TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ

Thiền viện Viên Chiếu

Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame

PHẨM XXVI: BÀ LA MÔN (tt)

34. Vua A Xà Thế Ðánh Chiếm Lâu Ðài Jotika

Ai ở đời đoạn ái ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tôn giả Jotika.

Sau khi âm mưu với Ðề-bà-đạt-đa giết cha là vua Bình Sa Vương để lên ngôi, vua A-xà-thế tự nghĩ: "Bây giờ ta sẽ chiếm tòa lâu đài quan chưởng khố". Vua nai nịt, chuẩn bị khí giới như lúc ra trận, kéo quân đi. Nhưng vừa thấy bóng mình và đoàn quân phản chiếu trên các bức tường chạm châu ngọc, vua nghĩ: "Chủ nhân đã sẵn sàng khí giới để chiến đấu, đang cùng gia nhân tiến ra" nên không dám tiến lại gần.

Hôm ấy ngẫu nhiên đúng vào ngày quan chưởng khố quyết định bắt đầu ăn chay. Từ sáng sớm sau bữa điểm tâm, ông đến tinh xá ngồi nghe Phật giảng pháp. Thần dạ xoa Yamakoli gác cổng thứ nhất tòa lâu đài thấy vua A-xà-thế, bèn la:

- Ngươi đi đâu vậy?

Thần đánh cho đoàn binh vua thua liểng xiểng, tháo chạy tán loạn, và còn rượt theo đánh nữa. Vua A-xà-thế chạy trốn vào chính ngôi tinh xá quan chưởng khố đang ngồi nghe pháp. Thấy vua ông đứng dậy:

- Tâu bệ hạ, có việc gì không?

- Này khanh, làm sao mà vừa điều khiển gia nhân đánh với trẫm xong, khanh lại có thể ngồi đây giả vờ nghe pháp?

- Muôn tâu, bệ hạ đã đến đánh chiếm nhà hạ thần sao?

- Ðúng vậy.

- Tâu bệ hạ, một ngàn ông vua cũng không đoạt được nhà hạ thần.

Vua nổi giận:

- Người định chiếm ngôi chăng?

- Tâu không, hạ thần chẳng có ý định làm vua. Nhưng vua hoặc giặc cướp đều không thể cưỡng đoạt của cải nhà hạ thần, dù một sợi chỉ.

- Vậy ngươi có đồng ý để ta lấy tòa lâu đài không?

- Tâu bệ hạ, trên tay hạ thần đây đang đeo hai mươi chiếc nhẫn. Hạ thần không cho bệ hạ. Bệ hạ thử lấy xem.

Vua ngồi thu mình lấy đà, nhảy lên không trung tới chín thước. Sau đó vua đứng dậy, phóng lên cao bốn mươi thước. Dù sức mạnh vô song, vua vặn vẹo cách nào cũng chẳng lôi được một chiếc nhẫn ra khỏi tay quan chưởng khố. Sau cùng, quan chưởng khố nói:

- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ trải áo choàng ra.

Vua vừa trải áo, quan chưởng khố duỗi hai bàn tay, hai mươi chiếc nhẫn rơi xuống.

- Muôn tâu, bệ hạ thấy đó. Không ai có thể cưỡng đoạt của cải hạ thần được.

Hành vi của vua làm quan chưởng khố rất ngao ngán. Ông thưa:

- Tâu bệ hạ, xin cho phép hạ thần được xuất gia làm Sa-môn.

Vua nghĩ thầm: "Quan chưởng khố mà làm Sa-môn, ta sẽ chiếm đoạt tòa lâu đài dễ dàng".

Vua bèn bảo:

- Khanh cứ xuất gia.

Jotika xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật, chẳng bao lâu đã đắc quả A-la-hán, được mọi người biết đến dưới tên Tôn giả Jotika. Ông vừa đắc quả, tất cả của cải châu ngọc, phú quí thế gian của ông đều biến mất hết, và chư thiên đưa cô vợ Satulakàyi của ông về xứ Uttarakuru.

Một hôm, các thầy Tỳ-kheo hỏi Tôn giả Jotika:

- Này huynh Jotika, huynh có nhớ tiếc tòa lâu đài hoặc vợ huynh không?

- Thưa chư huynh, không.

Các thầy đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, đúng là ông ấy chẳng tiếc nhớ gì những thứ ấy.

Ngài nói kệ:

            (416) Ai ở đời đoạn ái,

            Bỏ nhà, sống xuất gia,

            Ái hữu được đoạn tận,

            Ta gọi Bà-la-môn.

35. Người Diễn Kịch Câm Xuất Gia Làm Sa Môn

Bỏ trói buộc loài người ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo trước khi xuất gia, là diễn viên kịch câm.

Có một diễn viên kịch câm đi trình diễn lang thang đây đó. Một hôm nghe Phật thuyết pháp xong, ông xin xuất gia làm Sa-môn và đắc quả A-la-hán. Khi đến làng kia khất thực, đức Phật và chư Tăng trông thấy một diễn viên kịch câm khác đang biểu diễn. Các thầy hỏi thầy Tỳ-kheo cựu diễn viên:

- Này huynh, ở đàng kia có một diễn viên kịch câm đang diễn trò như huynh hồi ấy. Huynh có nhớ tiếc cuộc sống cũ không?

- Thưa chư huynh, không.

Các thầy bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã thoát được mọi buộc ràng.

Và Ngài nói kệ:

            (417) Bỏ trói buộc loài người,

            Vượt trói buộc cõi trời,

            Giải thoát mọi buộc ràng,

            Ta gọi Bà-la-môn.

36. Người Diễn Kịch Câm Xuất Gia Làm Sa Môn

Bỏ điều ưa, điều ghét ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo trước khi xuất gia là một diễn viên kịch câm.

Câu chuyện cũng giống như chuyện trước, chỉ khác trong trường hợp này, đức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, ông ấy đã bỏ điều ưa, điều ghét.

Ngài nói kệ:

            (418) Bỏ điều ưa, điều ghét,

            Mát lạnh, diệt sanh y,

            Bậc anh hùng chiến thắng,

            Nhiếp phục mọi thế giới,

            Ta gọi Bà-la-môn.

37. Người Gõ Ðầu Lâu

Ai hiểu rõ hoàn toàn ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Vangìsa.

Thuở ấy, tại thành Vương Xá có một người Bà-la-môn tên Vangìsa, có tài biết được người chết sanh về đâu. Ông cứ việc gõ lên chiếc đầu lâu, rồi nói:

- Người có chiếc đầu lâu này đã bị đọa địa ngục. Người kia đã hóa kiếp làm súc sanh, người này vào đường ngạ quỷ, đầu lâu kia là của một người đã sanh trở lại cõi người.

Một nhóm người Bà-la-môn suy tính: "Chúng ta có thể dùng người này để chinh phục lòng tin mọi người". Họ khoác lên mình Vangìsa hai chiếc áo rộng màu đỏ, đưa ông đi khắp vùng và loan báo:

- Người Bà-la-môn Vangìsa này có thể gõ vào đầu lâu người chết và biết người chết đã sanh ở cõi nào. Các bạn mau mau đến hỏi xem người thân của mình chết rồi đi đâu.

Người ta kéo nhau đến, người đưa mười đồng, kẻ hai mươi đồng, hoặc cả trăm đồng tùy túi tiền, rồi hỏi về số phận của những người thân đã chết của họ.

Lang thang khắp nơi, một hôm đến thành Xá-vệ, họ ở lại gần tinh xá Kỳ Viên. Sau bữa ăn sáng, thấy người người lũ lượt cầm hương hoa các thứ đi nghe giảng pháp, những người Bà-la-môn liền hỏi:

- Các ông các bà đi đâu vậy?

- Ðến tinh xá nghe pháp.

- Nghe pháp thì được gì? Không có ai hơn ông bạn Vangìsa của chúng tôi đâu. Ông ấy mà gõ lên đầu lâu người chết là biết được người ấy tái sanh về đâu. Các ông bà đến hỏi thăm về người thân của mình đi.

Nhóm Phật tử đáp: 

- Cái ông Vangìsa ấy biết gì? Ðâu có ai bằng được đức Thế Tôn.

Bọn Bà-la-môn cãi:

- Không ai bằng Vangìsa.

Hai bên tranh luận om sòm. Cuối cùng, nhóm Phật tử bảo:

- Chúng ta hãy cùng nhau đi xem thử ông Vangìsa của các ông hay đức Thế Tôn của chúng tôi ai hơn nhé!

Họ kéo nhau đến tinh xá.

Ðức Phật biết hết chuyện nên cho lấy năm chiếc sọ đặt thành một hàng, sọ thứ nhất của một người đã bị đọa địa ngục, sọ thứ hai bị đọa làm súc sanh, sọ thứ ba vào cõi người, sọ thứ tư sanh về cõi trời và sọ thứ năm của một vị đã đắc A-la-hán. Khi mọi người đến nơi, Phật hỏi Vangìsa:

- Người ta nói ông có thể gõ vào sọ người chết và nói được người đó đã đi về cõi nào phải không?

- Vâng.

- Vậy sọ này của ai?

- Ðây là sọ một người đã bị đọa địa ngục.

- Hay thay!

Ðức Phật tán thán xong hỏi về ba chiếc sọ kế tiếp. Y đều trả lời đúng. Sau mỗi câu trả lời đúng, đức Phật lại tán thán. Cuối cùng, Ngài hỏi về chiếc sọ thứ năm:

- Sọ này của ai?

