TÂM THIỀN
Khi nói đến
tâm thiền tức là nói đến tâm đạo. Các bậc thiện hữu tri thức bảo tất cả
chúng ta đều có sẵn tâm đó. Tuy nhiên nó ở đâu, như thế nào thì không ai
có thể diễn tả hay chỉ được. Vì sao? Vì tâm này không hình tướng, không
chỗ nơi, làm sao tả làm sao chỉ được. Cho nên nói tới tâm thiền là nói tới
chỗ tự chứng tự biết, chứ không phải nói để mà chơi.
Cổ đức nó
người tu mà không nhận được tâm này thì công phu luống uổng một đời. Sơ tổ
Bồ Đề Đạt Ma có bài kệ:
Ngoại tức chư duyên,
Nội tâm vô đoan,
Tâm như tường bích,
Khả dĩ nhập đạo.
Dịch:
Ngoài dứt các duyên,
Trong không cột trói,
Tâm như tường vách,
Khả dĩ vào đạo.
Người tu muốn
nhận được tâm đạo của mình, ngoài dứt các duyên, trong tâm không có gì
ràng buộc. Người được như thế khả dĩ vào đạo. Qua lời dạy này, chúng ta
thấy quả thực đạo không có gì rắc rối, rườm rà. Tổ chỉ thẳng cho chúng ta
bên ngoài đối với tất cả các cảnh duyên, đừng chạy theo, dứt bỏ đi. Các
duyên này là gì? Là tiền tài, danh vọng, gia nghiệp, vợ con… Bây giờ dứt
như thế nào đây? Dứt không có nghĩa là dứt khoát buông bỏ không đoái hoài
tới, dứt ở đây tức là đừng bị lầm nữa. Ví dụ như hồi trước chúng ta chưa
biết nên lầm về con người, về các cảnh, chấp cho nó là thật nên khổ vui
theo nó. Bây giờ chúng ta đã biết rồi thì không lầm nữa, không chạy theo
nó nữa nên không vướng mắc, không khổ, được an ổn.
Điều này nói
nghe dễ nhưng làm lại rất khó. Trong giấc ngủ, bữa ăn, mọi sinh hoạt lúc
nào mình cũng vướng víu cái này, mắc mứu cái kia, bây giờ biểu dứt làm sao
dứt. Mà không dứt được thì chưa tu được, chưa sống với tâm đạo được. Tâm
đạo tức là tâm giác chứ không có gì lạ. Giác cái gì? Những cái ngày trước
mình lầm, bây giờ không lầm nữa, gọi là giác.
Tổ Bồ Đề Đạt
Ma dạy chúng ta muốn nhận được tâm đạo, thì điều kiện trước tiên là dứt
các duyên bên ngoài. Dứt được bên ngoài rồi, trong lòng cũng không còn
ràng buộc gì hết. Có khi chúng ta quên được những việc bên ngoài, nhưng
bóng dáng tồn đọng trong lòng cứ hiện lên hoài, phần này khó hơn phần bên
ngoài. Tổ dạy phải buông những bóng dáng bên trong luôn mới được. Chữ
“đoan” ( ???có nghĩa là đầu mối, chỗ manh nha của mọi sự kiện. “Vô đoan”
nghĩa là tất cả những dấy niệm, những mối manh ràng rịt trong lòng chúng
ta không còn nữa, phải cắt đứt hết cho yên ổn. Hai việc này nếu tu được
thì chúng ta mới có thể vào đạo.
Nếu chúng ta
còn mơ màng, chưa có thái độ dứt khoát đối với việc tu hành, thì các thứ
dây mơ rễ má ấy quả thực không dứt được. Nó thay hình đổi dạng lúc vầy lúc
khác, lúc thương, lúc giận, không khi nào mình sống thực với tâm giác, thì
làm sao có được sự an lạc. An lạc thật sự chỉ có nếu ta ổn định, làm chủ
được tình hình trong cũng như ngoài, làm chủ được tất cả những dấy niệm
lăng xăng. Phật nói người tự chiến thắng mình là người có chiến công hiển
hách nhất đó. Chiến thắng được những cái bên ngoài, chiến thắng được những
bên trong, chiến thắng mọi mặt, tức là ta đã làm chủ hoàn toàn.
