điều như thế này: “ Hiếu tử chí sự thân cư tắc trí kỳ kỉnh,
dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí
kỳ nghiêm” v.v… Nghĩa là “người con hiếu phụng thờ cha mẹ, ngày thường thì
rất cung kính, phụng dưỡng thì rất vui vẻ, bệnh hoạn thì rất lo lắng, tang
sự thì rất thương xót, tế lễ thì rất trang nghiêm” v.v… Cho nên người nào
không thương kính cha mẹ mà thương kính người khác đó là trái đức, mà cũng
là trái lẽ nữa.
Làm con, mọi
sự thương kính đều phải dành cho cha mẹ. Phật tử chúng ta có người rất
cung kính cha mẹ nhưng cũng có vị đôi khi vì một lý do gì đó, sự cung kính
không trọn vẹn, phải vậy không? Mà không trọn vẹn, không hoàn bị thì tinh
thần báo hiếu, tinh thần lo lắng cho cha mẹ của chúng ta cũng không thành.
Biết như vậy, tất cả người con Phật chúng ta đối xử với cha mẹ trong cuộc
sống hằng ngày, phải luôn luôn quý kính thương yêu. Người con luôn quý
kính cha mẹ là người con không cãi lại, không ngỗ nghịch, không nói hay
làm điều gì khiến cho cha mẹ buồn phiền hoặc khiến cho cha mẹ phải bức
xúc về hành động, ngôn ngữ của mình. Điều này nói thì dễ nhưng nếu chúng
ta không để ý, không quan tâm thì khó làm tròn. Bởi vì trong cuộc sống,
hằng ngày chúng ta phải đối diện với những sự kiện chung quanh. Có những
điều thích ý vừa lòng, có những điều trái ý nghịch lòng. Nếu chúng ta
không tỉnh táo thì khi gặp việc trái ý, có thể chúng ta làm hỏng mất lòng
cung kính hay làm mất đi tinh thần hiếu hạnh, hiếu đạo đối với cha mẹ. Mà
trong cuộc sống thì những điều không như ý nhiều hơn là như ý. Những điều
bất như ý luôn luôn làm cho mình bực bội không vui, có khi mất ăn mất ngủ…
Do đó rất dễ sanh lỗi lầm với cha mẹ.
Tinh thần hiếu
đạo dạy chúng ta phải luôn luôn thương kính cha mẹ hết sức thành thực.
Tình thương đó không có dụng ý gì, không có sự sắp xếp nào trong lòng
chúng ta cả. Cũng như khi mẹ chúng ta sinh chúng ta, hoặc cha chúng ta
chạy ngược, chạy xuôi để có phương tiện nuôi nấng dạy dỗ chúng ta, những
bậc song thân này trong lòng không hề có một toan tính gì cả. Sanh con,
nuôi con, cho con đi học là muốn con được nên người. Nuôi dạy con bất cứ
một điều gì thì cũng dốc lòng lo lắng, mong mỏi con mình sẽ thành người
tốt, sẽ là người có công hạnh giúp ích cho gia đình và cho xã hội v.v… Tấm
lòng của cha mẹ như thế. Bây giờ chúng ta báo đáp lại công ơn cha mẹ cũng
vậy. Nếu trong lòng chúng ta có một chút toan tính, giống như trao đổi hai
chiều, thì đạo hiếu không thành. Tất cả người con Phật chúng ta tự tâm làm
bổn phận hiếu hạnh, hiếu đạo của mình đối với cha mẹ thìø trong lòng vui
vẻ, an ổn. Làm việc này bằng tất cả lòng thành, và làm một cách hết sức
hồn nhiên. Đó là những điều chúng ta cần phải biết và luôn luôn ghi nhớ.
Bởi vì cuộc
sống không phải lúc nào cũng bình thường. Có khi khỏe mạnh, cũng có hồi
đau yếu. Đau yếu thường thì không khó khăn gì. Đưa đi bác sĩ, uống một ít
thuốc rồi mạnh. Nhưng lỡ cha mẹ mang bệnh trầm kha, đòi hỏi phải tháng năm
dài, tốn kém nhiều, mất thì giờ hoặc có khi mất cả công ăn việc làm. Gặp
phải tình huống như vậy, chúng ta có vui lòng báo đáp hay không? Hay chúng
ta phàn nàn, tỏ vẻ mệt nhọc, uể oải, chán nản, bực bội, rồi có khi chúng
ta thốt ra những lời bất kính, những thái độ trái đạo. Phút giây nào chúng
ta không tự chủ được thì niệm bất kính khởi ra ngay. Mà đã có những niệm
bất kính rồi thì chúng ta chưa thể gọi là báo đền thâm ân đối với cha mẹ.
Đó là nói khi
cha mẹ sinh tiền chịu nhiều bệnh tật. Rồi đến khi qua đời, nhà Nho dạy
rằng: “Tang sự phải rất là thương xót, tế lễ phải rất là trang nghiêm”.
Chỗ này nói rộng ra một chút để chúng ta nghiệm xét. Vì theo những quan
niệm sinh hoạt của xóm làng, khi cha mẹ mất rồi, mình phải nhận những tế
lễ của các nơi. Theo thường tình, việc tế lễ ở thế gian thì có qua có lại.
Nghĩa là, ngày trước bạn bè của chúng ta có tang sự, đã nhận lễ vật tế
cúng của chúng ta. Đến lượt trong nhà chúng ta có tang sự, những vị ấy
cũng tìm cách để cúng tế. Như vậy họ cúng tế để làm gì? Cúng tế để trả cho
rồi cái nợ trước. Nếu chúng ta là người con chí hiếu thì nhất định chúng
ta phải xét lại chỗ này. Vì những việc cúng tế rình rang, những lễ nghi
mang hình thức bề ngoài đó, liệu có thể hiện tấm lòng của chúng ta đầy đủ
hay không. Hay đó chỉ là hình thức rườm rà phiền toái. Ngày trước mình có
lễ đối với người. Bây giờ người có điều kiện dâng lễ trọng hơn. Cứ như
thế, bên này nhận lễ trọng rồi trả lại lễ trọng. Hóa ra trao đổi hai chiều
với nhau thôi. Trong cuộc sống, trong tương giao, như thế là hay nhưng
thật tình nói về hiếu đạo thì chưa đúng nghĩa.
Với tinh thần
đạo Phật, nếp sinh hoạt, sự cư xử, phép lễ nghĩa v.v… cần phải chân thật.
Chúng ta không hoàn toàn phủ nhận các nghi thức ấy, nhưng điều nào làm có
ý nghĩa chân thực, thể hiện được lòng thành của mình, có nội dung hay có
phẩm chất thực thì chúng ta nên làm. Còn như những lễ nghĩa chỉ trên phần
hình thức quan hệ tương giao thì chúng ta có thể giảm bớt.
Trong kinh
Phật luôn nhắc nhở chúng ta rằng: Khi người thân sắp qua đời, nếu muốn
giúp cho người thân của mình được yên, hỗ trợ cho nhẹ nhàng theo Phật,
hoặc nhớ lại những công hạnh lành lúc sinh tiền người ấy đã tu tạo để
nương đó mà thần thức vãng sanh về cõi lành. Tất cả những việc này đều cần
sự lắng yên và thành khẩn chứ không cần sự ồn ào, những tổ chức phiền toái
theo thế gian. Cho nên theo tinh thần của đạo Phật, nếu người thân qua
đời, thì trước nhất trong gia đình, con cháu phải thành tâm khẩn thiết và
định tỉnh lắng yên. Việc thể hiện tình thương của mình qua sự khóc lóc là
không hợp với đạo. Bởi vì trong đời sống thường ngày chúng ta đã dốc lòng
đền trả thâm ân của cha mẹ. Khi có sự cố bệnh tật, chúng ta cũng dốc lòng
thương kính lo lắng cho cha mẹ, không chút than phiền. Cho tới bây giờ nếu
cha mẹ mãn phần hết duyên thì chúng ta cũng đã hết lòng lắng tâm để hồi
hướng tất cả công đức hay hỗ trợ giúp cho thần thức cha mẹ được bình an
vui vẻ, theo nghiệp lành mà đến những nơi an lạc. Cho nên những lễ nghi ồn
ào là không cần thiết. Tối kỵ trường hợp giết súc vật trâu, bò, heo, chó,
dê… để cúng lễ. Việc này càng gây thêm ân oán nợ nần, không có lợi gì cả.
Nói về cúng
kính, trong kinh Phật có dẫn câu chuyện như thế này: Một hôm trên đường du
hóa, Phật và thị giả A-Nan nghỉ lại bên bờ sông Hằng. Đêm đến, Ngài A-Nan
tọa thiền thấy có những đoàn người đi qua. Mỗi đoàn có đến mấy trăm người.
Số người này vừa đi vừa khóc lóc than thở kêu gào. Hết đoàn này đến đoàn
khác. Nhưng đoàn đi sau cùng thì mọi người nhảy nhót vui mừng. Thấy lạ,
Ngài A-Nan liền trình lên Phật, hỏi cớ sự làm sao, những người đó là ai mà
kẻ đi qua thì vui vẻ nhảy nhót, người đi qua lại rầu rĩ, kêu gào đói khát.
Phật dạy Ngài
A-Nan, những loại quỷ đi qua khổ sở, đói khát là do khi sanh tiền, họ gây
nhân không tốt và khi qua đời con cháu trong gia đình của họ lại tạo thêm
những nhân không tốt nữa, như giết hại sinh vật để tế lễ, tổ chức ăn uống
thù tạc theo thế gian linh đình… Những việc làm này chẳng những không đem
lại một chút phúc lành tốt đẹp nào để trợ giúp cho người quá cố mà lại còn
gây thêm sự khổ đau nữa. Giống như người trong thời gian bị giam giữ, thụ
lý mà con cháu bên ngoài không giúp gì được lại còn gây thêm những chuyện
ác đức, tạo nhân không tốt thì chắc chắn là người ấy phải bị tù tội. Vì
vậy cho nên họ khổ.
Còn đoàn đi
qua ca hát nhảy múa, cũng giống như người trong thời gian thụ lý, sắp đưa
ra tòa. Mà con cháu biết cách lo tu tạo công đức trợ giúp cho họ. Vì vậy
nên biết chắc rằng khi đưa ra tòa thì họ sẽ hết tội, thoát khỏi nơi gông
cùm, sẽ được an vui. Vì vậy cho nên họ mới vui vẻ nhảy nhót.
Cũng vậy, ở
đây trở lại vấn đề hiếu đạo. Nếu cha mẹ chúng ta qua đời, vì không hiểu
biết chúng ta lại gây thêm những nợ nần, oan nghiệp. Mà nhất là nợ giết
hại sinh mạng chúng sinh để tế lễ, rồi tổ chức ăn uống thù tạc theo thế
gian. Đó là gây thêm sự khổ đau cho cha mẹ, hoàn toàn không có ích lợi gì
cả. Phật tử chúng ta biết như vậy rồi thì cố gắng sắp xếp như thế nào, để
không gây sự tổn hại, không gây những nhân xấu ảnh hưởng đến người thân
của chúng ta khi qua đời.
Tinh thần
hiếu đạo theo nhà Phật dạy: Thứ nhất Phật tử chúng ta phải tu tạo mọi công
đức lành để hoàn thành đạo hiếu đối với cha mẹ. Nếu cha mẹ đối với Phật
pháp không có lòng tin tưởng thì bổn phận làm con phải dùng phương tiện
khuyến khích, tán dương lợi ích phụng sự Tam Bảo cho cha mẹ sinh lòng kính
tin. Làm được việc này là một cách thực hiện báo hiếu đối với cha mẹ. Việc
này có khi dễ, nhưng cũng có khi không phải dễ dàng gì. Bởi vì người có
duyên với Phật pháp thì họ tự tìm đến Tam Bảo tức là Phật, Pháp, Tăng.
Theo sự hướng dẫn tu tập của chư Tăng, họ liền phát tâm kính tin Tam Bảo.
Nhưng người không có duyên với Phật pháp, không bao giờ họ muốn nghe đến
danh từ Tam Bảo, không bao giờ chịu nghe Phật pháp. Nếu lỡ cha mẹ mình có
nghiệp như vậy thì việc khuyến khích cho cha mẹ tin kính Tam Bảo, hướng về
Tam Bảo quả thật không phải là chuyện đơn giản. Thế nên trong nhà Phật có
câu: “Phật hóa hữu duyên nhân” là vậy.
Nhơn đây tôi
xin nhắc lại câu chuyện cũ. Hồi Phật còn tại thế, Cấp Cô Độc là vị cư sĩ
được gặp Phật, nghe Phật thuyết pháp và ngộ đạo. Ông dốc lực để phụng sự
Phật pháp, cất tinh xá, ủng hộ cho chư Tăng, cúng dường mọi thứ cần thiết.
Trong đời sống còn lại, ông phát nguyện hết lòng trong công việc này. Cho
nên tất cả tài sản, những gì ông có, ông sẵn sàng đem ra cúng dường, tạo
đủ thuận duyên cho chư Tăng tu học và hoằng pháp.
Vì là người
giàu sang và là một người có địa vị lớn trong xã hội, nên nhà ông có nhiều
người giúp việc. Trong số đó có một bà cụ lãnh phần giữ kho. Nhưng rất lạ,
bà cụ này không có duyên với Phật pháp và nhất là không có duyên với đức
Phật. Bà nói rằng không biết những vị Tỳ Kheo tu hành như thế nào mà cứ
thấy các vị cần cái này, cần cái kia. Khi thì cần vải may y, khi thì cần
thuốc thang, khi thì cần giường nằm… Mà giáo đoàn của đức Phật có đến một
ngàn hai trăm mấy chục người. Các vị cứ đến xin hoài, khiến bà già phát
bực: “Các vị này không biết xấu hổ, cứ đòi hỏi, đòi hỏi quá đáng”.
Phật biết
được tâm niệm của bà cụ nên muốn tìm cách hóa độ. Một buổi sáng, Phật đi
đến thì bà đang đứng ở cửa kho. Thấy Phật, bà liền quay mặt đi chỗ khác,
xoay lưng lại. Đức Phật biết rồi, nên hiện ra bốn bên đều có Phật, khi đó
bà già cúi mặt xuống đất. Đức Phật nói: “Bà cụ già này không có duyên với
ta”. Không có duyên thì không làm sao độ được. Cũng vậy, trong gia đình
mình là Phật tử hiểu đạo, tu tạo tất cả các công đức, dốc lòng vì đạo, vì
sự tu học và mở mang Phật pháp của chư Tăng. Nhưng nếu gặp cha mẹ không
tin Tam Bảo, lại có niệm ác hủy báng Tam Bảo nữa, khi đó nhiệm vụ chuyển
hóa cha mẹ rất là khó.
Có người nói
rằng: đem người đến đạo thì dễ mà đem đạo đến người rất khó. Đã không tin
thì dù chúng ta nói hay, nói lợi ích đến đâu, người không tin vẫn không
tin. Cho nên việc này đòi hỏi Phật tử phải có phương tiện khéo léo, phải
có tâm niệm thương xót tha thiết thì mới thực hiện được. Đây chính là lúc
Phật tử phải thể hiện hoàn toàn cung cách, ngôn hạnh của Bồ tát, hay cung
cách ngôn hạnh của một vị Phật tương lai thì mới có thể trôi tròn được.
Làm con
trong một gia đình như vậy, chúng ta phải tế nhị khuyến khích cha mẹ tin
kính Tam Bảo. Riêng bản thân mình phải gìn giữ những nết hạnh của một
người Phật tử tại gia, tức là giữ gìn những điều giới căn bản đầy đủ. Năm
điều giới Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia: Thứ nhất không được giết hại
chúng sinh, thứ hai không được trộm cắp, thứ ba không được tà dâm, thứ tư
không được nói dối và thứ năm không được uống rượu và dùng những thứ làm
say sưa, hư hỏng con người.
Năm điều này
dù không phải là Phật tử nếu vi phạm vẫn bị tội theo luật pháp thế gian.
Cuộc sống luân lý trong gia đình, quan hệ xã hội cũng sẽ không tha thứ cho
kẻ ấy. Ví dụ như giới thứ hai là gian tham trộm cắp, dù cho hạng người nào
nếu gian tham trộm cắp thì đều bị luật pháp trừng trị. Hay điều giới thứ
ba là không được tà dâm. Tà dâm tức là người Phật tử tại gia có quyền lập
gia đình nhưng sau khi lập gia đình rồi, không được có tà tâm, tà ý với ai
nữa cả. Vì nếu có tà tâm, tà ý thì sẽ làm hỏng hạnh phúc gia đình và ảnh
hưởng đến nguồn vui chung của xã hội. Trong lòng không đoan chánh gây tác
hại đến hạnh phúc gia đình của người khác… mà muốn cầu nguyện cho gia đình
mình được hạnh phúc thì cầu nguyện làm sao được. Nghĩa là không chịu tu
nhân, không chịu sửa mình, mà cứ cầu nguyện để được quả tốt, quả tốt không
thể đến. Người Phật tử phải giữ đức hạnh trọn vẹn mới có thể chuyển hóa
được cha mẹ, gia đình.
