SUỐI REO RỪNG TRÚC H.T THÍCH NHẬT QUANG |
||
ĐOẠN 3 Công danh chẳng trọng, Phú quý chẳng màng; Tần Hán xưa kia, Xem đà nhèn hạ. Chú thích: - Nhèn: hèn. Giảng: Với
Ngài, công danh không trọng, phú quý không màng. Tại sao? Vì nghiệm
các bậc anh hùng, các bậc đế vương những
đời trước, như Tần Hán thuở xưa lẫy
lừng một cõi, gồm thâu thiên hạ, rốt cuộc
chết hèn hạ không ra gì. Cho nên biết, công danh phú quý
đâu đáng để cho người tu phải bận
tâm. Câu này nhẹ
nhàng lắm, nhưng là lời dạy rất cần thiết
đối với chúng ta. Là một người tu hành mà
còn nặng lòng vướng víu công danh, phú quý thì thật là
không xứng đáng chút nào. Cái nhìn của người thấy
suốt lẽ đạo, không chạy theo tuồng ảo
hóa phù du ấy. Ngài nói các vị đế vương, các
bậc anh hùng hảo hán ngày xưa giờ nhìn lại, còn
ai? Ai rồi cũng chết, tới một lúc nào đó,
thân thể danh tiếng cũng hoại cũng phai nhạt
tàn lụn. Như Hạng Vũ chẳng hạn, một
anh hùng được xem là “cái thế” tức trùm đời,
không ai hơn. Nhưng sau thời gian tranh hơn tranh thua
ngắn ngủi, ông đã tiêu tan hết tất cả,
người ông yêu thương nhất là Ngu Cơ đã tự
sát bên giòng Ô Giang lúc Hạng Vũ chỉ mới ba
mươi hai tuổi. Nếu
nhìn theo phương diện ấy còn gì để chúng ta
mê muội, say đắm, vướng mắc nữa. Ý Tổ
Trúc Lâm nhắc người tu phải tỉnh để
chuẩn bị cho mình con đường vượt thoát
mọi buột ràng mới mong chấm dứt dòng sanh tử
khổ đau. Có thể nói người tu hành mà còn vướng
mắc trong vòng công danh sự nghiệp thì thật quá uổng.
Tại sao? Bởi vì vướng mắc những thứ ấy
thì không hành đạo được. Miệng nói tu mà
không hành đạo, chỉ là nói suông thôi, không thể chấp
nhận được. Nói tu là tu, nói hành đạo là
hành đạo, không chỉ nói suông trên miệng. Vướng
vô vòng danh lợi rồi cứ gây nhân trả quả đời
đời kiếp kiếp, không tu được, không có
chỗ nào để gầy dựng đạo lý. Chuyện
này nói dễ mà làm khó. Thực sự nếu ở thế
gian ai cũng tu được hết thì Thái tử Sĩ
Đạt Ta đã không vượt thành vào rừng, thay
đổi y phục, làm một người tu. Ở trong
đời sống đế vương mà tu được
thì không có chuyện giữa đêm Ngài bỏ đi. Đắm
đuối trong ngũ dục, trong thụ hưởng
thì không thể gầy dựng được tâm đạo,
không có chuyện tu hành. Cho nên Ngài phải cắt ngang, từ
bỏ tất cả để hành đạo. Cũng vậy,
nếu vua Trần ngồi tại triều mà thành tựu
được đạo lý rốt ráo thì Ngài đã không
chạy lên Yên Tử, vào chỗ rừng sâu núi thẳm,
không cần năm sáu năm tu hạnh đầu đà
v.v… Sở dĩ các Ngài hành đạo như vạây vì
người tu hành mà vướng mắc mùi vị ngũ
dục ở thế gian thì khó tu tiến. Người
có hành đạo thấy rất rõ điều này, thấm
thía trong công phu của mình. Chúng ta phải bảo vệ, nỗ
lực hành trì từng li từng tí mà chưa bình yên, nói gì
xông pha, lăn xả vào những cục diện rườm
rà như thế, làm sao bình yên được! Nói tu phải
có phương tiện, có thời gian, có phương thức
rõ ràng, chứ không thể nói suông. Không phải gõ mõ tụng
kinh thật to mà gọi là tu đâu. Công phu thăng trầm
trải dài nhiều năm tháng khi tiếp duyên xúc cảnh
cũng như khi ẩn thân nơi chốn rừng núi. Quá
trình bước đầu của người tu phải
áp dụng như vạây. Kế nữa, từ công phu phấn
chấn, ta sẽ bình yên dần trước mọi cảnh
duyên, luôn luôn tỉnh sáng. Nhờ tỉnh sáng nên ta làm chủ
được tất cả, những dấy niệm về
thân, về cảnh, về con người, về xã hội,
về địa vị, về tiền tài danh vọng
v.v… tất cả đối với người thức
tỉnh đều bình thường. Được
vậy một chân trời rỗng rang sáng suốt mở
ra. Không nói giác ngộ giải thoát, nhưng chúng ta không
vướng mắc gì cả. Đây là một pháp tu mà ai cũng
có thể áp dụng được. Chỉ cần chịu
nhìn lại, quán niệm, chiếu soi thì bất cứ lúc
nào, ở đâu chúng ta cũng có thể tu được.
Người tu là người sống bình thường an
nhiên tự tại. Chư Tổ dạy chúng ta, không nói những
điều xa vời khó khăn. Các Ngài dạy những việc
hết sức gần gũi như đừng ham ăn,
đừng ham ngủ, đừng ham vui, đừng buồn
bã âu sầu mãi. Rất là bình thường! Đối với
Thiền sư nghỉ là nghỉ, ăn là ăn, tu là tu,
làm việc là làm việc… Bình thường, không phải
thêm thắt gì hết, khỏi tụng thêm kinh chi ở chỗ
đó. Đôi
khi chúng ta tụng kinh nhiều mà bị kinh chuyển chớ
không chuyển được kinh. Như tụng kinh
Bát-nhã, Phật dạy phải chiếu kiến ngũ uẩn
giai không. Tối ngày mình cứ tụng “… chiếu kiến
ngũ uẩn giai không …”, mà không hành như thế thì có được
gì đâu! Sáng cũng vậy, tối cũng vậy, chiều
cũng vậy, ở đâu cũng vậy; chiếu kiến
ngũ uẩn trên miệng mà thân ngũ uẩn này thì thấy
nó to bằng núi Tu Di, chứ không vừa. Ngài
nói như Tần Hán thuở xưa lẫy lừng một
cõi, gồm thâu thiên hạ, rốt cuộc đều chết,
hèn hạ không ra gì. Cho nên biết, công danh phú quý đâu
đáng để cho người tu phải bận tâm. Qua
đó Ngài nhắc nhở người tu chúng ta hãy nhìn
gương xưa, lấy đó làm bài học. Chúng ta phải
tu, phải sống, phải làm sao đừng để bị
luỵ trong vòng công danh phú quý, làm rối loạn lòng mình
thì tu không được. |