Sự nghiệp giác
ngộ giải thoát nằm ở chỗ hoàn toàn làm chủ đó. Điều này tự ta sẵn có, tự
ta tu tập, tự ta giải quyết ổn định, chứ không phải việc bên ngoài. Cho
nên càng hiểu đạo Phật, càng áp dụng đạo Phật vào đời sống, hưởng được
chút chút lợi lạc, chúng ta càng thấy phấn khởi, thích thú vì khẳng định
được khả năng làm chủ của mình. Đây là một sự trở về để nhận lại kho báu
của mình, chứ không phải chạy ngược chạy xuôi cầu cạnh ai hết.
Một khi nhận
lại được kho báu nhà mình thì dù ở tại chợ, làm tất cả việc, mà ta vẫn tự
tại, giải thoát như thường. Vì vậy dứt các duyên không có nghĩa là vứt bỏ
các duyên, đóng tai, đóng mắt, đóng mũi lại. Chính định lực và trí tuệ đưa
đến sự giải thoát khỏi các duyên. Ta vẫn sống, vẫn sinh hoạt, vẫn tiếp xúc
các duyên bình thường mà không dính mắc, không lệ thuộc nó. Như vậy gọi là
dứt. Đó là tinh thần của Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Tinh thần tu
tập của Tổ Bồ Đề Đạt Ma còn được xác định rõ hơn nữa ở bài kệ:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Đây là bài kệ
nổi tiếng, nói lên đường lối tu duy nhất của Tổ chỉ có thế. Ngài dạy một
điều mà nó vượt ngoài ngôn ngữ, sách vở, đó chính tâm mình. Nhận lại và
làm chủ được tất cả, tức kiến tánh thành Phật, chỉ có thế thôi.
Người có thể
vào đạo hay khả dĩ nhận được tâm đạo là người đối với các trần cảnh, cụ
thể là sáu trần không dính không kẹt. Tổ dạy “bất lập văn tự, giáo ngoại
biệt truyền”, chúng ta có thể áp dụng như sau, trong cuộc sống hằng ngày
đối với sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng ta đừng dính mắc,
buông hết thì sẽ không bị động bởi chúng.
Ví dụ như đối
với sắc trần, những hình tượng thuộc về sắc, chúng ta nhìn chỉ nhìn, chứ
không dấy động chạy theo chúng, muốn chiếm hữu gìn giữ. Muốn vậy, ta phải
thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của mình lên. Nếu thiếu trí tuệ, thiếu sự tỉnh
giác, thì ta sẽ bị nó lôi cuốn ngay. Cho nên chỗ này chúng ta sử dụng trí
tuệ, sử dụng sức tỉnh giác thật mạnh mẽ. Dùng được trí tuệ thì mới không
bị các giác quan dẫn chạy ngược xuôi theo trần cảnh. Đây mới đích thực là
tu, chứ không phải đi chùa, tụng kinh, làm những việc công đức nhiều mới
gọi là tu.
Việc chính là
làm sao chúng ta đầy đủ trí lực, trí dụng, không bị tất cả các pháp kéo
lôi. Các giác quan tự tại, bình thản, sáng suốt trùm khắp, không bị chướng
bởi một pháp nào. Bị chướng là sao? Ví dụ như mắt ta nhìn thấy tường vách,
vật dụng trong nhà, không lầm cái cửa là vách tường, không lầm quạt máy là
cái cửa, rõ ràng như vậy. Tuy nhiên nếu tôi thích một vật nào trong số đó,
thì mắt tôi sẽ dừng ở vật ấy, chỉ thấy vật ấy mà không thấy rõ các vật
khác nữa. Đó là bị chướng. Ngược lại, nếu tôi không để tâm vào một vật nào
hết, tôi không bị nó kéo lôi nên mắt có thể nhìn thấy khắp một cách rõ
ràng tự tại, đây gọi là không bị chướng. Mỗi vật mỗi vật ở trong phận vị
của nó, ta không chạy theo nó, nó không chạy theo ta, đây gọi là tâm cảnh
nhất như. Người sống được như vậy là người thể nhập pháp giới tánh.
Người có lực
lượng như vậy trong nhà thiền gọi là đại định, chứ không phải đợi ngồi mới
định. Thiền định trong mọi sinh hoạt, đối với tất cả các cảnh duyên lúc
nào cũng thiền định. Chứ nếu đợi đến tụng kinh, ngồi thiền mới định thì
một ngày một đêm, ta tu được bao nhiêu giờ? Tu như vậy khiêm nhường quá,
nếu không nói là hoang phí thời gian, trong khi mạng sống của mình thật
ngắn ngủi mong manh. Nếu trong mọi sinh hoạt, chúng ta không có thiền định
thì xem như bị mất mát lớn lao.
Đối với người
tu thiền, những gì cần suy nghĩ thì suy nghĩ, những gì không cần thì xin
cắt. Tới giờ ăn thì ăn, không phải giờ suy nghĩ. Nếu ta đem những suy nghĩ
vô thức ăn thì hóa mình nhai nuốt vọng tưởng, và một miếng cơm là nuốt một
miếng nước mắt. Ăn như vậy sớm muộn gì cũng sẽ đau bao tử. Tới giờ ngủ thì
ngủ, đem suy nghĩ vào trong giấc ngủ là ta muốn đưa cái đầu vào bệnh viện
tâm thần đó. Bởi suy nghĩ thì mất ngủ, mất ngủ lâu ngày thì thần kinh rối
loạn, điên là cái chắc rồi. Người tu thiền là người sống bình dị, chất
phác, hồn nhiên. Tới giờ ăn thì ăn, ngon dở gì cũng ăn, rất hồn nhiên, rất
dễ thương.
Thành ra từ
chỗ công phu không ổn định, sẽ kéo theo một lô những bất như ý, rồi từ từ
tâm lui sụt, tu hành không được, khổ càng thêm khổ. Ngồi thiền hay tụng
kinh, niệm Phật trong lòng yên ổn, thấy nhẹ nhàng từ hơi thở cho đến sự
điều hòa trong cơ thể. Tinh thần thoải mái mới có thể ngồi niệm Phật hoặc
ngồi thiền một hai đồng hồ mà không mệt mỏi, lại tiến thấy thích thú. Trái
lại, trong tâm bức xúc, thở không được, ngồi không yên, việc này việc kia
rối tung lên, buổi sáng đó mình định ngồi một tiếng nhưng khoảng mười lăm
phút là muốn kéo chân ra rồi. Bởi ngồi như thế không phải ngồi thiền, thì
làm sao ngồi yên được.
Ngồi thiền mà
nhập được thiền mới an lạc. Trong nhà thiền có từ “thiền duyệt”, tức niềm
vui có được từ công phu hành thiền mà ra. Người tu thiền được thiền duyệt,
ngồi thiền quên thời gian. Sau khi xả thiền rồi, niềm an lạc đó vẫn kéo
dài liên tục. Sử các Thiền sư còn để lại rất nhiều những niềm vui như vậy.
Đại sư Thái Hư nghe tiếng chuông báo giờ tọa thiền, Ngài theo chúng tọa
thiền đến khi nghe tiếng bảo chúng báo xả thiền, Ngài cũng xả thiền. Hỏi
ra mới biết, đây không phải tiếng báo xả thiền đầu hôm mà là tiếng báo xả
thiền buổi khuya. Nghĩa là Ngài đã ngồi suốt đêm trong an định nên lặng
sâu trong đó, thích thú với thiền duyệt. Sau khi xả thiền năm bảy ngày
liên tiếp, thiền duyệt đó vẫn còn được triển khai.
Chúng ta ngày
nay vừa kéo cái chân lên thì thấy bao nhiêu việc phiền não tới rồi. Ngồi
chưa được mấy phút lại phải kéo chân xuống, kéo tủ lấy tiền đưa cho người
này, sắp đặt cho người kia, đủ thứ chuyện trên đời. Giả như có chút gì an
lạc trong khi tu, nhưng nó sẽ mất liền khi ta vừa kéo chân ra. Mình tu như
thế thì chừng nào mới thành Phật, chừng nào mới được an lạc giải thoát
đây? Cho nên ta tu mà chính mình tự đánh mất công phu của mình, cuối cùng
chỉ gánh chịu sự thiệt thòi, trống rỗng. Hiểu như vậy chúng ta sớm quay
trở lại, chấn chỉnh việc tu tập thế nào để có được nguồn an lạc ngay trong
hiện đời, thì mai sau mới không sợ khổ sanh tử đến.
Chúng ta phải
sáng suốt kiểm lại công phu của mình, dứt khoát không để cho đời tu lững
lờ trôi qua theo ngày tháng. Chính các Thiền sư cũng đã rơi nước mắt cho
việc này. Cứ sáng ra hành hương rồi chiều đốt một nén nhang tọa thiền. Cây
hương ban sáng, cây hương buổi chiều đã tàn mà việc tu hành chưa phấn
phát. Nghĩ đến thời gian qua suông như vậy mà rơi nước mắt, tự thương cho
mình. Như thế thì bao giờ, ở đâu ta mới nhận lại và sống được với tánh
giác hay tâm đạo của mình?
Chúng ta có
duyên, tuy chưa đạt được tâm đạo nhưng có hiểu, có nhận và có phương pháp
để thực hiện việc đó. Vậy thì lúc còn sức khỏe, còn điều kiện để công phu
chúng ta không nỗ lực cắt đứt ngoại duyên, mỗi giờ hành trì phải là mỗi
giờ làm chủ, không để qua suông bất cứ giây phút nào. Tóm lại chỉ quay trở
về tâm ta thôi, không việc gì khác, đứng lăng xăng tìm đâu bên ngoài, mất
công vô ích.
Nói đến tu
hành chúng ta phải phấn khởi vì biết mình đã có sẵn tâm đạo rồi. Đây là lý
nhân quả mà, có nhân thì phải có quả. Đã có Phật chủng thì nhất định sẽ
thành Phật thôi, lâu mau tùy mỗi người. Chúng ta không lầm nhân quả, nghĩa
là tu tập như thế, làm như thế nói như thế, suy nghĩ như thế, sẽ đưa đến
kết quả như thế. Cho nên việc làm nào, ý nghĩ nào, ngôn ngữ nào kéo lôi,
đưa đẩy ta vào chỗ tăm tối thì nhất định ta không làm. Là người mắt sáng,
ta phải chọn tánh giác mà sống, từng bước tu tập để trở về với tánh giác
của chính mình. Đó là bước an lạc sơ khởi của người tu nói chung hay người
tu thiền nói riêng. Tại sao mình có sẵn của báu mà lại bỏ đi, không thèm
đoái hoài tới, lại ngược xuôi theo các thứ giả tạm, không có giá trị gì?
Cho nên điều cần nhất trong khi tu hành là chúng ta phải tỉnh, phải nhớ
lại gốc gác quê hương của mình. Tỉnh nhớ mới trở về được, không tỉnh nhớ
thì biết đâu mà về.
Trong công
phu, ta thường nghe nói đến Nhất Hạnh Tam Muội và Nhất Tướng Tam Muội.
Nhất Hạnh Tam Muội là gì? Nhất Hạnh Tam Muội là đối với tất cả chỗ không
trụ tướng, không dính mắc những niệm yêu ghét, lấy bỏ, được mất… quy lại
cũng là thiền. Tam muội là chánh định, được chánh định rồi thì trí tuệ
bừng sáng. Sở dĩ trí tuệ chúng ta chưa bừng sáng là vì mình còn ngược xuôi
nhiều việc, chưa định nên chưa chủ động. Không định, không chủ động thì bị
động thôi, bị động là bị các pháp bức xúc kéo lôi.
Phật dạy tất
cả pháp đều không thật, đến thân này cũng là đồ giả, tâm chúng ta đang suy
nghĩ phân biệt cũng tâm giả, duyên hợp. Thế mà mình lại bị các thứ hư giả
đó kéo lôi, có phải mê muội không? Bây giờ đừng để các pháp kéo lôi, đừng
theo cảnh duyên bên ngoài, người hành trì như thế gọi là nhất hạnh. Ta
nghe danh từ Nhất Hạnh Tam muội thì nghĩ rằng khó khăn lắm, phương pháp
này chỉ để Phật, Bồ-tát thực hành thôi, chứ mình vô phần. Nếu pháp của
Phật chỉ dạy cho người giác ngộ thì quả thật vô lý. Bởi vì nếu đã giác ngộ
giải thoát rồi thì đâu cần tu nữa. Người mạnh khỏe đâu cần phải uống
thuốc.
Pháp của Phật
dạy là nhắm cho những người còn lặn hụp trong khổ đau, trôi giạt trong
sông mê bể khổ. Khi được giải thoát rồi ta tự tại rong chơi khắp mười
phương, đâu còn lệ thuộc pháp nào nữa. Trong kinh Kim Cang Phật dạy, người
đã qua sông rồi mà còn vác thuyền trên lưng là người không bình thường.
Qua được sông rồi thì thuyền bè không cần thiết nữa. Chúng ta tu hành chưa
an lạc, còn bị bức xúc trong cuộc sống nên mới nương nơi pháp Phật để tu
tập. Xong việc rồi thì pháp cũng bỏ, như hết bệnh thì thuốc không còn cần
thiết. Nếu hết bệnh rồi mà vẫn tiếp tục uống thuốc thì thành một bệnh
khác. Cho nên không nên cố chấp đối với pháp Phật.
Chúng ta dễ bị
cảnh giả bên ngoài lôi cuốn, thiếu tỉnh giác nên mất mình. Ví dụ ta đang
tụng kinh, bỗng nhiên nhớ cà phê đá. Kỳ thật, lúc này lẽ ra không nên nhớ
chuyện đó, mà sao tự nhiên khô cổ quá tụng không được. Cho nên lẽ ra ta
tụng đều đều vừa phải, nhưng ly cà phê đá cứ chận ngay cổ hoài, vì vậy
phải đánh mõ tụng rút, tụng cho mau để thưởng thức ly cà phê đá chứ. Các
dục là ảo giác, luôn tạo cho mình những cảm giác trong tưởng tượng, nhưng
nó có sức thu hút, lôi cuốn rất mạnh. Cho nên đối trước ngũ dục mà ta vẫn
bình thản, giữ tâm trong sáng an lạc, không bị động là đã đi được hơn nửa
đoạn đường đến Niết-bàn rồi đó. Từng bước như vậy, ta làm chủ được rồi,
dần dần mình sẽ làm chủ nhiều hơn trong tất cả các sinh hoạt ăn nghỉ, tiếp
xúc, làm việc. Được vậy chắc chắn con đường giác ngộ giải thoát không còn
xa.
Kế đến Nhất
Tướng Tam Muội là gì? Là các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào mình
cũng siêng năng tu tập. Nhất Tướng là thuần một thứ, Nhất Hạnh là thuần
một hạnh. Đây là pháp tu hằng ngày của chúng ta. Pháp này chúng ta áp dụng
ngay khi làm các công việc, chứ không hạn định trong thời gian nào hoặc
trong hình thức nào. Ví dụ mình đang ngồi nghỉ, trước mặt không có vấn đề
gì, bên tai không có vấn đề gì và trong lòng cũng không có vấn đề gì, đây
mới thực sự là ngồi nghỉ. Chứ nói ngồi nghỉ mà trước mặt nhìn hết cái này
đến cái nọ, bên tai thu nhận mọi âm thanh, hoặc trong lòng sắp đặt chương
trình nọ kia thì không thể gọi là ngồi nghỉ. Dù cho người đó ngồi cả trăm
năm như thế cũng không khỏe được chút nào vì có nghỉ được đâu. Với người
tu chúng ta, làm việc gì chỉ biết việc đó thôi, không được tạp loạn.
Nhiều người
cho rằng tu là phải lên núi non vắng vẻ, chứ như quí thầy làm rẫy làm
ruộng, đủ thứ chuyện làm sao tu được? Nghĩ như vậy là chưa hiểu đạo. Tu
không có nghĩa là trốn chạy cõi đời hay bó gối ngồi yên. Người xưa lên non
lên núi là tùy duyên, tùy hạnh nguyện, chứ các Ngài không nói phải như vậy
mới gọi là tu. Song, khi việc mình đã xong các Ngài cũng xuống núi, hòa
quang đồng trần tiếp độ chúng sanh, chứ đâu phải chỉ biết yên phận mình
thôi. Làm việc mà luôn tỉnh giác, luôn nhớ ông chủ của mình thì ở đâu cũng
tu được, ở đâu cũng là đạo tràng.
Thời đức Thế
Tôn còn tại thế, hàng đệ tử xuất gia chứng thánh quả nhiều vô kể. Nhưng
hàng cư sĩ mang hình thức thế tục đã đạt được thánh vị không phải không
có, như cư sĩ Duy Ma Cật, phu nhơn Thắng Man, phu nhơn Mạt Lợi… Họ là
những vị cư sĩ có quyền chức ,phải đảm đang rất nhiều công việc mà vẫn tu
và được giải thoát an lạc như thường. Sau này đến thời chư Tổ, hàng cư sĩ
tại gia chứng đạt được chỗ thâm yếu cũng không thiếu chi, như cư sĩ Bàng
Long Uẩn, cô Linh Chiếu, ở Việt Nam ta có Tuệ Trung Thượng Sĩ, vua Trần
Thái Tông v.v… Như vậy đủ để chúng ta tin rằng, chỉ cần có ý chí, có trí
tuệ thì ai cũng có thể nhận và sống được với tâm đạo của mình.
Để diễn tả tâm
đạo, tổ dạy thế này:
Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh,
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-đề quả tự thành.
Dịch:
Tâm địa chứa nhiều giống,
Gặp mưa đều nẩy mầm,
Đốn ngộ tự tâm rồi,
Quả Bồ-đề tự thành.
Nghĩa là đất
tâm của mình có sẵn hạt giống Bồ-đề. Người tu nào nhận được như thế, thì
sẽ thành tựu được an lạc, được quả Bồ-đề. Phương pháp tu tổ Bồ Đề Đạt Ma
dạy cũng chính là đây. Ngài chỉ thẳng tâm thể cho chúng ta bằng cách ngay
trong mọi sinh hoạt, nhận lấy tâm đó. Quả giác đã sẵn trong ta, chỉ khéo
nhận và sống với quả giác là chúng ta giải thoát. Lục Tổ Huệ Năng cũng có
bài tụng thế này:
Tâm bình chẳng nhọc trì giới,
Hạnh trực đâu cần tu thiền,
Báo ân, nuôi dưỡng cha mẹ,
Nhân nghĩa, già trẻ thương nhau.
Ngài dạy tâm
bình thì khỏi phải trì giới. Bình là bằng thẳng, không chao đảo, không méo
mó. Tâm chúng ta bằng thẳng không cong vạy thì giới đức tự tròn đầy, không
trì vẫn đầy đủ các công đức, oai nghi. Hạnh đã ngay thẳng rồi thì không
phải tu thiền. Tức mọi sinh hoạt hằng ngày của chúng ta không bị vướng mắc
bởi trần cảnh, tự tại an nhiên thì nói tu nói thiền là dư. Pháp tu thiền
nhằm chỉ cho chúng ta cách làm chủ được mình, đi thẳng, nhìn thẳng, nói
thẳng, không bị bên đây bên kia kéo lôi. Nếu hạnh đã thẳng rồi thì đâu cần
phương pháp tu tập nào nữa, như chuyện uống thuốc tôi đã nói ở trên. Nhưng
nếu chưa thẳng thì xin tu dùm cho, phải công phu và công phu liên tục để
cho nó được bình được thẳng.
Ngài nói báo
ân là nuôi dưỡng cha mẹ, nhân nghĩa là già trẻ thương nhau, giản dị như
vậy. Tổ nói những điều bình thường như vậy để chúng ta ý thức được việc tu
hành không ngoài những bổn phận, công việc thường nhật trong cuộc sống.
Phận làm con thì phải biết phụng dưỡng cha mẹ, lo lắng chu toàn mà tâm vẫn
thanh thản vui vẻ, không cau có quạo quọ, nay vầy mai khác. Già trẻ biết
kính nhường thương mến nhau là sống đúng với đạo lý làm người. Những việc
bình thường như thế, nếu chúng ta trôi tròn được trong một tâm an ổn thư
thái là ta đã sống đạo.
Thuốc đắng trừ được bệnh khổ,
Lời ngay quả thực khó nghe,
Sửa quấy liền sanh trí tuệ,
Dấu lỗi trong tâm chẳng lành.
Những lời dạy
này rất bình thường mà chứa đựng đầy đạo lý. Ngài nói thuốc đắng thì trị
tận gốc bệnh. Bệnh của chúng ta là bệnh khổ. Nếu cứ khư khư chấp cái nhìn
cái biết của mình là đúng, của người là sai thì nhất định ta sẽ chịu khổ,
vì không bao giờ được như ý. Cho nên nói thật thì mếch lòng, Phật Tổ bảo
cái nhìn của mình không hẳn là đúng, đừng chấp như vậy nữa. Nói thế là va
chạm, là thương tổn bản ngã chúng ta rồi. Nhưng chính sự thẳng thắn ấy mới
trị tận gốc bệnh cho mình. Thành ra nói thuốc đắng thì trị được bệnh khổ,
lời ngay thì khó nghe. Lời nói thẳng thường làm đau lỗ tai, tuy nhiên nếu
người chịu nổi, nghe nổi thì mới có thể tiến được.
Sửa quấy liền
sanh trí tuệ, dấu lỗi trong tâm chẳng lành. Người chịu sửa những điều quấy
của mình là người phát triển được trí tuệ. Ngược lại người dấu những cái
dở của mình, người đó không phải người tốt. Pháp tu này rất dễ dàng, nếu
chịu áp dụng chúng ta sẽ thấy được an lạc tức khắc thôi. Ví dụ như bây giờ
ta biết trong lòng mình còn nhiều bất ổn thì lôi nó ra bỏ đi, đâu phải khó
khăn gì. Đừng cho nó hiện hữu trong lòng mình thì sẽ được an ổn, trí tuệ
hiện tiền.
Hòa thượng
thường dạy chúng ta “Biết vọng không theo”. Nếu chúng ta không biết những
dấy niệm là vọng, thì không khi nào mình buông được. Đằng này vừa có một
dấy niệm dấy khởi, chúng ta biết nó không thiệt, ta bỏ đi, không chạy theo
thì sẽ được an lạc, đó là chúng ta có trí tuệ. Cho nên biết các dấy niệm
là vọng buông đi thì trí tuệ hiện tiền.
Hằng ngày lợi
ích chúng sanh, thành đạo đâu là việc khác. Nếu mình tu tập như vậy tức
mỗi ngày tiêu dung hóa giải được những tập khí xấu, những dấy niệm lăng
xăng, những loạn tưởng điên đảo của chính mình. Như vậy việc thành đạo đâu
phải là quá khó, không hể làm được.
Bồ-đề tự nhận nơi tâm,
Huyền đạo cũng chẳng việc ngoài,
Người người theo đây tu hành,
Tịnh Độ ở ngay trước mắt.
Là người tu,
nếu chúng ta lăng xăng tìm cầu bên ngoài là sẽ mất mình, tu không được.
Người tu nếu không tỉnh giác, không sống được với tánh giác của mình ngay
trong mọi sinh hoạt thì không gọi là người tu. Cho nên người tu phải là
người tỉnh giác. Đã tỉnh giác rồi, thì mọi hiện tượng chung quanh không
còn lầm nữa, thấy được lẽ thực của các pháp, tức là có đầy đủ trí tuệ.
Người đầy đủ trí tuệ là người sống được với tâm đạo của mình.
Có người hỏi:
“Người hay nổi giận tu được không?”, tôi đáp: “Được chứ sao không”. Bởi vì
tánh giác không có mù mờ, không có nổi giận gì hết. Vừa có một niệm dấy
khởi lên, mình bỏ đi thì yên. Ngay khi giận là tâm vọng động phiền não chứ
tánh giác đâu có vọng động phiền não. Vì vậy lúc đó chỉ cần thấy rõ gốc
giận không thật, giận tự lặng thì trở về tánh giác thôi. Đó là tu rồi.
Ngay cốt tủy ấy mà chúng ta hành, thì luôn luôn trở về tánh giác. Còn đang
lúc nổi giận, mà cố chấp những ý nghĩ mình là đúng, người ta sai thì dĩ
nhiên sẽ điên lên thôi.
Điểm cuối cùng
làm chướng đạo tâm nhất là chấp ngã. Cho nên người tu Phật thì gốc là phải
trị chấp ngã. Chấp ta là trung tâm của vũ trụ, là chân lý. Phá được cái
chấp này mới mong phát triển được tuệ giác, phát triển được tâm đạo. Muốn
phá ngã, chúng ta phải thường xuyên quán sát thân tâm này không thật, thấy
rõ tính chất vô thường của nó, dần dần buông bỏ những cố chấp của mình.
Công phu lâu ngày ta sẽ phá được ngã và ngã sở.
Nên nhớ tâm
đạo là cái sẵn nơi mỗi người chúng ta, nhưng nếu bị lớp bản ngã bao bọc
thì không dễ gì ta sống được với đạo tâm của mình. Vì vậy người tu Phật,
nhất là tu thiền phải thấy như thật bản chất của các pháp, để từ đó không
lầm nhận cái giả cho là thật, không lầm nhận thân tâm này nữa. Được vậy
mới mong sống được với tâm đạo của mình. Tâm đạo chính là Tâm thiền.
Cầu mong toàn
thể chúng ta nhận lại và sống được với Tâm thiền của mình. |