![]() |
TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ Thiền viện Viên Chiếu Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame |
![]() |
![]() |
||
PHẨM XIV: PHẬT (tt) Khó thay được làm người ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ngồi dưới bảy cây Sirìsaka, gần Ba-la-nại, liên hệ đến Long vương Erakapatta. Vào thời đức Phật Ca-diếp, Erakapatta là một Sa-môn trẻ. Một hôm, thầy ngồi trên thuyền bơi dọc sông Hằng. Ngang qua khu rừng cây Eraka, thầy nắm một chiếc lá, xuồng đi nhanh thầy níu lại, và chiếc lá bị rách tan. Thầy nghĩ thầm "Chuyện vặt!" Trong suốt hai mươi năm thiền định trong rừng, thầy không sám hối lỗi này, nhưng khi gần chết, thầy có cảm giác bị một chiếc lá Eraka quấn ngang cổ. Thầy muốn thú tội, nhưng không có vị Tỳ-kheo nào gần đó. Tràn đầy hối hận thầy kêu lên: - Giới phẩm của ta bị khiếm khuyết. Sau khi chết thầy tái sinh làm Long vương, kích thước to lớn như một con tàu. Khi sanh ra, thấy hình dạng mình, Long vương buồn bã nghĩ thầm: "Sau khi thiền định lâu dài ta đã tái sinh trong một nơi vô lý, sanh vào đầm lầy của loài ếch". Khi Long vương có một cô con gái, Ngài nằm trên sông Hằng và đưa cao cái lưng khổng lồ, long nữ hát múa trên lưng. Long vương nghĩ thầm: "Bằng cách này, khi có đức Phật ra đời, ta sẽ biết tin. Trong trường hợp người nào hát đáp được câu hỏi của ta, ta sẽ gả con gái, luôn cả tài sản và quyền lực của Long vương". Vào một đêm nhằm ngày Bồ-tát, Long vương đặt con gái trên lưng, long nữ nhảy múa và hát đố rằng: Thế nào gọi là vua? Thế nào bị gọi là tham dục thống trị? Làm sao thoát khỏi quyền lực của tham dục? Tại sao gọi là người ngu? Tất cả cư dân trên cõi Diêm-phù-đề nói với nhau: "Chúng ta phải thắng long nữ". Với khả năng khôn ngoan nhất, họ tìm câu trả lời và hát đáp lại, nhưng long nữ đều bác bỏ. Và như thế cứ nửa tháng, long nữ lại xuất hiện, hát múa trên lưng vua cha, điều ấy xảy ra suốt thời gian giữa hai đức Phật. Khi đức Phật xuất hiện, vào một buổi sáng, Ngài quan sát căn cơ chúng sanh, và nhận thấy Long vương Erakapatta và thanh niên Bà-la-môn Uttara có nhân duyên đáng độ. Quán sát tiếp, Ngài nhận thấy: "Hôm nay là ngày Long vương đặt con gái lên lưng và cho cô gái hát. Chàng Bà-la-môn Uttara sẽ học câu hát trả lời do Ta chỉ dạy, chứng Sơ quả và mang câu trả lời đến chỗ Long vương. Khi nghe câu trả lời, Long vương sẽ biết có Phật ra đời và đến gặp Ta. Khi Long vương đến, Ta sẽ dạy câu kệ giữa pháp hội, vào cuối bài kệ có tám mươi bốn ngàn người được Pháp nhãn". Lúc bây giờ bảy cây Sirìsaka không xa Ba-la-nại, và đức Phật đến ngồi dưới gốc cây. Dân chúng chuẩn bị câu hát trả lời và tụ tập với nhau. Ðức Phật thấy Uttara đang đi gần đó, Ngài nói: - Uttara! - Thế Tôn! Có việc gì? - Hãy đến đây! Uttara đến đảnh lễ Phật, và ngồi một bên, Phật hỏi: - Ngươi đi đâu? - Con đi đến chỗ long nữ, con Long vương Erakapkatta đang hát múa. - Nhưng ngươi biết câu trả lời chưa? - Thưa vâng, con biết. Uttara đọc lại câu trả lời của chàng cho Phật nghe, Phật dạy: - Câu trả lời ấy không đúng. Ta sẽ dạy cho ngươi câu trả lời, ngươi có mang đi đáp lại long nữ không? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn! - Này Uttara! Khi long nữ hát đố, ngươi nên hát trả như sau: Người nào làm chủ sáu căn, ấy là vua. Người nào vui thích với sáu căn, ấy là bị tham dục làm chủ. Người không vui thích với sáu căn, là thoát khỏi tham dục. Người nào vui thích với sáu căn, là người ngu. Sau khi dạy Uttara câu trả lời, Phật dạy tiếp: - Uttara! Khi ngươi hát xong, long nữ sẽ hát tiếp: Vì sao người ngu tái sinh? Bằng cách nào người trí tự tại? Bằng cách nào chứng Niết-bàn? Hãy trả lời câu hỏi của ta. Và ngươi hãy trả lời: Do lòng tham ái người ngu tái sanh. Bằng ý chí người trí được tự tại. Người thoát khỏi mọi triền phược, Người ấy chứng Niết-bàn. Uttara ghi nhớ câu trả lời và chúng Sơ quả. Sau khi chứng Sơ quả, chàng rao lên: - Này! Tôi có câu trả lời, hãy tránh đường cho tôi. Ðám đông nhiều đến nỗi chân chàng lách giữa các đầu gối của họ. Long nữ đang đứng trên lưng vua cha, vừa múa vừa hát: - Với quyền lực gì được gọi là vua? Uttara trả lời: - Ai làm chủ sáu căn, ấy là vua. Long nữ quay sang hát: - Vì sao người ngu tái sanh? Uttara hát trả: - Vì lòng tham dục nên người ngu tái sanh. Khi Long vương nghe những câu này, biết rằng đã có một vị Phật xuất hiện ở thế gian. Long vương nghĩ thầm: "Ta chưa hề nghe một bài hát như thế suốt thời gian giữa hai đức Phật. Hôm nay Phật thật sự ra đời". Lòng nhà vua tràn ngập niềm vui. Long vương vẫy mạnh chiếc đuôi khổng lồ, một lượn sóng lớn dâng lên quét sạch hai bên bờ, dân cư trong khoảng ấy rơi tõm xuống nước. Long vương bèn đưa lưng đỡ hết thảy và đặt lên bờ. Nhà vua tiến đến gần Uttara và hỏi: - Tiên sinh, đức Phật hiện ở đâu? - Ðại vương, Ngài đang ngồi dưới cội cây. - Chúng ta hãy đến đó. Long vương đi với Uttara, đám đông kéo theo sau. Ðến chỗ Phật, Long vương hóa hiện hào quang trên con đường của mình, và đảnh lễ Phật, lui đứng một bên khóc. Phật hỏi: - Có điều gì vậy, đại vương? - Bạch Thế Tôn, con là đệ tử của một đức Phật, và hành thiền suốt hai mươi năm. Nhưng công phu ấy không giúp cho con tránh khỏi quả báo. Chỉ vì con làm rách một chiếc lá Eraka nhỏ, con phải tái sanh làm rồng, bò đi bằng bụng. Trong khoảng thời gian giữa hai đức Phật, con không được làm người, không được nghe pháp, cũng chẳng gặp Phật. Nghe vậy, đức Phật đáp: - Này Ðại vương, khó được thân người, khó được nghe pháp, khó có Phật ra đời. Vì Phật muốn thành phải trải qua muôn ngàn gian lao cực khổ. Ngài nói kệ: (182) Khó thay, được làm người. Khó thay, được sống còn. Khó thay, nghe diệu pháp. Khó thay, Phật ra đời. Nghe xong kệ, có tám mươi bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh. 4. Phương Cách Giáo Giới Trong Ngày Bố Tát Của Bảy Ðời Ðức Phật Không làm mọi điều ác ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật đang ở Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của Tôn giả A-nan. Ngày nọ, Tôn giả A-nan đang ngồi chợt nghĩ: "Ðức Thế Tôn đã dạy rõ về cha mẹ của bảy đời chư Phật, đã dạy về thọ mạng, cội cây của chư Phật ngồi thành đạo, đệ tử, vị thống lãnh Tăng đoàn và người ngoại hộ chính thức. Tất cả điều đó đức Thế Tôn nói rõ, nhưng Ngài không nói về phương cách giáo giới của bảy đời chư Phật trong ngày Bố-tát. Phương cách có giống như hôm nay hay khác?". Nghĩ thế, Tôn giả đến bạch Phật và thưa hỏi những điều như trên. - Chư Phật tuy khác nhau về thời gian bố-tát, nhưng tương đồng về lời dạy khi giáo giới. Ðức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassì) bảy năm bố-tát một lần, nhưng lời dạy của Ngài trong hôm ấy áp dụng suốt bảy năm. Phật Thi-khí (Sikhì) và Phật Tỳ-xá-phù (Vessabhù) sáu năm bố-tát một lần. Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha) và Câu-na-hàm-mâu-ni (Konàgamana) bố-tát mỗi năm. Phật Ca-diếp (Kassapa) sáu tháng bố-tát một lần. Ðức Thế Tôn đã giảng dạy cho Tôn giả A-nan về thời gian bố-tát của bảy đời chư Phật xong, Ngài giải thích rằng lời giáo giới của chư Phật thường nói trong ngày Bố-tát. (183) Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Giữ tâm ý trong sạch, Chính lời chư Phật dạy. (184) Chư Phật thường giảng dạy, Nhẫn, khổ hạnh tối thượng, Niết-bàn, quả tối thượng, Xuất gia không phá người, Sa-môn không hại người. (185) Không phỉ báng, phá hoại, Hộ trì giới căn bản, Ăn uống có tiết độ, Sàng tọa chỗ nhàn tịnh, Chuyên chú tăng thượng tâm, Chính lời chư Phật dạy. 5. Phật Trị Bịnh Bất Mãn Cho Thầy Tỳ Kheo Dầu mua bằng tiền vàng ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một thầy Sa-môn bất mãn. Chuyện kể rằng, một thầy Tỳ-kheo nọ gia nhập Tăng đoàn và làm đầy đủ bổn phận, bổn sư của thầy ấy dạy rằng: - Hãy đi đến nơi đó... học luật nghi. Thầy đi không bao lâu, cha thầy lâm bệnh. Ông ước ao được gặp con, nhưng không ai tìm ra thầy. Trước giờ lâm chung, ông lảm nhảm những lời thương nhớ con, ông trao một trăm đồng cho con trai kế, và bảo: - Hãy cầm tiền này, sắm y bát cho anh con. Và ông chết. Khi thầy Tỳ-kheo trở về nhà, người em trai gieo mình dưới chân thầy, lăn tròn trên đất, khóc và nói: - Tôn giả ơi! Cha đã thiết tha gọi Tôn giả khi sắp chết và đưa cho con một trăm đồng, con phải làm gì? Thầy Tỳ-kheo từ chối không lấy tiền. - Ta không cần tiền. Nhưng sau đó, thầy lại nghĩ: "Có thú vị gì khi ta sống đời khất sĩ? Một trăm đồng này đủ cho ta sinh sống, ta sẽ hoàn tục". Bị đè nén bởi lòng bất mãn, thầy lơ là với kinh kệ, thiền định, và trở nên đau khổ như người mắc bệnh vàng da. Các chú tiểu hỏi thầy: - Thầy có chuyện gì vậy? - Tôi đang bất mãn. Các chú tiểu đi mách lại với quý thầy, và cuối cùng câu chuyện đến tai Phật. Phật gọi thầy lên hỏi: - Có phải đúng là ông đang bất mãn? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. - Vì sao? Phải chăng ông có cách sống nào khác? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. - Gia tài ông được bao nhiêu? - Thưa, một trăm đồng. - Tốt lắm, đi tìm vài miểng chén đến đây, ta sẽ làm một bài toán, và biết kết quả ông có đủ phương tiện để sống hay không? Thầy Tỳ-kheo đem miểng chén đến, Phật bảo: - Bây giờ, để ra năm mươi đồng cho thức ăn thức uống, hai mươi bốn đồng mua hạt giống, cày bừa, cuốc xẻng, và một con dao cạo râu. Kết quả là một trăm đồng không đủ vào đâu cả. Phật bảo thầy Tỳ-kheo: - Số tiền ông có rất ít ỏi. Vì sao ông mong ước được thỏa nguyện với một số tiền như thế? Ở thời quá khứ, những vị Chuyển luân vương chỉ cần vẫy tay một cái là mưa tuôn châu báu, mặt đất ngập mười hai dặm vàng bạc. Những người này sống vương giả trải qua ba mươi sáu đời làm Ðế Thích, và mặc dầu làm chư thiên lâu như thế, khi chết vẫn không thỏa mãn ước nguyện. Khi đức Phật nói xong, các Tỳ-kheo thỉnh Phật nói chuyện quá khứ. Phật bèn kể lại chuyện tiền thân Mandhàtà (Jàtaka 285): Tận cùng những nơi mặt trời mặt trăng chiếu sáng. Tất cả mọi người sống trên trái đất đều là nô lệ của Mandhàtà. Ngài đọc Pháp cú: (186) Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí. (187) Ðệ tử bậc Chánh giác, Không tìm cầu dục lạc, Dầu là dục chư thiên, Chỉ ưa thích ái diệt. Loài người sợ hoảng hốt.... Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở lại Kỳ Viên, ngồi trên đống cát, liên hệ tới Aggidatta, thầy Tư tế của vua Ba-tư-nặc. Aggidatta (A-kỳ-đạt-đa) là thầy tư tế của vua Mahà Kosala. Khi nhà vua băng hà, con trai Ngài là Ba-tư-nặc lên nối ngôi, cũng kính trọng Aggidatta và cử giữ chức tư tế. Mỗi khi Aggidatta đến, nhà vua đều chào đón và mời ngồi ngang hàng. Sau một thời gian, Aggidatta nghĩ thầm: "Nhà vua rất kính trọng ta, nhưng không thể nào được vua sủng ái mãi mãi được. Sống trong hoàng cung rất thú vị cho những ai đồng trang lứa với nhà vua. Còn ta đã già, tốt hơn là nên làm thầy tu". Aggidatta bèn xin nhà vua được xuất gia, đánh trống rao khắp thành phố, bố thí tài vật suốt một tuần, sau đó rời bỏ thế gian, trở thành thầy tu trong một phái ngoại đạo. Có mười ngàn người đi theo ông. Aggidatta và môn đệ cư trú tại biên giới ba nước: Angas, Ma-kiệt-đà, và Câu-lâu (Kurus). Ông dạy đệ tử: - Chư huynh đệ, khi các người bị nhiễu loạn bởi các tư tưởng bất chánh như tham dục, xấu xa độc ác, hãy đến bờ sông múc đầy bình cát và đổ nơi đây. Và như vậy khi các thầy bị những tư tưởng bất thiện quấy rối, họ làm theo lời dạy. Sau thời gian, nơi đó thành đụn cát lớn. Long vương Ahicchatta đến ở đó. Dân cư các nước Angas, Ma-kiệt-đà và Kurus hằng tháng đem theo lễ vật trọng thể đến dâng cúng các thầy. Aggidatta dạy họ như sau: - Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối, đó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa như vậy các ngươi sẽ thoát khổ đau. Khi đó, đức Phật sau khi tu ở Khổ Hạnh lâm và đạt giác ngộ viên mãn, Ngài đến ở Kỳ Viên gần thành Xá-vệ. Quan sát căn cơ chúng sanh, Ngài nhận thấy Bà-la-môn Aggidatta và môn đệ có cơ duyên chứng quả A-la-hán. Buổi chiều Ngài nói với Tôn giả Mục-kiền-liên: - Này, Mục-kiền-liên, ông có thấy Bà-la-môn Aggidatta đã dạy mọi người một bài học khác với chân lý? Ông hãy đến khuyện dạy họ. - Bạch Thế Tôn, các tu sĩ này đông quá, nếu con đi một mình, sợ họ không chịu nghe theo. Nếu Thế Tôn cũng đến đó, chắc họ sẽ vâng lời. - Ta cũng sẽ đến đó, ông hãy đi trước. Tôn giả Mục-kiền-liên đi và nghĩ thầm: "Các tu sĩ này đông và có thế lực. Nếu ta đến nói với họ lúc họ đang tụ họp, chắc họ sẽ xúm lại hại ta". Tôn giả bèn dùng thần thông tạo ra một trận mưa lớn, các tu sĩ tản mác khắp vòm cây trú ẩn. Tôn giả đến trước lều của Aggidatta và gọi lớn: - Aggidatta! Nghe tiếng gọi, Aggidatta nghĩ thầm: "Trên đời này không có ai kêu tên tộc ta như vậy". Với thái độ bướng bỉnh một cách ngạo mạn, ông hỏi: - Ai đấy? - Tôi đây, tôi là một Bà-la-môn. - Anh muốn gì? - Chỉ cho tôi một chỗ ẩn trú qua đêm nay. - Ðây không có chỗ cho anh ở lại, chỉ có một lều cỏ vừa vặn cho một tu sĩ. - Aggidatta! Người có chỗ ở của người, súc vật có chỗ ở của súc vật, và tu sĩ có chỗ ở của tu sĩ. Ðừng ngại, hãy cho tôi ở nhờ. - Anh là một tu sĩ? - Phải, tôi là tu sĩ. - Nếu là tu sĩ, bình Khàri của anh đâu? Vật dụng của anh đâu? - Tôi cũng có vật dụng nhưng mạng theo mình bất tiện, nên toiâ tự tìm lấy trên đường đi của mình. Aggidatta nổi giận: - Vậy anh cứ tìm lấy trên đường của anh đi! - Thôi, Aggidatta! Ðừng nổi nóng, hãy chỉ cho tôi một nơi ở qua đêm. - Ðây không có chỗ ở. - Thế ai ở trong đồi cát kia? - Long vương đấy! - Hãy cho tôi ở đồi cát đó. - Tôi không thể để anh ở đó, điều ấy là một điều sĩ nhục lớn đối với Long vương. - Không sao, hãy cho tôi ở đó. - Ðược thôi, rồi anh sẽ thấy. Tôn giả đi đến đồi cát. khi Long vương thấy Tôn giả đi đến gần, nghĩ thầm: "Ông thầy kia đi đến đây, chắc ông ấy không biết có ta. Ta sẽ phun khói giết ông ấy". Nghĩ thế Long vương phun khói mù mịt. Tôn giả nghĩ: "Long vương này tự cho mình có thể phun khói, không ai khác phun khói được chắc". Và Tôn giả cũng phun khói. Hơi khói của hai bên bay lên đến trời Phạm thiên, khói không gây hề hấn gì đối với Tôn giả nhưng khiến cho ông Long vương khó chịu. Long vương không thể ở mãi trong hơi khói, bèn bốc thành lửa. Tôn giả bèn nhập Hỏa quang tam-muội, và lửa trong thân Ngài bốc lên đến Phạm thiên. Toàn thân Tôn giả như một cây đuốc cháy. Các tu sĩ chung quanh thấy thế, đều nghĩ rằng: "Long vương đang phun lửa đốt thầy tu kia. Ông ta chắc phải chết vì không nghe lời chúng ta". Khi Tôn giả chế phục Long vương xong, Ngài ngồi kiết già trên đồi cát. Long vương bày biện thức ăn ngon chung quanh đồi cát, và biến cái đầu rồng thành một mái che rộng lớn, che trên đầu Tôn giả. Sáng sớm hôm sau, các tu sỉ đi đến đồi cát xem Tôn giả chết hay chưa, họ thấy Tôn giả ngồi trên cát, liền đảnh lễ tôn kính Ngài và nói: - Tôn huynh, chắc Long vương đã quấy nhiễu ghê gớm đến tôn huynh. - Các vị không thấy y đương che mát cho tôi đó ư? Các tu sĩ nói: - Sa-môn này đã chiến thắng Long vương hung dữ thật kỳ diệu làm sao! Rồi họ đứng vây quanh Tôn giả. Lúc ấy Thế Tôn đi đến. Tôn giả đứng lên đảnh lễ Ngài. Các tu sĩ hỏi: - Vị này lớn hơn Ngài ư? - Ðây là đấng Ðại Giác, đức Thế Tôn. Tôi chỉ là đệ tử Ngài. Phật đến ngồi trên đỉnh đồi cát. Các tu sĩ bảo nhau: - Nếu thần thông của đệ tử như thế, thì thần thông của vị này còn cao đến đâu? Và họ cung kính chắp tay đảnh lễ Phật, xưng tụng Ngài. Phật bảo Aggidatta: - Aggidatta ngươi dạy môn đệ và thi chủ thế nào? - Con dạy họ vầy: "Nương tựa nơi núi rừng, hang động, cây cối. Ðó là những nơi nương tựa vững chắc. Nương tựa như vậy các ngươi sẽ thoát khỏi khổ đau. - Không đúng! Này Aggidatta! Ai nương tựa vào những nơi ấy không thoát khỏi đau khổ. Chỉ có người quy y Phật, Pháp, Tăng mới hoàn toàn thoát khỏi vòng khổ đau. Ngài nói kệ: (188) Loài người sợ hoảng hốt, Tìm nhiều chỗ quy y, Hoặc rừng rậm, núi non, Hoặc vườn cây, đền tháp. (189) Quy y ấy không ổn, Không quy y tối thượng. Quy y các chỗ ấy, Không thoát mọi khổ đau. (190) Ai quy y đức phật, Chánh pháp và chư Tăng, Ai dùng chánh tri kiến, Thấy được bốn Thánh đế. (191) Thấy khổ đau và khổ tập, Thấy sự khổ vượt qua, Thấy đường Thánh tám ngành, Ðưa đến khổ não tận. (192) Thật quy y an ổn, Thật quy y tối thượng, Có quy y như vậy, Mới thoát mọi khổ đau. Bài pháp kết thúc, tất cả các tu sĩ đều chứng A-la-hán và có thần thông. Họ đảnh lễ Phật và xin vào Tăng đoàn, đức Thế Tôn đưa tay ra và bảo họ: - Thiện lai, Tỳ-kheo! Hãy sống đời thánh thiện. Ngay lúc đó các thầy trở thành Tỳ-kheo như đã tu từ cả một trăm năm, và đầy đủ tám món cần thiết. Bấy giờ, vào ngày tất cả dân cư ba nước Angas, Ma-kiệt-đà và Kurus theo thường lệ mang nhiều phẩm vật đến cúng. Khi họ thấy các thầy đều trở thành Tỳ-kheo, họ nhủ thầm: "Bà-la-môn Aggidatta của chúng ta lớn hay Sa-môn Cồ-đàm lớn?" Và nhận thấy đức Thế Tôn đã từ chỗ mình đến đây, họ kết luận: "Chỉ có Aggidatta lớn". Ðức Phật biết ý họ, nói: - Aggidatta, hãy dẹp tan mối nghi ngờ của các môn đệ ông. Aggidatta đáp: - Ðó là điều con rất mong. Và ông dùng thần thông bay lên hư không bảy lần, mỗi lần bay xuống đều đảnh lễ đức Phật và bạch: - Bạch Thế Tôn, Ngài là thầy con, con là đệ tử Ngài. Khi Aggidatta nói thế, ông mặc nhiên công nhận mình là đệ tử Phật. Khó gặp bậc thánh nhân ... Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của Tôn giả A-nan. Một hôm, Tôn giả A-nan ngồi tại nơi cư trú ban ngày, nghĩ thầm: "Thế Tôn đã dạy chúng ta về dòng dõi của những loài voi, ngựa và bò quý, Ngài nói con voi cao quý phát sinh từ giống Chaddanta hay giống Uposatha, ngựa cao quý phát sinh từ dòng dõi Valàhaka là dòng ngựa chúa, và báo cao quý xuất phát từ dòng giống Dekkan. Còn người cao quý phát xuất từ đây?". Tôn giả đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và thưa hỏi về vấn đề trên. Phật dạy: - Này A-nan, người cao quý không thể sinh ra ở bất cứ nơi nào, mà phải sinh trong phạm vi đường kính ba trăm dặm, cùng chu vi chín trăm dặm của thủ đô một nước. Và không phải sinh ra ở bất cứ gia đình nào, mà phải là gia đình thuộc dòng Sát-đế-ly hay Bà-la-môn. Ngài nói kệ: (193) Khó gặp bậc thánh nhân, Không phải đâu cũng có, Chỗ nào bậc trí sanh, Gia đình tất an lạc. 8. Ðiều Gì Hạnh Phúc Nhất Trên Ðời? Vui thay Phật ra đời! ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến một số thầy Tỳ-kheo. Một hôm năm trăm Tỳ-kheo ngồi ở pháp đường và bàn luận: - Chư hiền, điều gì là hạnh phúc nhất trên đời? Người thì nói: - Không có gì hạnh phúc bằng làm vua. Người khác nói: - Chỉ có tình yêu là hạnh phúc nhất. Còn có người nói: - Chỉ có ăn ngon là hạnh phúc nhất. Ðức Phật đi đến chỗ các thầy và nói: - Các ông ngồi đây bàn tán về vấn đề gì? Các Tỳ-kheo kể lại, Phật dạy: - Này các Tỳ-kheo! Các ông nói thế nào? Tất cả các hạnh phúc các ông vừa kể đều nằm trong vòng luân hồi đau khổ. Ngược lại, gặp Phật ra đời, được nghe chánh pháp, sống thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn, những điều ấy là hạnh phúc nhất. Ngài nói kệ: (194) Vui thay, Phật ra đời! Vui thay, Pháp được giảng! Vui thay, Tăng hòa hợp! Vui thay, hòa hợp tu! 9. Tôn Kính Những Bậc Ðáng Tôn Kính Cúng dường bậc đáng cúng ... Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật đang đi du hóa, liên hệ đến ngôi đền vàng của Phật Ca-diếp. Một hôm, đức Phật đi từ Xá-vệ đến Ba-la-nại cùng với một số đông các Tỳ-kheo theo sau. Trên đường Ngài ghé qua một ngôi đền làng Todeyya. Ðức Phật ngồi tháp và sai Tôn giả A-nan gọi người Bà-la-môn đang cày bừa gần đấy. Khi người Bà-la-môn đến, ông không chào Phật mà chỉ đảnh lễ ngôi đền. Sau đó ông đến đứng trước Phật, Phật hỏi: - Vì sao ông lưu tâm đến chỗ này? Bà-la-môn trả lời: - Ngôi đền này đã có từ nhiều thế hệ, vì thế tôi tôn kính nó. Phật khen ông: - Này Bà-la-môn, lành thay, ông tôn kính ngôi đền này rất đúng. Khi các Tỳ-kheo nghe câu chuyện, các thầy bàn tán: - Vì lý do gì Thế Tôn khen ngợi như thế? Phật bèn dạy đoạn kinh Ghatìkàra trong Trung Bộ (Majjhima Nikàya) để giải quyết mối nghi cho các Tỳ-kheo. Ngài dùng thần thông hóa hiện một trái núi bằng vàng giữa không trung, nơi ấy hiển hiện ngôi tháp của đức Phật Ca-diếp cao một dặm. Ngài chỉ tay vào chúng đệ tử và nói: - Bà-la-môn, càng đúng hơn khi tôn kính những ai đáng tôn kính, như những vị này. Và dùng lời trong một đoạn kinh Ðại Niết-bàn, Ngài dạy có bốn hạng người: Phật, Bích Chi Phật, A-la-hán và Chuyển luân vương xứng đáng xây tháp. Có ba loại tháp: tháp thờ xá-lợi Phật, tháp thờ những di tích kỷ niệm, và tháp thờ những vật tùy thân. Phật nói Pháp Cú: (195) Cúng dường bậc đáng cúng, Chư Phật hoặc đệ tử, Các bậc vượt hý luận, Ðoạn diệt mọi sầu bi. (196) Cúng dường bậc như vậy, Tịch tịnh, không sợ hãi. Các công đức như vậy, Không ai ước lượng được. Nghe xong, người Bà-la-môn chứng Sơ quả. Trong suốt bảy ngày ngôi tháp vàng cao một dặm hiện giữa không trung. Ðây là một cơ hội lớn của dân chúng, họ cúng dường ngôi tháp bằng mọi phẩm vật. Và khi ngôi tháp trở về vị trí cũ, tại đó người ta dựng lại một ngôi tháp đá để kỷ niệm. Có tám mươi bốn ngàn người trong chúng hội được Pháp nhãn thanh tịnh. |