![]() |
TÍCH TRUYỆN PHÁP CÚ Thiền viện Viên Chiếu Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugène Watson Burlingame |
![]() |
![]() |
||
PHẨM I: SONG YẾU (tt) 2. Khóc Ðòi Những Chuyện Trên Trời Pháp cú thứ hai cũng bắt đầu bằng câu: Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình. Do Phật dạy tại thành Xá-vệ, từ câu chuyện Matthakunddali. Tôi nghe như vầy: Tại Xá-vệ có một Bà-la-môn tên là Adinnapubbaka, có nghĩa là "không cho", vì ông ta không hề cho ai vật gì. Ông có một đứa con trai duy nhất hết sức cưng quí. Ông muốn cho con một món đồ trang sức, nhưng biết rằng hễ giao thợ bạc chạm trổ thì phải trả tiền công, nên ông tự tay đập mỏng miếng vàng, gò thành một đôi hoa tai sáng bóng đeo cho con. Do đây mà con ông có tên là Matthakundali, nghĩa là Hoa Tai Sáng Bóng. Lên mười sáu tuổi, con ông bị bệnh vàng da. Bà mẹ trông thấy nóng ruột, hối ông mời thầy thuốc đến chữa bệnh. Tuy thương con ông vẫn lừng khừng, không muốn đi, nên tìm cách thối thác với bà vợ: - Bà à! Nếu gọi thầy thuốc đến, tôi phải trả công bằng lúa gạo, kho lẫm sẽ hao hụt. Bà sao không để ý đến việc bảo quản tài sản cho tôi chút nào! Bà mẹ vẫn một mực lo lắng cho con: - Vậy thì phải làm sao? Ông phải tính sao cho con tôi chớ? - Yên chí! Tôi sẽ sắp xếp sao cho chẳng tốn xu nào. Thế là ông đi đến từng thầy thuốc, tìm cách hỏi đon hỏi ren cho ra phương thuốc trị bệnh cho con ông: - Này ông anh, nếu gặp một người bị bệnh như vầy.. như vầy..., thường thì ông trị liệu ra sao, cho uống thuốc gì? Họ liền kể ra các thứ vỏ cây, tên cây, tên khác.. Thế là ông đi kiếm đủ thứ vỏ cây, lá rừng.. mang về sao chế thuốc cho con. Nhưng dầu làm hết cách, bệnh trạng đứa con càng ngày càng tệ. Cuối cùng hết phương cứu chữa, ông mời hẳn một thầy thuốc đến. Nhìn thấy chàng trai quá yếu, thầy thuốc khéo léo từ chối: - Tôi đang bận một việc quan trọng, xin mời một vị khác đến chữa trị. Tôi rất tiếc. Và ông vội vàng rời khỏi nhà. Thấy con mình gần chết, tuy có đau buồn nhưng vẫn không quên tính keo kiệt, bo bo giữ của, ông ra lệnh mang con ra khỏi nhà, đặt nằm trên thềm, vì sợ những người đến thăm con mình sẽ dòm ngó luôn tài sản trong nhà. Hôm ấy, từ sáng sớm, đức Thế Tôn đã xuất định Ðại Bi, và để tìm xem những ai có lập nguyện trong đời chư Phật trước, những người căn lành tròn đầy, những đạo hữu có thể xuất gia, Ngài quán sát với Phật nhãn mở rộng đến mười phương thế giới, và thấy Matthakundali đang nằm hấp hối ngoài thềm nhà. Ðấng Ðạo sư biết ngay là anh ta vừa từ trong nhà được khiêng ra đặt nằm đó, và cũng biết rằng anh ta có nhân duyên với Phật, đặt niềm tin nơi Phật, sẽ chết và sẽ tái sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, sống trong lâu đài bằng vàng, có một ngàn thiên nữ theo hầu. Bà-la-môn sẽ thiêu xác con, rồi đi quanh bãi thiêu khóc lóc. Vị trời sẽ tự ngắm mình thân cao ba dặm, được trang điểm với sáu mươi xe đầy ắp đồ trang sức, có ngàn thiên nữ vây quanh. Vị ấy thắc mắc không biết do công đức gì mà được quả báo thù thắng như thế, và rồi vị ấy biết là do tín tâm. Rồi vị ấy thấy cha mình trước đây không chịu lo thuốc thang cho mình, nay đang đi trong bãi thiêu than khóc. Vị ấy liền quyết định sẽ làm cho cha thay đổi tâm tánh. Vị trời xúc động vì cha, sẽ hóa hình thành Matthakundali đi đến bãi thiêu, gieo mình xuống đất khóc lóc. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi: - Người là ai? Vị trời sẽ trả lời: - Là Matthakundali, con của cha. - Con tái sinh ở đâu? - Ở tầng trời thứ ba mươi ba. Ông Bà-la-môn sẽ hỏi tiếp: - Con làm công đức gì mà được? - Nhờ tin Phật. Người Bà-la-môn chưa tin hẳn, sẽ hỏi lại Thế Tôn: - Có ai do tin Phật mà được sanh thiên không? Thế Tôn sẽ đáp: - Chẳng phải có hằng trăm, hằng ngàn hay hằng trăm ngàn mà vô số người đều được. Rồi Thế Tôn sẽ đọc một đoạn Pháp Cú. Cuối đoạn Pháp Cú sẽ có tám vạn bốn ngàn người được Pháp nhãn thanh tịnh. Matthakundali sẽ chứng quả Dự lưu, cả Bà-la-môn Adinnapubbaka cũng chứng quả ấy. Như vậy nhờ chàng trai ưu tú này mà nhiều người được Pháp nhãn thanh tịnh. Ðức Phật biết rõ như đã kể trên, nên hôm sau vệ sinh xong, Ngài đi giữa một đoàn Tỳ-kheo vào thành Xa-vệ khất thực, và trên đường đi Phật ghé nhà người Bà-la-môn. Lúc ấy Matthakundali đang nằm quay mặt vào nhà. Phật biết anh ta không trông thấy Ngài, bèn phóng một luồng hào quang. Chàng trai ngạc nhiên không biết là ánh sáng gì, quay mặt ra định hỏi thì nhìn thấy đức Phật, liền thưa thỉnh: - Vì ông cha ngu xuẩn nên con không được ân huệ đến với đức Phật tôn quí, cũng không được hầu hạ Ngài, để bát hoặc nghe pháp. Giờ đây tay con cũng không nhúc nhích được, con chẳng làm gì được nữa!. Nói vậy rồi anh ta đặt trọn lòng tin nơi Phật. Ðức Ðạo sư hoan hỷ bảo: - Vậy là đủ! Và Ngài bước đi. Khi đức Phật xa dần khỏi tầm mắt, chàng trai tắt thở trong tín tâm. Và như vừa ngủ dậy, chàng tái sinh vào cõi trời, y như Phật đã thấy biết trước. Và khi người Bà-la-môn gặp lại chàng đứng khóc tại bãi thiêu, đã đọc kệ hỏi lý do: Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói, Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương, Vặn bàn tay và khóc lóc thảm thương, Sao anh khổ giữa rừng sâu như thế? Chàng trai đáp: Chiếc xe ngựa quý - thân tôi Sáng chói bằng vàng nguyên khối, Bánh xe tìm không ra nổi, Ðau buồn tôi sẽ chết thôi! Người Bà-la-môn: Bánh xe ấy bằng vàng hay bạc? Bánh đồng hay ngọc quý kim cương? Nói cho ta nghe thật rõ ràng, Ta sẽ kiếm cho chàng đầy đủ. Chàng trai lạ lùng vì thái độ của ông Bà-la-môn, lúc trước con đau thì bỏn xẻn không dám mời thầy thuốc đến chữa trị, nay thấy mình giống con ông ấy thì không ngại tốn kém, hứa kiếm bánh xe cho mình dù bằng vàng, kim cương hay bạc đồng; do đó vì muốn trên chọc ông ta, anh hỏi: - Cặp bánh ông làm cho xe tôi lớn chừng nào? - Lớn như ngươi muốn. - Tôi muốn được mặt trời và mặt trăng làm bánh xe, hãy cho tôi đi! Chàng bảo Ba-la-môn: Ôi! Trăng trời là cặp sinh đôi giữa ngàn. Xe tôi nguyên khối bằng vàng, Có thêm đôi cánh rỡ ràng biết bao! Người Bà-la-môn trả lời: Ngươi thật là một kẻ ngu Ði kiếm thứ ở xa mù Ta e rằng ngươi sẽ chết Trời trăng há dễ được ru? Nhưng chàng trai vặn lại: - Nhưng ai ngu hơn? Người khóc đòi thứ hiện hữu hay người khóc đòi thứ không hiện hữu? Trời trăng rạng rỡ đến đi, Ðây kia đều thấy chẳng khi nào lầm. Con ông chết chẳng còn trông, Ai người ngu ngốc khóc mong suốt ngày? Nghe xong, người Bà-la-môn như bừng tỉnh, thấy chàng trai có lý, ông kết luận: Trong hai kẻ khóc than thảm thiết Ta, người ngu khôn xiết chẳng sai Trăng kia, trẻ mãi khóc đòi Như ta mong gặp con trai chết rồi. Hết cả đau buồn nhờ chàng trai giải thích nên người Bà-la-môn khen ngợi: Tôi như ngọn lửa cháy hừng Tưới thêm dầu mỡ có ngưng được nào Người như một trận mưa rào Tiêu tan sầu khổ lòng nào vui hơn? Mũi tên đau đáu sầu thương Nhờ người nhổ bỏ hết vương lụy phiền Tôi nay vui vẻ an nhiên Không còn buồn khóc, lời khuyên ghi lòng. Rồi người Bà-la-môn hỏi: - Anh là ai? Là trời, Càn-thát-bà, Hay Ðế Thích thù thắng? Là ai? Con của ai? Làm sao tôi biết đặng? Chàng trai đáp: Tôi là người ông khóc than, Là con ông, đã cháy tan nơi này. Nhờ làm việc phước, quý thay! Dứt hơi liền đã sanh ngay cõi trời. Bây giờ người Bà-la-môn hiểu hết tự sự, nhưng vẫn còn một điểm thắc mắc: Lúc con còng ở tại nhà Tí ti cũng chẳng bỏ ra cúng dường Ăn chay cũng chẳng có luôn Công đức nào được khiến con lên trời? Chàng trai trả lời: Khi tôi nằm ở tại nhà Ðau nhức vì bệnh trầm kha May mắn được trông thấy Phật Người không dục vọng, nghi ngờ An vui, trí tuệ cao tột. Lòng tin trong tôi phát ra Cúi đầu chắp tay quỵ ngưỡng. Sanh ngay cõi trời ba mươi ba. Nghe chàng nói, người Bà-la-môn thân tâm tràn ngập vui sướng, nên cất tiếng tán thán: Kỳ diệu thay! Mầu nhiệm thay! Kính lễ được quả báo này Hoan hỷ và đầy tin tưởng Tôi quy y Phật hôm nay. Chàng trai đáp từ: - Hôm nay quy y Phật, Pháp, Tăng với tín tâm, ông hãy lãnh thọ năm giới, giữ gìn nguyên vẹn không sai sót: * Không được giết sinh mạng kể từ phút này. * Không lấy của không cho * Không uống rượu * Không nói dối * Chung thủy với vợ mình Người Bà-la-môn ưng thuận và nói bài kệ: Này Phạm thiên cao quý, Người mong tôi an vui, Người mong tôi hạnh phúc, Tôi xin vâng lời người. Người là thầy của tôi, Tôi xin quy y Phật, Quy y Pháp và Tăng. Từ nay thôi giết hại, Không lấy của không cho, Không uống rượu, nói dối, Chung thủy với vợ mình. Vị trời, trước khi từ giã ngỏ ý khuyên bảo: - Này Bà-la-môn, ông có nhiều của cải. Hãy đến đức Ðạo sư, cúng dường, nghe pháp và thưa hỏi. Rồi biến mất. Người Bà-la-môn lòng vui mừng hớn hở về nhà dặn vợ: - Bà à! Tôi sẽ thỉnh Sa-môn Cồ-đàm đến nhà và thưa hỏi. Hãy chuẩn bị tiếp đón. Ðoạn ông ta đi đến tịnh xá. Không lễ Phật và cũng chẳng bày tỏ sự vui mừng được gặp Ngài, ông đứng một bên thưa: - Ngài Cồ-đàm, xin Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh thọ trai tại nhà tôi hôm nay. Ðức Ðạo sư nhận lời. Ông liền nhanh chóng trở về chuẩn bị tại nhà các thức ăn loại cứng và mềm. Ðức Ðạo sư cùng chúng Tăng đến nhà ông, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn, và được ông cung kính hầu hạ. Một đám đông không mời gọi đã tu tập không chậm trễ. Khi một ngoại đạo thỉnh Phật, sẽ có hai hạng người tụ đến. Những kẻ tà kiến sẽ tụ đến với ý nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy Sa-môn Cồ-đàm bối rối vì những câu hỏi bủa vây. Còn những người chánh kiến sẽ nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thấy oai lực và sự thù thắng của đức Phật. Ðức Thế Tôn thọ thực xong, ông đến bên Ngài, ngồi xuống chỗ thấp và hỏi: - Ngài Cồ-đàm, có ai được sanh thiên chẳng phải vì cúng dường Ngài hay xưng tán Ngài, cũng chẳng vì nghe pháp hay ăn chay, mà chỉ do một hành vi đầy lòng tín tâm? - Này Bà-la-môn, tại sao ông hỏi Ta? Chẳng phải con trai ông Matthakundali đã nói cho ông nghe rằng anh ta được sanh thiên nhờ kính tin Ta sao? - Hồi nào, Ngài Cồ-đàm? - Chứ chẳng phải hôm nay ông đã đi đến bãi thiêu, và khi đang khóc lóc ông trông thấy một chàng trai cũng vật vã than khóc. Và ông đã chẳng hỏi: Trang sức sang trọng, bông tai đeo vàng chói Mang vòng hoa có khảm gỗ đàn hương. Rồi đức Ðạo sư tiếp tục kể rõ ràng chi tiết cuộc đối đáp giữa hai cha con và trọn vẹn câu chuyện của Matthakundali. Do đây mà đức Phật nói lên đoạn kinh: - Này Bà-la-môn, chẳng phải là một trăm hay hai trăm, mà có vô số người do đặt niềm tin nơi Ta mà được sanh thiên. Thấy đám đông chưa hết nghi ngờ, đấng Ðạo sư ra lệnh: - Phạm thiên Matthakundali, hãy đến đây với lâu đài của ngươi! Tức thì Matthakundali hiện ra, thân cao gần một dặm với nhiều đồ trang sức cõi trời. Từ lâu đài bước xuống, Phạm thiên đảnh lễ đức Ðạo sư rồi cung kính đứng một bên. Ðức Phật hỏi: - Ngươi đã tạo lập công đức gì mà được phước báo thế này? Phạm thiên với dung nhan thù thắng. Chiếu sáng bốn phương như sao trời, Hỡi vị trời oai lực phi thường, Sinh thời làm công đức gì thế? Phật nói kệ xong, Phạm thiên đáp: - Bạch Thế Tôn, con được phước báo thù thắng này do kính tin Ngài. - Ngươi được phước báo sanh thiên nhờ kính tin Ta? - Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Ðám đông chiêm ngưỡng vị trờ và đồng vui mừng thốt lên: - Oai lực của chư Phật thật là kỳ diệu! Con trai Ba-la-môn Adinnapubbaka được phước báo như thế này chỉ do kính tin Phật, chẳng phải do công đức nào khác! Ðức Ðạo sư bèn thuyết giảng: - Tâm ý là gốc của hành động, cả tốt lẫn xấu. Chính tâm ý điều khiển hành động. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong nhơn thiên như bóng theo hình. Ðấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tiếp tục đọc Pháp Cú sau: (2) Ý dẫn đầu các Pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình. Nó mắng tôi, đánh tôi... Lời giáo huấn này đức Ðạo sư dạy Trưởng lão Tissa lúc Ngài trú tại tịnh xá Kỳ Viên. Hình như Ðại đức Tissa là con trai người cô của Phật. Xuất gia khi đã lớn tuổi, lại thêm dáng người mập mạp, Tissa ưa thích lợi dưỡng và sự tôn kính riêng cho Phật. Y áo của Ðại đức lúc nào cũng giặt ủi láng bóng, và ông luôn luôn ngồi giữa giảng đường tinh xá. Một hôm, vài du tăng đến viếng Thế Tôn và tưởng Tissa là một Ðại Trưởng lão, họ xin được đặc ân hầu hạ, chùi chân cho Tissa v.v.. Ðại đức im lặng. Lúc ấy một thầy tăng trẻ tuổi hỏi: - Ngài được mấy hạ? Tissa trả lời: - Chưa có hạ nào cả. Tôi già rồi mới xin xuất gia. Thầy tăng buột miệng: - Ông Tỳ-kheo tồi! Ông cứ tưởng mình là quan trọng. Gặp các vị Ðại Trưởng lão này, ông cư xử chẳng lễ độ một chút nào. Khi họ xin hầu hạ ông các thứ, ông im lặng nhận lời. Ông lại không tỏ ra một chút ân hận về tư cách tồi tệ của mình! Nói rồi, vị tăng búng tay cái tách. Lòng kiêu hãnh của một người thuộc giai cấp chiến sĩ nổi dậy, Tissa gắt gỏng: - Các ông đến gặp ai? - Chúng tôi đến thăm đấng Ðạo sư. - Nhưng đối với ta, các ông cũng phải tìm hiểu xem người này là ai chứ? Ta sẽ giết tiệt dòng họ các ông! Nói một mạch cho hả hơi, rồi Tissa đi đến chỗ Phật buồn rầu khóc lóc. Ðấng Ðạo sư thấy vậy mới hỏi: - Tissa, sao vậy? Sao ông đến đây tèm lem nước mắt, sầu khổ thế kia? Các du tăng trước đây có bàn với nhau không dám để Tissa đi một mình e gây nhiều chuyện rắc rối, nên đi theo Tissa, đến đảnh lễ đức Ðạo sư và cung kính ngồi một bên. Tissa nghe Phật hỏi liền đáp: - Bạch Thế Tôn, những Sa-môn này lăng mạ con. - Nhưng ông đang ngồi ở đâu? - Ở giữa giảng đường tinh xá, bạch Thế Tôn! - Khi những Sa-môn này đến, ông có thấy họ không? - Con có thấy họ, bạch Thế Tôn! - Ông có đứng dậy chào họ không? - Thưa Thế Tôn, không. - Ông có đỡ giùm đồ đạc giúp họ không? - Bạch Thế Tôn, không. Con không đỡ giùm đồ đạc cho họ. - Ông có sẵn lòng phục vụ họ không? Và mời nước uống không? - Không, bạch Thế Tôn! Con không phục vụ cũng chẳng mời nước uống. - Ông có đem tọa cụ đến mời ngồi và chùi chân cho họ không? - Thưa không, Thế Tôn! - Tissa, ông nên làm các việc trên đối với những Sa-môn lớn tuổi, vì ai không làm thế sẽ không được quyền ngồi giữa tịnh xá. Chỉ có ông là đáng bị rầy. Hãy xin lỗi những Sa-môn này đi! - Nhưng họ đã lăng mạ con, Thế Tôn! Con sẽ không xin lỗi họ. - Tissa, chớ làm như vậy. Chỉ có ông mới đáng bị rầy. Xin lỗi họ đi! - Con không xin lỗi họ, Thế Tôn! Các Sa-môn bạch Phật: - Ông ấy thật là cứng đầu, thưa Thế Tôn! Ðức Ðạo sư trả lời: - Này các Sa-môn, đây chẳng phải là lần thứ nhất ông ấy cứng đầu. Kiếp trước ông ấy cũng đã bướng bỉnh như thế. - Chúng con đã rõ tính ương ngạnh của ông ấy trong hiện tại, bạch Thế Tôn. Nhưng còn kiếp trước ông đã làm gì? - Này các Sa-môn hãy lắng nghe! Và đức Phật kể câu chuyện. Chuyện quá khứ A. Devala và Nàrada Vào thuở nọ, dưới triều một vị vua ở Ba-la-nại, có một nhà tu khổ hạnh tên là Devala sau tám tháng ở Hy-mã-lạp-sơn về thành kiếm muối và giấm. Ông cũng muốn về ở gần thành phố trong bốn tháng mùa mưa. Gặp hai chú bé nơi cổng thành, ông hỏi: - Các Sa-môn đến thành phố thường ngủ đêm tại đâu? - Nơi nhà người thợ gốm, thưa Tôn giả. Thế là Devala đi đến nhà người thợ gốm, đứng trước cửa hỏi: - Gia chủ! Nếu người bằng lòng, tôi sẽ nghỉ lại một đêm trong nhà người. Thợ gốm mở rộng cửa mời: - Ban đêm tôi không làm việc, nhà lại rộng: xin Tôn giả cứ ngủ tại đây. Devala vừa vào nhà và ngồi xuống thì có một ẩn sĩ khác tên Nàrada cũng từ Hy-mã-lạp-sơn đến xin tá túc. Người thợ gốm, với lòng tử tế và hiếu khách đối với các Sa-môn, lo lắng không biết vị ẩn sĩ đến trước có chịu ngủ chung với vị mới đến hay không, nên khéo léo bảo Nàrada: - Nếu vị ẩn sĩ đến trước đồng ý thì xin mời Ngài. Và Nàrada Nàrada đến gặp Devala nói: - Thưa thầy, nếu thầy đồng lòng, tôi xin ngủ lại đây một đêm. Devala hoan hỷ: - Nhà còn rộng, xin mời thầy vào và ngủ lại một bên này. Rồi Nàrada bước vào, ngồi phía sau Devala. Họ chào hỏi nhau một cách thân thiện. Ðến giờ ngủ, trước khi nằm xuống, Nàrada cẩn thận ghi nhớ chỗ của Devala và vị trí cửa ra vào. Nhưng Devala, thay vì ngủ đúng chỗ của mình, lại nằm ngay giữa lối đi. Hậu quả là khi Nàrada bước ra ngoài ban đêm, ông đạp nhằm bím tóc của Devala. Tức thì nhà khổ hạnh la toáng lên: - Ối! Ai dẫm lên bím tóc ta? Nàrada từ tốn trả lời: - Thưa thầy, tôi. Devala, giọng nóng nảy tiếp tục la: - Ðồ đạo đức giả! Ngươi là đồ rừng rú. Ngươi đã đạp lên tóc ta! - Thưa thầy, tôi không biết thầy nằm ở đây. Xin thứ lỗi cho tôi!. Rồi Nàrada bước ra, để lại Devala một mình khóc lóc như bị ai bóp vỡ tim. Chưa hết. Sau đó, Devala xoay ngược người lại, nằm xuống, đặt đầu vào chỗ ban nãy đã để chân, cố ý để Nàrada giẫm lên mình. Nàrada bước vào, lòng dặn lòng hồi nãy mình đã lỡ xúc phạm vị đạo sĩ, lần này mình sẽ đi mé dưới chân người. Tất nhiên là khi vừa bước vào, Nàrada dẫm ngay lên cổ Devala. Tức thì Devala hét ầm lên: - Trời! Ai đó? Nàrada vội vàng nói: - Thưa thầy, tôi. Devala lần này càng kêu to: - Ðồ đạo đức giả! Lần đầu ngươi dẫm lên tóc ta, lần này ngươi đạp lên cổ ta. Ta sẽ nguyền rủa ngươi! - Thưa thầy, tôi không đáng bị khiển trách. Tôi không biết thầy nằm ở phía này. Khi bước vào tôi đã hết sức dè dặt, tự nhắc nhở phải cẩn thận, đi phía dưới chân đạo sĩ, tránh xúc phạm người. Xin thầy thứ lỗi cho tôi! Devala vẫn la oai oái: - Ðồ đạo đức giả! Ta sẽ nguyền rủa ngươi. - Ðừng làm vậy, thưa thầy! Mặc những lời thiết tha xin lỗi của Nàrada, Devala vẫn rủa tiếp: - Mặt trời có ngàn tia sáng, có trăm ánh lửa xua tan bóng tối. Sáng mai vào lúc mặt trời mọc, đầu ngươi sẽ vỡ làm bảy mảnh. Nàrada đáp: - Thầy, tôi đã giải bày hết lời là không phải lỗi tại tôi, thầy vẫn chẳng chịu nghe. Ðầu kẻ có lỗi sẽ vỡ làm bảy mảnh chớ không phải đầu người vô tội. Tức thì Nàrada đọc lời nguyền sau: - Mặt trời có ngàn tia sáng, có trăm ánh lửa xua ta bóng tối. Sáng mai vào lúc mặt trời mọc, đầu người sẽ vỡ làm bảy mảnh. Ẩn sĩ Nàrada có đại thần thông, có thể thấy suốt tám mươi tiểu kiếp: bốn mươi tiểu kiếp quá khứ và bốn mươi tiểu kiếp tương lai. Vì vậy ông thấy lời nguyền sẽ rớt trúng ngay ông thầy khổ hạnh bạn mình. Ông cảm thấy thương xót, và vì vậy làm phép không cho mặt trời mọc. Không thấy mặt trời mọc, dân chúng tụ tập trước cổng cung vua, rên rỉ: - Tâu Ðại vương, mặt trời không mọc nữa! Ngài là vua, làm sao cho mặt trời mọc giùm chúng tôi với! Nhà vua xét lại những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, thấy chẳng có điều gì sai trái, nên không hiểu nguyên nhân nào mặt trời không mọc. Nhà vua suy đoán rằng đây có thể là do tu sĩ cãi cọ bất hòa với nhau nên hỏi thăm, và liền cầm đuốc đi đến nhà thợ gốm cúi chào Nàrada, cung kính ngồi xuống một bên và nói: - Bạch ngài Nàrada, dân xứ Diêm-phù-đề không thể sinh hoạt như bình thường. Tại sao bóng đêm bao trùm thế giới? Xin trả lời câu hỏi của tôi. Nàrada kể lại toàn bộ câu chuyện và hậu quả của lời nguyền. Vua hỏi tiếp: - Nhưng thưa Tôn giả, làm sao ông ta có thể thoát chết? - Ông ấy sẽ thoát chết nếu xin lỗi tôi. Vua bắt Devala phải xin lỗi Nàrada. Nhưng Devala một mực ngoan cố: - Tâu Ðại vương, ông bạn này đã dẫm lên tóc tôi và đạp lên cổ tôi. Không đời nào tôi thèm xin lỗi đồ đạo đức giả đó! Vua vẫn khẩn thiết yêu cầu Devala: - Xin lỗi đi, Tôn giả! Ðừng làm như vậy! - Ðại vương, tôi không thèm xin lỗi. - Ðầu Ngài sẽ bể làm bảy mảnh! - Mặc kệ! Tôi cũng không xin lỗi. Lần này vua gằn giọng: - Ông vẫn không chịu xin lỗi phải không? Thế rồi nhà vua nắm lấy tay, chân, bụng và cổ nhà ẩn sĩ, bắt cúi đầu dưới chân Nàrada. Nàrada lòng cởi mở: - Hãy đứng lên thầy! Tôi đã tha lỗi cho thầy! Rồi Nàrada tâu với vua: - Ðại vương, ẩn sĩ này không chịu xin lỗi tôi. Hãy đem ông ta đến một cái hồ gần thành, đặt một cục đất sét trên đầu ông, bắt ông ta đứng dưới nước ngập cổ. Vua y lời. Nàrada còn dặn thêm khi ông làm phép cho mặt trời mọc trở lại, Devala hãy lặn xuống nước và trồi lên nơi khác rồi đi đi! Quả đúng như rằng, ngay khi ánh mặt trời lóe lên thì chạm vào cục đất sét làm vỡ thành bảy mảnh. Tức thì Devala lặn xuống nước, trồi lên nơi khác và đi mất. Thế Tôn kết thúc câu chuyện: - Này các Tỳ-kheo! Nhà vua lúc ấy là Ananda, Devala là Tissa, còn Nàrada chính là Ta. Thuở đó Tissa cũng cứng đầu như vậy. Rồi đức Ðạo sư dạy Trưởng lão Tissa như sau: - Tissa! Nếu một Tỳ-kheo cho phép mình nghĩ rằng người này người kia mắng tôi, người này người kia đánh đập tôi, người này người kia đánh bại tôi, cướp giật của tôi, ông ấy sẽ hận thù không nguôi. Nhưng nếu Ty-kheo ấy không ôm ấp những ý nghĩ như vậy, thù hận sẽ nguôi ngoai. Nói xong Phật đọc Pháp Cú: (3) Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi, Ai ôm biềm bận ấy, Hận thù không thể nguôi. (4) Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi, Không ôm biềm bận ấy, Hận thù được tự nguôi. Với hận diệt hận thù... Phật dạy Pháp Cú này cho một người hiếm muộn, lúc Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên. Một người kia, sau khi cha chết, một mình lo liệu gánh vác tất cả việc nhà cửa ruộng vườn, lại còn chăm sóc bà mẹ. Mẹ bảo anh: - Con ạ, mẹ sẽ kiếm cho con một cô vợ trẻ. Người con hiếu thảo bèn thưa: - Mẹ thân yêu, đừng nói thế. Ước ao duy nhất của con là được phụng dưỡng mẹ suốt đời. - Con ơi, mẹ không muốn một mình con phải gánh vác hết mọi việc trong nhà ngoài ruộng, hãy để mẹ kiếm vợ cho con. Anh ta từ chối đôi ba phen, rồi đành im lặng bằng lòng. Bà mẹ hớn hở rời khỏi nhà, định đi đến một nhà nọ kiếm con dâu đem về. Anh ta bèn hỏi mẹ: - Mẹ định đến nhà ai vậy? Bà lão giơ tay chỉ: - Ðến nhà kia kìa! Anh ta không để mẹ đi đến nhà theo dự định, mà chỉ cho bà một nhà khác anh thích hơn. Vậy là bà đến nhà con mình thích, chọn nàng dâu rồi lựa ngày làm lễ cưới. Rủi thay lại gặp một nàng dâu không sinh đẻ. Bà mẹ nóng lòng bế cháu nên vội vã bảo anh con trai: - Con ạ, con đã bảo mẹ đem về người vợ do con tự chọn, nhưng cô ấy lại chẳng sinh đẻ. Gia đình không con cái sẽ lụn bại, giống dòng sẽ tuyệt tự. Con hãy để cho mẹ kiếm một nàng dâu khác nghe con! Anh con trai có vẻ không bằng lòng nên lắc đầu: - Xin mẹ đừng nói nữa! Nhưng bà mẹ vẫn nhai đi nhai lại điệp khúc cũ nên lọt vào tai cô vợ hiếm muộn. Lòng cô ngổn ngang trăm mối. Chắc chắn là con phải vâng lời mẹ thôi, nếu bà già kiếm được một người dễ sinh nở thì cô sẽ bị nhà chồng xem thường, coi như đầy tớ. Chi bằng chính cô chọn vợ cho chồng. Thế là người đàn bà hiếm muộn đi đến nhà nọ kiếm một cô gái cho chồng. Nhưng vừa hở môi bà đã gặp sự chống đối của cha mẹ cô gái. Họ hỏi gặng lại bà: - Này, bà nói cái gì thế? Người đàn bà không con trả lời: - Thú thật ông bà thương, tôi chẳng may xấu số không sinh đẻ, mà gia đình không con sẽ tuyệt tự. Nếu con gái ông bà về nhà tôi sinh được con trai, cô ấy sẽ là bà chủ quán xuyến hết cả gia sản. Xin ông bà hãy cho tôi cưới cô nhà về cho chồng tôi. Cuối cùng người đàn bà đã thuyết phục được cha mẹ cô gái và rước cô về nhà. Dù đã làm được theo ý mình, người đàn bà hiếm con vẫn không an tâm, cứ lo sợ đối thủ sinh con, sẽ là bà chủ trong nhà. Rồi bà đến nói với đối thủ của mình: - Nè em! Hễ em có thai thì cho chị biết nhé! Cô kia ngoan ngoãn trả lời: - Dạ. Và như lời hứa, ngay khi mang thai cô đến báo cho người vợ cả biết. Hằng ngày vợ cả thường tự tay nấu cháo cho đối thủ mình ăn. Thế là từ hôm đó bà bỏ vào cháo một ít thuốc phá thai. Kết quả đối thủ của bà bị sẩy thai. Lần thứ hai, người vợ sau cũng lại báo tin cho vợ cả khi mang thai. Vợ cả làm như lần trước và cô này lại sẩy thai nữa. Các bà hàng xóm thấy cô vợ sau ngây thơ, nên vừa thương tình vừa tò mò mới hỏi thăm: - Có phải đối thủ của chị thọc gậy bánh xe chị không? Và khi nghe kể lại sự vụ, họ bảo: - Ðồ ngốc, sao chị dại dột như vậy? Bả sợ chị chiếm ưu thế trong gia đình nên trộn thuốc phá thai cho chị ăn. Lần sau đừng có nói cho bả biết nữa nghe chưa! Lần thứ ba người vợ sau không nói gì cả, nhưng bà hiếm con thấy bụng người vợ sau ngày càng to liền hỏi: - Sao em có thai mà không nói cho chị biết? Bà vợ sau thật thà nghĩ sao nói vậy: - Chính chị mang tôi về đây, vậy mà hai lần rồi chị làm tôi hư thai. Tại sao tôi phải nói với chị kia chứ? Bà không con thất vọng: "Hỏng, thế là ta thua rồi!". Từ đó bà theo dõi, chờ cơ hội đối thủ thiếu cảnh giác lại ra tay, vì bà vẫn chưa chịu thua. Khi đứa bé trong bụng mẹ đã thành hình, bà cả thừa một dịp nọ trộn thuốc cho bà vợ sau ăn, nhưng vì hình thể đã đầy đủ nên thai nhi không bị hư, mà lại kẹt ngang cổ tử cung. Ngay sau đó bà mẹ đau bụng dữ dội và cảm thấy giờ chết đến nơi. Bà la hoảng lên: - Mày giết tao! Chính mày mang tao về và cũng chính mày giết ba đứa con của tao. Giờ tao sắp chết, kiếp sau tao sẽ thành quỷ dạ xoa ăn thịt con mày! Nguyền rủa rồi bà tắt hơi và lại sanh vào nhà ấy thành một con mèo. Còn ông chồng lúc ấy tóm bà vợ không con, nạt nộ: - Chính mày làm tan nát gia đình tao. Rồi ông dùng cùi chỏ, đầu gối.. đánh đập bà tàn nhẫn. Sau trận đòn, người vợ cả ốm nặng rồi chết, lại cũng sinh vào nhà ấy thành một con gà mái. Như vậy bà vợ sau tái sinh là con mèo, vợ cả là con gà. Khi gà mái đẻ trứng, mèo đến ăn sạch hết. Ba lần như vậy gà mái cất tiếng: - Ðã ba lần mày ăn trứng con tao, bây giờ mày còn chực ăn luôn cả tao. Kiếp sau tao sẽ ăn thịt mày và con mày. Nguyền như vậy rồi nó chết và sinh làm con beo cái. Còn mèo sinh làm con nai cái. Ba lần nai cái sinh con, ba lần beo đến nuốt tươi. Khi sắp chết, nai cái lại nguyền rủa: - Ba phen ác thú này nuốt sống con ta và giờ nó định nhai luôn cả ta nữa. Kiếp sau ta sẽ nhai nuốt nó và con nó! Rồi nai cái tái sinh là quỷ Dạ-xoa và beo chết đi đầu thai thành một cô gái dòng tôn quý ở Xá-vệ. Lớn lên, cô gái lập gia đình sống bên nhà chồng tại một khu xóm nhỏ gần cổng thành. Một thời gian sau cô có con. Quỷ Dạ-xoa biến thành một người bạn thân đến thăm cô gái và hỏi người nhà: - Bạn tôi đâu? - Ở phòng trong, cô ấy vừa sinh hạ một đứa bé. Da-xoa hớn hở hỏi tiếp: - Con trai hay con gái vậy? Tôi muốn thăm chị ấy. Rồi tất tả bước vào trong, giả vờ nhìn ngắm đứa bé và nhanh tay chộp lấy nhai nuốt xong đi ra. Lần thứ hai, quỷ cũng nuốt tươi con của người vợ trẻ như vậy. Ðến lần thứ ba, thấy bụng đã lớn cô vợ trẻ thủ thỉ với chồng: - Anh à, tại đây có một con quỷ Dạ-xoa đã nuốt chết hai đứa con của chúng ta và trốn thoát. Lần này tôi định trở về nhà để sinh nở. Lúc bấy giờ đến phiên quỷ Dạ-xoa đi kéo nước (Da-xoa thay phiên nhau kéo nước từ hồ Anottatta đổ lên nguồn, mãn hạn bốn hay năm tháng chúng được thả về, nếu không bị chết vì kiệt sức). Ngay khi vừa được thả ra, quỷ Da-xoa liền chạy đến gặp người vợ trẻ hỏi: - Bạn tôi đâu rồi? Người trong nhà đáp: - Chị chẳng gặp cô ấy đâu. Có một con quỷ Dạ-xoa đã ăn thịt những đứa con cô ấy sinh ra trong nhà này. Vì vậy cô ấy đi về nhà cha mẹ ruột rồi. Quỷ lầm bầm: - Dù có chạy đằng trời, nó cũng không thoát khỏi tay ta! Nôn nóng vì thù hận, Dạ-xoa tức tốc đi vào thành. Ðến ngày lễ đặt tên, bà mẹ tắm rửa và đặt tên cho đứa bé xong, thưa với chồng: - Ông à, bây giờ chúng ta hãy trở về nhà. Cô vợ ẵm con đi bên cạnh chồng. Trên con đường băng ngang tinh xá, khi đến hồ nước của tinh xá, người vợ trẻ giao con cho chồng và xuống hồ tắm. Cô tắm xong, đến phiên chồng, và cô ngồi đợi gần đó và cho con bú. Ngày lúc ấy quỷ Dạ-xoa xuất hiện. Cô vợ trông thấy nhận ra nó, lập tức la lên: - Ông ơi! Ðến đây mau! Con quỷ đây nè! Sợ chồng đến không kịp, cô xoay người đâm đầu chạy vào tinh xá. Lúc ấy đức Ðạo sư đang thuyết pháp giữa chúng hội. Người vợ trẻ đặt con dưới chân Phật thưa: - Con xin cúng dường Ngài đứa bé này. Xin hãy cứu lấy nó! Quỷ cũng rượt theo tới nơi. Thiên thần Sumana khi đó đang trú tại hốc cửa bên trên cổng tinh xá, liền ngăn quỷ Dạ-xoa lại không cho vào. Ðức Ðạo sư bảo Trưởng lão A-nan: - A-nan, ngươi hãy ra gọi quỷ Dạ-xoa vào đây! Trưởng lão y lệnh. Người vợ vừa thấy quỷ lo sợ, kêu lên thất thanh: - Nó đó, thưa Thế Tôn. Ðức Ðạo sư dạy: - Hãy để nó vào. Ðừng làm ồn! Dạ-xoa bước vào, đứng trước Phật. Phật hỏi: - Sao ngươi làm như vậy? Nếu không gặp một vị Phật như Ta, ngươi sẽ ôm ấp mối hận đến ngàn đời, không khác gì con Rắn và con Cáo run rẩy giận dữ, như Quạ và Cú. Sao ngươi lấy oán trả oán? Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Và đức Phật đọc Pháp Cú: (5) Với hận diệt hận thù, Ðời này không có được, Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu. Nghe dứt bài kệ, Dạ-xoa liền đắc quả Dự lưu. Phật bảo người đàn bà đưa đứa bé cho Dạ-xoa. Người đàn bà vẫn còn sợ, không dám đưa. Nhưng sau khi Phật cho biết là không cần phải đề phòng, bà ta mới dám trao. Dạ-xoa nhận đứa bé trong tay, ôm hôn âu yếm rồi trả lại cho mẹ nó, xong bắt đầu khóc. Nghe Phật hỏi tại sao, Dạ-xoa liền thưa: - Thưa Thế Tôn! trước đây con hết sứ xoay sở mà chẳng đủ ăn. Giờ con không biết sẽ sống ra sao. Phật an ủi Dạ-xoa, rồi quay sang người mẹ, Ngài dạy: - Hãy cho Dạ-xoa ở trong nhà con và nuôi bằng loại cháo ngon nhất. Người đàn bà vâng lện đưa Dạ-xoa về nhà, cho ở trên cây kèo giữa và nuôi bằng loại cháo ngon. Khi đến mùa đập lúa, máy đập vọt lên vọt xuống, Dạ-xoa sợ máy đập vào đầu nên nói với bạn không thể ở đây thêm, và xin đi nơi khác. Dạ-xoa lần lượt được cho ở trong chòi để máy đập lúa, chỗ giếng nước, lò bánh mì, kho phân, đống tro và cổng làng, nhưng không chịu ở đâu hết, luôn cằn nhằn: chỗ thì máy đập lúa nâng lên e rằng chẻ đầu ra làm hai, chỗ thì tụi nhóc tiểu bậy, chỗ thì đàn chó nằm dài, hoặc bầy trẻ phóng uế, có khi liệng rác, chỗ thì trai làng đến xem bói. Vì thế cô ta đưa Dạ-xoa về một nơi yên tĩnh ngoài làng, mỗi ngày đều mang cháo ngon đến cho ăn. Một hôm Dạ-xoa nói với bạn mình: - Năm nay trời sẽ mưa nhiều, nên trồng lúa ở nơi khô ráo. Có khi Dạ-xoa cho biết: - Năm nay hạn hán, nên trồng lúa nơi ẩm thấp. Lúa của người khác bị hư vì lúc úng lúc hạn, nhưng lúa của người đàn bà trẻ thì bội thu. Dân làng ngạc nhiên đến hỏi cô: - Này chị, lúa của chị chẳng bị úng, chẳng bị hạn. Chị làm mùa dường như biết trước thời tiết. Phải vậy không? Cô ta đáp: - Tôi có người bạn là Dạ-xoa cho tôi biết trước sự thay đổi thời tiết, và tôi trồng lúa trên đất cao hay đất thấp tùy theo sự chỉ dẫn của chị ấy. Các bạn không thấy sao, ngày nào tôi cũng mang cháo ngon và các loại thức ăn đến cho chị ấy. Nếu các bạn làm như tôi cũng sẽ được trúng mùa. Dân làng lập tức tôn vinh Dạ-xoa. Và từ đó Dạ-xoa chăm sóc mùa màng cho mọi người, nhận được nhiều quà biếu và được nhiều người tôn kính. Dạ-xoa tạo nên thông lệ bữa ăn tám món, còn được duy trì mãi đến nay. |