LUẬN PHẬT THỪA TÔNG YẾU H.T THÍCH NHẬT QUANG |
||
PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG Trong phần Phật pháp thuần chíùnh chỉ nói một cách đơn lược tự thân của Phật pháp, mà chưa đề cập Phật pháp quan hệ cùng người đời như thế nào. Phần này đem sự ứng dụng của Phật pháp trong đời, tùy thuận theo nhân tâm có biến thiên lưu chuyển và các thứ bất đồng mà luận rõ cái công dụng của Phật pháp. Luận về Phật pháp ứng dụng, gồm bốn chương như sau (Dịch giả xin lược bớt chương ba, đôn chương bốn lên làm chương ba). CHƯƠNG I: BÌNH LUẬN CỦA CÁC HỌC PHÁI CÁC TÔN GIÁO TRONG THẾ GIAN Đây luận phần Phật pháp ứng dụng chắc chắn có liên hệ đến các học phái, các tôn giáo ở thế gian, nên bản chương trước từ Phật pháp mà quan sát các học phái, các tôn giáo trong thế gian mà luận bình. TIẾT 1: Các nhà phê phán đã qua. Trước đối với nhà phê phán về Đạo Học Luận Hành Trung đã qua. Đây lược rõ như sau. a. Triết học thuần chánh: Triết học thuần chính tức thường gọi là Hình nhi thượng học, muốn nơi bản thể hiện tướng vũ trụ dùng triết học nhận thức, thuyết minh đó. Loại triết học này lưu truyền ở Âu Tây, có Nhất Nguyên luận, Nhị Nguyên luận, Duy Vật luận, Duy Tâm luậnv.v... (xin tham khảo sách Triết Học Chính Quán của Đạo Học Luận Hành Trung). b. Triết học ứng dụng: Chuyên đem nhân sự trên ứng dụng mà lập thuyết nên gọi là triết học ứng dụng (xin tham khảo sách Giáo Dục Tân Kiến của Đạo Học Luận Hành Trung). c. Thiên thần giáo: Thiên thần giáo chính là Nhất thần giáo như Gia Tô, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Bà la môn giáo (xin tham khảo luận Phá Thần Chấp của Đạo Học Luận Hành Trung). d. Tiến hóa luận: Do kết quả của khoa học mà triết học kiến lập, và xu hướng theo trào lưu tiến hóa nên gọi là Tiến hóa luận (xin tham khảo sách Tông Đính Thiên Diễn của Đạo Học Luận Hành Trung). TIẾT 2: Những nhà phê phán hiện thời. Các nhà phê phán nói ở tiết trên nên nói đều nằm trong thời đã qua. Tiết này thì lược dẫn các nhóm phê phán hiện tại và chưa có lời phê phán. Nhưng xưa nay các tôn giáo, học phái ở Trung Quốc cũng như Âu Tây cực kỳ lan rộng, nếu mỗi mỗi liệt ra cũng không kham nổi, trong đó chỉ lựa nhóm nào có thể đại biểu cho một ban phái, một số người, rồi từ trên Phật học quan sát mà luận dẫn ra thôi. Trước xin nói sự liên hệ của Tiểu thừa Phật pháp cùng nền khoa học cận đại. TIẾT 3: Khoa học hiện đại cùng Tiểu thừa học. Sang thế kỷ mười chín, hai mươi này, là thời đại mà người đời rất hâm mộ khoa học. Khoa học tuy phát nguyên từ Âu Châu, nhưng xét trở lại ba bốn trăm năm trước, bao nhiêu những tư tưởng, học thuật của Âu Châu thời đó đều bị Gia Tô giáo lũng đoạn. Sau nhóm Tân giáo xướng lập, phản đối Cựu giáo dữ dội. Thời kỳ này Gia Tô giáo mất sức lũng đoạn, các tư trào học thuật, tư tưởng biến động và khoa học nhân đó mà quật khởi. Một phái thì khảo sát nền học cổ Hy Lạp mà xướng minh, đó là gốc của triết học, văn học. Còn một phái khác lại đem những hiện tượng tự nhiên của vạn hữu trong hiện tại mà quán sát và đấy chính là nguồn gốc của khoa học. Sức bành trướng của hai phái này không đồng nhau. Như khoa học rất trọng luật nhân quả, Gia Tô giáo thì cho rằng tất cả vạn hữu đều do thần tạo ra, cố nhiên cùng với khoa học không tương dung được. Khoa học có ba điểm trọng yếu là: a. Trọng nhân quả: Hiện tướng vạn hữu không rời nhân quả mà có, hoặc do nhiều nhân mà thành một quả, hoặc do nhân biến hóa mà thành quả khác. Nương đây thuyết minh vạn hữu tất nhiên được sự đoán định “Tuyệt không có quả nào mà chẳng từ nhân". b. Trọng kinh nghiệm: Khảo sát hiện tướng của vạn hữu chẳng phải bằng lý tưởng suông, hẳn có trực cảm trên căn và thức, lại cần phải trải qua thực nghiệm mới thành pháp tắc khoa học. c. Trọng phân tích: Hiện tướng vạn hữu hẳn phải dùng các phương pháp quan sát để tìm lấy thực tại của nó. Như một vật thể có thể tồn tại trong vòng năm mươi năm. Khởi sự thì chia số năm ra quan sát sự tồn tại theo năm tháng của vật này sẽ là tướng gì, do số năm như thế chia ra thành số tháng lại chia ra ngày, giờ cho đến chia ra thời gian rất ngắn như phút, giây... mà quán sát sự biến đổi của vật đó. Đây là phân tích về thời gian. Lại thể tích của vật này gồm bao nhiêu bộ, bao nhiêu phân, và quán sát sự tổ hợp của vật đó như thế nào (như nguyên chất của vật chất, tế bào của sinh lý) đây là phân tích không gian. Nhà khoa học nương ba điểm này, có thể kết luận biết khắp vạn hữu đều do hai giả tướng liên tục (quán sát thời gian) và hòa hợp (quán sát không gian). Khái lược khoa học là như thế. Phật pháp Tiểu thừa cùng khoa học đại loại tương đồng. Bởi Tiểu thừa mới đầu cũng kiến lập nhân quả chân chính để phá tất cả thần giáo, thuyết minh người đời có cộng nghiệp, biệt nghiệp làm nhân, nên có y báo, chánh báo làm quả. Kế đến quán sát vũ trụ vạn hữu, gần thì trở lại trong thân tâm, xa thì cùng khắp thế giới, lớn là hư không, nhỏ là vi trần, không vật nào mà không gồm trong năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới. Kết quả đều thuộc về tướng giả, nói rằng giả hòa hợp (các pháp tích tụ) giả liên tục (sát na sanh diệt) giả đối đãi (người đối với chẳng phải người...). Thế nên Phật pháp Tiểu thừa cùng với khoa học, chỗ quán sát đồng, cái kết quả cũng đồng, chỉ có mục đích thú hướng của mỗi bên là khác nhau mà thôi. Vì sao thế? Bởi Tiểu thừa thì chú tâm vào việc được giải thoát, do kết quả quán sát mà biết sự biến thiên vô thường của vạn hữu. Vì đã hư giả không thực nên cầu chứng Pháp tánh không sanh diệt, thủ chứng Niết bàn. Ngược lại, cái dụng phát tâm của nhà khoa học ở việc lợi người, cũng do kết quả quán sát mà biết sự biến thiên vô thường của vạn hữu. Vì hư giả không thực nên muốn đem trí óc tháo vát cùng với quyền lực sẵn có của con người, biến hóa cái tướng giả sanh diệt kia, làm thành cái dụng tiện lợi chung cho mọi người. Do đó nên nói: Những pháp bên Tiểu thừa loại ra, thì lại là đồ dùng tiện lợi của nhà khoa học (sanh diệt giả tướng) còn những phần bên Tiểu thừa thu vào, thì lại là những thứ mà nhà khoa học không dùng đến (Pháp tánh không sanh diệt). Vì chỗ thú hướng không đồng nên cái bỏ, lấy có khác. TIẾT 4: Triết học hiện đại cùng Đại thừa Thuở xưa phạm vi của hai chữ Triết học thì rộng lớn, gồm cả chính trị, tôn giáo, luận lý, tâm lý... các học phái đều khái quát, bao la trong đó. Triết học cận đại lập nghĩa rất nghiêm cẩn, phạm vi so có phần hẹp. Trên phương diện Triết học thuần chính mà bàn thì mục đích của nó chỉ cầu giải quyết "Hình nhi thượng học", tức là thuyết minh môn học về bản thể của vũ trụ hạn hữu. Lược có hai. 1. Tìm chứng minh bản thể. 2. Tìm phương pháp giản minh bản thể. Trước cái bị chứng nhận được là bản thể luận. Sau, hay chứng nhận là nhận thức luận. Điểm chú trọng của họ đều ở sự truy cứu vạn pháp nguyên thủy chỉ một, không phải hai bản thể cứu cánh tồn tại. Học phái này bên Tiểu thừa không chú ý. Bởi bên Tiểu thừa quán sát lý của vạn pháp biết sinh diệt, vô thường, tức tất cả đều không, để cầu giải thoát. Cho đến các pháp trong vạn hữu, từ đâu mà sinh, thì không phải là chỗ luận cùng tột của Tiểu thừa nên học phái này thuộc về Đại thừa chính quán. Đại thừa có Giáo, Lý, Hạnh, Quả như ở đoạn trước đã nói rõ. Giáo tức là học thuật, Lý tức là chân lý được sáng tỏ của học thuật. Hai phần này đã đủ để vượt qua sở năng của triết học hiện đại. Đến như Hạnh cùng Quả thì lại không phải là chỗ mà triết học có thể theo kịp. Điểm này như phần tựa của Luận nói: "Thực chứng tất cả pháp nhất tâm chân như tức là chân thực nhận thức, chân thực chứng minh nguyên thể của vũ trụ vạn hữu”. Điểm này các triết học hiện đại chưa có thể làm được. Việc có thể thực hiện được của họ chỉ là đem triết học từ xưa nay đều phủ nhận mà kiến lập một phương pháp nhận thức trọng thực nghiệm. Sở dĩ họ phải phủ nhận các triết học từ xưa nay là vì triết học xưa nay đều là đối lập giả danh để mong đạt được mục đích đều không thể thực chứng, như các luận thuyết Nhất nguyên, Nhị nguyên, Đa nguyên, Duy vật, Duy tâm đều như thế cả. Phàm triết học là căn bản của các môn học, không thể chỉ bằng vào lý tưởng mà không có thực tế, nên học giả thời nay đều lấy triết học xưa làm giả thuyết mà phủ nhận nó. Nhưng triết học hiện đại dù hết sức tiềm thực, chúng cũng như bệnh chưa lành, điều họ xướng lập còn trong phương pháp thí nghiệm. Nay đây, trước tạm nói một cách khái quát, ngày khác sẽ trình bày bằng một bộ sách chuyên môn cho vấn đề này. 1. Triết học chứng nghiệm và thực dụng của trường phái Đỗ Uy. Triết học chứng nghiệm và thực dụng là do các học giả người Mỹ đề xướng, rất thịnh hành ở nước họ. Ở Trung Quốc dựa trên phương diện nhiều người biết Đỗ Uy, nên tạm dùng phái Đỗ Uy mà gọi tên. Phái triết học này chẳng tìm thuyết minh bản thể vạn hữu, chỉ tìm giải quyết theo sinh hoạt có liên hệ giữa nhân loại với nhau. Nói cách khác tức là môn học chuyên nghiên cứu thực dụng đời sống của loài người. Lập thuyết này cho rằng, bản thể vũ trụ vạn hữu dẫu có thể chứng minh cũng không quan hệ gì đến sinh hoạt hằng ngày của nhân loại, việc cấp bách của nhân loại hiện nay, đầu mối ở thực dụng trên sinh hoạt chung. Sự nỗ lực của phái này chính ở đây vậy. Nên học giả thời nay phủ nhận đó chẳng phải triết học, huống nữa cho rằng hữu dụng, vô dụng, chẳng phải là tiêu chuẩn tuyệt đối duy nhất, tức có thể nói cái hữu dụng đó cũng hẳn tùy thời, tùy chỗ mà có biến hóa công năng trọn mất không có hằng thường như người đói ăn, khát uống. Chính lúc đói ăn khát uống, ăn đó là hữu dụng, lúc không đói khát, uống ăn cũng có thể gọi là vô dụng. Như thế là phái này nói có thực dụng tức là chân lý hiện hữu, còn không thực dụng, tức không phải chân lý hiện hữu. Y theo thuyết này muốn phủ nhận tất cả, đâu ngờ trước tiên bản thân của họ đã không có chỗ lập. 2. Triết học sinh hoạt tinh thần của trường phái Âu Căn. Đây là triết học của nước Đức. Trường phái này vẫn chú trọng ở hành vi sinh hoạt chẳng phải như Triết học thuần chính, chuyên nghiên cứu bản thể vũ trụ hạn hữu. Nhưng mục đích của trường phái này, trong phần Triết học thuần chính cũng đã nói lược. Họ nói "Trong tất cả sự sanh diệt biến hóa, tức có cái không sanh diệt biến hóa luôn tồn tại, gọi đó là tinh thần, sinh mạng, là bản nguyên của thế giới và nhân sinh". 3. Triết học trực giác của phái Bá Cách Sum (Bergson, - Henri - 1859-1941 triết gia người Pháp) cùng triết học tích quán của phái La Tố Nhĩ (?). Phái Bá Cách Sum là triết học chính của nước Pháp, vì lấy tâm lý làm cơ bản, nên gọi là trực giác. Phái La Tố Nhĩ là triết học của nước Anh, lấy số lý làm nền tảng, nên gọi là Tích Quán. Cả hai phái này đều phá bỏ lời của Khương Đức (Kant 1724-1804 Triết gia Đức. Tư Tân Tắc Spencer học giả người Anh, tinh về xã hội học và sinh vật học 1820-1903) bất khả tri, chỉ suy trên tiến trình mà lập thuyết của họ. Tư Tân Tắc nói có thể tóm lược rằng "sự lý là bất khả tri, cũng khả tri" bản thể vũ trụ vạn hữu là bất khả tri, bởi bất khả tri nên gác qua chẳng bàn, nhưng hai nhà kia họ cho cái bất khả tri đó chẳng phải bất khả tri tuyệt đối, cũng do chưa được phương pháp năng tri nên bất tri. Như thế Bá Cách Sum lập trực giác làm phương pháp trên tâm lý. Tóm lại đều còn nằm trong vòng thí nghiệm, chưa đưa ra chứng thực. Ba trường phái triết học kể trên đại khái khả dĩ đại biểu cho nền triết học hiện đại, đã mang mục đích của Hình nhi thượng học mà chưa có thể chứng minh. Vả, đem triết học giả danh không thực xưa nay đó để phủ nhận. Nhưng ở trong Phật pháp thì tuyệt đối không thể phủ nhận. Vì phần lý của Đại thừa là ba cõi chỉ có thức, tánh của muôn pháp vẫn là không, vốn ở hiện chứng chớ không phải là ở những lời nói rỗng. Những người muốn đạt được mục đích Hình nhi thượng học nên nghiên cứu đó. TIẾT 5: Những tôn giáo mê lầm của hiện đại. Hai chữ tôn giáo giải thích theo Phật pháp là rời ngôn thuyết, rời tư tưởng, rời tất cả sự phân biệt. Nhất tâm chân như gọi là Tôn, dùng ngôn thuyết để hiển bày chân lý, gọi đó là Giáo. Song tôn giáo của người thế tục thường hiểu khác hơn đây. Nghĩa đó hoặc là sự giáo hóa của một thứ tôn phái, hoặc là sự giáo hóa được tất cả người đời tôn ngưỡng. Vả, tôn giáo có nghĩa cưỡng chế tín ngưỡng, lại trên đó riêng có một vật vượt ngoài vạn hữu (như Thượng đế v.v...) là nghĩa mà tất cả người đời không thể không tôn ngưỡng. Ý nghĩa tôn giáo của thế tục tóm tắt là như thế. Tuy mỗi tôn giáo cũng có chỗ thấy được một khía cạnh gần chân lý, nhưng theo tôn giáo mà sinh ra mê lầm, thì không thể không biện minh. 1. Mê lầm về quỷ linh. Người đời nói quỷ hoặc là hồn linh, hoặc là hồn phách, hoặc là quỷ thần; tên tuy có khác nhưng ý nghĩa đều chỉ cho người hoặc loài động vật lớn nhỏ, sau khi chết mà không mất hẳn. Nay xin đem một chữ Quỷ để nói khái quát. Người đời đối quỷ thần hiểu một cách sai lệch, nên mê chấp và tà thuyết từ đó sinh khởi. Kẻ minh đạt ở đời, hoặc có xướng lên luận thuyết không có quỷ để phản đối đó, nhưng chưa đưa ra được những bằng chứng thực rõ ràng, nên không đủ để phá tà thuyết trên. Đây nương theo Phật pháp để nói. Phật pháp không nói linh hồn, nếu theo ngôn ngữ thế gian cho là giải thoát, thì một danh từ Bổ Đặc Già La cũng tương tự đó. Bổ Đặc Già La là nghiệp thức của tất cả chúng hữu tình, sau khi chết theo nghiệp dẫn dắt mà lưu chuyển trong sanh tử, không dứt hẳn cũng chính là thức này vậy. Nhưng thức này tuyệt không như linh hồn khả dĩ rời ngoài người, vật mà có riêng thân thể và tự tồn tại. Do đó, lối giải thích trên kia hẳn đã khác xa với quỷ. Đến cái gọi là quỷ đó, là một loại trong năm thứ cùng trời, người, súc sanh, địa ngục đồng sống trong thế giới Ta bà này, có thân thể, có động tác, có sanh tử, có hành sự, nói tóm lại là đồng như người không khác. Nhưng cũng ở chung với người mà chúng ta không thấy họ, bởi nghiệp báo không đồng. Người chẳng thấy thiên thần cũng giống như vậy. Nên quỷ có thể nói là chuyển sanh làm quỷ mà không thể cho rằng người đã chết và cũng không thể cho rằng loài súc vật đã chết. Thế nên, người hoặc có chuyển sanh làm quỷ, cũng như chuyển sanh vào loài thiên thần hoặc súc vật khác, chẳng phải hẳn rằng chết rồi biến thành quỷ. Bởi do nghiệp thức lưu chuyển trong sanh tử không ra ngoài năm thú vậy. Nếu rõ được lý nghiệp thức lưu chuyển sanh tử này thì nghĩa quỷ có thể rõ và mê lầm theo lối quỷ cũng được phá vỡ. 2. Mê lầm về số mệnh. Số mệnh, như nói rằng thiên số, thiên mệnh có nghĩa nhất định không biến dời, không thể cải đổi. Trong thế gian các thuật chiêm tinh, chiết tự, đoán mệnh, xem tướng… nhân đó mà hưng thịnh. Những dữ kiện xung quanh đời sống của con người như giàu, sang, dốt, giỏi, thọ, yểu, sanh, tử cho đến nhất cử nhất động, nhất ẩm, nhất trát đâu cũng do tiền định, không thể nào chạy trốn được. Lại do có thể bói, toán, xét tính, muốn trong cái không thể chạy trốn được, gắng sức mong chạy trốn. Do đây ngoài ý có tâm tưởng cầu may, ngoài việc nghiễm nhận nghiệp quả, riêng có cái thế tục của số mệnh thao túng tồn tại. Thứ tín ngưỡng mê lầm này thâm nhập vào lòng đa số người ở thế gian. Cả thảy nhân sự có thể bỏ và cần kiệm từ thiện đều vô ích, chỉ mong mỏi cái may mắn bâng quơ, mà nhân quả chân chính có thể lại không tin. Bởi một phương diện nhận số mệnh đã định trước, một phương diện khác muốn chạy trốn. Xét cùng nguyên ủy của nó thì hoặc do dựa theo thần quyền để gây tạo việc huyễn hoặc quần chúng, hoặc do hiểu lầm không hiểu nghiệp quả. Dựa trên căn bản Phật pháp mà luận, người do nghiệp đời trước làm nhân, chịu quả báo quyết định, tức lầm cho nghiệp quả là số mệnh, có hạn định mà thao túng đó. Không biết các pháp Phật nói tất cả chỉ là tâm, nghiệp đời trước của người cũng do tâm tạo, đã do tâm tạo thì muốn cải đổi cũng phải do tâm, tự tâm mình. Thế nên, nếu người chẳng giác biết, ắt bị nghiệp quả trói buộc. Người đã giác biết rồi thì khả dĩ tự tâm mình cải thiện tiêu trừ nghiệp ác. Quyền ở tự tâm chẳng phải như số mệnh nói rằng Trời làm chủ. Nghĩa nhân quả chân chính, chính ở chỗ đó. Những người tin theo số mệnh chỉ dạy họ đối với nhân quả chân chính một phen nghiên cứu rõ ràng thì mê lầm trước tự bỏ, thế đạo nhân tâm thực có bổ ích vậy. 3. Mê lầm về không định. Vũ trụ vạn hữu do ý thức phát hiện (thuật thôi miên của thời cận đại cũng có thể chứng minh cho lý này). Nhân sự minh liễu ý thức phân biệt, nên biết rằng nó có, vì lúc không ý thức thì tất cả đều không. Y cứ lý Duy thức thì có năm chỗ không có ý thức : 1. Lúc ngủ say. 2. Lúc chết giấc. 3. Vô tưởng định. 4. Vô tưởng báo. 5. Diệt thọ tưởng định. Không định tức là Vô tưởng định đã nói ở trên. Nói theo thế gian thì trình độ của Không định rất cao, chỉ vì người đời thường thường nhân đây mà sanh chấp không, nên không thể không nói rõ. Không định là tạm dứt ý thức, khiến nó không khởi. Ở trong định này biết vũ trụ vạn hữu không thực có, tức tất cả đều không. Trong định mà được như thế, khi xuất định nhớ lại bản thể của vũ trụ vạn hữu ta đã thực chứng, nguyên là hư không (như Đạo gia cho rằng thể đạo hư vô). Như thế mà chấp trước thì mê lầm. Cần biết, không định chỉ có thể hàng phục đệ lục ý thức tạm thời khiến nó không khởi, bản tâm chưa rõ, lầm là khoảng không mù mịt. Đắm trước hư vô này chẳng phải là cứu cánh; vì vô minh phiền não trong ý căn hoàn toàn còn vậy. Học giả như được định này, hiển phát rõ ràng cái hư giả, không nên trụ trước, ngõ hầu khỏi được lầm lỗi. Còn như chấp trước hư vô này là bản thể, thì trong ý thức bỗng động, vạn hữu lại hiện, chấp cho là hay, khéo đã rơi vào phái ngoại đạo. 4. Mê lầm về thần tiên. Người Trung Quốc xưa rất ưa thần tiên, từ ngàn xưa đã như thế (người nước ngoài cũng có song không quá lắm như người Trung Quốc). Đây y cứ theo Khế kinh nói lược, ngõ hầu khiến người đời không bị cần khổ một cách vô ích. Bởi Thần là thần thông biến hóa; Tiên là mệnh sống lâu dài, như Tiên Thú trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm nói. Thần tiên cũng là một loại chúng sanh, dưới loài trời mà trên loài người. Tiên Thú nhân tu sắc ấm kiên cố vọng tưởng mà được. Nghĩa là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cả năm thứ này đều lấy vọng tưởng làm gốc. Như người tu sắc ấm kiên cố vọng tưởng, cho là nghiệp trong nhân, thì người đó là thành công, có thể được quả vị Tiên. Mạng sống của họ tuy so với nghiệp báo loài người là lâu dài nhưng so với các trời cõi Dục đã không bằng rồi, huống lại cõi Sắc và cõi Vô Sắc, cho đến quả vị siêu vượt ra ngoài ba cõi. Thế nên, Thần Tiên cũng theo nghiệp mà thọ báo, chưa được giải thoát, vẫn còn sinh tử, dù thọ đến muôn tuổi, khi nghiệp hết rồi, vẫn ở trong luân hồi. Như người lấy đây mà cho là cứu cánh, tức thuộc về mê lầm; không thể không biết. * CHƯƠNG II: QUAN HỆ GIỮA PHẬT THỪA CÙNG NGƯỜI ĐỜI TIẾT 1: Phật thừa cùng tất cả chúng sanh trong pháp giới. Cần biết, nghĩa của Phật thừa là khiến cho tất cả chúng sanh trong pháp giới đều lìa khổ não, đều được an vui, vốn không hạn cuộc trong loài người. Như nói tôn giáo là nghĩa được nhiều người tôn sùng, thì phạm vi đó chỉ hạn cuộc ở loài người thôi. Nếu từ chúng sanh trong pháp giới mà quán sát, thì chỉ có Phật pháp là có thể phổ biến cùng khắp tùy loại ứng hóa, diệu dụng không cùng, là nơi quy hướng chung cho muôn loài trong pháp giới. Nên biết, Phật thừa là tôn giáo chân chính trong pháp giới vậy. Nghĩa của Phật thừa đã phổ biến cùng khắp mười phương pháp giới, ở đây chỉ đem loài người trong đời này mà quán sát, thì cái thấy đó rất là nhỏ hẹp. Tuy nhiên, trong phạm vi loài người, nói chuyện loài người lại có hại gì? TIẾT 2: Ở nhân gian hiện chứng đối với sự lợi ích của Phật thừa. Đây đem phần lợi ích của người đời khả dĩ biện chứng được đối với Phật thừa mà nói, không phải thần kỳ, biến hóa sự lợi đó vẫn tự đưa đến. Bởi thần thông biến hóa, yêu ma quỷ quái cũng có thể làm được, chẳng cần cầu lên đến quả vị Phật pháp. Cái lợi ở đây nói là, người theo chánh pháp này, tâm thân đều tu hành. Kẻ lợi căn thượng trí, có thể tiêu tan nghi hoặc, rời bỏ những kinh sợ, tâm địa được trong sáng, ý chí được vững mạnh, không còn bị tất cả lý luận và sự biến đổi trong thế giới làm mê loạn, diêu động, lôi kéo, phiền nhiễu, mà có khoái lạc chân thật. Có thể lấy đó tự tu, nương lòng từ bi, phát làm phương tiện, để lợi ích mọi loài. Người như vậy, thì tại thế cùng xuất thế không khác. Hơn nữa, tuy không phải là người thượng trí, cũng có thể tôn trọng kính tin Phật pháp. Thường nói rằng nhân tín sanh hiểu biết, nhân hiểu biết khởi tu hành, y nhân quả chính lý tu hành mười điều lành của trời, người, tâm địa cũng được an lạc; nhìn lên không hổ thẹn, trông xuống không tủi thân, là hạng người trong hàng hiền thánh vậy. Xét công danh của người đời bậc hiền thánh là tột, tu hành Thập thiện đối với Phật thừa vốn chẳng phải cao siêu, mà hiện tại đã được lợi ích như thế, thì quan hệ Phật pháp cùng với người đời há lại ít, cạn lắm ư? TIẾT 3: Phật thừa cùng pháp lành trời người. Đây nói chỗ quan hệ của người đời, cùng với Phật thừa. Vì sao cần nói đến pháp lành của Thiên thừa? Chúng ta đều biết rằng, người là nghiệp quả, tùy nghiệp chịu báo, vốn ở một tâm mình có thể là người cũng có thể làm loài trời, cũng có thể thành Bồ tát cho đến thành Phật. Phương chi các bậc thánh hiền xưa nay tuy đồng là loài người, nhưng hành vi của các ngài quyết không chỉ ở pháp lành của Nhân thừa. Như đức Khổng Tử bảy mươi mà tùy tâm mong muốn, không vượt qua khuôn phép. Ngài Mạnh Tử bốn mươi mà không động tâm, ở trong đó các ngài thực được như thế, nên bản nhân địa của các ngài đã vượt lên trên loài người. Chính Triết học Âu Tây hiện nay cũng có nói "Siêu nhân". Cho nên biết, đồng trong loài người mà có người thường, người lành, người quân tử, bậc thánh hiền không đồng nhau. Do đó, nói gồm pháp lành của Thiên thừa, thực đâu phải xa rời loài người mà bàn việc cao siêu! Pháp lành của Nhân, Thiên thừa chỉ là bước đầu trong Phật thừa mà thôi. 1. Pháp lành của Nhân thừa. Pháp lành của Nhân thừa, đầu mối ở tu hành mười giới1, kế tu mười thí. Do mười giới nên có thể sanh nhẫn, do mười thí nên có thể siêng năng chân chính. Mười giới là người có mười nghiệp ác cần phải ngăn ngừa, nên gọi mười giới: - Ba nghiệp ác của thân: 1. Giết hại, 2. Trộm cướp, 3. Tà dâm. - Bốn nghiệp ác của miệng: 4. Nói lời dữ, 5. Nói lưỡi đôi chiều, 6. Nói dối vọng, 7. Nói lời thêu dệt. - Ba nghiệp ác của ý: 8. Tham, 9. Sân, 10. Si. Ngăn ngừa khiến nó không khởi nên gọi là mười giới. Nói giới là ở chỗ hay sinh nhẫn: sinh nhẫn là ở trong sinh hoạt mà hay nhẫn nại. Bởi, người không tùy theo sinh hoạt tập quán khởi tham, tạo ác, hay an thuận với lý, tức là an phận giữ mình. Dầu bên trong có khổ, do có thể nhẫn được, nên mười nghiệp ác không dấy khởi và giới hạnh được hoàn bị, đây là phần căn bản của mình. Căn bản đã lập, kế thực hiện mười thí vì lợi ích cho người. Mười thí là chính từ mười giới mà tăng tiến thêm một bước nữa. Ví như người giữ giới giết hại, chỉ là không giết hại. Thí, thì chẳng những không giết hại mà hay cứu vớt những sinh mạng khác. Lại như chẳng những không trộm cướp mà còn đem của cải giúp người, chẳng những không tà dâm mà còn dạy người giữ lễ tiết, những giới còn lại cũng như thế mà suy ra. Chỉ tu hành mười thí và phải biết siêng năng chân chính. Siêng năng chân chính là siêng năng khó nhọc hợp với chính lý, không nên cay đắng một cách vô ích. 2. Pháp lành của Thiên thừa. Pháp lành của Thiên thừa gốc ở tu hành mười thiền định. Mười thiền định này thông cả ba cõi: Cõi dục có hai Cõi sắc có bốn Cõi vô sắc có bốn. Người tu hành mười định này rất cần pháp nhẫn để làm trợ hạnh, nghĩa là không bị năm trần sắc, thanh, hương, vị, xúc... quấy nhiễu, dẫn dắt, để tâm luôn luôn không động. Như thế bèn có mười điều xả. Xả là bỏ lìa, vì không tự đầy đủ. Ví như xả bỏ năm dục (năm dục thô của loài người là tài, sắc, danh, thực, thùy) mà được định ít dục (dục đạm bạc). Xả bỏ sự phiền động mà tiến lên định vị đáo, xả bỏ sở hữu cõi dục tiến lên cõi Sơ thiền. Lại xã bỏ cõi sơ thiền tiến lên cõi Nhị thiền, cứ như thế bỏ nhanh, tiến nhanh mà không trụ trước. Điểm hệ trọng ở đây là tinh tiến. Tinh tiến nghĩa là tinh thuần, chuyên nhất có tiến không lùi. TIẾT 4: Hiền thánh ở nhân gian cần tu chứng pháp lành của Thiên thừa. Như tiết trên nói, pháp lành của trời, người chúng ta phải hiểu tường tận. Chúng ta đã là con người, hẳn lấy pháp lành của Nhân thừa làm việc sở hữu chính của mình. Điều tiên quyết trong pháp tu là hay giữ giới thì không hại, hay bố thí thì lợi người. Cả giới, thí đều tu thì căn lành của mình tự lập. Lại tiến thêm một bước nữa tu hành pháp lành của Thiên thừa, vì làm nền tảng cho bực thánh. Định, Xả gồm thực hành căn lành được sâu dày, có thể thường ở cõi trời, cõi người, không bị đọa vào các nẻo ác. Thường nói rằng, người hy vọng bực hiền, hiền mong cầu lên thánh, thánh tiến đến bực trời, có thể thấy tâm người hướng thượng được đồng đủ, chỉ tại sự tu hành mà được như vậy. Thế nên, nói pháp không phải để vui tai, cốt khiến cho người nghe như thực tu hành, để được lợi ích của pháp thôi. TIẾT 5: Pháp lành của thế gian cần có pháp lành xuất thế làm gốc. Các tiết trước đã nói pháp lành của hàng trời, người, đều là pháp lành trong thế gian. Do vì hạng này chưa rõ nhất tâm chân như vốn không sanh diệt mà có chấp ngã. Dùng lời nói của thế gian nói rằng giành đó, rốt ráo thuộc phước nghiệp hữu lậu. Nếu người rõ được pháp xuất thế thì ngay nơi pháp lành thế gian này có thể làm nấc thang đầu vững chắc cho việc tu hành; còn không rõ được pháp xuất thế thì đối với pháp lành thế gian này chỉ hạn cuộc trong phạm vi thọ các quả phúc của trời, người thôi. Do đó, cần có pháp xuất thế làm gốc, về sau cái dụng của pháp lành trời, người mới phát huy rộng lớn được. TIẾT 6: Việc ứng hóa của các bậc thánh không thể nghĩ bàn. Tiết trước nói Phật pháp lưu hành ở đời ứng hóa chúng sanh, cần có người xuất gia tu hành pháp xuất thế để làm căn bản, sau đó pháp thế gian mới có thể toàn thiện và thanh tịnh. Ví như nước từ trong nguồn lặng trong chảy ra mới thuần sạch. Dựa theo nghĩa này, người học Phật trước nhất cần phải Quy y Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Nhưng bậc Thánh hiền ở lẫn trong loài người hoặc là hoá thân của Bồ Tát, hoặc là Như Lai ứng thế, thật chưa có thể dễ biết. Bởi hình thức tuy đồng là người thế tục, song các ngài có thể dùng các pháp lành thế và xuất thế gian dạy dỗ, giáo hóa mọi người, tức là thật hành đạo của Phật và Bồ tát. Thế nên, việc ứng hóa trong đời của các bậc thánh, thực là không thể nghĩ lường vậy. * CHƯƠNG III : PHẬT GIÁO LƯU TRUYỀN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỜI TRONG HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI Cần dứt nguồn loạn trên thế giới, gây tạo văn hóa cho thế giới, đầy khắp nhân tâm trong thế giới, đều có Phật giáo. Thế thì việc lưu truyền Phật giáo tự không thể lơ là chậm trễ được. Hôm nay đối với sự kiện trên, xin tiến thêm một bước nữa để thảo luận ngay phương pháp đó. Phần này có sáu tiết như sau. TIẾT I: Chỉnh lý chư tăng trụ trì Phật giáo. Người hay hoằng đạo, không phải đạo hoằng người, Phật pháp xưa nay thường trụ, đợi người hoằng đạo dụng ở đời. Công việc lưu truyền Phật giáo, không những chỉ là trách nhiệm riêng của Tăng chúng, mà người Phật tử tại gia cũng phải gánh vác một phần hết sức quan trọng. Trước xin bàn về Tăng chúng. Ý nghĩa của chư Tăng trụ trì là bảo trụ, nhậm trì Phật pháp, không để chạy theo đời loạn, quốc biến, mà có sự canh cải mất mát. Như Sa di, Sa di Ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni… đều là những vị trụ trì. Thế nên Tăng chúng chẳng phải chỉ một người, bởi gọi chung chúng xuất gia hòa hợp. Gọi là Tăng đồ, là Tăng chúng, tức nói lên ý có giáo đồ, có đoàn thể. Trách nhiệm đó, đã lấy trụ trì Phật pháp làm trước, thì đoàn thể trụ trì Phật pháp này không thể lại không cần kíp chỉnh lý. Hiện tại Tăng đồ trong nước ta (Trung Quốc) tuy có số chúng lên đến mười vạn, mà hình thức thì luông tuồng, cương kỷ lộn lạo, thực có thể gọi là họ sống không tổ chức, trách vụ gánh vác trụ trì Phật pháp ấy đã miễn cưỡng như thế, thì đâu có thể dám mong họ hoằng dương. Công việc chỉnh lý tăng đồ hiện nay không thể trì hoãn được. Trong Giác Xã Tùng Thư, Hải Triều Âm, Luận chỉnh lý chế độ Tăng giáo đã nêu rõ phần này và gồm cả phương pháp trong đó, đây không nhắc lại. TIẾT 2: Kiến lập Hội Phật Giáo Chánh Tín. Công việc hoằng dương Phật giáo, không hạn cuộc ở người xuất gia mà trách nhiệm của người tại gia tín tu chánh pháp không phải là không quan trọng. Vì sao? Vì hàng Tăng đồ đã là người xuất gia, việc phải làm trước nhất của họ là tự tu, họ cần phải ở chỗ vắng vẻ không nên ở nơi ồn náo. Vả lại, giữ gìn nghi phạm là trách nhiệm chuyên môn của họ, còn việc lưu bố trong thế gian chỉ tùy theo phạm vi phần hành của họ thôi. Nếu người Phật tử tại gia, đã phát khởi lòng tin chân chánh tức phải lấy thực hành đạo Bồ tát làm trước. Nghĩa là người phát tâm Bồ tát "tự mình chưa được độ, mà hay độ người khác". Vì thế, Phật tử tại gia quan trọng việc hoằng pháp lợi người bậc nhất. Hôm nay người tin tu theo chánh pháp đã không phải là thiểu số nữa nên cần tổ chức Hội Phật Giáo Chánh Tín cho có hệ thống, nhiên hậu do từ bản quốc lan rộng ra các nước lân cận, cho đến toàn thế giới. Sự nghiệp hoằng pháp này rất là trọng đại. TIẾT 3: Thiết lập giáo dục của Phật giáo. Xưa các tòng lâm của các tông Thiên Thai, Tịnh độ, Thiền… trong nước ta (Trung Quốc) thực là nơi giáo dục Tăng chúng. Đến nay những quy chế đó vẫn còn, chúng ta hãy mau lấy đó mà cải thiện, để có đầy đủ những trường học về tinh thần. Nếu là người Phật tử tại gia, thì các loại trường học đều nên lập ra hoặc cùng với Tăng đồ chung lập. Có những cơ sở giáo dục này thì không luận chư Tăng hay tín đồ, thật hay rõ lý tu hành và được giải thoát. Đây là cội gốc của việc truyền bá giáo lý. TIẾT 4: Thi hành sự nghiệp Đại bi cứu đời của Phật giáo. Hiện tại người tín tu chánh pháp, không luận tại gia hay xuất gia, phần lớn đều lấy vô sự cho là vui. Những người ấy có những điểm lầm. Thứ nhất, tưởng là hay ngồi thiền, niệm Phật, tức đã tu hành và coi như xong trách nhiệm. Thứ hai, không thể rõ bản tâm, không biết báo ân Phật tổ, là lấy ý chí Đại bi nối tiếp cứu đời, không biết sáu độ, muôn hạnh, làm nhiều việc có lợi cho đời, ngồi mà không chịu làm việc, thực cùng với tôn chỉ của Bồ tát phát tâm trái nhau xa hẳn. Vả khi chúng ta có được chút pháp lợi rồi chúng ta sẽ có tâm báo ân. Nếu có thể phát lòng thương xót lớn, hành theo hạnh của Bồ tát, đối với mình tức là công nghiệp tu hành, đối với Phật tổ tức là làm việc báo ân. Thế nên, công việc truyền bá giáo lý rộng làm cứu giúp… đều là sự nghiệp của đấng Đại bi cứu đời, chúng ta phải thứ lớp mà thi hành. TIẾT 5: Hiệp hội Phật giáo. Như trên nói tại gia, xuất gia đều riêng có đoàn thể, tổ chức, thì lại cần phải liên hiệp nhất trí, lập thành hiệp hội mới là toàn bị. Vả giáo đoàn không hạn cuộc ranh giới, quốc gia cùng các thứ ranh giới khác, rất cần phải từ gần đến xa, từ Đông sang Tây, tương lai lan khắp toàn cầu, khi đó Phật pháp sẽ là nơi lợi lạc lớn đối với người đời. Như vậy, số Tăng đồ không những thêm nhiều mà hội viên chánh tín cũng càng nhiều hơn nữa. Dầu người trong toàn quốc, toàn thế giới cộng đồng tổ chức cũng nên như vậy. TIẾT 6: Tương lai đồ chúng của Phật giáo. Lợi lạc của Phật giáo đã lan truyền khắp thế giới rồi, thì thế giới tương lai sẽ là từ nhiễm trược mà chuyển thành tịnh. Con người khi đó, cũng sẽ là những người lành, ba nghiệp tịnh thanh, tại gia mà tựa hồ đã xuất gia, không còn phân biệt, và bấy giờ hàng Tăng đồ xuất gia kia có hay không cần có? Đối với vấn đề này, chúng ta nên biết : hàng Tiểu thừa lúc chứng quả thánh, thì cuộc sống này họ đã giải quyết xong, không phải là chỗ người tại gia kham nhận nổi, hẳn cần xuất gia siêng tu ba môn học vô lậu mới lên được bậc vô học. Do đó nên nói: Dù đời ác đầy dẫy năm trược này, lúc chuyển thành thiện mỹ, vẫn có hàng đồ chúng xuất gia của Phật giáo. Những điều trong chương này trình bày, tuy quy mô rộng lớn, song điểm chính là sự thực và gần gũi. Trong Phật pháp không cần nói suông, mà quý trọng ở chỗ thực hành. Xin tất cả hãy cố gắng! ] |