Vangìsa gõ lên đầu lâu, rồi thú thật không biết người ấy đã sanh về đâu. Ðức Phật nói:

- Vangìisa, ông không biết ư?

- Thưa không, con không biết.

- Ta biết.

Vangìsa thỉnh cầu:

- Xin Ngài hãy dạy cho con thuật này.

- Ta không thể dạy cho một người không phải Sa-môn.

Ông Bà-la-môn nghĩ: "Giá ta biết được huyễn thuật này, ta sẽ là người số một trên toàn cõi Ấn Ðộ". Y bảo những người Bà-la-môn đồng bọn:

- Các bạn hãy tìm chỗ ở lại đâu đó vài ngày. Tôi định xuất gia làm Sa-môn.

Y xin xuất gia làm Sa-môn đệ tử Phật, và được gia nhập Tăng đoàn. Các thầy Tỳ-kheo gọi là Tôn giả Vangìsa. Ðức Phật trao cho thầy Tỳ-kheo đề mục thiền quán là ba mươi hai thứ cấu tạo nên thân.

- Ông phải lặp đi lặp lại cho thuộc những thứ này mới học huyễn thuật kia được.

Thầy y theo lời Phật dặn. Các người Bà-la-môn thỉnh thoảng đến thăm chừng, hỏi:

- Ông học được huyễn thuật chưa?

- Xin các bạn đợi ít lâu. Tôi đang học đây.

Vài ngày sau, thầy đắc A-la-hán. Khi những người Bà-la-môn đến nữa, thầy nói:

- Này các huynh đệ, bây giờ tôi không thể học nó.

Các thầy Tỳ-kheo nghe vậy, bèn đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này nói dối, phạm tội vọng ngữ.

Ðức Phật bảo:

- Này các Tỳ-kheo, chớ nói thế. Ông ấy giờ đây biết hết đường sanh tử của chúng sanh.

Ngài nói kệ:

            (419) Ai hiểu rõ hoàn toàn,

            Sanh tử các chúng sanh,

            Không nhiễm, khéo vượt qua,

            Sáng suốt châu giác ngộ,

            Ta gọi Bà-la-môn.

            (420) Với ai, loài trời, người,

            Cùng với Càn-thát-bà,

            Không biết chỗ thọ sanh,

            Lậu tận bậc La-hán,

            Ta gọi Bà-la-môn.

38. Ông Bà Visàkha

Người không sở hữu gì ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Trúc Lâm, liên quan đến Tỳ-kheo ni Dhammadinnà.

Khi Tỳ-kheo ni Dhammadinnà chưa xuất gia, chồng bà tên Visàkha là một Phật tử thuần thành. Một hôm, nghe Phật giảng pháp liền đắc A-na-hàm. Sau đó ông nghĩ thầm: "Bây giờ, ta nên giao hết tài sản của cải cho Dhammadinnà". Trước đây, theo lệ thường mỗi khi về nhà, vừa thoáng thấy Dhammadinnà nhìn ra cửa sổ, ông đã mỉm cười với bà. Nhưng hôm ấy, bà đang đứng ngay tại cửa sổ, ông đi ngang chẳng hề ngó ngàng đến. Bà suy nghĩ: "Vậy là sao đây? Thôi được, đến bữa ăn mình sẽ biết chuyện gì". Tới trưa, bà dọn cơm cho ông như mọi ngày. Thay vì nói câu thường lệ: "Nàng hãy như mọi ngày. Thay vì nói câu thường lệ: "Nàng hãy ngồi xuống cùng ăn với tôi nào". Hôm nay ông ăn trong yên lặng, chẳng hé môi thốt một lời. Bà nghĩ tiếp: "Chắc ổng giận gì rồi đa".

Xong bữa cơm, Visàkha kiếm chỗ ngồi thoải mái rồi gọi Dhammadinnà đến bên bảo:

- Dhammadinnà, tất cả của cải trong nhà này từ nay thuộc về nàng. Hãy nhận lấy!

Bà nghĩ: "Nếu giận, chẳng ai lại trao tặng của cải, mời nhận. Không biết chuyện gì nữa đây kìa?" Yên lặng một lúc, bà mời hỏi:

- Nhưng còn chàng thì sao?

- Kể từ hôm nay, tôi không dính dáng gì đến chuyện thế tục nữa.

- Ai mà đi hốt đàm dãi ông nhổ ra? Ông hãy cho phép tôi xuất gia làm Tỳ-kheo ni luôn.

- Tốt lắm!

Visàkha chấp nhận ngay. Ông đưa bà đến tinh xá của các Tỳ-kheo ni với nhiều tặng phẩm quí giá, xin cho bà được gia nhập Tăng đoàn chư Ni. Thọ giới cụ túc xong, bà được mọi người kêu Tỳ-kheo ni Dhammadinnà.

Bà thích cuộc sống độc cư nên theo các Tỳ-kheo ni về miền quê. Sau một thời gian, bà đắc A-la-hán và cả thần thông. Bà nghĩ: "Bây giờ, những người thân của ta sẽ vì ta mà làm việc phước thiện". Bà quay về Vương Xá. Cư sĩ Visàkha nghe tin bà về, thầm nghĩ: "Bà ấy trở về vì cớ gì nhỉ?". Ông đến tinh xá các Tỳ-kheo ni, gặp vị Tỳ-kheo ni vợ cũ của mình, ông đảnh lễ và cung kính ngồi qua một bên.

Ông lại thầm tính: "Nếu bây giờ mình hỏi: Bạch sư cô, xin hỏi có phải sư cô đã chán việc tu hành không? thì thực chẳng tiện chút nào. Thôi mình sẽ hỏi như thế này". Ông hỏi bà một câu về quả vị Tu-đà-hoàn, bà lập tức trả lời rất chính xác. Cư sĩ tiếp tục hỏi về các quả vị cao hơn, và cuối cùng, hỏi đến A-la-hán. Bà tán thán:

- Lành thay, huynh Visàkha! Nếu huynh muốn biết về quả vị A-la-hán, xin đến yết kiến đức Thế Tôn và tham vấn Ngài.

Visàkha lại đảnh lễ bà, rồi đến gặp Phật kể Ngài nghe câu chuyện của họ. Ðức Thế Tôn bảo:

- Ðệ tử ta, Dhammadinnà, thật khéo nói. Còn về câu hỏi ông hãy lắng nghe.

Phật giảng pháp xong, nói bài kệ:

            (421) Ai quá, hiện, vị lai,

            Không một sở hữu gì,

            Không sở hữu, không nắm,

            Ta gọi Bà-la-môn.

39. Angulimàla, Vô Não

Bậc trâu chúa, thù thắng ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Angulimàla.

Câu chuyện này đã được kể trong phần chú giải bài kệ bắt đầu bằng câu: "Keo kiết không sanh thiên...".

Các thầy Tỳ-kheo hỏi Angulimàla:

- Này huynh Angulimàla, khi huynh thấy con voi độc cầm lọng đứng trước mặt, huynh không sợ sao?

- Không, thưa chư huynh, tôi chẳng sợ.

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Angulimàla nói dối.

Ðức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, Angulimàla không còn sợ hãi. Bởi vì, trong số những bậc đại sĩ đã xa lìa tham ái, những Tỳ-kheo như Angulimàla là tôn quí nhất, và không sợ hãi nữa.

Ngài nói kệ:

            (422) Bậc trâu chúa, thù thắng,

            Bậc anh hùng, đại sĩ,

            Bậc chiến thắng, không nhiễm,

            Bậc tẩy sạch, giác ngộ,

            Ta gọi Bà-la-môn.

40. Phạm Hạnh Của Thí Chủ Quyết Ðịnh Phước Báu Cúng Dường

Ai biết được đời trước ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của ông Bà-la-môn Devahita.

Một hôm, đức Thế Tôn bị chứng khó chịu trong người, liền bảo Tôn giả Upavàna đến nhà người Bà-la-môn tên Devahita xin nước nóng. Tôn giả đến, nói rõ chứng bệnh của đức Phật và xin ông Bà-la-môn nước nóng. Ông nghe vậy vô cùng hoan hỉ:

- Thật may mắn cho tôi quá, được dịp cúng nước nóng cho bậc Giác ngộ Vô thượng.

Ông lấy nước nóng và một bình mật mía đưa Tôn giả, ra lệnh cho một gia nhân mang phụ nước nóng đi.

Tôn giả thỉnh Phật tắm nước nóng, và pha mật bằng nước ấm cho Ngài dùng. Ngay sau đó cơn đau của Ngài dịu xuống.

Ông Bà-la-môn thầm nghĩ: "Người ta nên cúng dường ai để được phước lớn? Ta sẽ hỏi đức Thế Tôn".

Ông đến gặp Phật và đọc một bài kệ:

            Bố thí ai phước lớn?

            Ai nên được cúng dường?

            Thí chủ phải thế nào?

            Mới được phước vô lượng?

Ðức Phật dạy:

- Một người Bà-la-môn như sau, cúng dường sẽ được phước báo rất lớn.

Ngài nói kệ:

            (423) Ai biết được đời trước,

            Thấy thiên giới, đọa xứ,

            Ðạt được sanh diệt tận,

            Thắng trí, tự viên thành,

            Bậc mâu-ni đạo sĩ,

            Viên mãn mọi thành tựu,

            Ta gọi Bà-la-môn.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM