LUẬN PHẬT THỪA TÔNG YẾU

H.T THÍCH NHẬT QUANG

CHƯƠNG IV: PHẬT PHÁP KHẢ THUYẾT VÀ BẤT KHẢ THUYẾT

Đức Phật ra đời thuyết pháp độ sanh trải qua bốn mươi chín năm, đến lúc sắp vào Niết bàn, ngài "Niêm hoa vi tiếu" để tiêu biểu mấy mươi năm mà chưa từng nói một lời, bọn phàm phu chúng ta lại có gì để nói ư ?

Đây là chỗ "bất khả thuyết" của Phật pháp vậy. Ba tạng mười hai bộ kinh sờ sờ những lời vàng ngọc của Ngài đó, để vì các chúng sanh đời sau làm con mắt tương lai cho họ. Nhưng văn thì nhiều, nghĩa lại uyên áo thiển thức khó dò đến nơi, nếu không nhờ lời nói thì không do đâu mà liễu giải nổi. Đây là phần "khả thuyết" của Phật pháp vậy. Vấn đề này các tiết trong bản chương sẽ luận rõ.

TIẾT 1: Pháp của Phật pháp.

Pháp, nghĩa thứ nhất là "nhậm trì tự tánh" là bảo nhận, chấp trì tự, thể, tánh, tướng của mỗi mỗi pháp mà hằng không quên mất. Nghĩa thứ hai là "Quỹ phạm vật giải" nghĩa là khuôn định phạm vi tâm lý của tất cả chúng sanh mà khởi ra giải hạnh (hiểu rõ và hành động). Pháp của Phật pháp đủ hai nghĩa này, thì vấn đề khả thuyết và bất khả thuyết có thể nương đây để giải thích.

TIẾT 2: Pháp tánh lìa ngôn ngữ "Bất khả thuyết".

Pháp tánh tức là đệ nhất nghĩa của pháp. Tánh, tướng của pháp chỉ có Phật mới minh chứng hoàn toàn, chỉ có Phật mới liễu tri cùng tột thảy đều là chân. Lại tất cả lời nói đều là giả danh không thực. Bởi giả nên không thể hiển bày cái chân được.

Thế nên  Pháp tánh lìa ngôn ngữ "bất khả thuyết".

TIẾT 3: Vì khiến cho tất cả chúng sanh được giải hạnh và thành quả, nên đức Phật khéo bày các lời nói.

Như tiết trên trình bày, Pháp tánh lìa ngôn ngữ "bất khả thuyết" thì biết cái "khả thuyết" đó là không phải Pháp tánh. Cho nên tuy dùng tỷ lượng để chỉ bày, nhân dụ để làm sáng tỏ nhưng không việc nào là không phải phương tiện khéo léo thi thiết. Bởi vì lời nói chỉ có thể đem tâm lý của chúng sanh mà khuôn định phạm vi, khiến cho họ hiểu được lý rồi khởi công tu hành để đạt đến thành quả tốt đẹp.

Đây tức là nghĩa thứ hai của pháp, khéo bày các lời nói cho nên chưa từng "Bất khả thuyết".

TIẾT 4: Chuyển bánh xe pháp.

Đức Đại bi Thế Tôn của chúng ta nói pháp, đó là Chuyển Pháp Luân.

Luân có ba nghĩa:

1. Như bánh xe của con trục cối xay gạo, hay phá dẹp nghiền nát những trấu lép. Dụ cho Phật pháp hay phá trừ ngũ trược phiền não (Kiến hoặc trong ba cõi, Tư hoặc ở cõi Dục, Tư hoặc ở cõi Sắc, Tư hoặc ở Vô sắc và Vô minh hoặc).

2. Cũng có nghĩa như bánh xe đạp của chiếc thuyền hay thông hành qua lại trong các cảnh vức. Dụ cho Phật pháp hay đạt đến bốn đức Niết bàn (Bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh).

3. Lại có nghĩa như vòng tròn Nhật luân, Nguyệt luân, Địa luân, Thủy luân, Phong luân. Lấy tám phương trên dưới tròn khắp làm nghĩa. Dụ cho tánh đức tròn đầy của Phật pháp, pháp thân thường trụ.

Chuyển, nghĩa là khiến cho tất cả chúng sanh có khổ cải chuyển, hoặc là trước mê nay ngộ, hoặc là trước nhiễm nay tịnh, hoặc là trước khổ nay được an vui. Nói tóm lại là khiến chuyển phàm thành thánh.

Pháp luân, hoặc y theo lối giải thích thứ nhất, khiến chúng sanh nhờ đó mà phá trừ ngũ trược phiền não, hoặc theo lối giải thích thứ hai, khiến cho chúng sanh noi theo đó mà đạt đến bốn đức Niết bàn, hoặc y theo lối giải thích thứ ba để tiêu biểu tánh đức tròn đầy của Phật pháp.

TIẾT 5: Thừa của Phật thừa.

Thừa, có nghĩa là chuyên chở đồ đạc bằng xe, nên chư Phật và Bồ tát nương pháp để vận tải dùng đó làm dụ. Cũng có nghĩa chuyên chở đồ đạc bằng thuyền, nên chư Phật và Bồ tát hay vận tải các pháp, lấy đó làm dụ.

Lại, cỗ xe Phật thừa, xuyên qua hai dụ trên, đều lấy "vận tải" làm nghĩa.

1. Từ "Vô minh vị" vận tải đến "ngôi Đại giác" đây thuộc Lý giáo thừa.

2. Từ "Hữu lậu tạp nhiễm vị" vận tải đến bực "Vô lậu thanh tịnh" đây thuộc Hạnh giáo thừa.

3. Từ chỗ “Sanh tử khổ não" vận tải đến nơi “Rốt  ráo yên vui", đây thuộc Quả giáo thừa.

Phật thừa là diệu dụng của chư Phật phát khởi lòng thương lớn, thị hiện ra đời thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, khiến hiểu Lý tu hành, thành chính quả. Tùy thuận căn tánh của chúng sanh ưa thích không đồng, ứng dụng vô lượng mà không rơi vào các giai cấp. Tóm lại, hoặc nói ba thừa hay năm thừa (năm thừa là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Ba thừa là ở trong năm thừa giản trừ Nhân và Thiên thừa). Trong quyển Đại Thừa Khởi Tín Luận nói riêng việc này rất tường tận (xin tham khảo trong đó), đều là diệu dụng của Phật pháp, thế nên nói gồm hết là Phật thừa.

]

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM