THẤY BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT
I. KIỂM LẠI THẤY BIẾT CỦA CHÚNG TA HIỆN TẠI LÀ THẾ NÀO?
Sống trên
đời này, ai cũng đều có chỗ thấy biết, đó là một điểm không thể chối cãi.
Và lâu nay chúng ta ai cũng như ai thường tự hài lòng với chỗ “thấy biết
của ta”, nhưng chín chắn kiểm điểm lại xem, cái gọi là THẤY BIẾT CỦA TA
có thật đúng chưa? Thế mà chúng ta thường hay đi phê bình người này, chỉ
trích người nọ là sao? Khi đi phê bình, chỉ trích mọi người tức trong đó
ngầm nói lên điều gì? Rõ ràng ngầm nói lên chỗ thấy của ta là hay
hơn hết. Ta thấy là đúng đắn, chính xác nên ta thấy được chỗ dở của người,
chỗ thấy của người hẳn còn kém thua ta nên ta đi phê bình để nêu cao chỗ
thấy của ta cho tất cả biết. Bấy nhiêu đó, đủ thấy cái THẤY BIẾT CỦA TA là
như thế nào rồi, khỏi phải nói thêm nhiều lời!
Song, đặt
câu hỏi lại: chỗ thấy biết của ta có được bao nhiêu đối trong vũ trụ này?
Quả là rất còn hạn hẹp. Ngay cả những nhà bác học, chỗ thấy của họ cũng
còn giới hạn, cũng còn có nhiều điều chưa biết. Vậy thì tại sao chúng ta
dám tự hào về cái thấy biết của mình?
Để thấy lại
chỗ này, chúng ta thử đặt thêm câu hỏi. Hiện tại chúng ta ai không có mắt
chăng? Nếu không phải là người mù, thì ai ai cũng đều có mắt, vậy tại sao
Phật bảo chúng ta là vô minh? Vô minh tức là mù tối, là không sáng suốt.
Có mắt sao gọi là không sáng suốt? Bởi vì chúng ta có mắt mà thấy biết
theo tình mê, nhìn đảo lộn sự thật, lấy cái giả làm chân, không phải ta
lại chấp bướng, chấp càn là ta. Hơn nữa, thấy biết cái gì cũng luôn luôn
dán nhãn hiệu “TA” vào trong đó, cho nên thấy biết cái gì cũng đều bóp méo
sự thật theo cái ta: ta thấy, ta hiểu, cái thấy của ta là trên hết, là bất
khả xâm phạm. Vậy không phải vô minh là gì? Có thể hài lòng được sao?
Trong kinh
Niết Bàn có kể câu chuyện: Một ông Vua muốn thử chỗ nhận biết của những
người mù thế nào, bèn sai đem con voi ra trước sân và cho gọi một số người
mù đến trước con voi, bảo thử diễn tả con voi cho ông nghe. Đám người mù
đó lăng xăng đến rờ con voi, người rờ trúng cái đuôi, bảo: con voi giống
cây chổi. Người rờ trúng chân bảo: con voi giống cây cột. Người rờ trúng
bụng bảo: con voi giống cái lu. Người rờ trúng cái tai bảo: con voi giống
cái quạt v.v… rồi cãi nhau inh ỏi. Trong khi đó ông vua nhìn thấy toàn thể
con voi rõ ràng, chỉ biết cười thôi.
Câu chuyện
đơn giản mà thật ý vị! Tại sao đám người mù cãi nhau inh ỏi? Chỉ vì chỗ
thấy chưa trọn vẹn. Dù mỗi người có thật sự đụng đến con voi, nhưng vì chỉ
đụng đến một góc, một cạnh, không thấy thấu được toàn thể con voi mà cứ
chấp chặt chỗ nhận biết của mình là đúng hơn hết, do đó thành cãi. Cãi đó
là để làm gì? Để nêu cao, bảo vệ cái thấy biết của ta là đúng nhất! Không
ngờ TA THẤY chỉ là một khía cạnh thôi, càng cãi càng lộ bày chỗ dở của
mình ra mà không hay.
Trái lại,
ông vua mắt sáng nhìn thấy trọn vẹn con voi trước mắt rõ ràng, chỉ cười
thôi, đâu nhọc tranh cãi làm gì? Đó là nói người có đụng đến con voi thật
sự nhưng đụng chưa trọn vẹn mà còn thấy lệch lạc như thế, huống nữa người
chưa đụng đến, chỉ nghe nói rồi ức tưởng mà đi cãi, thì còn phải nói sao
đây?
Quả thật,
xét cho cùng tột thì cái THẤY BIẾT của chúng ta hiện tại đây rất còn giới
hạn, nhưng vì cái TA che mờ thành ra tự hào thôi. Hãy xem, đồng là một cô
thiếu nữ mà người thì thấy đẹp, người thì thấy xấu tùy theo ý riêng của
mình. Người nhìn trên sắc tướng thấy thích liền bảo là đẹp. Người nhìn
trên đức hạnh không vừa ý bảo là xấu nết.
Cũng vậy,
cùng một đóa hoa, ta thấy là đẹp, người thấy là xấu. Tại sao như thế? Chỉ
vì trong đầu ta chưa từng thấy đóa hoa nào đẹp hơn đóa hoa này, còn người
kia thì trong đầu họ đã từng thấy nhiều đóa hoa đẹp hơn đóa hoa này gấp
bội. Nhưng “hoa vẫn là hoa”, nó có nói tôi đẹp, tôi xấu bao giờ đâu? Chỉ
vì mỗi người chúng ta đem cái khuôn in sẵn trong đầu của mình ra để đo nó,
bóp méo, bắt nó phải đẹp, phải xấu theo cái khuôn TA ấy, thành ra không
thấy trọn vẹn được đóa hoa. Vậy mà cũng tự hào! Chừng ấy đủ thấy chỗ lầm
của mình rồi!
Trong kinh
Lăng Nghiêm có nói đến CÁI THẤY BIỆT NGHIỆP và CÁI THẤY ĐỒNG PHẬN.
- Cái thấy
biệt nghiệp, như ban đêm có người bị bệnh mắt nhìn thấy ngọn đèn có thêm
cái bóng tròn năm màu hiện ra, nhưng người mắt sáng dù ở bên cạnh nhìn xem
vẫn không thấy.
- Cái thấy
đồng phận, như người nước này thấy những điềm bất tường như sao chổi, sao
băng, hai mặt trời v.v… mà người ở nước khác không thấy.
Cũng vậy,
chúng ta luôn luôn thấy biết sự vật đều có một cái bóng tròn đi theo sát
bên mình. Bóng gì? Đó là “bóng của một cái tôi.”
Kìa, núi
cao, sông sâu, do đâu mà cao, mà sâu? Chúng ta hãy đến hỏi xem núi, nó có
nói nó cao nó thấp bao giờ chăng? Sông, nó có nói nó sâu, nó cạn gì chăng?
Quả là chúng ta gán cái tôi vào trong đó, rồi bắt nó cạn, nó sâu, nó cao,
nó thấp theo cái tôi này! Tôi thấy núi này cao vì trong đầu tôi chưa thấy
núi nào cao hơn. Người kia thấy núi này thấp, vì trong đầu họ đã từng thấy
những núi cao hơn. Thế là núi có cao, có thấp theo cái “bóng nhòa một cái
tôi”. Vậy bảo là chân lý muôn đời được sao? Gân cổ lên cãi để bảo vệ cho
nó được sao?
Từ một người
bệnh có bóng nhòa cái tôi đó, mà thấy sự vật có mang theo cái bóng nhòa
ấy, rồi người người bệnh mắt cũng đồng thấy sự vật có cái bóng nhòa theo
bên, nên cùng hài lòng trong đó cho là chúng ta thấy đúng. Song
những người mắt sáng không cùng chung bệnh mắt đó, như người ở nước khác
bên cạnh thì vẫn thấy bầu trời trăng sao trong sáng, không có sao chỗi,
sao băng gì. Tức nhân một người bệnh mắt mà nói rộng ra nhiều người trong
một nước đồng cái thấy bệnh ấy, gọi là cái thấy đồng phận. Tức là cái lầm
chung với nhau.
Chính vì mỗi
người đều sống có một cái bóng tròn riêng nên ai ai cũng đều sống với cảnh
giới riêng, dù ngồi sát bên nhau nhưng trong đầu mỗi người vẫn đang có một
cảnh giới riêng, nên cũng không tiếp xúc được nhau. Xả cái bóng TA đó đi,
thì gặp nhau tất cả, còn gì tranh cãi nữa?
Ông Tô Đông
Pha có bài tụng nói về LÔ SƠN CHÂN DIỆN MỤC, tức MẶT MÀY THẬT CỦA NON LÔ:
Hoành khán
thành lãnh trắc thành phong,
Viễn cận cao
đê giai bất đồng.
Bất thức Lô
sơn chân diện mục,
Chỉ duyên
thân tại thử sơn trung.
Nghĩa:
Nhìn ngang
thành dãy, xéo thành non,
Cao thấp, xa
gần thảy chẳng đồng.
Chẳng biết
Lô sơn mày mặt thật,
Bởi tại núi
này thân ở trong.
Cũng là một
ngọn núi Lô, nhưng người đứng ngang thì nhìn thấy là một dãy núi, người
đứng xéo nhìn lại thấy chỉ là một ngọn núi, đứng gần thì thấy cao, đứng xa
thì thấy thấp v.v… Nhìn theo kiểu đó, hẳn muôn đời đâu thấy được mặt mày
thật của non Lô, trái lại là nhìn theo cái BÓNG TA rồi! Đó là vì, thân
đang bị kẹt trong núi này, đang đóng khung trong núi năm uẩn ta đây, hẳn
không thể thấy được chân lý. Song chân lý thật sự ở đâu mà không thấy?
II. CHÂN LÝ Ở TRONG TA
Chúng ta cứ
lo hướng ra bên ngoài chạy tìm chân lý, không ngờ chân lý ở ngay chính
mình. Mình sai thì thấy cái gì cũng sai, theo cái tình sai lầm đó. Trái
lại, mở sáng mắt tâm, phá mê lầm thì thấy cái gì cũng sáng suốt đúng như
thật.
Có một bà nọ
đến nghe Thiền sư Bạch Ẩn thuyết giảng rằng: “Tâm thanh tịnh thì cõi nước
thanh tịnh, đức Phật trong mỗi chúng sanh: Một khi đức Phật xuất hiện thì
mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận được điều
này, phải phản quan tự kỷ, đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức độ
tịnh, thì làm sao để trang nghiêm tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng
sanh thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?”
Nghe xong bà
nghĩ: “Điều đó không khó!” Về nhà bà bắt đầu quán chiếu suốt ngày đêm, đeo
đuổi mãi dù ngủ hay thức.
Một hôm,
đang rửa nồi, thình lình bà tỏ ngộ.Mừng quá, bà ném cái nồi qua bên, liền
đến gặp ngài Bạch Ẩn. Bà nói:
- Tôi bỗng
gặp đức Phật trong thân tôi. Mọi vật rạng ngời ánh sáng. Thật kỳ diệu! Kỳ
diệu!
Bà quá đỗi
sung sướng. Bạch Ẩn chợt bảo:
- Bà nói như
thế, nhưng còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng không?
Bà bước lên,
đấm vào Bạch Ẩn nói:
- Ông già
này chưa ngộ.
Bạch Ẩn cười
to.
(Những Nụ
Cười Thiền)
Xem đấy! Bà
này tỏ ngộ liền sung sướng hứng khởi, cảm thấy đức Phật ngay trong thân bà
và mọi vật trước mắt đều sáng ngời ánh sáng ấy. Tuy nhiên nghe vậy, Bạch
Ẩn còn gạn lại để xem bà đã có kinh nghiệm thực sự hay do một cái khuôn
đúc sẵn trong đầu đã học hiểu từ trước. “Tất cả đều sáng ngời, vậy hầm
phân thì sao? Nó có chiếu sáng chăng?” Nếu nghe nói hầm phân, cái “khuôn
nhơ sạch” trong đầu hiện ra, bèn trầm ngâm do dự, thì biết ngay là chưa
phải. Ở đây, bà đã thực sự kinh nghiệm rõ ràng, nên trả lời ngay bằng một
cái đấm “Ông già này chưa ngộ!” Cho thấy lời lẽ kia không thể lừa được bà!
Như vậy,
cũng cảnh này, khi mê thấy sai khác theo tình mê, khi giác thấy sáng tỏ
theo ánh sáng chánh giác, nhưng núi sông vẫn là núi sông, chưa từng có mê
ngộ. Chúng ta thì thường bị lầm theo bên ngoài. Chẳng hạn lâu nay chúng ta
đọc truyện Kiều, thấy Nguyễn Du nói:
“Cảnh nào
cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ”
Thông thường
ai cũng thấy hay, đúng với tâm cảnh chúng ta hiện tại phải không? Tuy
nhiên, mở con mắt thiền, phản chiếu trở lại xem, có thực đúng chưa?
Cảnh, nó có
đeo sầu, đeo não chăng? Hay là chúng ta lấy CÁI TA mà đeo vào nó? Đó là
đem cái ta mà đo lường cảnh, đem cái ta rọi vào cảnh, nhìn cảnh qua cặp
kiếng màu đen sậm một CÁI TA! Sự thật, cảnh có buồn có vui gì đâu? Chúng
ta đem cái buồn vui trong lòng mình rồi gán vào cho cảnh, bắt nó buồn, nó
vui theo mình, gọi đó là chân lý được sao? Các pháp từ tâm sanh là đấy!
Xưa có vị
tăng ở Hải Đông qua Trung Hoa tham học, giữa đường mệt mỏi không chỗ trú ,
bèn tạm vào ngôi mộ cổ nghỉ qua đêm. Trong lúc đó, khát nước quá, ông nhìn
qua bên cạnh thấy có nước, lấy tay vốc lên uống nghe ngọt ngào hết khát.
Sáng ra, nhìn lại đó là một cái sọ người, ông liền ói mửa ra. Ngay lúc đó
ông chợt tỉnh ngộ: “Một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi.”
Chúng ta
thấy cái nguy hiểm của “tâm sanh” chưa? Tại sao cũng nước đó mà lúc đêm
uống vào thấy ngọt ngon, muốn uống thêm, đến sáng ra nhìn lại chưa kịp
uống đã nôn mửa! Nguyên nhân nằm ở chỗ nào? Chính do tâm phân biệt chứ gì?
Nghĩa là, vừa xen cái tôi phân biệt vào liền có nhơ sạch sai biệt, có ngăn
cách trong ngoài. Bám chặt vào cái thấy biết đó để đề cao cái TA giữa thế
gian này, chính là sống trong mê lầm. Vì vậy, ngay đây nếu có ai cứ đem
cái TA này đi phê bình người này, người nọ thì biết ngay là đang sống
trong cái thấy biết gì, khỏi phải nói thêm nhiều!
III.THẤY BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT LÀ NÓ
Đã rõ cái
thấy biết sai lầm méo mó như trên rồi, giờ đây chúng ta phải nhìn trở lại
trong ánh sáng trí tuệ, thấy biết đúng như thật nơi các pháp. Thân này
không phải ta, thấy đúng không phải ta. Tâm sanh diệt thế nào thấy đúng
như thế không lầm. Núi sông thấy đúng như núi sông. Thấy biết một cách
rành rõ không xen lẫn cái ta vào, không đồng hóa thấy biết với cái bị
thấy, không theo một cái khuôn nào trong đầu.
Phải thấy
như Phật đã nói trong kinh Pháp Hoa: “Như Lai chẳng như ba cõi mà
thấy ba cõi, Như Lai thấy suốt không có sai lầm.”
Thấy không
sai lầm là phải thấy như vậy. Chẳng như ba cõi mà thấy ba cõi là thấy thế
nào? Tức là thấy biết tất cả thế gian trước mắt, nhưng thấy biết vẫn là
thấy biết, nguyên vẹn như nó là nó, nên thấy tất cả mà không là cái gì
hết. Thấy như thế tức là Như Lai thấy, ba cõi làm sao che mờ, dối gạt được
nữa? Đó là thấy biết không dừng trụ trên bất cứ cái gì.
Chính chỗ
này, vị tăng hỏi ngài Qui Tỉnh về cây bách của Triệu Châu, Qui Tỉnh bảo:
- Ông có tin
chăng?
Tăng thưa:
- Lời quý
trọng của Hòa thượng con đâu dám chẳng tin.
Qui Tỉnh
bảo:
- Ông có
nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?
Tăng chợt
tỉnh la: “Chao!” và làm bài kệ:
Thiềm đầu
thủy đích,
Phân minh
lịch lịch.
Đả phá càn
khôn,
Đương hạ tâm
tức.
Nghĩa:
Giọt mưa
trước thềm,
Rành rẽ rõ
ràng.
Càn khôn đập
nát,
Liền đó tâm
dừng.
Chú ý! Từng
giọt từng giọt mưa rơi, nghe biết rõ ràng rành rẽ không một chút mê mờ,
thì giọt mưa vẫn là giọt mưa nhưng tâm sáng ngời không thêm bớt, lấy bỏ gì
trong đó. Như vậy là chính mình đang hiện hữu ngay từng giọt mưa rơi! Thấy
biết được như thế thì thấy biết cái gì cũng sáng ngời, đâu đâu cũng là
Phật pháp, chân lý hiện khắp mọi nơi.
Vua Lý Thái
Tông hỏi về chỗ sống hằng ngày của Thiền sư Thiền Lão, Sư đáp:
Trúc biếc
hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong
mây bạc lộ toàn chân.
(Thúy trúc
hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân
minh nguyệt lộ toàn chân)
Tâm Thiền sư
đã sáng tỏ nên nhìn ra thấy lẽ thật toàn bày trước mắt, không có một chút
gì che mờ. Chỗ nào cũng hiển lộ tánh chân ấy. Song có người nghe thế sẽ
bảo: “Câu đó quá cũ rồi, tôi đã nghe nhàm lỗ tai”. Nói thế là có thấy sáng
ngời được chăng? Và nói thế là biết rõ mình đang sống với cái gì? Tức đang
sống với tâm quá khứ cũ xưa, với cái khuôn chết cứng trong đầu, nên liền
đó hết lộ toàn chân mà “lộ toàn cái tôi” trong đó! Người học đạo cần xét
kỹ điểm này.
IV. HÃY TRẢ LẠI CÁI BIẾT NGUYÊN VẸN, SẠCH MỌI KHÁI NIỆM
Như vậy, để
sống được trong cái thấy biết đúng như thật ấy, chúng ta hãy trả về cái
biết nguyên vẹn, sạch mọi khái niệm đóng khuôn trong đầu này. Hòa thượng
Vân Môn từng thượng đường giơ cây gậy lên bảo: “Phàm phu thấy nó là thật.
Nhị thừa phân tích nói là không. Viên giác thấy như huyễn. Bồ Tát thì
đương thể tức không. Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi
chỉ ngồi, không được động đến.” Thế là thiền gia cao hơn Bồ Tát, Viên giác
sao? Chỗ này người hiểu theo ngôn ngữ dễ lầm.
- Phàm phu:
vì còn mê chấp nên thấy cái gì cũng thật, do đó thấy cây gậy là thật cây
gậy, thành bị vật che mờ ánh sáng chân thật chính mình.
- Nhị thừa:
thì do phân tích sự vật theo thời gian sẽ hoại diệt, không thật bền bĩ
nên nói là không, nhưng chưa phải ngay đó thấy như thật.
- Viên giác:
ngay đó thấy như huyễn không thật có, tức cũng còn có chỗ lý quán như
huyễn đó! Nghĩa là còn có cái lý như huyễn để thấy.
- Bồ Tát:
ngay đương thể đây thấy rõ tức không, không đợi phân tích theo thời gian
mới thấy thành không. Song như thế cũng chưa khỏi còn chỗ chiếu soi cái
không ấy nên vẫn chưa tột lý.
- Thiền gia:
thấy đúng như thật nó là nó, không thêm bớt chút gì trong đó. Nghĩa là,
ngay đó thật thể hiện tiền, không thêm một ý niệm gì khác, vì vậy bảo:
“không được động đến”. Động đến tức có xen cái tôi vào!
Tuy nhiên,
đây là ngầm chỉ nếu người còn kẹt trên lý sai biệt, còn vướng trong cái
thấy thứ lớp tức chưa rốt ráo, không phải bảo Thiền gia cao hơn Bồ Tát,
Viên Giác. Nếu người khởi cái thấy cao thấp đó, liền mê như cũ! Cốt là,
sạch mọi khái niệm trong đầu, cây gậy chỉ là cây gậy, ông làm sao xen thêm
cái gì để hiểu? Có thêm cái hiểu thì cây gậy không còn là cây gậy, mà đã
thành “ cây gậy của tôi”. Mê Ngộ chỉ trong đường tơ kẻ tóc ấy.
Một dịp
khác, Thiền sư Quế Sâm cùng Trường Khánh, Bảo Phước đi vào trong Châu,
thấy một đóa hoa mẫu đơn, Bảo Phước nói:
- Một đoá
hoa mẫu đơn đẹp.
Trường Khánh
bảo:
- Chớ để mắt
sanh hoa!
Quế Sâm nói:
- Đáng tiếc
một đóa hoa!
Ôi, chỉ một
đóa hoa bình thường vô sự, bất ngờ bị ba lão gây thành sóng gió sai biệt!
Hoa, nó có
nói đẹp nói xấu gì? Nó có làm mắt sanh hoa bao giờ đâu? Hoa chỉ là hoa
thôi, chớ xen “ý niệm” gì khác nữa. Tuy nhiên trong đây nếu người nhìn
theo cái khuôn khái niệm trong đầu, liền bị ba lão gạt dễ dàng. Tức có
người bảo, trong đó Quế Sâm hay hơn tất cả, Bảo Phước còn nói đẹp xấu,
Trường Khánh còn theo đuôi Bảo Phước lấy bỏ. Đâu biết rằng “Trường Khánh,
Quế Sâm và mình” đều rơi vào cái bẫy của Bảo Phước mà không hay.
Kìa, Bảo
Phước không sóng cố gây thành sóng để trêu người! Trường Khánh, Quế Sâm
mỗi người tự có chỗ sống, nhưng bất ngờ bị Bảo Phước khám phá ra rồi!
Chúng ta không hiểu, chen vào đó khen chê, lại rớt vào bẫy! Vậy có ai khéo
trả lại đóa hoa bình thường xem!
V. TÓM KẾT
Cuối cùng
ngay đây, cái gì vay mượn hãy trả về cho vay mượn, mọi thứ trả về cho mọi
thứ, trống sạch mọi khái niệm khuôn khổ đóng cứng trong đầu, NHƯ THẬT
THẤY BIẾT ĐÚNG NHƯ THẤY BIẾT, không xen thêm cái gì vào, nhất là không cái
tôi xem! Tức liền đó, luôn luôn thấy biết mới mẻ, vi diệu! Nếu bảo rằng:
“Sao cứ bao nhiêu đó nói hoài”, thì ngay đó biết rằng mình đang thấy biết
với cái gì? Quả tang là với cái khuôn quá khứ trong đầu, với cái
tâm quá cũ của quá khứ, chớ vội tự hào!
Chúng ta hãy
nghe câu chuyện Đàm Thạnh với Dược Sơn. Đàm Thạnh đứng hầu, Dược Sơn hỏi:
- Bá Trượng
nói pháp gì?
Sư thưa:
- Có khi
Ngài thượng đường, đại chúng nhóm họp xong. Ngài lấy gậy đuổi tan, rồi
gọi: - Đại chúng! Đại chúng xoay đầu nhìn lại, Ngài liền hỏi: - Là cái gì?
Dược Sơn
bảo:
- Sao chẳng
nói sớm thế ấy, ngày nay nhân ông ta thấy được Hải huynh.
Trong đây
cho thấy, Đàm Thạnh chỉ nhắc lại việc cũ của Bá Trượng thôi, vì sao Dược
Sơn bảo: “Nhân ông ta thấy được Hải huynh?” Tức nhân đó Dược Sơn thấy được
Bá Trượng. Vậy thì ngay đó Bá Trượng hiện tiền sáng ngời, sao bảo là lời
cũ được? Nhưng chúng ta nghe nhắc lại thì có thấy Bá Trượng chăng? Tại sao
không thấy?
Đơn giản,
bởi vì tâm chúng ta quá cũ! Bởi tâm mình quá cũ nên nghe cũng thành cũ,
rồi cho là chuyện cũ, làm sao thấy được! Đây là chỗ phải nghiệm kỹ để
không lầm, thành ra chỉ sống với cái cũ chết, lại tự cho là mình thông
minh nghe qua liền hiểu rồi! Người học thiền phải NGHE THẤY với tâm luôn
mới mẻ chưa từng trải qua ý niệm gì, thì sẽ nghe được những điều không
ngờ! Đừng vội bảo lời cũ, chuyện cũ, mà hãy xét lại tâm mình có cũ
không?
Và đây, có
vị tăng hỏi ngài Linh Vân:
- Thế nào là
chư Phật chưa ra đời?
Sư đưa cây
phất tử lên.
Tăng hỏi
tiếp:
- Thế nào là
chư Phật đã ra đời?
Sư cũng đưa
cây phất tử lên.
Vậy là Chư
Phật chưa ra đời, ở đâu? Rồi Chư Phật đã ra đời thì ở đâu?
Rõ ràng cũng
chỉ ngay THẤY BIẾT này thôi! Nhưng tại sao chúng ta chỉ thấy có chúng sanh
ra đời? Lỗi tại ai?
Và chín chắn
kiểm điểm lại xem, ngay bây giờ đây, chư Phật ở đâu?
Đưa quyển
sách này lên được chăng?
Mong tất cả
luôn luôn mở mắt, THẤY BIẾT NHƯ THẬT, đó là chỗ cùng gặp nhau trong ánh
sáng chân thật. |