SUỐI REO RỪNG TRÚC

H.T THÍCH NHẬT QUANG

ĐOẠN 19

 

Thiền tông chỉ thị,

Mục kích đạo tồn;

Không cốc truyền thanh,

Âm hưởng ứng dã.

Chú thích:

- Chỉ thị: Chỉ dạy.

- Mục kích đạo tồn: đạo ở trước mắt.

- Không cốc: Hang trống.

Giảng:

Nói Thiền tông chỉ thị tức là cách chỉ dạy của thiền tông, chỉ ngay sự việc trước mắt, không khuất lấp chút nào hết gọi là trực chỉ. Thường trong nhà thiền nói cái thấy của Thiền sư là cái thấy trực chỉ, không kẹt bất cứ một hiện tượng nào qua cái thấy hiện tiền. Đó là điểm đăïc biệt của nhà thiền. Tổ dạy thiền tông chỉ dạy đạo ở ngay trước mắt chứ không có đâu xa hết.

Vậy Đạo là gì? Là tâm. Tâm là gì? Cái biết. Tất cả chúng ta đều có cái biết, khi nói đến cái biết là chúng ta nhận ra được ngay. Người lớn kẻ nhỏ, người học rộng, người học ít, ai cũng đầy đủ cái biết hiện tiền. Như ta nhìn lên trần nhà thấy cây quạt đang xoay, mọi người đều thấy thế, không ai không thấy. Cái hay thấy ấy bình đẳng nơi tất cả chúng ta, không phân biệt tuổi tác hay giàu nghèo, đẹp xấu… Cái biết đó không xen lẫn, không bị động bởi các cảnh duyên, nó chính là cái biết của tâm. Mỗi người đều sẵn có cái biết, thường dùng nó mà lại không chịu nhận nó, mới lạ chứ! Có một điều chúng ta quen cho cái hiểu biết phân biệt theo hiện tượng bên ngoài là tâm mình nên bị nó dẫn đi, thành ra quên mất cái biết chân thật.

Lấy lại ví dụ ở trên, như ta thấy cây quạt đang quay, nếu chỉ biết chừng ấy thì đâu có việc gì, nhưng thường chúng ta không dừng ở ngang đó, mà vận dụng đến ý thức phân biệt xem cây quạt này hiệu gì của nước nào sản xuất, ai cúng dường, nó quay chậm quá, nhanh quá v.v… Trăm ngàn vấn đề được đặt ra làm ta mất hết thì giờ, bị cuốn hút trong những vấn đề rối rắm đó, do vậy mất đi sự tỉnh táo sáng suốt. Cứ như thế con người lao lự cả đời, không ích lợi gì hết. Tất cả mọi sự kiện đều được hình thành từ cái mớ vọng tưởng rối bòng bong, thiên hạ chết ngộp trong đó, không một phút giây yên tĩnh nên rồi đâm ngán cuộc đời.

Người lớn suy nghĩ nhiều quá, vọng tưởng nhiều quá thành ra sống khổ. Chớ như mấy em bé có lo sợ toan tính chi đâu, nhờ vậy nó hồn nhiên vô tư. Có lần tôi đọc một câu chuyện thật cảm động. Vào buổi chiều gần tuyến đường xe lửa, có một em bé ra đường rầy chơi. Em chơi rất hồn nhiên. Khi còi báo động toa tàu sắp chạy qua, em vẫn hồn nhiên ngồi đó, xung quanh không có một người nào. Ngay sau đó vài người lớn phát hiện ra em đang ngồi trên đường rầy, họ la hoảng lên mà không dám chạy tới cứu. Bỗng… khi ấy một em bé khác lăn người ra ôm đứa nhỏ rồi lăn nhanh vào lề, thì đoàn tàu vừa chạy tới.

Câu chuyện làm cho người đọc rất xúc động. Em lớn hơn cứu em bé nhỏ, bởi cả hai đều vô tư nên cả hai đều không lo lắng sợ hãi. Và chính vì thế các em mới vượt qua cái chết một cách hồn nhiên vô tư. Thật tuyệt vời! Em bé nhỏ không biết tại sao mình bị ôm kéo vào lề, hình như em cũng không cần biết chuyện đó. Con tàu là gì, em ngồi chỗ ấy nguy hiểm ra sao… em không biết nên hoàn toàn bình yên. Sự việc như vy, em là người trong cuộc, là nhân vật độc nhất đứng trước khoảnh khắc sống chết vào buổi chiều hôm ấy, nhưng đầu óc ngây thơ, rỗng rang, trong sáng nên em chẳng sợ chết. Còn em bé lớn hơn cũng chưa đủ suy nghĩ, chưa đủ kiến thức, chưa có địa vị gì trong cuộc đời. Em lao ra ôm em bé một cách tự nhiên, cũng không nghĩ mình cứu ai. Và chính vì thế em đã trở thành một anh hùng bé nhỏ.

Huynh đệ chúng ta càng có tuổi, càng tự chứng minh mình có kiến thức, có học Phật, có hiểu biết về cuộc đời thì càng hốt hoảng, càng sợ sệt, càng mất mình. Bao nhiêu người lớn đứng nhìn tử thần sắp đến chụp em bé, họ la lối, sợ hãi cho nó nhưng chẳng ai dám nhảy ra cứu em bé, vì họ quá hiểu biết! Khi phân biệt nhiều quá thì cái hiểu biết của mình bị bóp méo mất rồi, nó làm cho ta hoàn toàn biến chất. Chính kiến thức đầy tràn làm hỏng đi sự tự chủ, trí tuệ sáng suốt và sức mạnh phi thường của mình. Bởi vì càng suy nghĩ, chúng ta càng bị bản ngã vây bủa, càng lệ thuộc vào nó và cuối cùng thi hành theo lệnh của nó sai khiến, phải bảo vệ bản ngã. Bảo vệ bản ngã càng nhiều thì càng sợ chết, sợ đau, sợ mất mát… nên sự hy sinh anh dũng, cái hồn nhiên trong sáng như của em bé mất hẳn trong chúng ta rồi. Nếu có thì những cái gọi là anh hùng ấy chẳng qua do bản ngã thúc đẩy mà thôi, chớ không phải vô tư như một em bé.

Có khi ta càng lớn thì bản ngã cũng len lỏi phát triển theo, nó tăng tiến phát triển đến mức có cả một mạng lưới bao bọc xung quanh để bảo vệ mình. Người tu làm sao gầy dựng được sức sống hồn nhiên là điều rất quí giá. Ta cứ bị cái ngã nó dụ dẫn, thêu dệt như vy như khác nên mình không còn trong sáng ở chỗ thấy nghe chân thật ban đầu. Tu như thế thì dù học Phật, biểu dương hạnh Phật, nhưng vẫn không đạt được lợi ích gì. Người tu thiền là người khéo vận dụng trí tuệ của chính mình. Thực chất của việc tu hành là phát huy trí tuệ, phát huy theo chiều phản quan để xé nát bản ngã. Thiếu trí tuệ chúng ta sẽ mờ mịt, quờ quạng khi đối diện với những sự kiện chung quanh, do đó không phút giây nào ta được bình yên.

Đạo là gì? Là không xen tạp, là tự tại. Tâm là gì? Là cái biết. Nhưng chúng ta có sống đạo chưa hay còn đang quay cuồng với muôn ngàn lớp vọng tưởng? Từ ngày tới đêm, hết đêm sang ngày, chúng ta bị lao lự, quay cuồng bởi những thứ xung quanh, làm sao giải thoát được. Chư huynh đệ nhìn lại xem, mỗi khi ta bực bội, sân hn… phiền não lẩn khuất đầy trong mình, có điều kiện là nó bung ra. Nếu bung không được, nó chờ mình vừa chợp mắt là trào lên thành những cơn mộng mị kinh hoàng, ta có nghỉ ngơi được với nó đâu? Nếu chúng ta không sáng suốt, không tự chủ thì sẽ luôn bị động bởi những sự kiện xung quanh. Chính những sự kiện ấy làm mất đi tánh sáng của chúng ta, đồng thời nó cũng tạo ảo giác kéo dài làm ta trôi lăn trong đau khổ.