Nếu song
thân chưa hiểu rộng về Phật pháp, chúng ta phải dùng phương tiện, khiến
cho nghe hiểu chánh pháp, tin Phật pháp rồi qui y Tam Bảo. Ngang chừng đó
chưa đủ, mà còn phải giúp cha mẹ biết áp dụng Phật pháp vào đời sống của
mình để tâm hồn được định tỉnh an vui. Bởi vì lời Phật dạy là lời của một
vị đã giác ngộ, đã thể nghiệm và đem giáo lý chắc thực ấy dạy chúng ta.
Bây giờ nếu chúng ta muốn đạt được kết quả, đạt được giá trị thiết thực
của lời dạy đó thì không thể hiểu suông, mà phải thực hành tu tập.
Ở đây chúng
tôi muốn nhấn mạnh đến việc áp dụng Phật pháp trong đời sống, trong gia
đình của người con Phật, nghĩa là phải có tu. Nếu chúng ta chưa chịu hành
trì thì sự hiểu biết chẳng qua là hiểu sơ bên ngoài thôi, không thể đi sâu
vào nội tâm được. Người con Phật muốn hiểu Phật pháp thì phải áp dụng Phật
pháp. Áp dụng Phật pháp, hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp, mới
thấy lời Phật dạy không ngoa.
Đã thực
hành rồi, thì đối với những người thân trong gia đình, không chịu hiểu,
không chịu thực hành, chúng ta dễ nhắc nhở, dễ khuyến khích hơn. Bởi vì
chúng ta phải thể hiện một nội dung chân thật thì mới có thể gieo niềm tin
cho mọi người. Tôi muốn nói rằng khi khuyên người khác tu, thì chính bản
thân mình phải tu trước. Như chúng ta là con cái trong gia đình, hiểu được
Phật pháp, áp dụng Phật pháp có lợi ích, lòng mình vui vẻ, phát triển được
tâm hạnh lành. Muốn cho cha mẹ và những người thân trong gia đình của mình
cũng được như thế thì bản thân mình phải thể hiện tinh thần đó thật cụ
thể. Nếu khuyên cha mẹ đừng nóng giận, mà khi có ai chọc tức mình, thì
mình nổi sùng lên, nóng giận la lối thì làm sao cha mẹ nghe mình được. Cho
nên đối với giáo lý của đạo Phật, bản thân chúng ta phải có hành trì lợi
lạc, thì mình khuyến khích người khác mới có tác dụng.
Như cha mẹ
mình có tật tham lam, bỏn xẻn, không ưa bố thí, thì con phải giải thích rõ
sự lợi lạc của việc ấy và khuyên cha mẹ phát tâm rộng rãi, thích làm việc
bố thí. Có người cả đời gầy dựng sự nghiệp tốn bao công sức, nhọc nhằn khổ
đau. Nếu bây giờ bảo họ buông bỏ thì thậät là khó khăn. Trong trường hợp
này phải giải thích, khuyên nhủ cho cha mẹ biết rằng tất cả tài sản, ngọc
ngà, châu báu đó không thậät. Ta chỉ có thể sử dụng nó trong một giới hạn
nào thôi, nó sẽ không tồn tại lâu dài được. Nếu mình cố chấp thì có khi
mang họa vào thân. Cho nên có duyên, có phước tạo được tài sản tốt, thì
phải biết sử dụng tài sản đó cho đúng. Đồng thời phải biết từ những phương
tiện, tài sản đó mà tu tạo công đức lành thì càng tốt hơn nữa. Như thế mới
gọi là biết cách đầu tư, biết cách gầy dựng sự nghiệp. Mở lòng ra, không
chết cứng trong một lớp vỏ tham lam keo xẻn nào, trong một khuôn khổ nào.
Nghĩa là không vì tiền tài mà chúng ta không lo tu tạo các công đức. Ngược
lại chúng ta phải là người sử dụng và phát triển được những của cải mình
đã gầy dựng nên bằng cách biết tu tạo các công đức nữa.
Thêm một
điểm nữa, chúng tôi muốn nói người con Phật là người phải sống được với
tâm chân thật, mở rộng tâm chân thật ra, và khuyến khích cha mẹ, những
người thân của mình đều phát tâm rộng rãi như vậy. Đây cũng là một việc
làm khó. Vì vậy Phật tử phải cố gắng thật nhiều, phải tỉnh táo sáng suốt
mới thực hiện trọn vẹn hạnh hiếu. Nếu song thân bẩm tánh không sáng suốt
thì con phải thường dẫn giải, khuyến khích về đạo pháp, chỉ phương châm tu
hành cho cha mẹ được phần thắng huệ.
Nói tóm lại
nếu cha mẹ chưa chịu tu, chưa biết cách tu hành để mở mang sự sáng suốt,
bổn phận làm con hiếu đạo phải hướng dẫn cha mẹ đến với đạo và khuyến
khích cha mẹ nỗ lực tu tập, mở mang trí tuệ. Chúng ta vừa tu, vừa đem đạo
lý mình tu tập đó để hướng dẫn, giảng dạy cho cha mẹ, cho những người thân
của mình trong gia đình đều tu hành được hết.
Trong kinh
Bản sự cũng đã dạy người con Phật, ngoài việc thực hiện hạnh hiếu của mình
đối với cha mẹ, đồng thời đối trong Phật pháp, chúng ta cũng là một Phật
tử hiếu đạo, hiếu hạnh. Tôi nhắc lại, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là
hạnh Phật. Chúng ta phải thể hiện việc này bằng cách tự tu tập và khuyến
hóa động viên cho cha mẹ cùng những người thân chúng ta đồng hướng theo
tinh thần của Phật dạy.
Hiện nay,
trong giới Phật tử tại gia có một số quí vị đã thực hiện được điều này,
thực hiện được công hạnh này. Nghĩa là, quí vị sắp đặt được việc tu học
của mình. Tại gia đình đã có thờ Phật, quí vị thường xuyên làm tất cả các
việc công đức, tùy phần, tùy cảnh của mình. Đồng thời quí vị cũng là người
gần gũi động viên cha mẹ cùng hướng về Tam Bảo, cùng hướng về Phật đạo, nỗ
lực tùy phần, tùy thời mà tu tập. Tuy nhiên còn một số lớn cũng chưa thực
hiện được những điều này hoàn bị. Như vậy hy vọng rằng những người con
Phật đã làm được việc hiếu hạnh sẽ là tấm gương, là những bài học quí báu
để cho những ai chưa thực hiện được, học và áp dụng, tu tập hạnh hiếu.
Phật kết lại, nếu muốn tu hiếu thuận thì nên nhớ đến công đức sâu dày của
cha mẹ và ân cần phụng sự cha mẹ. Phụng sự cha mẹ tức là trong đời sống
hiện tiền, ở thế gian phụng sự cha mẹ, đồng thời đem Phật pháp khuyến hóa
cha mẹ nữa.
Đến đây tôi
dẫn câu chuyện của thiền sư Động Sơn Lương Giới, Thiền tổ của tông Tào
Động. Bức thơ ngài gởi cho mẹ khi đã quyết tâm xuất gia là bức thơ thể
hiện lòng dứt khoát chọn con đường đạo, xuất gia tu hành, không đi con
đường của thế gian nữa. Thơ đó như thế này:
“Được nghe
chư Phật ra đời, đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài sanh trưởng cũng nhờ
trời đất che chở. Cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời
đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che. Song mà
tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc về vô thường, chia lìa sinh
diệt. Tuy ơn bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm. Nếu đem của cải thế
gian phụng dưỡng thì trọn khó đáp đền. Dùng máu thịt để dâng hiến cũng
không bền chắc. Trong Hiếu kinh nói: Dù một ngày giết đôi ba con vật để
cúng hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn
kiếp luân hồi. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất
gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn
cha mẹ ngàn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đáp đền.
Kinh nói một người con xuất gia đắc đạo chín họ đều được sinh lên cõi
trời. Con nguyện bỏ thân mạng đời này thệ chẳng trở về nhà, đem căn trần
muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát Nhã.
Cúi mong cha
mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và
thánh mẫu Ma Da hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay
cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng
đợi người. Cho nên trong Hiếu kinh nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ,
lại đợi đời nào độ thân này”. Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong.
Tụng rằng:
“Vị liễu tâm nguyên độ số xuân,
Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần,
Cơ nhân đắc đạo không môn lý,
Độc ngã yêm lưu tại thế trần,
Cẩn cụ xích thơ từ quyến ái,
Nguyện minh đại pháp báo từ ân,
Bất tu sái lệ tần tương ức,
Thí tợ đương sơ vô ngã thân”.
Tạm dịch:
“Chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân,
Thương thay mê mãi luống bâng khuâng,
Cửa không đã lắm người được đạo,
Riêng kẻ thô hàn mãi phong trần,
Viết lá thư này từ cha mẹ,
Nguyện thông đại pháp báo từ ân,
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân”.
Được nghe
chư Phật ra đời, đều do cha mẹ mà có thân. Ngài nói từ chư Phật cho đến
chúng sanh ra đời đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài sanh trưởng cũng nhờ
trời đất che chở. Sinh trưởng là nhờ có trời che, đất chở. Cho nên không
có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân
dưỡng dục, đều thọ đức chở che. Song mà tất cả hàm thức, vạn tượng hình
nghi đều thuộc về vô thường, chia lìa sinh diệt. Ở đây ngài nói tất cả
loài hàm thức vạn tượng, đều thuộc về vô thường. Theo lời Phật dạy, những
gì có hình tướng, đều bị sự chi phối của vô thường. Vô thường tức là không
thường, đổi thay liên tục, không có sự tồn tại mãi mãi.
Tuy ơn bú sú
nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm. Nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng
thì trọn khó đáp đền. Nghĩa là ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục to lớn của
cha mẹ nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng thì khó đáp đền. Dùng máu thịt
để dâng hiến cũng không bền chắc. Nghĩa là cung phụng những thức ăn bằng
máu thịt chúng sinh để dâng cho cha mẹ. Đây không phải là việc chân chính
nên không thể đền đáp được ân nghĩa to lớn của cha mẹ. Trong Hiếu kinh
nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cúng hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu,
vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi”. Nghĩa là dù cho
một ngày mình giết đôi ba con vật theo sở thích của cha mẹ mình để cúng
dâng song thân thì cũng không thể gọi là báo hiếu. Vì sao? Vì mình tạo
những nghiệp nhân sát hại, ác độc như vậy tức là chúng ta kéo cha mẹ vào
trong vòng trầm luân, vay trả, luân hồi không có ngày cùng. Nên nói hiếu
đạo ở thế gian chưa phải là rốt ráo, chỉ lôi nhau vào vòng trầm luân chịu
muôn kiếp luân hồi.
Muốn đền ơn
sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Bởi vì chỉ có người
xuất gia mới đủ đạo hạnh, đủ công đức thì việc đền ơn sanh thành dưỡng dục
mới được rốt ráo, đầy đủ nhất. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt
qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ ngàn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp. Bốn
ân ba cõi thảy đều đáp đền. Người tu hành sáng được việc của mình rồi, có
đầy đủ trí tuệ, có đạo đức thì người này mới là người đền ơn cha mẹ, đáp
nghĩa sanh thành cũng như những ân nghĩa đối với chúng sinh đều được đền
đáp một cách đầy đủ và hoàn bị nhất. Kinh nói một người con xuất gia đắc
đạo chín họ đều được sinh lên cõi trời. Con nguyện bỏ thân mạng đời này
thệ chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát Nhã. Ngài
dẫn ở trên như thế rồi thì bây giờ thưa với cha mẹ nguyện xuất gia, tu
hành thành đạo để đền trả thâm ân. Đó là thỉnh cầu mà cũng là lời thệ
nguyện kiên quyết trong lá thơ ngài Động Sơn viết cho mẹ.
Cúi mong cha
mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và
thánh mẫu Ma Da hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay
cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng
đợi người. Cho nên trong Hiếu kinh nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ,
lại đợi đời nào độ thân này”. Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong. Ngài kết ở
dưới: Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong. Thường khi đứa con
đi tu rồi thì ở nhà cha mẹ nhớ thương trông mong, vì những kỷ niệm ở trong
gia đình có gì vui hoặc sự sum họp ấm cúng đã quen mà bây giờ thiếu một
đứa con. Nghĩ đến con đang tu hành khổ hạnh trên núi, trên non, thiếu thốn
mọi thứ thì lòng cha mẹ không vui. Nên ngài khuyên chớ trông mong, mà hãy
học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và thánh mẫu Ma Da. Tịnh Phạn vương là
vua cha của Thái tử Sĩ Đạt Đa, thánh mẫu Ma Da tức là mẹ của Thái tử Sĩ
Đạt Đa. Đây là nhắc lại sự tích của Phật.
Như chúng ta
đã biết, vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da chỉ sinh được đứa con trai duy
nhất là Thái tử Sĩ Đạt Đa. Bao nhiêu thương yêu và chuẩn bị sắp đặt cho
Thái tử Sĩ Đạt Đa là người kế vị vua cha, chớ không muốn Thái tử đi xuất
gia v.v… Thế mà Thái tử dứt khoát xuất gia. Ở đây ngài dẫn lại lịch sử của
Phật, để nói lên lòng mình. Ngài hẹn đến sau sẽ gặp nhau trong hội Phật,
còn hiện nay cam chịu lìa nhau.
Con chẳng
phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng đợi người. Có nghĩa là sự vô
thường đổi thay nhanh chóng, nếu không chịu tu thì già chết tới rồi, làm
sao tu kịp, nên phải ráng nỗ lực tu hành. Ngài nói Thân này chẳng thẳng
đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này. Nghĩa là ngay đời này mình không
chịu tu cho sáng đạo còn hẹn đời nào nữa. Vì vậy ngài quyết tâm không trở
về nhà, khẳng khái như vậy. Có lời tụng:
“Chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân,
Thương thay mê mãi luống bâng khuâng,
Cửa không đã lắm người được đạo,
Riêng kẻ thô hàn mãi phong trần,
Viết lá thư này từ cha mẹ,
Nguyện thông đại pháp báo từ ân,
Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân”.
Trong bài
kệ, ngài nói chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân. Nghĩa là đã qua một thời
gian rồi, vì chưa nhận được nguồn tâm của mình, nên mất một thời gian dài
mê mãi ở trong trần. Cửa không đã lắm người được đạo, riêng kẻ thô hàn mãi
phong trần. Nghĩa là trong nhà đạo đã có rất nhiều vị ngộ đạo rồi mà riêng
ngài chưa xong việc nên ngài phải quyết tâm: Viết lá thư này từ cha mẹ,
nguyện thông đại pháp báo từ thân. Ngài gởi lá thư này giã từ cha mẹ,
nguyện tu hành đạt đạo để đền đáp thâm ân của cha mẹ, chớ không phải bỏ
bổn phận làm con của mình. Đó là cách của người biết ơn, đền ơn trong đạo
Phật. Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ, xem tợ buổi đầu con không thân.
Ngài khuyên cha mẹ bớt đi những thương nhớ, cứ xem như trong gia đình
không có con từ buổi đầu để ngài yên tâm tu hành. Bởi vì chỉ có tu hành
sáng đạo hay đạt đạo thì mới có thể đền trả thâm ân cha mẹ một cách rốt
ráo mà thôi.
Lá thư thứ
hai:
Con từ lìa
cha mẹ, chống tích trượng dạo phương nam, tháng ngày trôi qua đã mười năm.
Trên đường con đã trải qua muôn dặm, cúi mong mẹ đem hết tâm ý hướng về
Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con. Mọi việc
trong nhà tùy thời sắp đặt, việc nhiều thì phiền não thêm nhiều. Phần anh
cả thì nên tận tâm hiếu thuận, học đòi gương Vương Tường nằm giá. Còn tiểu
đệ thì hết sức bắt chước theo Mạnh Tông khóc măng. Phàm người ở đời phải
biết tu thân hiếu để mới hợp lòng trời. Kẻ làm Tăng trong cửa Không thì mộ
đạo tham thiền để đáp ơn cha mẹ. Ngày nay hai đường xa cách, muôn sông
ngàn núi, mượn giấy mực viết vài hàng để bày tỏ tấc dạ.
Tụng rằng:
“Bất cầu danh lợi bất cầu Nhu,
Nguyện nhạo không môn xả tục đồ,
Phiền não tận thời sầu hỏa diệt,
Ân tình đoạn xứ ái hà khô.
Lục căn giới định hương phong dẫn,
Nhất niệm vô sanh huệ học phù,
Vị báo bắc đường hưu trướng vọng,
Thí như tử liễu thí như vô”.
Tạm dịch:
Chẳng cầu danh lợi chẳng cầu Nho,
Ưa thích cửa không bỏ thế đồ,
Phiền não hết rồi lòng sầu tắt,
Ân tình dứt bặt tâm ái khô.
