QUẢ GIÁC CỦA NGƯỜI TU PHẬT
Tinh thần giác
ngộ giải thoát của đạo Phật tức là nhận và sống lại với quả giác của mình.
Nói thì dễ nhưng chúng ta phải công phu như thế nào mới đúng với tinh thần
giác ngộ của đạo Phật? Đó là vấn đề chúng tôi muốn nói hôm nay.
Trong giai
đoạn đang công phu từ lúc mới thực hiện cho đến khi hoàn toàn viên mãn, dĩ
nhiên phải trải qua quá trình nhiều gian khó, thử thách. Tuy nhiên đây
không phải là điều chúng ta không làm được. Tùy từng người, từng hoàn
cảnh, sự quyết tâm của mỗi hành giả mà có được những kết quả khác nhau.
Nhiều lần chúng tôi đã nói không ai tu mà không có kết quả. Nghĩa là nếu
chịu khó trau dồi, gìn giữ, bảo vệ hành trình đi đến quả giác, đừng để
thối thất lui sụt thì đều được kết quả xứng đáng.
Theo tinh thần
thiền thì việc tu hành chỉ là phương tiện, cứu kính vô đắc vô chứng, vì
tâm chân thật ấy sẵn có, không phải do tu mà được. Nhưng đó là giai đoạn
đã xong việc, còn trong lúc đang tu không thể nói như vậy. Tâm của chúng
ta một khi đã hoàn toàn sáng suốt, sống với tánh giác thuần tịnh thì tự
đầy đủ tất cả, không cần phải nói gì thêm. Còn bây giờ thì chưa, bởi vì
trong lòng chúng ta còn nhiều việc lăng xăng lộn xộn quá, tánh giác bị
chìm ẩn bên trong. Ta chưa nhận lại được tánh giác nên phải gạn lọc những
thứ tạp loạn kia mới hiện bày cái chân thật của mình.
Với nghiệp tập
lâu đời, ta quen phóng tâm chạy theo các cảnh giới bên ngoài. Bây giờ muốn
quay đầu cũng phải dụng nhiều công phu. Nếu lúc nào chúng ta cũng là Phật,
cũng hoàn toàn giác thì cửa thiền viện không có đóng có mở hay cũng không
cần cửa nẻo làm gì. Bởi chưa hoàn toàn, lúc vầy lúc khác nên Hòa thượng
mới làm cổng, đóng kín lại nhốt mấy con trâu hoang. Thành ra còn cổng còn
Thiền viện thì biết ở trong đó còn đang công phu. Điều này chẳng những ở
Thiền viện, mà ngay trong sinh hoạt gia đình của từng người Phật tử cũng
thế. Nếu hằng ngày chúng ta soát xét lại, biết được phiền não nhiều hơn
tâm an định thì gắng gổ hóa giải. Sự bảo vệ công phu hằng ngày có tính
quyết định đến quả giác của chúng ta rất lớn.
Nói đến quả
giác hay nói đến Bồ-đề là nói đến một quá trình, công phu tu hành. Thời
gian thực hiện quá trình đó phải qua giai đoạn học quả, tức người đang
thực hiện tu tập trong từng phút từng giây gọi là học quả. Quá trình này
hầu hết chúng ta đang áp dụng như vậy. Mỗi lần chiêm ngưỡng tôn tượng đức
Phật, mỗi lần dâng hương là mỗi lần chúng ta dâng lòng mình lên ngôi Tam
Bảo, nguyện cùng hướng về Phật, hướng về quả giác. Và như Phật đã dạy
chúng ta gieo nhân gì thì sẽ được quả nấy, ta hướng về Tam Bảo nguyện thực
hành theo giáo pháp Như Lai, nhất định ta sẽ được thành Phật.
Kinh nói:
“Người thực hành đạo Bồ-đề tuy chưa đầy đủ, chưa viên mãn mà tâm không
thoái chuyển là điều rất đáng quý”. Nghĩa là chúng ta đang tu, tuy chưa
hoàn toàn viên mãn, nhưng tâm không thoái chuyển là điều rất đáng quý.
Chúng ta hành trì tu tập không bị thoái chuyển, khư khư khẳng tâm quyết
định một mực tiến tới thôi, nếu được như thế thì chắc chắn quả giác Bồ-đề
không lệch đàng nào.
Ngày xưa Hòa
thượng Viện trưởng có kể câu chuyện “nhân hoa quả cỏ” thế này. Có một thời
gian Ngài nhập thất trên cao nguyên, mấy Phật tử đem giống hoa Đà Lạt đến
cúng dường, Ngài gieo chung quanh thất định có hoa cho vui. Gieo rồi Ngài
cũng tưới tắm đàng hoàng, nửa tháng sau thấy lên xanh rì, Ngài đến gần xem
thử, hóa ra toàn là cỏ! Ngạc nhiên sao nhân hoa mà quả cỏ, Ngài mới bươi
sâu xuống đất, té ra kiến đã khiêng hạt hoa đi đâu hết rồi. Nhân đó Ngài
viết bài “Nhân hoa quả cỏ” để nhắc nhở một kinh nghiệm cho việc tu hành
của chúng ta.
Như tôi nói
hằng ngày chúng ta soát xét lại xem công phu tu tập của mình tăng tiến hay
lui sụt, gìn giữ sao cho đừng như trường hợp nhân hoa mà quả cỏ. Người con
Phật trong từng phút giây phải tỉnh sáng, thực hiện đúng theo điều Phật
dạy. Bởi tâm ta dong ruổi khó kiểm soát, khó kềm chế lắm, nó có đủ lý do
để gạt mình vướng đầu này bá đầu nọ. Cho nên nếu không kiểm soát kỹ nó sẽ
dẫn chúng ta đi khắp hang cùng ngõ hẻm, không dừng được. Đã thế thì quá
trình tu tập bị trở ngại, quả giác không mong gì đến được.
Có nhiều kết
quả ngoài sự sắp đặt của chúng ta. Như trường hợp tôi có người huynh đệ,
anh rất quen thuộc đường đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu. Hôm đó
có việc phải đi Vũng Tàu, vì quá quen thuộc bến xe, nên lúc lên xe anh
không thèm để ý, cứ theo thói quen lên những xe đậu khoảng đó. Thế là anh
yên chí, vui vẻ trò chuyện với những người chung quanh. Đi cả tiếng mấy
đồng hồ, anh nghĩ bụng bữa nay xe chạy lâu quá, chừng coi lại là gần tới
Bình Dương. Anh la lên: “Ủa sao tôi đi Vũng Tàu mà lại tới Bình Dương”,
bác tài nói tại anh lên xe Bình Dương thì tới Bình Dương chứ sao. Thế là
anh phải xuống xe, trở lui về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đón xe đi Vũng
Tàu, mất hết một ngày đường.
Có khi chúng
ta lẩn quẩn như vậy, thưa quí vị. Chính vì mình xem thường những thứ xoàng
xĩnh quen thuộc, nên gậy ông mới đập lưng ông như thế. Chỗ này Hòa thượng
dạy phải hằng tỉnh hằng giác trong mọi động tịnh thi vi. Nói năng suy nghĩ
hành động, mọi thứ đều phải tỉnh. Tỉnh để làm gì? Để đừng lẩm cẩm, đừng vì
một việc không cần thiết mà phải mất thì giờ quý báu. Theo tinh thần thiền
thì làm việc gì chỉ biết việc ấy, tâm không phóng túng buông lung, không
tính toan do dự. Người như vậy không bao giờ phạm phải những sai lầm.
Một phen đi
lệch, có thể chúng ta sẽ đến bên bờ vực thẳm khó quay đầu trở lại. Cũng
như người tu khi đã bị thoái chuyển rồi thì rất mệt mỏi, khó tăng tiến
công phu lắm. Phải năng nổ, khẳng định, quyết tâm mới ổn định được công
phu hằng ngày của chúng ta. Nhà thiền nói khi chăn trâu rất kỵ để trâu
nhấm nháp lúa mạ của người. Chăn trâu mà gặp con trâu như vậy thì phải làm
sao? Roi, quí vị nhớ. Đừng có tha cho mình, tha cho người thì được, chứ
tha cho mình là hỏng. Phải ra roi, phải quất mạnh cho nó quay đầu trở lại.
Người tu phải
có giới luật, phải có công phu miên mật mới không thoái chuyển. Các Thiền
sư Việt Nam thời Trần và gần đây đều chủ trương phản quan tự kỷ, nghĩa là
soi lại chính mình. Soát xét lại xem mình còn điểm nào yếu dở, có thoái
chuyển vướng mắc gì thì phải đả thông ngay. Con trâu mình liếc ngó hai bên
thì quất, roi phải sẵn trong tay, dây phải nắm thật chặt, hai con mắt
không được lim dim, mới mong đi đúng đường.
Trong một
ngày, nếu soát xét lại chúng ta có nhiều cái lầm lắm. Từ ý nghĩ, nói năng
cho đến hành động đều bị sai lầm. Song con người ít khi nào chịu tự sửa,
tự sám hối những lỗi lầm của mình. Người tu Phật không nên như thế, biết
lầm biết dở thì phải sửa. Biết mình còn yếu, còn thoái chuyển nên cố gắng
khắc phục, phải ép mình trong quy củ mới có thể hoàn thiện chính mình.
Người xưa nói: “Nhìn ra thì phải khoan hồng, xét lại thì nên khắc kỷ”, câu
này rất hay. Đối với những vọng tưởng điên đảo, lăng xăng, chúng ta phải
quyết tâm, phải có phương thức sửa đổi.
Thời khóa tu
tập cần phải được giữ đúng, không vì lý do này nọ mà bỏ qua. Như thế lâu
ngày công phu thất thoát, đạo tâm sẽ thối chuyển. Hằng đêm quý Phật tử
tụng kinh, ngồi thiền nhưng tới giờ có khách khứa hay công việc nên bỏ
qua. Như vậy không được, phải chỉnh lại. Chúng ta sắp xếp thời khóa biểu
rồi thì phải đúng theo đó mà hành trì. Nếu đã có quyết tâm tu, phải lấy
việc tu tập là trên hết, gác qua mọi chuyện khác. Làm việc gì cũng phải
chuyên tâm thành ý mới có thể thành tựu được, thì việc tu lại sao lại có
thể chểnh mảng? Cho nên không tu thì thôi, đã tu thì phải dứt khoát như
thế.
Trong quá
trình công phu không thoái chuyển thì quả giác hay Bồ-đề hiện rõ ràng.
Dừng lại là thoái chuyển, chứ không đợi thụt lùi mới gọi là thoái chuyển.
Nhiều vị cho rằng tu dễ gì thành Phật, mờ mịt xa xôi lắm. Thật ra dù công
phu hành trì chưa hoàn bị, nhưng với quyết tâm không thoái chuyển, chúng
ta tin chắc mình sẽ đạt đến quả giác. Bây giờ làm sao thân tâm chúng ta
đừng bị lôi cuốn bởi cảnh duyên. Nếu người tu được như thế, thì không luận
là các vị ở chùa hay đang làm việc ngoài xã hội đều tiến đến quả giác,
chắc chắn như vậy. Thành ra trước là không thoái chuyển, sau là đừng bị
lôi cuốn.
Ở đây, Hòa
thượng dạy chúng ta phải tỉnh, thấy tất cả cảnh duyên đều là giả, không
thật thì làm gì bên ngoài lôi cuốn mình được. Chỉ khi nào ta thấy cái đó
là thật, là quý là đẹp ta mới thích mới chạy theo. Nếu không chạy theo
mình cũng bị vướng mắc mơ tưởng đến nó. Đằng này mình hoàn toàn tỉnh, thấy
cái đó không là gì thì làm sao nó lôi cuốn mình được. Người tu rất cần trí
giác này, nó sẽ bổ sung để hình thành học quả hay quả giác của chúng ta.
Nếu hành trì
theo sự hướng dẫn của Phật Tổ dạy là chúng ta đang sống trong tinh thần
giác ngộ của đức Phật. Kinh Pháp Hoa nói những đồng tử bé thơ giỡn chơi
đắp cát làm thành hình tượng Phật, miệng niệm Nam Mô Phật cũng được Như
Lai thọ ký sau này sẽ thành Phật. Huống là chúng ta học Phật tu Phật, thực
hiện trọn vẹn đời sống của người Phật tử, làm sao không thành Phật được!
Nhưng bây giờ mình còn là chúng sanh vì mỗi người mỗi duyên, còn dong ruổi
theo nghiệp tập của mình. Kẻ thì bận rộn ở phố thị, người thì chìm đắm nơi
núi rừng, chưa ra khỏi sự trói buộc của các pháp.
Kinh nói trong
kiếp số thứ nhất, hành giả còn do dự, chưa hoàn toàn ổn định được tâm
mình, ngược xuôi theo các vọng tưởng đảo điên nên công phu gián đoạn, đạo
lực chưa đủ để được quả giác. Giống như con khỉ nhốt trong cái lồng có sáu
cửa. Bên ngoài cũng có một con khỉ, nó tới cửa này kêu “chóe chóe”, con
khỉ ở trong cũng đáp lại “chóe chóe”. Nó tới cửa kia kêu “chóe chóe”, con
khỉ bên trong cũng đáp lại “chóe chóe”. Nghĩa là con khỉ bên ngoài kêu thì
con khỉ bên trong đáp lại. Chỉ trừ khi con khỉ trong lồng ngủ, thì con khỉ
bên ngoài có kêu mấy, nó vẫn nằm im.
Chúng ta tu
cũng thế, làm sao cho con khỉ bên trong ngủ đi, đừng bị động, đừng thèm
nghe, đừng thèm để ý gì bên ngoài thì mọi việc yên ổn. Pháp tu này thật ra
không phải là khó đâu. Chỉ vì chúng ta quen chạy theo các cảnh duyên, nên
không nhớ dừng lại thôi. đừng nghĩ dừng lại khó, chỉ cần ta nhớ là được.
Cho nên Hòa thượng thường nhắc phải tỉnh, phải sáng đừng lầm chạy theo các
cảnh duyên bên ngoài. Chúng ta đừng cho những hiện tượng bên ngoài là thật
thì con khỉ bên trong sẽ ngủ yên. Con khỉ ấy ngủ rồi thì khỏe khoắn lắm
thưa quí vị. Nó nhẹ nhàng, an nhiên, giải thoát. Cho nên giải thoát có
được là từ chỗ con khỉ ý thức bên trong ngủ, không lăng xăng, không bị
động hay dính mắc bởi cảnh duyên bên ngoài. Còn bị động còn dính mắc thì
chưa yên, mà chưa yên thì nói gì giải thoát.
Muốn thế tâm
chúng ta phải vững vàng, rỗng rang sáng suốt mới làm chủ được con khỉ ý
thức bên trong, tức là sống được với tánh giác của mình. Mỗi người đều có
tánh giác, nhưng mình chưa sống được với tánh giác là vì bị động bởi cảnh
duyên bên ngoài. Bây giờ muốn giải thoát phải làm sao? Như tôi đã nói chỉ
cần con khỉ bên trong ngủ yên là giải thoát thôi. Học quả hay quả giác
cũng na ná với giải thoát vậy. Trên hành trình tu tập, chúng ta không
thoái chuyển, không bị kéo lôi, không còn do dự trong lòng, khẳng định một
hướng như vậy thì quả giác tròn đầy. Nên giai đoạn thứ nhất là đả thông sự
do dự, ổn định được công phu của mình.
Đến giai đoạn
thứ hai, mặc dù đả thông được những do dự rồi, nhưng chưa hoàn toàn làm
chủ được tất cả các cảnh duyên, nên còn bị động. Lúc này, nếu ta không
soát xét lại mình, chạy ra ngoài một thời gian sẽ quên hết. Đa số có thói
quen rọi soi bên ngoài, mà ít khi nào quay về rọi soi lại chính mình. Thấy
người này xấu người kia tệ, cuối cùng mình lăng xăng, lộn xộn nhất mà
không hay. Đó là cái thất bại lớn của chúng ta. Vì thế phải chuyên tâm gìn
giữ công phu.
Chưa thành
Phật cũng giống như người lên non chưa tới đỉnh, đừng bao giờ dừng dọc
đường hóng gió ngắm trăng, hoặc nhìn ngó hai bên khe núi, coi chừng chẳng
những không tới đỉnh mà đôi khi trợt chân té nhào xuống núi. Nếu có mỏi
chân, nghỉ một chút thôi, rồi chống gậy đi tiếp. Bao giờ ngồi trên đỉnh
cao rồi mới hóng mát bốn phương gió lộng. Dù trong lúc công phu, ta có
được lợi lạc chút chút, nhưng nhớ những lợi lạc đó chẳng tới đâu. Nhất là
người tu thiền, tâm hơi yên thì thấy vô vàn hiện tượng thù thắng. Nhưng
những cái ấy chưa phải là kết quả cuối cùng, đó chỉ mới là tiểu ngộ thôi,
còn phải tiến lên nhiều hơn nữa.
Có những Phật
tử đi chùa lâu năm, học đạo, tọa thiền thấy an lạc nên thích thú quá. Ngồi
được một tiếng rưỡi hai tiếng an lạc, liền kể cho bà con nghe, nay kể, mai
kể, kể riết mất hết không còn thấy gì nữa. Cho nên giả như được vậy ta
cũng biết nó không thật, bỏ qua, không bận tâm, cứ tu tiến tới. Nên nhớ
Niết-bàn hay quả giác của Phật là Ngài sống được với tánh giác của mình.
Tánh giác ấy vốn rỗng rang sáng suốt, không có cái gì trong đó. Cho nên để
bảo vệ công phu tu hành, lúc nào ta cũng vững tiến, đến khi con trâu của
mình thuần rồi, thấy lúa mạ người không quan tâm nữa, bình thản đi thẳng,
thì mới yên được.
Người thật tâm
tu hành không nói đắc không nói chứng, nhưng từng ngày từng phút công phu
hành trì thấy có lợi lạc. Con trâu ngày xưa hung hăng phải nắm dây giựt
vàm, đến lúc nó đã thuần rồi, mục đồng ngồi nghỉ nó cũng nằm chơi, hoặc có
thể cỡi trên lưng trâu thổi sáo, mặc tình ngắm trời nhìn mây, không sợ nó
nổi khùng nổi điên. Còn bây giờ chưa được, thì giữ công phu như người lên
núi, một bề thẳng tiến, không ngó tới ngó lui.
Trong quá
trình công phu phải phá được tâm tham sân điên đảo của mình, đồng thời
hướng dẫn mọi người đều như thế. Đó là ý nghĩa tự giác và giác tha tròn
đầy để đưa tới quả giác viên mãn. Tự giác là tự giác ngộ cho mình, giác
tha là giúp đỡ, tạo điều kiện cho mọi người chung quanh cũng được giác ngộ
như mình. Tham sân điên đảo là những thứ luôn ngủ ngầm trong chúng ta. Có
khi ngay lúc mình tu, nó cũng ló mồi lên nữa. Lạy Phật, tụng kinh hay tọa
thiền mà có việc gì trắc trở, mình nổi nóng lên liền. Nghĩa là tham sân,
điên đảo loạn tưởng luôn chực chờ bên cạnh, có cơ hội là nó tấn công ta
ngay.
Thêm một điều
nữa, trong công phu không nên buông lung. Ở trên là không thoái chuyển,
không có do dự, đến đây là không buông lung. Buông lung là thả trôi, mặc
tình cho thân tâm, ý tưởng lang thang dong ruổi, sa đà khắp nơi. Người tu
không thểâ nào chấp nhận những thứ này hiện diện trong sinh hoạt tu tập
của mình được. Chúng ta buông lung tức là chẳng những con khỉ bên ngoài
kêu chóe chóe, con khỉ bên trong đáp lại chóe chóe, mà đằng này ta mở cửa
cho con khỉ bên trong nhảy ra gặp con khỉ bên ngoài luôn, thì thôi tối
trời tối đất.
Chúng ta cũng
vậy, nếu buông lung mặc tình mặc ý thì nói gì tu nữa, đủ thứ chuyện xảy ra
trên đời. Sở dĩ chúng ta còn tu được là nhờ còn giới luật, khống chế bệnh
buông lung của mình. Phật chế giới là từ kinh nghiệm của người xưa. Sống
không buông lung, có kỷ luật, có đạo đức, có phương thức tu tập rõ ràng
mới đảm bảo được công phu tu hành của chúng ta đi đến quả giác. Không chỉ
thời chúng ta, mà ngay cả lúc đức Phật còn tại thế, những Tỳ-kheo buông
lung đều không tu tập được, thối thất tâm Bồ-đề phải hoàn tục. Do đó, đức
Phật đã khuyến cáo điều này rất nhiều, Tăng Ni chúng ta cần phải nắm vững
để có hướng tu tập vững chắc.
Người tu thiền
quan trọng nhất là thực hành. Có ngồi thiền mới biết thế nào là lợi lạc
khinh an. Ở đây không nói tâm bất động gì gì, nếu ta không sợ đau, buông
bỏ được những lăng xăng, sắp đặt ổn định thời khóa tu tập rồi, cứ y như
vậy mà tu. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm ngồi yên ổn, chắc chắn nguồn an lạc
chỉ có ta mới nếm được một cách trọn vẹn thôi. Nhà thiền thường nói tới đó
nóng lạnh tự biết, chứ không thể nói ra cùng người. Thành ra các bậc cổ
đức chỉ khuyến khích động viên chúng ta cố gắng đến đó thì sẽ được như
thế, chứ cũng không thể diễn tả được nó. Bởi nó có hình tướng gì đâu mà
nói mà tả. Tùy duyên, tùy nghiệp tập của mỗi người mà chỗ thân chứng có
những kinh nghiệm và nguồn vui khác nhau, không ai giống ai cả.
Phật dạy trong
khi tu hành, chưa đả thông nổi những hình thức hạn hẹp thì gọi là học,
trái lại gọi là học quả. Người tu muốn được giải thoát phải mở tung tất cả
thắt gút, không còn bị kẹt vướng bởi bất cứ hình thức nào, mới có thể mở
ra chân trời thênh thang giải thoát. Điều này trong kinh Tứ Thập Nhị
Chương Phật đã nói: “Như trên một dòng sông có khúc gỗ đang trôi. Khúc gỗ
này sẽ về tới bến bãi nếu đừng bị tấp bờ bên đây, vướng bờ bên kia, đừng
bị rã mục tại chỗ, đừng bị người khác vớt lên. Đầy đủ những điều kiện đó,
đảm bảo khúc gỗ sẽ trôi về đến bờ đến bến”. Giải thoát hay chỗ cứu kính
của người tu Phật cũng vậy, đừng mắc bên thật, đừng kẹt bên giả, đừng hư
giữa đường, đừng bị ma ốp thì đảm bảo tới được học quả.
Làm sao trong
lòng được rỗng rang, đây là chuyện khó chứ không phải dễ. Rỗng là trống
không, rang là thênh thang, rỗng rang là thênh thang trống không, không
vướng mắc vào bất cứ thứ gì. Làm sao lòng chúng ta được như vậy? Sáng sớm
mở con mắt ra là bao nhiêu suy nghĩ toan tính, cái nào làm được, cái nào
chưa làm được. Cái này vướng cái nọ, dính chùm trong quá khứ hiện tại vị
lai. Việc gia đình việc xã hội tùm lum, giải thoát làm sao được. Các pháp
thế gian tuy huyễn giả nhưng nó có một năng lực trói buộc rất lớn. Muốn
giải thoát khỏi nó, phi trí tuệ thì không có cách gì tháo gỡ nổi.
Cho nên người
tu phải có trí tuệ, có định lực mới bình tĩnh nhìn thấy rõ các pháp không
thật, thì tự nhiên giải thoát thôi. Tinh thần giải thoát của đạo Phật
không phải thực hiện ở một cảnh giới nào khác, cũng không đặt định riêng
cho ai. Trong cuộc sống bình nhật, đối duyên xúc cảnh tham sân điên đảo
không dấy khởi là giải thoát. Gặp cảnh tham đừng tham, cảnh sân đừng sân,
sống bình thản như vậy là giải thoát. Tới giờ ăn thì ăn, tới giờ làm thì
làm, tới giờ nghỉ thì nghỉ, tỉnh táo sáng suốt, không lẫn lộn việc nọ xọ
việc kia là giải thoát. Ta cứ nghĩ ngợi xa xôi, nào là nhiều đời kiếp lầm
tạo nghiệp nhân trong trầm luân sanh tử, gây vô vàn ràng buộc vướng mắc,
bây biểu giải thoát làm sao giải cho nổi. Nghĩ như vậy là sai lầm, là tự
mình đánh mất mình, đánh mất sự an lạc giải thoát vốn có sẵn bên ta.
Trong kinh kể
lại, có một thiên tử dùng thần lực bứng hai cây ngô đồng thật đẹp, dâng
cúng đức Thế Tôn. Phật bảo:
- Buông!
Vị ấy buông
cây thứ nhất xuống. Phật bảo:
- Buông!
Vị ấy buông
cây thứ hai. Phật lại bảo:
- Buông!
Vị ấy ngạc
nhiên thưa:
- Con có hai
cây ngô đồng dâng cúng Thế Tôn, Phật bảo buông hai lần con cũng đã buông
hết hai cây. Bây giờ Như Lai bảo buông nữa, con không biết buông cái gì?
Phật nói:
- Ta đâu có
bảo ông buông cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo buông là buông sáu trần.
Lần thứ hai ta bảo buông là buông sáu căn. Lần thứ ba ta bảo buông là
buông sáu thức. Ông không hiểu điều này nên cứ mãi đi trong trầm luân sanh
tử, không thể giải thoát được.
Đến giai đoạn
thứ ba này, chúng ta còn điều gì trong lòng xin đề nghị “Buông”, thì mới
giải thoát. Nhưng nếu thấy không còn gì thì đừng buông, không khéo ta lại
mắc kẹt nơi chữ “Buông” nữa thì nguy. Thành ra làm sao đả thông được những
vướng mắc chung quanh, không mắc mứu gì hết, quả thực mới nhẹ nhàng thảnh
thơi. Cho nên Niết-bàn của Tâm Tông là Niết-bàn từ tâm. Ví dụ nói tất cả
chúng sanh đều là Phật, nên biết đây không phải là Phật với ba mươi hai
tướng tốt, thần thông hiển hách, mà đây là Phật giác, khả năng thành Phật
của mỗi chúng sanh.
Có thế chúng
ta mới hân hoan, phấn khởi tu tập. Chứ còn nghe trải qua ba vô số kiếp tu
hành gian khổ mới thành tựu quả giác, thì thật tình ngán quá. Nhưng thật
ra khi đã thấu rõ tánh không của các pháp, thấy thời gian không gian không
thật, thì con số ba vô số kiếp cũng không thật, nói gì ngán với không
ngán. Cho nên quan trọng là chúng ta phải có trí tuệ, thấy các pháp như
thật, thì việc tu tập không còn khó khăn nữa.
Phật dạy tinh
thần của Đại thừa tâm tông là mỗi người đều có khả năng thành Phật. Như
Lai trải dài những kiếp số công phu như vậy và bây giờ đã viên mãn, các vị
nếu bắt tay vào công phu thì đừng tính kể thời gian năm tháng, khi nào đầy
đủ công đức quả giác tự tròn đầy. Đã có gốc giác sẵn ta cứ yên tâm tu tập,
nó nằm đó chứ không mất đi đâu mà sợ. Chỉ sợ mình không muốn bật gốc ấy
lên thôi.
Sống được với
tánh giác rồi, thì không sợ gì ma quái nữa, không sợ kẹt bên đây bên kia
hoặc giữa đường bị các thứ cảnh duyên kéo lôi. Dù chúng ta chưa làm chủ
hoàn toàn, nhưng biết mọi thứ đều giả tạm, không mê đắm theo nó là chúng
ta có thể bảo vệ được tánh giác của mình rồi. Giống như mặt trời mặt trăng
luôn hiển hiện trong hư không, nhưng bị áng mây che khuất nên ta không
thấy rõ ánh sáng. Tuy thế ta biết chắc rằng khi mây tan, ánh sáng sẽ hiển
hiện tròn đầy, không phải sợ tối tăm, bởi mặt trời mặt trăng vẫn còn đó,
chứ có mất bao giờ. Tánh giác của chúng ta cũng vậy, khi con khỉ ý thức
lặng đi, tâm định tĩnh trong sáng, không do dự, không thoái chuyển thì
tánh giác sẽ hiển lộ. Sống như vậy là chúng ta sẽ dần dần thể nhập được
tâm rỗng rang sáng suốt của mình.
Chúng ta nên
biết không phải nói giác ngộ, đùng một cái được như vậy. Nhận rồi còn phải
trải qua giai đoạn công phu nữa. Người xưa nói “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa
sanh tập khí thâm”, nghĩa là chóng ngộ tuy đồng với Phật, nhưng nhiều đời
tập khí sâu. Do đó cần phải dũa mài tập khí mới được. Chúng ta thấy một
bậc Bồ-tát thị hiện như Lục Tổ Huệ Năng còn phải chịu bao nhiêu hoạn nạn
nghèo khó. Khi gặp được Phật pháp thầy tổ rồi, được truyền y bát mà phải ở
lẫn trong thợ săn mười mấy năm trường, gian lao điêu đứng vô cùng. Đâu
phải nói thành Phật thành Tổ là hào quang sáng lên như bật công tắc đèn
chớp nhoáng. Công phu phải trải qua những quá trình như thế, để gạn lọc
sạch những thô lậu nhiều đời. Chừng ấy quả giác mới thuần nhất không tạp,
trang nghiêm thanh tịnh được chứ.
Trong khi tu,
chúng ta thực hành phương pháp Phật dạy, cố gắng bảo vệ công phu của mình,
đồng thời không quên tinh thần vô ngã vị tha của Bồ-tát. Tinh thần vị tha
vô ngã đó có thể thực hiện được ở mọi nơi, nhưng với điều kiện là chúng ta
phải biết tùy thời, tùy cảnh. Ví dụ đi trên sông biển, mình rất sợ nước vì
không hề biết lội. Bấy giờ có một người bạn rớt xuống sông, mình nhảy
xuống được không? Được thì được đó, nhưng chắc hai đứa nắm tay đi thăm bà
thủy luôn. Nhưng không nhảy xuống ngồi yên đó nhìn được không? Trong tình
huống này chúng ta phải xử trí thế nào cho thích hợp. Thôi thì thế này, ta
không biết lội thì la báo lên cho mọi người chung quanh biết có người đang
chết đuối, ai có khả năng bơi lội thì cứu vớt giùm.
Chúng ta phải
có tinh thần tương trợ nhau trong đời sống tu học, chứ không nên đóng cửa
tu một mình. Đi chùa nghe thầy dạy phải tu, vậy là đóng cửa không tiếp ai
hết. Cứ ở trong đó gõ mõ lốc cốc Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ai gõ
cửa liền nói tôi mắc niệm Phật. Quí vị thấy tu kiểu đó có chướng thiên hạ
không? Thời buổi khoa học kỹ thuật này, con người phải tích cực đóng góp
sức lực trí tuệ cho xã hội tiến bộ văn minh, mà mình tu như vậy, e là ta
tự đào thải lấy mình thôi. Mỗi ngày cứ mở cửa quét dọn, đi chợ nấu ăn,
tiếp khách bình thường, nhưng tu trong lòng ai biết được, ai cấm cản? Đó
là chân tinh thần tu tập của người Phật tử. Trong bất cứ thời điểm nào,
tinh thần mình vì mọi người cũng được nêu cao. Cho nên đạo Phật rất chan
hòa với xã hội, với đời sống con người, thể hiện rõ nét qua tinh thần vô
ngã vị tha. Ai sống ngược lại điều này thì không phải là Phật tử vậy.
Trong sinh
hoạt cộng đồng, tinh thần tương thân tương trợ không thể thiếu, nhất là
với bạn hữu đồng chí hướng tu hành. Chúng ta không thể nào đóng cửa, chỉ
lo riêng mình mà luôn có sự quan hệ, thắt chặt với xã hội. Giáo lý “trùng
trùng duyên khởi” của Hoa Nghiêm đã nói rất rõ về mối tương quan tương
duyên này. Trong cái riêng có cái chung, trong cái chung có cái riêng, đó
là quy luật hình thành vũ trụ và con người.
Như ta đến một
khu vườn, thấy trong đó nhiều loại cây cảnh, bông hồng bông trắng, có đá
có nước, có người có thú, khung cảnh thiên nhiên hòa lẫn với bàn tay uốn
nắn của con người, tạo nên một khu vườn đẹp. Nếu không đầy đủ các yếu tố
đó thì không có khu vườn đẹp. Chúng ta cũng vậy, đối với xã hội mình là
một nhân tố trong cộng đồng, nên phải góp sức vào sự tồn tại và phát triển
của xã hội mình đang sống. Phật dạy người Phật tử giữ năm giới, Quy y Tam
Bảo là làm tròn nhân cách, bổn phận của một con người trong xã hội cho
thật hoàn bị. Tôi dám nói rằng một xã hội mà trong đó tất cả công dân đều
tin kính Tam Bảo, giữ năm giới thì xã hội đó tốt đẹp văn minh bậc nhất.
Cho nên việc giữ giới đã mang tính chất tự lợi và lợi tha rồi.
Nói thế nhiều
Phật tử hỏi tại sao trong Thiền viện tổ chức nhập thất, không tiếp xúc với
ai hết. Đây lại là trường hợp khác. Tăng Ni sắp xếp thay phiên nhau nhập
thất, nhằm tạo điều kiện cắt hết các duyên, chuyên tâm vào một việc để
công phu thăng tiến. Song không phải nhập thất mãi như vậy, sau một thời
gian quy định, vị ấy ra thất hòa đồng cùng cuộc sống đại chúng, hỗ trợ
nhau tu hành. Như vậy đâu có gì là trái với cuộc sống cộng đồng.
Trong nhà Phật
còn nói đến năm thứ triền cái là tham, sân, trạo hối, thùy miên, nghi. Năm
thứ này luôn ngăn che chân tánh chúng ta. Tham là tham dục, sân là nóng
giận, trạo hối là lao lự và hối hận, nghi là nghi ngờ. Các Thiền sư thường
nói làm sao trong mười hai giờ, nhắm mắt mở mắt, gặp cảnh tham đừng tham,
gặp cảnh sân đừng sân là có công phu. Các Ngài không nói Phật pháp nhiều,
không bắt tụng kinh ngồi thiền, chỉ trong mọi thời mọi khắc đối duyên xúc
cảnh đừng để lòng tham dấy lên thì chân tánh hiện bày.
Đa số chúng ta
khi gặp cảnh nghịch thường hay nổi sân, mà nổi sân thì trí tuệ bị lu mờ.
Cho nên ta thường nghe nói khi nóng giận mất khôn. Người tu theo đạo Phật
là người tập sống với trí tuệ của mình, cho nên phải điều phục tham sân.
Điều này khó chứ không phải dễ. Tập khí của chúng ta là quen nổi nóng, bây
giờ muốn chuyển lại phải có nội lực. Nghĩa là phải thường xuyên tập quán
sát lại chính mình, biết lúc nào đang sân, lúc nào đang tham để điều phục
sửa đổi nó. Hình ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm rưới nước cam lộ trên đảnh đầu
chúng sanh, để nói lên ý nghĩa chúng ta phải dùng nước từ bi rưới lên tâm
sân hận oán thù, có như vậy nghiệp chướng oan khiên mới có thể giải trừ.
Người tu Phật đối với tất cả cảnh tham cảnh sân, cảnh thuận cảnh nghịch,
cảnh vui cảnh buồn gì cũng mát rượi hết, mới là người có trí tuệ chân
thật.
Ngủ nghỉ cũng
là việc che chướng rất nặng. Ngủ nghỉ nhiều thì đầu óc tăm tối vì lúc nào
cũng lừ nhừ. Người mắc bệnh này phải phấn chấn lên cho tỉnh táo. Muốn công
phu tu hành đi đến quả giác thì không được say sưa trong ngủ nghỉ. Còn
trạo hối cũng thế, nó càng lẫy lừng thì càng che chướng công phu của mình.
Người điềm tĩnh, không lao lự tính toan, không phạm những sai lầm thì
không bị hối hận. Cho nên người tu điềm tĩnh thì trí tuệ luôn sáng suốt,
mới có thể giải quyết sự việc một cách dễ dàng. Còn cứ lăng xăng lộn xộn,
tâm thần không ổn định thì thấy nghe không rõ ràng, làm sao giải quyết
được gì. Nên biết điềm tĩnh chỉ là một hạnh nhỏ thôi nhưng không thể thiếu
đối với người tu chúng ta.
Đến nghi ngờ
cũng cần phải phá tan mới tiến đạo được. Pháp môn của Phật dạy một khi ta
đã nắm vững rồi thì cứ như vậy mà làm. Một niệm nghi ngờ mở ra là chắn lối
tiến đạo. Vì vậy người con Phật phải triệt để phá tan nghi ngờ, công phu
mới không bị đình trệ. Giả dụ như bây giờ có đấng nào đó nói ta có pháp
môn hay hơn pháp của đức Phật Thích Ca, tu theo ta rất mau thành tựu,
chúng ta tính sao? Nếu ta khởi tâm lung lay theo người đó là lòng tin chưa
vững, là trong lòng có nghi ngờ rồi. Như vậy rất khó tiến đạo.
Để kết thúc
buổi nói chuyện này, tôi dẫn chuyện Thiền sư Đại Mai Pháp Thường thế này.
Ngài đến chỗ Mã Tổ, Mã Tổ nói: “Tức tâm tức Phật”, ngay đây Ngài nhận được
yếu chỉ liền đến trụ ở núi Đại Mai, không học thêm gì nữa. Thời gian sau,
Mã Tổ sai người đến nghiệm xét xem thế nào. Vị tăng hỏi:
- Ngày xưa ở
chỗ Mã Tổ, Ngài học được cái gì mà về ở núi?
Ngài Pháp
Thường nói:
- Ta khi ấy
nghe Mã Tổ nói “tức tâm tức Phật” liền về ở núi đến nay.
Vị kia bảo:
- Bây giờ Mã
Tổ không nói “tức tâm tức Phật” nữa, mà nói “phi tâm phi Phật”.
Ngài Đại Mai
liền hạ ngữ:
- Mặc cho ông
già ấy dối gạt người trong thiên hạ, ta chỉ biết “tức tâm tức Phật” thôi.
Vị tăng ấy về
trình lại với Mã Tổ như thế. Mã Tổ liền nhóm chúng nói: “Trái mai đã
chín”.
Đó là câu
chuyện tôi mượn để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay. Mong toàn thể quý
Phật tử cùng chúng tôi tận hưởng được hương vị “Trái mai đã chín” của
Thiền sư Pháp Thường năm xưa. |