PHẬT PHÁP THUẦN CHÍNH (tt)
CHƯƠNG IV: QUAN HỆ GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA
Hai chương
trước chia ra nói Phật pháp Đại thừa, Tiểu thừa, nghĩa đó đã rõ lắm rồi.
Nhưng Đại thừa có thể dung nạp được Tiểu thừa, mà Tiểu thừa có thể làm
phương tiện cho Đại thừa và có quan hệ lẫn nhau. Chương này gồm sáu tiết
luận về mối quan hệ đó.
TIẾT 1: Nhân, Thiên cùng Tiểu thừa đều là phương tiện của Đại thừa.
Đại thừa từ
lúc mới phát tâm đến đăng địa hẳn phải qua bao nhiêu cấp bực. Như Quy y
Tam bảo của bậc Thập tín, tu hành mười điều lành tức là pháp của Nhân,
Thiên thừa, cũng chính là sơ cấp của Đại thừa, nên nói Nhân, Thiên thừa là
phương tiện của Đại thừa. Từ Thập tín tiến lên Thập trụ gọi là Bất thối
trụ. Chỗ tu tập của vị này cùng với Nhị thừa thông nhau, cho nên Thanh
văn, Độc giác thừa cũng là phương tiện của Đại thừa. Như từ Thập trụ tiến
lên Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa, đây không phải là chỗ hàng Nhị
thừa cùng Trời Người đến được.
TIẾT 2: Tiểu thừa là phương tiện chính để vào Đại thừa.
Trên nói tông
yếu của Tiểu thừa có ba mà tông yếu của Đại thừa cũng có ba, đôi bên đối
chiếu nhau. Thì biết, tông yếu của Tiểu thừa là cửa phương tiện để vào Đại
thừa, cốt do hay ngộ mà chuyển đổi vậy. Sau đây nói rõ việc này.
TIẾT 3: Tiểu thừa có người không thể thông vào Đại thừa.
Đức Phật ứng
thế, lúc đầu chỉ nói pháp Tiểu thừa, nguyên vì người phần nhiều bị vô minh
ngăn che, mê mất tánh Như Lai tạng diệu chân như của mình, nên đức Phật
trước nói pháp sanh diệt, khiến cho họ được giải thoát. Là chỗ trí họ có
thể đến, sức họ có thể kham, do đấy tu hành ngay đời này liền chứng bốn
quả Sa môn, nên pháp nói đây chưa phải là cứu cánh. Người Tiểu thừa, đã
nghe Phật pháp do kết quả quán sát năm uẩn, sáu đại, mười hai xứ, mười tám
giới mà liễu tri không có ngã. Phá chấp ngã này rồi, song nhìn lại dù đã
phá chấp ngã, nhưng chấp pháp vẫn theo đó khởi lên. Chấp có pháp lại bị mê
pháp. Do có chấp pháp nên không thể thông vào Đại thừa, không phải pháp có
chẳng thông, chỉ tại chấp thì chẳng thông. Nếu bỏ chấp này, tức là Đại
thừa vậy.
TIẾT 4: Người xuất gia trước phải lấy Tiểu thừa làm phương tiện cho Đại
thừa
Hạnh tu của
Tiểu thừa trước lấy xuất gia làm thích hợp, cũng lấy xuất gia làm dễ dàng
và lấy xuất gia làm duyên thù thắng. Thế nên người xuất gia trước phải tu
pháp Tiểu thừa, khi đã hoàn thành, nhiên hậu hồi Tiểu hướng Đại để vào Đại
thừa, như thế là thuận theo thứ lớp.
Vì sao? Vì
hạnh tu của Tiểu thừa lúc đầu phải giữ giới, giới được thanh tịnh rồi khả
dĩ sáu căn không buông lung, một lòng được thanh tịnh, nhân giới mà sanh
định. Hơn nữa, được nghe nhiều Phật pháp, tức do định mà phát tuệ. Đầy đủ
ba môn học, tu chứng bốn quả thánh, nhiên hậu cứ thẳng một đường mà tiến,
đồng phát ba tâm, liễu sanh tử, lìa tham ái cùng diệt tận mà chuyển thành
tâm Đại thừa là Bồ đề, từ bi và phương tiện. Nếu lấy Tiểu thừa làm phương
tiện vào Đại thừa, là việc của người xuất gia phải làm.
TIẾT 5: Đời sau không nên dùng Tiểu thừa.
Tiết trước
nói, người tu hành thuận theo thứ lớp, bởi do từ Tiểu thừa vào Đại thừa là
thích hợp. Nhưng ở Trung Hoa từ đời Đường, Tống đến nay các bậc tiên hiền,
cổ đức ít lấy pháp Tiểu thừa dạy người, mà người cũng ít tu tập theo đó.
Vì sao? Vì
thuở Phật còn tại đời, hai nghiệp Sắc và Tâm đều thù thắng. Do viên âm của
Phật cảm hóa, khiến người nghe liền hiểu, nên có thể xem cơ nói pháp trước
nương Tiểu thừa, khiến họ được chứng quả. Nhiên hậu, chỉ bày chỗ cứu cánh
phá tâm chấp của họ, khiến họ hồi Tiểu hướng Đại bước lên địa vị Bồ tát,
sức lớn như thế chỉ có Phật mới có thể đầy đủ, thực không phải việc người
sau có thể bì kịp.
Người sau xem
cơ, phá chấp hai bệnh đó chưa kham. Nếu dạy người tu tập theo Tiểu thừa,
một khi có chấp trước, tức không thể khai ngộ cho người đó được, nên thà
bỏ Tiểu thừa, không nên dùng.
Từ đời Đường,
Tống đến nay, các bậc cổ đức dạy người, chỉ thẳng cho họ phát tâm lớn,
chứng quả lớn, như minh tâm kiến tánh, trực hạ thừa đương của Thiền tông.
Cần yếu ở chỗ một khi ngộ là hằng ngộ, cho nên không dùng Tiểu thừa cho
đời sau là có lý do vậy.
TIẾT 6: Bí yếu của người hoằng pháp phải thiện xảo nói pháp.
Tổng yếu của
việc nói pháp là ở chỗ có thể khiến cho người nghe pháp chuyển mê thành
ngộ, phát sanh hiểu biết chân chánh, như thế mới có lợi cho người. Theo
nghĩa này, phàm có lợi cho người, đều nên phương tiện nói pháp cho họ. Đây
nói lợi là lấy người hiện thời mà nói, không nên chấp cho cái gì có lợi,
gì là không lợi!
Ví như có
người ngay nơi cảnh, trí của họ chỉ đây hay tín thọ pháp lành của trời và
người, tức khả dĩ dùng pháp của trời và người mở bày cho họ khiến họ thiện
căn được đến thành thục. Như quyết chấp pháp của trời, người là có nhân
quả hữu lậu mà cưỡng đem pháp Đại thừa nói với họ, thì người đó hoặc sinh
khinh sợ, hoặc sinh hủy báng, chỉ phí mất không ích gì mà lại gây hại. Như
đức Phật nói kinh Niết Bàn, lúc đầu Ngài đem bốn đức Thường, Lạc, Ngã,
Tịnh khai thị các đệ tử hàng Nhị thừa, bất chợt có người ngoại đạo đến,
Ngài liền chuyển nói là Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã, Bất tịnh. Đây vì
người ngoại đạo kia chưa lìa tham ái, hẳn không thể cho nghe bốn đức Phật
quả thanh tịnh vi diệu, nên trước lấy pháp sinh diệt nói với người đó,
khiến tâm của họ được rỗng rang, được thực lợi trong khi nhận hiểu.
Qua điều trình
bày trên, chúng ta có thể biết bí yếu thuyết pháp của đức Như Lai. Thế
nên, muốn hoằng pháp, lợi sinh cũng phải có phương tiện khéo léo mới thực
hiện được.
] |