CHUYỂN TÂM MÊ
Buổi sinh hoạt
hôm nay chúng tôi nói về những mắc mứu của tâm. Trong công phu tu hành, có
những vấn đề nếu chúng ta không gặp các bậc thầy dày dặn kinh nghiệm thì
khó mà cởi mở, hóa giải được. Vì vậy có rất nhiều người càng tu càng phiền
não, càng đi chùa càng thấy bực bội.
Thật ra tu
hành là để tháo gở những vướng mắc của mình. Làm sao càng tu ta càng phấn
khởi, càng hưởng được nhiều an lạc. Như người chuyên về kinh điển, nghiên
cứu học tập thì được pháp lạc. Người chuyên tâm hành trì thiền định thì
được thiền duyệt khinh an. Song dù tu pháp nào, nhất định chúng ta phải
cởi bỏ những mắc mứu trong tâm. Trước khi bàn về những mắc mứu nơi tâm,
tôi kể chuyện một vị Thiền sư thế này.
Thiền sư Trí
Hoàng tham học ở chỗ Ngũ Tổ, tự cho đã được chánh thọ, mới cất am nhập
thất hai mươi năm. Đệ tử của Lục Tổ là ngài Huyền Sách, nghe danh Trí
Hoàng ở trong thất hai mươi năm nên tìm đến thăm, hỏi:
- Ngài ở đây
làm gì?
- Nhập định.
Huyền Sách
hỏi:
- Ngài nói
nhập định là có tâm nhập hay không tâm nhập ? Nếu không tâm nhập thì tất
cả vô tình cỏ cây ngói đá nên được định, nếu có tâm nhập thì tất cả loài
hữu tình hàm thức cũng nên được định.
Trí Hoàng bảo:
- Tôi chính
khi nhập định chẳng thấy có tâm và không tâm.
- Chẳng thấy
có tâm và không tâm tức là thường định, sao lại nói có xuất nhập, nếu có
xuất nhập tức là không phải Đại định.
Ngài Trí Hoàng
không trả lời được. Giây lâu mới hỏi:
- Thầy kếù
thừa ai ?
- Thầy tôi là
Lục Tổ ở Tào Khê.
Ngài Trí Hoàng
hỏi:
- Lục Tổ lấy
gì làm Thiền định?
Ngài Huyền
Sách đáp:
- Thầy tôi
nói: Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần
chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không
trụ, lìa trụ thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh thiền tưởng, tâm
như hư không cũng không có cái lượng của hư không.
Ngài Trí Hoàng nghe lời nói ấy bèn đi thẳng đến yết kiến Lục Tổ. Lục Tổ
hỏi:
- Nhân giả từ
đâu đến?
Ngài Trí Hoàng liền thuật lại đầy đủ duyên trước. Lục Tổ bảo:
- Thật như lời
đã nói. Ông chỉ tâm như hư không mà chẳng có kiến chấp không, ứng dụng
không ngăn ngại, động và tịnh đều không tâm, tình phàm thánh đều quên,
năng sở đều dứt, tánh tướng như như, không có lúc nào mà chẳng định.
Ngài Trí Hoàng ngay nơi đây liền đại ngộ, hai mươi năm đã được tâm, trọn
không ảnh hưởng. Đêm ấy ở Hà Bắc, dân chúng nghe trong hư không có tiếng
nói: “Thiền sư Hoàng ngày nay được đạo.” Ngài Trí Hoàng sau đó lễ từ trở
về Hà Bắc, khai hóa bốn chúng.
Câu chuyện của
Thiền sư Trí Hoàng cho chúng ta một chút kinh nghiệm trong việc tu hành.
Nếu chúng ta làm việc gì, tu tập pháp môn nào, mà trong lòng còn chấp, còn
vướng thì chưa hoàn toàn giải thoát, thanh tịnh. Có thanh tịnh chăng nữa
thì cái thanh tịnh đó chỉ ở mé bên này hoặc bờ bên kia, chưa phải rốt ráo.
Các kinh điển Đại thừa thường mượn hình ảnh khúc gỗ trôi trên dòng sông
để nói lên điều này. Nếu khúc gỗ trôi giữa dòng, không bị vướng bờ bên này
hay kẹt bờ bên kia, không rã mục, không bị người ta vớt lên, như thế đảm
bảo khúc gỗ đó sẽ tới bờ tới bến.
Việc tu hành
của chúng ta cũng vậy. Tu pháp nào của Phật dạy cũng đều tốt cả, nhưng với
điều kiện là đừng mắc bên này, vướng bên kia, đừng bị chết ngộp trong
pháp đó. Như thế mới đảm bảo ta đến nơi đến chốn, thực sự hưởng được giá
trị thiết thực của đạo pháp, hay nói cách khác là thể nghiệm được thiền
duyệt, pháp hỷ thanh tịnh. Cho nên quan trọng là ở tâm của chúng ta. Khi
lòng không yên, còn mắc mứu việc này việc khác, ta làm bất cứ chuyện gì dù
nhỏ thôi, cũng không có kết quả, huống chi việc tu hành cầu thoát ly sanh
tử.
Chúng ta
thường nghe các Thiền sư nói thiền không có một pháp thật cho người. Ai
mắc mứu bởi các cảnh duyên hiện tượng bên ngoài, các Ngài chỉ cho phương
thức cởi bỏ những thứ đó, chứ không có một pháp cố định nào. Nên khi đã
phát huy trí tuệ Bát-nhã rồi thì đối với các pháp ta tự tại vì thấy chúng
không cố định. Đó là yếu chỉ mà người tu chúng ta cần phải nắm vững.
Hành công phu
để trở về với tâm như như, rỗng rang sáng suốt nhưng ta chớ nắm giữ cái ý
tưởng về như như, về rỗng rang sáng suốt. Nghĩa là chỉ khi nào ta không
kẹt vào các trạng thái an lạc, pháp hỷ thì ta mới thật sự an lạc. Đừng để
tâm khởi lên một ý niệm gì về những điều đó mới có thể chứng nghiệm được
nó. Chúng ta thấy một Thiền sư trải qua hai mươi năm công phu tu tập như
thế, nhưng trong tâm còn chút sở chấp về công phu ấy nên bị chướng ngại,
không thể thấy đạo. Vì vậy người tu phải dẹp hết tất cả mọi vọng niệm, dù
là vọng niệm Phật pháp cũng không thể chấp giữ mới mong gần được đạo.
Như Hòa thượng
dạy pháp “biết vọng”. Tất cả những dấy niệm, ta biết nó là vọng, không
theo, không mắc mứu nó, nghĩa là không nắm bắt, không khởi một niệm gì về
nó. Nó là vọng tưởng, ta không chấp nhận nó, không lầm chạy theo nó là
tốt. Đến khi tất cả những dấy niệm đó lặng xuống, cái trí dụng của mình
cũng phải lặng. Chứ không thể nào pha đèn mãi, khi tên trộm không còn. Pha
như thế có khi mình trở thành không tỉnh táo, sẽ lâm vào tình trạng anh
chàng bị mất búa. Chuyện kể có anh chàng bị mất búa; anh ngồi trong nhà
nhìn ra, thấy tất cả mọi người qua lại đều là kẻ trộm búa của anh cả.
Cũng thế,
chúng ta quý trọng Phật pháp, vì đó là kinh nghiệm của chư Phật chư Tổ tu
tập đã được an lạc giải thoát thực sự, dạy lại cho mình nên ta quý trọng
là đúng. Nhưng phải biết quý trọng như thế nào cho có lợi ích, chứ không
thể như kẻ qua sông lên bờ rồi, mà vẫn vác thuyền trên vai mãi. Là Phật
tử, ta quý trọng lời Phật dạy, nhưng chấp chặt vào đó rồi bắt buộc thiên
hạ phải theo mình là cố chấp, không đúng như ý Phật dạy. Người nào quan
niệm như vậy sẽ phiền não dài dài.
Các vị đã có
kinh nghiệm, có hiểu biết Phật pháp, có sự tu tập và được an lạc, đối với
những người trong gia đình chưa tin chưa hiểu Phật pháp, quí vị đem pháp
ra nói hoài, chắc chắn họ sẽ nói quý vị không bình thường. Do đó các Thiền
sư thường bảo: “Không gặp kiếm khách chớ nên trình kiếm, chẳng phải nhà
thơ chớ hiến thơ” là vì vậy. Chỉ những người đồng chí đồng hạnh, có sự cảm
thông thì ta bàn bạc trao đổi mới có kết quả tốt đẹp.
Những mắc mứu
trong tâm nếu ta không chuyển được, thì xem như đầu hàng phiền não trần
lao. Tinh thần tu Phật là có thể chuyển được vọng tâm của mình, cụ thể là
chuyển tâm si thành tâm trí tuệ sáng suốt. Nếu không chuyển được những tăm
tối si mê thì quả thực sự tu hành của mình không dính dáng gì hết. Vì sao?
Vì tụng kinh thật nhiều mà đối duyên xúc cảnh vẫn bị cảnh kéo lôi, phiền
não đầy dẫy thì kinh có tác dụng gì đâu. Ngồi thiền nhiều năm nhưng tham
sân đến ta không làm chủ được, cứ bị nó kéo lôi thì rõ ràng công phu hành
thiền của mình chẳng có chút kết quả nào.
Cho nên chúng
ta bỏ ra cả một cuộc đời để tu hành mà không chuyển được những tăm tối, cù
cặn, nhiễm ô thì thật luống uổng một đời tu hành. Những điều trong kinh
dạy rất thông thường mà chúng ta làm không được. Ví dụ Phật dạy ta bị
người nói xấu, mình liền xét lại có phải ta đã phạm sai lầm như thế không,
chứ đừng ghét giận người nói xấu mình. Hoặc người ta nói mình ác, mình
tham, mình sân… ta liền nổi giận tức là chứng minh người kia nói đúng. Nhớ
lời Phật dạy, biết ngôn ngữ vốn không thật, để lòng làm chi cho nhọc.
Không thể nào người ta nói con trâu mình liền thành con trâu. Tất cả ngôn
ngữ đều từ tâm vọng tưởng phát ra, đã là vọng tưởng thì đâu có thật. Nếu
thấy được như thế, sống được như thế thì ta an lạc tức khắc, lúc nào trước
mặt mình cũng là Phật, Bồ-tát, thì còn ai chửi bới nữa.
Tu là chuyển
mê thành trí. Vì vậy pháp của Phật dạy là để chúng ta áp dụng tu tập dần
dần dứt phiền não, được giải thoát an vui. Chứ không có một đấng nào ban
sự giác ngộ giải thoát cho chúng ta cả. Phật nói tất cả chúng sanh đều có
Phật tánh, nhưng từ lâu bỏ quên nên bị mờ bởi những lớp cù cặn phủ lên.
Bây giờ chúng ta gột bỏ những lớp đó ra, phát huy tánh sáng suốt sẵn có
của mình, tức thì được an lạc giải thoát thôi.
Chuyển những
cù cặn si mê tăm tối tức là chuyển nghiệp vậy. Ví dụ hồi sáng quí vị đi
chùa, lỡ đi con đường lầy lội. Khi về, biết có con đường sạch hơn thì quí
vị đi con đường đó, chứ dại gì phải lội con đường sình lầy trước. Đó là
chuyển. Nhưng đối với nghiệp, muốn chuyển phải có quyết tâm mới được. Chứ
nói chuyển mà lương ương không chịu chuyển thì phiền não khổ đau vẫn đầy
bụng như thường. Bởi phiền não đầy bụng nên người ta nói gì mình cũng bực,
ai đụng tới mình cũng nổi sân. Lúc nào ta cũng trong tư thế nổ tung thì ai
mà dám lại gần. Tu hành như vậy thật dở vô cùng. Ta không sắp đặt được một
buổi sáng bình minh có gió mát chim reo thì làm sao hít thở, làm sao sống
nổi, nói gì an lạc giải thoát!
Cho nên muốn
được an lạc, tự mình phải hóa giải sửa đổi những nghiệp xấu. Ta tu từng
bước, được an lạc từng chút gọi là phần giác. Ví dụ sáng nay, mình ấn định
từ bảy giờ tới tám giờ, tuyệt đối ai nói gì nói, ai làm gì làm, ta vẫn giữ
trạng thái buông xả, an lạc, bình ổn. Tập được một giờ hai giờ, dần dần
tiến lên một ngày hai ngày, rồi hàng tháng hàng năm, nhất định ta sẽ buông
bỏ được, không để dính mắc với các cảnh duyên. Như thế là ta có thể tự sắp
đặt được cho mình rồi đó. Khi ấy vẫn đi chợ, vẫn nấu ăn, vẫn tiếp khách…
làm tất cả công việc nhưng không mắc mứu gì hết, lòng thảnh thơi vui vẻ.
Đó là việc tu từng bước tăng tiến.
Phật nói người
nào nắm tay lại cố chấp, đó là người ngoại đạo, không phải đệ tử Như Lai.
Chúng ta là con trai con gái của Phật, thì phải buông ra. Chỉ một việc
buông thôi, trên xe cũng buông, đi bộ cũng buông, ăn cơm cũng buông, lúc
nào cũng buông được hết. Hòa thượng Viện trưởng cũng thường dạy người tu
là phải buông xả, phải có trí tuệ, đừng mắc mứu vào bất cứ thứ gì hết,
nhất định sẽ được an lạc. Thiền sư Đạo An, Trụ trì kế ngài Quy Sơn, sau
một thời gian tu tập dài lâu, Ngài nói: “Bây giờ con trâu trắng của ta sờ
sờ trước mắt, đuổi cũng không đi”. Đó là thể hiện tâm thái an lạc bình
thản, không bị động bởi bất cứ thứ gì nữa.
Chúng ta
chuyển được, buông xả được tâm si mê, sống bình ổn, ngay đó là Phật, cầu
Phật ở đâu nữa? Từ sáng cho tới trưa tới chiều, nghe gì ta chỉ nghe bình
thường, tức là Phật hiện tiền. Ta đang tiếp khách Phật cũng ngồi trước
mình, đang nấu cơm, đang làm tất cả công việc, Phật đều cùng một bên mình.
Nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc chạm hay nói một cách khác là các giác quan của
ta khi tiếp cận với cảnh duyên, tâm bình thản an ổn, không tán loạn giao
động hoặc vui hoặc buồn, ngay đó là Phật hiện tiền, không cần cầu tìm ở
đâu hết. Đó là chúng ta sống được với ông Phật của chính mình.
Chuyện Nhật kể
về một tên cướp nổi tiếng hung dữ. Bất cứ ai đi trên đường, hắn nhìn là
biết kẻ đó có của hay không có của. Khi hắn đã quyết tâm cướp của ai thì
nhất định người đó không thể thoát khỏi. Thiên hạ kinh sợ, chẳng ai dám
động đến, nhưng cuối cùng hắn cũng bị sa lưới pháp luật. Song nhờ có biệt
tài đoán người không sai, nên hắn không bị giết mà chỉ mang án tù chung
thân. Bộ phận an ninh dùng hắn vào việc nhận dạng tội nhân. Mỗi ngày tội
nhân đi ngang trước mặt để hắn nhìn, và báo cho cấp chỉ huy biết kẻ ấy ra
sao. Càng tham gia công tác này hắn càng được đắc dụng. Cho nên nói ở tù
nhưng thật ra hắn trở thành một quan chức trong nhà tù.
Được một thời
gian lâu, hắn thấy cuộc đời đã qua của mình, từ một tên cướp nổi danh, bây
giờ tiếp tục làm nghề chỉ chỏ nọ kia. Tự thấy tội lỗi nhiều quá, nên hắn
hối cải phát tâm muốn làm điều lành. Vì vậy hắn học nghề tạc tượng, làm
phù điêu, tạo cái đẹp cho xã hội và con người. Hắn muốn tập trung khả năng
trí lực của mình tạo một hình ảnh gây được niềm vui cho mọi người để đền
bù lại tội lỗi hắn đã gây đau thương mất mát cho biết bao người trong thời
gian trước. Cuối cùng hắn trở thành một nhà điêu khắc tuyệt vời với bức
tượng đức Phật của mình. Từ đó hắn chuyên tạc tượng Phật, Bồ-tát. Càng tạc
hắn càng thâm nhập đức từ bi và trí tuệ của các Ngài. Thế là dần dần hắn
trở thành một nhà hiền triết với tâm hồn cao thượng từ sự thâm cảm Phật
pháp ấy. Hắn thật sự trầm tĩnh, thanh thoát, sống bình ổn an nhiên với tất
cả những gì mình có. Không ai có thể ngờ từ một tên cướp khét tiếng, hắn
đã trở thành một điêu khắc gia nổi danh và rất được người đương thời
ngưỡng mộ. Và hơn thế nữa, hắn đã đạt đến đỉnh cao nhất của sự thành công,
đó chính là giải thoát tất cả mọi triền phược, giác ngộ an vui ngay trong
hiện đời.
Qua câu
chuyện, chúng ta thấy rõ những gì tốt đẹp, thánh thiện không phải ở đâu
đem đến, mà do sự chuyển đổi từ chính mình. Một tên cướp hung dữ như vậy,
khi đã chuyển tâm có thể phát huy tánh tốt đến đỉnh cao nhất là trở thành
người giác ngộ. Đây là yếu chỉ để chúng ta tu. Trong cuộc sống, tất cả
công việc mưu sinh bận rộn khiến chúng ta đánh mất mình. Bây giờ muốn nhận
diện lại mình, cũng phải từ đó mà nhận, không có con đường nào khác. Phật
Tổ dạy, chúng ta không thể nào tìm được sự an lạc khi vướng mắc hay chối
bỏ các duyên. Phải ngay đó mà tỉnh thức, mà chuyển đổi. Cho nên quí vị
đừng nghĩ rằng, bao giờ hết vọng tưởng, chỉ cần biết vọng tưởng không
thật, không phải mình. Thế thôi. Ta ngồi trên đỉnh cao để nhìn thấy tất cả
mọi thứ qua lại rõ ràng mà không can dự vào. Được vậy, ngay đây là cuộc
sống an lạc giải thoát.
Với quan niệm
như vậy, cái nhìn như vậy, kiểu sống như vậy, chúng ta có thể bắt gặp được
hương vị giải thoát, dần dần ta thực sự sống an lạc giải thoát. Muốn tiếp
cận sự rạng ngời, siêu thoát của Phật, Bồ-tát thì trong lòng chúng ta phải
siêu thoát trước đã. Chứ lòng mình còn mắc mứu đủ chuyện, chưa chuyển được
thì nhất định sẽ không được gì cả. Nên nhớ việc này chỉ riêng ta thầm nhận
thôi, người bên ngoài không sao biết được, cho nên cũng không cần phải nói
ra.
Ở đây tôi muốn
nhấn mạnh đến sự cần mẫn, siêng năng liên tục của người tu Phật. Làm bất
cứ việc gì mà không cần mẫn, không liên tục, không kiên quyết thì không
thể thành công được. Nếu có cũng chưa phải là cái thành công trọn vẹn, có
giá trị. Vì thế người phương Tây thường nói không có sự thành công nào có
giá trị mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Sự tu tập của chúng ta
cũng vậy, kiên quyết liên tục hành trì một cách cần mẫn là điều không thể
thiếu được.
Bây giờ chúng
ta nghiệm lại xem việc tu học của mình có cần mẫn chưa hay lúc vui thì tu,
khi buồn thì chán nản, thối thất. Chừng đó Phật, Bồ-tát ngồi trên bệ nhện
phủ bụi giăng, nhang cũng không thèm đốt, nói gì tụng kinh bái sám. Bỏ
Phật như vậy thì tu biết đến bao giờ mới gặp Phật? Cho nên người con Phật
phải có sự nhận hiểu, thể nghiệm đúng Phật pháp. Nhờ Phật pháp chuyển hóa
từ tâm xấu thành tốt, dần dần loại bỏ hết những cù cặn trong tâm ta mới
được an lạc, giải thoát. Vì vậy đòi hỏi phải có sự cần mẫn liên tục, siêng
năng liên tục, gan dạ, quyết tâm, vui cũng tu mà khó khăn mấy cũng tu.
Điều này không
phải khó khăn quá, quí vị sắp xếp và áp dụng trong một thời gian thành nếp
rồi sẽ thấy nó dễ dàng. Ví dụ đêm hôm có chút suy nghĩ ta mất ngủ, sáng ăn
không được nên hơi khó chịu. Tuy nhiên đến giờ ngồi thiền, mình không thể
thoái thác vì chuyện mất ăn mất ngủ mà nghỉ thời khóa tu tập. Không khỏe
thì tu theo kiểu không khỏe, buồn bực thì tu ngay trong cái buồn bực đó.
Phấn chấn lên mặc áo lễ Phật, ngồi thiền, tự nhiên ta cảm thấy bớt mệt mỏi
và dần dần có niềm vui, thế là mình đã tự chiến thắng rồi. Một lần chiến
thắng như vậy, một lần phấn phát thêm. Công phu càng vững, niềm tin càng
sâu, điều đó chắc chắn không sai.
Kỵ nhất là
thái độ xìu xìu ểnh ểnh, chiều theo nhu cầu của bản thân, chiều theo hoàn
cảnh mà thoái thất việc tu tập. Chúng ta nghiệm kỹ xem thân này không khi
nào khỏe mạnh hoàn toàn, không lạnh thì nóng, không bệnh này cũng bệnh
khác. Nếu ta cứ nản nản buồn buồn, thì bệnh càng thêm bệnh, làm sao tu tập
được. Với các bệnh như thế, không có Bác sĩ nào trị nổi, gọi là hết thuốc
chữa đó. Cho nên người tu tuyệt đối không nên có thái độ như thế. Càng
thấy không khỏe không vui, ta càng phấn phát nỗ lực, cần mẫn tích cực hơn
trong pháp tu. Như thế mới có thể hóa giải phiền não, hóa giải nghiệp tập
của mình được.
Đạo Phật dạy
con người sửa đổi tu tập ngay từ bản thân mình. Chủ yếu từ tâm, chuyển hóa
được tâm xấu thì tất cả đều tốt. Chứ chuyển đổi phương hướng bên ngoài
không có ảnh hưởng gì đâu. Nên nhớ dùng phương tiện mà không biết đó là
phương tiện, chúng ta sẽ bị lún, bị kẹt ở phương tiện thì cũng quanh quẩn
trong các thứ kiến chấp mà thôi, trọn không lợi ích gì.
Lại nữa chúng
ta hay có bệnh đổ thừa. Như mình đi làm về nghe có mùi rượu, người thân
hỏi tại sao? Nói bữa nay vui quá, mấy bạn mời uống một chén. Ngày mai đi
làm về nghe mùi rượu nặng hơn, hỏi tại sao? Nói bữa nay buồn quá, nên uống
với bạn ít chén giải sầu. Cái vui cái buồn cứ xoay vần đưa ta vô quán. Đến
một lúc về nhà say bí tỉ, hỏi tại sao? Nói bữa nay tự vô quán, không ai
mời hết, tự mình chi tiền mời mình nhậu cho quên đời.
Những người
nghiện rượu thường đổ thừa tại thế này thế kia, tại vợ tại con nên tôi mới
hư hỏng. Hồi cha mẹ sanh ra tôi không có nghiện rượu, không nghiện xì ke
ma túy bao giờ. Đến thời đi học rồi thành nhân tôi hoàn toàn tốt. Từ khi
lập gia đình, bắt đầu tiếp cận với cuộc đời, bạn bè rủ rê mới ra nông nỗi
này… Ta có muôn vàn lý do để đổ thừa. Thói xấu đó từ đâu mà có? Do tập
quen, do không làm chủ, cứ lấm láp dính vào rồi từ từ lún sâu trong đó,
trở thành người hư hỏng.
Cho nên Phật
dạy sửa từ tâm, từ những ý niệm vừa dấy khởi trong lòng, chuyển ngay những
cái đó. Như Phật tử thọ năm giới, hàng xuất gia chúng tôi thọ nhiều hơn,
để làm gì? Để rào dậu, khống chế, giữ gìn cho ta không phạm sai lầm, luôn
tỉnh thức sửa đổi từ những tâm niệm nhỏ. Nếu ai nấy đều chỉnh đốn ngay từ
lúc vừa dấy niệm ban đầu thì giới luật cũng bằng thừa. Nhưng vì chúng ta
dễ duôi, không tự chủ, lại thích đổ thừa nên Phật mới chế giới nhiều như
vậy. Tại mình không sáng nên bị vướng vấp cái này cái kia, chứ không thể
đổ thừa cho ai cả.
Bây giờ chúng
ta phải nhận rõ căn bệnh của mình, rồi theo toa của Bác sĩ uống thuốc cho
lành bệnh. Việc tu hành là thế, biết mình có bệnh tham, bệnh sân, bệnh si
v.v… theo các pháp Phật đã dạy, ứng dụng pháp ấy tu tập cho đến khi nào
không còn tham lam, nóng giận, si mê nữa mới thôi. Người biết tu hay là
người sáng suốt, bình tĩnh nhận lại chính mình, đồng thời loại ra những gì
không cần thiết.
Chúng ta phải
biết buông bỏ, những gì không thích hợp, không đúng, không tốt đẹp, ném
quách hết đi, để lòng chúng ta rỗng rang sáng suốt, thì mới mong có cuộc
sống bình thản an vui. Hiện thời chúng ta đang ngược xuôi, nên đã bỏ quên
những gì hồn nhiên vô tư vốn có của mình. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng
ta không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay cho bất cứ ai ngoài mình.
Trong sự hiện
đời này, ta chưa lần nào gây tạo những nhân xấu nhưng vẫn gặp nhiều trở
ngại, đố kỵ thì biết trong nhiều đời trước, chắc chắn mình đã gây tạo nhân
không tốt. Quán sát như thế ta sẽ không phiền trách ai, mà còn can đảm
nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận trả nghiệp, chuyển nghiệp, đó là ta
biết tu, biết ứng dụng lời Phật dạy. Như mình thiếu nợ người ta, người ta
đến đòi thì phải trả, chứ đâu thể nói ngược được. Đã có nợ với nhau thì
phải trả, trả rồi mới hết nợ. Ngược lại không chịu trả mà cứ chửi bới chủ
nợ, kêu trời kêu đất thì nợ chồng thêm nợ, không bao giờ vơi.
Trong cuộc
sống này chúng ta đã vay nợ biết bao nhiêu, phải không? Nợ nần oan khiên
túc trái thật nhiều, được dịp trả sao ta không trả cho rồi. Cho nên gặp
người đối xử xấu với mình, ta phải cám ơn vì nhờ họ mà ta trả được một mối
nợ. Hiểu như thế thì sống trên đời này không có vấn đề gì hết, lúc nào ta
cũng đầy đủ bản lĩnh và trí tuệ để chuyển hóa chính mình. Như vậy là ta
thành công rồi. Tuy nhiên điều này đòi hỏi chúng ta phải có trí lực và
dũng lực mạnh mẽ mới được. Thành ra chỗ này phải biết đem đạo lý vào trong
cuộc sống mới có thể thực hiện nổi.
Trong võ học
có một loại thủ pháp, là khi người ta dùng một lực cực mạnh đánh mình thì
bắt buộc ta đón trả lại bằng một lực thật nhu nhuyến, thật nhẹ nhàng, thì
tự nhiên lực cực mạnh kia sẽ mất thăng bằng và họ tự bại trận. Ngược lại
ta dùng một sức mạnh để đối kháng lại thì không chắc gì chiến thắng được,
nếu lực đối kháng của ta chưa đúng mức. Chỗ này người học Phật chúng ta
phải có chiêm nghiệm thật kỹ để gầy dựng cho mình một cuộc sống bình ổn.
Tôi nói thật nhiều về điều này để cuối cùng quy về cái tâm của chúng ta.
Chúng ta biết cởi bỏ, gột rửa, loại đi những gì không cần thiết thì tự
nhiên an ổn thôi. Đó là cách tu thiết thực nhất.
Phật Tổ thường
bảo chúng ta có một tâm thể sáng suốt, không hình không tướng. Các Thiền
sư nói chúng ta có bản lai diện mục, chân tâm, Phật tánh luôn sẵn bên
mình, không vắng thiếu bao giờ. Nếu ta nhận được và sống với nó thì hết
khổ. Bởi sống được với nó thì ta không còn ngược xuôi, mắc mứu, lăng xăng
điên đảo với mọi thứ bên ngoài cũng như vọng tưởng trong tâm. Người sống
bình thản an nhiên tự tại là giác ngộ giải thoát rồi. Bấy giờ cũng không
cần nói chân tâm thanh tịnh hay bản lai diện mục gì gì, chỉ là hồn nhiên
mặc áo ăn cơm, lòng thanh thản như mây nổi, chẳng bận rộn với thế tình.
Như vậy không thích sao !
Tuy nhiên
trong giai đoạn này, chúng ta còn bận rộn ngược xuôi thì phải từng bước tu
tập để nhận lại tâm thể của mình. Trong nhà thiền gọi ngộ tức là nhận lại
bản lai diện mục của mình. Được thế thì chúng ta hiện sống với Phật, bản
thân chúng ta là Phật, tất cả mọi sinh hoạt đều là Phật sự, là giải thoát.
Cho nên Thiền sư Đại An ở núi Quy nói “Con trâu trắng sờ sờ trước mắt,
đuổi cũng không đi”.
Tóm lại, nếu
tâm mê thì chúng ta là chúng sanh, tạo nghiệp luân hồi khổ sở, nếu tâm
tỉnh sáng thì chúng ta là Phật, Bồ-tát, không bị kéo lôi ngược xuôi trong
luân hồi sanh tử nữa. Chỉ tự tâm mình thôi. Yêu cầu là ta đừng mê, giản dị
thế thôi. Đừng mê tức là đừng quên chính mình, đừng chạy theo bên ngoài
thì ngay đó giác ngộ được giải thoát. Cho nên các Thiền sư dạy chúng ta
phải trực nhận cái đó. Nó đã sẵn nơi mình, không phải cái gì bên ngoài mà
chạy tìm cầu. Chỉ cần chúng ta chuyển tâm mê thì sống được với tánh giác
của mình thôi. Đây chính mục đích cứu kính trong sự tu học của chúng ta
vậy. |