Sáu căn giới định hương thơm ướp,
Một niệm vô sanh sức huệ phò,
Xin nhắc mẹ già thôi trông ngóng,
Ví con đã chết ví như không.
Lá thư thứ
hai:
Ngài viết:
Con từ lìa cha mẹ, chống tích trượng dạo phương nam. Tháng ngày trôi qua
đã mười năm. Lá thư thứ hai ngắn hơn. Ngài đã đi tu mười năm rồi nhưng
chưa xong việc. Trên đường đã trải qua rất xa xôi để nói rằng trong thời
gian mười năm tu hành đó ngài đã nếm trải nhiều cay đắng. Nhưng vẫn không
hề quên thâm ân của cha mẹ. Ở đây ngài nói thêm: Cúi mong mẹ đem hết tâm ý
hướng về Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con.
Ngài khuyên cha mẹ đừng ôm ấp sự nhớ thương trong cảnh biệt ly. Làm sao
phải hướng về Phật pháp, nhớ Phật, niệm Phật và tu tập theo lời Phật dạy.
Đọc lên
những đoạn này, chúng ta thấy hiển hiện lên hình ảnh của những bà mẹ,
những ông cha có con đi tu ở xa. Những lúc nhớ thương con thường hay đứng
tựa cửa trông ngóng. Nhất là vào ngày cúng giỗ hoặc trong gia đình có việc
gì đó, mà vắng mặt con thì nhớ thương lắm. Nên ngài khuyên dẹp bớt nỗi nhớ
thương đó và hãy hướng về Phật pháp, nhớ Phật, tu hành theo Phật dạy, đó
mới là điều cần thiết. Ngài dặn thêm: Mọi việc trong nhà tùy thời sắp đặt.
Việc nhiều thì phiền não thêm nhiều. Chúng ta nên nhớ câu này. Bày ra việc
gì đó thì có phiền não ngay. Phiền não tức là lo lắng, là bất an. Phần anh
cả thì nên tận tâm hiếu thuận, học đòi gương Vương Tường nằm giá. Vương
Tường nằm giá tức là một trong 24 gương hiếu hạnh gọi là nhị thập tứ hiếu
của Trung Hoa. Ngài khuyên anh của ngài nên học theo gương của người xưa
mà có tâm hiếu thuận đối với cha mẹ. Còn tiểu đệ thì hết sức bắt chước
theo Mạnh Tông khóc măng. Còn em, thì nên bắt chước theo tấm gương hiếu
hạnh của Mạnh Tông khóc măng. Đây cũng là một trong 24 gương hiếu hạnh.
Phàm người ở đời phải biết tu thân hiếu để mới hợp lòng trời. Người hiếu
hạnh mới xứng đáng làm người. Nên nói hiếu mà cảm đến trời thì mưa hòa
gió thuận, hiếu mà cảm đến đất thì muôn vật sanh sôi, tốt đẹp….
Kẻ làm Tăng
ở trong cửa không tức là người tu hành ở trong nhà thiền, thì phải mộ đạo
tham thiền để đền trả thâm ân của cha mẹ. Người tu phải nên nỗ lực tu
hành, mới mong đền trả được ân sâu dày của cha mẹ. Ngày nay hai đường xa
cách muôn sông ngàn núi, mượn giấy mực viết vài hàng để bày tỏ tấc dạ. Đến
đây ngài viết vì tu hành cách xa gia đình, nên mượn mấy dòng này để gởi về
cho mẹ, cho anh, cho em bày tỏ tấc lòng của mình. Ngài làm bài kệ:
Chẳng cầu danh lợi chẳng cầu Nho,
Ưa thích cửa không bỏ thế đồ,
Phiền não hết rồi lòng sầu tắt,
Ân tình dứt bặt tâm ái khô.
Sáu căn giới định hương thơm ướp,
Một niệm vô sanh sức huệ phò,
Xin nhắc mẹ già thôi trông ngóng,
Ví con đã chết ví như không.
Chẳng cầu
danh lợi chẳng cầu Nho, là con không mong mỏi theo đường danh lợi như nhà
Nho sắp đặt. Ưa thích cửa không bỏ thế đồ, là con ưa thích chốn thiền môn,
xuất gia làm Tăng tu hành ở trong nhà thiền. Phiền não hết rồi lòng sầu
tắt, ân tình dứt bặt tâm ái khô, là tu hành mà phiền não hết thì tất cả
những sầu muộn đều dứt hết. Ân tình dứt được thì tâm ái cũng khô khan. Tu
mà phiền não hết, các thứ luyến ái thế gian dứt sạch, thì đó là người đã
sáng suốt, đã giải thoát. Sáu căn giới định hương thơm ướp, là người sáu
căn đã thanh tịnh rồi thì gió thơm đưa hương đi các nơi. Một niệm vô sanh
sức huệ phò. Là người tu hành đã đạt đạo rồi, không còn dấy khởi những
niệm như ở trong thế gian, đó là người có trí tuệ sáng suốt trùm khắp. Tôi
xin nhắc lại, người tu hành đạt đạo, người không bị các pháp thế gian ràng
buộc, đó là người có trí tuệ trùm khắp, sáng suốt không còn lầm bởi bất cứ
một pháp nào ở thế gian. Xin nhắc mẹ già thôi trông ngóng, ví con đã chết
ví như không, là khuyên mẹ thôi đừng trông ngóng. Nghĩa là đừng thương con
bằng tâm luyến ái theo thế gian mà hãy xem như không có con hay như con đã
chết. Xem vậy để làm gì? Để mẹ hướng về Phật pháp lo tu thì mẹ yên mà con
cũng yên lòng tu hành.
Đó là hai lá
thơ ngài gởi cho mẹ. Kế đến chúng ta nghe thơ của bà mẹ gởi lại cho ngài.
Đây là một bà mẹ Phật tử, hiểu Phật và áp dụng lời Phật một cách hết sức
đặc biệt trong đời sống của bà.
Mẹ cùng con
đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong
lòng, sớm chiều cầu Thần khẩn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ
tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo.
Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú sú nhọc nhằn. Con vừa
thành người dắt đến trường học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng
tựa cửa trông mong. Con viết thư về, quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ
già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ
nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường
rơi lệ. Khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí
nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan
khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Kiền Liên độ mẹ thoát khỏi trầm
luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e có tội. Con cần phải giải
quyết cho xong.
Mẹ cùng con
đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong
lòng, sớm chiều cầu Thần khẩn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ
tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo.
Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú sú nhọc nhằn. Con vừa
thành người dắt đến trường học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng
tựa cửa trông mong. Đây là đoạn mở đầu của lá thơ, bà nhắc lại hết: Khi có
thai, cầu khẩn sanh được con trai. Khi thai bào đủ tháng mạng sống như chỉ
mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo. Trong thời gian mang
thai con, nguy hiểm luôn đe dọa tới mạng sống của mẹ. Sanh được con rồi
thì thương yêu như là châu báu. Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng
ngại sự bú sú nhọc nhằn. Con vừa thành người dắt đến trường học tập hoặc
khi mà con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa trông mong.
Chúng ta xét
từng điểm trong lá thơ. Sinh con ra, nếu được trai thì quí trọng như ngọc
ngà, con bú sú thế nào mẹ cũng chấp nhận hết. Vừa lớn lên lo cho học tập.
Lúc đi chơi về trễ, cha mẹ tựa cửa trông ngóng. Luôn luôn lúc nào lòng của
mẹ cha cũng gắn liền với con, không xê dịch một tí. Con viết thư về, quyết
xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào
ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha
phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thệ
chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như
Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Kiền
Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e
có tội. Con cần phải giải quyết cho xong.
Quả thực đây
là bà mẹ Phật tử, nên những lời sau cùng của lá thư, bà nói một cách khẳng
khái, dứt khoát. Nay con quyết tâm tu hành không về nhà nữa, thì mẹ cũng
tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, như
Đinh Lan khắc cây. Bà nhắc lại những người hiếu hạnh trong 24 gương hiếu
hạnh của nhị thập tứ hiếu, chỉ mong con như Tôn giả Mục Kiền Liên, độ mẹ
thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả. Tức là mong cho con tu hành đạt
đạo như Tôn giả Mục Kiền Liên để độ mẹ tiến lên Phật quả.
Như chúng ta
biết, Tôn giả Mục Kiền Liên tu hành nếu không đắc đạo thì làm sao cứu được
mẹ trong cảnh khổ của loài quỉ đói. Nhờ công đức tu hành sâu dày như vậy
mới làm tròn được hiếu hạnh. Nếu mẹ không như vậy thì e có tội, con cần
phải giải quyết cho xong. Nghĩa là mẹ nói như vậy, nếu lòng mẹ không chân
thật thì mẹ có tội, mong con phải giải quyết cho xong, tức là phải tu hành
cho đạt đạo. Đó là lời kết trong lá thư mẹ ngài Động Sơn gởi cho ngài
Lá thư của
bà tuy ngắn nhưng lời lẽ hết sức dứt khoát. Tình nghĩa, sự nhớ thương theo
thế thường thì không phải là không có, nhưng biết được ý chí quyết tâm
xuất gia của con, không về nhà nữa thì mẹ rất hài lòng. Không mong con làm
điều gì khác hơn là tu hành thành đạo như Tôn giả Mục Kiền Liên để độ mẹ
thoát khổ luân hồi sinh tử. Lòng mẹ thực thà như vậy, nếu chỉ nói suông mà
không như vậy thì mẹ chịu tội. Con chỉ một việc duy nhất là phải tu làm
sao cho được thành tựu, sáng được việc của mình tức là thành đạo.
Đọc qua
những lá thơ này rồi, chúng ta thấy ngài là một người con hiếu thảo nên đi
tu mà vẫn cưu mang trong lòng ân nghĩa, hiếu đạo cho nên viết thư gởi về
cho gia đình, cho mẹ. Và cũng nhờ gia đình hữu phúc nên ngài có được một
bà mẹ cao cả, dứt khoát với những lời lẽ khẳng khái, để ngài yên lòng tu.
Bà luôn mong mỏi con mình tu thành đạo, chớ không trông chờ cái gì khác.
Đó là tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật.
Hôm nay nhân
ngày rằm tháng bảy, là ngày mọi người con Phật đều hướng về cha mẹ mong
được đền trả thâm ân sinh thành dưỡng dục sâu dày. Tôi nêu lên tinh thần
biết ơn và đền ơn ở trong đạo, nhất là đối với người xuất gia. Người xuất
gia bỏ nhà thế tục, vào đạo là cốt tu hành cho thành đạo. Có tu hành thành
đạo mới đền trả nổi những thâm ân sâu dày của cha mẹ và tất cả những người
thân. Như vậy người tu hành thành đạo đã nói lên tinh thần hiếu đạo của
mình làm bổn phận đối với cha mẹ theo như lời Phật dạy.
Mong rằng
với những điều trình bày thô thiển này, tất cả chúng ta ai cũng cố gắng
làm tròn bổn phận hiếu đạo của mình. Và đồng thời quí Phật tử luôn luôn
hướng tâm về Tam Bảo, thực hiện hạnh hiếu theo tinh thần của Phật dạy.
Chúng tôi hy vọng những người con Phật ngày hôm nay, hiểu nhận được như
vậy và tùy theo hoàn cảnh, tùy theo khả năng của mình, mà thực hiện trọn
vẹn được hạnh hiếu trong giáo pháp Như Lai.
] |