Theo tinh thần thiền tông, đạo chỉ thẳng trước mắt. Cho nên thiền sư nói cây gậy là cây gậy, cần dùng thì dùng, không cần thì thôi. Ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ, sự việc bình thường trước mắt, không có cái khác. Bởi sống được như vy nên các Thiền sư mới dám nói thiền là ăn cơm, là uống nước, bình thường giản dị như thế. Song những con người bình thường đó, ít ai làm được vì chúng ta bị buộc ràng nhiều thứ quá. Ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm nhắc cho chúng ta thiền là cuộc sống bình thường. Nề nếp sống của Thiền sư là phát huy cái biết, sống được với tâm chân thật của mình. Tâm đó không có xen lẫn thứ khác nên không dao động, không hỗn tạp.

Ý thứ hai, ở đây Tổ nói âm hưởng từ hang trống dội lại, nó không suy nghĩ, không bắt chước ai. Âm hưởng tức tiếng vang từ trong hang trống dội lại. Tổ dạy âm hưởng đó không suy nghĩ, không dấy niệm phân biệt gì hết. Tiếng động thế nào thì nó vang thế ấy, chớ không suy nghĩ chi. Cũng vậy, tâm chúng ta phản ứng lại những sự việc đưa tới giống như tiếng vang ở hang sâu, không cần suy gẫm phân biệt gì cả. Đó là cái chân thật hiện tiền.

Ở trên Ngài nói tâm không có xen tạp, không có dao động, ở đây Ngài nói tâm là cái chân thật, như sự giao hưởng chân thật của âm thanh. Nó không là cái gì khác, không suy nghĩ phân biệt gì gì, theo hình thanh thế nào thì phát ra âm hưởng thế ấy. Nói rõ hơn, đoạn này Tổ dạy chỉ thị của thiền tông hiện tiền ở trước mắt thấy nghe rõ ràng mà không suy nghĩ phân biệt, không có gì lạ cả.

Vấn đề là làm sao chúng ta sống được với cái không phân biệt, cái hiện tiền, cái trước mắt hồn nhiên của mình? Như một đứa bé nhìn sự vật một cách hồn nhiên, không phân biệt gì hết, cho tới cái chết sắp đến mà không sợ sệt, vẫn bình thường. Tới cái phút giây người ta giật nó ra khỏi chỗ chết nó cũng bình thường. Đó chính là chủ ý của nhà thiền. Muốn sống được như thế, chúng ta phải mạnh dạn phủi rủ tất cả những gì khoác bên ngoài, những gì lâu nay bu bám quanh mình. Thiền là cái hiện tiền trước mắt, không so sánh, không suy nghĩ. Biết rõ tính chất của thiền như thế, tại sao chúng ta cứ đắn đo lao lự, mà không nhanh chóng buông xuống hết. Cho nên các thiền sư ngộ đạo từ những sự việc trước mắt, không có cái khác. Các Ngài cũng khẳng định đạo không ngoài mọi hiện tượng động dụng chung quanh ta mà có. Cho nên các ngài được tự tại ngay trong cuộc đời này.

Học đoạn này, chúng ta càng phấn chấn hơn bởi vì sự giác ngộ ở ngay trong lòng cuộc sống này, chớ không có đâu xa. Chỉ cần chúng ta tự nhắc nhở mình tỉnh giác, phản quan trở lại thì sẽ không bị cảnh duyên dối gạt dẫn đi. Nhận lấy cái thấy biết chân thật ngay nơi mình, không phải là việc quá tầm tay mà chỉ vì chúng ta chưa quen thôi. Cho nên khắc tỉnh, khắc nhớ là một phương pháp hữu dụng để anh em nắm được kho báu nhà mình. Cần phải bảo nhậm lấy. Chớ để lầm qua mất!

 

 

 

]

 

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM