CỬA THIỀN HÉ MỞ

T.T THÍCH THÔNG PHƯƠNG

LỜI BẠT

Đây rồi! Từ lâu ta đã tìm nó, tìm khắp trong kinh điển, trong lời Phật, lời Tổ, trong điện Phật, trong Thiền đường, trong những cơn Thiền định nhưng đều không thấy nó đâu cả. Sao lạ vậy? Có lẽ nào Phật Tổ dối lừa ta?

Lục Tổ từng bảo Nam Nhạc – Hoài Nhượng: “Chính cái chẳng nhiễm ô này là chỗ chư Phật thường hộ niệm, ông đã như thế, ta cũng như thế.”

Như thế là sao? Quả là một bức tường sắt không thể nào thấu qua, vào được. Song vẫn có cái gì đó ở đàng sau thu hút không thể bỏ qua.

Thiền sư Quảng Trí có câu:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

Tạm dịch:

Làm trai có chí xông trời thẳm

Thôi giẫm Như Lai dấu đã đi.

Nghĩa là, mình phải có chí quyết mạnh mẽ, vượt lên tất cả mọi chướng ngại, tự mở một lối đi sáng sủa, không đạp theo dấu vết xưa cũ đã chết. Phải có một sức sống vươn lên, lẽ nào chịu đóng khung trong cái khuôn cũ mòn? Người xưa cũng là người mà đã làm được, nay ta cũng là người hẳn cũng phải làm được, đâu thiếu thốn gì?

Kìa, Thế Tôn từng bảo: “Ta học đạo không thầy,” vậy nó ở đâu? Đây là một điểm ý vị không thể thông qua trên văn từ chữ nghĩa. Ngài học đạo không thầy mà tự giác ngộ, thì quả là không thể tìm đâu khác từ bên ngoài. Bao năm tìm kiếm, khổ hạnh nhọc thân, cuối cùng đành buông hết, ngồi thiền lặng lẽ dưới cội tất - bát - la. Lúc này đâu còn ỷ lại, trông vào cái gì khác nữa? Sao mai mọc, liền thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vậy trước đó nó ở đâu? Bốn mươi chín ngày ngồi im lìm đó, tại sao không thấy? Thấy rồi lại do dự không muốn nói cho người, ý gì vậy?

Rồi đưa cành hoa lên, nhìn gặp Ca Diếp mỉm cười, là cười cái gì?

Chúng hội đều im lặng hết, là có hay không?

Ồ, việc này không ở cành hoa, không ở con mắt, không ở cái miệng, chính ngay khi bốn mắt nhìn nhau đó, tâm tâm in rõ, thầm cảm không thể nghĩ bàn. Mắt mắt bắt gặp nhau không qua trung gian bất cứ cái gì! Truyền riêng là truyền chỗ đó! Đâu đợi phải có cho và nhận! Chính thế mà truyền mãi truyền mãi, ngàn muôn ức người, kiếp này qua kiếp nọ vẫn không hết! Chẳng sợ thiếu!

Thiền sư Hành Tư bảo Hy Thiên đem thơ sang Thiền sư Hoài Nhượng và dặn rằng:

- Ngươi đem thơ xong về nhanh, ta có chiếc búa nhỏ sẽ cho ngươi ở núi.

Hy Thiên đem thơ xong trở về thưa:

- Khi đi nhờ ơn Hòa thượng hứa cho chiếc búa, tiện đây xin nhận lấy.

Thiền sư Hành Tư duỗi một chân.

Hy Thiên lễ bái.

Vậy là đã cho cái gì? Và lễ là lễ cái gì? Lễ cái chân duỗi  chăng? Cái chân có gì quý mà lễ? Ít lâu nó cũng thúi sình thôi! Trước khi duỗi chân nó có hay không? Cần rõ chỗ này!

Có vị tăng đến tham vấn Thiền sư Đạo Nhãn. Sư hỏi:

- Ông tên gì?

Tăng đáp:

- Minh Giáo.

Sư bảo:

- Lãnh hội giáo hay chưa?

Tăng thưa:

- Tùy phần.

Sư dựng nắm tay lên bảo:

- Trên hội Linh Sơn gọi cái này là gì?

Tăng đáp:

- Là Giáo nắm tay.

Sư cười bảo:

- Nếu thế ấy gọi là Giáo nắm tay – Sư liền duỗi hai chân ra bảo: - Cái này là giáo gì?

Tăng không đáp được. Sư bảo:

- Phải chăng là Giáo bàn chân?

Giơ nắm tay gọi là giáo nắm tay, duỗi chân gọi là giáo bàn chân sao? Đâu biết, ngay khi giơ nắm tay đó, phải thấy thấu qua trước khi giơ kìa!

Có thể nói, người người vẫn hằng sống trong đó mỗi ngày, tới lui qua lại, ăn uống ngủ nghỉ trong đó, mà khi hỏi đến liền mê! Đáng thương chưa?

Kìa Nghĩa Huyền mới đó còn mê, thắc mắc lỗi phải, qua một câu nói của Đại Ngu liền đại ngộ, có gì xa cách? Xa cách là bởi lỗi phải đó thôi!

Mới hay, người người vốn đủ, kẻ kẻ sẵn thành, chỉ cần thấy nghe tất cả mà quên duyên không chỗ bám, thì nó vẫn nguyên vẹn là nó, còn ai lừa dối được?

Qui Tỉnh bảo vị tăng: - Có nghe giọt mưa trước thềm chăng? Tăng liền tỉnh ngộ, làm bài kệ:

Giọt mưa trước thềm

Rành rẽ rõ ràng

Đập nát càn khôn

Liền đó tâm dứt.

Giọt mưa rơi trước thềm, nghe từng giọt từng giọt không sót, có vắng mặt bao giờ? Mỗi giọt mỗi giọt mưa cũng sáng ngời, không chút tối tăm, mờ mịt. Liền đó hư không bặt dấu, không một chỗ để tâm đi đến. Tức chỉ một niệm hiện tiền sáng ngời đây thôi.

Ai bảo rằng mình đã mất? Mất sao vẫn còn thấy nghe như ai? Sao quá tự khi mình như thế?

Thôi đi! Xuân về hoa vẫn nở rộ trước mắt ai kìa! Nắng lên, cây lá vẫn rung rung kêu gọi người về đó! Hãy mở mắt ra xem, có thiếu gì?

Kìa, bà lão mất trâu đến Đại Đồng xem bói. Đại Đồng gọi to: - Bà lão! Bà đáp: - Dạ! Sư cười bảo: - Đây rồi! Trâu có mất đi đâu! Chẳng những không mất mà còn ngoan quá ngoan vô cùng. Vậy hỏi người đã tìm gặp hay chưa? Nếu chưa thì hãy cúi xuống gót chân nhìn xem, cái gì chạm đất?

- Nó đây rồi! Vỗ tay cười to ha hả, hết bao thuở lang thang. Xin gởi lại cho người, MỘT LẼ THẬT SÁNG NGỜI MUÔN THUỞ!

Búng tay vỡ nát ba ngàn cõi,

Chớp mắt mười phương thế giới không

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM