LUẬN PHẬT THỪA TÔNG YẾU H.T THÍCH NHẬT QUANG |
||
PHẬT PHÁP THUẦN CHÍNH (tt) CHƯƠNG II: TIỂU THỪA TIẾT 1: Tông yếu của Tiểu thừa. Tiểu thừa lấy siêu xuất thế gian làm mục đích, hẳn trước đem pháp đả phá tất cả thế gian. Muốn tìm đả phá, ắt trước phải liễu tri. Đã liễu tri mà đả phá, nhiên hậu mới có thể được giải thoát. Điểm chủ yếu là chỗ đó vậy. TIẾT 2: Liễu sanh tử là nhân. Liễu có hai nghĩa là Liễu tri và Liễu thoát. Đây do Liễu tri mà cầu Liễu thoát. Như muốn bình định bọn giặc cướp, quyết trước phải biết chỗ ở của bọn chúng và số người trong đó nhiều ít, nội tình thế nào, các việc như thế được sáng tỏ không còn ngờ, nhiên hậu mới có thể tảo trừ tận sào huyệt của chúng được. Liễu sanh tử cũng thế. Điều mà trong bổn tiết nói, tức là quan sát tất cả thế pháp để được Liễu tri chân xác. 1. Sinh là gốc khổ. Tướng ban đầu của sinh là Đắc mệnh, nên cũng gọi là Sinh mệnh, suy cùng nguyên ủy của nó thì do vô minh, nghiệp lực vọng động đời quá khứ mà có. Đã sinh ra có thân, thì việc bảo vệ duy trì thân không đâu chẳng đến. Nhu cầu trực tiếp là tìm cơm ăn, áo mặc và chỗ ở, nhu cầu gián tiếp là vàng bạc... động sản và bất động sản. Từ đầu đến cuối đều do bệnh tham dục a tòng nhau mà gây nên, rồi quyền lợi, uy thế lại theo đó mà khuếch trương rộng rãi. Thế là bệnh dục căn cứ cõi đại địa này làm sở hữu của mình. Một khi muốn mà không được, chuyển thành sân hận, được thì lo mất càng thêm kiến chấp ngu si. Do đây cái tham được không biết chán, không thể tự thôi giết, trộm, dâm, vọng mặc ý tạo tác. Đến khi nghiệp lực đã thành rồi, thì lại là cái nhân chủng của tương lai, và thành quả dị thục, để gây mệnh sống đời đời nối tiếp nhau, không biết thuở nào mới dứt; nghiệp rồi khổ ràng buộc với nhau hằng không đoạn tuyệt. Như vậy không có gì chẳng do sinh làm gốc, rồi già, bệnh, chết đều là do gốc ấy vậy. Thế nên, bước đầu tiên của Tiểu thừa là phải liễu tri cái sinh này chính thực nó là nguồn gốc của các sự khổ vậy. 2. Khắp xem thế gian đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Trong đây, hai nghĩa Không và Vô thường đã thấy ở chương trước. Lại trừ ngoài nghĩa Không ra tức là Tứ niệm trụ, thứ tự có chút ít thay đổi. Trước xin giải thích về Bất tịnh, tức Quán thân Bất tịnh. Tịnh nghĩa là tốt đẹp. Chúng ta tập quen có thân này, cố chấp đắm yêu nó, không biết nhơ nhớp. Nhưng theo Tiểu thừa chính niệm mà quán, thì từ khi bắt đầu có nó cho đến phút cuối không có gì gọi là đẹp cả. Thuở mới ban đầu của thân này là thụ thai, do tinh cha huyết mẹ hòa hợp mà thành, hầu như không có gì đáng nói là tốt, là sạch. Kịp đến khi ra đời đồng thời với phẩn uế, những nước dơ, nước tiểu giao lưu cũng không có gì sạch sẽ. Kế đến lúc lớn khôn, thân thể biến đổi đoan hảo, dung mạo sáng sủa dễ coi, in tuồng khá đẹp. Nhưng xét kỹ, nhìn rõ, ngoài thì mồ hôi nhớp nhúa, tắm gội mãi không sạch, ngồi lại thì khiến cho vô số trùng nhỏ ngày đêm cắn ăn da ngoài. Trong là chỗ để giấu chứa năm vị cay đắng lộn lạo, là chỗ gồm đủ những ô trược, từ trong lẫn ngoài không có gì đáng gọi là sạch đẹp. Nó tựa như là khá đẹp, đó chỉ là bóng dáng sắc trần, tự làm mê hoặc nhãn thức mà luống não người. Cảnh tối chớp mắt liền đến, thì cái bóng dáng in tuồng như đẹp này không thể nào gìn giữ lâu dài được. Khí huyết bên trong suy, tinh thần mờ tổn, tóc điểm sương, răng rụng, vóc héo, da vàng, trăm thứ bệnh đua nhau sinh ra, đó là điềm bốn đại sắp tan rã. Đến khi mạng sống, hơi ấm, thần thức hết, nhan sắc trước đổi, da thịt cũng đổi theo, đàm, huyết chảy lan, gân cốt rã rời, nếu nói thì không cùng, hoàn toàn không phải là sạch đẹp. Thế nên, biết sắc thân của chúng ta đây, từ lúc mới sinh đến khi chết đều là Bất tịnh. Suy mình rồi đến người, không ai mà không như thế. Người đời họ mến yêu, quý báu sắc thân không tiếc, tự khởi các phiền não, tạo các nghiệp ác, thực không thể kể xiết. Khổ, tức quán Thọ là khổ. Thọ là nghĩa cảm thọ, gồm thông cả thân lẫn tâm. Y tục đế mà nói, thân có thọ lạc, thọ khổ và thọ xả, tâm có thọ lạc, thọ khổ, thọ hỷ, thọ ưu, thọ xả. Xả là không khổ, không vui, không lo rầu cũng không hoan hỷ. Xem biểu đồ dưới đây. Xét thấy, thọ là một trong năm mươi mốt món tâm sở. Thọ của chúng sanh thực là Khổ mà không có Hỷ, Lạc. Bởi nhân vô minh vọng động mà sanh, niệm niệm đổi dời, thời thời lưu động, quyết không có hành động nào không đi đến vô thường, nên nói rằng "hoàn toàn khổ". Tuy y thế tục nói có thọ lạc, thọ hỷ nhưng đều là lối nói liên hệ, đối đãi hay khiến cho nỗi khổ cùng với ưu đó tạm thời ngưng nghỉ, thì gọi đó là Lạc và Hỷ. Đâu biết rằng trong thời gian chuyển một niệm, thì nỗi khổ kia càng thêm nhiều. Ví như người bị bịnh hủi lở, lấy tay cào vết thương, thì nỗi đau ngứa tạm thời dừng, gọi đó là Lạc. Nhưng một khi dừng tay rồi, vết thương càng sưng đỏ, sự đau khổ càng tăng lên gấp bội. Vô ngã, tức là quán pháp Vô ngã. Ngã gồm có bốn nghĩa là: - Riêng một cá thể. - Chân thực không hư giả. - Thường hằng không biến đổi. - Tự có chủ tể. Bốn nghĩa này đầy đủ gọi là Ngã, nếu thiếu một thứ nghĩa của Ngã không thành. Thử đơn cử con người để nói, có cá thể lại giống như có chủ tể mà nghĩa chân thường rất khó thành tựu. Bởi người do tinh thần, vật chất hòa hợp mà thành, sát na, sát na đổi dời lưu chuyển, lại khi thấy nghiệp lực dừng lâu tức là hoại diệt. Do đây suy mình ngẫm người từ nhân loại đến loài vật, hữu tình, vô tình, cho đến cỏ cây, ngói đá, nhỏ là một nắm đất, lớn thì cả địa cầu, hiển thì muôn dụng, kín ẩn là vạn pháp (thế và xuất thế tất cả pháp sanh diệt và không sanh diệt) mỗi mỗi tìm trong đó đều không có nghĩa của Ngã. Thế nên các nghĩa Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, Bất tịnh khắp trong thế gian, tất cả chỗ đều có. Đây lại chia mục đề trình bày. a. Năm uẩn, Sáu đại, Mười hai xứ, Mười tám giới. Bảng biểu đối với sắc pháp, vật chất thì dưới chú rõ tướng trạng là giả hiện mà thể tánh vốn không tịch. Đối với Tâm pháp thì dưới chú rõ nghiệp dụng là huyễn có mà thể tánh vốn chân thực. Vật chất trên là tướng trạng của giả hiện cùng với tinh thần và nghiệp dụng của huyễn có, thì thuộc về "Một tâm sinh diệt". Vật chất trên là thể tánh của không tịch cùng với tinh thần trên là thể tánh của chân thực thì thuộc về "Một tâm chân như". Liễu chứng nghĩa này, vốn thuộc công việc của bậc Đại thừa và không phải chỗ mà trí của người Nhị thừa đến được; vì luận đến chỗ này nên gồm liệt ra. Lại Sắc, Tâm hai pháp cùng đưa ra thì tất cả pháp trong thế gian đều phá. Biểu dưới đều đồng nhau. Uẩn là nghĩa Tàng, Tích, Tụ; nói chẳng phải một pháp. Cũng gọi là Ấm. Ấm có nghĩa là ngăn che, hay ngăn che chân như pháp tánh. Tên của nó là Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. Trong đây Sắc uẩn thuộc về Sắc pháp, tức là vật chất. Ngoài ra, bốn uẩn kia đều thuộc ở tâm pháp tức là tinh thần. Tâm chia làm bốn mà Sắc pháp chỉ có một là bởi đối với người mê chấp ở tinh thần sâu; mê chấp ở vật chất cạn, để phá cái ngã kiến của họ. Ví như có người chấp trước do cái ngã. Người đó lúc đầu hẳn ở Sắc pháp chỉ thân thể này là ngã, như vậy có thể hỏi họ rằng: Ông chấp thân thể này là ngã, sẽ gọi tứ chi, bách hài, ngũ quan, cửu khiếu, lục phủ, ngũ tạng, da thịt, máu, chất lỏng, gân mạch, thần kinh như thế... mỗi mỗi thứ là ngã chăng? Hay gọi một thứ kia là ngã, ngoài ra đều không phải là ngã? Nếu ông cho mỗi thứ mỗi thứ là ngã, thì ngã chẳng phải một, còn nếu một thứ là ngã ngoài ra đều không phải là ngã, thì thân này không tồn tại được? Như vậy người này ắt trừng mắt, đớ lưỡi không còn biết đối đáp vào đâu cho phải lẽ. Sau rồi chúng ta dẫn dụ cho thấy. Thân thể này chỉ là tướng giả của các pháp hòa hợp mà thôi (trên y cứ không gian quán sát, dưới y cứ thời gian quán sát). Vả, con người từ khi sanh ra, có thân nào là lúc còn anh nhi, còn ẵm bồng, thuở ấu trĩ, thời lớn khôn rồi lại già suy cho đến lúc chết, thân này là số năm đổi tháng qua, ngày dời, giờ khác, từng sát na không đồng, mỗi niệm mỗi niệm nối nhau. Phàm thời quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến mà hiện tại lại không dừng, các thứ như thế sẽ chấp thứ nào là Ngã? Khi người đó không thể đối đáp rằng một, thì chúng ta nên dẫn dụ cho họ thấy rằng: Đấy chỉ là cái tướng giả của sự liên tục mà thôi. Lại như thế, người đó đã biết trên phương diện vật chất không có cái ngã tồn tại, bèn chuyển chấp tinh thần làm ngã. Họ chấp tâm của tinh thần, so sánh vật chất là sâu, thì có thể lấy Tâm pháp mỗi mỗi phá đó. Thọ tức cảm thọ, là cái nông cạn bên ngoài của tâm sở, rất dễ chấp trước. Giá như người đó nói như thế này: Thân thể chẳng phải ngã, thì cái tri giác của cảm thọ này sẽ là ngã vậy? Thí dụ cho họ thấy rằng: Thọ có Lạc, Khổ, Hỷ, Ưu và Xả năm thứ, ông cho lạc thọ, hỷ thọ là ngã ư? Thì khổ thọ cùng với ưu thọ chẳng phải ngã. Còn nếu khổ thọ, ưu thọ là ngã thì lạc thọ, hỷ thọ chẳng phải ngã, xả thọ là ngã thì các thọ Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ kia đều chẳng phải ngã. Như nói rằng đều là ngã thì thành ra nhiều cái Ngã, là điều không thể có. Không biết, Thọ là tác dụng tương đối của tâm cảnh, trong ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, từng sát na không dừng trụ, lìa tác dụng này, Thọ không có tự thể, không thể chấp là Ngã. Giá như người đó lại tiến thêm chấp Tưởng là Ngã; Tưởng là tư tưởng sở dĩ chấp danh tướng, biện đạo lý, rõ thị phi, tâm như thế chẳng phải Ngã là cái gì? Chúng ta nên dẫn dụ rằng : Tưởng đó ngoài thọ Danh sắc, trong hàm nghĩa lý, là ảnh tượng của tâm, chỗ duyên của nó là cảnh giới sắc trần, không thể chấp là Ngã. Như nương sắc trần mà biện: xanh, vàng, đỏ, trắng ; nương thanh trần mà biện cao, thấp, lớn, nhỏ; nương hương trần mà biện trong, đục, đậm, nhạt; nương vị trần mà biện chua, mặn, đắng, cay; nương xúc trần mà biện lạnh, nóng, trơn, rít. Như thế, không thể chấp một thứ nào là Ngã, lại cũng không thể chấp mỗi mỗi thứ kia là Ngã được. Giả như người đó lại tiến thêm chấp hành vi là Ngã; Hành nghĩa là có ý chí mà phát ra hành vi, ấy là chủ tể nơi Ngã, đáng gọi là Ngã vậy? Dụ cho thấy: Hành có các loại thiện, ác hoặc vô ký. Như nói rằng có Ngã thì không nên, hoặc là thiện hoặc là ác hoặc vô ký. Rời các thứ này không lấy gì gọi là hành vi. Vả, hành động của người phần nhiều là vô ký, bởi do bất giác xung động, liền thấy các hành động, về thiện, ác thì chưa rỗi để bàn rõ. Cho nên Hành có nghĩa là hành động đổi dời, chợt đây, chợt kia, bởi nó là giả tướng, giả hòa hợp liên tục mà lập danh, thực thì không có tự thể tánh. Lại như thế người đó đã biết Thọ, Tưởng, Hành không thể chấp trước làm Ngã, bèn chuyển tìm tinh thần của chỗ khởi ra Thọ, Tưởng, Hành trong tự thân, gọi đó là Ngã, chính là Thức vậy. Thức này chỉ cho đệ lục Ý thức mà nói; đã hiểu cơ sở tâm lý học của người thời nay rất sâu. Họ nói có Ý thức hoặc không Ý thức, tức là xác định có hoặc không chủ tể. Nói khác hơn tức là cái Ngã đấy vậy. Họ không biết Ý thức bên trong thì nương Mạt-na thức làm Y, ngoài nương năm thức trước làm dụng. Cái chỗ để phân minh liễu tri đó toàn ở bóng dáng rơi rớt lại của năm trần (lạc tạ ảnh tử), đã không có thể tánh, thì đâu có thể chấp cho là Ngã được? Thế nên biết, vật chất, tinh thần đều là Vô ngã, ý nghĩa của Ngã chẳng qua chỉ là giả danh, đối đãi gọi đó thôi. Như Ngã đối với Nhân mà gọi là Ngã, Nhân cũng tự xưng là Ngã. Cũng như Đông đối với Tây, tương đối lập danh, chẳng phải có chỗ nơi nhất định có thể gọi là Đông hoặc Tây. Năm Uẩn nói trên, Sắc pháp có một mà Tâm pháp có bốn. Đây nói sáu Đại, sắc pháp có đến năm mà Tâm pháp chỉ có một. Bởi đối với người mê ở vật chất sâu, mê ở tinh thần cạn, để hiển cái nghĩa tất cả pháp Vô ngã, là diệu dụng thuyết pháp cho người đương cơ vậy. Đại, nghĩa là cùng khắp. Tất cả pháp trong thế giới có đều không ngoài nó, nên gọi là sáu Đại. Đất là chất cứng chắc. Nước là chất trôi chảy. Lửa là sức nóng. Gió là sức động. Lửa cùng với gió gọi là khí chất. Không thì không chỗ nào mà chẳng có, trừ ngoài thể chất đất, nước, gió, lửa ra đều là không. Không là cái thấy của Nhãn thức, lại là xúc pháp cảm giác của người đời. Năm thứ này vốn không có thể tướng, đều là cảnh giới phân biệt trong tâm chúng ta. Cảnh giới của tư lương mà phân biệt đủ. Cảnh giới tư lương này, thì gọi đó là Thức. Nhân địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại nên thức cũng đại. Phàm chỗ có đất, nước, lửa, gió và hư không, Thức cũng theo đó mà có, nên gọi là Đại. Tất cả pháp trong thế gian trừ khoáng chất, chỉ có năm đại mà không có Thức. Tất cả hữu tình đều đủ sáu đại, nên sáu đại có thể bao quát không sót tất cả pháp trong đời. Kỹ lưỡng mà khảo sát, thì biết tất cả pháp trong đời chỉ có sáu đại mà không có Ngã, trong sáu đại đó cũng lại không Ngã. Xứ là xứ sở, tức chỗ nương tựa của mười hai thứ thể tướng, như trong biểu đồ chia. Sắc pháp có mười một, tâm pháp chỉ có hai thứ, bởi pháp của sáu trần gồm thông cả Sắc và Tâm. Mười hai thứ nói trên đây không cần giải kỹ, chỉ gọi là căn thì đủ. Căn có hai nghĩa: a. Chỗ nương gá. b. Hay sinh trưởng. Ví như con mắt là chỗ nương của Nhãn thức, lại hay sinh trưởng Nhãn thức. Trần cũng có hai nghĩa: a. Biến ngại, diêu động như trần của vi trần. b. Ô trược tâm tánh như trần của trần cấu. Tất cả pháp trong thế gian nương mười hai thứ này quan sát chỉ có mười hai xứ mà không có Ngã, trong mười hai xứ lại cũng không có Ngã. Giới, nghĩa là Giới biệt, nói mười tám giới tức gồm tất cả pháp thế gian trong đó, chia ra tâm pháp có tám, sắc pháp có mười một. Vì pháp trần gồm thông cả Tâm và Sắc, nên đây không luận chi tiết. Bởi nguyên nhân đối trị hai thứ mê tinh thần, vật chất đều sâu, quan sát cái kết quả cũng không có Ngã. Năm uẩn đã nói, cùng sáu đại, mười hai xứ, mười tám giới đều do vì xem khắp tất cả pháp trong đời không có Ngã. Bởi không Ngã, nên suy đó mà biết nó đều là Vô thường, Khổ, Không và Bất tịnh. Được liễu tri rồi thì sẽ được liễu thoát. Bổn lai đã không có, thì còn có vật gì đáng để tham ái nữa ư? b. Ba cõi, Năm thú và Chín Địa. Tên của ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Bởi ý này không được rõ ràng lắm nên nay riêng định ra ba tên mới là: 1. Cõi có hình có dục. 2. Cõi có hình không dục. 3. Cõi không hình, không dục. Ba cõi này là đại loại của tất cả chánh báo trong thế gian. Cõi có hình có dục là chỗ ở chung lộn của Năm thú có hình chất, có vật dục, nên gọi có hình có dục. Loài người cũng ở trong cõi này. Cõi có hình không dục là hình của họ thanh tịnh vi diệu, tâm của họ không có vật dục, thường ở trong thiền định nên cũng gọi đó là cõi trời Thiền. Bốn hạng trời ở trong đó là Trời ly sanh hỷ lạc, Trời định sanh hỷ lạc, Trời ly hỷ diệu lạc, và Trời xả niệm thanh tịnh. Do đây, cõi này là tiến thêm một bước nữa, có cõi không hình không dục là hình chất đều không. Tâm vắng lặng hằng nhất. Sống ở cõi này gồm có trời Không vô biên xứ, trời Thức vô biên xứ, trời Vô sở hữu xứ và trời Phi phi tưởng xứ. Năm thú là: - Địa ngục. - Ngạ quỷ. - Súc sanh. - Người. - Trời. Địa ngục, Ngạ quỷ thuộc cõi Diêm Ma Vương. Phàm chúng sanh khi thọ báo ác thì tùy ở trong Địa ngục hay Ngạ quỷ thuộc Diêm Ma Vương cai quản. Diêm Ma Vương tức là vua Diêm La là ông vua giữ quyền trách phạt. Súc sanh và loài người, thuộc cõi Kim Luân Vương, thường gọi là cõi nhân gian này vậy. Thần, Tiên và loài Trời thuộc cõi Thích Thiên Đế, tức là cõi trời. Ba cõi Diêm Ma Vương, Kim Luân Vương và Thích Thiên Đế này gọi chung là Tiểu tam giới, đều chưa ra ngoài Địa luân, nên cũng gọi là Địa cư là chỗ chung ở của sáu loại chúng sanh. Ngoài Địa cư lại có Không cư, đã không phải ở trong Đại địa này, một Thời Phần, hai Tri Túc, ba Hóa Lạc và bốn là Tha Hóa. Thời phần là nơi này ánh sáng của thái dương không thể đến. Người ở cõi này có ánh sáng của tự thân, nhân lúc hoa trời búp nở mà biết. Tri túc là cõi trời Đâu Suất. Năm dục đạm bạc, có chút sở đắc, đã biết khắp đủ mà mùi vị của nó rất là diệu, rất là hảo, nên gọi là Tri túc. Hóa Lạc là cõi này sự thọ dụng đều từ tâm ứng hiện, biến hóa mà có. Và cõi Tha Hóa thì sự thọ dụng lại do nghiệp cộng đồng biến hóa mà có. Địa Cư, Không Cư tuy phân biệt nói như thế, song thật ra thì chỉ có một cõi, là cõi "năm thú ở chung lộn" thôi. Chín Địa, chữ Địa có nghĩa là địa vị, đẳng cấp. Cõi "có hình có dục" ở trong một cấp, cõi "có hình không dục" ở trong bốn cấp, cõi "không hình không dục" cũng ở trong bốn cấp. Như thế gồm có chín đẳng cấp. Từ cõi "năm thú cùng ở chung lộn" đến cõi Trời phi phi tưởng tất cả là chín tầng địa vị lần lượt lên cao, đặc biệt chưa đến địa vị xuất thế gian, nên gọi là chín Địa. Ở đây chỉ nêu tên mà không giải thích rõ chi tiết. c. Khí thế gian. Khí thế gian là y báo của tất cả hữu tình mà trong chương ba đã thuyết minh rõ ràng rồi, đây không kể lại nữa. Y, Chánh hai báo đều là khổ báo. Năm uẩn, sáu đại, mười hai xứ, mười tám giới, là pháp thể tập khởi quả báo này. Hữu tình thế gian của ba cõi, năm thú, chín địa và khí thế gian của cõi đại thiên là do quả báo tập thành. Thế nào nói đều là khổ? Do lấy năm uẩn, sáu đại, mười hai xứ, mười tám giới quán sát các kết quả của nó đều không ngã, đều là hư ngụy, không thực, đều không chủ tể vậy. d. Phước nghiệp, phi phước nghiệp và bất động nghiệp. Phước nghiệp nên được phước báo, như thọ chánh báo loài người, trời và thần tiên. Phi phước nghiệp nên thọ báo xấu như đọa vào nẻo ác, thọ chánh báo loài địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh v.v... Bất động nghiệp thì được quả báo thiền định như thọ các chánh báo của các loài từ địa vị thứ hai đến địa vị thứ chín. Chủ yếu là tùy nghiệp mà thọ báo, nên có quả báo y, chánh trong ba cõi. Quả báo thì vô thường, có lúc sẽ hết, nên thuộc về nhân quả hữu lậu đều chưa thoát khỏi luân hồi, chưa được hoàn toàn dứt khổ. e. Ba thời gian lưu chuyển sự sống chết liên tục. Quá khứ, hiện tại, vị lai gọi là ba thời gian. Chúng sanh do nương nghiệp quá khứ nên thọ quả báo hiện tại, nương nghiệp hiện tại (hoặc có một phần của quá khứ) mà thọ quả báo tương lai, cứ như thế mà sống chết lưu chuyển không cùng. Khoảng giữa hoặc có quả báo lành hoặc chẳng lành, phước chẳng phải phước đều do tự gây tạo, tự nhận. Tóm lại đều còn luân hồi ở trong ba cõi, năm ngã, chín đường. Vì do phần đoạn sanh tử tuần hoàn nối nhau không có lúc dừng. Chúng sanh vì mê lầm không thể tự giác. Đức Phật của chúng ta bởi thương xót nên dạy cho phương pháp để phá mê lầm đó. Nghe rồi chúng ta há lại không tỉnh táo đứng dậy để tìm giải thoát và tiến lên đất Phật ư? 3. Biết chắc chắn rằng cõi đời này hư ngụy, quyết chí trạch diệt. Trọn tiết trên đã nói đầy đủ nghĩa thế gian có thể xác thực liễu tri. Khiến thế gian nếu có một mảy đáng tham thì nên tham, nếu thế gian có một mảy đáng yêu thích thì nên yêu thích. Song xét cùng tột nó thảy đều Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã và Bất tịnh, thì ý chí trạch diệt còn ngại gì mà không tự quyết? TIẾT 3: Lìa tham ái là căn bản. Tiết trước lấy liễu sanh tử làm nhân, là từ ngộ lý mà nói, tiết này lấy lìa tham ái làm gốc là từ tu hành mà nói. Xét ra, con người từ khi sinh ra đến khi chết, đối với mạng sống này, dù trực tiếp hay gián tiếp, chưa được thì tham, được rồi thì yêu mến, cố giữ hằng giờ, lúc nào cũng hôn mê và chìm đắm trong tham ái, không thể tự thoát ra được. Có người hoặc tham mà không được, thì sân hận liền theo đó nảy sinh, đang yêu mà bỗng chợt bị mất, thì ngu si thêm lớn. Chính đấy là nguồn của tham ái mà thành ra phiền não, là cửa ngõ đi vào đường sanh tử. Pháp của Tiểu thừa đã ở chỗ đoạn trừ phiền não sanh tử, hoặc lấy lìa tham dục làm chỗ dụng công căn bản. Dưới đây sẽ nêu rõ sự. 1. Quán nguyên do khởi ra gốc khổ. Như tiết trước nói "sinh là gốc khổ". Thực bởi tất cả khổ trong ba cõi, năm thú, chín địa, tam thiên đại thiên ta-bà thế gian, đều nhân nơi vọng nghiệp mà sinh. Tất cả vọng nghiệp đều lại nhân nơi vọng tâm không sáng suốt, bản không, không có ngã mà khởi. Vọng tâm dấy động nên có ba thời lưu chuyển, sinh tử nối nhau, luân hồi không dứt. Muốn rõ nghĩa này xin trình tự giải thích các khoản sau đây. 2. Mười hai hữu chi. Bản biểu chữ "Hữu" của mười hai hữu chi chính chỉ cho ba cõi, năm thú, chín địa, tất cả sở hữu của thế gian. Chi, tức là chi phần, nghĩa là tất cả sự sinh tử lưu chuyển đều nhơn mười hai chi phần này tuần hoàn không dứt, nên gọi là "Mười hai Hữu chi". Cũng chính là cái nhân duyên sinh tử lưu chuyển nên cũng gọi là "Mười hai nhân duyên". Chúng sanh ở đời quá khứ bị vô minh che lấp, mê sự, mê lý, gây tạo hạnh nghiệp lành dữ, mỗi mỗi chứa nhóm trong đệ bát thức (A lại da thức) mà không tự biết, đây tức là cái mê hoặc của thời quá khứ. Quá khứ đời trước lúc chết hôn mê không biết, chỉ là "Vô minh" mờ mịt tồn tại, sau khi chết bỗng nhiên xung động (đây như bỗng nhiên động niệm, tức là nghiệp lực của tập quán), gọi đó là "Hành". Hành nghĩa là động, bởi chính nghiệp nhiễm của đời quá khứ phát ra cái hành này và sẽ đi thọ sanh. Hiện tại vào thai lúc đầu chỉ có "Thức", đây tức là đệ bát A-lại-da thức. Bởi nhân Hành của đời quá khứ do Vô minh xung động chuyển dẫn mà sinh. Đấy là cái manh mối đầu tiên sinh ra đời hiện tại (người thế tục cho rằng linh hồn chuyển sinh đầu thai). Có "Thức" liền có "Danh sắc", Danh sắc là thai tạng. Danh thuộc về tinh thần, sắc thuộc về vật chất, cái tinh thần cùng vật chất ngưng kết thành thai thân. Lại có "Lục nhập" tức là sáu căn hiện đủ. "Xúc" là khi ra khỏi bào thai, xúc cảm với thế giới bên ngoài. Có Xúc thì có thân tâm và các thứ "Thọ” khổ, vui, lo, mừng, xả v.v... Từ Thức đến Thọ năm thứ này là quả báo khổ của đời hiện tại. Đến khi thân tâm này hoàn bị, lại khởi lên "Ái" trước, nhân ái trước mà sinh ra chấp "Thủ". Nói rằng Ái, Thủ tức là cái mê hoặc của đời hiện tại. Vì sao? Vì Ái, Thủ đều lấy Ngã làm tiêu chuẩn. Do có Ngã nên có tình thuận hay nghịch với Ngã, tâm sinh và ba nghiệp thân, khẩu, ý liền ứng theo đó. Do đây lại giúp thêm cho tinh thần căn bản bất giác làm nhân ruộng đất, để đem các nghiệp lành, dữ làm hạt giống gieo trên ruộng giống ấy. Giống liền theo đó mà sanh ra, gọi là "Hữu". Cho nên gọi "Hữu" là cái nghiệp nhiễm của đời hiện tại. Như thế, lại lấy Ái, Thủ làm Vô minh (đồng là hoặc mê), lấy Hữu làm Hành (đồng là nghiệp nhiễm) mà Thủ là đầu mối sinh tử đời sau. Quả báo khổ của đời sau cũng đồng với hiện tại, bởi đời sau cũng do Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ nghĩa của nó không khác. Ở đây điều cần biết là sinh ra đời hiện tại nhơn nơi Vô minh đời quá khứ (tức Ái, Thủ), cùng với Hành (tức Hữu); sinh ra đời tương lai hẳn nhân nơi Ái, Thủ hiện tại (tức vô minh) cùng với Hữu (tức Hành). Cho nên muốn liễu thoát sanh tử, quyết trước phải đoạn trừ Ái, Thủ. Ái, Thủ đã đoạn rồi thì không còn sinh nữa, hoặc mê, nghiệp nhiễm cũng đều không. Thế là đã dứt tuyệt cái nhân sanh tử tương lai và được Niết bàn vậy. Đoạn Ái, Thủ là chỗ hạ thủ của sự liễu sanh thoát tử, và là bản ý tiết này nói (lìa tham ái là căn bản). Không như thế thì mười hai nhân duyên cứ như vòng xích tuần hoàn không dứt, sự sanh tử nối nhau liên tiếp không biết thuở nào thôi. Nói và nghĩ đến đây ai mà không sợ ư? 3. Ngã và sở hữu của bản ngã cùng năm món lợi sử. Mỗi mỗi pháp đều có thể gọi là "Ngã" và cũng có thể gọi mỗi mỗi pháp là "sở hữu của bản ngã". Chẳng qua phạm vi có lớn nhỏ không đồng nhau, hoặc giả ở tinh thần hay vật chất, đều bởi tùy tâm phân biệt nguyên không nhất định, cho là như thế thì như thế. Nên biết, Ngã và sở hữu của bản ngã đều là vọng chấp. Trong đây nói thiên thần là cái chấp của ngoại đạo hoặc cũng chấp cho là thần ngã, nghĩa là tất cả đều thuộc hư dối, chỉ khi nào tu chứng, thần ngã đó mới là chân thật. Năm món lợi sử cũng gọi là năm thứ tà kiến, tà chấp, gồm Thân, Biên, Tà, Kiến và Giới. Sử là sử dụng như công cụ. Lợi là nói sau khi khởi lên, nó như lưỡi dao bén do từ mài sửa mà sinh. Dụ cho năm món tà kiến này vốn chẳng phải cùng sinh, cùng đến, phần nhiều là do tập quán, tư tưởng, ngôn ngữ, văn tự và các thứ giáo huấn trên xã hội mà có, sẽ giải thích sau đây. Thân là thân kiến, không kể người hay loài vật khi nhìn đến, chúng ta đều thấy nó có cái cá thể tồn tại, nên gọi là thân kiến. Ví như cái chung trà, trước nhất chúng ta thấy cái chung trà này có một "cá thể" của nó, rồi sau mới luận đến màu sắc chung trà rất đẹp, hoa vẽ tinh xảo, chất liệu rất mịn. Như thế mỗi mỗi đều thấy rõ các vật phụ thuộc của chung trà này mà không biết rằng chung trà sở dĩ có là do mỗi mỗi vật hòa hợp thành, nếu lìa mỗi mỗi vật này ra, thì thể của nó không tồn tại. Lại như một con người, hẳn trước chúng ta thấy có cái "cá thể" của con người ấy, sau đó mới luận đến tướng trạng khôi ngô của người này. Nào tai mắt thông minh, thân thể khỏe mạnh, tinh thần dồi dào, tư tưởng cao thượng... Như thế mỗi mỗi phần đó, không luận tinh thần hay vật chất đều thấy là của người này, không thấy được rằng người này thực chính do mỗi mỗi vật đó hòa hợp mà thành, nếu rời những vật đó ra, thì con người này không do đâu tồn tại được. Loại tà kiến này gọi là thân kiến. Biên là biên kiến, nhân thân kiến mà khởi, y theo trên nói, cái vọng của thân kiến thì suy cứu sau khi chết, "cá thể" này nó đoạn diệt chăng? Hay không đoạn diệt? Đối với vấn đề này, với nhà Duy vật luận thì cho rằng người chết rồi là đoạn diệt. Nói gọn là tinh thần phụ thuộc các động tác của vật chất trong thân thể, không khác năng lực do vật chất khởi ra, người chết tức là năng lực của vật chất không còn khởi nữa, vật chất cũng bị tiêu hóa, nên nói đoạn diệt, đây là "đoạn kiến". Còn nhà Tinh thần luận thì cho rằng con người riêng có cái "cá thể" của tinh thần tồn tại. Như thuyết linh hồn tương truyền của người thế tục, không nhận cái chết của thân thể mà (linh hồn) bị hoại diệt, lại thường tồn tại. Loại này là "thường kiến". Ngoài hai thuyết chấp thường và chấp đoạn nói trên lại có thứ chấp "chẳng phải thường, chẳng phải đoạn", "cũng thường, cũng đoạn", các loại chấp như thế đều rơi ở một bên, nên gọi là biên kiến. Triết học thời nay cũng đều nương thân kiến, biên kiến mà lập vậy. Tà tức là tà kiến. Trên nói thân, biên cũng đều là tà kiến. Nhưng lấy tà kiến bác không có tất cả nhân quả, tội phước nêu lên trước, nên liệt riêng, đó cũng chính là không phải chánh kiến. Kiến tức là kiến thủ. Chấp cái lý mình đã thấy, không biết nó là sai lầm, rồi khởi lên sự tranh đấu cho là phải. Giới tức là giới thủ, y theo kiến chấp về cấm giới sai lầm, gìn giữ để tự trói buộc lấy mình, gây sự lao khổ vô ích. Như bên xứ Ấn Độ, giới chăn bò thì học theo cách đi của con bò, giới giữ chó, thì bắt chước theo cách chạy của con chó, họ cho bắt chước như vậy sẽ được đạo. 4. Câu sanh ngã ái cùng với năm độn sử. Tham, sân, si, mạn, nghi, năm thứ này gọi chung là năm độn sử. Độn đối với lợi mà nói. Lợi như lưỡi dao, Độn như sóng dao. Lợi thì dễ trừ, Độn thì khó đoạn. Năm thứ này trừ Nghi ra, đại để đều cùng sanh cùng đến, nên gọi là "Câu sanh Ngã ái" cũng gọi là "Câu sanh ngã chấp". Trong mười sử, năm món lợi sử trên làm chủ, cũng gọi là "phân biệt ngã chấp" Phân biệt ngã chấp, là nhận lầm phần giải nghĩa lý mà khởi. Nếu hay trừ cái tâm, nêu rõ chánh lý thì đoạn được chấp này, nên nói dễ trừ. "Câu sanh ngã chấp" cũng tức là "Câu sanh thân kiến". Khi sanh ra đã có chấp này rồi. Đến quả A La Hán mới có thể đoạn sạch, nên nói khó đoạn. Tham tức là tham dục, Sân tức là sân hận. Si tức là ngu si, Mạn tức là kiêu mạn, Nghi nghĩa là không chánh tín. 5. Năm dục Năm món : Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm dục của loài người. Người xuất gia, trong năm dục đã đoạn được ba thứ, chỉ còn hai thứ ăn và ngủ mà thôi, nên đủ duyên so sánh với người tại gia là hơn. Tuy nhiên, nếu người tại gia mà không ham lợi phi nghĩa, không phạm tà dâm, không thích hư danh, không cầu ngon ngọt, không vì ngủ nghỉ quá lượng, thì cũng không hại gì đến con đường Bồ đề. Năm món sắc, thinh, hương, vị, xúc là năm dục chung cho tất cả chúng sinh trong cõi dục, đều bởi do ái tham mà khởi. Bản tiết nói "Lìa tham ái là căn bản" trước nhất là lìa "tham năm dục". Không bị năm món dục tiêm nhiễm, thì được siêu việt ra ngoài cõi dục, hoặc được quả Tu Đà Hoàn. 6. Giới, Định, Huệ, ba món học vô lậu. Trên đã nói lìa tham ái. Đây nói đến phương pháp để lìa tham ái, là ở ba môn "vô lậu học". Ba môn "vô lậu học" này cũng gọi là "ba môn học tăng thượng". Tuy thông cả Đại, Tiểu thừa cho đến cứu cánh, nhưng ở Tiểu thừa rất là thiết yếu và rõ ràng, duy so sánh pháp tu có cạn, sâu thôi. Giới, sở dĩ lìa được năm dục là nhân giới sinh định, thì khả dĩ chiết phục các chấp ngã, khiến cho nó không khởi được. Nhân định sinh huệ, huệ là chân trí khả dĩ đoạn được tất cả tà chấp. Như bình nước đục, định có công dụng lóng trong, mà huệ có sức loại bỏ các cặn bã nhơ đục trong đó. TIẾT 4: Diệt tận là cứu cánh. Cứu cánh nghĩa là việc làm đến hoàn thành viên mãn. Cứu cánh của hàng Tiểu thừa là ở diệt tận, tức Diệt, Tận, Ly, Diệu sẽ nói trong khoản một của tiết này. Nơi đây với hàng Tiểu thừa, việc phải làm của họ đã xong, bèn chứng quả vị Niết bàn 1. Diệt, Tận, Ly, Diệu. Diệt là diệt tất cả phiền não. Tận là sạch hết nghiệp sanh tử hữu lậu. Ly là giải thoát các khổ trong ba cõi, chín địa. Diệu là diệu ứng chơn thường, tức chứng diệu trí vô sanh pháp tánh, và khế hợp tương ứng với chân thường. Đây là nói việc cứu cánh của hàng Tiểu thừa. 2. Bích Chi Phật và bốn quả Sa môn. Đây nói quả vị của Tiểu thừa. Bích Chi Phật dịch là Độc giác, nghĩa là hàng này không hẳn từ Phật nghe pháp, hay có thể tự lực mà được giác ngộ. Cũng gọi là Duyên giác, bởi nhân lời dạy của Phật, quán mười hai nhân duyên mà được giác nên gọi là Duyên giác. Sa môn là tiếng gọi chung của hàng xuất gia, các vị này siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt trừ tham, sân, si, là tên gọi chung của hàng xuất gia, đệ tử Phật, tức chúng Thanh văn trong Tiểu thừa. Thanh văn là hạng người do nghe âm thanh thuyết pháp của Phật được giác mà lập tên, hợp hai hạng Thanh văn và Độc giác gọi chung là Nhị thừa. Hàng Độc Giác chỉ quan hệ về chấp Hữu, nên nói là hàng Tiểu thừa, nặng về Thanh văn, quả vị đó có bốn, nên gọi là bốn quả Sa môn. a. Tu Đà Hoàn tức là quả Dự lưu, nghĩa là quả vị này đã thoát phá tà mê, thấy rõ chân đạo vượt ra ngoài sanh tử, dự vào dòng Thánh. b. Tư Đà Hàm tức là quả Nhất lai. Quả vị này nghiệp báo chưa sạch, còn phải một lần trở lại nhân gian. c. A Na Hàm tức là quả Bất hoàn. Quả vị này trụ cõi trời sắc, không còn trở lại nhân gian nữa. d. A La Hán tức quả Vô sanh, là quả vị tối cao của tiểu thừa. Đến Niết bàn cứu cánh, tức được tịch diệt viên mãn. 3. Niết bàn Hữu dư y. Tuy được Niết bàn, vẫn còn dư báo làm chỗ nương (như thân thể còn hiện đời), gọi đó là Niết bàn Hữu dư y. Niết bàn là tịch diệt, tuy còn dư báo nhưng đã đầy đủ Giới, Định, Huệ, ba môn học vô lậu và giải thoát tất cả phiền não sanh tử, có tri kiến chân chánh giải thoát; tức là Vô sanh trí, tận trí, quyết không còn sinh tử nữa... nên cũng gọi rằng Niết bàn 4. Niết bàn Vô dư y. Rời bỏ thân tâm vào diệt độ, không còn một chỗ nương tựa, duy có Diệu tánh chơn thường, gọi đó là Niết bàn Vô dư y. Như bậc A La Hán trong lúc diệt độ, nhập định Diệt thọ tưởng, từ đó khởi mười tám thứ biến hóa, sau cùng dùng lửa huệ tự hóa thân của mình vào diệt độ. Định diệt thọ tưởng là thọ, tưởng đã diệt, thường ở trong Định. Định này không đồng với định Vô tưởng. Định Vô tưởng chỉ mới điều phục được tưởng niệm của sáu thức trước, khiến nó không còn khởi nhưng chưa ra khỏi người, trời trong ba cõi. Định diệt thọ tưởng chỉ có hàng xuất thế mới được. Tiết 5: Tứ đế là tông bản. Tông bản là căn cứ, là chủ yếu. Chủ yếu của Tiểu thừa căn cứ ở Tứ đế, nên nói Tứ đế là tông bản. 1. Tứ Đế. "Khổ" là khổ của quả báo trong tất cả thế gian, như sanh, già, bệnh, chết, cầu không được, gặp gỡ như oán cừu, yêu mà xa lìa và năm thứ uẩn xí thạnh. - Khổ sanh từ đâu? - Do Tập. Tập là nghĩa của hòa hợp sanh khởi, nghĩa là nỗi khổ kia chẳng phải sanh khởi bởi một pháp mà nó do phiền não, vọng nghiệp nhân duyên hòa hợp mới có, nên nói là "Khổ Tập". Tập là nhân, khổ là quả. Biết khổ đó là phiền não, vọng nghiệp nhóm họp mà có, thì biết muốn thoát sanh tử cần phải đoạn phiền não, nghiệp nhiễm. Phiền não, nghiệp nhiễm diệt, thì sanh tử cũng diệt, nên gọi là "Khổ Tập Diệt". Nhưng Diệt đó hẳn có phương pháp hay diệt, nên tiến thêm một bước nữa, tìm "Đạo Khổ Tập Diệt". Hai Đế sau lại lấy Đạo làm nhân mà Diệt làm quả. Đế nghĩa là chân lý. 2. Ba mươi bảy phần Bồ Đề. a. Tứ niệm trụ: Quán thân không sạch, quán Thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. b. Tứ chánh cần: Việc ác chưa đoạn phải đoạn; việc ác đoạn rồi không nên khởi nữa; việc lành chưa sanh khiến mau sinh; việc lành đã sinh giữ cho được tăng trưởng. c. Tứ như ý túc: Dục, Niệm, Tấn , Huệ. d. Năm căn và Năm lực : Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ (năm món căn lực này giống nhau). e. Bảy giác chi: Niệm, Trạch pháp, Tinh tiến, Hỷ, Khinh an, Định, Xả. f. Tám thánh hạnh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tiến, Chánh niệm, Chánh định. Ba mươi bảy phần Bồ đề này tức là "Đạo Khổ Tập Diệt" đã nói ở trước cũng chính là Ba mươi bảy phần công đức của Tiểu thừa. Tứ niệm trụ đã thấy trong tiết 2 bản chương này. Tứ chánh cần bản văn tự rõ, nói chánh cần là loại ra phần tinh cần không chân chánh (như loại giới thủ). Như ý túc là sức hay tiến hành. Năm căn, năm lực: Căn là cội gốc, lực là năng lực. Danh, tướng, năm món này tương đồng. Bởi đủ năm thứ cội gốc lành và thanh tịnh này, sau đó mới phát thành năng lực, có cội gốc nên không bị tất cả pháp chuyển, có năng lực nên hay chuyển được tất cả pháp. Giác chi tức là chi vị của giác. Thánh hạnh là từ chân lý mà khởi hạnh, là loại ra những hạnh không chân chánh mà nói. TIẾT 6: Nội dung và định nghĩa của Tiểu thừa. Tiểu thừa của chương này nói là do quan hệ đến chỗ đối đãi với Phật thừa nên nói là Tiểu. Người nghe không thể nhân cái tên Tiểu mà chấp là nhỏ, nên đây đưa ra nội dung và định nghĩa của danh từ trên. 1. Tiểu thừa tức là Thanh văn, Độc giác. Nội dung Tiểu thừa bản luận nói đây là hai bậc Thanh văn cùng Độc giác, lại gọi là Nhị thừa. Quả vị này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn bị rơi vào cõi trời, cõi người, chẳng phải sanh lên thiên đường như truyền thuyết của người đời, cùng bạch nhật phi thăng… Các nhân quả hữu lậu. Nếu đem so sánh, ta có thể nghĩ những hạng người này không bằng trong muôn một, nên không thể khinh thị. 2. Đối với Đại thừa nên nói Tiểu thừa. Đây định nghĩa rõ Tiểu thừa là đối với Đại thừa Phật pháp mà lập danh Tiểu thừa, chẳng phải đem thế gian pháp mà nói. Nếu đem thế gian pháp để nói thì Tiểu thừa đã lớn không thể sánh. Vì sao? Vì tất cả nhân lành phước nghiệp trong đời, đều là hữu lậu đều là vô thường có cùng tột. TIẾT 7: Tiểu thừa cùng xuất thế xuất gia và pháp lành của Trời, Người. Tiết này đem các điểm xuất thế xuất gia và nhân thiên thừa quán sát pháp của Tiểu thừa để rõ thể, dụng đó, chia làm bốn khoản sau đây. 1. Tiểu thừa chỉ là pháp xuất thế. Tiểu thừa thuần là Phật pháp siêu xuất thế gian đối với nhân quả thế gian rất là rõ ràng, như các tiết trước trong chương này nói. Quan sát tất cả pháp có trong thế gian, sáu nẻo luân hồi, ba đời lưu chuyển, nhân duyên sanh tử cho đến chấp ngã, tà kiến, tình dục v.v... không thể nào mà không thấu triệt, rõ ràng không thiếu. Chỉ vì mục đích của hạng người này, thuần ở xuất thế, nên quan sát kết quả đều làm phương tiện giải thoát. Dù như pháp liễu tri tất cả sanh tử phiền não đều không ngoài nhân quả thì hẳn từ quả mà tìm nhân, rõ được nguyên nhân rồi sau mới tiến đến giải thoát khiến không phát sanh nữa. Đây là pháp môn bất nhị của hàng Tiểu thừa, nên chỉ là pháp xuất thế. 2. Tiểu thừa có tất yếu xuất gia. Muốn rõ mối dây liên hệ Tiểu thừa cùng sự xuất gia, trước cần rõ quả vị của Tiểu thừa. Tiểu thừa chia làm hai, là Thanh văn và Độc giác mà vẫn trọng về Thanh văn hơn, lấy bốn quả Sa môn làm quả vị. Xét trong bốn quả, thì từ quả thứ nhất đến quả thứ ba vẫn còn ở giữa đường, đến quả A La Hán thứ tư mới là quả vị cùng tột. Nhưng đến quả thứ ba thì đã đoạn được tham dục. Nên biết, hẳn phải xuất gia mới thành tựu được việc trọng đại này. Phàm nghĩa xuất gia là xả bỏ quyến thuộc cùng tài sản, hai thứ này đều là những pháp sở hữu của bản ngã. Nghĩa rộng của xuất gia là rời bỏ tất cả pháp sở hữu của bản ngã. Người tại gia chưa bỏ được những pháp sở hữu của bản ngã, chỗ chứng của hạng này không ngoài quả vị thứ hai và ba. Nếu người xuất gia y pháp tu tập tức khả dĩ chứng đến quả vị tối cao. Nên nói rằng hàng Tiểu thừa tất yếu phải xuất gia. Vả lại, đặc chất của hàng Tiểu thừa có hai: a. Hạng ở trong cõi trời và người: Đây là hạng ở trong cõi trời và người, ngoài ra như các ác thú thì không có hàng tu pháp Tiểu thừa. Thế nên hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni rất trọng giới luật nhưng hơn phân nửa giới luật tùy thuộc ở nhân sự. Lại như người tâm không quyết định, sáu căn không đủ, và có tinh thần bệnh hoạn không thể xuất gia, đều như thế cả. b. Một đời là hoàn toàn xong: Đây chính là ngay trong loài người được chứng quả. Nên hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni tuổi cần phải hai mươi trở lên, cha mẹ hứa khả, hoặc đã qua đời, mà không có các chướng ngại, mới được y pháp thọ trì giới luật tu tập thiền định. Do nghe, suy nghĩ, tu tập mà sanh huệ chân chánh được giải thoát của bậc thánh, tức là ngay trong đời này được chứng quả. 3. Hàng xuất gia, tại gia mỗi bên có chỗ nên làm. Việc nên làm của người xuất gia: Người xuất gia một mặt thì siêng năng tu Giới, Định, Huệ, tức dẹp tham sân si là tự lợi, mặt khác thì trụ trì Phật pháp, nhiếp hóa chúng sanh là lợi tha. Như trong kinh nói: "Phật tử trụ trì, khéo vượt các Hữu, nghiêm tịnh luật nghi, rộng làm khuôn mẫu cho ba cõi". Trụ trì Phật pháp, nhiếp hóa chúng sanh nên có phần tử xuất gia, Phật pháp mới không tùy theo đời biến, quốc biến mà chuyển. Bởi người xuất gia chỉ y theo lời răn bảo của Phật, nghiêm giữ thanh quy, không luận thế gian biến đổi thế nào, đã có luật nghi, không thể lại thay đổi! Thế nên tướng của Tăng chúng là ở chỗ "lìa tục trì giới" (đầy đủ oai nghi). Đức của tăng chúng là ở chỗ "Tu hành hoằng pháp". Đây đều là việc của người Phật tử xuất gia đối với Phật pháp nên làm. Việc nên làm của người Phật tử tại gia: a. Giữ giới làm lành. b. Bố thí hộ pháp. Biết rõ nhơn quả nghiệp báo, nghiêm trì năm cấm giới, tu hành mười điều lành, làm phước nghiệp cho mình, khỏi đọa đường ác, hoặc sinh lên trời lấy làm tư lợi. Lại thực hành việc bố thí lấy làm lợi tha. Bố thí có ba cách: - Bố thí của cải. - Bố thí chánh pháp. - Bố thí không sợ hãi. Đem của cải riêng phần mình cho người, hoặc quyên trợ tất cả công việc từ thiện, đều gọi là "Bố thí của cải". Y theo tôn chỉ Phật pháp dùng lời nói, văn tự giáo hóa kẻ khác, đều gọi là "Bố thí chánh pháp" Cứu người lúc nguy, giúp kẻ gặp tai nạn, hoặc dùng các thứ phương tiện khiến người lìa khỏi tật bệnh khốn khổ (như hội Hồng thập tự, Y viện v.v...) đều gọi là bố thí không sợ hãi. Đây đều là việc của người Phật tử tại gia tin phụng Phật pháp nên làm. 4. Tiểu thừa gồm có pháp lành trời và người. Trên nói, việc nên làm của người Phật tử tại gia phần nhiều là pháp lành ở trời và người. Bởi nhân Tiểu thừa Phật pháp vốn có đẳng cấp. a. Nhân mạng sống của con người vô thường, sáu nẻo luân hồi không thể dự định trước, việc tái thế về sau vị tất có thể đảm bảo thân này, nên cần phải rộng trồng nhân lành, đối trị quả ác. Đó là tu hành pháp lành của trời và người, đoạn trừ ác nghiệp. Ác nghiệp đã thông, tự không có báo ác, vượt ngoài ba cõi ác, thường ở cõi trời, cõi người quyền hay thực chỉ ở tại mình. b. Pháp lành chốn nhân thiên, dù đã trồng căn lành, đã thành thiên tiên cũng chưa khỏi cõi Dục. Nên cần tu tập thiền định làm duyên tăng thượng, mới có thể xa lìa cõi Dục, sanh lên cõi Sắc và Vô sắc. c. Người, trời trong ba cõi chưa khỏi sanh tử phước nghiệp tuy cao có lúc sẽ hết, định lực dù kiên cố có khi rồi cũng tiêu tan; quyết phải chứng Vô sanh (A-la-hán) mới vượt khỏi ba cõi. Ba phần nói trên: Một là lấy thiện để độ ác. Hai là lấy thiền để độ dục. Ba là lấy Vô sanh để độ ba cõi sanh diệt. Người nào hay thực hành được phần một trên, thì có thể đảm bảo được căn lành, nếu thực hành được cả phần một và hai, thì người đó thường được ở cõi trời. Phần ba là đoạn phiền não liễu thoát sanh tử và đầy đủ thể dụng của Tiểu thừa, nên nói pháp lành của Tiểu thừa gồm có cõi trời và người. * |