![]() |
TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ Thiền viện Viên Chiếu Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame |
![]() |
![]() |
||
PHẨM XIII: THẾ GIAN (tt) Như chim thiên nga bay ... Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, có liên quan đến ba mươi vị Tỳ-kheo. Một hôm, có ba mươi vị Tỳ-kheo sống ở các xứ khác đến thăm đức Phật. Tôn giả A-nan trông thấy các vị ấy đến khi đang chuẩn bị vào hầu phật. A-nam nghĩ thầm: "Ta sẽ đợi đức Thế Tôn tiếp đón các Tỳ-kheo này, sau đó ta mới vào hầu", và Tôn giả đợi ngoài cửa. Phật đón tiếp các Tỳ-kheo, thuyết pháp một cách hoan hỷ cho các vị. Sau đó, tất cả chứng quả A-la-hán. Các vị từ giã Phật, bay lên hư không. Các Tỳ-kheo đi rồi, A-nan đến chỗ Phật, hỏi: - Bạch Thế Tôn, có ba mươi Tỳ-kheo đến đây, họ ở đâu? - Ðã đi. - Bạch Thế Tôn, họ đi đường nào? - Họ bay qua hư không. - Bạch Thế Tôn, như vậy họ đã thoát khỏi sinh tử? - Ðúng thế! Này A-nan! Sau khi nghe Ta nói pháp, họ đã chứng A-la-hán. Lúc ấy, có một vài con thiên nga bay liệng trên không. Ðức Phật nói: - Này A-nan! Ai phát triển đầy đủ thần túc, người ấy bay lượn như thiên nga. Ngài nói kệ: (175) Như chim thiên nga bay, Thần thông liện giữa trời, Chiến thắng ma, ma quân, Kẻ trí thoát đời này. Ai vi phạm một pháp ... Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến Chiến-già Ma-na (Cincà Mànavikà). Sau khi Phật thành đạo, vô số chư thiên và loài người quy y theo đấng Thập Lực, cõi trời, cõi người tăng trưởng. Ðức hạnh Ngài lan xa, danh dự và lợi dưỡng càng đổ dồn về Ngài. Về phía các ngoại đạo, họ bị mất dần danh dự, lợi dưỡng, như con đom đóm mất ánh sáng dưới ánh mặt trời. Họ tập trung trên đường, kêu gọi: - Chỉ có Cồ-đàm là Phật thôi sao? Chúng tôi cũng là Phật. Chỉ có cúng dường ông ấy mới đem lại nhiều phước báo thôi sao? Cúng dường chúng tôi cũng đem lại nhiều phước báo vậy. Nêu cúng dường chúng tôi nhiều phẩm vật như thế. Nên cúng dường chúng tôi, nên xưng tán chúng tôi. Nhưng mặc tình họ kêu gọi, cũng chẳng được danh dự và lợi dưỡng. Họ bèn bí mật nhóm họp và bàn định "Chúng ta tìm cách bêu xấu Cồ Ðàm trước mọi người, để chấm dứt sự cúng dường, tôn vinh y". Lúc ấy, tại Xá-vệ có một du sĩ ni tên Chiến-già. Nàng rất đẹp, dễ thương, như một tiên nương, toàn thân sáng chói. Một người trong bọn ngoại đạo, bèn đưa kế hoạch "Với Chiến già, chúng ta có thể bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và chấm dứt mọi sự cúng dường cung kính đối với ông ấy". "Kế hoạch ấy được lắm", cả bọn tán đồng. Chiến-già đi vào tu viện ngoại đạo, chào hỏi và đứng chờ, nhưng các thầy không nói gì với cô. Cô hỏi: - Các thầy thấy tôi có lỗi gì? Cô hỏi ba lần, và lặp lại: - Các Tôn Trưởng, tôi chỉ hỏi một câu. Thưa các Tôn trưởng, tôi có lỗi gì? Sao các vị không nói với tôi? Các ngoại đạo trả lời: - Này chị, chị có biết Sa-môn Cồ-Ðàm? Người đạ làm tổn hại chúng ta, đoạt mất danh dự và lợi dưỡng của chúng ta? - Không, thưa các Tôn trưởng, tôi không biết ông ấy. Nhưng tôi có thể giúp được gì trong việc này? - Nếu chị muốn chúng ta thắng lợi, hãy tìm cách bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và làm chấm dứt danh dự, lợi dưỡng của ông ấy. - Ðược thôi, tôi sẽ làm mọi cách có thể được, đừng lo gì về việc này. Chiến-già nói xong bèn khởi sự. Cô vận dụng mọi khéo léo của một người đàn bà để đạt mục đích. Khi dân chúng thành Xá-vệ nghe pháp ở Kỳ Viên trở về, cô mặc một chiếc áo choàng màu cánh gián, mang hương hoa đi về phía tinh xá Kỳ Viên. Một người hỏi: - Cô đi đâu vào giờ này? Chiến-già đáp: - Tôi đi đâu thì có can dự gì đến các người. Cô trú đêm tại một tu viện ngoại đạo gần tinh xá, và sáng sớm, khi mọi người chuẩn bị đi đến tinh xá thăm Phật buổi sáng, cô sẽ trở lui ngược chiều, vào thành phố. Mọi người hỏi: - Ban đêm cô ở đâu? - Tôi ở đâu thì có can dự gì đến các người? Khoảng một tháng rưỡi, khi có ai hỏi, cô đều đáp: - Ban đêm tôi ở trong hương thất Cô-Ðàm, chỉ một mình. Bằng cách ấy, cô gái khêu gợi sự nghi ngờ trong lòng những người dễ tin, và họ bàn tán với nhau "Ðiều đó đúng hay không?" Khoảng ba bốn tháng, cô thắt ngay lưng một sợi dây nịt, tạo cảm tưởng rằng mình đang mang thai, cô mặc một chiếc áo đỏ, đi đâu cũng nói "Tôi sắp có con với Sa-môn Cồ-Ðàm". Bằng cách ấy, cô lừa những kẻ ngu. Tám, chín tháng trôi qua, cô cột một cái dĩa gỗ trước bụng, mặc áo choàng phủ lên, làm cả người có vẻ mập mạp xồ xề bằng cách lấy xương đập lên tay, chân, lưng, và ra vẻ mệt mỏi. Chiều nọ, cô đến Pháp đường đứng trước đức Như Lai. Ở đấy trong vầng hào quang chói ngời, Ngài đang thuyết pháp. Chiến-già đứng đó, mở miệng chửi rủa Thế Tôn. - Này Sa-môn vĩ đại, quanh pháp tòa đám đông tụ tập nghe ông thuyết pháp cũng thật là vĩ đại, âm thanh ngọt ngào, miệng lưỡi ông mềm dẻo. Tuy nhiên, ông chính là người làm tôi mang thai và ngày sanh sắp đến. Ông không cố gắng tìm một chỗ cho tôi nằm, không cung cấp mật, dầu và những thứ tôi cần. Ông không làm tròn bổn phận, cũng không nói với những người hằng cúng dường ông như vua Ba-tư-nặc, hay Cấp Cô Ðộc hay bà Tỳ-xá-khư nữ thí chủ vĩ đại của ông, rằng "Hãy làm cho thiếu phụ này những gì cần cho cô ấy". Ông biết rất rõ cách hưởng dục lạc, nhưng không biết cách chăm sóc đứa con sắp sanh. Cô chửi mắng Thế Tôn giữa hội chúng như một người đàn bà cầm phẩn trên tay tìm cách bôi bẩn mặt trăng. Ðức Thế Tôn ngừng giảng dại và rống lên như sư tử, nói: - Này chị, những gì chị nói đúng hay sai, chỉ có tôi và chị biết thôi. - Ðúng vậy Sa-môn cao cả kia, nhưng ai có thể quyết định giữa điều đúng và sai về chuyện mà chỉ có tôi và ông biết? Lúc ấy, tòa ngồi của Ðế Thích nóng lên, Ðế Thích quán sát nguyên do, được biết Chiến-già vu không Như Lai. Ðế Thích nghĩ "Ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề", và bay xuống với bốn thiền thần. Các thiên thần hóa thành chuột nhắt cắn sợi dây cột cái dĩa trước bụng Chiến-già, và một cơn gió thổi tung tấm áo choàng, cái dĩa rơi xuống, tiện đứt mấy ngón chân của cô. Ðám đông la ó: - Tên phù thủy kia chửi mắng Thế Tôn. Họ đánh đập nàng, ném đá, cầm gậy đuổi ra khỏi Kỳ Viên. Khi cô đi khỏi tầm nhìn của Thế Tôn, đất nứt ra một hố sâu ngay dưới chân cô, và lửa bốc lên từ địa ngục A-tỳ, cuốn cô như tấm vải đỏ úp chụp lấy thân, và cô rơi trong địa ngục A-tỳ. Từ đó, tiếng tốt và lợi lộc của ngoại đạo giảm đi, còn phẩm vật dâng đến đấng Thập Lực càng lúc càng nhiều. Ngày hôm sau, các thầy Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường. - Chư hiền! Chiến-già vu khống đấng Như Lai, Ứng Cúng, đấng Thế Tôn, nên đã bị hủy diệt. Ðức Phật đi đến và hỏi: - Các Tỳ-kheo! Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì? Các thầy thuật lại, Phật dạy: - Ðây không phải là lần đầu Chiến-già vu không Ta và bị hủy diệt, trong quá khứ cô ấy cũng đã làm như vậy. Ngài nói tiếp: - Một vị vua không thể phạt ai khi chưa nhận thức vấn đề cho rõ, khi chưa nghiên cứu cẩn thận mọi mặt dù lớn hay nhỏ. Ngài kể lại tiền thân Ðại Liên Hoa (Mahà Paduma). Chuyện quá khứ A. Hoàng Tử Ðức Hạnh Và Thiếu Phụ Dâm Ðãng. Thuở xưa, Chiến-già là kế mẫu của Bồ-tát, hoàng tử Ðại Liên Hoa. Bà muốn hoàng tử gian dâm với mình, nhưng bị từ chối. Sau đó bà tự đánh đập mình, làm ra vẻ đau đớn, đến nói với vua cha: - Hoàng tử hành hạ tôi ra thế này vì tôi không chịu gian dâm với y. Vua nghe chuyện, hết sức giận dữ, lập tức đày hoàng tử xuống vực chết. Thiên thần đục xuyên qua núi, mang hoàng tử lên và báo cáo với long vương. Long vương mang chàng về long cung, và nhường cho một nửa vương quốc rồng. Ở đấy một năm, hoàng tử muốn xuất gia tu đạo, người lên núi Hy-mã, sống đời tu sĩ, và phát triển đại định thần thông. Một người gác rừng thấy hoàng tử về thuật lại với nhà vua. Nhà vua đến nơi, chào hỏi và sau khi nghe kể đã đề nghị nhường ngôi cho chàng. Hoàng tử từ chối, khuyên nhà vua rằng: - Về phần tôi, tôi không có tham vọng trị vì. Nhưng về phần đại dương, nên giữ mười điều lành, tránh xa đường xấu ác, và cai trị quốc gia mình trung chánh. Nhà vua đứng dậy, rơi lệ và trở về hoàng cung. Vua hỏi đại thần: - Ai đã ly gián ta với người trung trực như thế? - Tâu đại vương! Hoàng hậu đã gây nên chuyện này. Nhà vua bèn bắt hoàng hậu, treo cổ xuống vực chết, và cai trị vương quốc mình một cách trung chánh. Thuở đó, hoàng tử Ðại Liên Hoa chính là Bồ Tát, và kế mẫu của chàng chính là Chiến-già. Nói xong chuyện tiền thân Phật dạy: - Này các Tỳ-kheo! Những người đã phá hủy một giới, những người ấy sẽ nói dối, những người củng cống điều sai lầm, người không tin vào đời sau thì không từ bỏ điều ác nào mà không làm. Ngài nói kệ: (176) Ai vi phạm một pháp, Ai nói lời vọng ngữ, Ai bác bỏ đời sau, Không ác nào không làm 10. Phẩm Vật Không Thể Nào So Sánh Keo kiết không sanh thiên ... Câu chuyện này xảy ra, khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến phẩm vật tối thắng. Một hôm, đức Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo đi khất thực, trở về Kỳ Viên. Vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Hôm sau, nhà vua ra lệnh sắm sửa rất nhiều phẩm vật để dâng cúng chư Tăng, và bảo dân cư trong thành: - Hãy đến nhìn phẩm vật do ta sắm sửa. Dân chúng đến hoàng cung, nhìn các phẩm vật, rồi ngày hôm sau nữa, họ thỉnh Phật và chúng Tăng, họ cũng chuẩn bị các thứ phẩm vật, tâu lên nhà vua. - Ðại vương hãy đến nhìn phẩm vật của các thần dân cúng dường. Khi nhà vua trông thấy các thứ cúng dường của dân chúng, đã tự nhủ: "Các thị dân này đã cúng dường nhiều vô số phẩm vật hơn ta, ta sẽ cúng dường lần thứ hai". Lập tức, nhà vua sắm sửa phẩm vật vào ngày tiếp theo, và khi dân cư trong thành được thấy các thứ cúng dường ấy, họ cũng trở vể chuẩn bị cúng dường vào ngày kế đó. Giữa nhà vua và các thị dân thành Xá-vệ không ai hơn ai. Kết quả, sau sáu lần cúng dường, các thị dân gia tăng phẩm vật lên gấp trăm gấp ngàn lần, chuẩn bị đầy đủ đến nổi không ai có thể phê bình là còn thiếu một thứ gì. Khi nhà vua thấy họ tổ chức quy mô đầy đủ như vậy, Ngài nghĩ thầm "Nếu ta không sắm sửa nhiều hơn họ, ta còn sống để làm gì?" Và nhà vua nằm dài, suy nghĩ mọi phương chước. Hoàng hậu Mạt-lợi (Mallikà) đi đến, thấy nhà vua nằm trầm tư bèn hỏi: - Ðại vương! Vì sao lại nằm như vậy? Chuyện gì khiến Ðại vương có vẻ lo buồn? - Vậy hậu không biết gì sao? - Thần thiếp không biết. Nhà vua thuật lại mọi chuyện ganh đua cúng dường giữa mình và thần dân. Hoàng hậu nói: - Xin bệ hạ đừng phiền não, bệ hạ có bao giờ nghe hoặc thấy một chúa tể vương quốc lại bị thua thiệt về vật chất? Thiếp sẽ sắp đặt việc này. Hoàng hậu Mạt-lợi nói vậy vì bà muốn tạo một phẩm vật tối thắng. Bà tâu vua: - Ðại vương hãy ra lệnh xây một lâu đài làm bằng gỗ hạng nhất của cây Sala hình vòng cung để cho năm trăm Sa-môn ngồi, còn những người tùy tùng các Sa-môn thì ngồi ngoài vòng cung ấy. Làm năm trăm lọng trắng cho năm trăm con voi mang lọng đứng che các Sa-môn. Giữa lâu đài đặt tám hay mười cái bàn bằng hồng ngọc. Giữa hai Sa-môn cho một số thiếu nữ dòng Sát-lợi ngồi rưới hương thơm, và một thiếu nữ đứng quạt cho hai vị ấy. Một số thiếu nữ dòng Sát-lợi mang hương bột rắc vào bồn vàng. Một số mang hoa sen xanh nhúng vào bồn hương và dâng lên các Sa-môn. Ðấy, dân chúng làm gì có con gái dòng Sát-lợi, cũng chẳng có lọng trắng, voi và họ sẽ thua Bệ hạ. Ðó là điều Bệ hạ nên làm. Nhà vua tán thành: - Hay quá! Chương trình của hậu tuyệt diệu. Và nhà vua ra lệnh làm theo sự sắp đặt của hoàng hậu. Tuy nhiên, thiếu một con voi cho một vị Sa-môn. Nhà vua bảo hoàng hậu Mạt-lợi: - Ái khanh! Chỉ còn thiếu một con voi. Bây giờ làm sao? - Bệ hạ bảo sao, không đủ năm trăm con voi ư? - Có đấy, nhưng lại còn lại mấy con voi hung dữ, khi chúng thấy các Sa-môn, chúng sẽ nổi cơn phẩn nộ như cuồng phong. - Thần thiếp biết chỗ đứng cho một con voi hung hăng, có thể mang lọng trên lưng. - Ðặt nó ở đâu? - Bên cạnh Tôn giả Angulimàla. Nhà vua y lời. Chú voi ta cụp đuôi xuống tận chân, xếp tai, nhắm mắt và đứng yên. Dân chúng nhìn chú voi với vẻ thán phục, xầm xì với nhau. - Con voi dữ kia mới ngoan làm sao! Nhà vua lo hầu tiếp Tăng đoàn do đức Thế Tôn chủ tọa. Sau đom vua quỳ lạy và thưa: - Bạch Thế Tôn! Những phẩm vật trong bữa ngọ trai này, đáng giá hay không đáng giá, con xin dâng tất cả cho Thế Tôn. Tổn phí cho buổi cúng dường khoảng mười bốn triệu châu báu chỉ trong một ngày. Bốn vật vô giá cúng dường cho đức Thế Tôn tùy nghi sử dụng: một lọng trắng, một giường nằm, một ghế ngồi và một ghế đỡ chân. Sau đó, không có phẩm vật nào dâng cúng đức Phật có thể so sánh với phẩm vật của nhà vua, nên được gọi là phẩm vật tối thắng. Ðiều này đã từng xảy ra cho các đức Phật, và luôn luôn do các hoàng hậu sắp xếp. Khi ấy, trong triều có hai đại thần Kàla và Junha. Kàla nghĩ thầm "Của cải nhà vua bị mất mát nhiều làm sao! Chỉ trong một ngày mà tốn hết mười bốn triệu châu báu. Và các lão Sa-môn kia, sau khi ăn xong, sẽ đi về nằm ngủ khì! Nhà vua phung phí tài sản!" Còn Junha nghĩ "Ôi! Nhà vua dâng cúng phẩm vật tuyệt vời! Chỉ có vua mới làm như vậy! Hơn nữa, chẳng có người nào ngoài nhà vua làm cho mọi loài hưởng phước nhờ sự cúng dường. Ta cảm tạ những phẩm vật mà nhà vua đã dâng cúng". Khi đức Phật thọ trai xong, nhà vua cầm lấy bát của Ngài đợi Ngài thuyết pháp. Ðức Phật nghĩ thầm: " Nhà vua đã cúng dường phẩm vật lớn lao, cúng dường như thác lũ. Dân chúng có tín kính điều này, hay không tin?" Và nhận biết được ý nghĩ của hai vị đại thần, Ngài nghĩ tiếp: "Nếu Ta tán thán công đức của nhà vua cho tương xứng phẩm vật, thì đầu của Kàla sẽ vỡ làm bảy phần, Ngài chỉ nói một bài pháp đơn giản gồm bốn câu tán dương nhà vua, người đang đứng trước Ngài sau khi cúng dường tối thắng. Nói xong, Ngài đứng lên trở về tinh xá. Các Tỳ-kheo hỏi Angulimàla: - Tôn giả, Ngài có sợ khi thấy con voi mang lọng trắng dữ dằn đứng gần Ngài? - Không, chư hiền, tôi không sợ. Các Tỳ-kheo bạch Phật: - Bạch Thế Tôn! Angulimàla nói dối. Phật xác nhận: - Này các Tỳ-kheo! Angulimăala không hề sợ hãi, vì những Tỳ-kheo như người con của Ta là cao quý nhất trong số những người cao quý đã thoát khỏi tham dục; và không hề sợ hãi. Ngài dạy: (422) Bậc cao quý, thù thắng, Bậc anh hùng, đại sĩ, Bậc chiến thắng, vô nhiễm, Bậc tẩy sạch, giác ngộ, Ta gọi Bà-la-môn. Nhà vua thất vọng cay đắng, nghĩ thầm "Sau khi ta cúng dường vô số phẩm vật, và đứng đấy hầu đức Thế Tôn, thay vì nói lời tán thán tương xứng với phẩm vật ấy, Ngài chỉ nói một bài kệ ngắn và đi về. Có thể là ta đã cúng dường những phẩm vật không thích đáng cho đức Thế Tôn, có thể là ta đã cũng những vật không thích hợp thay vì những vật thích hợp. Có thể là Thế Tôn giận ta, bởi Ngài thường có lệ hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật". Nghĩ như thế, vua Ba-tư-nặc đi đến tinh xá, đảnh lễ Phật và bạch: - Bạch Thế Tôn, con có lỗi lầm khi dâng cúng phẩm vật không? Có phải thay vì cúng những vật thích hợp con lại cúng những vật không thích hợp? - Vì sao đại vương hỏi như thế? - Thế Tôn không hồi hướng công đức cân xứng với phẩm vật con đã dâng cúng. - Này đại vương, phẩm vật cúng dường rất thích hợp. Phẩm vật tối thắng mà đại vương cúng dường chỉ có một lần cho một đức Phật, phẩm vật như thế khó có lần thứ hai. - Nhưng, bạch Thế Tôn, vì sao Ngài không nói công đức tương xứng với phẩm vật ấy? - Vì có đại thần không thanh tịnh. - Bạch Thế Tôn, trong các quan ai là người có lỗi. Ðức Phật nói cho vua biết hai quan điểm trái ngược của hai đại thần và an ủi vua rằng, vì thương hại Kàla nên Ngài không tán dương công đức. Nhà vua hỏi Kàla: - Phải chăng khanh có ý nghĩ như thế? - Tâu vâng. - Ta không hề lấy những gì thuộc về khanh, ta chỉ cho những gì của ta, với sự hỗ trợ của hoàng hậu và thái tử. Ta có sai quấy gì với khanh không? Hãy đi đi! Những gì ta cúng ta cứ cúng, còn phần khanh bước ra khỏi cung điện của ta. Sau khi đuổi Kàla ra khỏi cung, nhà vua cho gọi Junha và hỏi: - Phải khanh nghĩ đúng như thế không? - Thưa vâng. - Khanh nghĩ đúng, ta rất hài lòng. Ta cho phép khanh dự vào hoàng tộc và cúng dường bảy ngày như ta. Nhà vua cho Junha ở trong cung bảy hôm, và đến bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, tên ngu si ấy đã cư xử tệ hại. Thấy con cúng dường, y đã phản ứng ngược lại. - Phải đấy, đại vương, người ngu không hoan hỷ khi thấy ai bố thí, và sẽ bị trừng phạt về sau. Nhưng người trí vui thích với phẩm vật được người khác cúng dường và sẽ sanh thiên. Ngài nói kệ: (177) Keo kiết không sanh thiên, Kẻ ngu ghét bố thí. Người trí thích bố thí. Ðời sau được hưởng lạc. Cuối bài pháp, Junha chứng quả Dự lưu. Hội chúng cũng được lợi ích. Junha sau khi chứng quả đã cúng dường suốt bảy ngày như một vị hoàng đế.
Hơn thống lãnh cõi đất ... Câu chuyện xảy ra khi đức Phật đang ở Kỳ Viên, liên hệ đến Kàla, con trai Cấp Cô Ðộc. Kàla là con trai của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, một người cha nổi tiếng và đầy tin kính Phật pháp. Mặc dù như thế chàng không hề gặp Phật hoặc ra chào khi Phật ghé nhà, hoặc nghe pháp, hoặc phụng sự chúng Tăng. Khi cha chàng khuyên: - Này con đừng làm thế. Chàng cũng không để ý đến lời cha. Trưởng giả suy nghĩ: "Nếu con ta có thái độ như vậy và hành động theo ý đó, nói sẽ rơi vào địa ngục A-tỳ. Thật không có gì tốt đẹp khi chính mắt ta thấy nó bị đọa. Ðược thôi, không có ai trên trái đất này không bị mua chuộc bởi tài vật, ta sẽ dụ dỗ nó". Và ông bảo Kàla: - Này con, nếu con giữ giới trong ngày trai, đi đến tinh xá nghe pháp, khi về cha sẽ cho con một trăm đồng. - Thật cha sẽ cho con chứ? - Ðúng vậy. Sau khi cha chàng lập lại lời hứa ba lần, Kàla tuân giữ ngày trai giới và đi đến tinh xá. Nhưng chàng không chú tâm nghe pháp, chàng tìm nơi dễ chịu, nằm ngủ một giấc và trở về nhà sớm. Ông Trưởng giả bảo gia nhân: - Cậu đã giữ giới trọn ngày trai, hãy đem thức ăn ngon đến cho cậu nhanh lên. Nhưng Kàla nói: - Con chưa nhận tiền là con không ăn. Chàng cương quyết từ chối mọi thứ đem đến. Cha chàng không thể ép con ăn, bèn ra lệnh mang tiền đến, chàng cầm tiền trên tay, rồi sau đó mới ăn uống. Ngày hôm sau, ông Trưởng giả bảo con: - Này con, cha sẽ cho con một ngàn đồng, nếu con đi đến chỗ Thế Tôn, học thuộc một bài kệ ngắn, và trở về nói lại cho cha nghe. Lập tức Kàla đi đến tinh xá, đứng trước Phật. Chẳng bao lâu chàng thuộc một câu kệ và muốn ra đi. Ðức Phật khiến chàng không hiểu nghĩa câu kệ ấy, Kàla tự nhủ: "Ta sẽ học thuộc câu sau". Vì vậy, chàng ngồi nán lại và tiếp tục nghe pháp. (Ai nghe pháp với tất cả chú tâm sẽ chứng Sơ quả và các quả còn lại). Kàla nghe pháp với tất cả chú tâm, nhưng đức Phật cũng khiến chàng không hiểu nghĩa, chàng nghĩ ta sẽ hiểu rõ hơn câu kệ tiếp theo. Chàng cứ nán lại và nghe, rồi chứng Sơ quả. Ngày hôm sau, chàng tự động đi theo chư Tăng, có đức Phật dẫn đầu, vào thành Xá-vệ. Trưởng giả thấy con trai đi sau chúng Tăng, tự nhủ "Hôm nay, thái độ của con ta làm ta hài lòng". Còn Kàla thì nghĩ thầm "Mong rằng cha sẽ không đưa tiền cho ta ngay hôm nay, trước sự hiện diện của Phật. Mong rằng cha ta giữ kín việc vì có tiền ta mới giữ giới ngày trai" (nhưng đức Phật đã biết trước điều này). Trưởng giả dâng cơm cho chư Tăng, có đức Phật thọ trai và cũng cho con trai những thức ăn ấy. Kàla ngồi im, uống súp, ăn thức ăn cứng và cơm. Khi Phật thọ trai xong, Trưởng giả đặt túi tiền một ngàn đồng trước mặt con và nói: - Này con, chắc con nhớ cha đã yêu cầu con giữ giới đúng ngày trai và đi nghe pháp, rồi sẽ cho con một ngàn đồng. Ðây là tiền của con. Kàla thấy cha chàng đưa tiền ngay trước mặt đức Phật, rất ngượng và nói: - Con không cần tiền. - Ậy, cầm tiền đi con. Chàng cứ từ chối, không động đến túi tiền. Trưởng giả đảnh lễ Phật và bạch: - Bạch Thế Tôn, thái độ của con trai con hôm nay làm con rất mừng. - Vì sao? - Ngày hôm kia, con bảo hắn đi đến tinh xá, hứa cho một trăm đồng. Hôm qua hắn về nhà, không chịu ăn cơm khi chưa có tiền. Nhưng hôm nay, khi con cho tiền nó cứ từ chối không nhận. - Ðúng vậy, này Trưởng giả. Hôm nay con trai ông đã chứng Sơ quả, y đã đạt điều vượt hơn việc được làm Chuyển Luân Vương hay sanh thiên, hay làm Phạm thiên. Ngài nói kệ: (178) Hơn thống lãnh cõi đất, Hơn được sanh cõi trời, Hơn chủ tể vũ trụ, Quả Dự lưu tối thắng. |