TÂM ẤN TÂM
I. YẾU CHỈ MẬT TRUYỀN
Yếu chỉ
thiền tông thầy truyền cho trò là “lấy tâm ấn tâm”, không dùng một pháp
khác từ bên ngoài. Dù có đánh, có hét, dù nói trái tai, nói thô bạo, nói
nghịch lý v.v… chỉ là phương tiện cởi mở tình chấp cho người, chỗ rốt ráo
vẫn là “một tâm in nhau” mà thôi. Người học chưa thông cảm đến chỗ này, là
còn đứng ngoài cửa, dù kiến giải chứa đầy trong đầu.
Tuyết Phong
hỏi Đức Sơn:
- Việc trong
Tông thừa từ trước, con có phần chăng?
Đức Sơn liền
đánh cho một gậy bảo:
- Là cái gì?
Tuyết Phong
như thùng lủng đáy. Hôm sau, Đức Sơn thượng đường bảo:
- Tông ta
không lời nói, không một pháp cho người.
Như vậy là
lấy gì truyền, lấy gì nhận? Tuyết Phong hỏi: “Việc trong Tông thừa từ
trước, con có phần chăng?” là nghi mình không có hay sao? Cho nên Đức Sơn
liền đập thẳng vào trong ấy, khiến tỉnh lại là xong. Quả thật Tuyết Phong
ngay đó hết chỗ bám. Nếu người cứ mong chờ có một pháp để truyền trao cho
mình nhận, hoặc thấy mình thật có nhận được một pháp từ bên ngoài, dù pháp
đó cao siêu đến đâu, vẫn là người còn trong mộng.
Chính đoạn
nhân duyên thiền, Phật đưa cành hoa sen giữa đại chúng, tất cả đều im
lặng, khi Phật nhìn đến Tôn giả Đại Ca Diếp. Tôn giả cảm thông với cái
nhìn của Phật liền mỉm cười, Phật liền truyền pháp, phó chúc cho Tôn giả,
tin tức mật truyền tâm ấn đã thổ lộ trong ấy. Ngày nay, nhiều người nghiên
cứu lịch sử nghi ngờ, cho đây là đoạn kinh giả, không có sự thật lịch sử,
mà quên rằng kinh văn thì có thể nói giả, và cũng hẳn là giả vì thuộc văn
tự, nhưng ý sâu trong ấy vốn vượt ngoài chữ nghĩa, còn gì nói giả, nói
thật? Người học thiền hay học Phật chân chánh, không phải học ở mấy hàng
chữ ghi lại trên giấy mực kia, mà phải học “ý sống không thể nói” kìa! Bám
theo chữ nghĩa, phân tích câu lời thì muôn đời không thể hiểu thấu được
Thiền chân thật. Thiền sư Tỉnh Niệm ở chỗ Hòa thượng Phong Huyệt đã thâm
đạt ý này, ngài Phong Huyệt liền truyền pháp kế thừa tông Lâm Tế.
Sư ở trong
hội Phong Huyệt làm tri khách. Một hôm, Sư đứng hầu, Phong Huyệt rơi nước
mắt nói với Sư:
- Bất hạnh!
Đạo Lâm Tế đến ta sắp chìm lặng mất!
Sư thưa:
- Xem trong
cả chúng này đâu không có người kế thừa Hòa thượng?
Phong Huyệt
bảo:
- Người
thông minh thì nhiều, kẻ thấy tánh thì ít.
Sư thưa:
- Như con,
Hòa thượng xem thế nào?
Phong Huyệt
bảo:
- Ta tuy
trông mong ở ngươi đã lâu, vẫn e ngại đắm mến kinh này không thể buông rời
(Sư thường thầm tụng kinh Pháp Hoa, nên được hiệu Niệm Pháp Hoa).
Sư thưa:
Việc này có
thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.
Phong Huyệt
thượng đường, nhắc lại việc Thế Tôn dùng con mắt như hoa sen xanh nhìn đại
chúng, bèn hỏi:
- Chính khi
ấy, hãy bảo là nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói lại là chôn vùi Thánh
trước. Hãy bảo: nói cái gì?
Sư bèn phủi
áo đi ra. Phong Huyệt ném cây gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo
sau thưa:
- Niệm Pháp
Hoa nhân gì chẳng đáp lời Hòa thượng?
Phong Huyệt
bảo:
- Niệm Pháp
Hoa đã lãnh hội.
Hãy chú ý!
Ngay khi Thế Tôn đưa mắt thanh tịnh như hoa sen xanh nhìn đại chúng, chính
khi ấy là nói cái gì? Và Thiền sư Tỉnh Niệm đã lãnh hội chỗ nào? Yếu chỉ
này vốn không nằm ở câu chuyện xa xưa, cũng không ở mấy dòng chữ kia, mà
chính ở ngay người đang đối diện đây! Tiếc thay, bao người cứ lo phân tích
trên câu chuyện, quên mất ánh sáng đang hiện hữu!
Ở Việt
Nam,
Vua Trần Thánh Tông từng cảm nhận ý này và đã tỏ bày trong đoạn pháp ngữ:
“xưa nay nói một câu rốt sau mới đến lao quan. Ba đời chư Phật bốn mắt
nhìn nhau, sáu đời Tổ Sư có phần thối thân. Những người tham học hiện nay
trọn nhằm trong câu tham lấy, lại hỏi các ông, nhằm trong câu làm sao
tham?”
Chư Phật quá
khứ, hiện tại, vị lai chỉ ở trong chỗ bốn mắt nhìn nhau đó, chớ tìm ở
trong câu này câu nọ, chớ giành giựt, tranh cải ở trên cành hoa sen, hẳn
không dính dáng!
Về sau,
Thiền sư Chân Nguyên, người trung hưng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng
chính mình chứng nghiệm việc này. Sư đến tham vấn Thiền sư Minh Lương ở
chùa Vĩnh Phúc núi Côn Cương và hỏi:
- “Bao năm
dồn chứa ngọc trong đảy, hôm nay tận mặt thấy thế nào”, là sao?
Thiền sư
Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại liền cảm ngộ, sụp xuống
lạy. Chính vì cảm sâu ý này nên về sau Sư soạn quyển “Trần Triều Thiền
Tông Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” nói gọn là “Thiền Tông Bản Hạnh”,
Sư đã nhắc đi nhắc lại ý này đến bảy lần:
Đoạn 1:
Tứ mục
tương cố nhãn đồng
Thầy tớ
trao lòng, đăng chúc giao huy.
Nghĩa là:
Bốn mắt nhìn nhau đồng trong con mắt ấy. Thầy trao lòng, ấn tâm cho trò
ngay trong ấy, đèn đuốc xen nhau rọi sáng trong ấy, khỏi tìm đâu khác.
Đoạn 2:
Tam thế
chư Phật Tổ Sư,
Tứ mục
tương cố thị cừ thiền cơ.
Nghĩa là:
chư Phật, chư Tổ trong ba đời vốn hiển bày cơ thiền sâu xa ngay trong chỗ
“bốn mắt nhìn nhau ấy”…
Tiếp trong
bài Ngộ Đạo Nhân Duyên của Sư có đoạn:
Nhất điểm
tâm đăng Phật nhãn sinh,
Tương
truyền tứ mục cố phân minh.
Liên
phương tục diệm quang vô tận,
Phổ phó
thiền lâm thọ hữu tình.
Nghĩa:
Một ngọn
đèn tâm mắt Phật sinh,
Truyền
nhau “bốn mắt ngó” rành rành.
Tiếp thơm
nối lửa sáng sáng mãi,
Trao khắp
thiền lâm phó hữu tình.
Mắt Phật
sinh ngay trong ngọn đèn tâm chớ không đâu khác. Đời đời truyền nhau không
dứt, chính từ trong chỗ bốn mắt nhìn nhau đó! Nhà Thiền thầm trao, mật phó
cho người là trao phó ngay trong ấy thôi.
Như vậy,
“bốn mắt nhìn nhau” có gì đặc biệt trong ấy mà nói đó là thiền cơ, là mật
truyền? Trong đây, nếu nói rõ hơn là: “Mắt mắt nhìn nhau, tâm tâm
trực tiếp với nhau không qua trung gian cái gì,” yếu chỉ “tâm ấn tâm” quá
rõ ràng còn nghi ngờ gì?
Kìa, Thiền
sư nhìn thẳng vào mắt mình, mắt mình đối diện thẳng với Thiền sư, cái gì
thầm cảm trong cái nhìn ấy? Chỗ này ngôn ngữ làm sao nói đến? Trong đó vừa
khởi niệm là rơi bên ngoài xa tít rồi! Thiền sư truyền tâm là đó!
* Sùng Tín
đưa đèn thổi tắt:
Một đêm
Tuyên Giám đứng hầu Thiền sư Sùng Tín. Sùng Tín bảo:
- Đêm khuya
sao chẳng xuống đi?
Sư kính chào
đi ra, rồi trở vào thưa:
- Bên ngoài
tối đen.
Sùng Tín
thắp đèn cầy đưa cho Sư. Sư vừa định giơ tay tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi
tắt. Ngay đó, Sư đại ngộ, liền lễ bái.
Đây là một
đoạn nhân duyên truyền tâm tuyệt diệu, nhưng người học thiền thường được
nghe nhắc tới nhiều lần khiến thành cái khuôn khái niệm hiểu biết trong
đầu nên thấy là thường,là cũ. Chính Sùng Tín đưa đèn là ngầm kêu gọi sức
sống hiện tiền nơi Tuyên Giám, nên Tuyên Giám liền đưa tay ra tiếp lấy.
Vừa giơ tay ra tiếp, sức sống ấy đã lộ bày, đâu cần phải bám vào cây đèn
bên ngoài kia làm gì, nên Sùng Tín liền thổi tắt, để cho đèn Tuyên Giám tự
cháy. Tức ngay đó Sùng Tín đã truyền thẳng vào tâm Tuyên Giám rồi. Và
Tuyên Giám quả nhiên đã chín muồi, liền tiếp ngay không qua cây đèn. Nói
đúng hơn, tâm Tuyên Giám đã in thẳng tâm Sùng Tín, mất dấu cả hai
tâm, do đó Tuyên Giám bừng sống dậy, vượt qua ông thầy. Nếu ngay lúc đó,
tâm Sư còn chứa chút niệm đây là thầy, đây là mình, ắt đã lầm qua mất rồi!
Quả thật đèn Sùng Tín đã được thổi tắt đúng lúc và đèn Tuyên Giám cũng
cháy đúng lúc. Ai thấy đèn Tuyên Giám cháy thế nào?
Vừa nghĩ
ngợi, đã bị Sùng Tín lấy mất đi rồi.
* Vân Môn
gọi Thị giả Viễn:
Thiền sư
Trừng Viễn ở Hương Lâm, lúc còn ở trong hội Vân Môn, Sư làm thị giả mười
tám năm, Vân Môn khi tiếp Sư đều gọi:
- Thị giả
Viễn!
Sư đáp:
- Dạ!
Vân Môn bảo:
- Ấy là gì?
Như thế đến
mười tám năm Sư mới ngộ, Vân Môn bảo:
- Nay ta mới
thôi gọi ngươi nữa.
Ai thấy gì
chăng? Mười tám năm mỗi lần Vân Môn gọi là mỗi lần đã mật truyền cho thị
giả Viễn, nhưng tiếc thay thị giả Viễn còn “theo tiếng gọi quên mình” đành
để lầm qua. Cuối cùng, một “tiếng gọi” đúng ngay “kẻ dạ”, tâm truyền tâm,
thầy trò thầm cảm thông nhau, người ngoài không thể thấy được. Chính đấy
trước kia Tổ Ca Diếp gọi A
Nan, mạch
sống thiền tông một đường thông suốt. Đây gọi là việc trong nhà cha con
dặn dò nhau, không phải chỗ cho kẻ bàng quan dòm lén, huống nữa sanh tâm
bàn tán lăng xăng càng không dính dáng.
II. VƯỢT QUA NHỮNG PHƯƠNG TIỆN, HÝ LUẬN
Đã là “đem
tâm ấn tâm”, hẳn người học phải dọn tâm sẵn sàng, tháo gỡ mọi chỗ dính
mắc, không dừng trên bất cứ phương tiện nào, dù lời nói cao siêu, thủ
thuật đặc biệt. Cần rõ, hễ có lập bày ra đều chưa phải thật, chớ lầm!
Hoài Hải
đứng hầu Mã Tổ, Sư thấy cây phất tử dựng ở góc giường bèn hỏi:
- Tức đây
dùng hay lìa đây dùng?
Mã Tổ bảo:
- Về sau
ngươi mở miệng sẽ lấy cái gì vì người?
Sư cầm cây
phất tử dựng đứng. Mã Tổ bảo:
- Tức đây
dùng hay lìa đây dùng?
Sư để cây
phất tử trở lại chỗ cũ, Mã Tổ nghiêm chỉnh nạt một tiếng, đến ba ngày Sư
còn điếc tai.
Dựng phất tử
lên, đó cũng là phương tiện chưa phải lý thật. Nhằm trên đó mà nói “tức”
nói “lìa” cũng là hý luận. Dù người hiểu được mà chưa quên chỗ hiểu vẫn
kẹt trên cây phất tử. Một tiếng nạt, ba ngày điếc tai, hết còn chỗ để nhớ
để hiểu! Thiền sống là chỗ đó! Chính vì vậy, sau này Sư truyền cho Hoàng
Bá, rồi Hoàng Bá tiếp Lâm Tế một mạch sống thiền không thể nghĩ bàn ấy.
Lâm Tế đến hỏi, Hoàng Bá chỉ đánh và đánh tới, đánh cho hết chỗ
bám, hết chỗ đại ý Phật pháp, hết chỗ lỗi phải, cuối cùng chuyển cán gậy
vào tay chính mình. Nếu còn ở trên cây gậy sanh hiểu, còn ở trên câu Phật
pháp sanh hiểu là còn bị đánh! Hay thay! Hay thay! Lâm Tế sẵn sàng vượt
lên, nên Đại Ngu khơi nhẹ liền nhảy qua, “Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”,
không có gì nhiều để hiểu!
Thiền sư
Tỉnh Niệm ở Thủ Sơn, một hôm giơ cây trúc bề lên bảo:
- Gọi là
trúc bề thì chạm, chẳng gọi trúc bề thì trái, gọi là gì?
Qui Tỉnh
chụp cây trúc bề ném xuống đất, nói:
- Là cái gì?
Sư bảo:
- Mù!
Qui Tỉnh
hoát nhiên đốn ngộ.
Trong đây,
Thiền sư giơ trúc bề lên, là phương tiện khai thị, nhưng không cho người
bám trên đó mà hý luận, mà sanh hiểu, đây là thủ thuật truyền tâm của
Thiền sư. Người mê cứ bám trên cảnh của các ngài đưa ra đó mà tạo kế sống,
sanh kiến giải thiền đạo, quả là không dính dáng. Người sáng mắt, cốt phải
thấu qua trước khi giơ trúc bề lên kìa! Nó vẫn sẵn đây rồi, còn nói gì là
trái chạm?
III. LẠNH NÓNG TỰ BIẾT
Đã nói tâm
ấn tâm, tức tâm tâm in nhau thì trong đó chỉ tâm tâm tự thầm biết, người
ngoài không thể dòm lén.
Có vị tăng
hỏi Thiền sư Quảng Trừng:
- Thế nào là
người xưa nay?
Sư đáp:
- Ngồi chung
mà chẳng biết nhau.
Tăng thưa:
- Thế ấy thì
học nhân lễ tạ vậy.
Sư bảo
- Thầm viết
lòng buồn biết gởi cho ai?
Muốn biết
người xưa nay, thì đấy “Ngồi chung mà chẳng biết nhau”. Người ngoài làm
sao hiểu nổi? Trong ấy ông muốn lễ tạ nhưng cũng không có chỗ cho ông lễ.
“Thầm viết lòng buồn biết gởi cho ai?” Đó là chỗ tự chứng tự biết thôi,
không thể trông cậy vào bên ngoài.
Ngưỡng Sơn
hỏi Thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp:
- Làm sao
thấy được nghĩa Phật tánh?
Sư đáp:
- Ta vì ông
nói một thí dụ: “như một nhà có sáu cửa, trong có một con khỉ, ngoài có
một con khỉ đến bên Đông kêu: Chóe! Chóe! Bên trong liền: Chóe! Chóe! đáp
lại, sáu cửa đều kêu thì đều đáp như thế.”
Ngưỡng Sơn
lễ tạ thưa:
- Vừa rồi
nhờ Hòa thượng thí dụ, con đều biết rõ, nhưng có một việc: Ví như con khỉ
ở trong ngủ, con khỉ ở ngoài muốn gặp phải làm sao?
Trung Ấp
liền bước xuống giường thiền nắm tay Ngưỡng Sơn bảo:
- Chóe!
Chóe! Cùng ông thấy nhau rồi! Ví như con trùng tiêu minh làm tổ trên mí
mắt con muỗi, nhằm giữa ngã tư đường kêu to: “Đất rộng người thưa, tri âm
rất ít”
Chỗ “chóe
chóe” ta cùng ông thấy nhau rồi, mấy ai biết được? Ai là tri âm để nhìn
thấu trong đó mà cùng gặp Trung Ấp và Ngưỡng Sơn? Quả là “thầm viết lòng
buồn biết gởi cho ai?” Chữ “Ai” này sao mà nghe nó thiết tha, nó thấu
xương tủy thế kia!
Tuy vậy, nói
lạnh nóng tự biết cũng chưa phải là chỗ tột. Thiền sư Pháp Diễn lúc đầu
học luận Duy thức, nhân Sư nghe Bồ tát khi vào kiến đạo thì trí cùng lý
hợp, cảnh cùng thần hội, chẳng phân năng chứng sở chứng. Ngoại đạo ở Ấn Độ
thường nạn vấn các Tỳ kheo rằng: - Đã chẳng phân năng chứng sở chứng, lại
lấy cái gì làm chứng? Tỳ kheo không đáp được. Ngoại đạo chê bai không đánh
chuông trống, chúng lại mặc ca sa. Khi Pháp sư Huyền Trang sang Ấn Độ đã
cứu được nghĩa này rằng: - “Như người uống nước, lạnh nóng tự biết.” Từ
đây giải được nạn này. Pháp Diễn nghe thế tự hỏi: - “Lạnh nóng ắt là biết
vậy, nhưng thế nào là việc tự biết?” Sư liền đem thưa hỏi với thầy dạy: “
- Chẳng biết lý tự biết như thế nào?” Vị thầy không giải được, chỉ khuyên
rằng:
- Ngươi muốn
rõ lẽ này nên đến phương
Nam thưa hỏi
những vị truyền Phật tâm tông.
Sư bèn mang
hành lý sang phương
Nam.
Đây là điểm
đặc biệt của Thiền sư Pháp Diễn. Nói lạnh nóng tự biết, nhưng thế
nào là chỗ tự biết? Mỗi người phải có chỗ tự sống dậy, không thể chết trên
ngôn từ của người xưa. Nghe qua tưởng hiểu nhưng thật chưa phải tự hiểu.
Nghe nói “lạnh nóng tự biết” rồi bị người gạn hỏi không thể trả lời được,
cũng bắt chước bảo “lạnh nóng tự biết” để cho qua, đây là giống thì giống
mà phải thì chẳng phải. Cần thực sự chính mình khám phá ra chỗ “tự biết”
đó, bằng chính ánh sáng trí tuệ của mình mới không hổ thẹn. Phật pháp sống
mãi trên thế gian này là gốc từ đây. Thiền, không thể xuyên tạc được cũng
gốc từ đây. Ngôn ngữ không bao giờ với tới!
IV. XÁC ĐỊNH CON ĐƯỜNG GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN, BẤT LẬP VĂN TỰ
Với yếu chỉ
“tâm ấn tâm”, thiền xác định con đường mình đi là trực tiếp đi thẳng vào
tâm người, vượt qua giáo nghĩa, văn tự đã lập bày. Tâm thầy thẳng vào tâm
trò như bốn mắt nhìn nhau, mắt đối mắt không nói nên lời. Đến đây
là bặt dấu vết của tâm, không chỗ để nghĩ. Nhưng chính chỗ không thể nghĩ,
đấy là chỗ ẤN TÂM.
Và đây, Đại
Đô An đến gặp Thiền sư Kiệt Phong Anh, Anh liền hỏi:
- Giảng chủ
thường ưa giảng kinh gì nhất?
An đáp:
- Kinh Kim
Cương và đã từng tỉnh ngộ qua câu “không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu”
Anh bảo:
- Nếu không
đến không đi, sao ông đến đây được?
An đáp:
- Thì chính
là người không đến đi đó thôi.
Anh bảo:
- Ngay đây
người đó ở đâu?
An trả lời
bằng một tiếng hét!
Anh bảo:
- Thôi hãy
gác qua chuyện hét và thoi, khi bốn đại rã rời sẽ đi về chỗ nào để an thân
lập mạng?
An đáp:
- Khắp cõi
đất này, cái ấy không phải chính ta ư?
Anh bảo:
- Bỗng gặp
thời kiếp hỏa, lửa bừng cháy, đốt tiêu cả Đại thiên thế giới, lúc đó ông ở
đâu?
An đáp:
- Không
biết.
Anh bảo:
- Lục Tổ vì
cái “không biết” đó mà đi bửa củi, nấu cơm; Bồ Đề Đạt Ma vì cái “không
biết” đó mà ngồi quay mặt vào vách chín năm, còn ông nói “không biết”, vậy
ông thấy cái gì?
An đáp:
- Tôi chỉ
nói: “Không biết”
Anh bảo:
- Gã mù! Mời
ngồi uống trà đi!
Thiền sư Anh
muốn gạn “người không đến đi” nơi Đại Đô An, nhưng cuối cùng cũng không
gạn ra chỗ nơi. Đại Đô An có chỗ thấy, vượt qua mọi ngôn ngữ sai biệt,
không để lộ dấu vết cho tâm khác xen vào. Tuy nhiên, một cái “không biết”
của Sư rất dễ lầm người. Kẻ bắt chước, khi bị gạn hỏi, trả lời không được,
cũng đáp “không biết” thì sao? Thật, giả làm sao phân biệt? Do đó Thiền sư
Anh gạn cho tới cùng xem cái “không biết” của Sư từ đâu phát ra. Rõ ràng
Sư tự có chỗ sống, không lệ thuộc bên ngoài, nên trả lời xác quyết vững
vàng: “chỉ nói không biết”, khỏi thêm gì nữa! Người chưa đến được trong ấy
hẳn không thể hiểu nổi. Tuy nhiên, với Thiền sư Anh thì tự thấy thầm hợp
với chính mình, bèn ấn chứng khéo. Bảo: Gã mù! Nhưng lại: mời uống trà!
Trong ấy hai người tự cảm thông nhau, mặc cho kẻ bàng quan đứng bên ngoài
khởi thắc mắc. TÂM ẤN TÂM là đấy! |